LỄ CHƯ THÁNH

PHÚC CHO AI ĐƯỢC NÊN GIỐNG CHÚA KITÔ (Mt 5, 1-12)

Thưa quý vị.

Xin thành thật với quý vị, tôi thấy rất khó rao giảng về tám mối phúc. Bởi lẽ, nó đã được nói tới quá nhiều, trích dẫn thường xuyên, làm khẩu hiệu vẽ trên tường, cổng nhà thờ, nghĩa trang, nơi công cộng. Ý nghĩa của nó cao siêu, lời văn trôi chảy, cho nên nhiều thi sĩ đã đặt thành thơ, viết thành vần thấm đượm tình cảm lãng mạn. Các tín hữu đã nghe quá nhiều lần, cho nên bây giờ nói lại e có nhiều người bình phẩm: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Ngoài ra, lại còn vấn đề nội dung, nếu chúng ta khai triển từng mối phúc thì quá dài và thường xuyên đi ra ngoài đề tài. Hoặc nói đi lập lại, chi tiết vụn vặt, không hợp với tính chất trang trọng của bản văn. Sẽ có thính giả mất kiên nhẫn tặc lưỡi, búng ngón tay đếm tới mối phúc thứ chín! Lại còn vấn đề ý nghĩa! Nhiều người lầm tưởng Bát phúc của Tân ước tương đương với Mười giới răn của Cựu ước trên núi Sinai. Không phải vậy, khi tuyên bố Bát phúc, Chúa Giêsu đâu có dùng động từ truyền khiến “phải”: Anh em phải có tinh thần nghèo khó, vì nước Trời là của anh em! Ngài chỉ khuyên nhủ đơn giản: Phúc thay những ai có tinh thần nghèo khó… Các người theo Chúa chỉ buộc sống tám mối phúc để tỏ lòng cảm tạ Thiên Chúa vì những ơn Ngài ban cho trong cuộc sống, chứ không phải để chiếm đoạt thiên đàng hay phần thưởng mai hậu. Nó là Hiến Chương Nước Trời, giúp người ta sống hạnh phúc thật, chứ không phải lệnh truyền buộc phải tuân giữ để được Chúa cứu độ. Xin nhớ kỹ để chúng ta có thể tiến hành bài suy gẫm: Thiên Chúa khởi xướng và Hội thánh đáp trả. Đó là ý chính của Bát Phúc vậy.

Ngài khởi xướng điều gì ? Khởi xướng một lối sống hoàn toàn mới, tràn đầy hạnh phúc như nơi bản thân Chúa Kitô, và chúng ta được mời gọi noi theo, nếu muốn được hạnh phúc thật (chứ không phải giả tạo như kiểu thế gian). Tinh thần của tám mối phúc nằm ở chữ đầu của bài văn: “Phúc thay…” Bằng những lời này, Chúa bảo đảm hoặc ngay cả chúc mừng những thính giả đang nghe Chúa là “hạnh phúc”, bất chấp các khó khăn và đau khổ họ đang chịu đựng, giống như Ngài trên bước đường dương thế. Đây không phải là hạnh phúc tương lai, mà là hiện tại cho những kẻ bước theo gương sống của Ngài. Họ là những kẻ nghèo khó, tay trắng, khố rách áo ôm, không chỗ gối đầu. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại có một người chúc mừng họ như vậy. Thường tình thì người ta chúc khen những người may mắn, giàu có, thăng quan tiến chức, kẻ thành công… chứ không ai hoài lời cho kẻ bất hạnh, hẩm hiu. Trừ phi vì lý do đặc biệt. Và đây là trường hợp của Chúa Giêsu. Ngài nhìn thấy Thiên Chúa ưu ái những hạng người có tinh thần như thế, ban phước cho họ. Chúa Giêsu xác nhận ơn phước ấy theo thượng trí của Đức Chúa Trời. Ngài nói lên hạnh phúc của họ và những kẻ lúc ấy lắng nghe Ngài là những kẻ đón nhận hạnh phúc nếu nương theo tinh thần của Thiên Chúa: “Phúc thay ai có tinh thần khó nghèo…”

Liệu Chúa Giêsu có lầm lẫn về thời gian? Ngài nói: Hạnh phúc thay chứ không nói “sẽ” hạnh phúc, tức ở thì hiện tại chứ không phải ở tương lai. Chúng ta thường tưởng tượng hạnh phúc Ngài nói tới sau này mới đạt được. Nhưng không phải vậy, Ngài tuyên bố ngay lúc này, những kẻ lắng nghe Ngài đã được hạnh phúc rồi. Vậy thì ý nghĩa lời Ngài tuyên bố làm sao? Đang nghèo khổ, đói rét, bị bách hại mà được hạnh phúc ư? Cứ theo suy nghĩ nhân loại, thì đó là chuyện ngược đời. Nhưng dưới con mắt thần linh thì sự kiện lại khác. Những kẻ theo Chúa, dù đang phải hy sinh, đau khổ, nhưng cuộc đời của họ với Chúa là cuộc sống hạnh phúc. Ngài hạnh phúc thì họ không thể nào bất hạnh được. Thực tế, họ tràn trề ơn thánh, cho nên Chúa Giêsu nói đến hạnh phúc của họ ở thì hiện tại là chí phải. Dầu vậy, điều đó không có nghĩa mọi sự trên thế gian đã là hoàn toàn tốt cả đẹp cả, hoặc họ không còn phải chiến đấu với quỷ dữ, vật lộn với các thói xấu xác thịt. Sự vật vẫn bình thường như dòng sông lững lờ trôi. Nhưng những cuộc đời liên kết với Chúa Giêsu, thì được Ngài bảo đảm là hạnh phúc như chính Ngài vậy. Ngài là Đấng có tinh thần nghèo khó, hiền lành, thương xót, thanh sạch, đơn sơ, trong trắng, bị bách hại, bị chửi rủa, bị hành hạ, hiểu lầm, là người xây dựng hoà bình. Nghĩa là tất cả những điều mà Bát Phúc đề cập tới. Hoá ra Ngài mô tả chính mình trong tám mối phúc thật. Ngài nhục thể hoá những điều Ngài tuyên bố trong Hiến Chương Nước Trời. Do đó kẻ liên kết với Ngài không hạnh phúc sao được? Thiên Chúa chẳng hề nói dối, cho nên lòng tin của chúng ta vào Bát Phúc là chân thật, có cơ sở vững chắc hơn vũ trụ. Những người không tin, không thi hành quả là dại dột.

Nhưng thực tế, chẳng thiếu người chống đối tám mối phúc, gọi nó là sản phẩm của não trạng thụ động, uỷ mị. Đệ tử của nó được mô tả như những kẻ chủ bại, thiếu nghị lực, thiếu sáng kiến, chỉ biết an phận hoặc há miệng chờ sung rụng. Không dám chống cự lại bạo lực hãm hại mình (dầu sao họ vẫn được gán tước hiệu “hiền lành”, đúng không?) Họ kiên nhẫn chờ đợi những phần thưởng viển vông. Cuộc đời đầy dẫy điều xấu, vạ gì ham miếng bánh vẽ. Đứng dậy và tranh đấu. Không tranh đấu chẳng ai tự dưng đem phần đến cho mình. Muốn hạnh phúc phải tự thân đi kiếm tìm. Đó là quy luật muôn thuở. Tuy nhiên, những người chủ chương như vậy là lây nhiễm tinh thần thế tục. Đức Kitô chẳng hề dạy bảo chúng ta phải an phận thủ thường, chờ đợi cơ hội, hay sẵn sàng làm nạn nhân cho hoàn cảnh. Ngài cũng chẳng hề dạy không tranh đấu chống sự dữ. Điều Ngài dạy là phương thế chống lại cái xấu, tức không được lấy ác báo ác, bạo lực chống bạo lực. Mà là tấm lòng khoan dung theo gương Ngài. Khi bị treo trên cây gỗ Ngài nói gì? “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì lầm chẳng biết”. Phải hùng mạnh lắm thì mới nói được như vậy! Và kẻ thù của Ngài là ai? Có phải con người? Trăm phần là không. Kẻ thù Ngài cần tiêu diệt chính là tội lỗi và sự chết, chứ không phải nhóm người nào trong nhân loại, kể cả quyền bính đền thờ, những kẻ đã đóng đanh Ngài. Vậy thì chúng ta phải nhìn vấn đề theo hướng khác. Giả dụ chúng ta nhìn Bát phúc không riêng lẻ, nhưng như một đơn vị, toàn bộ cuộc sống, đặt tin tưởng nơi Thiên Chúa, noi gương Chúa Giêsu, nghèo khó, hiền lành, thanh sạch… thì người môn đệ lúc ấy mạnh mẽ biết bao? Cuộc đời rất phong phú dưới mắt Chúa. Bởi lẽ nó đã được đặt trong tay Đấng tối cao, an toàn hơn mọi đảm bảo mà quyền bính trần gian có thể cung cấp. Lúc ấy kẻ trông đợi và tin cậy Thiên Chúa bừng cháy lửa nhiệt thành, muốn mọi sự ở trong trật tự của Thiên Chúa. Họ bắt đầu hành động để ý Chúa thể hiện. Mối phúc thứ tư mô tả chân dung họ: “Phúc thay cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả”. Và bởi lẽ họ không ngưng nghỉ tranh đấu cho công lý, hoà bình, cho nên sẽ bị Satan ghen ghét, xúi giục chân tay tiêu diệt. Mối phúc thứ tám nói tới sự kiện đó: “Phúc thay ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì nước Trời là của họ”. Đây là những linh hồn, mà Chúa Giêsu tuyên bố đã chiếm hữu nước Thiên Chúa và say mê hành động để lập lại kỷ cương thần linh trên trái đất. Họ khát khao thánh ý Thiên Chúa chiếu sáng trên từng người và cả thế giới. Những kẻ nghèo khó trong tinh thần này không ngồi nhìn trăng sao mà ao ước suông. Họ tích cực truyền giáo, thu xếp mọi sự cho tốt đẹp bằng cách thi thố lòng hào hiệp, xót thương cảm thông, cổ võ hoà bình công lý, chữa lành các vết thương chiến tranh, chia rẽ, với đôi mắt luôn ngắm nhìn Thiên Chúa, bất chấp gian nan khổ cực phải chịu đựng, họ đích thực là kẻ có tâm hồn ngay thẳng, không thờ phượng một ngẫu tượng nào khác ngoài Thiên Chúa chân thật.

Nói cho ngay, nếu người tín hữu suy nghĩ kỹ Tám mối phúc thật, thì chẳng cần đọc thêm Phúc âm. Bởi lẽ Bát Phúc đã chứa đựng đầy đủ sứ điệp cứu rỗi của Chúa Giêsu. Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta đã nhập thể hoá những mối phúc này và sống các mối phúc cho đến mức độ viên mãn. Nói cách khác, Ngài là hiện thân của Bát phúc. Phúc nào cũng có ở nơi Ngài. Chấp nhận Ngài là chấp nhận các mối phúc và toàn bộ sứ điệp của Ngài. Sống trung thành với Bát phúc sẽ thay đổi tận căn cuộc đời chúng ta, mở rộng tầm nhìn của mình, làm cho nó sáng tỏ bằng ánh sáng mạc khải. Như vậy chúng ta sẽ trông xem thế giới bằng viễn tượng thánh thiện và lạc quan. Bởi lẽ chúng là những mối phúc thật. Chúng ta sẽ vững tâm liên kết với Thiên Chúa trong mối tương giao mật thiết, coi Ngài như người Cha nhân hậu, luôn mong ước thiết lập các cộng đoàn nhân loại mới, hạnh phúc và bình an. Những môn đệ của Chúa Giêsu sẽ chung sống với nhau bằng tình huynh đệ thực sự, dưới một Hiến pháp duy nhất, gọi là nước Đức Chúa Trời. Họ cố gắng kêu gọi đồng loại gia nhập nước ấy, bởi lẽ đó là bổn phận bác ái mà họ phải thi hành. Khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, đời sống Đức Kitô đã được ban cho tín hữu, cho nên Bát Phúc sẽ định hình, hướng dẫn và ban khả năng cho họ sống hoàn thiện. Như vậy, giống Chúa Kitô, họ sẽ kinh nghiệm đắng cay, nhục mạ và bách hại. Tuy nhiên, sức mạnh của họ vẫn từ nơi Thiên Chúa, Đấng đã tuyên bố, qua Đức Kitô: Họ có phúc và bảo đảm hạnh phúc ấy vững bền xuyên suốt cuộc đời dương gian. Amen.

Ý ĐẸP:
    Tuy tín điều các thánh cùng thông công xuất hiện trong thế giới Công giáo và hoạt động như khẩu hiệu giữa các tín hữu. Nhưng thần khí không giới hạn ân huệ của Ngài nơi các giáo dân mà thôi. Ngài loan toả ra khắp thế giới, nơi Thiên Chúa kêu gọi nhân loại tiến tới trung tín và tình yêu, thức tỉnh kiến thức về chân lý, linh hướng những công trình bác ái, cảm thương và công bình. May thay người ta có thể tìm thấy những tâm hồn quảng đại đáp trả lời mời gọi ấy trong mọi quốc gia, ngôn ngữ, tôn giáo. Ngay cả trong những miền hoang dã thô sơ. Đúng như vậy, bất kể nơi đâu vắng bóng việc chia sẻ đạo đức thần linh thì nơi đó xuất hiện gian ác tột độ, chém giết man rợ, chiến tranh liên miên và tuyệt vọng khôn tả. Cho nên ở mức độ thấp nhất, tín điếu các thánh cùng thông công không chỉ quy chiếu về các tín hữu mà thôi, nhưng còn xác định mối dây liên kết giữa mọi người, đàn ông, đàn bà, con trẻ và người già, những tâm hồn muốn tìm kiếm Thiên Chúa trong cuộc đời và được tình yêu Chúa ấp ủ. Từ viễn tượng này châm ngôn các thánh cùng thông công tỏ ra là một lòng tin bao quát. Nó vượt ra ngoài mọi ranh giới, hạn chế, phá vỡ mọi rào cản tôn giáo, xã hội và xây dựng nên một nhân loại đa dạng trong hiệp nhất do Thánh Linh thúc đẩy qua mọi thời, rộng khắp cả thế gian.