GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS TRỞ VỀ TÂM LINH CỬ HÀNH LỄ GIÁNG SINH

Paris. 24/12/2009, một lễ đêm vọng Giáng Sinh, một lễ ngày Giáng Sinh và thăm viếng hang đá bái thờ và tôn kính Chúa Hài Đồng đã được cử hành trọng thể với sự tham dự của nhiều giáo dân.

Cuối năm 1627, ở Kẻ Chợ, Hà Nội ngày nay, cha Đắc Lộ đã cử hành thánh lễ Giáng Sinh đầu tiên ở Đàng Ngoài. Trong tập “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài”, chương 22 cha kể rằng: “Chúng tôi đã mừng lễ Giáng sinh hết sức long trọng, nghĩa là chúng tôi bắt đầu rửa tội công khai mấy kẻ tân tòng, được tái sinh trong Chúa Kitô vào chính ngày Người giáng sinh. Hơn nữa, trong đêm Noen giáo dân tân tòng sốt sắng và hoan hỉ hát các bài ca sinh nhật và những bài ca tôn giáo khác. Mà vì ban đêm, không cho phép phái nữ vào nhà thờ theo thuần phong mỹ tục xứ này, nên mới tảng sáng, họ đã dậy sớm và đến nhà thờ rất đông. Chúng tôi trình bày ảnh Đức Giêsu hài đồng cho họ bái thờ và hôn kính, mọi người đều tỏ ra xúc động và cảm mến không sao tả được”. Qua mấy lời kể vắn tắt này, cha Đắc Lộ cho thấy ba việc ngài đã làm với các giáo hữu việt nam lúc đó: nghi thức vọng và lễ đêm Giáng sinh, lễ ngày Giáng Sinh và bái thờ và tôn kính Chúa Hài Đồng. Cả ba việc mà các giáo hữu Việt Nam tại thủ đô THĂNG LONG đã cử hành cách nay 382 năm, vào năm 1627, đã được các giáo dân Việt Nam tại thủ đô PARIS lập lại, đặc biệt vào Giáng Sinh 2009, trong những ngày đầu cử hành NĂM THÁNH 2010.

1. Nghi thức vọng và lễ đêm Giáng Sinh

Đã thành thói quen, Giáo Xứ Việt Nam cũng như nhiều cộng đoàn công giáo khác, mỗi năm tới lễ Giáng Sinh, đều thực hiện một nghi thức vọng giáng sinh, trước khi cử hành long trọng thánh lễ đêm Giáng Sinh.

Xem hình xin bấm vào đây

Từ ít lâu nay, với Ủy Viên Phụng Vụ và Thánh ca Huỳnh Thị Anh Thư, nghi thức vọng giáng sinh đã được tổ chức một cách rất văn hóa và được sự đóng góp của các nhóm nhiều tài nghệ và tích cực. Khi thì nghi lễ xoay quanh việc trình diễn thánh ca, lúc thì diễn trình văn thơ, khi lại dùng hoạt hình, lúc lại đối đáp,…nhiều kỹ thuật đã được dùng, nhưng mục đích chính là nhắc nhớ lại hành trình đợi Đấng Cứu Thế.

Tiếp theo nghi thức vọng Giáng Sinh là lễ đêm mừng Chúa Giáng Sinh. Không kể những dịp đặc biệt, mỗi năm có năm lễ lôi kéo giáo hữu tham dự đông đảo. Đó là lễ đêm Giáng Sinh, lễ giao thừa năm mới âm lịch, lễ Lá, lễ Phục Sinh và lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Có lẽ lễ đêm mừng Chúa Giáng Sinh là lễ mà số giáo dân đến tham dự đông hơn cả. Lễ đêm mừng Chúa Giáng Sinh năm nay, số người tham dự đứng chật cả nhà thờ, gian trong cũng như gian ngoài nối dài. Sự sốt sắng tham dự thánh lễ của giáo dân không chỉ tùy thuộc vào lễ nghi trang trọng, vào bài chia sẻ phúc âm thâm thúy của vị chủ lễ mà còn bị ảnh hưởng bới các bài thánh ca mà ca đoàn cùng giáo dân đồng hát. Năm nay, ca đoàn tổng hợp đã đặc biệt chọn hát nhiều bài đa âm cổ kính. Nhưng có một bài thánh ca giáng sinh mà mỗi lần hát, giáo dân đều cảm kích và sốt sắng hẳn lên. Đó là bài “Đêm Đông” của Hải Linh. Vào cuối lễ, khi ca đoàn hát đến bài này, không khí thành đường khác hẳn lên. Người ta có cảm tưởng như dó là tiếng hát của cả một cộng đoàn, thậm chí của cả một dân tộc, hát lên từ tận đáy lòng, muốn cùng hòa nhịp với tiếng ca của các thiên thần, chào đón Đấng Cứu Thế giáng trấn. Tất cả những người quanh tôi, trong những hàng ghế cuối nhà thờ, già trẻ lớn bé, ai ai cũng cao giọng cùng hát bài “Đêm đông”.

2. Lễ ngày Giáng Sinh

Lễ ngày ở giáo xứ thường có 2 lễ: lễ sáng vào lúc 11g 30 và lễ chiều lúc 17 giớ. Dẫu không đông người tham dự bằng lễ đêm. Lễ ngày giáng sinh cũng thu hút một số giáo dân giống như lễ chủ nhật. Năm nay, lễ ngày Giáng sinh đã được đức ông Mai Đức Vinh chủ tế và chia sẻ Lời Chúa.

Đặt vấn đề nên sống lễ Giáng sinh thế nào, Đức Ông nhắc đến mấy số liệu điều tra cho thấy cách sống của xã hội Pháp về lễ Giáng Sinh: 90% các bạn trẻ 15-17 tuổi cho rằng đó là lễ của gia đình. Dưới một khía cạnh khác, 90% toàn dân Pháp cho rằng lễ Giáng sinh đã bị tục hóa thành một lễ thương mại, và 77% các học sinh và sinh viên nghĩ rằng cần phải sống giáng sinh với tinh thần nhiều hơn.

Thực ra lễ Giáng sinh trước nhất là một lễ tôn giáo, lễ của niềm tin, lễ của quà tặng, mà quà tặng lớn nhất là quà tặng do Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự tặng mình để cứu chuộc nhân loại. Lễ Giáng sinh, trong đức tin công giáo, là lễ cử hành một mầu nhiệm lớn nhất: mầu nhiệm Ngôi hai giáng trần cứu chuộc nhân loại.

3. Thăm viếng hang đá để tôn kính và bái thờ Chúa Hài Đồng

Trích dẫn ký sự của Cha Đắc Lộ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Khiêm kể lại về ‘‘Người Chứng Thứ Nhất’’, thầy giảng Anrê Phú Yên rằng: Lễ Giáng Sinh năm ấy (1643) đoàn Thày Giảng đang có mặt tại Kinh đô. Và lịch sử Giáo Hội VN đã được ghi một cuộc mừng Lễ Sinh Nhật khá ly kỳ, tổ chức ngay trong dinh ông Tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, con bà Minh Đức. Tại đây, thày giảng Anrê Phú Yên, vốn có tài khéo léo dựng nên một hang đá rất đẹp. Máng cỏ ở giữa Thánh Giuse và Đức Mẹ. Giáo hữu khắp vùng lân cận đến viếng Chúa Hài Đồng. Chính ông Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê cùng con cháu, gia nhân đến thờ lạy và triều yết ‘‘Vua vinh hiển xuống thế làm người’’. Không có cha, không có thánh lễ, nhưng đặc biệt có một phụ nữ mạnh dạn và sốt sắng lên tiếng trước mặt giáo hữu và quan khách giảng về sự cao cả Chúa giáng trần. Phụ nữ ấy chính là bà Minh Đức, mẹ quan Tổng Trấn, bà dì của chúa Thượng. (Ngươi Chứng Thứ Nhất. tr. 91).

Giáo xứ Việt Nam Paris được may mắn hơn, có các cha và các thầy, có thánh lễ đồng tế và có không chỉ một mà là 17 hang đá, trong đó 15 hang đá đã dược các địa điểm mục vụ và hội đoàn công giáo tiến hành dựng lên dự thi.

Trước và sau các nghi lễ phụng vụ, giáo dân đông đúc qui tụ chung quanh các hang đá để bái thờ và tôn kính Chúa Hài Đồng.

Phải chăng giáo xứ đã nghe lời đức ông chủ chăn để nói lên rằng: « Lễ giáng sinh là lễ tuyên xưng niềm tin vào ơn cứu độ, vào tình yêu vô biên của Chúa. Lễ giáng sinh cũng là lễ của liên đới, của huynh đệ, của bác ái. 77% các học sinh và sinh viên thật có lý khi nghĩ rằng chúng ta nên trở về với ý nghĩa tâm linh để cử hành lễ Giáng Sinh ».

Paris, ngày 26/12/2009