HÀ NỘI - Cứ Hàng Năm Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là Bà Con Giáo Họ Đô Hai ở khắp mọi nơi đều hướng về Quê Hương để hiệp lời Cầu Nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Hiện nay trong Sài Gòn có khoảng hơn 300 người Đô Hai đang làm việc và sinh sống. Họ đã thành lập thành một Làng trong đó, bởi đây là Làng Nghề Truyền Thống ( Nghề Sừng Mỹ Nghệ) những năm trước đây thì bà con thường trở về quê hương trong ngày lễ Chúa Thánh Thần, nhưng năm nay bà con trở về ít hơn bởi trong Sài Gòn đã quy tụ lại và tổ chức mừng lễ Quan Thầy ngay trong đó. Để biết rõ hơn về Họ đạo Nhận Chúa Thánh Thần làm Quan Thầy,xin giới thiệu đôi nét về:

Có được đền thờ Chúa Thánh Thần Như ngày hôm nay giáo họ Đô Hai mất thời gian khá dài 8 năm, nhưng 3 năm đầu chủ yếu là giải phóng mặt bằng và củng cố tinh thần cho việc xây dựng Ngôi Thánh đường sau này. Nhờ ơn Chúa, ngôi đền thờ Đức Chúa Thánh Thần cao đẹp ngày nay được xây dựng trên một khuôn viên rộng 4517 m2 mà trước đó chỉ là 993 m2.

Thôn Đô Hai nói chung và Giáo họ Đô Hai chúng con nói riêng, được lập thành do nhiều dòng họ từ các nơi về đây lập nghiệp từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17. Như vậy, dòng họ về Đô Hai sớm nhất đã được 12 đời và dòng họ về sau cũng đã được 8 đời. Nhờ di chúc truyền khẩu nhiều dòng họ vẫn biết được quê gốc của mình. Bà con về đây 90% là người theo đạo Thiên Chúa, số còn lại theo Phật giáo, Họ đạo nhận Đức Chúa Thánh Thần làm quan thầy từ những ngày đầu tiên đến khai phá mảnh đất này.

Năm 1904, năm Thành Thái thứ 3 Cố Thi về cắm hướng xây dựng ngôi Nhà Thờ cho Giáo Họ Nhà thờ kiến trúc kiểu nam, có sáu hàng cột, hai bên có liệp bản, hoành rui, cột đều làm bằng gỗ lim, với hai mái ngói nam. Tháp cao, phần trên thu nhọn có hình cầu tròn trên đỉnh tháp. Diện tích xây dựng là 180 m2 nằm trên một khuôn viên rộng 993 m2, có ao phía đông. Khuôn viên Nhà thờ không được đẹp vì nhiều chỗ thu nhỏ bóp méo do đất của nhà dân đan xen liền kề. Số giáo dân lúc này chỉ 200 nhân danh.

Đến năm 1940 số giáo dân đã lên đến 400 nhân danh, Cha Tịnh cùng các cụ trong Giáo Họ đã có hướng chuyển nhà thờ về phía đông nam. Mặt bằng rộng, thoáng mát, lại nằm cạnh đường quốc lộ 64 thuận tiện cho giao thông đi lại. Cha Tịnh đã cho mua nhiều vật liệu như vôi, lim cột 12 cây, lim phiến 5 phiến. Vì chiến tranh thế giới bùng nổ nhất là năm 1945 trong nước cũng xẩy ra chiến tranh, thế là việc chuyển địa điểm và xây dựng lại nhà thờ không thể thực hiện được.

Đến năm 1991 nhà thờ cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, số giáo dân lên đến trên 1000 người, không kể bà con đi xa làm ăn. Vì thế, cụ trùm Hiếm và bà con muốn mở rộng hai cánh gà của nhà thờ. Bản thiết kế đã được cụ Ba và ông Kiệm vẽ. Nhưng sau khi bàn bạc và trình bày với Cha xứ Giuse Trần Ngọc Cương ( nay là Cha xứ Hàng Bột), ngài cho rằng làm như vậy là chắp vá và không có tình lâu dài. Cần mở rộng mặt bằng khi có kinh tế sẽ tiến hành làm mới. Lúc này Giáo dân rất nghèo, quỹ nhà thờ chỉ có 70.000 đồng và một tấn thóc.

Để có tiền xây dựng, ngoài việc huy động và con ở quê nhà, cha xứ Giuse còn cho phép Giáo Họ thành lập hội đồng hương ở các nơi để quyên góp. Sau ba tháng Giáo Họ đã lập được hội đồng hương ở Nha Trang, Sài Gòn, Buôn Ma Thuật, ở Rạch Giá…và ở Nước Ngoài Giáo Họ lập Hội đồng hương hoạt động rất tốt, mọi người động viên khích lệ lẫn nhau quyên góp. Nhờ có tài chính, Giáo Họ lấy thêm được đất đai. Cùng với việc mở rộng mặt bằng, chúng con xây được móng, hai bên nhà thờ, xây được hai gian cung thánh, nhưng vì điều kiện kinh tế lúc đó còn thiêu thốn nên sau một thời gian đã lún nứt.

Đến năm 2002 Cha Phanxicô Vũ Đức Văn về quản xứ, Cha Phanxicô đã tiếp sức qua việc động viên khích lệ Giáo Họ rỡ bỏ phần móng cũ và xây lại nhà thờ mới cao to, rộng đẹp như hiện nay. Đây là một quyết định rất táo bạo vì lúc này nhà thờ chỉ có gần 100 triệu đồng. Nhưng chúng Giáo Họ luôn tin vào tình yêu Thiên Chúa qua sự dẫn dắt của Cha và quyết tâm đi vào xây dựng. Cha xứ Phanxicô trực tiếp chỉ đạo: từ việc mua vật tư, đến xây dựng và cả việc huy động tài chính. Đến 30/12/2006, tròn 4 năm ngôi thánh đường về cơ bản đã hoàn thành.

Ngày 27/02/2007 Cha Phêrô Bùi Ngọc Tuấn về thay thế cho Cha xứ Phanxicô. Công trình được chuyển sớm sang giai đoạn 3, trong giai đoạn này, Cha đã giúp chúng con hoàn thiện nốt phần còn lại của công trình. Tất cả vẽ lên một bức tranh xứng đáng tô điểm cho một ngôi thánh đường đã đẹp lại đẹp hơn.

Thật là một hồng ân Giáo Họ Đô Hai không bao giờ dám nghĩ đến. Nguyện Xin Chúa Thánh Thần tuôn đổ muôn vàn Hồng Ân xuống trên toàn thể Giáo Họ chúng con và ban cho mọi người luôn hiệp nhất trong tình yêu Chúa.