Vatican (VIS) – Hôm nay, Hội đồng Giáo hoàng phụ trách Đối thoại Liên tôn giáo công bố Thông điệp hàng năm gửi các Phật tử nhân dịp lễ Vesakh. Thông điệp này có chữ ký của hai viên chức Hội đồng là Hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch, và Tổng giám mục Pier Luigi Celata, tổng thư ký.

Vesakh là một lễ hội Phật giáo quan trọng, đánh dấu ba thời gian chính yếu trong cuộc đời Phật Thích ca Mâu ni. Lễ được tổ chức vào ngày trăng tròn tháng Năm, vì, theo truyển thống, Phật sinh hạ, thành đạo và qua đời vào thời gian đó.

Thông điệp năm nay – viết bằng các ngôn ngữ Anh, Pháp và Ý – nhan đề “Người Kitô giáo và Phật tử: Cùng chăm sóc Trái đất”, nói rằng “việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy các phát triển nhằm duy trì và đặc biệt chú ý đến sự thay đổi khí hậu là những mối quan tâm nghiêm trọng của mọi người. Nhiều chính quyền, tổ chức phi chính phủ, công ty đa quốc gia, và các viện nghiên cứu, khi nhận thức được các đòi hỏi đạo đức nơi tất cả các phát triển về kinh tế và xã hội, đang đầu tư các nguồn tài chính cũng như chia sẻ kỹ năng về sự đa dạng liên quan đến sinh học, sự thay đổi khí hậu, bảo vệ và bảo tồn môi sinh.

Thông điệp nói tiếp: “Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng đang đóng góp vào cuộc tranh luận công khai. Sự đóng góp này dĩ nhiên không chỉ là phản ứng về các mối đe dọa thúc bách mới gần đây liên quan đến sự tăng nhiệt toàn cầu. Thiên chúa giáo và Phật giáo luôn luôn duy trì sự tôn trọng lớn lao đối với thiên nhiên và giảng huấn rằng chúng ta phải biết ơn sự phục vụ của trái đất. Quả vậy, chỉ nhờ suy tư sâu sắc về sự liên hệ giữa Đấng Sáng tạo thần thiêng, công việc sáng tạo và các vật thụ tạo, mà những nỗ lực nhằm giải quyết các mối quan tâm về môi trường sẽ không bị thất bại do lòng tham lam của cá nhân hoặc bị trở ngại do tư lợi của một số phe nhóm.

“Ở cấp độ thực hành, có thể chăng chúng ta, những người Thiên Chúa giáo và Phật giáo, không thể làm hơn nữa để cộng tác vào các dự án mà mỗi người và mọi người trong chúng ta cùng có trách nhiệm? Tái chế, bảo tồn năng lượng, phòng ngừa sự hủy diệt đời sống cây cỏ và thú vật, bảo vệ các nguồn nước, tất cả đều nói lên sự chăm sóc cẩn trọng, và quả thực, nuôi dưỡng thiện chí và thúc đẩy môi liên lạc thân ái giữa những con người. Theo phương cách đó, người Kitô giáo và Phật giáo cùng nhau trở thành những kẻ báo hiệu niềm hy vọng về một thế giới trong sạch, an toàn và hài hòa.”

Trong phần kết luận, thông điệp bày tỏ niềm hy vọng rằng những ý tưởng nói trên có thể được cổ võ “trong các cộng đồng của chúng ta qua sự giáo dục công cộng và tấm gương sáng của chúng ta khi tôn trọng thiên nhiên và hoạt động có trách nhiệm đối với hành tinh chung của chúng ta là Trái Đất.”