Tuần Lễ Người Già

Năm nay, Tiểu Bang New South Wales ở Úc mừng 50 năm kỷ niệm việc tổ chức Tuần Lễ Người Già từ ngày 6 đến hết ngày 13 tháng Tư, với hơn 700 chương trình kỷ niệm diễn ra khắp các địa điểm nông thôn và thành thị. Chính Phủ Tiểu Bang dành một ngân khoản gần 200 ngàn Úc Kim trợ giúp các cơ quan tư nhân tổ chức các buổi kỷ niệm này. Tại thủ phủ Tiểu Bang là Sydney sẽ có buổi hòa nhạc và lễ trao huy chương cho 60 vị cao niên và nhiều tổ chức của các vị cao niên cũng như các tổ chức phục vụ các vị này. Giáo phận Sydney, nhân dịp này, có tổ chức một thánh lễ tại Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary, vào Chúa Nhật tới, để gặp gỡ các vị cao niên trong Giáo Phận. Thánh Lễ sẽ do Đức Cha David Cremin chủ sự.

Người già thường có cảm giác càng ngày càng trở thành người vô hình hơn trong xã hội: không được ai nhìn thấy nữa, dù họ vẫn hiện diện ở đấy, và hiện diện ngày một đông hơn. Năm 1998, nhân năm Quốc Tế Người Già của Liên Hiệp Quốc, Ủy Ban Công Lý Xã Hội thuộc Hội Đồng Giám Mục Úc Châu đã cho công bố một Bản Tuyên Bố về Các Thách Đố Của Tuổi Già, nhấn mạnh đến sự đóng góp của lớp người này, không phải chỉ trong quá khứ mà ngay lúc này, trước mặt chúng ta, và mời gọi mọi người nhìn nhận sự hiện diện của họ và tiếp nhận ơn phúc từ sự hiện diện ấy của họ. Sau đây là nguyên văn Bản Tuyên Bố


Thách Đố Của Tuổi Già: Tuyên Bố Của Ủy Ban Công Lý Xã Hội Thuộc Hội Đồng Giám Mục Úc Châu

NHẬP ĐỀ

"Tuổi già qủa thách thức. Đó là chương cuối cuốn sách đời tôi nên tôi muốn ráng viết nó thật tốt" (Một người già được phỏng vấn) Tuổi già là một hiện tượng tương đối mới trong lịch sử loài người. Đầu thế kỷ, tuổi thọ trung bình ở Úc là 45 cho đàn ông và 46 cho đàn bà. Ngày nay tuổi ấy là 75 cho đàn ông và 81 cho đàn bà. Sự gia tăng này một phần do các tiến bộ trong cố gắng chống lại tử xuất nơi trẻ sơ sinh, nhưng phần lớn hơn nhờ các cải thiện y tế giúp con người sống lâu hơn trước. Năm 1911, chỉ có 4% dân số trên 65 tuổi. Năm 1996, tỷ lệ ấy tăng gấp ba lên đến 12% và hy vọng đến năm 2011 sẽ lên đến 14%.

Khuynh hướng gia tăng này vẫn đang tiếp tục. Ngày nay, những người 65 tuổi hoặc già hơn có tuổi thọ 3 năm dài hơn những người cùng tuổi vào những năm 1960-1962 (Ruth Fincher & John Nieuwenhuysen, Australian Poverty Then and Now, Melbourne University Press, Melbourne 1998, tr.186). Điều ấy phải được coi như một thành công lớn trong cố gắng của con người tạo nên những năm sống mới chưa từng có cho mọi người trên thế giới. Một Hồ sơ Xanh do chính phủ NSW vừa công bố cho rằng: "một xã hội già là một xã hội thành công"

Một Vấn đề Xã hội ?

Tuy nhiên, xã hội nói chung không chia sẻ quan điểm ấy. Thái độ thường thấy nhất đối với tuổi già là thái độ tiêu cực, như đã được Anne Deveson phúc trình trong cuốn sách Đến Tuổi (Coming to Age) của cô: "Người ta coi người già như những người không sản xuất, lụ khụ, lệ thuộc người khác và hết khả năng học hỏi". Đàng khác, người già bị nhiều người coi như một vấn đề xã hội - nghĩa là tốn tiền để giải quyết mà không đem lại lợi lộc gì cho vốn đầu tư kia. Chính người già cũng biết các phán xét ấy và cảm thấy chúng một cách thấm thía.

"Nhiều phụ nữ (trong lớp học viết văn dành cho các bà lớn tuổi) đề cập đến diễn trình ngày một trở nên vô hình hơn; không còn thấy nơi hàng thịt hoặc hàng bánh; bị bỏ sót hoặc bị hét lớn hoặc nói thật chậm tại phòng mạch bác sĩ; bị người ta ngó sang chỗ khác ngoài hè phố..." "Một bác sĩ chuyên khoa trẻ bắt tôi chờ quá giờ hẹn cả tiếng đồng hồ, mà cái hẹn đã được làm cả hàng tháng trước chứ ít ỏi gì. Có thể ông ta muốn nhắn nhe rằng thì giờ chả có gì quan trọng đối với người già, trong khi thực ra chúng tôi thấy nó thật qúy giá, vì chúng tôi chỉ còn rất ít..." "Bất hạnh thay, sự mất tiếp xúc thường xuyên với người già này dẫn người trẻ đến não trạng "xa mặt cách lòng", và do đó, người già nhạt dần đến chỗ vô ý nghĩa trong đấu óc họ."

Khước Từ Tư Cách Người

Câu "xa mặt cách lòng" là câu nói được nhiều người già sử dụng khi được yêu cầu cho biết thái độ của xã hội nói chung đối với người già. Một số tác giả còn đi xa hơn bằng cách nói rằng thái độ tiêu cực này là do hiện tượng "tước bỏ nhân vị" (depersonalising) đối với người già mà ra: không còn coi người già như những nhân vị đầy đủ nữa. Alex Comfort chẳng hạn nhắc đến sự kiện khi đến tuổi 65, người ta không còn được coi là người nữa (unpeopled): họ được coi là hết khả năng thích hợp, lệ thuộc, hết trí khôn và thiếu nhân cách, hoặc được coi là những con người có thể hy sinh được (expendable). Tác giả Mỹ Betty Friedan, khi bình luận về khuynh hướng của các bác sĩ coi chứng trầm cảm (depression) nơi người già như một thứ "bệnh già" hơn là một điều kiện có thể chữa trị được, đã nói rằng việc khước từ tư cách người nơi người già đã dẫn đến quan điểm ấy.

Sự Đóng Góp Của Người Già Phần lớn những thái độ tiêu cực trên đây đối với người già đều không có căn cứ thực tế. Sự thực là phần đông người già ngày nay khỏe mạnh, có sản xuất, độc lập về tài chánh và cung hiến sự chăm sóc hơn là nhận sự chăm sóc. Nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng chỉ có 5% người Úc 65 tuổi hoặc hơn sống trong các viện dưỡng lão. Đại đa số vẫn sống ngay trong lòng xã hội bình thường. Ba phần tư trong số họ giúp các con chăm sóc trẻ thơ, và bốn phần mười trong số họ giúp thân nhân về tài chánh. Một số đáng kể, tuy không được biết đến, đã tham gia vào nhiều cơ sở cộng đồng, kể cả các cơ sở của giáo hội, trên căn bản thiện nguyện, và rất nhiều cơ sở phải thành thật thú nhận rằng họ không thể tồn tại nếu không có sự đóng góp này. Có thể mạnh mẽ quả quyết rằng nhiều ngành trong xã hội tùy thuộc vào người già hơn là ngược lại.

Tiềm Năng Thể Lý Và Tri Thức

Phải nhận sự thật này là người già thường bị suy giảm về thể lý và trí khôn lúc tuổi cao. Nhưng những cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy sự suy giảm này không nội tại ngay trong tuổi già. Một cách tổng quát nó do nhiều nhân tố khác chứ không do tuổi già. Trong một cuộc nghiên cứu tại Mỹ, người ta tổ chức một chương trình huấn luyện thể lực cho những cụ già yếu nhất trong một viện dưỡng lão, tuổi từ 87 đến 96. Trong vòng hai tháng, nhiều tiến bộ đáng kể đã được nhận ra: khả năng phối hợp và thăng bằng thấy khá hơn, hiệu lực của bắp thịt được cải thiện đến 300% và những cụ trước đây không thể bước đi một mình được thì nay đã có thể tự mình bước đi không cần có người giúp ngay cả trong đêm tối. Một cuộc nghiên cứu tại Úc bao gồm 80 người tuổi từ 63 đến 91 tình nguyện học tiếng Đức cho thấy, sau sáu tháng, họ đã đạt tới trình độ kỹ năng mà một học sinh tại trường phải cần đến năm năm mới thực hiện được.

Trên đây chỉ là hai thí dụ lấy từ nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau mà kết quả đã đi ngược lại với quan điểm chung xưa nay vốn cho rằng việc suy giảm thể lý và tri thức là việc không thể tránh được đối với tuổi già. Các nhân tố tạo ra sự suy giảm phần lớn lại chính là những huyền thoại từng khích lệ quan điểm cho rằng sự suy giảm trên là điều không thể tránh được. Người già rút lui khỏi các hoạt động thể lý vì tin, hoặc bị người ta cho hay, rằng họ không còn xí quách nữa. Các khả năng tri thức suy giảm vì chúng không được sử dụng thường xuyên như xưa nữa. Điều ấy khiến nhiều người nghĩ rằng tuổi già là thời kỳ có tiềm năng lớn, một tiềm năng không được thực hiện. Friedan đặt câu hỏi: phải chăng một chiều kích mới của nhân loại đang vươn lên với tuổi già? Liệu có chăng những phẩm tính, những giá trị, những năng khiếu đang xuất hiện nơi những người đang tiếp tục lớn lên và tiến phát quá tuổi 65, những phẩm tính vốn không thể được phát triển đầy đủ nơi tuổi trẻ?

Thách Đố của Tuổi Già

Quan điểm của chúng tôi là: Có, có những phẩm tính như thế. Mặt khác xin đề nghị rằng chúng ta, với tư cách một xã hội, có trách nhiệm phải làm sao cho việc phát triển các phẩm tính ấy xẩy ra, y như trách nhiệm phải đảm bảo cho các công dân trẻ có cơ hội trở nên tất cả những gì họ có thể trở nên được. Từ khước các cơ hội này cho bất cứ người dân nào cũng là một thất bại về công bằng xã hội. Tập tài liệu này có mục đích thách thức các độc giả cũng như thông tri cho họ, khuấy động họ cũng như khích lệ họ. Hy vọng rằng nó sẽ mở cửa tâm trí người trẻ để họ chia sẻ thì giờ với người già, tìm hiểu họ. Cũng hy vọng người già sẽ tìm thấy trong nó sự khẳng định rằng tuổi đời của họ là thời kỳ đầy tiềm năng và giá trị. Nó có thể khuyến khích họ hướng tới một thái độ cởi mở đối với tương lai, chào đón những năm tháng cuối đời và nhìn quá bên kia chúng với niềm tin và hy vọng.Trong một cuốn sách mới đây, Stephanie Dowrick đã viết: "Một tâm tư rộng rãi, phong phú, đầy tò mò, khoan dung, già dặn, mở cửa đón chào cả những gì vẫn còn cần được khám phá lẫn những gì đã được khám phá sẽ đem lại một thách thức kỳ diệu cho một thế giới vốn sợ hãi tuổi già và người già". Một tâm tư như thế không những là một thách thức đối với một thế giới vốn sợ hãi tuổi già, mà còn là một thách đố đối với rất nhiều những giá trị duy vật và duy ngã của thời đại chúng ta, với khuynh hướng trách cứ quá khứ và từ khước tương lai của chúng.

MỘT VÀI SUY TƯ THẦN HỌC VÀ THÁNH KINH

"Dồi dào kinh nghiệm là triều thiên người già." (Huấn ca 25:6). Một cái nhìn tích cực về tuổi già, tức cái nhìn coi người già có giá trị lớn lao không những vì những gì họ có thể làm, vì những đóng góp họ thực hiện, mà còn vì bản sắc họ trong tư cách là những cá nhân, là một cái nhìn được các suy tư thần học và thánh kinh về tuổi già củng cố. Ở bất cứ tuổi đời nào, ta cũng có thể dựa vào Thánh kinh để tìm ra phương thế làm cho kinh nghiệm của chúng ta có ý nghĩa. Đối với các tín hữu, Thánh kinh là lời mạc khải của Chúa, còn đối với mọi người chúng ta, nó là sự khôn ngoan tinh lọc của nhiều thế kỷ, một túi khôn đã được khai triển từ nhiều nỗi thống khổ của một dân tộc từng bị mạ lị nhất xưa nay trong lịch sử loài người. Ta có thể tìm thấy những chỉ dẫn hoặc nguyên tắc trong Thánh kinh giúp ta nhìn vào các kinh nghiệm của mình mà thấy ra cái khuôn thước chỉ cho ta thấy ta đang ở đâu trên hành trình đời sống, đề nghị cho ta hướng ta phải đi, và cho ta biết liệu ta có đi trệch đường rầy hay không. Có thể ví như người đi chơi trong rừng bỗng nhiên không chắc mình đang ở đâu và hướng mình đi có đúng hay không. Rồi được trực thăng bốc và từ trên cao thấy rõ phương hướng của mình, đích điểm mình định tới và cách thế đi đến đó.

Thái độ Thực tiễn

Tuy nhiên, Thánh kinh không nói rõ lắm khi chuyên biệt nhắm vào tuổi già. Một phần có thể vì tuổi đời thời Thánh kinh khá ngắn, người ta ít khi sống đến tuổi mà nay ta gọi là tuổi già. Tuy vậy vẫn có những đoạn đáng lưu tâm. Thứ nhất, khôn ngoan được coi như triều thiên của người già: "Kỳ diệu thay sự khôn ngoan nơi người già... Lớn lao thay tuổi già biết cố vấn, biết xét đoán!...Dồi dào kinh nghiệm là triều thiên người già." (Huấn Ca 25: 4-6). Nhưng cũng Sách trên nhìn nhận rằng khôn ngoan không tự động có nơi người già cả: "Nếu không tích lũy gì lúc thanh niên, làm sao ngươi có được gì lúc cao tuổi?" (Huấn ca 25:3). Nói cách khác, một thanh niên dại dột phần lớn sẽ lớn lên thành một ông già dại dột. Người ta nhìn nhận và chấp nhận rằng sự suy giảm và đau đớn thể lý là một phần của tuổi già, và Sách Giảng viên có đoạn nói về sự suy giảm này: "Lúc còn trẻ, hãy nhớ đến đấng hóa công, trước khi... những năm tháng tới lúc ngươi nói, "những năm tháng này chẳng làm tôi vui"... trước ngày trai tráng khòm lưng, khi...lên dốc cũng thấy hãi kinh và bước đi cũng thấy hãi hùng." (12: 1-8) Trẻ em đuợc khuyên dạy phải kính trọng người già: "Con ơi, hãy săn sóc cha con lúc tuổi già, sinh thời người, chớ làm người sầu tủi. Trí khôn người có suy giảm, con cũng nể vì, đừng nhục mạ người, thời con đương sung sức.." (Huấn Ca 3:12-13).

Những đoạn văn trên cho thấy một thái độ thực tiễn đối với tuổi già. Chúng nhìn nhận sự đa dạng nơi người già cũng như nơi người trẻ, công nhận rằng tuổi già là lúc sức mạnh suy giảm đem theo đau đớn thể lý lẫn xúc cảm. Thế nhưng, chúng kêu gọi xã hội kính trọng người già, bất kể sức khỏe họ ra sao; chúng nhìn nhận người già thường có khôn ngoan; chúng ca tụng sự chiếm hữu khôn ngoan như thành tích vinh quang nhất trên đời, một thành tích người trẻ không đạt được.

Tân Ước

Mở Tân Ước, ta còn thấy ít suy tư chuyên biệt về tuổi già hơn nữa. Nhưng có những đoạn văn hoặc những chủ đề có ý nghĩa cho ta những gợi ý về điều Tân Ước có thể đã nói nếu có một sách nào đó chuyên biệt bàn về tuổi già. Xin đơn cử ba đoạn dưới đây: Đoạn thứ nhất dựa trên biến cố được Phúc Âm Luca (2:25-38) thuật lại: Đức Mẹ dâng Con vào đền thờ. Trong đoạn này, hai người lớn tuổi là Simeon và Anna đều đã nhìn ra nơi Chúa Giêsu điều mà các nhà cầm quyền và hầu hết mọi người khác đều đã không nhìn ra, tức là Đấng Cứu Thế, ánh sáng muôn dân, đấng Thiên Sai. Sự hiện diện cũng như cái nhìn thấu suốt của hai người lớn tuổi này vào một thời điểm chủ yếu của lịch sử cứu độ làm ta nhớ lại biến cố trước đó cũng có liên can đến hai người cao niên. Sách Khởi Nguyên nhấn mạnh đến tuổi già của cả Abraham lẫn Sara khi họ sinh hạ con trai Isaac. Việc Isaac sinh ra cũng là một thời điểm chủ yếu trong lịch sử cứu độ. Nó đánh dấu bước đầu tiên trong việc Thiên Chúa thực thi lời hứa của mình, những lời hứa chỉ được thực hiện đầy đủ nơi con người của Chúa Giêsu. Cả hai đoạn văn đều cho thấy rõ sự khôn ngoan và niềm tin của những người lớn tuổi.

Thứ hai, trong các thư của Thánh Phaolô cũng như nhiều phần khác của Tân Ước, có sự nhấn mạnh đến sự kiện này là sự đau khổ của con người một cách nào đó được tiếp nhận vào sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu và do đó trở thành nguồn ban sự sống. Những đoạn văn sau đây diễn tả điều đó: "Chúng ta đau khổ với Ngài để chúng ta được vinh quang với Ngài" (Rom 8:17); "Chúng ta chịu khốn đốn nhiều bề, luôn mang trên mình sự chết của Chúa Giêsu để sự sống của Ngài cũng đuợc tỏ lộ trong thân xác chúng ta." (2 Cor 4:10). Điều quan trọng là đừng quá đơn giản trong cái nhìn về những đớn đau khôn cùng vốn là một phần trong cảm nghiệm sống của nhiều người. Tân Ước không vinh danh đau khổ, cũng không đưa ra những giải đáp dễ dãi cho vấn nạn tại sao người ta phải đau khổ, nhất là những người vô tội. Nhưng Tân Ước quả có nhắn nhủ rằng đau khổ, theo một cách thế nhiệm mầu nào đó, có thể đem theo nó sự gặp gỡ với Chúa, một cuộc gặp gỡ không thể thực hiện được bằng cách khác. Điều này có thể bao gồm sự đau khổ vốn đi theo tuổi già, hoặc qua bệnh tật, lẻ loi cô độc, tang chế hay thất vọng.

Mạnh và Yếu

Thứ ba, qua Chúa Giêsu và trong nhiều bản văn Tân Ước, ta thấy có sự nhấn mạnh đến tầm quan trọng của yếu đuối và nghèo khổ: "Nếu các con không trở nên như trẻ thơ, các con sẽ không vào được Nước Trời" (Mt 18:3); "Thiên Chúa chọn điều thế gian cho là yếu đuối để hạ nhục kẻ mạnh" (1 Cor 1:28); "Chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh" (2 Cor 12:10); "Há Thiên Chúa đã không chọn kẻ nghèo trong thế gian để nhận sự giầu có của đức tin và để hưởng gia nghiệp nước trời đó ư?" (Thư Thánh Giacôbê 2, 5); "Đức Giêsu là viên đá bị thợ xây vứt bỏ đã trở nên viên đá góc tường" (Cv 4:11). Điều mà con người loại bỏ, Thiên Chúa đã chọn lấy làm của riêng. Ngài cố ý chọn kẻ nghèo và kẻ yếu làm dụng cụ cho Ngài. Người già thường thuộc loại này. Nhiều người trong số họ sống nghèo và yếu đuối, bị quên lãng bỏ sót và xử tệ. Họ thuộc số những người được Chúa Giêsu coi là có chỗ danh dự trong Nước Thiên Chúa. Đoạn văn diễn tả điều này một cách mạnh mẽ nhất chính là đoạn 25, câu 31-46 sách Phúc Âm Matthiêu nói đến cảnh phán xét. Chúa Giêsu tự đồng hóa mình với những người thiếu thốn về phương diện thể lý và xã hội, những người bệnh tật hoặc cần có người thăm viếng, hay những người thiếu thốn thực phẩm hoặc áo quần, nghĩa là những kinh nghiệm chung đối với người già. Giáo huấn Thánh kinh này, trong những năm gần đây, đã được Giáo hội khai triển thành chủ đề "ưu tiên chọn người nghèo". Những ngưòi nghèo và yếu đuối phải ở hàng đầu trong chương trình của Giáo hội vì họ đã đuợc dành chỗ danh dự trong cuộc sống và công việc của Chúa Giêsu. Đôi khi ta bị cám dỗ muốn nói rằng: " Phải, đương nhiên, người nghèo, người nhỏ bé phải được chăm sóc" và chúng ta, nói chung, quả có chăm sóc họ chu đáo thật. Nhưng Chúa Giêsu không nói "kẻ chót hết phải được chăm sóc" mà là "kẻ chót hết sẽ lên trước hết". Chúa Giêsu đảo ngược lại các giá trị vốn đã thành ước lệ (của cả thời ta lẫn thời Ngài) bằng cách nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng kẻ nghèo ở ngay trung tâm xã hội chứ không ở bên lề.

Chia Sẻ Thần Tính Đức Kitô

Các đoạn văn trên là những trích yếu đặc thù từ các đoạn, các biến cố hoặc các chủ điểm Thánh kinh. Nhưng đàng sau những đoạn văn, những biến cố và những chủ điểm ấy, và được dùng như nền tảng cho chúng, có một sự kiện đơn giản và hiển nhiên là người già, bất kể tình trạng phúc lợi về thể lý hoặc tri thức của họ có ra sao, họ vẫn là những con người. Theo cái nhìn thần học, điều đó có nghĩa là cũng giống như mọi người, họ đã được tạo nên giống hình ảnh Chúa. Điểm này áp dụng cho bất kỳ ai, không riêng gì người già. Tất cả chúng ta đều đã được dựng nên giống hình ảnh Chúa, và giá trị cũng như phẩm giá của chúng ta phát sinh từ điều chúng ta là, chứ không phải đìều chúng ta có thể làm hay không có thể làm, hoặc điều chúng ta đã thực hiện hoặc chưa thực hiện được. Người già đáng được xã hội kính trọng vì trước hết họ là những con người, và trong tư cách ấy, họ phản chiếu cách này cách khác vẻ đẹp và tính sáng tạo cũng như sức mạnh và sự khôn ngoan của Chúa, Đấng mà họ đã được dựng nên giống hình ảnh. Thánh Thomas Aquinô, nhà thần học vĩ đại thời Trung cổ, nói rằng tạo vật nào cũng mạc khải cho ta một khía cạnh độc nhất vô nhị nào đó của đấng tối cao. Quên điều ấy bằng cách đặt người nào đó ra bên lề hoặc bất kể giá trị của họ trong tư cách là những con người là nhắm mắt không chịu nhìn ngắm một khía cạnh tự mạc khải của Thiên Chúa. Thêm vào đó, phải kể đến ý niệm về giá trị của từng mỗi con người cá thể, một giá trị phát xuất từ sự kiện họ được Đức Kitô cứu chuộc. Ý nghĩa của điều này đã được phát biểu một cách rõ rệt trong lời nguyện Thánh lễ: "Nhờ nước và rượu này, xin cho chúng con đến chia sẻ thần tính của Chúa Kitô, Đấng đã tự hạ mình xuống chia sẽ nhân tính của chúng con." Việc Nhập thể đem chúng ta đến chia sẻ sự sống Thiên Chúa, cũng như đã đem Thiên Chúa đến chia sẻ sự sống con người.

(Còn tiếp)