MẪU THỨC TIẾN HÀNH CÔNG VIỆC BÁC ÁI XÃ HỘI
THEO THÔNG ĐIỆP “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU” CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICTÔ XVI


Dẫn nhập:

Có những điều không bàn cãi trong giờ này, hoặc vì đã được coi là những điều hiển nhiên rồi hoặc vì đã được minh giải trong những giờ trước của Hội Nghị, như:

Công việc bác ái xã hội của Giáo Hội Công Giáo là gì ? tại sao bác ác xã hội là một trong những nhiệm vụ chính yêu, tới mức trở thành một hoạt động thuộc về chính bản chất và cơ cấu của Giáo Hội ? bác ái xã hội bắt đầu từ khi nào ? biến chuyển ra sao theo dòng lịch sử ? tại sao phải dựa vào mặc khải của Đức Ki-tô, giáo huấn của Hội Thánh? học thuyết xã hội của Hội Thánh Công Giáo đưa ra những nền tảng, chuẩn mực, nguyên tắc và định hướng nào cho công việc này ? công tác bác ác xã hội hiện nay có những đặc điểm gì ? cần lưu ý khía cạnh nào ? Thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu” của đức giáo hoàng Benedictô XVI (ban hành ngày 25.01.22006) đóng góp gì vào công việc ấy ?...

Trọng tâm của bài này chỉ là đào sâu một trong những khía cạnh trên: dựa vào thông điệp vừa kể, đức giáo hoàng muốn giới thiệu cho các ki-tô hữu mẫu thức tiến hành công việc bác ái xã hội nào ? dựa vào đâu để giới thiệu mẫu thức ấy ? và mẫu thức ấy mời gọi các ki-tô hữu phải đào tạo mình như thế nào cho thích hợp ? Nhưng trước hết, cần xác định một số đặc điểm của công việc bác ái xã hội trong tình hình hiện nay.

I. CÔNG VIỆC BÁC ÁI XÃ HỘI TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Dựa vào chính thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu”, chúng ta có thể thấy mô tả một số đặc điểm của việc bác ái xã hội trong tình hình thế giới và con người hiện nay:

1. Trước hết, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của các phương tiện thông tin đại chúng (thông qua công nghệ tin học…) và các phương tiện chuyên chở, việc bác ái xã hội đã mang tính toàn cầu:

- Vấn đề nghèo khổ của con người mang tính toàn cầu;
- Việc giải cứu sự nghèo khổ của con người cũng mang tính toàn cầu;
- Một yêu cầu thực tiễn trước tiên được đặt ra là sự phối kết các nỗ lực bác ái xã hội, không phân biệt quốc gia, chủng tộc, ý thức hệ chính trị, tôn giáo, trình độ…(đọc TCLTY số 30)

2. Ngày nay không ai còn nghi ngờ vai trò và sự cần thiết của việc bác ái xã hội, kể cả các nhà lãnh đạo các quốc gia theo chủ nghĩa mác-xít (từng chủ trương không những không cần bác ái xã hội để cải thiện và phát triển đất nước mà còn cần loại trừ vì đó là cách dung dưỡng tình trạng bất công; đọc TCLTY số 26-29). Cũng vì ý thức vai trò cần thiết của việc bác ái xã hội, nên hiện nay không chỉ có những tổ chức của các tôn giáo mà còn có rất nhiều cơ quan đoàn thể phi tôn giáo, của các chính phủ hay phi chính phủ dấn thân vào mặt trận này.

II. MẪU THỨC TIẾN HÀNH BÁC ÁI XÃ HỘI THEO THÔNG ĐIỆP TCLTY

“Mẫu Thức” (‘paradigm” – tiếng Anh - hay “paradigme”- tiếng Pháp) là gì ? Trong ngữ học, mẫu thức là một thí dụ điển hình của ngôn ngữ cho biết âm tiết, từ, biến cách của từ, nghĩa, cách sử dụng (chẳng hạn có thể lấy các biến cách sau đây của từ ‘child’ để biết các biến thể của các từ trong Anh Ngữ; nếu vậy, có thể coi từ ‘child’ là một mẫu thức: ‘child’, ‘child’s’,’children’, ‘children’s’)…Trong xã hội học, mẫu thức là một cách hành động, dựa trên một não trạng hay quan điểm hoặc nguyên tắc và chuẩn mực nào đó.

1. Mẫu thức bác ái xã hội theo thông điệp TCLTY

Có thể nói cách vắn tắt là phải tiến hành việc bác ái xã hội vừa có tính chuyên môn, khoa học và kĩ thuật, vừa có tính bộc phát, tự nhiên và linh hoạt; vừa căn cứ vào lí luận của lí trí vừa lắng nghe tiếng nói của con tim; vừa nhắm đến hiệu quả khách quan có thể đo lương được vừa hướng tới hiệu quả chủ quan chỉ có thể trực cảm và nhận thức… (đọc TCLTY số 31).

Thông điệp mượn dụ ngôn người Samari nhân hậu (x. Lc 10, 30-37) để giới thiệu mẫu thức bác ái xã hội của Giáo Hội chúng ta, xưa và nay: Cũng như người Samari không những nhanh chóng “sơ cứu” (“ông lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” ) mà còn cứu chữa “tới khi nào nạn nhân được khỏi” dù có phải tốn kém thế nào (“hôm sau, ông lấy hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”) - một việc bác ái xã hội hết sức hữu hiệu, đòi hỏi sự xử lí khoa học và chuyên môn, khôn ngoan và tốn kém. Thông điệp nhấn mạnh: “các tổ chức bác ái của Hội Thánh – khởi đầu với các cơ quan caritas (thuộc giáo phận, quốc gia và quốc tế) – phải làm hết khả năng của mình để có sẵn các phương tiện, nhất là các nhân sự, và để có thể đảm nhận những trách nhiệm như thế (…) Khả năng nghề nghiệp là điều cần thiết đầu tiên và căn bản” (số 31).

Thế nhưng, cũng như người Samari nhân hậu không thể nào có những hành động hữu hiệu với sự chuyên môn và sẵn sàng tốn kém, nếu từ trước, trong lúc cứu chữa và sau khi cứu chữa anh ta không “chạnh lòng thương” (“một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương”), Thông Điệp cũng nói thêm rất rõ: “thế nhưng duy chỉ như thế thôi (“có khả năng nghề nghiệp”) thì không đủ, vì con người luôn cần một điều gì đó còn hơn là sự chăm sóc đúng đắn, đầy kĩ thuật. Con người còn cần đến tình người. Họ cần đến sự quan tâm của con tim. Đối với tất cả những ai hoạt động trong các tổ chức bác ái của Hội Thánh, phải chú tâm đặc biệt để không những làm những gì cần thiết và đúng lúc, mà còn phải quan tâm đến kẻ khác bằng con tim, để người này có thể cảm nhận được sự phong phú của nhân phẩm nơi họ” (số 31).

2. Đặc tính của việc bác ái xã hội

Thông điệp còn xem ra nhấn mạnh hơn tới khía cạnh thứ hai này bằng cách cho thấy sự độc lập và tự do của người làm việc bác ái xã hội không những đối với ảnh hưởng của các ý thức hệ chính trị và đảng phái, mà còn độc lập và tự do cả đối với sự nhiệt tình tìm cách “rửa tội” (“chiêu mộ” vào Hội Thánh) những người hưởng sự bác ái xã hội của Giáo Hội. Nếu không, chẳng những việc bác ái xã hội có thể không hiệu quả dưới những áp lực ấy, mà cả khi hiệu quả cũng chỉ hiệu quả một cách khách quan, và có thể thất bại trên bình diện chủ quan như người hưởng nhận việc bác ái xã hội có thể được giải cứu khỏi sự nghèo đói hay bệnh tật thân xác, nhưng lại quay ra mặc cảm, chán ghét và nghi ngờ người làm bác ái xã hội. Tuy nhiên, cũng chính thông điệp nhìn nhận một khi đã làm bác ái xã hội xuất phát từ con tim và tình yêu, người làm công tác này vẫn phải biết lúc nào có thể nói về Thiên Chúa, lúc nào thì nên thinh lặng và chỉ nói về tình yêu mà thôi. Tuy không bao giờ tìm cách áp đặt lên kẻ khác niềm tin của Hội Thánh, và yêu thương một cách thuần khiết và vô tư chính là chứng cớ hay nhất về Thiên Chúa – Đấng đã thúc đẩy chúng ta yêu thương như thế, nhưng người ấy cũng không thể quên rằng thường thường chính vì không nhìn nhận Thiên Chúa mà con người phải đau khổ và vì thế, khi cần, cũng phải cho người khác cơ hội nhìn ra Thiên Chúa và gặp gỡ Thiên Chúa (số 31).

3. Tại sao phải thực hiện theo mẫu thức ấy?

Có thể có những lí do sau đây (lý do xã hội hay ít nhiều do hoàn cảnh và lí do thần học hay thuộc về bản chất):

3.1. Có thể do tình hình hiện nay của con người trong thế giới: bất công và đau khổ của con người trong thế giới càng ngày càng khốc liệt, đe dọa thật sự tới chính sinh mạng và phẩm giá con người, nên GH phải có những hành động càng ngày càng hiệu quả qua các tổ chức và cơ quan của mình cũng càng ngày càng hoàn bị theo tiêu chuẩn không những của nội bộ mà còn của thế giới bên ngoài (khía cạnh thứ nhất của mẫu thức bác ái xã hội theo thông điệp). Điều này không phải chỉ mới thấy trong thời gian gần đây, mà ngay từ đầu Giáo Hội đã chứng tỏ khả năng hoạt động hữu hiệu của mình. Ngay từ những thập niên sau khi Giáo Hội thành hình, các tông đồ đã thiết lập hẳn một chức vụ dành cho những người có khả năng chuyên làm công tác “phục vụ các người nghèo” – ban đầu là các quả phụ nghèo – trong Giáo Hội (x. CvTđ 6,5-6). Rồi vào thời các giáo phụ, bên cạnh công tác bác ái xã hội được tổ chức rất qui củ và ổn định trong các đan viện, đã thấy có ban ngành hẳn hoi phục vụ công tác này tại các giáo phận và giáo hội địa phương như tại giáo phận Napoli và giáo phận Roma (thế kỉ 7 và 8). Trong các thế kỉ sau – nhất là trong những thế kỉ sự nghèo khổ gia tăng – luôn luôn thấy xuất hiện không chỉ những cá nhân mà cả những nhà dòng và những đoàn thể xả thân cho công việc này một cách rất thành công, như Gioan Thiên Chúa với các dòng Trợ Thế, Camillo de Lellis với dòng Camillo, Vinh-sơn Phao-lô và Louise de Marillac với tu đoàn Truyền Giáo và tu đoàn Nữ Tử Bác ái Vinh-sơn, Gioan Bosco với dòng Sa-lê-diên và dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, Frédéric Ozanam với Hội Bác Ái Vinh-sơn… Bên cạnh các tổ chức của các tu hội và tu đoàn, vẫn luôn luôn có các tổ chức cùng mục đích thuộc quyền hàng giáo phẩm, từ Trung Ương Tòa Thánh đến Hội Thánh quốc gia và các giáo phận. Một trong các tổ chức ấy là tổ chức Caritas. Để phối hợp nhịp nhàng và định hướng cho thống nhất tất cả các tổ chức theo đuổi mục tiêu này, đức giáo hoàng Phao-lô VI đã thiết lập một Hội Đồng trực thuộc Giáo Hoàng mang tên là Hội Đồng Tòa Thánh Đồng Tâm (“Cor Unum”). Tất cả những tổ chức này đã và đang được hoàn thiện cả về nhân sự, cơ cấu, cơ sở, tài chính và kĩ thuật để làm việc kết quả hơn. Nhất là kể từ khi các nguyên tắc và chuẩn mực làm việc đã được đúc kết và trình bày một cách rất hệ thống và nền tảng để hướng dẫn các tổ chức ấy, qua bộ sách “Compendium (Toát yếu) Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh Công Giáo” (ban hành năm 2004 do Hội Đồng Tòa Thánh Công Lí và Hòa Bình). Thật không ngoa khi Hội Thánh Công Giáo được Liên Hiệp Quốc tặng cho danh hiệu “nhà vô địch về nhân đạo” (“champion de l’humanité”) (TCLTY số 21-23.27).

Nhưng cũng chính khi dấn thân hoạt động bác ái xã hội trong thế giới ngày càng phức tạp, bên cạnh rất nhiều tổ chức khác – thuộc về các tôn giáo hay không – Giáo Hội Công Giáo cũng phát hiện thấy nhu cầu phải nhấn mạnh khía cạnh thứ hai của mẫu thức bác ái xã hội mà lâu nay mình hằng theo đuổi: đó là chẳng những không để mình bị lèo lái bởi một ý thức hệ hay đảng phái chính trị nào, cũng không mang tham vọng chiêu mộ tín đồ qua con đường bác ái xã hội (tính vô vị lợi hoàn toàn của việc bác ái xã hội), mà còn phải làm sao chứng tỏ chiều kích tâm linh và siêu nhiên của việc bác ái xã hội – Giáo Hội hành động không chỉ vì cảm thông với con người mà còn vì xuất phát từ lòng yêu mến Chúa và từ tình yêu Thiên Chúa mà mình đã cảm nhận. Có thể qua thời gian, bị gánh nặng là các nhu cầu mỗi lúc một khẩn trương của nhân loại đè nặng, Giáo Hội đây đó có thể quên đi hay không quan tâm đủ tới chiều kích tâm linh và siêu nhiên căn bản này, thậm chí cả tính vô vị lợi của việc bác ái xã hội, khiến nhiều người có cảm tưởng Giáo Hội chỉ là một tổ chức cứu tế xã hội không hơn không kém hay tệ hơn, một cơ quan hành chánh làm việc cho con người nhưng thiếu hẳn tình người. Thật may, Thánh Thần luôn giúp Giáo Hội cảnh giác và nhớ lại mối nguy ấy, thậm chí Ngài còn khơi gợi biết bao nhiêu người đứng ra tổ chức việc bác ái xã hội theo đường hướng sát với Tin Mừng hơn. Như thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” mà đức giáo hoàng Benedicto XVI đã tranh thủ đưa ra trong những năm đầu đời giáo hoàng của mình, như một đáp ứng nhanh nhẹn trước tình hình việc bác ái Giáo Hội ngày càng bị nghi ngờ hay thậm chí phản đối, có thể do chính cung cách tiến hành của các ki-tô hữu (số 31).

3.2. Tuy nhiên, đó chưa phải là lí do sâu xa khiến thông điệp giới thiệu lại mẫu thức bác ái xã hội của mình. Chính khi chiêm niệm lại tình yêu của Thiên Chúa, rồi của Đức Ki-tô đối với Thiên Chúa và đối với con người (phần 1 của thông điệp) mà tác giả thông điệp phải nhắc lại mẫu thức ấy. Thật vậy, làm việc bác ái xã hội với hai khía cạnh như đã nói trên đây là đòi hỏi của chính tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và mời gọi chúng ta hãy bắt chước để dành cho nhau. Một tình yêu vừa hành động hữu hiệu vừa dịu dàng thân ái và xuất phát từ sự chân thành trong tâm hồn. Nói theo ngôn ngữ của thánh Vinh-sơn Phao-lô, một tình yêu vừa “effectif” vừa “affectif”.

Quả thật, mọi hành động Đức Giê-su làm cho con người chỉ có thể giải thích trọn vẹn bằng tình yêu hoàn toàn vô vị lợi Ngài dành cho con người, cũng là tình yêu đạt tới chiều kích lớn bằng tình yêu của Thiên Chúa. Khi chết trên thánh giá, Ngài không để lại cho con người điều gì quý báu hơn chính thần khí của Ngài (cũng là tinh thần hay sự sống hoặc linh hồn hay tình yêu, tức là cái sâu xa nhất làm nên con người Ngài). Kể từ đó, vinh dự và hạnh phúc của con người không phải là được điều này điều nọ, mà chính là có khả năng yêu thương Thiên Chúa và loài người bằng tình yêu của Đức Ki-tô. Chính tình yêu này sẽ làm cho con người – cá nhân ki-tô hữu và cộng đoàn Giáo Hội – đủ sức thực hiện những việc bác ái xã hội có phẩm chất tương tự như của Đức Ki-tô ngày xưa (số 19).

Điều này được thể hiện rất sớm và rất rõ trong Giáo Hội sơ khai qua việc “các ki-tô hữu tự nguyện bỏ mọi sự làm của chung vì không muốn để ai trong cộng đoàn phải thiếu thốn (x. Cv Tđ 2, 44-45; 4, 32-37). Rõ ràng động cơ sâu xa khiến các ki-tô hữu có sáng kiến vừa hữu hiệu vừa đầy ắp tình thương như thế chính là tình yêu lớn của họ đối với Chúa và đối với nhau – một tình yêu mà họ đã được ban cho khi chịu phép rửa qua sự sống mới và thần khí mới của Đức Ki-tô. Các Tông Đồ cũng không coi việc thiết lập chức phó tế chuyên lo công tác bác ái xã hội chỉ thuần túy là do nhu cầu và hoàn cảnh đòi hỏi, mà vì ý thức bác ái xã hội là một sinh hoạt không thể thiếu, thuộc về chính sứ mạng và bản chất của Giáo Hội (Giáo Hội là gì nếu không phải là tập hợp những người ý thức mình được Chúa yêu thương và phải giúp người khác nhận ra Chúa yêu thương họ): chúng tôi (các tông đồ) không thể bỏ việc phục vụ Lời Chúa, nhưng cũng không thể xem nhẹ việc phục vụ các quả phụ nghèo, và vì thế phải nghĩ ra một cách nào đó để sinh hoạt thứ hai này không bị xao nhãng (x. CvTđ 6,5-6). Để chứng tỏ hoạt động này cũng căn bản không thua kém việc phục vụ Lời Chúa – cũng do Chúa Ki-tô yêu cầu và cũng đã từng được Ngài thi hành một cách thường xuyên và chăm chỉ khi còn sống, các Tông Đồ không chọn vào chức phó tế những người chỉ giỏi tính toán và khéo léo mà đó phải là những người “đầy tràn Thánh Thần và sự khôn ngoan” (x. CvTđ 6,1-6). Có như thế, việc phục vụ của các phó tế mới không phải chỉ là việc cứu tế vì thương người mà chính là một hành động của người đang sống trong Thánh Thần hay trong tinh thần và sự khôn ngoan của Đức Ki-tô hay trong tình yêu của Đức Ki-tô (x. số 21-24).

Nếu quan sát kĩ việc bác ái xã hội của Giáo Hội trong các thế kỉ sau, ta sẽ thấy: hầu như luôn luôn là sáng kiến của những vị “thánh” hay “chân tu”. Nói cách khác, hành vi yêu thương con người cách cụ thể đó chính là kết quả hay phản ảnh của tình yêu siêu nhiên giữa đương sự với Thiên Chúa đến nỗi có thể nói: càng yêu thương Chúa nhiều hay càng có tình yêu lớn của Thiên Chúa nơi mình, đương sự càng có những sáng kiến và nỗ lực phi thường và hiệu quả để bác ái đối với nhân loại. Như thông điệp có nói: “Thánh Thần Chúa Ki-tô là sức mạnh bên trong làm cho trái tim của họ được hòa nhịp với trái tim của Đức Ki-tô, thúc đẩy họ yêu thương anh em mình như chính Đức Ki-tô, Đấng đã yêu thương họ khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và nhất là khi hiến dâng mạng sống mình cho mọi người” (số 19). Nói chi đâu xa, gương chân phước Tê-rê-xa Cancutta mới đây là một minh họa cho điều này.

III. ĐÀO TẠO ĐỂ HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI XÃ HỘI THEO MẪU THỨC ẤY

Đến đây, chúng ta đã có thể xác định người thi hành công tác bác ái xã hội theo tinh thần Ki-tô Giáo trước hết phải là người

- cảm kích một cách sâu xa trước tình yêu Đức Ki-tô đối với mình và đối với người khác (nguồn gốc của hoạt động bác ái xã hội); thông điệp giới thiệu ba mẫu gương chỉ bắt tay làm việc bác ái với người khác sau khi đã chiêm niệm sâu xa tình thương của Thiên Chúa (TCLTY số 7), đó là Gia-cóp với giấc mơ về chiếc thang bắc từ đất lên trời, trong lúc chuẩn bị quay về hòa giải với Esau [x.St 28,12], là Phao-lô trước khi quay trở lại phục vụ hết mọi người đã được đưa ra khỏi bản thân mình để đi vào các mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa [x. 2Cr 12, 2-4; 1Cr 9, 22], là Mô-sê chỉ ra công bố với dân chúng sau những giờ đàm đạo với Chúa trong lều tạm [x. Xh 32, 7-11];

- muốn bắt chước Đức Ki-tô hiến tặng bản thân mình bằng cách tham dự một cách cá nhân và sâu xa vào những nhu cầu và đau khổ của người khác để cùng với Đức Ki-tô cứu độ họ), thay vì chỉ mủi lòng hoặc chỉ cung cấp các tặng phẩm (mục tiêu của hoạt động bác ái xã hội);

- đòi hỏi một sự khiêm tốn sâu xa khi thể hiện tinh thần bác ái xã hội: không những vì muốn noi gương Đức Ki-tô đã cứu giúp nhân loại nhiều hơn hết khi đứng trong vị trí thấp hèn nhất (trên thánh giá ô nhục), mà còn vì không quên được mời gọi tham gia việc bác ái xã hội là một vinh dự hoàn toàn bất cân xứng với khả năng của mình, nhất là khi nhìn tới nhu cầu bác ái xã hội vượt hẳn khả năng của mình (thái độ và cung cách thi hành bác ái xã hội);

- tuyệt đối cần tránh rơi vào một trong hai thái cực: hoặc quá hiếu động, quá quan tâm tới hiệu quả khách quan, đôi khi đi tới chỗ thiếu tôn trọng con người và áp đặt, vì có tham vọng muốn giải quyết mọi nỗi khổ của con người; hoặc quá thất vọng khi so sánh khả năng giới hạn của mình với tầm mức kinh khủng của các vấn đề nghèo khổ của con người, đôi khi đi tới mức cầu an, buông xuôi hay coi thường mọi nỗ lực của người khác (nguy hiểm của việc thi hành công tác bác ái xã hội) (x. số 33-36)

Trước những yêu cầu ấy, thông điệp cố gắng phác họa một chương trình đào tạo các người thi hành việc bác ái xã hội của Giáo Hội:

1. không kể việc đào tạo nghiệp vụ càng ngày càng cần thiết để công tác bác ái xã hội của Giáo Hội đem lại lợi ích thật sự cho người nghèo;

2. thông điệp đặc biệt nhấn mạnh tới việc đào tạo con tim hay giáo dục tâm hồn (“éducation du coeur”), một việc còn lâu dài và vất vả hơn các việc đào tạo nghiệp vụ kia nhiều, bao gồm những bổn phận sau đây:

- cầu nguyện hay quan hệ với Thiên Chúa một cách sống động để giữ mình ở trong con đường đúng đắn: không rơi vào sự kiêu căng coi thường con người (cho rằng mọi sự đều có thể giải quyết và giải quyết dứt điểm, dù đó là những mầu nhiệm của con người) nhưng cũng không thất vọng đến nỗi không làm gì để thực thi bác ái và phục vụ con người (ơn thánh và tình yêu của Thiên Chúa có thể giúp chúng ta làm được nhiều điều hơn chúng ta tưởng); cầu nguyện hay quan hệ với Thiên Chúa một cách sống động không phải nhằm tìm cách thay đổi chương trình của Thiên Chúa hay hoàn thiện những gì Chúa đã quan phòng, cũng không phải để có dịp lên án Chúa về những đau khổ của loài người, mà là để có cùng tình cảm, ý nghĩ và ước muốn như Chúa trước những thực tại khốn khổ ấy;

- nhìn ngắm các vị thánh đã sống bác ái cách gương mẫu, trong đó đáng kể nhất là đức trinh nữ Maria. Một người sống bác ái xuất sắc nhờ đã sống trọn ba thái độ căn bản với Chúa: tin vào Chúa và lời Chúa tới mức nói năng và suy nghĩ, ước ao và mong muốn hoàn toàn như Chúa nói năng, suy nghĩ, ước ao và mong muốn; cậy vào Chúa và lời Chúa tới mức dù có gặp khó khăn tới đâu, cũng chẳng bao giờ thất vọng và ngưng hành động; mến Chúa tới mức lúc nào chúng ta cũng thấy ngài vui tươi phấn khởi như người đang yêu, biết mình được yêu và biết mình đang yêu bằng cách hiến dâng tất cả cho Chúa. Nhờ kết hợp với Chúa như thế, ngài trở nên nhạy cảm và sáng suốt trước mọi nhu cầu của người khác (như nhu cầu của gia chủ tiệc cưới Cana khi hết rượu đãi khách), đồng thời trở nên dũng cảm và nhanh nhẹn đáp ứng các nhu cầu ấy. Chúng ta còn nhìn ngắm các vị thánh không chỉ để bắt chước, mà còn để nhờ các ngài dùng sự gần gũi Chúa mà chuyển cầu và giúp chúng ta thực hiện những ước nguyện bác ái của mình. Các ngài đã từng là những người cưu mang những nỗi khổ của con người sâu xa tới mức không thể rẫy chúng ra khi sống trong hạnh phúc bất diệt với thân xác phục sinh của mình. Càng là người sống bác ái sâu xa trên đời này, càng là vị thánh chuyển cầu đắc lời cho chúng ta trong đời sau (x. số 36-42).