Chiến Thuật Nội Thù (2)

3. Khăn Quàng Cầu Vồng

Nếu những người Công Giáo Xưa không phát triển được vì một phần đã đánh mất nhiều căn tính Công Giáo, đến nỗi, như Bách Khoa Từ Điển Công Giáo đã nhận xét, có nơi họ đã không còn tự gọi là Công Giáo Xưa nữa, mà đơn thuần chỉ là người Công Giáo để khoả lấp phần nào sự thất bại của họ, thì những người thuộc Hội Thánh Piô X lại thành công nhờ đi theo con đường ngược hẳn lại, để tự chứng tỏ mình mới là người Công Giáo thực sự. Nhìn kỹ hơn, người ta thấy chiến thuật của hai nhóm này thực ra có tính liên hòan gắn bó, được từ từ khai triển theo thời gian. Hai chiến thuật này đều chung một điểm là ly khai, và là ly khai trong lòng giáo hội. Nhóm đầu ly khai thực chất vì không còn chịu tài phán của Đức Giáo Hoàng, nhưng ở lại chiểu danh, bám lấy danh xưng Công Giáo, dù không còn là Công Giáo La Mã, cho ‘phải đạo’ hay đúng hơn để ‘nhập nhằng đánh lộn con đen’. Con đen đây có thể là những người Thệ Phản đã chán ngấy với cái chất giữ đạo thiếu hẳn chiều kích nhập thể của bí tích, mà phần lớn hơn chắc chắn là những người Công Giáo quá chán ngán với tính định chế mỗi ngày xem ra càng có sức đè nặng hơn, lấn át hết các tính tốt khác. Nhóm hai thu mình lại, theo kiểu biệt phái giả hình: thực chất là ly khai nhưng vẫn cho rằng mình ở lại, tự ý tấn phong giám mục nhưng vẫn không coi mình là một giáo hội độc lập mà chỉ là một ‘Hội’ trong Giáo Hội Duy Nhất, Công Giáo, Thánh Thiện và Tông Truyền (rất may cho họ: Kinh Tin Kính không có chữ La Mã!) với hàm ý: chỉ có Hội chúng tôi mới là Giáo Hội Duy Nhất, Công Giáo, Thánh Thiện và Tông Truyền. Xét cho cùng, cả hai nhóm đều đánh vào đầu não Đạo Công Giáo, vì ngoài Chúa Kitô, vốn là đầu Giáo Hội, còn đầu não nào bằng công đồng chung trong đó có cả người thừa kế Phêrô lẫn các giám mục hoàn cầu, là thừa kế các Tông Đồ, cùng hiệp thông trong một đức tin để lên tiếng dạy bảo. Không nghe họ, thì nghe ai?

Hai nhóm còn có chung một mẫu số khác: tất cả đều là những người Công Giáo Lựa Lọc, không tin Giáo Hội Chúa Kitô trong cái toàn diện của nó như chính Chúa Giêsu đã phán: “ai nghe các con là nghe Ta” (Lc 10:16), mà lựa chọn những điều hợp với suy nghĩ, với cảm quan, với nhận thức của mình để tin và tuyên truyền cho nhiều người khác cùng tin. Họ không chịu bước ra khỏi Giáo Hội như các ly giáo ngày xưa, mà nhất định ở lại bên trong để dành phần thắng. Nhất là nhóm sau, vẫn cho mình nguyên vẹn là Công Giáo, còn Công Giáo hơn tất cả mọi người Công Giáo họp lại, Công Giáo hơn cả chính Công Đồng, dù họ đã lựa lọc những điểm Công Giáo theo ý họ. Họ không muốn làm kẻ ngoại thù. Bởi kẻ ngoại thù đã thua một nửa cuộc chiến ngay từ đầu rồi, do thiếu chính nghĩa. Làm kẻ nội thù có cái lợi ‘chính nghĩa’ ngay từ lúc ban đầu, ‘chính nghĩa giải phóng’, chỉ cần khôn khéo thêm là thắng!

Thành ra, chiến lược của những người ly khai gần đây là đánh thẳng vào đầu não Giáo Hội, tức bộ phận tối cao kế thừa các Tông Đồ xưa mà chính Chúa Giêsu đã thành lập với một ‘mandate’ thật rõ ràng: ‘sự gì các con cầm buộc dưới đất, trên Trời cũng cầm buộc; sự gì các con tháo gỡ dưới đất, trên Trời cũng sẽ tháo gỡ’ (Mt 18:18) và “ai nghe các con là nghe Ta’ (Lc 10:16). Còn chiến thuật là lựa lọc, lựa điểm quan yếu mà đánh. Điểm quan yếu không hẳn là điểm lớn lao gì khiến người ta phải bù đầu bù cổ mà nghiên cứu, mà thường chỉ là điểm rất nhỏ, xem ra vô hại nhưng lại gây nhiều tiếng vang nơi công cộng, nhất là trong các xã hội có nền văn hóa đa nguyên, theo tương đối thuyết, ưa chuộng điều giật gân.

Chiến thuật trên, hơn bao giờ hết, ngày nay đang được các kẻ nội thù triệt để khai thác. Họ còn áp dụng cả chiến thuật ‘du kích’ hoàn toàn dấu mặt để tấn công Giáo Hội nữa. Đó là trường hợp Khăn Quàng Cầu Vồng cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, nhằm vào một trong những khuôn mặt lãnh đạo hàng đầu của Giáo Hội Úc, Đức Hồng Y George Pell.

Khăn Quàng Cầu Vồng (Rainbow Sash) là một tổ chức do những người đồng tính luyến ái, lưỡng tính luyến ái và đổi giống mang danh Công Giáo La Mã thành lập để tranh đấu cho quyền được Rước Lễ. Khăn Quàng Cầu Vồng là một dải khăn mầu cầu vồng được đeo quàng lên vai trái và được đeo vào lúc khởi đầu buổi Phụng Vụ. Những người đeo nó tiến lên rước lễ. Nếu bị từ chối, họ sẽ trở về ghế và đứng tại chỗ. Nếu được rước lễ, họ sẽ trở về ghế và qùy gối như thường lệ. Một hành vi xem ra thật đơn giản, nhưng phản ảnh một chiến thuật có suy nghĩ.

Ta hãy nghe chủ trương của nhóm này: “Khi đeo Khăn Quàng Cầu Vồng, chúng tôi tuyên xưng rằng chúng tôi là những người đồng tính luyến ái, lưỡng tính luyến ái và đổi giống muốn duy trì và cử hành dục tính của chúng tôi như một thánh ân. Khi đeo Khăn Quàng Cầu Vồng, chúng tôi kêu gọi Giáo Hội Công Giáo La Mã 1) tôn trọng sự khôn ngoan và kinh nghiệm của chúng tôi; 2) bước vào đối thoại công khai với chúng tôi; 3) làm việc với chúng tôi để đạt công lý và thông cảm. Cùng với nhau, chúng ta hãy đi tìm một đánh giá mới về dục tính con người trong phức tạp tính và cái đẹp của nó… Khi đeo biểu hiệu này, chúng tôi công khai đòi cho được chỗ đứng của mình tại bàn ăn của Chúa Kitô”.

Rước Lễ quả là một quyền lợi của người Công Giáo La Mã. Nhưng cũng như mọi quyền lợi bí tích khác, người lãnh nhận phải có một số điều kiện. Đối với việc Rước Lễ, người lãnh nhận phải là người Công Giáo La Mã đã đành, mà còn phải sạch tội nữa. Không ai chối cãi những người mang Khăn Quàng Cầu Vồng là người Công Giáo La Mã, nhưng họ có sạch tội hay không là điều khác hẳn. Phán đoán ai đang mang tội ai đang sạch tội là điều vượt quá thẩm quyền của bất cứ con người nhân bản nào, kể cả Giáo Hội. Nhưng khi một ai đó đeo Khăn Quàng Cầu Vồng, với chủ trương công khai như trên, thì tự họ đã công khai cho mọi người biết họ thuộc loại người đang không sạch tội (xem 1Cor 6:9). Giáo Hội có bổn phận phải tránh cho họ điều Thánh Phaolô đã viết trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: “Ai nấy hãy tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1Cor 11:28-29).

Nhưng những người đeo Khăn Quàng Cầu Vồng ở Melbourne lại không ‘xét mình’ như thế, họ (khoảng 70 người) cứ tiến lên rước lễ vào ngày Chúa Nhật Hiện Xuống năm 1998 tại nhà thờ chánh tòa Thánh Patrick. Vị chủ tế hôm đó, Đức Tổng Giám Mục George Pell, đã không cho họ rước lễ. Michael Kelly, một cựu tu sĩ dòng Phanxicô và là một người đồng tính luyến ái tích cực, cho rằng hành vi đó là một hành vi kỳ thị, ngược với luật lệ hiện hành của Úc, trong khi ông biết rõ có những người Công Giáo La Mã dùng thuốc ngừa thai, làm tình ngoài hôn nhân hay làm ngơ hoặc bất đồng với nhiều giáo huấn của Giáo Hội vẫn được rước lễ đàng hoàng. Được hỏi về điều này, Đức Cha George Pell cho hay: “tôi không bao giờ hỏi bất cứ ai khi họ lên rước lễ xem họ đã làm gì”. Nếu Kelly không mang Khăn Quàng Cầu Vồng mà lên rước lễ thì sao? “Đương nhiên tôi cho ông ta rước lễ, vì tôi đâu có biết, rất có thể ông ta đã xưng tội rồi…”. Đức Cha Pell chỉ xin họ cởi Khăn Quàng Cầu Vồng ra thôi, vì đó là biểu hiệu họ thách thức giáo huấn của Giáo Hội. Họ thà không rước lễ hơn là cởi chiếc khăn kia ra. Đối với họ, điều quan trọng không phải là Mình Thánh Chúa Kitô mà là quan điểm riêng của mình. Kelly cho hay: tôi có thể thỏa hiệp trong nhiều điều, nhưng đối với điều cốt lõi mình là ai trong khuynh hướng tính dục của riêng tôi, một người tích cực đồng tính luyến ái, thì thay đổi quan điểm cũng giống như đồng lõa với sự ác vậy. Đúng là luận điệu mơ hồ đánh lộn con đen giữa xấu và tốt, giữa tốt và xấu, không còn biên giới, không còn tiêu chuẩn phán định. Một thứ thượng tôn lương tâm cá nhân. Trong tang lễ BA Santamaria tháng 3 năm 1998, Đức Cha G. Pell lên tiếng chỉ trích “các lực lượng thiểu số trong Đạo Công Giáo Úc muốn khuất phục nền luân lý phúc âm dưới chân lương tâm cá nhân”.

Nhóm này tiếp tục gây phiền phức tại Melbourne và sau đó tại Sydney vào các ngày Lễ Hiện Xuống tiếp sau, nhưng vẫn thất bại trong việc khuất phục Đức Cha G. Pell cũng như nhiều giám mục khác như Đức Cha Bathersby của Brisbane và Hickey của Perth, dù lúc ấy, Giáo Hội tại Úc cũng như tại nhiều quốc gia khác, nhất là Hoa Kỳ, đang kinh qua một trong những khủng hoảng lớn về nạn các giáo sĩ cũng như tu sĩ Công Giáo sách nhiễu tình dục trẻ em, một thứ khí giới rất tốt trong tay những người đồng tính luyến ái của Khăn Quàng Cầu Vồng. Tấn công phiến diện không xong, họ bèn quay qua tấn công trực diện trong chiều hướng như tờ điện tử Antichrist đã trích lời của Emile Zola rằng ‘Nền Văn Minh sẽ không đạt được sự hoàn hảo của nó trừ khi viên đá cuối cùng của ngôi nhà thờ cuối cùng rơi xuống đầu ông linh mục cuối cùng’.

Chúa nhật ngày 2 tháng 6 năm 2002, lúc Đức Cha G. Pell đã làm Tổng Giám Mục Sydney được hơn một năm, chương trình 60 Phút của Đài Truyền Hình Số 9 cho phát hình lời tố cáo của David Ridsdale rằng cách đấy 10 năm, Đức Cha G. Pell, lúc còn là giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Melbourne, đã tìm cách hối lộ anh ta để che lấp tội ác sách nhiễu tình dục của ông chú linh mục Gerard Ridsdale đối với chính bản thân anh ta hòng che chở quyền lợi cho giáo hội mình. Việc linh mục Gerard Ridsdale sách nhiễu tình dục là điều có thật, đã bị tòa án kết tội và đã ngồi tù nhiều năm và sau đó hoàn tục. Và việc Đức Cha Pell, hồi còn làm cha phó tại giáo phận Ballarat, có ngụ cùng chỗ với cựu linh mục Ridsdale và ngày ông này ra tòa, có cùng đi càng làm cho lời tố cáo trở thành dễ tin. Lời tố cáo của David Ridsdale có chỗ không chỉnh vì theo anh ta, cuộc gặp gỡ giữa anh ta và Đức Cha G. Pell xẩy ra sau khi cảnh sát đã thụ lý vụ này rồi. Điểm thứ hai, mặc dù David có rất nhiều dịp để lên tiếng về vụ này, như năm 1996, lúc vừa đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám Mục Melbourne, Đức Cha có gặp 200 người gồm các nạn nhân sách nhiễu tình dục, gia đình và bằng hữu của họ, trong đó có cả David, nhưng anh ta vẫn im lặng cho đến lúc này. Điểm thứ ba, trong tư cách giám mục phụ tá, Đức Cha không đủ tư cách hứa hẹn tài chánh cho bất cứ ai và ngài cũng không xin giám mục giáo phận tiền bạc để làm việc này; việc ấy càng không có khi ngài là giám mục phụ tá của Melbourne, trong khi việc kia xẩy ra tại giáo phận Ballarat. Đài Truyền Hình Số 9 mà cụ thể là chương trình 60 Phút với nhiều phóng viên rành nghề và kinh nghiệm như Richard Carleton (RIP) hẳn biết rõ những điểm đó, nhưng họ vẫn cho phát hình chương trình trên, rõ ràng vì người bị tố cáo là “một trong những người có quyền thế nhất ở Úc, người hiện là Tổng Giám Mục Công Giáo của Sydney” như lời Richard Carleton giới thiệu đầu chương trình. Nhiều người nhẹ dạ, trong đó có cả bỉnh bút Leo Schofield của tờ Sunday Telegraph, chế riễu hình ảnh Đức Cha Pell nói với nhóm Khăn Quàng Cầu Vồng: tôi không giúp gì được các anh trong khi lại cùng đi với tội phạm Gerard Ridsdale đến tòa; tội của Khăn Quàng Cầu Vồng chỉ là tiến tới bàn thờ trong hòa bình để rước lễ! Những nhận định như thế cho thấy chiến thuật của kẻ nội thù có hiệu quả ra sao.

4. Chiến Thuật Du Kích

Kẻ nội thù không ngần ngại dùng bất cứ chiến thuật nào để gây thiệt hại thật nặng nề cho kẻ họ coi là cản đường cản mũi. Lần này, cuộc tấn công nhằm thẳng vào Đức Cha G. Pell mang một hình thái độc địa hẳn, một chiến lược rất hữu ích đã được tôi luyện trong nhiều cuộc chiến tranh nội chiến, nhằm dành quyền lãnh đạo chính trị. Đó là chiến thuật đánh du kích, hoàn toàn dấu mặt.

Ngày 21 tháng 8 năm 2002, trước tiền đình nhà thờ chính tòa St Mary, Sydney, Đức Cha G. Pell tuyên bố tạm ngưng thi hành chức vụ Tổng Giám Mục ngõ hầu cho một ủy ban, do một cựu chánh án toà án tối cao Victoria đứng đầu, điều tra vụ ngài bị tố cáo lúc còn là đại chủng sinh đã sách nhiễu tình dục một thanh thiếu niên. Người thanh thiếu niên này chỉ kém Đức Cha G. Pell 8 tuổi, nay đã có con và có cháu, tố cáo rằng tại một cuộc cắm trại hồi năm 1961 tại Đảo Phillip, anh ta bị một đại chủng sinh tên ‘George Bự Con’ (Big George) sách nhiễu tính dục. Điều đáng lưu ý là theo luật lệ hiện hành của Úc, nạn nhân các vụ sách nhiễu tính dục không bị nêu tên. Nên công chúng không biết anh ta là ai. Có điều báo chí biết rõ anh ta được nêu tên trong phúc trình của Ủy Ban Hoàng Gia điều tra các hoạt động của Nghiệp Đoàn Bến Cảng Liên Bang trong thập niên 1980. Anh ta cũng từng bị tố cáo trốn thuế trị giá lên tới $110,000. Ngoài ra anh ta còn có những hoạt động trong nghề đánh cá ngựa (SP Bookmaking), và buôn bán chất amphetamines cũng như cannabis có tiền án. Người tố cáo cố tình dấu tung tích của mình, vì sau khi nghe David Ridsdale trên chương trình 60 Phút, anh ta được Nữ Tu Angela Ryan, lúc ấy là Giám Đốc Điều Hành của Ủy Ban Toàn Quốc về Tiêu Chuẩn Chuyên Nghiệp (UBTQVTCCN), một cơ quan của Giáo Hội lo tiếp nhận các lời tố cáo sách nhiễu tính dục, phỏng vấn. Nữ tu A. Ryan thông báo tin tức cho Đức Cha Geoffrey Robinson, một trong các giám mục phụ tá của Đức Cha G. Pell và là đồng chủ tịch cơ quan trên. Cả hai vị đều khuyên anh ta đi trình cảnh sát, nhưng anh từ chối. Có điều lời tố cáo của anh ta được tiết lộ trên một trang mạng internet, trước ngày Đức Cha G. Pell quyết định tự ngưng chức vụ hai tuần. Quả là một trái bom lớn. Hàng loạt hàng loạt các lời bình luận đầy ác ý tiếp theo sau.

Ai đã tiết lộ như thế? Luật sư của anh ta quả quyết thân chủ mình không có lý do bức thiết nào phải làm điều đó. Một người ủng hộ anh ta còn cho biết anh ta không cố ý làm hại thanh danh Đức Cha Pell, mà chỉ vì thấy mình bị oan ức và vì anh ta cảm thấy vị giám mục này quá khắt khe với người khác trong các vấn đề làm tình ngoài hôn nhân, ngừa thai và đồng tính luyến ái; anh ta muốn chứng tỏ Đức Cha G.Pell không hơn người khác, cũng chỉ là một con người, một người phàm với đầy đủ lầm lỗi như những người khác. Cần ghi nhận một điều: ủng hộ viên này được người ta miêu tả là một người Công Giáo rất tích cực với công việc của Giáo Hội. Hình như ông ta tin người có nhiều tiền án hơn chính vị chủ chăn của mình. Ông ta đâu có biết trong thời gian Đức Cha G. Pell tự ngưng chức, Quốc Hội Liên Bang đã bỏ phiếu cho phép việc dùng các phôi thai bị tống khứ và được đông đá cho các nghiên cứu tế bào gốc, và Quốc Hội Lãnh Thổ Liên Bang ban hành đạo luật bỏ phá thai ra ngoài Danh Sách Phạm Pháp (Criminal Code).

Ngay trong hàng ngũ giám mục Công Giáo Úc, có vị cũng đã lợi dụng “dịp may hiếm có” không ai phản pháo này, để đăng một bài trên tờ The Age vào ngày 29 tháng 8, quảng bá quan điểm trái nghịch của mình, đòi phải tái xét vấn đề độc thân của linh mục. Về vấn đề đồng tính luyến ái, vị giám mục này cho hay: “mấy năm trước đây, tôi được nhóm Khăn Quàng Cầu Vồng ở Canberra tiếp xúc, tôi không cho họ rước lễ, nhưng đồng ý với lời yêu cầu của họ muốn được hiểu biết, được đối thoại nhiều hơn và có được sự sẵn sàng nghi vấn phương thức hiện nay của Giáo Hội về đồng tính luyến ái. Tôi trung thực cho họ hay tôi tin rằng Giáo Hội cần phải tái xét không những vấn đề đồng tính luyến ái mà thôi mà cả vấn đề tính dục nói chung nữa. Ngày nay, rõ ràng, điều quan trọng hơn và có khi còn bắt buộc nữa là bất cứ một khuôn định giáo huấn nào cũng phải dựa vào sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mọi tín hữu, chứ không chỉ ‘từ cao’ ban xuống. Một giáo huấn như thế cũng phải nhấn mạnh đến khía cạnh tương quan của tính dục và sự hài hòa giữa tính dục và linh đạo’.

Nói tóm lại, lý do khiến một số người Công Giáo, trong đó không thiếu giáo sĩ và giáo phẩm, ủng hộ kẻ tố cáo là: họ không thích Đức Cha Pell và các giáo huấn truyền thống của Công Giáo về tính dục. Họ muốn gán cho ngài nhãn hiệu giả hình để ngài chịu hạ thấp cái giọng được họ miêu tả là ‘ta đạo đức hơn ngươi’. Nói cách khác, để ngài đừng lớn tiếng tố cáo các lệch lạc của họ. Họ cũng không đơn giản chỉ nhằm riêng vào ngài mà còn nhằm làm khiếp sợ các nhà lãnh đạo kém mạnh dạn hơn của Giáo Hội khiến các ngài phải tự thu xếp đặt mình vào thế sẵn sàng thỏa hiệp, hay ít nhất cũng giữ im lặng, trong các vấn đề khó khăn hơn của giáo huấn Giáo Hội. Đức Cha G. Pell hiểu rõ điều đó. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 10 tháng 11 năm 2001 do Tess Livingstone của tờ Courrier-Mail thực hiện, được hỏi tại sao ngài bị nhiều người tranh cãi, Đức Cha cho hay: ”tôi nghĩ một trong các chức phận của giám mục là cố gắng và đảm bảo để trọn vẹn đức tin Công Giáo được truyền dạy. Hơn 20 năm qua, ta đã bị cám dỗ muốn cải thiện tình thế của Giáo Hội bằng cách giữ im lặng về nhiều khía cạnh hay hạ thấp một số thách đố khác… Giáo Hội không phải là một định chế xã hội hay một tiệm bán đủ thứ hàng hóa, để nếu món hàng nào bán không được thì dẹp nó đi. Tôi tin rằng trong căn bản chúng ta vì một cái gì siêu nhiên, các mạc khải từ Con Thiên Chúa. Một số giáo huấn Của Ngài khó nhá và có tính khiêu khích, nhưng có chứng cớ cho thấy về lâu về dài, chúng đem lại sự sống theo cả nghĩa nhân bản nữa và chúng ta không có giấy phép nào hay thẩm quyền nào để thay đổi chúng”.

Giáo Hội chắc chắn không coi ai là kẻ thù. Đức Cha G. Pell cũng thế thôi. Thái độ của ngài được phản ảnh trên trang mạng của Tổng Giáo Phận Sydney khi trang mạng này thúc giục tín hữu ‘cầu nguyện cho Đức Tổng Giám Mục và kẻ tố cáo ngài để sự thật được sáng tỏ và công lý được thể hiện’. Nhưng xã hội này đã băng hoại đến độ sự thật và công lý trong vụ này đã được giải quyết trên căn bản cả hai cùng thắng (win-win situation!). Thực vậy, cựu chánh án Toà Án tối cao Victoria, Alec Southwell, QC, tuy tuyên bố là lời tố cáo không được thành lập, nhưng lại công bố rằng: “tôi nhận là chính xác…rằng người tố cáo, khi trưng bằng chứng mình bị sách nhiễu, đã cho tôi cảm tưởng ông nói trung thực từ trí nhớ có thực của mình. Tuy nhiên, bị cáo cũng cho tôi cảm tưởng là ông nói sự thật”. Khiến luật sư bên nguyên cáo cho rằng “Chúng tôi đã được xác minh”. Điều quan trọng nữa là thanh danh cá nhân anh ta chẳng hề hấn gì, vì cho đến ngày cuối cùng của cuộc điều tra, công chúng vẫn không được hay biết gì về danh tánh của anh ta cả.

Xem ra chiến thuật đánh du kích của kẻ nội thù quả là hiểm độc. Họ có thể nằm trong bóng tối, thỉnh thoảng phóng ra một cuộc tấn công thần tốc, rồi rút lui êm thắm, thắng thì càng hay mà không thắng, cũng chả hề hấn gì. Mà sao bảo là không thắng? Đối với chiến tranh du kích, không thua đã là thắng rồi. Trong cái não trạng hỗn độn của con người thời nay, hình ảnh giả hình của các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhất là Công Giáo, đã nổi bật lắm rồi và việc ấy có phần đóng góp của rất nhiều người Công Giáo. Tiếng nói của các vị khó khăn lắm mới được xã hội lắng nghe. Rất may, chiến thắng ấy của kẻ nội thù không hề ảnh hưởng chi tới nhiệt tâm của những vị lãnh đạo như Đức Cha G. Pell. Không lạ gì, chỉ sau biến cố trên không lâu, ngài được nâng lên hàng hồng y của Giáo Hội./.