Chiến Thuật Nội Thù

Công đồng Vatican I và Công đồng Vatican II có một điểm chung về hậu quả lịch sử. Tuy nhiên, hậu quả lịch sử của Vatican I có vẻ tức khắc hơn. Thực vậy, ngay tháng 9 năm 1870, nghĩa là trước ngày Công đồng Vatican I (1869-1870) tạm chấm dứt vào ngày 20 tháng 10, gần 1 ngàn rưỡi người Đức đã ký một tuyên ngôn bác bỏ học thuyết vô ngộ do Công đồng này công bố ngày 18 tháng 7 cùng năm, coi nó như một ‘thứ đổi mới đi ngược lại đức tin truyền thống của Giáo Hội’.

1. Những Người Công Giáo Xưa

Nhóm này được rất nhiều học giả, chính trị gia, chính khách cũng như báo chí theo khuynh hướng tự do ở khắp nơi
TGM Gerardus Gul của Giáo Hội Xưa
ủng hộ. Cùng với tuyên ngôn ấy, là việc tách ly khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã của những người tự xưng là Công Giáo Xưa (Old Catholics), mặc dù trước đó, ngày 30 tháng 8 cùng năm, tại Fulda, đại đa số các giám mục Đức đã ra một thư mục vụ chung ủng hộ học thuyết vô ngộ. Những người Công Giáo Xưa tổ chức thành công Đại Hội lần đầu tiên tại Munich từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 9 năm 1871, dù trước đó, ngày 17 tháng 4 cùng năm, Tổng Giám Mục Munich đã phạt vạ tuyệt thông Dollinger, một trong các thủ lãnh của nhóm này (sau đấy đã từ bỏ nhóm nhưng vẫn không quay về với Giáo Hội). Tham dự Đại Hội này có 300 đại biểu từ Đức, Áo, và Thụy Sĩ; ngoài ra, còn có thân hữu đến từ Hòa Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Ba Tây, Ái Nhĩ Lan các đại diện của Giáo Hội Anh Giáo, và Thệ Phản Đức cũng như Mỹ.

Đại hội lần hai được tổ chức tại Cologne từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 9 năm 1872 có sự tham dự của 350 đại biểu các Người Công Giáo Xưa và sự hiện diện của một giám mục Jansenist, 3 giám mục Anh Giáo, một số giáo sĩ Nga, và khá nhiều mục sư Anh Giáo và Thệ Phản. Đại hội lần này quyết định bầu chọn giám mục cho giáo hội và vận động các chính phủ nhìn nhận giáo hội Công Giáo Xưa. Cảm quan chính trị hồi ấy rất thuận tiện cho giáo hội này, nên chẳng bao lâu các chính phủ Phổ, Baden, và Hesse đã chính thức nhìn nhận họ. Giáo sư Reinkens của Bonn được bầu làm giám mục ngày 4 tháng 6 năm 1873 và được nhà nước Phổ chính thức nhìn nhận là “Giám Mục Công Giáo” và trợ cấp 4,800 đức mã một năm. Đức Piô IX phạt vạ tuyệt thông đích danh Reinkens ngày 9 tháng 11 năm 1873…

Đề án do von Schulte đệ trình chứng minh rằng Người Công Giáo Xưa quả là Người Công Giáo Thật đã mau chóng được một số chính phủ tại Đức và Thụy Sĩ công nhận và khá nhiều nhà thờ Công Giáo đã được chuyển giao cho nhóm này. Họ phát triển khá nhanh, nhưng xuống cũng gần như cùng một tốc độ. Trong đế quốc Đức, năm 1878, họ có 122 cộng đoàn với 52,000 tín hữu, nhưng đến năm 1890, số ấy chỉ còn lại 30,000. Ở Thụy sĩ, năm 1877, con số là 73,000 người, nhưng năm 1890, con số ấy chỉ còn là 25,000 người. Tại Áo, lúc thịnh, giáo hội này có đến 10,000 tín hữu, nhưng đến đầu thế kỷ 20, con số ấy chỉ là 4,000. Bách Khoa Từ Điền Công Giáo cho hay vào đầu thế kỷ 20, trên toàn Âu Châu, con số những người Công Giáo Xưa chỉ là 40,000 người, đến nỗi trên thực tế, nhóm này không còn hiện diện nữa, hay ít nhất cũng không còn tầm quan trọng gì trong đời sống công.

Tuy nhiên, theo các tài liệu trên các trang mạng hiện nay, nhóm Công Giáo Xưa vẫn còn hoạt động mạnh, dù không có một tổ chức quốc tế bao trùm nào. Đúng hơn, họ sinh hoạt theo từng quốc gia, trong hiệp thông với Liên Hiệp Utretch (Hòa Lan). Con số tín hữu trên khắp thế giới của họ hiện nay ước chừng trên dưới 250,000 người, trong đó, riêng tại Hoa Kỳ là khoảng 70,000. Theo những người Công Giáo Xưa này, thì đức tin của họ vẫn đơn thuần chỉ là đức tin của Giáo Hội Công Giáo đã được Giáo Hội truyền dạy từ thời các thánh Tông Đồ cho tới ngày nay. Họ nhắc lại lời của Tổng Giám Mục Willibrord van Os của Utretch rằng; “Chúng tôi thừa nhận, không luật trừ nào bất cứ, mọi Điều trong Đức Tin Công Giáo Thánh Thiện. Chúng tôi sẽ không bao giờ chủ trương hay giảng dạy, lúc này cũng như sau này, bất cứ ý kiến nào khác với các ý kiến từng được Mẹ chúng tôi, là Thánh Giáo Hội, ban hành, xác định và công bố…”. Người Công Giáo Xưa, nhờ truy nguyên sự Kế Nghiệp Tông Đồ của mình qua Giáo Hội Công Giáo La Mã tới các Tông Đồ, đã tham dự vào thừa tác vụ bí tích đầy đủ của Giáo Hội. Luật Đức Tin của người Công Giáo Xưa là trung thành tuân giữ Thánh Kinh và Tông Truyền.

Ấy thế nhưng, về phương diện kỷ luật, quản trị và thủ thục, người Công Giáo Xưa khác với Giáo Hội Công Giáo La Mã. Luật độc thân của giáo sĩ chẳng hạn chỉ là nhiệm ý chứ không bắt buộc. Đàn ông đàn bà có gia đình đều có thể được thụ phong. Cách cử hành phụng vụ cũng là một vấn đề thuộc kỷ luật do giám mục địa phương quyết định. Do đó, nhiều cộng đồng Công Giáo Xưa thừa nhận cuộc canh tân phụng vụ do Công Đồng Vatican II đưa ra mặc dù vẫn duy trì Phụng Vụ của Công đồng Triđentinô, cử hành bằng tiếng Latinh hay bằng tiếng địa phương. Có những cộng đồng còn cử hành cả nghi lễ Đông Phương nữa. Dĩ nhiên, điểm chủ yếu là họ đặt họ ra ngoài thẩm quyền tái phán của Đức Giáo Hoàng La Mã, dù vẫn tôn kính Ngài như người thừa kế Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, và là Thượng Phụ Phương Tây, và tin rằng Giáo Hội trong Các Đại Công Đồng là bất khả ngộ. Điểm khác biệt nữa là các tín hữu ly dị và sau đó tái kết hôn vẫn được tham dự đầy đủ sinh hoạt bí tích của Giáo Hội, còn vấn đề ngừa thai là việc tùy thuộc lương tâm của vợ chồng. Thần học Công Giáo Xưa nhìn nhận rằng lời dạy của huấn quyền Giáo Hội có hai mục tiêu: đào tạo lương tâm, trong trường hợp này thẩm quyền chỉ có tính giáo hóa; và dưỡng nuôi một lương tâm có hiểu biết cho nó trưởng thành, trong trường hợp này, thẩm quyền chỉ có tính hướng dẫn chứ không ra chỉ thị.

Phải nói ngay rằng, Giáo Hội Công Giáo La Mã vẫn nhìn nhận tính thành hiệu của các bí tích được cử hành trong các cộng đồng Công Giáo Xưa này. Và người ta ít bắt gặp những phê bình chỉ trích gay gắt từ Người Công Giáo Xưa nhằm vào Giáo Hội Công Giáo La Mã. Tuy nhiên, người Công Giáo Xưa hiện nay hay nhấn mạnh đến tính bất định chế của mình để mời gọi anh chị em Công Giáo nào cảm thấy nhu cầu vừa muốn duy trì đức tin của mình, vừa không muốn bị mất đi các tiếp xúc cá nhân, hay những người Công Giáo nào cảm thấy mình bị trở ngại không thể tham dự đầy đủ vào đời sống và các Bí Tích của Giáo Hội hãy cùng tham gia với họ để tiếp tục vừa là thành phần của Giáo Hội Chúa Kitô, vừa thanh thản bình an với chính lương tâm mình.

2. Hội Thánh Piô X

Hình như cái tính công giáo lựa lọc trên (selective catholicity) đang hết sức quyến rũ đối với một số lớn người Công Giáo thời hậu Công Đồng Vatican II. Ít nhất nó cũng đã gây hứng cho những người tạo ra và duy trì Hội Thánh Piô X của thế kỷ 20. Như mọi người đều biết, Hội này do tổng giám mục Marcel Lefèbre thành lập trong những ngày tiếp sau Công Đồng Vatican II (1962-1965). Và việc thành lập ra nó tiến hành một cách âm thầm hơn nhiều, tuy rằng việc duy trì nó hiện gây nhiều sóng gió và tiếng vang hơn gấp bội.

Phần lớn cuộc đời của tổng giám mục Marcel Lefèbre được trải qua trong cánh dồng truyền giáo Phi Châu. Ông từng là bề trên cả của Dòng Chúa Thánh Thần từ năm 1962 đến 1968. Năm ấy ông về hưu, khi Hội Dòng bắt đầu cải tổ theo tinh thần Công Đồng Vatican II, một cải tổ ông cho là không phù hợp tinh thần Công Giáo và quá theo phái Tân Thời (Modernist). Sau khi về hưu không lâu, ông được một số chủng sinh Pháp du học ở Rôma tiếp xúc, than phiền rằng họ bị hành khổ vì trung thành với các học lý cổ truyền và yêu cầu ông cho biết một số chủng viện bảo thủ để họ tiếp tục hoàn tất việc tu học. Ông khuyên họ về học ở Đại Học Fribourg, Thụy Sĩ.

Năm 1970, được tu viện trưởng tu viện Hauterive và nhà thần học dòng Đa Minh Marie-Dominique Philippe khuyến khích đích thân giảng dạy nhóm chủng sinh trên, tổng giám mục Lefèbre bèn tiếp xúc với Đức Cha Francois Charrière, Giám Mục Lausanne, Genève và Fribourg để xin thiết lập một hội dòng. Đức Cha Charrière đồng ý, thế là ngày 1 tháng 11 năm 1970, ông thành lập hội Thánh Piô X (tiếng Latinh gọi là Fraternitas Sacerdotalis Sancti Pii X có thể dịch là Huynh Đòan Linh Mục Thánh Piô X), trên căn bản một pia unio (hội đạo đức) tạm thời trong 6 năm. Pia unio là bước đầu qua đó một tổ chức Công Giáo phải trải qua trước khi được chính thức nhìn nhận là một cơ chế dòng tu hay một hội sống tông đồ (bộ giáo luật 1983 gọi là ‘hiệp hội tín hữu’ [association of the faithful] thay cho pia unio). Một giáo dân Thụy Sĩ dâng cúng một cơ sở ở Ecône để làm nơi đào tạo linh mục cho tổ chức vừa thành lập. Năm 1971, có 24 chủng sinh gia nhập, tháng 10 năm sau, thêm 32 chủng sinh nữa.

Thường thường, sau một thời gian thử nghiệm và sau khi đã tham khảo ý kiến Tòa Thánh, vị giám mục hữu trách sẽ nâng một pia unio lên vị thứ chính thức ở cấp giáo phận. Lefèbre lại muốn đi bước tắt bằng cách, ngay từ năm 1971, đã tiếp xúc với 3 thánh bộ khác nhau của Vatican để xin sớm được nhìn nhận. Ông chỉ nhận được một thư khích lệ của đức hồng y John Joseph Wright lúc ấy là chủ tịch Thánh Bộ Giáo Sĩ. Thánh bộ có nhiệm vụ nâng một pia unio lên vị thứ chính thức thì không chấp nhận. Trong khi đó, phần lớn các giám mục Pháp không chấp nhận quan điểm thần học của Marcel Lefèbre và đến năm 1974, thì hầu hết đều quả quyết là các vị sẽ không tiếp nhận các linh mục xuất thân từ Ecône. Phiền một điều, cho đến lúc đó, Hội Thánh Piô X đã mở thêm các chủng viện khác ở Armada, Michigan (1973) và Rôma (1974).

Tháng 6 năm 1974, một ủy ban hồng y tại Vatican được thành lập để điều tra về Hội Thánh Piô X. Các ngài cử hai linh mục Bỉ tới Ecône để kinh lý trong các ngày 11 tới 13 tháng 11 năm 1974. Tuy phúc trình của hai vị có vẻ thuận lợi, nhưng có tin cho hay quan điểm thần học của hai vị lúc ở đấy bị người Ecône coi là quá cấp tiến làm các chủng sinh và nhân viên giảng huấn hết sức ngỡ ngàng. Trong một trạng thái mà sau này chính ông miêu tả là ‘hết sức bất bình’, Lefèbre viết một ‘tuyên ngôn’ trong đó ông cực lực kết án điều ông coi là các khuynh hướng quá cấp tiến hiển hiện trong Giáo Hội đương thời, những khuynh hướng ông cho là đã có ngay tại Công Đồng Vatican II và trong những cải tổ sau đó. Tuyên ngôn này bị tiết lộ và được đăng trên nhật báo bảo thủ Itinéraires của Pháp ngày 1 tháng Giêng năm 1975. Các “địch thủ” của ông chỉ chờ có vậy.

Cũng tháng Giêng năm đó, Đức Cha Pierre Mamie, giám mục Fribourg, viết thư cho Rôma nói rõ ý định muốn rút lại vị thứ pia unio mà vị tiền nhiệm của ngài đã ban cấp. Cũng thời gian đó, Lefèbre được các hồng y mời qua Rôma hội ý. Sau hai cuộc gặp gỡ vào tháng 2 và tháng 3 năm đó, với sự chấp thuận của Rôma, ngày 6 tháng 5, Đức Cha Mamie chính thức rút lại vị thứ pia unio dành cho Hội Thánh Piô X. Lefèbre yêu cầu luật sư của mình kháng án và sau cùng đã thỉnh cầu toà Tông Ký (Apostolic Signatura), tức tòa án cao nhất của Giáo Hội, phán xử. Nhưng đức hồng y Staffa, chánh án tòa này, không chấp nhận lời thỉnh cầu. Kể từ ngày đó, Hội Thánh Piô X không còn được công nhận là một tổ chức trong Giáo Hội Công Giáo nữa.

Vì coi mình bị các thánh bộ đối xử bất công, việc loại bỏ Hội Thánh Pio X là không công bằng và thủ tục dùng trong diễn trình loại bỏ ấy không hợp Giáo Luật, nên Lefèbre và các cộng sự viên vẫn tiếp tục duy trì các cơ sở và định chế của mình. Dù được đức Phaolô VI đích danh yêu cầu thay lòng đổi dạ, và được phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh yêu cầu đừng phong chức linh mục cho các chủng sinh thuộc Hội Thánh Piô X, ông vẫn tiến hành việc ấy ngày 29 tháng 6 năm 1976. Một tuần lễ sau, Bộ Giám Mục yêu cầu ông xin lỗi Đức Thánh Cha. Không những không xin lỗi, ông còn biên một thư trả lời, tố cáo rằng trước Công Đồng đã có một “thỏa hiệp bí mật giữa các viên chức cao cấp của Giáo Hội và của bè Tam Điểm”.

Nhưng nặng nhất phải kể vụ ông tấn phong 4 giám mục vào ngày 30 tháng 6 năm 1988, sau một cố gắng hòa giải mà người góp công lớn là chính đức hồng y Joseph Ratzinger, đương kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Người ta còn nhớ, tháng 6 năm trước, Lefèbre công bố ý định tấn phong giám mục cho các linh mục thuộc Hội Thánh Piô X dù được Tòa Thánh chấp thuận hay không. Dĩ nhiên Tòa Thánh rất buồn về công bố ấy, nhưng sẵn sàng nói truyện với ông. Cuộc nói truyện ấy đã dẫn đến việc ký nhận vào ngày 5 tháng 5 năm 1988 một thỏa hiệp đại cương giữa ông và đức hồng y Ratzinger. Văn kiện này gồm hai phần. Phần đầu có tính học lý trong đó, Lefèbre nhân danh cá nhân và nhân danh Hội Thánh Piô X, đoan hứa giữ lòng trung thành với Giáo Hội Công Giáo và Đức Giáo Hoàng, chấp nhận học thuyết chứa trong phần 25 Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium – Ánh sáng muôn dân của Vatican II, cam kết giữ thái độ hoàn toàn không tranh cãi cả trong nghiên cứu lẫn thông đạt với Tòa Thánh về các khía cạnh gây vấn đề của Công Đồng Vatican II và các cải cách sau đó, nhìn nhận tính thành sự của các nghi thức Thánh Lễ và các bí tích khác vừa được sử đổi, hứa tôn trọng kỷ luật chung của Giáo Hội và các luật lệ của Giáo Hội, ngoại trừ các điều khoản đặc biệt ban cấp cho Hội Thánh Piô X. Phần thứ hai liên quan đến các khía cạnh pháp lý: Hội Thánh Piô sẽ trở thành Hội Sống Tông Đồ với những miễn trừ đặc biệt liên quan đến phụng vụ công cộng, chăm sóc các linh hồn và sinh hoạt tông đồ, Hội Thánh Piô X được ban cấp năng quyền cử hành các nghi thức theo Công Đồng Triđentinô, một ủy ban đặc biệt, trong đó có hai thành viên Hội Thánh Piuô X sẽ được thiết lập để làm dễ các tiếp xúc và giải quyết các vấn nạn cũng như tranh chấp, sẽ đề nghi Đức Giáo Hoàng tấn phong giám mục một thành viên của Hội.

Trong khi chờ đợi đệ trình văn kiện trên cho Đức Giáo Hoàng chuẩn y, Lefèbre khai triển nhiều hành động không đẹp. Vì ngay ngày hôm sau, ông tuyên bố sẽ tiến hành việc tấn phong giám mục, dù được hay không được Đức Giáo Hoàng chấp nhận. Trong cuộc gặp gỡ ngày 24 tháng 5, ông được thông báo rằng Đức Giáo Hoàng đồng ý ngày 15 tháng 8 sẽ tấn phong một thành viên của Hội Thánh Piô X làm giám mục; về phần mình, Lefèbre phải xin hòa giải với Giáo Hội dựa trên văn kiện ngày 5 tháng 5. Thừa cơ hội này, ông đưa ra ba đòi hỏi: tấn phong giám mục ngày 30 tháng 6, không phải một mà là 3 giám mục được tấn phong, đa số các thành viên của ủy ban đặc biệt phải là người của Hội Thánh Piô X.

Theo chỉ thị của Đức Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Ratzinger trả lời để Lefèbre hay phải tuân giữ thoả hiệp ngày 5 tháng 5 và nếu cứ tấn phong giám mục vào ngày 30 tháng 6, Tòa Thánh sẽ rút lại lời hứa cho phép việc tấn phong ấy. Lefèbre trả lời rằng mình vẫn tiến hành việc tấn phong như đã định. Lần này thì chính Đức Gioan Phaolô viết thư yêu cầu ông đừng tiến hành và cho hay việc tiến hành ấy “bị coi không là gì khác hơn một hành vi ly giáo, mà hậu quả thần học cũng như giáo luật Đức Cha đã rõ”. Lần này, Lefèbre không trả lời và đã tấn phong 4 thành viên của Hội Thánh Piô X làm giám mục đúng ngày 30 tháng 6. Ngay ngày hôm sau, Thánh Bộ Giám Mục ban hành sắc lệnh phạt vạ tuyệt thông ông và ngày 2 tháng 7, Đức Gioan Phaolô II ban hành tông thư Ecclesia Dei, lên án tổng giám mục Lefèbre, nói rõ ông đã phạm hành vi ly giáo.

Nhưng không một văn kiện nào chính thức kết án các linh mục cũng như giáo dân theo Hội Thánh Piô X là ly giáo và do đó bị vạ tuyệt thông cả. Ý định của Đức Cha Ferrario của Hawaii ngày 1 tháng 5 năm1991 tính ra vạ tuyệt thông một số người theo Hội Thánh Piô X đã bị Đức Hồng Y Ratzinger coi là thiếu ‘nền tảng và do đó không thành hiệu’. Về phần Hội, họ vẫn coi mình trung thành với Giáo Hội Công Giáo và mọi giáo huấn bất khả ngộ của Giáo Hội, chỉ bác bỏ những điều họ coi là mới lạ trong giáo huấn của Công Đồng Vatican II. Họ vẫn chính thức nhìn nhận Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô I, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng. Ấy thế nhưng họ lại cho rằng Đức Bênêđictô XVI khi còn là Hồng Y đã phạm nhiều điều lạc đạo và chưa bao giờ rút lại những sai lầm ấy, rằng Vatican II không thể là một công trình Công Giáo, rằng một ngày nào đó Giáo Hội sẽ xóa bỏ nó.

Dù có những tin tức lạc quan gần đây với khá nhiều nhượng bộ từ phía Toà Thánh, nhưng tựu chung, tình trạng vẫn dậm chân tại chỗ. Còn nhớ, nhân năm thánh 2000, nhóm này hướng dẫn một phái đoàn hành hương lớn tới Rôma. Đức Hồng Y Darío Castrillón Hoyos thuộc Ủy Ban Ecclesia Dei đã gặp gỡ các giám mục của Hội và cho hay Đức Giáo Hoàng sẵn sàng ban cho hội tư cách phủ giám chức tòng nhân (personal prelature) giống như tư cách của Opus Dei. Nhưng các giám mục của Hội tỏ ra không tin tưởng cho đó là một đề nghị mơ hồ. Các ông đề nghị phải có hai dấu hiệu tiên quyết về phía Toà Thánh: một là cho phép tất cả các linh mục cử hành Thánh Lễ theo nghi thức của Công Đồng Tridentinô, hai là tuyên bố vô hiệu các tuyên bố trước đây coi việc tấn phong giám mục năm 1988 là hành vi dẫn đến vạ tuyệt thông. Kể từ ngày đó, liên tục có những cuộc gặp gỡ giữa hai bên.

Tòa Thánh tuyên bố sẵn sàng cất bỏ (lifted) vạ tuyệt thông chứ không tuyên bố vô hiệu. Và gần đây, Đức Bênêđictô XVI đã ban hành tự sắc Summorum Pontificum ngày 7 tháng 7 năm 2007 nới rộng các đòi hỏi cử hành Thánh Lễ theo kiểu cũ. Lý do ban hành đã được chính Đức Bênêđictô XVI cho biết là đang ‘đi đến việc hòa giải bên trong giữa lòng Giáo Hội’ và vì trách nhiệm ‘phải làm mọi cố gắng giúp những người thực sự mong muốn hiệp nhất tiếp tục ở lại trong sự hiệp nhất ấy hay làm nó nên mới trở lại’. Không nói thì ai cũng hiểu Ngài muốn ám chỉ Hội Thánh Piô X. Giám mục Fellay, hiện đứng đầu Hội, hoan hô sáng kiến của Đức Bênêđictô XVI nhưng cho hay nhiều khó khăn vẫn còn đó.

Thái độ cứng rắn của nhóm này phải chăng một phần dựa vào ‘thành tích’ đáng kể của họ hiện nay. Theo các số liệu đăng trên trang mạng của Hội ngày 1 tháng Giêng năm 2007, hiện họ có 473 thành viên linh mục rải rác tại 31 quốc gia, 68 sư huynh, 157 nữ tu, 190 chủng sinh tại 3 chủng viện quốc tế, 3 tiểu chủng viện, 159 giáo xứ với 720 trung tâm có thánh lễ thường xuyên, 9 nhà tĩnh tâm, 14 trường học lớn, và ít nhất 70 nguyện đường, và 2 trường đại học.

(còn tiếp)