XUÂN LỘC -- Sáng ngày Tết Dương Lịch năm 2008, nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi đến thăm và tặng quà cho các em nhỏ tại giáo xứ Xuân Lâm, giáo phận Xuân Lộc, Đồng Nai sau khi đã đón giao thừa, dâng thánh lễ năm mới ở một giáo xứ khác cách đó 25 km.

Giáo xứ Xuân Lâm nằm trên địa bàn xã Phú An, huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai. Dân số khu vực này khoảng 5.000 người bao gồm cả hai giáo họ Nam Cát Tiên và Núi Tượng nhưng chỉ có 1.300 giáo dân. Trong giáo xứ có khỏang 150 người dân tộc cả người lớn lẫn thiếu nhi sống nghèo khổ ở ba điểm có tên là K’lê, K’đẽo và Cầu Bảo.

Khu vực này ít thu hút được dân cư vì đây là vùng nước bị phèn, chỉ trồng rẫy trồng điều; cây có rễ đâm sâu xuống đất thì chết; lại không chăn nuôi được nên đa số dân sống nghèo. Đặc biệt, ở đây người ta khốn khổ vì ngập lụt. Sao ở vùng rừng núi mà lại bị ngập? Câu trả lời khá rõ ràng khi chúng tôi nhìn thấy khúc đầu nguồn của sông Đồng Nai. Giáo họ Nam Cát Tiên thì ngập vào tháng 7 và 8 dương lịch, còn giáo họ Núi Tượng ngập vào tháng 8 và 9 DL. Mùa nước lũ, nước ngập trắng một vùng, mực nước cao hơn 1 m 2 so với mặt đường; trong hai tháng đó, người dân phải di dời đi chỗ khác ở tạm, khi nước rút lại lục tục trở về.

Hoàn cảnh sống như thế làm người ta rơi vào thế bất lợi, cái nghèo rình rập làm cho người dân ở đây nghèo nhất huyện Tân Phú. Gạo và nước tinh khiết là hai thứ luôn phải cứu trợ. Cứ ba ngàn đồng một bình nước; cha xứ cũ chạy ngược chạy xuôi xin chỗ này chỗ nọ, còn cha xứ mới trẻ măng, là cha Gioan Baotixita Nguyễn Thanh Hùng, tuổi chưa mới bốn mưới, cũng năng nổ nhiệt tình vui tính, mới về đây được hai tháng nên chưa biết xin ai để bù lỗ cho dân nghèo.

Đã vậy, con đường dài trong diện tích của giáo xứ dài 12 km; người giáo dân đạo đức siêng đi lễ thường ngày cũng phải đi 3 km mới đến nhà thờ! Cả một vùng rộng lớn như thế, dân cư thưa thớt, nhà thờ và giáo họ cách nhau cả 15 km đến 20 km nên cha xứ phải chạy show dâng lễ ngày Chúa nhật như ca sĩ Sài Gòn vậy!

Còn thời tiết thì lạnh gần giống như Đà Lạt vì vùng này giáp ranh với Bảo Lộc (Lâm Đồng) không đủ áo đủ chăn mền thì cũng dễ bệnh.

Con đường rừng quanh co, sạch đẹp dẫn chúng tôi đến giáo họ Núi Tượng. Thánh lễ đang được cử hành trong một nhà thờ trống huơ trống hoác, chỉ có mái và một bức tường nơi cung thánh. Người ta gọi nơi đây là Núi Tượng vì có câu chuyện kể rằng: có một người kia, khi đào mộ cổ đã tìm thấy được con voi bằng vàng nặng 1 tấn 2, từ đó người ta gọi nơi đây là Núi Tượng.

Sau thánh lễ, trẻ con tập trung trên nền nhà nguyện cũ. Theo yêu cầu của Ban Hành Giáo, ngoài quà của một số trẻ em, chúng tôi dành một số phong bì cho người tàn tật, gia đình khó khăn ở cả ba điểm đến (Nam Cát Tiên, Núi Tượng và làng thượng gần nhà thờ ) của giáo xứ này. Thôi thì ở đâu cũng có “Thần Thổ”, cứ làm theo yêu cầu của người sống ở địa phương là tốt nhất.

Nhìn và nghe cách nói chuyện của giáo dân ở đây, tôi thấy họ giống như những người dân miền Băc di cư năm 1954 cách mấy chục năm về trước: hiền lành, chịu khó, kham khổ. Một ông trùm nói khẽ với tôi: “Cô vận động được một số học bổng thì quí hoá! Ở chốn này lo ăn không cũng đủ mệt rồi, lo cả chuyện học hành nữa thì cực lắm!”

Đảo mắt nhìn quanh, tôi thấy cả một vùng đất rộng mà ít cây ăn trái, chắc là rau tươi ở đây không thể rẻ được.

Rời Núi Tượng, chúng tôi sang giáo họ Nam Cát Tiên. Đi ngang qua cổng vào rừng quốc gia, tôi thấy một con sông. Đây là vùng rừng còn nguyên dạng”rừng”, được bảo vệ cẩn thận và cho người dân mua vé vào tham quan. Ai muốn vào phải mua vé 10 ngàn đồng rồi phải qua một cái phà nhỏ. Đi đến đâu, chúng tôi cũng muốn tham quan nơi ấy nhưng vì thời gian hạn hẹp nên đành phải bỏ qua. Vả lại, ở vùng sâu, đã hẹn hò phát quà cho người lớn hay trẻ em, cũng phải biết trân trọng giờ giâc, để người ta chờ đợi là có lỗi với nhiều người.

Nhà thờ Cát Tiên cũng trống huơ trống hoác ba mặt, ở trên một con dốc cao. Ở đây dân đông mà giáo dân lại ít, mà vùng này cũng khó truyền giáo (vì những lý do không tiện nói ở đây). Không có linh mục thường trú nên con chiên có phần ít ấm áp. Khi nhóm Bông Hồng Xanh đến cho quà, các ông trùm vui hẳn lên. Chúng tôi hơi mệt nên cũng chẳng hát hò gì nhiều. Trẻ con ngoại đạo quanh khu vực cũng đến chung vui. Chúng tôi chia cho các em đó bao quà màu hồng, ít hơn con nhà có đạo một chút.

Rời nhà thờ Cát Tiên, chúng tôi vào một nơi có 150 người thượng sinh sống, cách nhà thờ chính Xuân Lâm 5 km. Ui chao, chỗ này sao mà nghèo lạ! Nhìn những căn nhà tôi chắc chắn những người dân ở đây sống nghèo. Tôi nói qua loa vài câu, chẳng văn hoa màu mè, rồi trao quà vì trời nắng. Trẻ con ở đây gầy và đen, áo quần nhếch nhác. Tôi bỗng hẹn với lòng sẽ giúp nơi này sau mùa lụt.

Chúng tôi được dùng cơm trưa tại nhà xứ cùng với một số người. Tôi nói với cha xứ trẻ: “Nhóm Bông Hồng Xanh chúng con không có nhiều hơn để tặng giáo xứ của cha, chỉ đến thăm Cha và giáo xứ. Chúng con hy vọng có thêm người có lòng hảo tâm ở các nơi giúp xứ của cha.” Cha xứ cười: “Em cũng mong như thế! Tháng nào cũng phải bù tiền nước uống cho họ….”

Chúng tôi tạm biệt nhà thờ, cha xứ và cả cái nắng của vùng đất khó sống này để về họ đạo Trung Hiếu phát quà. Làng thượng Trung Hiếu bây giờ đã khá hơn ngày xưa, (cách đây mười năm, vào năm 1997, khi chúng tôi đến hai lần.) Nhà thờ đang xây thệt to, theo kiểu nhà rông.

Kết thúc chuyên đi ngày đầu năm 2008, chúng tôi thấy vui. Ngày đầu năm được trao tặng, chắc là cả năm được cho đi. Tết nguyên đán này, chúng tôi sẽ tặng quà cho một giáo xứ, cũng ở miền Đông, nếu có ai chung tay nữa, mùa chay 2008 chúng tôi sẽ giới thiệu thêm một vài địa danh nữa.

Xin chân thành cảm ơn các vị hảo tâm đã chung tay với Bông Hồng Xanh trong mùa Noel 2007 và Tết Dương lịch này.