Nhóm Bông Hồng Xanh với những niềm vui tháng 8, 2008

(Xem hình ảnh chuyến thăm Cần Dược, Long An)

(Xem hình ảnh chuyến thăm Cát Tiên)

Được Chúa chúc phúc và nhờ ơn Mẹ Maria, nhóm Bông Hồng Xanh đã có được nhiều niềm vui từ công việc xã hội trong tháng 8 năm 2008 này, xin chia sẻ với quí ân nhân và mọi người trong tâm tình biết ơn.

Một buổi sáng ngày hè, vừa thức giấc, tôi đã nhảy bổ vào cái laptop mà không cầu nguyện, cũng chẳng đọc kinh cho cha mẹ như mọi lần, mà chỉ có một ý nghĩ duy nhất: “Tại sao mình không tận dụng những điều trong tầm tay để làm cho mẹ con chị Đào, người đàn bà và ba đứa con sống dưới cái ghe ven sông, được đổi đời, có một căn nhà nhỏ trên đất liền?”

Tôi ngồi lỳ trên máy, hết mail rồi chát, rồi điện thoại… quên cả ăn sáng và uống nước. (Cái cách làm việc rất cảm tính và đam mê như thế thì tôi có bệnh gì cũng là lỗi của tôi mà thôi!)

Tôi tự hỏi, làm việc với tâm tư như thế thì Chúa có lắng nghe không, hay đó chính là tiếng nói ẩn dấu của Chúa Thánh Thần thôi thúc trong tâm hồn?

Thế mà ba tiếng đồng hố sau, cô Mỹ Hạnh đã trả lời và đồng ý chung tay. Quả là “ Phụ nữ sống một mình rất dễ thương!” là đúng thật!

Tôi nói với anh Trương Phú Thứ: “Kính chào ông anh giàu có, em có ý định mua đất cho mẹ con chị đào, anh có giúp gì không?” Anh trả lời: “Tôi đang lang thang ở Châu Âu, chúng ta sẽ nói chuyện sau nhé! Tôi nghèo nhất nước Mỹ, chắc là sẽ giúp hai trăm đồng!”. Tuy nói như vậy, nhưng anh lại gửi tặng năm trăm đô la cho chương trình mà chẳng nói thêm một lời nào.

Trong email của anh John Hiền gửi đến, nói rằng sẽ cho nhóm “một chút” tiền, anh gửi hai trăm đồng và lại cho thêm ba trăm đồng giúp những ai “túng thiếu” nữa! Ái chà! “một chút” của anh Hiền sao mà tuyệt vời thế!

Tôi ngạc nhiên về những tấm lòng vàng, cũng như chị Đào sững sờ khi được nghe báo tin. Dường như Thiên Chúa luôn là những bất ngờ cho sự suy nghĩ nhỏ bé của con người.

Dưới đây là một vài con số ủng hộ cho việc mua đất, cất nhà cho mẹ con chị Đào và giúp người nghèo.

  • Anh Trương Phú Thứ 500 USD
  • Anh John Hiền 500 USD (200 usd cho chị Đào 300 usd giúp những người túng thiếu.)
  • Cô Mỹ Hạnh 200 USD
  • Anh Nguyễn Tôn Hoàn 100 USD
  • Anh Nguyễn Quốc Tịch 200 USD
  • Thầy phó tế Justin Lê 300 USD
  • Anh chị Tùng Goodyear 200 AUD
  • Chị Nguyễn Thị Kim Loan 100 USD
  • Bạn Trần Kim Anh 200 USD (giúp bệnh nhân nghèo)
Số tiền cần để mua đất và xây nhà cho chị Đào là từ 3000 usd đến 3.500 usd (ba ngàn đến ba ngàn năm trăm usd) mảnh đất nhỏ, ngang 6m dài 15m, gần nhà thờ, gần nơi mót lúa, có giấy tờ đoàng hoàng.

Kính mong quí vị chung bàn tay thêm nữa, hy vọng bốn mẹ con chị Đào được đổi đời nhờ tình thương của Quí vị.

Chuyến công tác tại Cần Đước, Long An

Vào một buổi sáng thứ bảy, nhóm Bông Hồng Xanh đến một trường Trung học Phổ thông Bán công tại vùng Cần Đước, Long An, để tặng quà học tập cho các em học sinh và thăm một số gia đình học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Chuyến đi này có nhiều các bạn nữ hơn so với chuyến đi Nam Cát Tiên vừa qua chỉ có ba bạn nam. Năm 2001, tôi đi đến vùng Gò Công Đông, đi ngang qua Cần Đước, tôi thấy người ta còn nghèo, hai bên mặt đường là những căn nhà lá lụp xụp, tôi mong được ghé thăm nơi này một lần, nhưng mãi đến hôm nay, nhóm chúng tôi mới có những thuận tiện để dừng chân ở đây.

Ở miền quê, được đi học là tốt lắm rồi. Học đến cấp 3 là cả một sự cố gắng, mà lại học trường bán công, đóng tiền gấp ba lần trường công là cả một sự khó khăn cho những con nhà nghèo. Danh sách học sinh khó khăn của trường này khoảng tám chục em, thôi thì có bao nhiêu, cho bấy nhiêu. Chúng tôi phát cho học sinh buổi sáng, còn buổi chiều thì nhà trường phát.

Ngôi trường dành cho học sinh lớn mà đơn sơ quá, bốn phòng học ở dãy bên trái bằng vách gỗ, chỉ có cái trần của phòng học là coi được. Không có nhà để xe cho học sinh. Hàng xe đạp xếp dài trước dãy lớp, cái nào cũng có giỏ vuông.

Chúng tôi sắp quà học tập trong văn phòng nhà trường và phát cho các em một cách nhanh gọn. Sống gần với ruộng đồng, khuôn mặt của các em ngăm ngăm đen, dáng gầy dong dỏng, lộ rõ vẻ ngây thơ vùng thôn dã. Một em lại gần tôi xin địa chỉ và điện thọai, vẻ chân thành: “Nếu con cố gắng vào đại học, cô giúp con học tiếp có được không ạ?” Tôi gật đầu vì xúc động mà chẳng nghĩ gì.

Nửa giờ sau, chúng tôi đến thăm gia đình một số em có hoàn cảnh đặc biệt để hỗ trợ thêm tiền học. Những căn nhà ở sâu trong ruộng, phải đi qua những bờ đất rộng mới đến nơi. Trời nắng gắt, tôi đi bộ không quen nên thấy mệt. Nhìn cảnh nhà các em tôi không thể tưởng tượng các em có thể học đến lớp 12, vì trường cách đó hơn mười cây số; mỗi lần đi học thì gói bộ áo dài vào cặp, lội bộ ra khỏi ruộng, ra đường cái thi quá giang xe đạp của bạn để đến trường, lại phải qua một cái phà kinh Nước Mặn. Mùa khô thì đỡ khổ hơn mùa mưa nhiều.

Một em khác nhà chỉ còn hai anh em, cha mẹ vừa qua đời, hai cái tang cách nhau sáu tháng, em gái vẫn đến trường đều đặn vì có người anh đi làm thợ hồ vun đắp cho. Nhìn hình cha mẹ các em, tôi khô cứng cảm xúc, vì nỗi đau nào đau quá thì bỗng…không còn thấy đau!

Trên đường đi, chúng tôi ghé vào thăm một ngôi nhà có hàng trăm cây cột, một di tích lịch sử văn hóa được công nhận. Ngôi nhà này được ông Trần Văn Hoa (1898-1952) xây dựng. Ngày xưa, ông Hoa là một địa chủ vùng Cần Đước này làm đến chức Hội Đồng của huyện, người cháu nội của ông tiếp chúng tôi vui vẻ, cho xem một số đồ dùng cổ làm bằng gỗ rễ cây. Thí dụ, một cái CHÒ để trưng hoa quả, phần dưới là rễ cây, chúng bện vào nhau, có thể xếp lại, bung ra. Còn cái đĩa có hoa văn Long Phụng chung quanh, ở giữa là chữ Song Hỉ.

Phía sau nhà là một dãy dài, có những cái lu cổ, hoặc đồ cổ gia dụng bằng gỗ. Có thể tóm tắt di tích nhà trăm cột như sau:

“Cách thị trấn Cần Đước 12 km về hướng Đông, di tích kiến trúc Nhà Trăm Cột tọa lạc trên một diện tích 882 mét vuông, thuộc xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Được xây dựng từ năm 1901 đến 1903 do một nhóm nghệ nhân miền Trung thực hiện. Nhà Trăm Cột là một công trình kiến trúc điêu khắc cổ, mang đậm phong cách Huế ở Long An, còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ Cẩm Lai, Mun, Gõ Đỏ. Ngôi nhà này có kiến trúc kiểu xuyên trính, một kiểu thức truyền thống, phổ biến và ưu điểm; là điển hình kiến trúc nhà dân dụng của tầng lớp giàu có ở Nam bộ vào cuối thế kỷ 19.

Những tác phẩm trạm gỗ ở Nhà Trăm Cột thể hiện trình độ bậc cao của nghệ nhân từ bố cục đề tài, xử lý kỹ thuật cũng như cách trình bày đa dạng và sinh động. Nghệ thuật trang trí cũng thể hiện đa dạng và sáng tạo; ngoài mô típ cổ điển, yếu tố Nam bộ đã được đưa vào và khắc họa đậm nét bên cạnh những đồ áng kỹ thuật phương Tây.

Về kỹ thuật chạm khắc, Nhà Trăm Cột là một tập hợp phong phú các kỹ thuật chạm long, chạm nổi, chạm bông với thủ pháp điêu luyện và chắc tay.”

Rời ngôi nhà cổ, chúng tôi muốn đến đồn Rạch Cát, nơi mà lính Tây đóng ở đó thời trước và thăm ngôi nhà thờ nhỏ ở sâu tít bên trong nhưng vì lối đi quá bé, xe hơi không vào được nên đành chờ dịp khác.

Bữa cơm trưa ở một quán nhỏ làm chúng tôi thân thiện nhau hơn. Từ khi xăng lên giá, các chuyến công tác xã hội phải “đánh du kích”, tức là chỉ đi từ hai đến bốn người thôi, phải đi xe khách bên ngoài; lâu lâu mới thuê xe hơi để trưởng nhóm được làm “mẹ bề trên”.

Rời Cần Đước với những cái bắt tay và nụ cười của người dân quê hiền lành, chúng tôi về Sài Gòn, mang theo niềm vui của một vùng rộng lớn mà quá ít nhà thờ; ruộng có từng miếng vuông nhỏ, không mênh mông bát ngát.