Cùng thờ một Chúa: Đạo nào cũng giống nhau?



Một thoáng nhìn về những khác biệt và tương đồng quan yếu giữa Công giáo và Tin lành.

Có rất nhiều tương đồng và khác biệt giữa hai giáo hội Công giáo và Tin lành. Cả hai giáo hội đều thờ kính một Thiên Chúa, cùng chung một Chúa, nhưng phương cách hiểu biết về Thiên Chúa thực khác nhau.

Ao ước rằng trên đời này sẽ chỉ có một tôn giáo chung cho mọi Kitô hữu: Thiên Chúa giáo; nhưng thực thiếu may mắn, Thiên Chúa giáo lại bị chia năm xẻ bẩy ra thành nhiều hệ phái khác nhau. Xin hãy cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Hãy cùng nhau cầu nguyện cho đại kết.

Khi nhìn đến cơ cấu giữa các giáo hội Công giáo, Tin Lành, Tin Lành Truyền giảng (Evangelical), người ta sẽ dễ nhận ra tầm quan trọng của mỗi lãnh vực trong từng giáo hội. Thí dụ trong khi giáo hội Công giáo do hàng giáo phẩm điều hành và có bốn lãnh vực chính cân xứng là bác ái xã hội, phụng vụ-bí tích, truyền giáo, tín điều-thánh kinh-thánh truyền, thì giáo hội tin lành không có hàng giáo phẩm và phụng vụ-bí tích chỉ chiếm 1/8 toàn thể sinh hoạt của giáo hội. Trong khi đó các giáo hội truyền giảng chú tâm rất nhiều đến truyền giáo và bác ái. Sự chú tâm này mạnh đến nỗi truyền giáo và bác ái gần như đồng nghĩa với nhau. Họ cũng không có hàng giáo phẩm nhưng các liên kết quyền bính là hiệp hội.







Nơi đây, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận nền tảng đức tin và các hệ quả trên phụng vụ, bí tích và cầu nguyện. Cơ cấu và điều hành sẽ tiếp theo các hệ quả đó.

Tin mừng: cả hai Công giáo và Tin lành đều tin vào chung một Chúa. Cả hai đều tin vào thánh kinh.

1. Định nghĩa thánh kinh.

Thánh kinh là truyện về Thiên Chúa và về ơn cứu độ của ngài cho dân ngài. Thánh kinh khởi nguồn từ một tiến trình dài trải qua nhiều thời đại khi dân Chúa tường thuật lại kinh nghiệm của mình với Chúa và liên hệ của Chúa với mình.

Thánh kinh xuất hiện đồng thời với con người. Con người kể cho nhau nghe các cảm nghiệm về Chúa. Đôi khi, theo thời gian, khi thông truyền từ người này sang người khác, một số các chi tiết trở nên lẫn lộn. Việc kể cho nhau nghe là khẩu truyền.

Để gìn giữ giá trị các câu truyện nguyên vẹn hơn, các bút ký viết lại những câu truyện đức tin đó. Tại Trung Đông, các câu truyện hoặc các sách được viết trên giấy papyrus. Truyền thống này gọi là bút truyền.

Theo thời gian, các giấy papyrus này bị rách và bị hư hoại. Các bút ký (người biên soạn) thu góp các văn kiện khác nhau, xem xét tìm xem đâu là chứng liệu chân thực, sau đó xếp lại thành các chủ đề. Cách này gọi là văn bản được chứng nhận hoặc văn bản truyền thống.

Thánh kinh mà chúng ta đang dùng hiện nay là văn bản truyền thống hoặc là bộ sách ghi nhận câu truyện đức tin.

1A. Thánh kinh và truyền thống.

Người Tin Lành chỉ tin vào những gì được ghi nhận trong Thánh kinh, tức là văn bản được chứng nhận. Đương nhiên, người Công giáo cũng tin vào Thánh kinh. Tuy nhiên, Thánh kinh, văn bản được chứng nhận, sẽ không thể tường thuật tất cả mọi sự như lời thánh Gioan đã viết: "Có nhiều điều khác Chúa Giêsu đã làm nhưng không thể ghi nhận từng sự kiện ra đây. Tôi sợ rằng cả thế giới này không đủ chỗ chứa các sách viết ra" (Gioan 21: 25). Nói cách khác, Công giáo tin vào khẩu truyền "Tôi có lời khen anh em đã nhớ đến tôi trong mọi dịp và nắm giữ các truyền thống tôi đã để lại cho anh em" (1 Cor. 11: 2) và "Cho nên, anh em hãy đứng vững và gìn giữ các truyền thống mà chúng tôi đã dậy cho anh em, bằng lời nói hoặc bằng thư" (2 Thes. 2: 15).

1B. Số lượng sách trong Thánh kinh khác nhau.

Thánh kinh Công giáo có nhiều sách hơn Tin lành. Tin Lành dùng bộ thánh kinh Do thái (39 cuốn). Công giáo dùng bộ Thánh kinh Hy Lạp (46 cuốn). Như vậy, Công giáo có các cuốn sách Baruch, Maccabees I and II, Tobit, Judith, Sirach hay Đệ nhị luật và Khôn ngoan. May mắn là cả Tin Lành cũng như Công giáo đều nhận 27 sách tân ước.

Tuy nhiên, Thánh kinh Tin Lành không giống Thánh kinh Công giáo (thí dụ như trong tin mừng theo thánh Gioan 20: 20 -23)

1C. Giải thích và chú giải Thánh kinh.

Cùng một câu nhưng cả hai tôn giáo giải thích và chú giải đôi khi giống nhau, đôi khi khác nhau, thí dụ Luca 22: 19 "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy." Với Tin Lành thì đây chỉ là sự tưởng nhớ. Trong khi đó với Công giáo, thánh thể không chỉ là tưởng nhớ sự hiện diện hoặc việc làm của Chúa, mà đích thực là sự hiện diện của Người. Tại sao? Giáo hội Công giáo không chỉ dựa vào một câu và tách rời câu đó ra. Một câu có thể liên hệ với các câu khác vì chúng cùng thuộc về một bộ sách Thánh kinh. Liên hệ với Luca 22: 19 là Gioan 6: 34 - 62. Chúa Giêsu nói rằng ai ăn mình Người và uống máu Người sẽ có sự sống đời đời. -Một số môn đệ sau khi nghe xong, bỏ Người mà đi-. Người nghe hiểu rằng Chúa Giêsu thực sự muốn nói đến mình và máu thật của Chúa. Hơn thế nữa, trong bữa tiệc ly, khi cầm lấy bánh, Người nói: "Này là mình Thầy" và khi cầm lấy chén, Người nói "Này là máu Thầy." Chúa đã không nói "Đây là hình ảnh tượng trưng cho mình Thầy hoặc máu Thầy (Xc. Luca 22: 19 - 21; 1 Cor. 11: 23 - 26; 11: 27). Chúa thực sự muốn nói tới mình Người.

2. Hệ quả

Từ những khác biệt trên xẩy ra nhiều khác biệt nữa về bí tích, về lòng sùng kính dành cho Đức Mẹ, phụng vụ, thờ kính và điều hành.

2A. Bí tích. Có bao nhiêu bí tích?

Đa số hệ phái Tin Lành chỉ đồng ý hai bí tích. Đó là bí tích rửa tội và mình thánh Chúa (thánh thể). Trong khi đó, Công giáo có 7 bí tích. (Xin coi thêm www.wikipedia.sacraments. Những trích dẫn sẽ được in bằng chữ nghiêng).

Wikipedia viết: Hai bí tích được đa số các tôn giáo Kitô chấp nhận là rửa tội và mình thánh Chúa; mặc dầu nhiều đạo khác kể thêm năm bí tích nữa: thêm sức (Chính thống giáo gọi là thêm dầu) truyền chức, hòa giải (xưng tội), xức dầu và hôn phối. Cộng chung có bẩy bí tích được các giáo hội cổ truyền nhìn nhận -nhất là các đạo Công giáo, Công giáo đông phương, chính thống giáo đông phương, chính thống giáo viễn đông, Công giáo độc lập, Công giáo cổ và một số Anh giáo. Các đạo khác chỉ nhìn nhận hai bí tích rửa tội và thánh thể.

2B. Ý nghĩa của bí tích.

Wikipedia định nghĩa: Công giáo, cùng với một số nhánh Methodist, Lutheran và Anh giáo chủ trương bí tích không chỉ là các dấu chỉ, nhưng bí tích mang lại hiệu quả qua các dấu chỉ. Nói cách khác đi, tự bản chất, bí tích khi được cử hành đúng, do Chúa dùng như phương tiện chuyển ân sủng đến người tín hữu và cũng để tín hữu dâng lên Chúa lời chúc tụng và tạ ơn. Vì là dụng cụ thông truyền, bí tích cần có hình thức cầu nguyện riêng.

2B1. Với gíao hội Công giáo, bí tích mang đặc tính thánh thiện và không bị xóa nhòa do Chúa Giêsu lập ra.

Thí dụ, bí tích hôn phối vĩnh cửu cho đến khi người phối ngẫu qua đời. Hôn phối không phải chỉ là giao kết giữa chồng và vợ. Hôn phối là giao ước thánh thiện và không thể bị bẻ gẫy giữa người nam và người nữ, do Chúa chúc phúc qua vị linh mục và giáo hội. Điều này có nghĩa rằng sau khi đã lập gia đình không được ly dị.

Một vài đạo Tin Lành như Baptist và Methodist không tin vào bí tích truyền chức thánh, vì vậy trong các đạo này không có chức linh mục. Khi không có linh mục sẽ không có các mục vụ hoặc "bí tích" do linh mục cử hành như thánh thể, xức dầu, thêm sức.. Cũng nên lưu ý thêm nơi đây, lời dậy dỗ Thánh kinh của các đạo Tin Lành không giống nhau. Mỗi giáo hội và mỗi người có thể giải thích Thánh kinh tùy theo sự hiểu biết và linh ứng của mình.

2B1. Ý nghĩa tội và bí tích hòa giải.

Tin Lành không phân biệt tội trọng và tội nhẹ. Chỉ có tội mà thôi. Vì không tin vào bí tích hòa giải nên không cần xưng tội với linh mục. Nếu hối nhân muốn xưng tội, người đó xưng tội thẳng với Chúa. Điều này cũng có nghĩa rằng luật hội thánh Công giáo "xưng tội trong một năm ít là một lần" không buộc phải theo. Lại một lần nữa để biết thêm về khác biệt giữa hai thứ Thánh kinh: đoạn văn trong Gioan 20: 23 không có trong nhiều sách Thánh kinh Tin Lành.

3B. Hệ quả của những khác biệt này lại gây ra khác biệt nữa.

Người Tin Lành không tin vào luyện ngục. Người Công giáo cho rằng phạm tội nhẹ cần tinh luyện trong luyện ngục. Sau thời gian tinh luyện, họ sẽ lên thiên đàng.

4B. Thánh thể.

Tin Lành không tin vào sự hiện diện thực của Chúa Giêsu trong phép thánh thể. Như đã nói trên, thánh thể chỉ là sự tưởng nhớ. Vì vậy luật hội thánh "đi lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc" là do con người làm ra và không buộc phải theo!!! Tuy nhiên, cần lưu ý, trong mười giới răn, "giữ ngày Sa-bát" là một trong những giới răn Chúa truyền

5B. Người được công chính hóa (Rom. 3: 21 - 31)

Luther nổi tiếng nhờ lời tuyên bố "con người được công chính hóa nhờ đức tin mà thôi." Ông nhìn nhạn sự tội lỗi của con người, và mạnh mẽ trong cậy vào lòng từ bi và ân sủng của Chúa. Không có gì sai trái với lời tuyên bố trên, nhưng ông quên đi mất câu khác của thánh Giacobê "con người được công chính hóa nhờ việc làm và không chỉ nhờ đức tin mà thôi" (Giacobê 2: 24) và "như thân xác mà không có linh hồn là xác chết, như vậy với đức tin mà không có việc làm là đức tin chết (Giacobê 2: 26). Đức tin phải đi song đôi với việc làm qua các dấu chỉ nhận ra được. Đó là lý do tại sao giáo hội Công giáo đòi buộc con cái của mình đi nhà thờ và làm việc bác ái. Những việc này được gọi là biểu dương đức tin.

6. Tôn thờ các thánh?

Giáo hội Công giáo tuyên bố rõ ràng không tôn thờ các thánh, chỉ tôn thờ mình Chúa mà thôi. Nói cho đúng, không nên dùng chữ tôn thờ các thánh mà là tôn kính.

Thánh kinh viết về cuộc đời và sứ vụ của Chúa chứ không về cuộc đời của các thánh, dù là các tông đồ. Như vậy, câu hỏi nên đặt ra là tôn kính Đức Mẹ thế nào cho đúng. Với người Công giáo, Đức Maria có 4 vai trò, 4 vị thế và 4 tước vị

  • Mẹ Thiên Chúa
  • Đồng trinh
  • Vô nhiễm nguyên tội
  • Linh hồn và xác lên trời.
Cả hai giáo hội Công giáo và Tin lành đồng ý rằng đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu, nghĩa là Mẹ Thiên Chúa. Cần ghi nhận nơi đây, đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu mà thôi, chứg không là Mẹ Chúa Cha hoặc Mẹ Chúa Thánh thần.

6a. Thánh mẫu Thiên Chúa (Luca 1: 43)

Các tín điều Maria đồng trinh, vô nhiễm nguyên tội và linh hồn và xác lên trời đặt nhiều vấn đề cho anh em tin lành. Người Tin lành không thấy có những câu tuyên bố minh bạch và trực tiếp trong Thánh Kinh về các tín điều này. Lại lần nữa, tuy không có những câu minh bạch trong Thánh Kinh, nhưng những chứng cớ minh bạch và rõ ràng chứng minh những xác tín trên. Chúng ta nên xem thêm tài liêu "Mary: Source of Hope" ấn hành năm 2005, do hai ủy ban đại kết của giáo hội Công giáo và Anh giáo viết chung.

6b. Maria Đồng trinh (Luca 1: 26 -28, 34).

Thánh Kinh viết "sứ thần hiện ra với môt trinh nữ đã đính hôn với một nam nhân, trinh nữ đó tên là Maria..; Maria nói, chuyện đó xẩy ra thế nào được vì tôi không biết đến người nam? (xin coi thêm Matthêu 1: 23.) Cũng nên ghi nhận một điểm 'tức cười' là trong khi anh em Tin lành chú trọng đến các chứng cứ minh bạch thánh kinh để tin nhận, thì không thấy có chứng cớ minh bạch nào về việc Đức Mẹ sinh con ngoài Chúa Giêsu. Không có chứng cớ minh bạch tại sao lại lý luận rằng Đức Mẹ Maria không đồng trinh?

6c. Maria vô nhiễm nguyên tội (Luca 1: 28)

Đức Maria được chào là "đầy ơn phúc." Đầy ơn phúc nghĩa là không có tội, kể cả tội nguyên tổ và tội riêng. Đằng khác, Đức Giêsu, Thiên Chúa, có thể ở chung với tội, dù là tội nguyên tổ? Cũng nên ghi nhận nơi đây, dù Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, khi chia sẻ thân phận con người, Ngài vẫn cần ơn cứu chuộc của Chúa.

6d. Maria linh hồn và xác lên trời.

Việc Đức Maria linh hồn và xác lên trời không ghi trong Thánh Kinh. Tuy nhiên, giáo hội Công giáo lý luận rằng hình ảnh thánh kinh về linh hồn và xác lên trời đã được nhắc đến nơi sách Khải huyền 12: 1-2 "Một dấu hiệu vĩ đại xuất hiện trên trời, môt người nữ mặc áo mặt trời. Mặt trăng ở dưới chân bà. Trên đầu bà là vương miện có mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang đau la quằn quại vì sắp sinh con" Nếu Mẹ vô nhiễm nguyên tội, là thánh mẫu Thiên Chúa, thì đâu là hệ quả nối tiếp? Việc Đức Maria linh hồn và xác lên trời là kết quả của các tín điều trên. Linh hồn và xác của Mẹ lên trời cũng là tương lai của chúng ta, những người con của Chúa.

7. Chúng ta có nên cầu nguyện với Mẹ Maria?

Người Công giáo thường xuyên cầu nguyện với Mẹ Maria. Họ nhìn đến Mẹ như máng thông ơn Thiên Chúa cho con người. Chỉ có một Chúa. Ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa và chỉ có từ Thiên Chúa, là Đức Giêsu. Trong kinh cầu, khi người Công giáo cầu nguyện với Chúa Giêsu, họ thưa "Thương xót chúng con"; với Mẹ Maria, họ thưa "cầu cho chúng con."

8. Ai là các thánh?

Mọi người đều được mời gọi nên thánh. Thánh là những vị mà cuộc đời tốt đẹp trước mặt Thiên Chúa. Thánh có thể là bất cứ người nào trong chúng ta. Nên ghi nhớ nơi đây, khi giáo hội Công giáo tuyên xưng (phong thánh) một vị nào đó là thánh, giáo hội dùng ơn Chúa nói với Phêrô "những gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng sẽ cầm buộc; những gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở (Mt. 16: 18-19)." Tuy nhiên, việc tuyên dương hiển thánh không có nghĩa rằng trên trời chỉ có từng đó vị là thánh. Chắc chắn, số các vị thánh trên thiên đàng phải rất đông như sách Khải huyền miêu tả.

8a. Tại sao chúng ta phải cầu nguyện với các thánh và với Mẹ Maria?

Chúng ta nên cầu nguyện với các ngài. Xin coi Matthêu 8: 1-4

Hãy nhớ câu truyện tiệc cưới thành Cana. Đức Maria can thiệp, xin cho đôi hôn phối và Chúa Giêsu lắng nghe lời Mẹ dù "giờ của con chưa tới." (Gioan 2: 4)

8b. Một câu hỏi khác: chúng ta có thể và nên cầu nguyện cho người khác?

Đúng vậy. Chúng ta có thể và nên cầu nguyện cho người khác. Thánh Kinh kể lại nhiều câu chuyện cầu nguyện thay cho người khác và Chúa nhận lời. Những đoạn nổi bật là lời khẩn cầu của viên đại đội trưởng trong Matthêu 5: 1-13; lời xin cho con gái ông viên chức Mt. 9: 18-19; 23-26; đức tin của người phụ nữ Ca-na-an cho con gái của bà (Mt. 5: 21-28.)

Nhờ lời cầu nguyện của thân nhân và bạn bè mà phép lạ xẩy ra. Xc Mt. 9: 1-8; 2--22; 15: 29-31.

Như vậy, cầu nguyện với các thánh nghĩa là xin các thánh cầu nguyện cùng Chúa cho chúng ta.

8c. Có nên cầu nguyện cho và cầu nguyện với các linh hồn trong luyện ngục?

Giáo hội Công giáo tin rằng thiên đàng, trần thế và luyện ngục là ba giai tầng của một gíao hội. Tất cả mọi người cùng liên hệ và liên quan với nhau. Chúng ta nên và có thể cầu nguyện cho và với cha mẹ, tổ tiên của mình. Các vị cũng cầu bầu cho chúng ta vì các vị yêu thương chúng ta như chúng ta yêu thương các vị.

9. Á bí tích.

Á bí tích không phải là bí tích nhưng là những dấu chỉ hữu hình giúp người Công giáo giao tiếp với Thiên Chúa dễ dàng hơn. Á bí tích bao gồm dấu hiệu, dấu chỉ, hình thức tôn gíao công cộng hoặc tư nhân, cầu nguyện, tư thái, nghi thức, hình ảnh, tượng, các đồ vật thiên nhiên hoặc nhân tạo. Những á bí tích được làm phép, do đó chúng trở nên thánh thiện cho mục đích tôn gíao.

Người Công giáo mến mộ á bí tích. Qua á bí tích, người ta dễ nhân ra ai là Công giáo. Nhìn lại lịch sử, á bí tích không phải do đạo Công giáo lập ra. Á bí tích khởi nguồn từ truyền thống Do thái giáo qua các dấu chỉ biểu lộ đời sống tôn giáo như bánh, rượu, nước thanh tẩy, dầu, đặt tay. Lời phượng tự như Amen, Alleluia, Hosanna đến từ cựu ước. Giáo hội Công giáo luôn cảnh giáo -nhưng không phải lúc nào cũng thành công- các lạm dụng khi xử dụng á bí tích. Tin lành, trong thời cải cách, đã mạnh mẽ lên án và thách đố giá trị của các á bí tích, một phần vì những lạm dụng này.

Người Công giáo mang áo và giây Đức bà. Ơ nhà, họ lần hạt Mân côi, rẩy nước thánh khi đọc kinh. Họ cầu nguyện với Chúa Giêsu, Đức Bà Maria và các thánh. Ơ nhà thờ, họ làm dấu thánh giá với nước thánh, bái quỳ hoặc cúi mình khi bước vào nhà thờ. Họ quỳ gối và cầu nguyện khi thắp nến khấn. Họ thường xuyên làm dấu thánh giá. Đàn ông ngả mũ chào khi qua nhà thờ. Phụ nữ đội nón trong nhà thờ. Họ chăm chỉ đi dự lễ ngày Chúa nhật và làm tuần cửu nhật. Họ thường xuyên đi chầu thánh thể nhất là vào ngày thứ sáu đầu tháng. Họ trưng bầy ảnh, tượng các thánh trong nhà thờ và tại tư gia. Họ sùng kính đức Maria, thánh tâm Chúa Giêsu, thánh gia. Họ kính trọng và yêu mến thánh thể trong nhà tạm. Họ đi hành hương đến các hang đá, đền thánh khi có dịp.

Một số hình thái công giáo quen thuộc với người tin lành là cầu nguyện khi đứng, khi ngồi và cúi đầu. Một số hình thái khác khá quen thuộc là cùng nhau nắm tay, giơ tay lên trời và ngước mặt lên trời cầu nguyện. Các hình thức không quen thuộc là quỳ phủ phục, chắp tay, đấm ngực, dấu thánh giá, rẩy nước phép, đốt nến khấn..

10. Thờ phượng phổ thông.

Thờ phượng phổ thông là các nghi thức giúp người Công giáo hiểu biết về Chúa hơn. Kinh Mân côi, chầu thánh thể, hành hương.. là những thờ phượng phổ thông. Mân côi là các lời kinh trích dẫn từ trong Thánh Kinh. Kinh "Lậy cha" do Chúa truyền dậy; kinh "Kính mừng" là lời sứ thần chào đức Maria; "Thánh Maria" là lời khẩn cầu xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Kinh "Sáng Danh" là lời tuyên xưng đức tin vào Ba ngôi Thiên Chúa.

11. Bên cạnh việc đọc Thánh Kinh, chúng ta có nên cầu nguyện?

Như đã nêu trên, Thánh Kinh là khung sườn nền tảng. Chúng ta nên và phải diễn tả khung sườn đó bằng nhiều phương cách đúng và khác nhau. Đọc và cầu nguyện Thánh Kinh là những phương cách rất tốt và thích đáng. Điều đáng tiếc, không phải mọi người Công giáo đều biết cầu nguyện với Thánh Kinh. Tuy nhiên, Chúa không chỉ bị giới hạn trong Thánh Kinh. Thánh Kinh là tình yêu của Chúa và về Chúa được ghi chép. Khi cầu nguyện, chúng ta cần đối thoại, đàm thoại và lắng nghe tiếng Chúa.

II. Khác biệt về điều hành và các hệ quả.

1. Điều hành trong giáo hội Công giáo.

Giáo hội Công giáo do hội đồng giám mục và vị lãnh đạo là giám mục thành Roma hoặc giáo hoàng điều hành. Giáo hội Công giáo theo hệ thống quyền hành trung ương, nghĩa là hầu hết các quyết định quan trọng và lớn đều đến từ Roma. Đức giáo hoàng hành xử trọn quyền trên toàn gíao hội về luân lý và tín lý dựa trên quyền bất khả ngộ giáo hoàng.

1A. Vai trò và vị thế của Đức Giáo hòang

Sách giáo lý Công giáo viết rằng quyền bất khả ngộ về giáo huấn của vị chủ chăn bao phủ tất cả các thành phần của đức tin, kể cả đức tin luân lý, mà nếu không có quyền bất khả ngộ này thì việc bảo tồn các chân lý đức tin không thể được duy trì, giải thích hoặc tiến hành (Xc. Lument Gentium 25).

Giáo hoàng và các giám mục là những thầy dậy chân chính, giảng cho dân Chúa đức tin cần phải tin và cần phải áp dụng trong đời sống luân lý. Đó cũng là bổn phận của các vị khi tuyên bố vấn đề luân lý nằm trong luật tự nhiên và lý trí.

Do đó, không phải tất cả mọi người đều có quyền giải thích Thánh Kinh và ý nghĩa của Thánh Kinh, nhất là các vấn đề liên quan đến đức tin và luân lý. Những giải thích này thuộc quyền giáo hoàng và giám mục. Giáo hoàng có quyền trên toàn gíao hội, còn giám mục trên giáo phận của mình.

1B. Hàng giáo phẩm.

Giáo hội Công giáo theo mô hình giáo phẩm hiệp thông. Hàng giáo phẩm dựa theo trật tự sau: giáo hoàng, hồng y, giám mục, linh mục và thầy sáu. Một hàng giáo phẩm không chính thức khác nữa là các sơ, chủng sinh, giáo dân thừa tác viên và giáo dân.

2. Sự độc lập của các giáo hội Tin lành.

Trong khi đó, các giáo hội Tin lành không mang đặc tính duy nhất và hợp nhất. Tin lành chỉ là cụm từ chung để diễn tả rất nhiều giáo hội và mỗi giáo hội có nhiều nhánh. Mỗi nhánh có quyền và trách nhiệm dậy dỗ và giải thích Thánh Kinh, quyền điều hành tùy theo sự hiểu biết và truyền thống. Nơi đây, chúng ta hãy nhìn đến giáo hội Tin lành Baptist tại Hoa kỳ là giáo hội có nhiều giáo dân hơn nhiều giáo hội Tin lành khác.

2A. Liên Giáo hội Tin lành Baptist độc lập.

Giáo hội Baptist Hoa kỳ có đến 9 hệ phái lớn khác nhau (tài liệu trong http://en.wikipedia.org/wiki/Baptist. Chỗ trích dẫn được in nghiêng.)

  • Alliance of Baptists
  • American Baptist Churches USA
  • Baptist General Conference
  • Conservative Baptist Association
  • Cooperative Baptist Fellowship
  • National Baptist Convention, USA, Inc.
  • National Baptist Convention of America, Inc.
  • Progressive National Baptist Convention
  • Southern Baptist Convention
2B Chữ đầu

Các hệ phái Tin lành Baptist Hoa kỳ cùng chia sẻ với nhau ý niệm dựa trên các chữ đầu (đầu ngữ) ghép thành BAPTIST. BAPTIST gồm tóm khái niệm tin chung:

  • Biblical authority. (Xc. Mt. 24: 25; 1Pet 1: 23; 2Tim 3: 16-17). Đoạn theo Matthew 24: 35 viết "Dù trời đất có qua đi thì lời ta không qua đi.
  • Autonomy of the local Church (Mat 18:15-17; 1Cor 6:1-3). Mat. 18: 15 -17 viết "nếu anh em con lỗi phạm đến con, đi và nói với anh ta.. nếu người đó không chịu nghe con, nói với giáo hội. Nếu họ không chịu nghe ngay cả giáo hội, hãy đối xử với họ như với người dân ngoại hoặc với người thu thuế.
  • Priesthood of all believers (1Pet 2:5-9; 1Tim 5). 1 Pet. 2: 5-9 "và như là những tảng đá sống, các anh em hãy để Thiên Chúa dùng anh em mà xây nên ngôi đền thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Chúa qua đức Giêsu Kitô..Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, là dân riêng Thiên Chúa để anh em loan truyền những kỳ công của Người à đấng đã gọi anh em khỏi miền u tối mà vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.
  • Two ordinances (Acts 2:41-47; 1Cor 11:23-32): rửa tội và bữa tiệc ly
  • Individual soul liberty (Rom 14:5-12) "..để nếu chúng ta sống, chúng ta sống vì Chúa, và nếu chúng ta chết, chúng ta chết vì Chúa..để mỗi người chúng ta sẽ trả lẽ cho mình trước Chúa.
  • Separation of Church and State (Mat 22:15-22) "hãy trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar và cho Chúa những gì thuộc về Chúa.
  • Two offices of the church (pastor and deacon) (1Tim 3:1-13; Tit 1-2)
2C. Tứ Trụ Tự Do.

Đa số các nhánh Baptist tin vào "Tứ Trụ Tự Do." Nhà sử học Baptist Walter B. Shurden đã viết rất chính xác như sau:

  • Linh hồn Tự do: linh hồn có khả năng hiểu biết trước mặt Chúa và có thể quyết định những vấn đề liên quan đến đức tin mà không bị bó buộc hoặc bị đè nén bởi bất cứ môt cơ quan tôn gíao hoặc dân sự nào
  • Giáo hội tự do: mỗi giáo hội địa phương tự do, không bị can thiệp bởi cơ quan chính quyền hoặc dân sự (dĩ nhiên phải tuân phục các luật lệ không làm cản trở những dậy dỗ và thực hành tôn giáo)
  • Thánh Kinh tự do: mỗi cá nhân tự do giải thích Thánh Kinh cho mình đang khi dùng những phương cách tốt đẹp nhất để nghiên cứu, học hỏi Thánh Kinh tùy theo khả năng của mình.
  • Tôn giáo tự do: mỗi cá nhân tự do lựa chọn sống tôn giáo của mình, đổi sang tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào. Sự tách rời giữa giáo hội và nhà nước được gọi là "hệ quả dân sự tất yếu" hoặc tự do tôn giáo.
  • Trong khi đó, như đã nêu trên, giáo hội Công giáo, đang khi nhìn nhận tự do của mỗi cá nhân, nhấn mạnh đến quyền bính giáo hoàng -và các giám mục- người thừa kế ngai tòa thánh Phêrô "Trên đá này Thầy sẽ xây giáo hội của Thầy (Mt. 16: 18 -19)
3. Hệ quả

Khái niệm về tự do và đầu ngữ BAPTIST của giáo hội Baptist tạo ra nhiều hệ luận khác biệt về tín điều và luân lý không chỉ giữa các hệ phái Baptist, mà còn với các giáo hội Thiên Chúa giáo khác, trong đó có cả Công giáo.

3A. Đức Tin khác biệt.

Niềm tin khác biệt giữa người Baptist. Những khác biệt giũa quan niệm về chức linh mục của mọi tín hữu, tự do phán đoán theo lương tâm, sự điều hành độc lập của mỗi cộng đoàn Baptist đã khiến cho các nhà thờ Baptist khác nhau nhiều về các vấn đề sau:

  • Calvinism/Arminianism
  • Tách biệt tôn giáo và nhà nước
(Mỗi hệ phái và nhà thờ Baptist giải thích sự tách biệt này cách khác nhau. Có nhóm Baptist chủ trương "trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian." Họ sống, suy tư, sinh hoạt khác với người không cùng tôn giáo. Có nhóm muốn sống hòa nhập và hòa đồng với xã hội. Có nhóm dùng thánk kinh để hướng dẫn chính trị và dùng chính trị điều hành xã hội)

  • Quan niệm về cánh chung tức là tận thế
  • Giải thích Thánh Kinh
  • Đồng tính luyến ái
  • Truyền chức nữ giới
  • Các nhà thờ phải nâng đỡ nhà truyền giáo và chương trình truyền giáo
  • Đến mức nào các người không thuộc về đạo Baptist có thể tham dự vào các việc phục vụ chung
  • Bản tính của Luật và Phúc Âm
Nơi đây, cùng nhau chúng ta nghiên cứu các trích dẫn từ một vài vấn đề lớn là đồng tính luyến ái và truyền chức cho nữ giới. Những vấn đề này đã tạo ra nhiều khác biệt giữa Công giáo và Tin lành, giữa Tin lành và Tin lành, và giữa các nhà thờ Tin lành của cùng một hệ phái.

Đồng tính luyến ái. "Vấn đề đồng tính luyến ái trong Thiên Chúa giáo đã trở thành vấn đề tranh cãi thần học gay cấn giữa các Kitô hữu. Họ tranh luận với nhau để nhận định đồng tính luyến ái và liên hệ tính dục giữa những người đồng tính luyến ái phải chăng là có tội hoặc là không hợp với luân lý.

Theo lịch sử, các giáo phái Thiên Chúa giáo trước đây coi tính dục trong đồng tính luyến ái là tội, dựa trên các giải thích một vài đoạn trong Thánh Kinh. Quan niệm này cho đến ngày nay vẫn được đa số các hệ phái Thiên Chúa giáo, gồm cả Công giáo và chính thống giáo, Evengelical như Southern Baptist convention ủng hộ. Tuy nhiên, có một nhóm nhỏ các giáo phái hiện đang giải thích Thánh Kinh rằng đồng tính luyến ái là hợp luân lý. Khuynh hướngnày được nhiều giáo phái cấp tiến ủng hộ nhất là các hệ phái thuộc United Church of Christ, Methodist Church of Great Britain, the Moravian Church, the United Church of Canada, Friends General Conference, and the Anglican Church of Canada.

Gần đây, hệ phái Metropolitain Community Church được thành lập chuyên để phục vụ các người gọi tắt là LGB T, tức là lesbian, gay, bi-sexual và transgender -là các người đồng tính, lưỡng tính và đổi giống-. Nên lưu ý rằng nhiều hệ phái Tin lành của dòng chính, trong nội quy của họ, đã không dùng từ ngữ diễn tả đồng tính luyến ái là tình trạng ở trong tội. Sách luật của nhóm Presbyterian (PCUSA) phản ảnh sự thay đổi này. Các sửa đổi tương tự như vậy cũng xẩy ra trong nhóm Lutheran Evangelical (ELCA) và Disciples of Christ. Nên lưu ý rằng đa số các hệ phái này tuy chưa cho phép những người LGBT nắm giữ các chức vụ lãnh đạo và tư giáo, nhưng sự đón nhận giáo dân LGBT và chấp nhận lối sống của họ ngày càng phổ thông nhiều hơn.

Truyền chức cho nữ giới. Trong giáo hội Công giáo Roma, Chính thống giáo và Anh giáo có sự phân biệt giữa đời tận hiến và đời thánh chức. Đời thánh chức bao gồm phẩm trật linh mục là giám mục, linh mục và thầy sáu. Giáo hội Công giáo Roma và Chính thống giáo dành chức linh mục cho nam giới.

Trong giáo hội Tin lành không có chức linh mục. Truyền chức được hiểu là chấp nhận một thừa tác viên vào làm việc mục vụ. Đa số các giáo phái Tin lành truyền chức cho nữ giới trừ một vài hệ phái rất bảo thủ như Southern Baptist Convention, Lutheran Church Missouri Synod và các nhóm bảo căn (fundamentalist)."

4. Luật điều hội thánh Công giáo.

Một điều khác biệt lớn nữa giữa giáo hội Công giáo và Tin lành là các luật điều hội thánh Công giáo. Giáo hội Tin lành không đòi hỏi những luật điều này.

Luật điều hội thánh Công giáo nhằm hướng dẫn đời sống luân lý và được nuôi dưỡng bằng đời sống phụng vụ. Đặc tính bắt buộc của những điều luật tích cực này, do các vị có trách nhiệm mục vụ ban hành, là để bảo đảm cho người tín hữu một tác động tối thiểu không thể hoán chuyển trong đời sống tinh thần cầu nguyện và luận lý, khi tăng trưởng trong tình yêu của Chúa và tha nhân.

  • a. Luật điều thứ nhất: Đi lễ ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc, đòi buộc người tín hữu tham dự vào sự cử hành thánh thể khi cộng đoàn Kitô cùng hợp chung với nhau vào ngày tưởng niệm Chúa phục sinh, tức là ngày Chúa nhật (và lễ trọng).
  • b. Luật điều thứ hai: Xưng tội trong một năm ít là một lần giúp người tín hữu chuẩn bị lãnh nhận và kết hợp với thánh thể, qua sự giao hòa với Thiên Chúa và với tha nhân. Giao hòa là bí tích tiếp tục công việc tha thứ và hoán cải của phép rửa tội.
  • c. Luật điều thứ ba: Chịu lễ trong mùa phục sinh bảo đảm ít nhất việc rước mình và máu thánh Chúa liên kết người tín hữu với lễ phục sinh, với nguồn cội và tâm điểm phụng vụ Kitô giáo.
  • d. Luật điều thứ tư: Giữ thánh đức những ngày lễ buộc. Người tín hữu hoàn tất bổn phận giữ ngày Chúa nhật qua việc tham dự các lễ phụng vụ quan trọng chính, khi tôn vinh mầu nhiệm của Thiên Chúa, của Đức trinh nữ Maria và của các thánh.
  • e. Luật điều thứ năm: Giữ chay các ngày hội thánh dậy nhằm giúp người tín hữu có những thời gian chay tịnh và thống hối chuẩn bị cho các lễ phụng vụ. Những hy sinh này giúp họ làm chủ được bản năng và tự do của mình
  • d. Người tín hữu có bổn phận giúp đỡ vật chất cho giáo hội tùy theo khả năng.
5. Những luật điều hội thánh của thể thay đổi?

Bởi vì truyền thống và luật điều là những khía cạnh nhân loại của đức tin, chúng có thể được thay đổi. Thí dụ, luật điều "kiêng thịt ngày thứ sáu" không còn nữa. Thay vào đó là luật điều "giữ chay và kiêng thịt các ngày lễ trọng." Luật điều "Người tín hữu có bổn phận giúp đỡ vật chất cho giáo hội tùy theo khả năng" là mới. Nhu cầu và văn hóa của xã hội hiện tại luôn luôn ảnh hưởng đến giáo hội.

Thay lời cuối. Dự phóng tương lai: Hy vọng đại kết. Một cách tiêu cực khi nhìn đến các khác biệt, nhiều người nản lòng trước hy vọng đại kết. Tuy nhiên, xin đừng quên vai trò của Chúa Thánh thần. Chúa Giêsu đã cầu nguyện: Lậy cha, con không chỉ cầu nguyện cho chúng, nhưng còn cho những ai sẽ tin vào con qua lời chúng; để chúng nên một, như Cha nên một trong con và con trong Cha (Gioan 18 : 20 -21). Tiêu chuẩn cho đai kết là lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu trước khi tử nạn: "Đây là giới răn của thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu các con" (Gioan 15: 12). Chúa Giêsu là người Á châu vàvới người Á châu, lời trăn trối trước khi từ trần mang một sứ điệp quan trọng đặc biệt. Những người theo Chúa có bổn phận phải hoàn tất.