Nếu Chúa Giêsu Ở Haiti Thì Chúa Sẽ Nói…
Nếu Chúa Giêsu Ở Haiti Thì Chúa Sẽ Nói…Kỳ IV. “Ta là mạch nước trường sinh!” Giêrêmia 2:13
Bạn thân mến, tên của làng đó là Noé (từ chữ Noah) – Là người Công Giáo khi nghe đến chữ Noah có lẽ chúng ta hình dung đến nước - Nước ngập lụt. Sách Sáng Thế Ký đoạn 7 đã ghi lại việc ông Noah cùng gia đình cũng như một số loài vật đã được Thiên Chúa cứu sống qua cơn đại hồng thủy. Thế mà “noé” ở Haiti thì lại… cằn cỗi, và khô cằn không một giọt nước.
“Nơi nào có nước, nơi đó có sự sống!” Dân riêng của Chúa là Do Thái đã cảm nhận được “nỗi khổ” của cuộc sống thiếu nước khi bị lưu đày 40 năm trong hoang địa – Sau đó Đức Chúa cũng đã dùng hình ảnh của nước để diễn tả tình yêu và sự liên đới của Ngài với dân Ngài đã chọn. Ngài đã nói với dân người qua Tiên Tri Giêrêmia rằng “dân Ta đã phạm hai tội: chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn”
Tôi tự đặt cho mình câu hỏi người dân làng Noé đã làm gì mà bị “luận phạt” thiếu nước như thế? Tôi cảm nhận được mạch nước Đức Tin Công Giáo của họ vẫn chảy như thác lũ, chảy cuồn cuộn, chảy không ngừng, nhưng mạch nước cho đời sống hàng ngày của họ thì đã cạn kiệt từ lâu. Cứ mỗi hai tuần thì cha Remé lại mua cho họ một xe bồn nước để dùng vào việc nấu ăn và uống. Còn nước tắm giặt thì đành phải “lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi… tắm, lấy ruộng tôi cày, lấy đày bát cơm…” thôi. Cái khổ là nơi đó có 4 thnág mưa và 8 tháng nắng. Lúc mưa thì nước chảy như thác lũ cuốn trôi đi mọi thứ, kể cả nhà cửa và nông sản - còn khi khô thì “giọt nước có giá trị bằng giọt máu.”
Hôm đó tôi tháp tùng theo xe bồn nước. Sau khoảng một tiếng đồng hồ “băng rừng lội suối, vượt qua bao nhiêu khúc quanh queo và gồ ghề, có lúc tưởng chừng như lật xe, có lúc lại tưởng chừng như không thể nhích đi được nữa chúng tôi đã đến được làng Noé. Họ đón xe nước như đón vị khách qúy nhất của làng! Họ nhảy mừng khi thấy xe nước từ xa! Bọ bao quanh xe nước khi nó dừng lại bên cạnh cái bể chứa nước, tay họ cầm những cái thùng, cái thau nhỏ để hứng những giọt nước chảy rỉ ra từ cái ống dần nước từ xe vào bồn chứa. Nói chung, nước là lẽ sống của họ!!! Nhìn thấy họ vui mừng đón nước, mà tôi cảm thấy “hơi xấu hổ.” Đã bao lần tôi phí phạm nước và đã không dùng nước đúng mục đích.
Sự “tò mò” của tôi về họ càng dâng cao độ khi hai người đồng hành của tôi bước ra khỏi xe! Họ bỏ xe nước mà bao quanh rồi bám sát vào hai người đồng hành mỹ trắng của tôi (lúc này tôi vẫn ở trên xe – vì trời rất nóng nên phải từ từ để cho quen với cái nóng trước khi bước ra khỏi xe để không bị “ngạt thở” vì cái bệnh tim) họ bám sát với ông Mike vì ông cho họ kẹo sô cô la – trong khi các đứa bé thì bám sát vào bà Brenda và chơi với mái tóc dài vàng hoe của bà. Họ ngạc nhiên, họ tò mò (vì chúng tôi đến mà không báo trước) và họ… vui mừng nữa. Nhưng khi tôi bước xuống xe thì tôi trở thành “trung tâm điểm (bất đắc dĩ) của sự chú ý tại vì, theo lời thông dịch của cha Remé “tôi là người á châu đầu tiên họ nhìn thấy!”
************
Chúng tôi mỗi người một tay cầm máy chụp hình, một tay bế một em nhỏ! Thật sự mà nói với qúy bạn, các em đó thật sự “hôi”. Vì đây là mùa nắng, nên đã lâu lắm rồi họ chưa… tắm. Thật ra tôi nghĩ họ có “mùi” vì chúng tôi và họ “có mùi” khác nhau thôi, chứ chắc chắn rằng họ cũng “cảm nhận” mùi của chúng tôi vậy. Nhất là riêng tôi thì chỉ sau vài phút bước ra khỏi xe thì mồ hôi đã ướt đẫm áo, cộng thêm những cơn gió cuộn bụi bay mịt mù thì chắc chắn là không thể… thơm được rồi!
Trước khi chào họ để lên xe đi qua làng kế tiếp chúng tôi “trả” lại cho các bà mẹ ba đứa trẻ chúng tôi đang bế trên tay nhưng không bà nào chịu nhận lại. Họ cứ phẩy tay và ra hiệu cho chúng tôi… tiếp tục bế mấy em. Tôi gọi cha Remé để cha có thể giải thích cho các bà là chúng tôi cần phải đi tiếp, thì nhận được lời giải thích từ cha là: “các mà muốn chúng tôi đem các đứa trẻ đó về lại Mỹ luôn, vì các bà mong rằng con của mình sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn trên mảnh đất màu mỡ Hoa Kỳ! Cảnh này làm tôi nhớ đến các “thuyền nhân” Việt Nam – Các bà mẹ phải rời bỏ khúc ruột của mình khi để các con ra đi vượt biên, hy vọng có một đời sống khá hơn. Mặc cho chúng tôi nói gì đi nữa, các bà nhất định không nhận lại con. Các bà chỉ vào các cây Thánh Giá được cắm chung quanh nhà và huyên thuyên nói, vừa nói vừa khóc. Cha Remé lại phải thông dịch. “Đó là những ngôi mộ, nơi yên nghỉ của những đứa con nít đã không chống nổi với bệnh sốt rét rừng và những căn bệnh hiểm nghèo khác. Các bà thật sự không muốn cũng phải chôn những đứa trẻ này nên muốn chúng tôi mang nó đi.” Những ngôi một đó chỉ khoảng 2 hay 3 thước từ cửa bước ra. Ôi, đúng là thế giới người sống giữa kẻ chết.
Có thể bạn đọc đến đây sẽ thắc mắc là tại sao các cha không đưa họ ra khỏi vùng đất khô cằn, giữa rừng hoang, nơi không có sự sống này đến vùng đất khác, gần với đường xá và ít nhất là có nước hơn? Thưa bạn, “lực bất tòng tâm” thôi. Các cha cũng muốn lắm nhưng thứ nhất là không có thủ tục “đầu tiên” là “tiền đâu?” Sau đó là chính quyền Haiti, nơi đã bị những người giàu có bảo trợ, không muốn cho họ đi nơi khác vì đó là quyền lợi của họ. Tuy Haiti không phải là nước “xã hội chủ nghĩa” nhưng guồng máy chính phủ cũng chẳng hơn gì. Khoảng chưa tới 1% người giàu có làm chủ hơn 99% số dân còn lại. Chính phủ chỉ làm theo những gì người giàu có bảo họ thôi. Và vì nghèo như thế nên tệ nạn tham nhũng thì không thể tránh được.
Chút Suy Tư:
Vâng bạn thân mến, dân làng Noé vẫn tin tưởng vào “Chúa là mạch nước trường sinh” và cũng đã “xây hồ không rạn nứt” để chứa nước thế mà họ vẫn thiếu - thiếu nước. Họ thiếu nước ăn, nước tắm, nước giặt nhưng dư đày nước hằng sống. Còn chúng ta, dư đầy mạch nước tự nhiên, nhưng hình như có vẻ khô khan lắm nơi “mạch nước trường sinh.” Ước gì, vâng, tôi chỉ ước gì thôi nhé, chúng ta dám chia sẻ với họ chút nước chúng ta dư thừa trong đời sống hàng ngày và họ sẽ chia sẻ với chúng ta mạch nước đời sau!
Linh Mục Martino Nguyễn Bá Thông
Nếu Chúa Giêsu Ở Haiti Thì Chúa Sẽ Nói…
Kỳ V: Thay Lời Kết - Tôi đã được “rửa tội” với dân Haiti!
Khi ngồi đây viết những dòng chữ này để tạm khép lại chuyến đi Haiti thì tôi đã nhẹ đi được khoảng 10 pounds! Từ muôn thuở tôi vẫn “gầy”, bây giờ lại gầy hơn – nhưng chắc gầy hơn cho… khoẻ!
Tôi mất 10 pounds vì vừa mới “sống lại” sau một cơn sốt rét tưởng chết. Chưa bao giờ tôi bị cái sốt rét lạ đời như thế. Nửa phần người lạnh, nửa phần kia lại nóng. Hễ mà nửa trên nóng phải đắp khăn lạnh cho mát thì nửa dưới lại lạnh phải đắp mấy lớp chăn; mà hễ nửa trên lạnh phải đắp chăn thì nửa dưới lại nóng và đắp chăn lạnh? Sau khi đi thử máu mới biết mình bị sốt rét rừng (malaria). Trong những ngày “nửa nóng, nửa lạnh” này tôi cứ nôn lên nôn xuống. Có những lúc tôi nghĩ trong bao tử chẳng còn gì để nôn nữa. Nôn ra cả “mật vàng, mật xanh.” Tỉnh tỉnh lại sau cơn sốt rét tưởng xong, thế nhưng hình như bệnh hoạn thích… chiếu cố đến tôi. Tự nhiên da tôi lại khô, đóng vẩy và ngứa. Lại phải đi bác sĩ, sau khi được xét nghiệm nhiều thứ thì hoá ra con vi khuẩn sốt rét đó đã dám “phá” cái lá gan của tôi – vì tôi đã bị viêm gan từ trước nên cái lá gan không đủ “kháng sinh” để chống lại “sức mạnh” của các chú vi khuẩn.
Trong những ngày tôi trọ trong bệnh viện thì giáo dân tôi cầu nguyện và lo lắng cho tôi nhiều. Họ ra vào liên tục, đến độ tôi không có giờ để nghỉ - Tính là không cho ai vào thăm nữa, những lại cảm thấy là họ vì thương mình nên mới vào thăm, nên đành “im lặng” đón nhận tình thương của họ. Trong bao nhiêu người vào thăm tôi có rất nhiều bác sĩ là giáo dân giáo xứ cũ của tôi, trong đó có cả một số đã bác sĩ đã từng phục vụ tại một số nước ở Phi Châu. Ai cũng nhìn tôi cười vui vẻ và nói:
- Chào mừng cha đã được “rửa tội” với người dân Haiti! (Father, welcome the Haitian’s baptism!)
- Rưa tội kiểu này thì không mê rồi! Tôi trả lời.
- Cha đừng lo, sau lần “rửa tội” này, từ nay trở đi cha sẽ không bao giờ bị cơn sốt rét nào “hành hạ” hơn lần này đâu. Lần này là tệ hại nhất rồi đóJ
Thế đó bạn ơi! Cái gì rồi cũng phải qua. Giờ đây tôi đã khoẻ lắm rồi. Đã trở về với công việc mục vụ bình thường của giáo xứ! Vẫn cảm nhận được tình thương mến của các “người con” trong đại gia đình Saint Frances Cabrini!!! Nhưng hình như vẫn có một góc nào đó trong trái tim dành cho Haiti - Những “người con” đau khổ cần được sự lo lắng của những “người cha!”
Viết xong ngày 24 tháng 5 năm 2007