Kỳ I: “Trước khi gà gáy 33,333 lần con đã chối Thầy 3 lần”

5 giờ sáng ngày thứ nhất trong chuyến đi thăm 8 xứ truyền giáo tại Haiti, ông chủ tịch hội đồng mục vụ của tôi, một thương gia có thế giá, đã từng là phó tổng giám đốc đặc trách điều hành vùng (11 tiểu bang) của hai công ty bán hột soàn nổi tiếng Freeman and Zales, hiện đã về hưu (non) và làm chủ hai tiệm bán nữ trang tại thành phố Savannah, GA, mở cửa phòng bước ra ngoài sân tuy vui vẻ nhưng vẻ mặt có vẻ mệt mỏi. Ông nhìn tôi và nói:

- Cha biết gì không, nếu Chúa Giêsu sống ở Haiti thì Chúa sẽ nói với Phêrô rằng: Trước khi gà gáy ba mươi ba ngàn ba trăm ba mươi ba lần, con sẽ chối Thầy ba lần!

- Không ngủ được hả? Tôi hỏi lại tuy đã biết là ông trằn trọc cả đêm, vì hai chúng tôi ngủ chung phòng mà.

- Con đâu có biết là mấy con gà trống gáy cả đêm đâu?

- Cha cũng còn không biết huống chi con. Cha lớn lên ở Việt Nam, gà đâu có gáy cả đêm như vậy. Thường thì 3 hay 4 giờ sáng gà mới gáy đó.


Thưa quý độc giả, hôm nay tôi bắt đầu chia sẻ với qúy độc giả hành trình Haiti của 3 chúng tôi. Tôi – Bà chánh văn phòng giáo xứ và ông chủ tịch hội đồng mục vụ. Chuyến hành trình Haiti được bắt đầu như sau. Sau khi về nhận xứ (người Mỹ) vào tháng 8 năm 2006 và đọc bản báo cáo tài chánh tôi hỏi bà chánh văn phòng của giáo xứ:

- Mỗi năm mình gởi gần 10 ngàn dollars này đi đâu?

- Đó là tiền giáo xứ chúng ta gởi giúp một xứ truyền giáo kết nghĩa anh em ở Haiti!

- Chúng ta bắt đầu giúp họ từ khi nào? Tôi hỏi tiếp.

- Cũng đã hơn 20 năm nay!

- Vậy rất tốt! Nhưng đã có ai đến thăm giáo xứ ở đó chưa?

- Dạ con nghĩ là chưa ai đến đó. Cách đây 7 hay 8 năm cha chính xứ ở đó có về đây giảng các lễ cuối tuần vậy thôi!


Sau cuộc đối thoại đó tôi quyết định là mình cần phải đi thăm giáo xứ anh em ở Haiti. Tôi đưa ý kiến đó ra với hội đồng tài chính và mục vụ - ai cũng đồng tình và thế là bà quản lý văn phòng giáo xứ và ông chủ tịch hội đồng mục vụ tình nguyện đi cùng tôi. Thế là chúng tôi quyết định sẽ đi từ ngày 19 đến 26 tháng 4 năm 2007!

Trước khi đi, chúng tôi đã liên lạc với chương trình “twining parish” (kết nghĩa anh em) của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ để xin các tài liệu về Haiti và những thứ cần thiết phải mang theo cho cuộc viếng thăm này. Văn phòng gởi cho chúng tôi một folder dầy cả gần 60 trang. Trong đó có khoảng một nửa nói về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của Haiti, và một nửa còn lại với những cái list dài dằng dặc những điều chúng tôi cần phải làm trước và trong chuyến đi Haiti. Từ những ngừa tiêm chủng, những loại thuốc cần phải uống trước khi đi, cho đến những việc cần phải để ý khi ở Haiti. Trong tất cả cái list đó, một điều làm tôi chú ý nhất đó là việc cần nên mang nhiều bàn chải đánh răng??? Sau này, khi đến Haiti tôi mới hiểu tại sao. Là bởi vì hệ thống nước dùng (tắm, rửa) rất xấu, khi đánh răng thì phải dùng nước uống. Mà theo thói quen “Mỹ hóa” chúng ta hay để nước chảy khi đánh răng và rửa (soak) bàn chải bằng nước chảy từ vòi - Nếu lỡ tay làm như vậy thì vất cái bàn chải đó đi và dùng cái mới nếu không muốn bị đưa vào nhà thương.

Nhắc đến nhà thương thì tôi nghĩ cũng nên nói để qúy vị rõ là cả nước Haiti vừa mới có nhà thương phục vụ 24 giờ một ngày đầu tiên cách đây khoảng một năm. Tuy vậy khi vào nhà thương, gia đình người bệnh cần phải ra trước cửa bệnh viện mua cho bác sĩ đôi găng tay khám bệnh vì bệnh viện không có găng tay. Thế nên tôi chẳng muốn vào nhà thương mà lại dùng bàn chải đánh răng bằng điện (nếu lỡ tay nhúng vào nước vòi thì phải vất đi - mắc tiền quá) nên mỗi lần đánh răng cứ phải đi lang thang ở ngoài sân để tránh phải “lỡ tay” nhúng vào nước!

Chính vì biết trước những điều kiện khắc nghiệt của cuộc sống 3 không: không đường, không điện, không nước ở Haiti nên khi làm chương trình tôi đã quyết định nghỉ đêm đầu tiên và đêm cuối cùng tại thủ đô Port Au Prince của Haiti để cho hai người đồng hành của tôi làm quen với cuộc sống 3 không đó trước khi lên đường thăm 8 xứ truyền giáo trong vùng xâu mịt mù cát bụi!

Trước khi kết thúc bài mở đầu này tôi cũng xin chia sẻ với bạn đôi điều về con người và đất nước Haiti để bạn có thể hình dung. Haiti là một nước nằm chung hòn đảo với Cộng Hòa Dominican (Dominican Republic) thuộc Châu Mỹ La Tinh (Latin America). Tuy được bao bọc bởi ba phía là biển cả mênh mông (phía kia giáp Cộng Hoà Dominican) nhưng người dân ở đây rất nghèo. Có thể nói họ nghèo hơn cả những làng thượng ở Việt Nam. Haiti đã từng là thuộc địa của Pháp. Nên họ nói tiếng Pháp và tiếng thổ địa Creo. Tuy ở chung hòn đảo với người Dominican (da trắng gốc Tây Ban Nha và nói tiếng Tây Ban Nha), người Haiti mang dòng máu da đen. Tổ tiên của họ là những nô lệ đến từ Phi Châu nên một phần nào tính “thụ động” vẫn còn trong họ, chính vì thế đất nước họ rất nghèo và chậm phát triển.

Miền nam của Haiti có những mảnh đất màu mỡ trồng rất nhiều soài, chuối và lúa gạo, nhưng vẫn với những công cụ thô sơ và sản xuất bằng tay nên không thể nào cạnh tranh nổi với thế giới công nghệ tiên tiến của ngày hôm nay. Chẳng hạn như soài của họ ăn rất ngon và rất thơm (như soài thanh ca của VN vậy đó) nhưng họ lại không biết bảo quản nên khi ăn trái nào cũng bị nhão từ bên trong – và chuối thì cũng như thế. Khi tôi đi qua các ruộng lúa đang vàng khoe thóc, thì vẫn nhìn thấy các người còm lưng gặt lúa và đập lúa bằng chính đôi tay của mình. Thế mới biết được, Việt Nam chúng ta vẫn còn hơn họ nhiều lắm.

Tôi là kẻ đã lang thang với trẻ bụi đời khắp năm châu (mời bạn đọc những chia sẻ trước của tôi sẽ rõ) trên 10 năm nay. Đã nhìn thấy những cảnh đời bất hạnh và cuộc sống nghèo khổ đến độ tôi nghĩ không thể nào nghèo hơn được nữa. Tôi không dám nói những gì tôi nhìn thấy ở Haiti là nghèo nhất, nhưng có thể nói là một trong những nước nghèo nhất. Cái khổ nhất mà tôi đã chứng kiến tận mắt là ở Zaire và Rwanda (hai nước ở Phi Châu) khi mà con người phải ăn đất để sống.

Thôi nhé, tôi không dài dòng nữa, mời bạn cùng tôi lên đường rời khỏi thủ đô và đi vào cuộc sống của người dân bản xứ!