BÔNG HOA NHÂN ÁI

(Vài cảm nghĩ về cha Cố Đominicô Nguyễn Văn Đồi nhân dịp giỗ giáp năm)

Cha Đominicô an nghỉ trong ngôi mộ đơn giản dưới lòng đất Úc ở Lidcombe tại nghĩa trang Cộng đồng Công giáo Việt nam Sydney đã một năm rồi. Ngài qua đời 18/5/2006. Có những con chiên bổn đạo của Ngài cũng nằm ở đây trong tĩnh mịch, tiếng côn trùng rên rỉ não nề vào những đêm khuya âm u, sương đọng trên ngọn cỏ ngôi mộ! Khi còn sống, Ngài đã ban Bí tích, thăm viếng họ lúc đau ốm. Đất thánh này chính Ngài lập ra cho Cộng đồng. Thật, đúng ý nghĩa liên kết chặt chẽ, tình yêu thương và trung thành, cha con sống chết có nhau.

Những cảm nghiệm của người sống:

Hơn 20 năm cùng chung sống trong Cộng đồng Dân chúa Sydney và làm việc với Cha Cố Đominicô Đồi, chúng tôi nói lên những cảm nghiệm sâu xa tự đáy lòng nhân dịp giáp một năm Ngài về với Chúa để cùng bạn bè, những ai đã chịu ơn Ngài qua đời sống thiêng liêng cũng như tình thân hữu nhận ra lòng nhân ái của vị sứ giả Thiên Chúa của Tình yêu, đã sống đã chia sẻ và đã trung thành ơn gọi tận hiến đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời cao quí tuyệt hảo 48 năm linh mục. Tấm gương sáng chói về nhân ái, hy sinh bản thân vì tình yêu Thiên Chúa và anh chị em giáo dân.

Ghi nhớ vài nét về cuộc sống cha Cố, để nghiêng mình kính nhớ cầu nguyện cho Ngài và với Ngài. Ngài đã ra đi trong im lặng. Nay không còn tiếng nói ôn hòa, giọng cười nhẹ nhàng, không còn lời chia sẻ chân tình với giáo dân, bạn bè nữa, nhưng hình ảnh sống động về lòng nhân ái hài hòa vẫn còn đó, in sâu trong tâm hồn nhiều người.

Tình Cha đậm đà:

Cha Cố Đominicô Đồi, thân quen của nhiều người, đã giã từ trần thế về Nhà Cha trên cõi vĩnh hằng sau 74 năm ở dương thế. Những ngày chịu tang Cha, số người đến tham dự cầu nguyện hằng mấy ngàn người. Ai cũng một lòng cảm mến xót thương Cha. Giáo hội Việt nam và dân tộc đã mất một linh mục lỗi lạc về trí thức khoa học.

Riêng Cộng đồng Công giáo Việt nam Sydney đã không còn nghe tiếng nói nhân từ của người cha hiền hòa, dày công gây dựng và lèo lái Cộng đồng trong những ngày đầu. Cha Cố Đominicô để lại dấu tích yêu thương hy sinh xả thân cho Cộng đồng, với nếp sống đơn giản, khiêm tốn, chịu đựng những thiệt thòi bản thân hầu nâng đỡ anh em linh mục cũng như tạo bầu khí hài hòa yêu thương cho cuộc sống. Cha Cố góp nhiều công sức, xây dựng một Cộng đồng lớn mạnh về đời sống thiêng liêng. Ngài thường nói, sống chết với Cộng đồng. Thế mới biết, lòng trung thành và yêu mến Cộng đồng của cha Cố như thế nào. Đối với Ngài, Cộng đồng là một đại gia đình thiêng liêng phong phú đức tin mà Ngài gắn bó, liên kết chặt chẽ với mọi người. Những tháng ngày trước khi qua đời Ngài vẫn đi dâng lễ, tham dự những nghi lễ Cộng đồng tổ chức, không ngại ngùng vì sức khoẻ, tuổi đã về hưu.

Lòng mến nơi giáo dân:

Khi cha cố vừa nằm xuống, Thánh Lễ đưa chân ngay tại nhà thờ Thánh Têrêsa ở Lakemba. Giáo dân thương mến cha Cố tham dự chật nghẹt cả nhà thờ. Gần 20 linh mục đồng tế sốt sắng. Trong Thánh Lễ nhiều người không cầm được nước mắt. Vài điểm nổi bật nơi cha Cố là đời sống khiêm tốn, chân thành, hòa nhã với mọi người, và những hy sinh chấp nhận trong đời mục vụ với tâm tình yêu thương.

Thánh lễ Phát tang, do Đức hồng y Gioan Baotixita Mẫn trong gia đình chủ tế với gần 20 linh mục đồng tế, giáo dân tới chật ních nhà thờ Lakemba. Nhớ lại cuộc sống của cha Cố Đominicô và những ngày còn lại cuối đời đã khiến cho mọi người cảm xúc và rơi lệ vì đã mất đi một người cha đáng kính, gắn bó với Cộng đồng hơn 20 năm. Sau thánh lễ hàng ngàn người xếp hàng viếng xác cha. Có nhiều người không cầm được nước mắt đã òa khóc, thương nhớ Ngài. Chúng tôi đã chứng kiến và cũng chan hòa nước mắt.

Ngày lễ an táng cha Cố thì quá đông, từ hàng giáo phẩm đến giáo dân, trong nhà thờ không còn chỗ, người ta phải đứng bên ngoài. Cảm nghiệm sâu đậm của chúng tôi, là Cộng đồng Dân Chúa Sydney và Cộng đồng Việt nam ở các tiểu bang thương mến cha Cố Đominicô quá. Thấy vừa vui vừa buồn lẫn lộn, làm sao diễn tả nổi. Vui vì thấy hầu hết mọi người thương mến cha Cố Đominicô đã đến tham dự lễ an táng tiễn đưa Ngài ra đất Thánh, buồn vì mất một người cha đầy lòng nhân ái. Từ ngày tới Úc, đã 21 năm, chúng tôi chưa thấy một đám tang nào đông giáo dân như vậy.

Dấu chỉ yêu thương:

Suốt thời gian chăm sóc Cộng đồng, cha Cố để lại tấm gương can đảm, nhân ái vị tha, một mục tử nhân lành. Ngoài đàn chiên được tín cẩn trao phó chăm nom, Ngài luôn đồng hành gắn bó yêu thương với Hội đồng mục vụ. Tính tình đơn sơ, có thể nói là mộc mạc chất phác của Ngài đã làm cho nhiều người trong và ngoài cộng đồng cảm mến. Với số tuổi cao và cộng thêm những trăn trở thao thức sau nhiều năm dấn thân, nhất là những tháng ngày cuối đời phục vụ, Chúa đã êm ái đưa Ngài về sau gần 74 năm sống đời lữ hành tận hiến lúc 0 giờ 35 sáng thứ năm ngày 18 tháng 5 năm 2006. Ngài rời nhà riêng trung tâm Cộng đồng Bringelly rạng sáng thứ năm và đến nhà Chung Vĩnh Hằng cũng rạng sáng thứ năm sau thời gian nằm bệnh viện Liverpool. Cảm động biết bao, tại đất thánh, ĐHY Mẫn chủ sự nghi thức cuối cùng cho cha Cố. Hàng ngàn người đứng chật chung quanh khi cử hành nghi thức hạ huyệt. Mọi người tham dự đều cảm thấy giây phút vĩnh biệt thật buồn thảm, đau thương!

Cha Cố đã sống trung thành với ơn gọi mình cho đến tận giây phút cuối đời. Tâm tình người nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng, là em Út gia đình Cha Cố, sơ Marie Calixte Huệ trong lá thơ gởi cho chúng tôi với lòng cảm xúc, có đoạn: “Cha kính mến, sự ra đi của cha Cố Đominicô người Anh thân yêu của con đã làm cho con rất đau buồn, vì đã mất mát một khoảng trống rất lớn trong cuộc đời của con. Con thương nhớ Anh con vô cùng. Sau gần 30 năm xa cách, hai anh em mới được gặp lại chỉ qua ánh mắt, qua những lời thăm hỏi trong nghẹn ngào, ứa lệ trong thời gian ngắn ngủi tại Bệnh viện. Những ngày Tang Lễ đã qua đi, con lại càng ngậm ngùi thương nhớ không kể xiết…”

Úc châu quê hương cuối cùng:

Những năm đầu tiên trên đất Úc, cha Cố đến Sydney, làm phó họ đạo Úc ở Lakemba, cha sở quí mến vì tính tình đơn sơ mộc mạc và chất phác của người dân miền Nam. Sau đó vì giáo dân Việt nam tị nạn mỗi ngày một đông, Ngài đã dâng lễ cho họ và trình bày với giáo hội địa phương để tìm phương cách giúp dỡ mục vụ. Ngài được phép thành lập Cộng đoàn. Vạn sự khởi đầu nan. Mặc dù phải chịu bao nhiêu vất vả khổ tâm, cộng thêm nhiều lời nặng nhẹ hiểu lầm, ganh tị, chỉ trích, Ngài không bỏ cuộc vẫn quyết tâm xây dựng.

Thời gian đồng bào ta còn ở đảo phải sống khổ cực, thiếu thốn mọi sự, Ngài cũng cố gắng dành dụm lương bổng để chia sẻ giúp họ. Ngài thực hiện câu: “Lá lành đùm lá rách”. Ngoài ra, cũng không quên những người không bà con thân thuộc, cô thế cô thân, không ai nghĩ đến, Ngài khuyến khích giáo dân dành dụm để giúp những anh chị em thiếu may mắn còn ở đảo. Ngài vẫn thường nói: “Một mếng khi đói bằng một gói khi no”. Ngài mong sao cho họ được sớm định cư, được cuộc sống may lành, con cái có tương lai. Ngài còn tổ chức trong Cộng đồng bảo lãnh các gia đình tị nạn bên đảo và ngay cả linh mục tu sĩ, chủng sinh nữa.

Tinh thần nghèo khó với tâm hồn ngay thẳng đầy tình người:

Dì Út Huệ cho biết, khi cha anh làm khoa trưởng viện đại học Đà lạt, giáo sư các đại học Sài gòn, Nha trang, Cần thơ, lúc đầu chưa đủ phương tiện, phải mượn tiền ông bà cố mua chiếc xe hơi nhỏ di chuyển. Sau đó, nhờ tiền lương dạy học, trả hết nợ cho ông bà cố. Thực ra, ông bà cố cũng chẳng đòi hỏi phải trả lại, nhưng vì lời hứa “con sẽ trả nợ ba má”. Vào kỳ thi của sinh viên, nhiều cha mẹ giầu có đến xin Ngài giúp cho con cái họ. Ngài cũng rất thẳng thắn và cương trực, không vị nể bất cứ ai trong những việc không đúng.

Lời di chúc của cha Cố Đominicô, dấu chỉ tình yêu chia sẻ. Tiền hưu bổng cho tuổi già của những năm làm việc mục vụ, Ngài cũng dành cho Cộng đồng CGVN Sydney một phần. Cộng đồng là gia đình thiêng liêng mà Ngài là người cha đã chăm sóc. Đám tang của Ngài cũng chi phí trong phần hưu bổng này. Một linh mục nghèo khó, ngoài tiền hưu bổng ra chẳng có gì. Những bộ quần áo cũ chẳng đáng giá chi cả. Ít áo lễ của Ngài trong việc phụng vụ, một cha Dòng lấy dùng làm kỷ niệm. Ngài cũng không có xe hơi riêng, nhưng là xe giáo phận để đi làm lễ và làm bí tích cho giáo dân tới lúc qua đời.

Những cử chỉ đơn sơ nhưng đậm tình cha con, chẳng hạn mỗi khi đi nghỉ hè về, Ngài mua những món quà nhỏ tặng anh chị em và các cha Tuyên úy khác. Sống có tình có nghĩa đối với Ngài là quí. Mặc dù là Tuyên úy trưởng, đồng thời cũng là người cao niên hơn các cha trong Ban tuyên úy, nhưng không vì thế mà tỏ ra thái độ xa cách hoặc cho mình hơn anh em. Ngài thường nói, mỗi người một tính tình, biết chấp nhận nhau, không xét đoán ai hoặc chia rẽ bè phái, nghĩ tốt anh em mình và nói tốt về người khác hơn là chỉ trích dèm pha, biết sửa lỗi và tha thứ cho nhau với tình bác ái, để cùng làm việc. Do đấy các cha có giờ giải trí, dùng cơm với nhau, hằng ngày cùng dâng thánh lễ và cầu nguyện chung. Hằng năm đi họp một tuần ở nơi xa Cộng đồng để vừa có thời giờ lắng đọng tâm hồn và tình huynh đệ giữa anh em linh mục chặt chẽ hơn. Ngài sống rất chân tình, hoà đồng và lắng nghe đón nhận những ý kiến của anh em. Những công việc đã trao cho cha nào, Ngài luôn tôn trọng, không xen vào. Thật đúng ý nghĩa của một người lãnh đạo giỏi đầy khôn ngoan!

Một vài cảm nghĩ chân thành chia sẻ trong dịp Giỗ Giáp Năm của cha Cố Đominicô. Mọi sự thế gian đã qua đi đối với Ngài, nhưng lòng nhân ái, những đức tính cao quí như bông hoa tươi đẹp Ngài để lại, in sâu trong tâm khảm nhiều người, dấu chỉ tình yêu. Cha Cố Đominicô đã thực hiện trong cuộc sống lời Chúa Giêsu: “Chúng con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu chúng con”. Lòng nhân ái nơi Cha Cố Đominicô là thế đó.

“Nguyện cho hương hồn cha Cố Đominicô được tan hòa trong biển tình yêu bao la của Chúa và Mẹ Maria trên Nước Trời”