SYDNEY -- Như VietCatholic đã loan tin thông báo Cha Đôminicô Nguyễn Văn Đồi Cựu Tuyên Úy Trưởng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney đã từ trần ngày 18/5/2006 tại Sydney.

Khi Cha Cố Đôminicô vừa nằm xuống, Thánh Lễ Đưa chân được cử hành tại Nhà Thờ St Therese Lakemba. Giáo Dân thương mến Cha Cố đến chật Nhà Thờ tham dự. Cha Paul Văn Chi chủ tế cùng với 18 linh mục đồng tế. Trong bài giảng, với nước mắt nghẹn ngào, Cha Paul Văn Chi đã lần rở lại một số nét chấm phá của cuộc đời Cha Cố Đôminicô. Ngài đã sống trong khiêm tốn, chân thành hoà nhã với mọi người, và những hy sinh chấp nhận trong đời mục vụ với tâm tình yêu thương của Ngài.

Ngày 22/5/2006 hàng ngàn Giáo dân trong Cộng Đồng đã tham dự Thánh lễ phát tang cử hành tại nhà thờ St. Thererse Lakemba Sydney do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Saigon chủ tế và gần 20 Linh Mục VN cùng đồng tế.

Ông Giang Hoan Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney đọc tiểu sử của Cha Đôminicô: Ngài đã dìu dắt xây dựng Cộng Đồng hơn 20 năm và bây giờ đã được Chúa gọi về. Sau đó 12 vị Trưởng Ban Mục Vụ của 12 Giáo đoàn Bankstown, Cabramatta, Campbelltown, Fairfield, Granville, Lakemba, Marrickville, Miller, Mount Pritchard, Plumpton, Revesby, Woolongong, Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình, Liên Ca Đoàn, Liên đoàn Thanh Niên Công Giáo Sydney, Legio Mariae, Phong trào Cusillo, Thăng Tiến Hôn Nhân, Dòng Ba Đa Minh, Đại diện Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW đã mang vòng hoa phúng điếu tiến lên đặt gần quan tài trước bàn thờ.

Sau đó Cha Đoàn Sĩ Thục và Cha Trần Văn Trợ đã phủ lên quan tài Áo Lễ màu Trắng mà Cha Cố Đôminicô thường mặc nhất, Cha Paul Văn Chi và Cha Nguyễn Thái Hoạch phủ dây Stola màu đỏ, kế tiếp ĐHY Phạm Minh Mẫn và Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn đặt trên quan tài cuốn Sách Nguyện và Sách Lễ Rôma. Sau khi chấm dứt nghi thức đặt Áo Lễ và Sách Phúc Âm, ĐHY làm phép khăn tang và chuyển trao cho gia đình thân nhân tang quyến.

Trong bài giảng của Thánh lễ, Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn đã kể lại cuộc sống của Cha Cố Đôminicô và những ngày còn lại của cuối đời của Ngài đã khiến cho mọi người cảm xúc và rơi lệ vì đã mất đi một người Cha đáng kính đã gắn bó với Cộng Động hơn 20 năm.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Sơ Marie Calixte Nguyễn Thị Huệ Dòng Chúa Quan Phòng bên VN là em gái của Cha Cố Đôminicô lên ngỏ lời cám ơn ĐHY, quý Cha, quý Quan Khách và toàn thể mọi người trong Cộng Đồng Sydney đã hết lòng thương mến Cha Cố Đôminicô đến tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho Cha. Sơ xin thay mặt cho tang quyến ngỏ lời tri ân đến tất cả và xin Thiên Chúa và Mẹ Maria ban ơn hồng phúc cho Cộng Đồng Sydney. Thánh lễ kết thúc hàng ngàn người xếp hàng lên viếng xác Cha Cố Đôminicô lần cuối, có nhiều người nhìn xác của Ngài không cầm được nước mắt đã bật khóc thương tiếc Ngài.

Ngày 23/5/2006 Thánh lễ cầu nguyện cho Cha Cố Đôminicô do các Linh Mục và Tu Sĩ Úc Châu gồm quý Cha ở các Tiểu bang Sydney, Melbourne, Adelaide Nam Úc, Queenlands, Perth Tây Úc, Wollongong, Thủ Đô Canberra và Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn cùng đồng tế.

Ngày 24/4/2006 vào lúc 10 giờ sáng, hàng ngàn giáo dân đã đến Thánh đường Lakemba tham dự Thánh lễ an táng Cha Cố Đôminicô được cử hành rất trọng thể gồm có Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, ĐHY Edward Clancy, Đức Giám Mục Julian Poteuos, Đức Giám Mục David Cremin, Đức Giám Mục Geoffrey Robinson, và hơn 40 Linh Mục Úc Việt cùng đồng tế.

Linh cửu của Cha Cố Đôminicô được rước từ cuối nhà thờ do 8 vị Trưởng Ban Mục Vụ của 8 Giáo đoàn khiêng linh cửu tiến lên đặt trước bàn thờ. Tiếp theo, cháu Dũng đọc tiểu sử của Cha Cố Đôminicô bằng Anh Ngữ.

Trong bài giảng của Thánh lễ An táng, ĐHY Phạm Minh Mẫn đã giảng về bài Phúc Âm mà Chúa Giêsu đã nói với Martha “ Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta dầu có chết cũng sẽ được sống ” (Ga. 11: 21-27) và ĐHY cũng chia sẻ về sự liên đới với Cha Cố Đôminicô, ngoài tình thân quyến trong gia đình, Cha Cố Đôminicô và ĐHY cũng cùng là bạn đồng nghiệp dạy học chung với nhau khi còn ở bên Việt Nam.

Cha Cố được đưa đi an táng tại Nghĩa Trang của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam ở Lidcombe với hàng ngàn người đi đưa tiễn Cha Cố Đôminicô Nguyễn Văn Đồi đến nơi an nghỉ cuối cùng. Cha Paul Văn Chi chủ sự nghi thức hạ huyệt và từ biệt Cha Cố Đôminicô Nguyễn Văn Đồi. Ngài là vị Tuyên Uý Trưởng đầu tiên của Úc Châu.

Sự ra đi của Cha đã đem lại sự thương nhớ mến tiếc của tất cả mọi người trong Cộng Đồng CGVN Sydney và Úc Châu.

LM Nguyễn Khoa Toàn nói về Cố Linh mục Nguyễn Văn Đồi



"Giả sử như Cha Cố Đominicô Nguyễn Văn Đồi có thể nghe những gì tôi sắp nói đây, tôi hy vọng Ngài sẽ không phàn nàn trách cứ. Vì những gì tôi sắp sẻ chia là những gì chính tôi cảm nhận, chính mắt tôi thấy và chính tai tôi nghe. Hoặc do chính miệng ai đó trục tiếp kể cho tôi về Ngài. Có một hàng chữ trên một tấm bia mộ kia: Nơi đây là mộ của một người sống trung thành.” Tôi có thể nói không ngần ngại là Cha Cố đã sống trung thành với ơn gọi mình cho đến tận giây phút cuối đời Ngài.

Tuy thời gian sống và làm việc cận kề với Ngài chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, tôi phần nào hiểu đuợc là đằng sau một thân xác mảnh khảnh yếu đuối kia, là một con người với một nghị lực phi thường. Đằng sau khuôn mặt khá nghiêm nghị kia, là một con người ưa cuời ưa hài hước. Đằng sau chức vụ nặng nề kia, là một con người không màng đến địa vị và danh vọng. Đằng sau giọng nói đều đều không mấy gây hứng thú không mấy bùi tai kia là cả một trời nghiên cứu, cả một chiều sâu tâm linh siêu thoát.

Hãy bắt đầu với tính ưa hài hước của Cha Cố. Khi Ngài vừa hồi phục sau khi đuợc đưa vào bệnh viện cấp cứu, Ngài đổ thừa: “Cha Chi bắt giải tội nhiều quá làm mình đao tim!” Hoặc có lần tôi hỏi một bà cụ sao bà cứ đi ra đi vào trong Thánh Lễ nhiều lần, bà cụ thật thà nói: “Thì con cũng giống như Cha Đời vậy.” Giống như Cha Đời có nghĩa là vì Cha Cố uống thuốc trợ tim nên phải đi ngoài nhiều hơn lệ thường. Khi tôi kể chuyện này với Cha Cố là nhiều người biết lý do sao Cha phải đi ra ngoài như thế, thì Ngài trả lời: “Mấy bả hay thiệc. Mình đi đâu mấy bả biếc hớt.”

Tôi ước mong đuợc dần dần Việt hoá cách viết tên và cách gọi trong Cộng Đồng chúng ta. Nghĩa là gọi nhau bằng tên Việt Nam, thay vì tên Tây tên thánh. Có lần tôi hỏi: “Sao Cha Cố không gọi tên là Đồi mà là Dominic?” Ngài bảo: “Tên mình là Đồi. Đồi là Núi. Là nơi cao. Mà mấy thằng Tây cứ gọi mình là Monsieur Đoi. Khó nghe ‘ woá’. Rồi khi mình đậu Tiến Sĩ ở Mỹ, nó gọi mình là Dr Đoi. Đời mà gọi là Đoi nghe sao đuợc cậu?”

Ngài mê, rất mê đua ngựa. Có lần tôi thấy tờ báo bị xé đi, mới hỏi Ngài: “Sao báo mới mua mà bị mất mấy tờ vậy Cha Già Cố?” Ngài liền cười cuời lôi trong túi ra mấy trang về đua ngựa rồi nói: “Mình chỉ còn thú dzui nài thôi Tòn ơi.”

Hôm Bác Kim Ninh vào thăm Ngài tại bệnh viện, Ngài bảo Bác phải để dành cho Ngài mấy cây giò thủ thật ngon. Nhưng khi Bác ấy bảo Ngài phải ‘hợp đồng hai chiều’ cho Bác lại mấy chai rượu ngon mà Ngài cất rất kỷ, Ngài xua tay: “Hổng đuợc đâu! Cái đó là của riêng tui. Đừng đụng đến đời tư của tôi.”

Càng lớn tuổi Ngài thì Ngài càng hay hụt hơi khó thơ. Tôi đuợc kể là có lần Ngài giảng về đề tài cầu nguyện với Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo. Số là Ngài vừa nói đến chữ cầu thì bị hết hơi thì phải ngưng để thở. “Chúa Giêsu đi cầu”. Rồi lại tiếp tục: “Chúa Giêsu đi cầu”. Rồi lại hụt hơi. Phải đến ba lần, Ngài mới có thể nói hết câu: “Chúa Giêsu đi cầu nguyện.” Đề tài cầu nguyện khô khan nhưng Cha Cố vô tình đã cho mấy em thanh niên một trận cười no bụng.

Tôi cũng có thể can đảm nói Ngài không màng nhiều đến chỗ đứng, danh vọng và địa vị vì khi vừa về tiếp tục công việc Ngài đảm nhận hơn hai mươi năm qua, tôi bàn với Ban Tuyên Uy và Ban Thường Vụ nên làm một cái gì đó để tri ân Ngài. Số là lúc đấy Đức Hồng Y George Pell có hỏi Ban Cố Vấn của Ngài về nên hay không nên tiếp tục tước Đức Ông tại Sydney và nếu có, thì nên chọn một vài linh mục. Khi tôi nói tôi đã đề nghị Ngài, thì Ngài không vui lắm. Nhưng tôi cố ép thì Ngài có vẻ miễn cưỡng, nói để Ngài suy nghĩ. Một vài ngày sau, Ngài găp riêng tôi và nhất quyết không cho tôi đề nghị tên Ngài. Tôi có năn nĩ mấy Ngài cũng lắc đầu nguầy nguậy và đùa: “Mình chẳng thích Đức Ông. Xin ổng (tức là Đức Hồng Y George Pell) cho mình một Đức Bà giúp mình lúc yếu đau thì tốt hơn!!!” Đúng là Cha Cố…

Ngài luôn gọi tôi bằng chức vụ đang đuợc giao phó. Ngài luôn nhường cho tôi chỗ cao hơn trong bàn cơm. Ngài không bao giờ xen bàn về công việc mục vụ của Ban Tuyên Uy. Từ ngày về hưu duỡng, Ngài trụ trì ở chỗ mà chúng tôi thường đùa gọi là vương quốc Bringelly. Mùa đông thì Ngài sang Lào ỡ trên một núi cao ẩn dật đọc sách, đúng hơn là đọc Kiếm Hiệp, rồi coi Paris By Night. Ngài không nhớ nhiều tên giáo dân, nhưng hình như Ngài thuộc nằm lòng tên của những ca sĩ ‘hot’.

Ngài thuờng nói với tôi, Cộng Đồng phức tạp và Ban Tuyên Úy phức tạp hơn. Mỗi người mỗi sở thích nên dung hoà mọi ý kiến là điều Ngài luôn lưu tâm. Ngài trãi rộng sự lắng lo cho mọi cộng tác viên của Ngài. Hình như tôi nghĩ Ngài không thích lập bè kết phái. Gọi Cha Vũ Minh Nguyên là “Chú Tiểu” để biểu lộ một tình thương đặc biệt nhưng ai Ngài cũng gần. Ai Ngài cũng đến. Không chọn lựa vì Ngài hiểu đã chấp nhận sống đời hiến dâng là không nên chọn lựa. Đúng hơn, là không đuợc chọn lựa.

Mà hình như Ngài không có nhiều ‘fans’ cho lắm. Anh em Linh Mục cứ chọc Ngài là chẳng có ma nào thèm mời Ngài làm đám cưới. Có thể là Ngài không thích ánh đèn màu. Cũng có thể là lối nói rất bình dân không trau chuốt, những bài giảng của Ngài không trăng hoa bóng bẩy, không ngọt không bùi lắm êm tai. Có lần tôi ngồi dùng cơm cùng một nhóm người và đề tài nói chuyện là bài giảng cha Cố. Điều tôi không ngạc nhiên lắm là đa số những người ngồi cùng bàn hôm ấy đã đồng ý rằng bề ngoài giọng nói không mấy lôi cuốn và câu văn không mấy gay gọn kia, người nghe phải suy đi ngẫm lại vì mỗi từng chữ từng câu phản ánh gói trọn một đời sống tâm linh rất nặng rất sâu…

Có khác chi đã Chúa Giêsu những dụ ngôn –ngôn ngữ bình dị bình thường, những hình ảnh rất cụ thể sống động mắt thấy tai nghe để diễn đạt về Nước Trời. Với Ngài “văn là nguời”. Ngài hiểu rất hiểu thuờng khi ngôn ngữ càng phức tạp rườm rà bao nhiêu thì tâm hồn lại trống rỗng bấy nhiêu. Ngài, như thánh Gioan nói, đã không “yêu bằng lời nói và miệng lưỡi nhưng bằng việc làm chân thật.”

Nhưng điều tôi muốn sẻ chia tối nay không phải là tính hài huớc hoặc sự khiêm cung, tính tình bình dị của Ngài. Tôi đã cố tìm một mẫu số chung giữa Giêsu Kitô và Nguyễn Văn Đồi. Và tôi có thể nói không ngượng ngùng cũng không sợ sệt là từ ngày Ngài về hưu, hay đúng hơn những ngày tháng gần cuối cuộc đời, mỗi một lời nói, mỗi một cách nhìn, mỗi từng hành động có chút gì hao hao na ná giông giống đời sống Chúa Kitô trong vườn Cây Dầu, trong dinh Philatô, nơi đồi Núi Sọ.

Một vài sự việc mà có thể Ngài đã rất vô tình gây ra đã làm cho tâm hồn Ngài, như Chúa xưa kia, buồn đến chết đuợc. Như Ngài đã thở than trong lễ bàn giao: “Trãi qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.” Những điều làm lòng Ngài đau đớn là những tiếng thị oan, là những hiểu lầm, là những tố cáo vô căn cư, vu vơ. Ngài già đi trông thấy.

Nhưng cuộc đời sẽ là vô nghĩa nếu không quyện lấy khổ đau. Cũng như tiếng Alleluia đêm Vọng Phục Sinh chỉ là tiếng thanh la rỗng toác nếu không đuợc kết tụ từ những đớn đau tinh thần thịt xác và những im lặng câm nín không thể nói ra vang vọng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Ngài rời nhà riêng rạng sáng thứ năm và đến Nhà Chung cũng rạng sáng thứ năm. Chẳng còn thời gian nào có ý nghĩa hơn cho Cha Cố. Ngày của Bửa Tiệc Ly. Ngày của Lời Nguyền Hiến Tế. Ngày đoan hứa sống phó thác tín trung. Nhưng đó cũng là ‘một ngày như mọi ngày’ của một người thích sống rất đơn sơ. Và rất mộc mạc chân tình…

“Cậu về Cộng Đồng mình an tâm,” Cha Cố thuờng nói với tôi như thế. Và trong lễ bàn giao, Ngài thay hai chữ ‘đau đớn’ bằng ‘an ủi’. “Trãi qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà an ủi lòng.” Cả công viên Paul Keating đêm Giao Thừa năm ấy nổ vang muôn ngàn tiếng vỗ tay. Vừa để đón mừng Năm Mới. Mà cũng vừa cám ơn một người mà tên tuổi đã gắn liền với những thăng trầm của sự hình thành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Sydney. Không có thể phủ nhận điều này vì không có thể phủ nhận sự thật. Không có thể phủ nhận điều này vì không có thể phủ nhận lịch sử.

Có lần tôi hỏi Cha Cố là sao không thấy Cha giặt quần áo gì hết, Ngài cuời bảo: “ Mình ít ra mồ hôi lắm!” Nhưng những tháng ngày gần cuối cuộc đời, tôi biết Ngài đã đổ rất nhiều mồ hôi suy nghĩ. Đổ mồ hôi như ngày xưa Chúa nói: “Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.”

Cha Cố! Trên nơi cao kia, xin Cha Cố cầu bầu cùng Chúa để chúng con tiếp tục công việc mà Cha Cố đã làm là cho danh Chúa được muôn đời vinh sáng. Và cho chúng con luôn biết sống hãnh diện mình là người Công Giáo Việt Nam đầy chính nghĩa. Xin cho chúng con biết luôn tranh đấu đến cùng cho tự do, hoà bình và công lý. Như Cha Cố đã sống và đã âm thầm đấu tranh gần 74 năm qua…"