Một chuyến đi: Trở lại Bình Hưng Hòa (3)



Nghe đến hai chữ Bình Hưng Hoà, chắc mọi người chúng ta sẽ liên tưởng đến lò thiêu xác người – Nơi mà hoả lò thiêu đốt con người ra tro. Ôi thân phận con người, tro bụi lại trở về với bụi tro. Khi tôi nói tôi đã trở về lại Bình Hưng Hoà thì người bạn của tôi làm biên tập viên báo Tuổi Trẻ liền lên tiếng:
- Chỗ đó giờ hết đất rồi.
- Yeah, hết đất cho người chết thôi, chứ người sống thì vẫn còn khối đất!
Tôi đáp lại.

Bạn thân mến, tôi dám nói là tôi trở lại Bình Hưng Hòa là vì tôi đã đến sống và giúp các em ở đây nhiều lần – và cũng đã có lần tôi chia xẻ với các bạn qua tiểu khúc “Tôi đến thăm em” cách đây mấy năm! Nhưng lần này trở lại thì khác hẳn - những đứa trẻ và gia đình của họ đã không còn ở đây nữa. Thay vào đó là một nhóm trẻ con còn rất trẻ - tôi đoán chỉ từ 12 đến 15 hay 16 tuổi.

Cũng đã gần 10 giờ đêm khi bác tài xế già bỏ tôi khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Tự dưng tôi chợt nhớ đến bài thơ của Minh Nguyệt được nhạc sĩ Lã Văn Cường phổ nhạc, thế là tôi ngân nga:
Theo lối mòn lần tìm đến vườn yêu
Lối cỏ mọc đầy rêu phong phủ mờ
Em thẫn thờ tự dưng như muốn khóc
Dấu ân tình ngày nào đã nhạt phai
Bao yêu thương nâng niu mãi đắng cay
Em luôn luôn mang theo trong giấc mơ,
Nay tan theo không gian và thời gian, cuốn trôi.

Vâng, tôi vẫn biết thi sĩ Minh Nguyệt muốn nói lên tâm trạng yêu đương của tình yêu nam nữ, nhưng sao tôi thấy nó cũng phần nào giống tình yêu mà tôi dành cho các em. Tình yêu để hôm nay sau bao ngày tháng tôi lại trở về; trở về với lối mòn của vườn yêu; trở về với lối cỏ mọc; trở về để. .. tự dưng tôi muốn khóc; trở về với những giấc mơ mà em đã kể cho tôi nghe hôm nào; trở về với không gian và thời gian đã cuốn trôi đi tất cả. Cuốn các em đi, đi đến một chân trời xa lạ. (vì chiều hôm đó, tôi đã tới đây tìm hiểu xem có bao nhiêu em ỏ đây với hy vọng gặp lại một số em mà tôi đã từng đi lượm rác và bán vé số chung, nhưng được biết các em đã đi nơi khác sinh sống – và bây giờ những em khác đến đây sống.) Đang miên mang thả hồn theo mộng, tự dưng tôi nghe được tiếng nấc của một đứa trẻ. Tiếng nấc nhẹ nhàng nhưng dồn dập và có vẻ với nhiều uất ức. Tôi nhẹ bước chân theo nơi phát ra tiếng nấc.
Đằng sau một cây nhỏ là bóng một đứa trẻ đang gục đầu khóc nấc. Trước khi tôi tiến bước, tôi đảo mắt một vòng chung quanh xem có ai hay động tĩnh gì không. Đó là thói quen “nghi ngờ” của tôi. Chẳng biết đâu đó là một cái “set up” để lừa đảo hay cướp của những người tốt bụng. Không thấy động tĩnh gì, tôi bước tới và ngồi xuống bên cạnh đứa bé. Nó ngẩng đầu lên, nhìn tôi rồi toan bỏ chạy, nhưng tôi đã nhanh nhảu nói:
- Chú không làm hại cháu đâu, chú đi lì xì tết cho cháu nè.

Khi tôi dứt lời thì nó đã đứng bật dậy, nhưng chưa chạy và nhìn tôi một cách khó hiểu. Nước mắt nó ướt đẫm cả mặt và ướt cả lên mái tóc khá dài của nó. Nó lấy tay vuốt nước mắt, hất tóc qua một bên và gay gắt:
- Mày tưởng tao tin mày hả. Mày tưởng mày lớn thì mày có quyền ăn hiếp con nít hả. Tao không còn gì để nộp cho mày đâu…

Những lời nói của thằng bé làm tôi ngỡ ngàng, nhưng tôi lấy bình tĩnh lại rất nhanh và đoán biết được điều gì đã sảy ra với nó nên ôn tồn:
- Chú không phải là mấy thằng bắt cháu “đóng thuế” để được yên thân đâu. Chú làm công tác xã hội và đi lì xì cho con nít lang thang đường phố thôi.
- Chú đừng có nói sạo nghe, chú mà nói sạo trời đánh chú chết lòi con mắt đó.

Thằng bé nói mà như rủa.
- Ừ chú thề.
Tôi đáp lại…

Tôi thuyết phục được thằng bé đi ăn tối với tôi. Thế là hai chúng tôi rời cái nghĩa trang tìm chỗ ăn tối. Hai chú cháu tôi sau khi chè chén no nê, liền tìm một quán cafê ngồi tâm sự và chia xẻ. Thật sự tôi chỉ muốn nó kể cho tôi nghe tình hình trong nghĩa trang bây giờ. Có bao nhiêu các trẻ bụi đời? Có mấy tay "anh chị" quản lý? Và nghĩa vụ của đàn em phải nộp “thuế thân” ra sao? Tôi muốn biết những điều đó để có thể cẩn thận hơn trong công việc “hội nhập” và hy vọng sẽ không phải ăn lại trận đòn như ở cầu Kênh Tẻ. Nhưng hình như hôm nay tôi “hên” hơn bình thường, không những em cho tôi biết về những gì đang xảy ra trong thế giới của người sống ở giữa kẻ chết, mà em còn huyên thuyên kể về cuộc đời của em. Bình thường tôi được mệnh danh là người nói nhiều mà hôm nay tôi phải gọi em bằng sư phụ. Em say sưa dốc hết lòng mình, còn tôi thì say sưa “uống” từng câu em kể, ghi nhớ trong lòng và hôm nay đem ra hầu chuyện cùng độc giả.

Em tên An, Nguyễn Bình An, là cái tên đầy đủ do cha mẹ em đặt. Em năm nay 13 tuổi, quê An Giang, đã lang thang bụi đời được gần 2 năm. Cuộc đời em bắt đầu không nhìn thấy tương lai kể từ cái ngày định mệnh đó – cách đây đã gần 7 năm. Ngày mà mẹ em qua đời khi đi băng qua đường và bị xe Honda tông chết. Khổ thay, người lái Honda cũng là một người nghèo khổ cùng xóm, thuê chiếc Honda để chạy xe ôm. Khoảng một tháng sau khi chôn cất mẹ xong, cha em bỏ quê đi biệt tăm. Em và em em về ở với ông bà nội (hiện đang ở với gia đình chú út) vì ông bà ngoại quá nghèo. Em bỏ học sau khi tốt nghiệp… mẫu giáo trường làng. Trong những ngày đầu về ở với ông bà nội em còn đi học lại… lớp 1, vì em nghỉ học nhiều quá khi mẹ nằm nhà thương trước khi mất, nên phải ở lại lớp. Thế nhưng số phận không mỉm cười với em. Chú út của em, bắt em nghỉ học và đi chăn trâu. Mỗi ngày em lùa trâu ra đồng, không ngồi lưng trâu thổi sáo, như các bức “họa đồng quê” mà chúng ta được xem, nhưng em vừa chăn trâu vừa… đan thúng để bán. Mỗi ngày em được ăn ba bữa. Bữa sáng một bát cơm với nước mắm, bữa trưa một nắm cơm với muối hột và buổi tối, những gì còn lại sau khi gia đình chú út đã ăn. Thêm vào đó là những trận đòn và những lời nguyền rủa của cô chú út.

Tôi không biết họ đã nói những gì nhưng những lời nói đó đã chạm đến tự ái của một đứa bé 11 tuổi, trình độ học vấn lớp mẫu giáo, và nó quyết định dẫn em nó, 9 tuổi, bỏ nhà trốn lên… “thành phố lập nghiệp” (nguyên văn lời của bé). Hai năm qua, hai anh em vừa đi bán vé số, vừa ăn xin. Thời gian đầu, theo lời em kể, có một “anh” kia cho em về ở chung với ảnh, ảnh cho em ăn và chỗ ngủ, nhưng mỗi ngày có bao nhiêu tiền thì phải về đưa cho ảnh. Nhưng từ từ thì “trường đời” cũng dạy em khôn hơn một tí, và thế là hai anh em của em lại một lẫn nữa cuốn gói trốn đi để “không phải lệ thuộc và có thể để dành được tiền.” Và thế là nghĩa trang này, nơi chôn xác kẻ chết, đã là nơi ấn trú của kẻ sống, của hai anh em của em trong mấy tháng qua. Mặc dù mỗi tối vẫn phải… nộp 5 ngàn đồng Việt Nam (khoảng 30 cents) để được yên thân. Nhưng tối nay xui quá, bị một thằng nào đó to con cướp, nên em mới khóc. Nói tới đó thằng bé không nói gì nữa, nó nhìn ra đường, ánh mắt xa xăm và… bắt đầu khóc. Tôi kéo cái ghế xích sát lại bên nó. Choàng tay qua ôm lấy vai nó vừa để an ủi vừa hỏi:
- Thế em của cháu đâu?
- Dạ hôm nay nó mệt nên nó ngủ rồi.

Thằng bé lịch sự trong tiếng dạ nhỏ nhẹ!
- Bây giờ cháu dẫn chú đi đến chỗ em cháu được không? Chú muốn gặp em cháu nữa.
- Không được đâu chú ơi.
- Sao lại không được.
- Tại vì em cháu đang ngủ với mười mấy đứa nữa trong trổng (trong nghĩa trang.) Chú vô đó không tốt đâu.
- Không sao đâu, chú cũng muốn lì xì cho mấy em nhỏ đó luôn.
- Chú… lúa (quê mùa hay khờ khạo) quá. Chú mà vô đó cho tiền tụi con thì sau khi chú đi mấy thằng lớn nó bắt tụi con nộp hết. Mà coi chừng nó còn đánh chú đó.

Tôi nghe tới đó… rùng mình. Trận đánh hôm nào vẫn còn ê ẩm. Thầm cảm ơn thằng bé này đã cứu mình. Giá mà không gặp được nó tối nay chắc thế nào cũng bị một trận mà lại công dã tràng vì mấy đứa nhỏ cũng sẽ bị mất hết tiền tôi cho. Đúng là trong cái xui, nó có cái may. Hay như người Công Giáo chúng ta hay bảo: “Khi Thiên Chúa chặn con đường ta đang đi là Ngài bảo ta phải đi con đường khác!” Qúy vị thấy không, trong cái xui của thằng bé bị cướp là cái may nó gặp được tôi và cái may của tôi là gặp được nó. Nên tôi không bỏ lỡ cơ may liền hỏi nó:
- Vậy nếu chú muốn cho tiền các em đó thì chú phải làm sao?
- Ngày mai chú tới được không?

Nó trả lời câu hỏi của tôi bằng một câu hỏi.
- Được chứ nhưng mà mấy giờ?
- Chú muốn mấy giờ? Nhưng mà chiều chiều thì hay hơn. Tại khi đó tụi nó mới đi bán vé số về. Con sẽ gọi tụi nó ra cho chú gặp.
- Ok (tự nhiên tuôn ra) ngày mai chú sẽ gặp tụi con lúc 5 giờ chiều ở cái quán vỉa hè hồi nãy con với chú ăn. Chú sẽ đãi các con một bữa rồi sau đó chú lì xì cho tụi con.
- Không được đâu chú ơi. Mặt nó nghiêm lại. Cái giờ đó mấy “anh chị” hay đi rảo quanh khu này để thu tiền tụi con, họ mà thấy tụi con ngồi với chú thì không… xong đâu. Hay là mình gặp nhau chỗ khác?

Sau khi đã bàn bạc xong chỗ hẹn cho hôm sau, tôi mời thằng bé về Khách Sạn ở với tôi vì bây giờ không tốt cho nó về lại nghĩa trang – có thể sẽ bị mấy tay anh chị hạch hỏi. Với lại tôi cũng muốn cho nó nhìn thế giới hoa lệ của những ngày tết và được hưởng cái thú của giường nệm chăn êm. Thế là hai chúng tôi bước ra khỏi quán (với cái nhìn chăm chăm của bao người) gọi một chiếc taxi và thẳng về Quận 1. Đang trong taxi thằng bé la to.
- Không được đâu chú ơi, cháu về ở với chú thì ai báo cho tụi kia mai đến chỗ hẹn!

Công nhận thằng bé thông minh ghê Có vậy tôi cũng không nghĩ ra, vì sáng sớm mai, các em lại một đứa một phương thì làm sao mà hẹn được. Thế là tôi bảo anh taxi quay lại và bỏ nó trước nghĩa trang. Trước khi khuất bóng nó còn nói với tôi:
- Chú nhớ tới đó, không thôi tụi kia nó đánh con là con rủa chú đó.

Tôi móc ngoéo với nó là tôi sẽ tới và rồi nhìn bóng nó khuất trong màn đêm và chiếc taxi phóng đi. Anh tài xế có vẻ rất thắc mắc, cứ lén nhìn tôi qua kính chiếu hậu nhưng không dám hỏi gì. Và tôi cũng không muốn bắt chuyện vì, “họ cũng chẳng hiểu được những việc tôi làm.”
Ôi, thật là hạnh phúc, tôi không biết các em vui cỡ nào nhưng tôi thì có thể chưa bao giờ vui như vậy! Tôi và 14 em nhỏ lang thang ăn uống no say, sau đó đi thuê phòng hát karaoke! Tôi thì hát dở, còn các em thì hầu hết không biết đọc hay đọc không kịp những hàng chữ chạy trên màn hình nên hát theo trí nhớ. Nhớ khúc nào hát khúc đó. Nhạc và lời chẳng ăn khớp với nhau. Thế nhưng chúng tôi cứ say sưa gào thét! Gào thét cho quên đi những khổ đau, cho hạnh phúc của lần đầu tiên được vào phòng karaoke và cho, như lời một bé, “đáng giá đồng tiền chú Thông trả cho chủ quán.” Nhìn các em say sưa ca hát, mà lòng tôi vui không thể tả. Tôi ước gì tất cả qúy vị và các ân nhân đã đưa tiền cho tôi tặng các em cũng có mặt ở đó để tận hưởng niềm vui với các em !!!
Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng phải chia tay, tôi lì xì cho các mỗi em 150 ngàn (khoảng 10 USD). Một em thốt lên:
- Trời ơi, chưa bao giờ có ai cho tao nhiều như vậy! Cám ơn chú Thông, cám ơn thằng Bình !!!
Em nói nhanh đến độ không thể nào nhanh hơn được nữa.

Đứng nhìn các em ra về và tôi bỗng rơi nước mắt. Và một đứa trong nhóm đã nhận ra điều đó, tất cả các em chạy lại ôm chầm lấy tôi và chúng tôi cùng… khóc!
Chút Suy Tư:

Đêm hôm đó và cả những ngày sau nữa tôi cứ ngân nga trong lòng bài “Nó” của nhạc sĩ Anh Bằng,
Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ
Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo
Ngày nó sống kiếp lang thang
Ngẩn ngơ như chim xa đàn
Nghĩ mình tủi thân muôn vàn
Mẹ nó ra đi khi còn tấm nhỏ
Một chén cơm chiều nhưng lòng chưa no
Cuộc sống đói rách bơ vơ
Hỏi ai ai cho nương nhờ
Chuỗi ngày tăm tối bơ vơ
Đêm đêm nó ngủ một manh chiếu rách co ro
Một thân côi cút không nhà
Thân em lá cỏ bạn quen ai có đâu xa
Thằng tư con tám hôm qua trên phô lê la.

Vâng tôi ngân nga bài đó để nhớ, để xót thương, và để cảm thông cho số phận của Nguyễn Bình An, và những đứa trẻ sống chung với nó. Tên nó là Bình An mà hình như đời nó không được an bình. Hình như bố mẹ nó đã đoán trước được cuộc đời của nó nên mới đặt cho nó cái tên Bình An, hy vọng rằng sẽ khá hơn, nhưng…

Bình An ơi! các em ơi! hẹn gặp lại các em! Hy vọng là thế! Anh Thông sẽ gặp lại các em gặp lại các em khi anh T được chính phủ Việt Nam cho phép mở một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, lang thang như các em. Chúng ta sẽ cũng vui, cùng học và cùng sống dưới một mái nhà các em nhé. Nhưng cho tới ngày đó cho anh Thông gởi tới các em lòng yêu thương chân thành, và những lời cầu nguyện cho các em cùng với những câu thơ mà anh Thông đã làm riêng tặng cho các em:

Em của tôi
Ngồi co bóng tối
Mặc nước mắt rơi
Mang lời thổn thức
Mặc bóng tối lan
Tê tê cõi lòng

Em của tôi
Ngồi khuất màn đêm
Đếm những tiếng cười
Trống rỗng hôm qua
Đong bao nước mắt
Trong bao ngày tới
Ôi Em của tôi... bao giờ thôi khóc

www.hayyeuthuongnhau.org