Những khúc mắc còn tồn tại giữa Giáo Hội Việt Nam và chính quyền Việt Nam



Năm nay, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã họp hội nghị thường niên tại Huế, và cũng như thường lệ, sau khi họp xong, ngày 28.9.2006, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đến Hà Nội gặp Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết để trình bày các ý kiến và nguyện vọng của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hầu giúp nâng cao đời sống của dân chúng trong nước, về vật chất cũng như tinh thần.

Sau cuộc gặp gỡ này, Đức TGM Ngô Quang Kiệt cai quản Tổng Giáo Phận Hà Nội, cho biết năm nay HĐGMVN đã đề cập đến các vấn đề sau đây với ông Nguyễn Minh Triết: 1. Vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam 2. Vấn đề tài sản của Giáo Hội Công Giáo VN. 3. Vấn đề Giáo Hội tham gia vào các công tác xã hội như mở nhà thương. trường học. 4. Vấn đề bang giao giữa VN với tòa Thánh Vaticanô. Đức TGM Ngô Quang Kiệt nói rằng trong suốt buổi làm việc, các giám mục đã trình bày về hiện tình tôn giáo tại Việt Nam, vấn đề tài sản của Giáo Hội và những hoạt động xã hội mà Giáo Hội làm được, cũng như quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh Vaticanô và Việt Nam. Theo TGM Kiệt, ông Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết chỉ nghe mà không đưa ra một hứa hẹn gì đối với những vấn đề đã được các giám mục nêu lên.

Chúng ta nhìn nhận rằng trong những năm gần đây, các yêu cầu của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đưa ra hàng năm cũng đã được nhà cầm quyền CSVN đáp ứng một phần nào, nhưng chỉ có tính cách nhỏ giọt. Về phương điện tự do tôn giáo, nhà cầm quyền đã để cho Giáo Hội tuyển chủng sinh để đào tạo linh mục dễ dàng hơn, và việc phong chức các linh mục không còn gặp nhiều khó khăn như trước nữa. Tuy nhiên, nhà cầm quyền vẫn chưa cho tái lập các tiểu chủng viện để đào tạo các chủng sinh từ căn bản. Sinh hoạt tôn giáo vẫn còn bị giới hạn trong phạm vi nhà thờ và Giáo Hội vẫn chưa được tham gia rộng rãi vào các sinh hoạt văn hóa và xã hội.

Vần đề hoàn trả lại tài sản của Giáo Hội vẫn còn rắc rối nhiều hơn. Trong những năm gần đây, nhà cầm quyền chỉ mới chịu hoàn trả lại cho Giáo Hội một vài tòa giám mục và đại chủng viện bị tịch thu. Tuy nhiên, việc hoàn trả nhanh hay chậm là tùy từng địa phương và chỉ khi nào các giám mục sở tại can đảm và liên tục áp lực đòi buộc phải trả. Tài sản được hoàn trả thường ở trong tình trạng bệ rạc, không còn sử dụng được. Sau đây là một vài thí dụ cụ thể: Năm nay, nhà cầm quyền đã trả lại cho giáo phận Phát Diệm khu đất trước đây được dùng làm nhà nguyện và một tu viện hai tầng rộng khoảng 8.000 mét vuông. Cơ sở này đã bị tịch thu từ năm 1954. Tuy nhiên, vì cơ sở này đã được dành cho nhân viên y tế ở và làm nhà kho chứa dụng cụ y khoa nên hư hỏng nặng, không còn sử dụng được. Nhưng còn một phần đất rộng lớn của giáo phận chính quyền vẫn không chịu hoàn trả. Còn nhiều trường hợp chính quyền không chịu trả nại lý do các tài sản đó đã được hiến cho nhà nước trước đây rồi. Sau khi xâm nhập Miền Nam, chính quyền Cộng Sản dùng nhiều thủ đoạn, kể cả vũ lực và hăm dọa để cưỡng đoạt tài sản của tư nhân, công ty và của các tôn giáo. Hiện tại, ở một vài nơi như Giáo Phận Cần Thơ, và Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu ở Quảng Nam, cán bộ địa phương vẫn tìm mọi cách để chiếm đoạt một số cơ sở để biến thành cơ sở làm ăn buôn bán. Nhưng rất may mắn, các giáo sĩ và giáo dân tại địa phương đã can đảm, bất chấp mọi thủ đoạn gian manh hăm dọa và thuê mướn du đảng hành hung đã phản đối và ngăn chặn mọi ý đồ cướp đoạt. Trường hợp Thánh Địa La Vang là mối quan tâm hàng đầu của Giáo Hội Việt Nam. Đất của Thánh Địa La Vang thuộc quyền sở hữu rõ ràng của Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang với đầy đủ tài liệu văn bản pháp lý về chủ quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Vấn đề Giáo Hội tham gia vào các công tác bác ái xã hội vẫn còn là một nan đề. Nhân dịp Mặt Trận Tổ Quốc kêu gọi giới Công Giáo giúp người nghèo, Đức TGM Phạm Minh Mẫn đã gởi đến ban lãnh đạo Mặt Trận một văn thư yêu cầu “tổ chức Ủy Ban Mặt Trận các cấp, các nơi, cần vận động và tạo điều kiện cho Nhà Nước cùng nhân dân giải quyết căn gốc của cái nghèo trên đất nước Việt Nam ngày nay. Tôi muốn nói đến cái nghèo toàn diện, nghèo vật chất, nghèo phương tiện phát triển, nghèo nhân cách, nghèo nhân phẩm, nghèo niềm tin, nghèo quyền làm người sống "độc lập, tự do, hạnh phúc".

Lời phát biểu thẳng thắn của ĐHY Phạm Minh Mẫn và của một số giám mục VN trong quá khứ, như Đức cố TGM Nguyễn Kim Điền, TGP Huế, gợi cho chúng ta nhớ lại lời Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, cách nay đúng 10 năm, lúc ngài còn là hồng y, đã gián tiếp nhắn nhủ về vai trò ngôn sứ của tất cả giám mục thuộc Giáo Hội Công Giáo trên thế giới, trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Peter Seewald, trong sách “Muối Cho Đời” như sau:

“Ngày nay người ta nói nhiều về vai trò ngôn sứ của Giáo Hội. Từ ngữ đó đôi lúc bị lạm dụng. Nhưng đúng là Giáo Hội không bao giờ được phép chạy theo thời. Giáo Hội phải nói lên cái xấu và cái nguy của thời đại; phải nhắc nhở lương tâm những kẻ có quyền, cả những người trí thức, và cả những kẻ thờ ơ hẹp hòi trước những nỗi thống khổ của thời đại. Là giám mục, tôi thấy có nhiệm vụ phải làm chuyện đó. Lại nữa tình trạng suy đồi quá hiển nhiên: Đức tin mệt mỏi, ơn gọi tu trì sút giảm, luân l‎ý đạo đức xuống cấp ngay cả trong giới giáo sĩ, tình trạng bạo lực càng ngày càng tăng, v.v… Lời Chúa trong Kinh Thánh và những lời của các giáo phụ như vang lên trong đầu tôi, kết án nặng nề những mục tử nào làm chó câm để tránh bị phiền toái và vì thế để cho nọc độc lan tràn. Im lặng không phải là bổn phận hàng đầu của người công dân và riêng tôi, tôi kinh sợ cảnh một giám mục chỉ biết an phận, chỉ lo làm sao để tránh phiền phức và lấp liếm xung đột.”

Lời nhắn nhủ của Đức Hồng Y Ratzinger, nay là Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vang vọng khắp bờ cõi trái đất. Chính ngài, nhân dịp trở về thăm Nước Đức, quê hương của ngài, trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua, đã thực thi những điều mình đã nhắn nhủ kẻ khác. Ngài nêu gương sáng, can đảm nói lên tệ nạn khủng bố đang hủy diệt nhân loại và phá hoại nền hòa bình thế giới ngày nay, cho dù tính mạng của ngài bị đe dọa và có thể bị tử đạo bất cứ lúc nào, nhứt là trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 11 sắp tới. Nỗ lực mang lại an ninh toàn cầu, phúc lợi cho nhân loại và sự cộng tác chân thành giữa các tôn giáo với nhau qua sự đối thoại thẳng thắn và thành thật là mối quan tâm hàng đầu của ngài, bất chấp những hiểm nguy trước mắt. Ngài sẵn sàng chấp nhận cái chết nếu đó là Thánh Ý của Thiên Chúa.

Chúng ta tin chắc hàng Giám mục Việt Nam đã tiếp nhận những lời vàng ngọc ấy của vị Cha Chung của Giáo Hội qua việc các ngài trực diện đưa ra 4 nguyện vọng với người đứng đầu nhà nước CSVN. Đó là một tín hiệu đáng phấn khởi về bước tiến mới của HĐGMVN trong việc đấu tranh đòi cho được tài sản của Giáo Hội đã bị cưỡng đoạt kể cả dưới hình thức "ký hiến" thời bao cấp, đòi cho được quyền thực thi tự do tôn giáo trong đó có quyền tự do in ấn, xuất bản, phát hành các sách báo tôn giáo, và cuối cùng quyền được mở rộng các hoạt động xã hội mà tôn giáo đã từng đảm nhận từ trước đến nay trên khắp thế giới theo tinh thần đem đạo vào đời để xây dựng đời, hoàn thiện nghĩa vụ đạo-đời mưu cầu lợi ích thiết thực cho tha nhân.

Lễ kính Thánh Phanxicô Assisi (4-10-2006)