(Như một nén hương lòng để tưởng nhớ Đức Cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến)

Nếu có những buổi sáng tôi thức dậy vội vã để chuẩn bị cho một ngày mới, thì cũng có những buổi chiều chầm chậm xuống để gợi nhớ trong tôi bao điều khắc khoải khó quên.

Tháng 10 lại sắp về đây ! Tôi thường được nhắc nhở đó là Tháng Mân Côi, tháng của suy niệm về cuộc đời và hành trình theo Chúa của Mẹ Maria. Hành trình ấy được diễn tả cô đọng trong các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi mà tôi thường đọc hàng ngày nhưng ít khi có những cảm nghiệm sâu sắc và kết hợp mật thiết với Chúa qua từng lời kinh. Tuy vậy, Chúa nhân từ vẫn cho tôi có nhiều cơ hội để sống với những mầu nhiệm Mân Côi ấy như những món quà tặng thật bất ngờ…

Chỉ mới cách đây hơn ba năm, khi tôi có dịp đi hành hương kính viếng Đức Mẹ ở Fatima và Lộ Đức, một buổi chiều được chứng kiến tận mắt hàng chục ngàn người, trong đó có rất nhiều người tàn tật và đau yếu đến từ các nơi trên thế giới, đã quây quần dưới chân Đức Mẹ để cầu nguyện với tràng chuỗi Mân Côi hết sức cảm động và sốt sắng… Tôi mới bắt đầu tự nhủ lòng phải cố gắng dành thì giờ mỗi ngày để đến với Đức Mẹ qua Kinh Mân Côi, như một nhịp cầu dẫn đưa cõi lòng nguội lạnh của tôi đến gần Chúa hơn. Kể từ ngày ấy, mỗi buổi sáng trên đường lái xe đến sở làm hay ít phút ngắn ngủi trước giờ đi ngủ, tôi vẫn thường tập cho mình thói quen cầu nguyện bằng việc lần chuỗi Mân Côi, cho dù rất nhiều khi tôi chỉ rì rầm trên môi miệng còn tâm trí thì lại nghĩ ngợi những chuyện không đâu….

Thế mà có một buổi chiều, dưới cái nắng gay gắt của mùa hè ở miền Bắc Việt Nam, tuy chẳng phải là giờ kinh nguyện, nhưng tôi lại có dịp suy niệm về mầu nhiệm thứ hai mùa vui một cách sống động nhất.

Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, gia đình tôi có dịp về thăm quê cũ. Vì cả hai chúng tôi đều được sinh ra ở những làng quê thuộc Tỉnh Bắc Ninh nên mặc dù đã dời xa nơi chôn nhau, cắt rốn đến hơn nửa thế kỷ nhưng chúng tôi luôn hướng lòng và cố gắng tạo mọi điều kiện để vế thăm quê cha, đất tổ của mình, nơi phần mộ tổ tiên ông bà nội ngoại chúng tôi còn đó cùng nhiều bà con dân làng vẫn gắn bó với những mảnh ruộng khô cằn và mấy lũy tre già rợp bóng. Chúng tôi thường đi đây đó rồi lại về nghỉ đêm tại Tòa Giám Mục Bắc Ninh, tọa lạc ngay ở thị xã, cách Hà Nội chừng ba mươi cây số.

Lần này, với sự gợi ý của Đức Cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến, Giám Mục Bắc Ninh, nên mặc dù thời gian và phương tiện hết sức eo hẹp nhưng chúng tôi cũng cố tìm đến thăm nhà nuôi các em khuyết tật và người già neo đơn tại Làng Hương La, Xã Tân Lãng, Huyện Lương Tài, Tỉnh Bắc Ninh. Được Đức Cha cho mượn xe và người hướng dẫn là Cha Giuse Phạm Đức Hậu, một linh mục rất trẻ vừa chịu chức vào tháng 5 vừa qua, thế mà cũng khá vất vả chúng tôi mới đến được ngôi làng xa xôi, hẻo lánh này. Tuy không có bảng hiệu hay số nhà nhưng hỏi thăm dân làng ở đây thì ai cũng biết vì họ thường gọi bằng cái tên đơn sơ và rất ý nghĩa: đó là “Nhà Tình Thương” của các Cô “Hiệp Nhất”.

Chúng tôi ghé thăm Nhà Tình Thương Hương La bất ngờ không báo trước nên hoàn toàn không có một sự chuẩn bị nào. Chỉ có hai trong sáu Cô đang trông coi các em ở đó. Các Cô khác, người đi làm ruộng, người đi may, người đang làm bếp….Hai Cô ở nhà tỏ ra bối rối vì chẳng tìm được cái ghế để mời khách nghỉ chân. Họ thiếu thốn quá đến nỗi không có được một chỗ ngồi để tiếp khách đường xa. Trong khi Cô làm bếp chạy đôn, chạy đáo đi gọi các chị em khác về, chúng tôi có dịp được gần gũi các em khuyết tật và quan sát phòng ốc cũng như điều kiện sinh hoạt của các em. Phải thành thật mà nói rằng: dù tôi đã từng đi thăm nhiều cơ sở xã hội ở Việt Nam như trại cùi, viện mồ côi hay dưỡng lão…., tôi vẫn không thể dằn được cơn xúc động khi nhìn thấy các em tật nguyền phải sống trong một hoàn cảnh quá cơ cực và thiếu vệ sinh đến thế !

Một vài em có thể lê lết được thì bám chặt lấy hai Cô và kêu khóc rú lên khi chúng tôi lại gần. Có mấy em thì lại tươi cười và tỏ ra rất sung sướng khi được chúng tôi vỗ về, thăm hỏi… Đa số các em đều bị khuyết tật bẩm sinh, không thể đi đứng và nói năng bình thường được. Tôi vô tình nhìn vào chiếc võng vải ở góc phòng thì thấy một em nằm trong đó, thân hình co quắp, gầy gò đang cố gắng cử động một mình. Một em khác chừng mười mấy tuổi nằm trên giường gần đó. Những con ruồi xanh mùa hè to bằng đầu đũa đang thi đua nhau đậu bừa bãi trên khuôn mặt ngờ nghệch của em nhưng hai tay em yếu đuối quá, chẳng làm sao giơ lên mà xua đuổi được. Bước vào phòng bên cạnh, tôi bất ngờ nhìn thấy hai bà cụ già đang ngồi, miệng lẩm nhẩm đọc kinh, trên chiếc giường mộc thô sơ với vài bộ quần áo và đồ dùng cá nhân để ngay dưới gầm giường. Tôi cất tiếng chào thì mới hay cả hai bà đều mù lòa và không nơi nương tựa nên đã đến tá túc ở đây không biết tự bao giờ….

Vài phút tưởng chừng im lặng mà nức nở trong lòng tôi vụt trôi qua lúc các Cô đã về đủ và đang giục giã nhau tập họp các em lại. Tôi càng xúc động hơn khi tất cả 6 Cô đứng trước mặt tôi đây đều là những thiếu nữ còn rất trẻ và khá duyên dáng mặc dù trang phục của họ rất bình dị nếu không muốn nói là nghèo nàn và chắc chắn là không có một chút trang điểm nào. Cô trẻ nhất chỉ mới 24 tuổi và Cô phụ trách chung lớn tuổi hơn nhưng có lẽ cũng chỉ ngoài ba mươi. Vì hoàn cảnh xã hội và điều kiện làm việc, các Cô là những nữ tu không mặc tu phục nhưng sống giữa đời, thuộc tu hội Hiệp Nhất có nhà chính ngay trong Tòa Giám Mục Bắc Ninh. Theo lời các Cô kể, vì thiếu phòng ốc và khả năng tài chánh eo hẹp nên các Cô chỉ có thể nhận được 16 em, đa số ở địa phương, mặc dù có rất nhiều người ở các nơi khác tha thiết đến xin gởi con mình. Một gia đình có hai em tật nguyền nhưng các Cô chỉ có thể nhận nuôi một mà thôi vì sự đóng góp của gia đình rất là tượng trưng. Các Cô phải tự túc hoàn toàn về mọi mặt, kể cả lương thực cho chính bản thân mình. Còn việc nuôi nấng, chăm sóc cho hai Bà là đương nhiên vì hai Bà chẳng có ai thân thích để mà nương tựa, sống trong cảnh mù lòa, bệnh tật thì còn biết đi về đâu bây giờ ?

Nhìn các Cô giang rộng vòng tay ôm một lúc hai, ba em vào lòng để dỗ dành, âu yếm, tôi ngại ngùng đứng sát cạnh bên, lòng ngập ngừng vì dường như đôi tay tôi còn chật hẹp quá, trái tim tôi chưa đủ ấm nồng để có thể ôm vào lòng mình những thân hình quá dị thường, hôi hám !

Bất giác, tôi cố nén cảm xúc và thầm thân thưa với Đức Mẹ rằng: Mẹ ơi ! Con đang thăm viếng những con người cần tình thương nhất. Xin Mẹ giúp con biết chia sẻ và cảm thông với họ bằng chính tình thương yêu mà Chúa đã dành cho con: một tình thương luôn chấp nhận, tin tưởng và tha thứ cho dù nhiều phen con đã mang những thương tích tội lỗi tưởng khó chữa lành … Chưa bao giờ tôi cảm thấy cần lần chuỗi chục thứ hai mùa Vui đến thế !

Buổi chiều hôm ấy, trên đường trở lại Tòa Giám Mục Bắc Ninh, nắng như thiêu đốt, cổ họng tôi khô rang vì khát nước nhưng tôi cũng chẳng bận tâm đòi hỏi phải dừng xe để tìm quán nước bên đường mà giải khát như những lần đi xa trước đây. Phần vì tôi không còn giữ lại đồng nào trong bóp, phần khác chính vì nghĩ đến cảnh sống cơ cực của các Cô ở Nhà Tình Thương mà tôi vừa mới ghé thăm, thì sự khát nước trong chốc lát của tôi nào có đáng gì !

Chiều hôm sau, cũng như mấy ngày trước, chúng tôi dùng cơm chung trong Tòa Giám Mục để rồi sau đó tiễn chân Đức Cha lên đường qua Mỹ trị bệnh và thật không ngờ, đó chính là buổi gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi với Đức Cha khả kính của Giáo Phận Bắc Ninh. Đêm hôm trước ngày lên đường, Ngài còn thăm hỏi về chuyến đi Hương La và ân cần dặn dò, gửi gấm các Cha, Thầy ở nhà có bổn phận phải lo cho chúng tôi có được những ngày về thăm quê hương thật thoải mái và ý nghĩa. Ngài luôn nói với chúng tôi rằng: Bắc Ninh là nhà của gia đình để con cái khắp nơi có thể về bất cứ lúc nào… Ân tình sâu đậm này làm sao tôi có thể quên được !

Buổi chiều hôm nay, khi tôi đang viết những dòng chữ này thì cũng là lúc nhận được hung tin Đức Cha Giuse không còn nữa. Ngài đã được Chúa gọi về vì cơn bệnh ngặt nghèo không qua khỏi cho dù Ngài vẫn còn tỏ ra mạnh khoẻ khi chủ tế và giảng thuyết tại Đại Hội Thánh Mẫu ở Missouri đầu tháng 8 vừa qua… Có phải chăng Đức Cha thật khôn ngoan khi đã chạy đến với Đức Mẹ trong những ngày cuối của cuộc đời ?

Thêm một lần nữa, tôi lại bồi hồi thưa với Đức Mẹ: hành trình theo Chúa của Mẹ là một đời “Xin vâng” đầy gian nan, thử thách và Mẹ đã đi trọn cuộc hành trình tới đỉnh đồi Calvê một buổi chiều để rồi đau đớn nhìn con yêu của mình treo trên thập giá. Cuối cùng, Mẹ đã được trọng thưởng là nước Thiên Đàng vĩnh cửu. Còn hành trình đức tin của con thì Mẹ biết đó, đã có những buổi chiều tím ngắt một trời như hôm nay đây. Con đang cần ơn Chúa biết là chừng nào ! Viết đến đây, lòng tôi như se thắt lại khi nghĩ đến hình ảnh của Bà Cố Đức Cha gần như hoàn toàn im lặng trong bữa cơm cuối cùng tiễn biệt. Giờ này, chắc hẳn Bà Cố đang phải trải qua những bước đường Calvê như Đức Mẹ xưa. Xin Đức Mẹ nâng đỡ, ủi an Bà Cố Đức Cha trong những ngày, tháng đau buồn này vì có ai hiểu thấu nỗi lòng người mẹ cho bằng Mẹ Maria ?

Còn biết bao nhiêu buổi chiều nữa sẽ đến trong cuộc đời tôi ? Ôi, Lậy Mẹ Maria, xin dẫn dắt con trên mỗi bước đường để cho dù buổi sáng bình minh tràn đầy hy vọng, con nhớ đến Mẹ trong Kinh Mân Côi thì những buổi chiều, khi ánh tà dương dần xuống, con vẫn có Mẹ trong mỗi lời kinh ca tụng Chúa cho đến giây phút cuối của cuộc đời !


(San Diego, CA)