GIẢI ĐÁP THẮC MẮC VỀ BÍ TÍCH HÒA GIẢI



Hỏi : Xin cha vui lòng cho biết khi vào xưng tội, hối nhân có cần phải xưng rõ mọi tội với Linh mục hay chỉ âm thầm nghĩ trong lòng và nhận ơn tha tội của linh mục ?



Trả lời : Sách Giáo Lý Công Giáo,câu số 1456, đã nói rõ: "Thú nhận tội lỗi của mình với vị linh mục là một phần của bí tích Giải tội; khi xưng tội, các hối nhân phải kể ra tất cả các tội trọng mà mình biết rằng mình đã phạm sau khi xét mình cách nghiêm chỉnh, dù các tội này rất kín đáo và chỉ phạm đến hai giói răn sau cùng của bản Thập giới, bởi vì đôi khi các tội này làm cho linh hồn bị trọng thương hơn hết và nguy hiểm hơn các tội ta phạm mà người khác biết rõ’’.

Như vậy, không được phép chỉ âm thầm nhớ đến tội trong lòng mà phải xưng ra dù là tội kín khó nói vơí linh mục. Đó là về phần hối nhân. Về phần linh mục, không có giáo lý, giáo luật nào cho phép linh mục bảo hối nhân không cần phải xưng tội nặng, nhẹ ra vì Chúa đã biết hết nên không cần phải nói với linh mục nữa. Linh mục nào làm như vậy là tự ý mình chứ không căn cứ vào giáo lý của Giáo Hội dạy về Bí Tích Hoà giải.

Hỏi: Khi nào được phép xưng tội tập thể?

Trả lời: Cũng Sách Giáo Lý, câu số 1483, qui định trường hợp cho phép giải tội chung hay tập thể, theo đó chỉ có trong trường hợp khẩn trương và nguy tử khi không có đủ thì giờ để linh mục giải tội cá nhân thì được ban phép tha tội chung cho những người có mặt đang sám hối.. Thí dụ, trong trường hợp chiến tranh, động đất, hỏa hoạn, phi cơ lâm nạn, đắm tầu... Nhưng trong các dịp lễ trọng, dù có quá đông ngươì muốn xưng tội, vẫn không được coi là trường hợp khẩn trương nghiêm trọng khiến phải giải tội tập thể. Trong một Giáo phận, thì Đức Giám Mục là người quyết định trường hợp nào cho phép giải tội tập thể. Linh mục không được phép tự ý làm việc này, trừ trưòng hợp thực sự khẩn trương, nguy tử như đã nói ở trên. Cũng cần lưu ý là nếu hối nhân có tội trọng thì dù đã nhận lãnh ơn tha tội trong trường hợp khẩn trương nói trên, vẫn cần phải di xưng tội cá nhân sau khi vuợt qua được cơn nguy tử.