LTS: Tuần báo Time phát hành tại Hoa Kỳ, trong số tất niên 2005, đã chọn chủ đề ân nhân của nhân loại. Ngoài ba ân nhân vật chính được chọn là vợ chồng ông bà Bill và Melinda Gates, chủ hãng Microsoft, và ca sĩ Bono, tuần báo Time còn đề cập đến 6 người khác có những hoạt động phi thường giúp nhân loại mà tuần báo gọi là các vị anh hùng địa phương. Một trong 6 vị đó là linh mục Ranjeenvan Xavier người Tích Lan. Sau đây là câu chuyện được ký giả Alex Perry viết về vị Linh Mục đã cứu sống 70 người, vớt vào bờ 200 xác chết và đem chôn 750 nạn nhân sóng thần.

Vào lúc gần 9 giờ sáng ngày 26 tháng 12 năm 2004, cơn sóng thần đánh vào vùng Thirukkovil của Sri Lanka. Trong lúc đó thì Cha Ranjeevan Xavier đang cử hành thánh lễ tại nhà thờ thánh Giuse. Ngài vội cắt ngắn thánh lễ và thúc giục mọi người chạy lên chỗ đất cao hơn. Ngài cởi áo lễ chạy ra bờ biển chỉ cách đó vài trăm mét. Ngài kể lại: “Ngay lập tức tôi thấy xác một phụ nữ nằm trên hàng rào kẽm gai, tóc của bà cuốn vào hàng rào nên thi thể không trôi đi đâu được. Trước đây, chúng tôi bị lụt nhưng chưa có trận lụt nào như thế này. Tôi kéo xác người đàn bà lên chổ đất cao rồi lại ra biển.”

Linh Mục Ranjeenvan Xavier
Hầu hết vùng Thirukkovil đã chìm dưới làn nước và đây đó rải rác những xác chết trần truồng vì sóng mạnh xé bung quần áo nạn nhân.

Nội trong ngày đầu tiên hôm đó, cha Ranjeevan đã cứu sống được 70 người và khiêng vào bờ 200 xác chết. Cha Ranjeenvan năm nay 30 tuổi kể: “Người ta thì cha mẹ đi tìm kiếm con cái, con cái đi tìm kiếm cha mẹ, còn tôi, là linh mục không có gia đình nên đi cứu giúp người chết đuối.”

Cả nước Sri Lanka, sóng thần đánh vào vùng quận hạt Ampara gây thiệt hại nặng nhất. Trong số 38,000 người chết thì có đến 10,000 người ở vùng Ampara, trong đó 6000 người là cư dân thuộc vùng Thirukkovil.

Cha Ranjeevan kể cha đã đem chôn 750 xác chết trong hai ngôi mộ tập thể ở bãi biển. Xác chết đó là nhhưng người ở nơi khác bị sóng đánh giạt vào bờ. Cha đã phải mất cả một tuần lễ chỉ lo việc chôn cất nạn nhân. Sau đó Ngài bắt tay vào việc phục hồi vùng đất bị tai họa. Ngài phối hợp với các nhóm cứu trợ, thành lập các nhóm canh phòng để ngăn ngừa kẻ hôi của, mở những cô nhi viện, nhà ngủ cho các học sinh, mở trung tâm dinh dưỡng, mở cơ sở huấn luyện giáo viên. Ngài còn tổ chức cả những buổi thi đua thả riều để khuyến khích thiếu nhi ra biển để các em không còn sợ biển cả nữa.

Nhân viên điều tra cảnh sát Thushara Sena, 32 tuổi trả lời câu hỏi : “Vị linh mục này đã làm g?” Ông nói: “ Ngài chỉ có chôn người chết và nuôi người sống. Cha là người mà ai cũng chạy tới để xin được giúp đỡ mọi chuyện”

Cha Ranjeevan tin rằng sóng thần cũng đem lại những điều tốt lành. Cha nói: “Trợ cấp đã đến được những nơi nghèo khổ, sóng thần đã cuốn đi tinh thần chia rẽ tôn giáo và 22 năm nội chiến. Tai họa cũng làm cho người ta gần gũi với thần thánh của họ. Nhà thờ đầy chặt người và tôi đang xây thêm một nhà thờ ở phiá nam. Giới trẻ đến với tôi. Để biểu lộ tinh thần kết hiệp với bí tích, nhiều người đã để vật dụng cá nhân của mình lên bàn thờ như khăn tay, kính đeo mắt”.

Cha Ranjeevan chẳng cần để ý đến điều dị nghi rằng người ta làm điều đó vì cha hơn là vì Chúa. Ngài kể lại câu chuyện về một em bé sau ngày xảy ra sóng thần: “Em chắp tay quỳ trước xác mẹ đang nằm chung với hàng trăm xác chết khác trước hành lành bệnh viện. Bỗng nhiên em la lớn lên: “Mẹ con còn sống ! Mẹ con còn sống! Mẹ ơi! dậy đi mẹ! Mẹ ơi, dậy đi mẹ!

Sau đó người mẹ đã cử động. Bà ta đã sống lại. Cha Ranjeenvan nói: “Giữa lúc có đau khổ thì cũng có phép lạ xảy ra.”