Nguồn gốc của bức tượng Đức Mẹ Hoà Bình, hay còn gọi là Nữ Vương Hoàn Cầu, đứng trước công trường Vương Cung Thánh đường Saigon

Nhân hiện tượng bức tượng Đức Mẹ đứng trước nhà thờ Đức Bà-Sai Gon chảy nước mắt vào ngày 29/10/2005 vừa qua, Tôi-một hướng dẫn viên du lịch(tourist guide), năm nay 27 tuổi, và là giáo dân của nhà thờ Chánh Toà Sai Gon, xin cống hiến qúy vị các chi tiết chính xác về nguồn gốc bức tượng nổi tiếng này như sau:

Nhà thờ Đức Bà-Sai Gon được xây dựng từ năm 1877 tới năm 1880 thì hoàn thành. Khu công viên nhỏ với những bồn hoa ở trước nhà thờ thì được thiết lập ngay từ khi nhà thờ này được khánh thành.

Tới năm 1902 thì chính quyền Nam Kỳ -Thuộc địa mới cho xây dựng ngay chính giữa công viên này một tuợng đài để tưởng niệm Đức cha Bá-Đa-Lộc, tức Pineau de Béhaine(trong sắc phong của vua Gia Long thì tôn làm Thái Tử, Thái Phó, Bi-Nhu Quận công) hay còn gọi là Giám mục Adran vì Đức cha làm Giám mục với hiệu toà Adran. Tượng đài này bao gồm một bệ bằng đá hoa cương đỏ hình trụ tròn và bên trên là bức tượng đồng của Đức cha được đúc tại Pháp.

Bức tượng này tạc hình đức cha Adran với phẩm phục Giám Mục và tay phải Ngài dẫn tay trái Hoàng tử Cảnh (con trưởng của vua Gia Long-Nguyễn Ánh). Tượng đài này được giới bình dân thời đó gọi là tượng “Hai hình” để phân biệt với tượng “Một hình” là bức tượng của Đô Đốc Hải quân Pháp Genouilly ở phía công trừơng Mê Linh, cuối đường Hai Bà Trưng, gần bờ sông Sai Gon.

Tượng đài Đức cha Ba-Đa-Lộc này tồn tại cho tới năm 1945 thì bức tượng đồng của Đức cha Bá-Đa-Lộc bị hạ xuống trong cao trào chống Pháp, nhưng cái bệ đài bằng đá hoa cương đỏ thì vẫn còn tồn tại ở đó mà không có bất cứ một bức tượng nào ở trên.

Mãi cho tới năm 1959, dịp Đại hội Thánh Mẫu ở Việt Nam, linh mục chánh sở nhà thờ Sai Gon-có lẽ là linh mục Phạm Văn Thiên(sau làm Giám mục Phú Cường, nay đã qua đời), khi qua Roma có đặt nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện một bức tượng Đức Mẹ Hoà Bình (người ta vẫn có thể thấy tên của nhà điêu khắc còn rất rõ nét ở trên tà áo dưới chân, phía bên trái của bức tượng). Tượng được mang về theo đường thủy và ngày 16/02/ 1959 bức tượng được dựng lên trên cái bệ đài vẫn còn để trống kể từ năm 1945.

Ngày 17/02/1959 Hồng Y Aganianian từ Roma qua Sai Gon để chủ toạ lễ bế mạc Đại hội Thánh Mẫu, đã làm phép bức tượng này vào buổi chiều ngày hôm đó.

Chỉ từ sau khi có bức tượng này đứng trước công trường nhà thờ, thì nhà thờ Sai Gon mới mang thêm một tên mới là nhà thờ Đức Bà, còn trước đó chỉ có các tên gọi, như nhà thờ lớn, nhà thờ Sai Gon và nhà thờ nhà nước - vì do nhà nước Pháp thuộc địa quy hoạch và cấp kinh phí xây dựng.

Bức tượng bằng đá cẩm thạch trắng của Ý, được tạc với chủ đích để nhìn từ xa nên không đánh bóng mà toàn thân tượng, kể cả vùng mặt vẫn còn đầy dẫy những vết điêu khắc thô. Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho Việt Nam và cho thế giới được hoà bình. Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn, mà không biết từ lúc nào đầu con rắn đã bị bể mất cái hàm trên nên hiện chỉ còn thấy hàm dưới và thấy cặp mắt của con rắn, còn hàm trên cho tới mũi của con rắn thì không còn, cũng không thấy ai tu sửa lại. Trên bệ đá, phía trước bức tượng, người ta có gắn một tấm bảng đồng với hàng La ngữ: REGINA PACIS - OPRA PRONOBIS - XVII. II. MCMLIX (NỮ VƯƠNG HOÀ BÌNH - CẦU CHO CHÚNG TÔI - 17/02/1959). Một chi tiết mà hiện nay rất ít người biết, kể cả các linh mục của nhà thờ này, đó là khi dựng bức tượng lên trên cái bệ đá hoa cương đó vào ngày 16/02/1959, người ta đã đục khoét một cái hốc ở trên cái bệ đá chỗ giáp với chân tượng Đức Mẹ, và đặt vô trong cái hốc đó một chiếc hộp bằng bạc, trong chiếc hộp đó có chứa đựng rất nhiều những lời kinh cầu nguyện cho hoà bình của Việt Nam và thế giới (lúc đó Việt Nam đang trong thời chiến tranh). Những lời cầu nguyện đó được viết lên trên những lá mỏng bằng những chất liệu khác nhau như bằng vàng, bạc, thiếc, nhôm, giấy, da, và đồng. Và những lời cầu nguyện này cũng được gởi tới từ nhiều miền của đất nước, kể cả từ một số vùng ngoài miền Bắc.

Photo Nam An: Bức ảnh chụp Đức Mẹ Hòa Bình sáng hôm nay Ngày 2-11-2005: