Thêm một Suy Tư về nền Thần Học Xác Thân của ĐGH Gioan Phaolô II

Dưới đây là diễn văn đọc ngày 19 tháng 7 năm 2002 của Đức Cha John J. Myers, TGM Newark, tại Hội Nghị về Dục Tính Kitô Giáo, một buổi hội thảo cấp quốc gia tổ chức tại Charleston, SC, dưới sự bảo trợ của Danh Dự Gia Đình, một tổ chức được thành lập vào năm 1987 nhằm tạo điều kiện cho các phụ huynh và con cái cùng biết truyền đạt cho nhau một cách hữu hiệu những giá trị quan trọng trong đời sống, với ý hướng tập trung vào sự thật và sự tốt lành của món quà mà Thiên Chúa trao tặng cho con người, đó là dục tính và nhân đức khiết tịnh. Xin lược dịch để cống hiến bạn đọc như một nối dài loạt bài THXT vừa kết thúc.

(tiếp theo và hết)

Ta càng ít có dịp nghe biết các hệ lụy của “chọn lựa.” Có ai bao giờ nói đến những cánh tay cắt cụt và những cẳng chân đứt rời do sức hút trong một vụ phá thai thực hiện vào tam cá nguyệt thứ nhất? Có ai bao giờ nói đến mảng da tróc ra khỏi thân thể thai nhi non nớt do dung dịch muối, là cách trừ khử cái thai vào tam cá nguyệt thứ hai? Có ai bao giờ thừa nhận rằng cái gương mặt nằm trong chiếc thùng xô sau cuộc khai mở tử cung vào tam cá nguyệt thứ ba trông giống con người hay không? Bạn có bao giờ trông thấy bức hình những ngón tay bé bỏng của một thơ nhi bị ‘xử tử’ trong cuộc phá thai bán sinh, những ngón tay bị sưng vù lên sau khi mũi kéo ngọt của vị ‘bác sĩ đồ tể’ đâm thủng sọ hầu kết liễu đời em?

Ý nghĩa của thân xác mang đầy hệ lụy đối với những vấn nạn thời đại, và đó là lý do khiến cho thực tại xác thân thường bị che khuất. Những cuộc tranh luận trí thức vô bổ về “chọn lựa” hay “quyền sống” có cái hơi hướng ‘khử trùng’ trên bình diện thuần túy trí thức. Nó mất đi cái hơi hướng tan loãng này khi xác thân cận kề ngay bên và mang tính cách cá nhân.

Cuốn phim “Các tay súng trên đảo Navarone” minh hoạ tư tưởng này một cách hùng hồn. Khi Keith Mallory, do Gregory Peck thủ vai, hỏi viên “Đồ tể thành Barcelona” là tại sao lại do dự không giết tên Quốc xã khi hắn chỉ còn cách chừng một sải tay, thì được nghe câu trả lời này: “Khi bắn một người ở cách mình chừng 200 thước, hắn chỉ là một mục tiêu di động. Nhưng nếu giết hắn bằng mũi dao, thì mình ở kề cận đến độ còn ngửi được hắn nữa. Tôi ngửi thấy bọn đó cả trong khi ngủ.”

Thế là trong thoáng chốc, diện đối diện, cái thân xác con người thật sự không còn là một “mục tiêu di động,” “một nhúm mô,” hay một loài “thực vật” nữa. Khi đó, giết người không còn mang mùi vị “khử trùng” nữa.

Xác thân đặt con người ngay lập tức đứng trước mặt và đối diện với hữu thể. Kinh nghiệm này mang một thứ công hiệu kiềm chế và thường là bổ ích đối với những tư tưởng lệch lạc nhất của ta cũng như những xung động xấu xa có ở nơi ta. Thân xác có một sở trường không thể chối cãi được là nối con người lại với thực tại. Thân xác còn có công dụng vũ bão của dòng nước lạnh dội tung toé xuống “những kế hoạch tồi tệ nhất ‘của chuột và người.’” Ngồi trong một biệt thự vùng ngoại ô Bá Linh, đóng vai nhân viên nhà nước, vừa uống trà vừa tính chuyện thiêu sống các nạn nhân, đó là một chuyện. Nhưng sẽ là một chuyện khác hoàn toàn nếu đóng vai một người lính Đồng Minh vừa đặt chân đến Dachau, Auschwitz, Majdanek hay Buchenwald, mà hít đầy buồng phổi cái luồng hơi toả ra từ lò hoả thiêu. Sự khác biệt nằm ở nơi xác thân, vốn nối kết con người lại với thực tại, một cách rất trực tiếp, rất lập tức, và đôi khi rất đau đớn.

Tầm quan trọng của thân xác như vừa nói nhắc cho ta tầm quan trọng của nền THXT mà ĐGH Gioan Phaolô II đã truyền dậy một cách hùng hồn. Tuy nhiên ít khi ta nhắc đến tên ngài. Thực ra, dù có mắc nợ ĐGH Gioan Phaolô II bao nhiêu chăng nữa về nền THXT này, điều cần thiết là phải làm cho nền THXT này trở thành của riêng mình. Chỉ nghiên cứu, học hỏi, trưng dẫn ngài mà thôi thì chưa đủ: THXT không phải là một thứ báu vật nằm trong viện bảo tàng để ngắm nghía, trầm trồ, rồi bỏ đi. Vấn đề là phải đem THXT áp dụng vào đời sống hôm nay, trong mọi tình huống cuộc đời ta. Không gì làm vinh danh ngài hơn là đem tư tưởng của ngài vận dụng vào vào chính đời sống. Nhưng không có gì phản bội ngài hơn là chỉ lặp đi lặp lại những định thức của ngài theo kiểu luyện thần chú ma thuật.

ĐGH Gioan Phaolô II đã khai triển nền THXT trong công trình nghiên cứu cả đời mình, trước và sau khi lên ngôi giáo hoàng. Cho dù danh xưng “THXT” chỉ được biết đến sau khi ngài trình bầy đề tài này qua huấn dụ Thứ Tư hàng tuần, mối ưu tư của ngài về đề tài này đã nung nấu từ những ngày tháng đầu cuộc đời đi học và làm linh mục của Karol Wojtyla, như vậy đã hàng nửa thế kỷ nay rồi.

Năm nay, 2002, đánh dấu năm mươi năm ngày Karol Wojtyla viết về luân lý dục tính. Năm 1952, khi còn là một linh mục trẻ, Karol Wojtyla viết một bài báo mang tưạ đề “Bản Năng, Tình Yêu, và Hôn Nhân” để ngợi ca đức thanh khiết. Tuy nhiên, khác hẳn những người đồng thời với mình, Wojtyla đã bắt đầu khai triển một nhận thức tích cực về đức thanh khiết bén rễ từ trong nền THXT của ngài. Thanh khiết, theo Wojtyla, không phải là một điều tiêu cực. Thanh khiết không phải là “không” (mặc dù đôi khi cũng phải nói ‘không’). Thanh khiết tiên vàn là một lời “vâng”, “có,” một trả lời tích cực cho hai điều: (1) thấu hiểu thế nào là bản năng dục tính của con người, và (2) thấu hiểu sự giao hợp thực sự tượng trưng cho điều gì.

Cũng theo vị Giáo Hoàng tương lai, bản năng dục tính con người không phải chỉ có một ý nghĩa sinh lý, bởi vì con người đâu phải chỉ là tổng hợp của xương, thịt, cơ phận, và các lớp mô, các chất vụn vặt trị gía chừng $3.95 và hơn chục lít nước. Không phải thế, cái đi vào hiện hữu như là kết quả khả hữu của việc giao hợp chính là một hữu thể nhân sinh. Không phải là con cóc, con nhái, hay một “đống tế bào,” mà là một hữu thể nhân sinh. Bản năng dục tính con người không chỉ có một ý nghĩa sinh lý: nó có một ý nghĩa hiện sinh, bởi lẽ hiện hữu--hiện hữu nhân sinh-chính là mục tiêu của nó. Mục tiêu này quan trọng vì có hai ý nghĩa: (1) vì dính líu tới đời sống của một con người mới, và (2) bởi vì chính Chúa đã taọ ra sợi dây liên kết giữa bản năng dục tính và việc trao ban sự sống. Nếu ta nghiêm chỉnh nghĩ đến giáo lý về tạo dựng, ta sẽ thấy rằng chỉ một mình Chúa mới ban tặng những điều thiện hảo.

Trong cùng lúc ấy, người nam và người nữ kinh nghiệm sự giao hợp như mõt trao ban và đón nhận hỗ tương trong một cởi mở tột cùng. Kiểu trao ban và đón nhận này, không chút dè giữ, đòi hỏi sự cam kết yêu thương mãi mãi. Tình yêu không đòi hỏi phái tính một điều gì khác cả.

Do đó, với Wojtyla, thanh khiết chính là môt lời “vâng.” Đó là lời ‘vâng’ khi nhìn nhận sự thiện hảo trong công trình tạo dựng của Chúa, bao gồm cả điều mà đôi vợ chồng chia sẻ với cuộc tạo dựng này qua bản năng dục tính. Đó còn là lời ‘vâng’ đối với sự cam kết không dè dặt, nhưng bền vững của tình yêu được tượng trưng và biểu lộ qua sự giao hợp. Thanh khiết đòi phải có, không phải vì phái tính là một cái gì nhơ nhuốc, mà bởi vì phái tính là điều thánh thiêng.: bởi lẽ cái ‘ngôn ngữ của xác thân’ vốn nói lên tình yêu và sự cam kết thì cũng phải phù hợp với ngôn ngữ của trái tim và trí óc. Thanh khiết là sự thật của xác thân, bảo đảm rằng điều tôi nói bằng thân xác mình thì xuất phát tự trái tim, cũng là điều tôi đang suy nghĩ trong trí khôn mình, và là điều tôi công bố trước mặt mọi người.

Chính vì thế, ĐGH đã trở thành một người bảo vệ hôn nhân. Điều này không phải chỉ do truyền thống, hoặc chỉ do giáo huấn ngày xưa hoặc ngay cả chỉ do Thánh Kinh mà thôi. Phần lớn, việc ĐGH bảo vệ hôn nhân xuất phát từ nền THXT của ngài. Nếu việc giao hợp tượng trưng cho sự trao ban và đón nhận tình yêu--một tình yêu mở ngỏ trước sự khả hữu của mầm sống, của con cái-thì chính tình yêu sẽ đòi hỏi phái tính một số điều gì đó, và phái tính đã tượng trưng cho một số điều gì đó về tình yêu rồi. Tính duy nhất--chỉ một người yêu, một vợ, một chồng. Tính độc nhất--người này, người nam này, người nữ này. Tính bền vững-tình yêu không bao giờ chỉ dành cho một khoảnh khắc, một tối, một đêm. Tính toàn diện-cho đi và nhận lãnh hoàn toàn, không giữ lại gì. Không hề có ai quay mặt đi mà nói rằng: “Anh yêu em hoặc em yêu anh 85%.” Trao ban sự sống--bởi vì ngôn ngữ xác thân có nghĩa là cho đi và nhận lại từ người phấi ngẫu trong toàn thể hữu thể của con người ấy, bao gồm cả sự kiện là anh ấy hay cô ấy là một hữu thể có khả năng sinh sản, và đôi khi, nhờ ơn Chúa, có thể trở thành người cha hay người mẹ.

Chạy trốn xác thân thì để lại trong ta một quan niệm về phái tính mà chối bỏ ngôn ngữ xác thân. Những ai chủ trương rằng “phái tính là việc của hai người mà thôi” thì đã mặc nhiên tách rời thân xác ra khỏi phái tính, bởi vì, trên thực tế, họ nhìn phái tính như là cái gì thuộc lãnh vực tâm lý: điều hai người đã thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, phái tính thực sự không tiên quyết là một vấn đề tâm lý (vì thế mà G.K. Chesterton nhận xét khá đúng rằng những ai chỉ làm tình trong đầu óc, thì đã chọn một chỗ tồi tệ nhất để làm điều ấy). Nếu phái tính thực sự không tiên quyết là một vấn đề tâm lý, thì nó không thể thoát được ý nghĩa và ngôn ngữ của xác thân. Điều này giải thích tại sao ngay cả ‘hôn nhân,’ đối với một số người, vẫn thiếu mất cái ý nghĩa cố hữu. Tách ra khỏi thân xác, hay giảm hạ xuống thành một tình trạng tâm thần, tại sao lại không thể có “hôn nhân” giữa hai người nam hoặc hai người nữ, như Lập Pháp ở Quebec (Canada) đã quyết định mới vài tuần lễ nay? Hôn nhân đã biến thành một thứ nhãn hiệu, một từ ngữ mà một số người cảm thấy tự do thoải mái muốn gán cho ý nghĩa nào tùy thích. Cho mãi đến khi ta đụng chạm tới thực tại xác thân.

Khi nhấn mạnh đến ý nghĩa xác thân, người Kitô hữu chẳng làm điều gì khác hơn là tranh đấu cho phẩm giá con người. Năm 1976, khi ĐGH Gioan Phaolô II tương lai giảng cấm phòng mùa Chay cho ĐGH Phaolô VI, ngài đã cảnh báo rằng “chúng ta đang ở trên vùng tuyến đầu của một cuộc chiến sôi động nhằm bảo vệ phẩm giá con người.” Phẩm giá con người không thể tìm được trong những lý thuyết ngụy trí thức vốn vẫn ra sức bào chữa cho sự chết bởi vì chúng tách hữu thể con người ra khỏi thân xác.

ĐGH Gioan Phaolô II đã phác họa vừa tài tình vừa sắc bén cái vũ trụ quan hiện đang vò xé trái tim, khối óc và xác thân con người: một “nền văn hóa sự sống” và một “nền văn hóa sự chết.” Khi lên tiếng về một cuộc tân phúc âm hóa. ĐGH đã kêu gọi mọi người Công Giáo, mọi Kitô hữu, mọi người thiện chí hãy cùng nhau loan báo “Tin Mừng Sự Sống.” Có người loan báo Tin Mừng nhân danh nhân quyền và bằng những cam kết triết học liên quan đến phẩm giá của nhân vị có xác thân. Có người loan báo Tin Mừng bằng cam kết tôn giáo đối với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá và Cứu Chuộc, Đấng đã tạo dựng nên ta và cứu chuộc ta trong tư cách những hữu thể có xác thân. Cũng có người loan báo Tin Mừng hoàn toàn do tư lợi: bởi vì ai chẳng phò “văn hóa sự sống” khi sự sống ấy chính là của mình. Dầu sao chăng nữa, Tin Mừng Sự Sống chính là điển hình của “đại kết thực tiễn,” một viễn kiến về phẩm giá con người được chia sẻ và cổ võ bởi hết mọi người thành tâm thiện chí. Mọi giáo hữu cần phải có viễn kiến này, bởi vì cho dù có những khác biệt về giáo lý lớn đến mức nào chăng nữa, vấn đề mà Tin Mừng Sự Sống nêu lên thì vượt trên tất cả mọi ngăn cách bè phái hay phe nhóm.

Công Đồng Vaticanô đệ nhị thúc đẩy người Công Giáo lưu ý đến các “dấu chỉ của thời đại,” với ý thức rằng Tin Mừng phải đuợc loan báo trong tất cả mọi tình huống văn hóa khác biệt. Người môn đệ hôm nay phải đáp trả những đòi hỏi của việc “tân phúc âm hóa” bằng cách loan báo Tin Mừng Sự Sống trong tất cả mọi tình huống mà nền văn hóa sự sống đang bị đe doạ bởi nền văn hóa sự chết. ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhở ta rằng nhiệm vụ này, trước hết và trên hết, phải khởi sự từ trong lòng cộng đoàn Kitô hữu nền tảng, đó là chính gia đình. “Ta phải bắt đầu bằng việc canh tân một nền văn hóa sự sống ngay giữa lòng các cộng đoàn Kitô hữu. Quá nhiều khi các tín hữu lại tách biệt đức tin Kitô hữu ra khỏi những đòi buộc đạo đức về sự sống…”Gia đình phải trở thành ‘cung thánh của sự sống,’ thành thứ tế bào của xã hội luôn mở rộng và yêu quý sự sống…”Việc thấu hiểu ngôn ngữ xác thân phải thực sự bắt nguồn từ mái gia đình.”

Những cuộc hội nghị kiểu này chỉ mang lại kết quả nếu khi trở về nhà, ta càng cam kết hơn nữa sống sự thật của xác thân đã được Thiên Chúa tạo dựng và nhiệt thành hơn nữa trong việc chia sẻ Tin Mừng với người khác. Hữu thể con người không phải là cái gì trừu tượng, hoặc là những ý tưởng lông bông vật vờ. Hữu thể con người là hữu thể có xác thân, và chỉ có một nền triết học và thần học nào thật sự qúy trọng ý nghĩa xác thân con người thì mới có thể bảo vệ được các hữu thể nhân sinh thật sự cũng như bảo vệ được các quyền lợi của con người. Hữu thể nhân sinh thật sự được Thiên Chúa tạo dựng, và được cứu độ nhờ Người Anh trong xác thịt là Chúa Giêsu Kitô. Hữu thể con người được kêu gọi để sống, cả hồn lẫn xác, với Thiên Chúa là Tình Yêu muôn thuở. Xin Mẹ Maria là Đấng cưu mang ‘Thiên Chúa mặc tã,’ và vì đó mà trở thành Mẹ Thiên Chúa, Mẹ là người đầu tiên hiện thực hoá ý nghĩa xác thân nơi Con Mẹ, trở thành mẫu mực và đấng bảo trợ cho mọi nỗ lực của chúng ta.