CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM A
Mt 21:28-32

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. Nó đáp: “Con không muốn!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?”. Họ trả lời: “Người thứ nhất”.

Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế, những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”.



VÂNG TRONG HÀNH ĐỘNG

Thomas Merton (1915-1968) là một thanh niên người Mỹ mồ côi cha mẹ năm 16 tuổi. Chàng gia nhập đảng CS năm 20 tuổi và gặp được Đức Ki-tô năm 23 tuổi. Đến năm 24 tuổi, chàng trở thành phóng viên tờ Nữu Ước Thời báo (New York Times). Năm 26 tuổi, thu gom toàn bộ tài sản vào một chiếc túi vải, Thomas đến sống ở Kentucky và sau đó trở thành một linh mục tu sĩ chiêm niệm dòng Trappe rất nổi tiếng với nhiều tác phẩm tu đức thời danh như “Đêm không sao”, “Hạt giống chiêm niệm”, “Không ai là một hòn đảo”, “Ngọn núi bảy tầng” (đã được dịch ra tiếng Việt). Trong quyển sách tự thuật về cuộc sống tâm linh rất ăn khách nhan đề “Ngọn núi bảy tầng”, cha Thomas Merton đã mô tả lại bước đầu tiên trong quá trình hối cải của mình như sau: Ngay khi vừa tốt nghiệp trung học, Thomas đã đi du lịch một mình qua Âu châu và sống một cuộc sống khá buông thả. Một đêm nọ, chính trong căn phòng khách sạn, Thomas bỗng nhiên ý thức được tội lỗi của mình: “Toàn bộ sự việc xảy ra nhanh như chớp… Bỗng dưng một nhận thức sâu xa về nỗi bất hạnh và sự hư hỏng của linh hồn mình xâm chiếm toàn thân tôi… Tôi vô cùng ghê tởm những gì tôi trông thấy… và linh hồn tôi ao ước trốn thoát khỏi tất cả các điều ấy một cách mãnh liệt và cấp bách. Trước đó tôi chưa hề cảm thấy như thế và lần đầu tiên tôi cầu nguyện, xin Thiên Chúa giải thoát tôi khỏi quyền lực xấu xa đã cầm giữ tâm hồn tôi trong vòng nô lệ bao nhiêu năm tháng”. Câu chuyện đổi đời này minh họa cho dụ ngôn Tin Mừng về hai người con hôm nay.

1. Làm và không làm.

Dụ ngôn muốn ngỏ trước tiên với giai cấp lãnh đạo thời Đức Giê-su, “các thượng tế và kỳ mục”. Văn mạch đầy tính cách luận chiến: Đức Giê-su vừa đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền thờ (x. Mt 21,12-17)… rồi như một hành vi biểu tượng, Người đã khiến cây vả không trái héo khô (x. Mt 21,18-22). Phẫn nộ, “giới chức” Giê-ru-sa-lem đã hỏi Người lấy quyền đâu mà làm những hành vi khiêu khích ấy. Chính lúc đó, theo biên soạn của Mt, Đức Giê-su trả lời bằng ba dụ ngôn ý vị: hai đứa con… thợ vườn nho giết người… khách mời tiệc cưới… (x. Mt 21,28-22,14). Cuộc Khổ nạn gần kề. Đức Giê-su thật sự ám ảnh ý tưởng mình sắp bị chối bỏ bởi chính những kẻ lẽ ra phải đón tiếp mình. Nhưng không nên dừng lại ở lối giải thích “lịch sử” đó. Sẽ trơ tráo nếu áp dụng các dụ ngôn Tin Mừng chỉ cho “những kẻ khác”, cho “các thượng tế và kỳ mục” chẳng hạn. Chúng ngỏ với mỗi một người chúng ta hôm nay.

Trước dụ ngôn thứ nhất, phản ứng đầu tiên của chúng ta là thấy đứa con thật thô lỗ khi nói với cha cách thẳng thừng. Nhưng rồi lại cảm thấy nó dễ thương tệ khi nó chân thành thay đổi ý kiến và đi làm theo ý cha. Kể câu chuyện giản đơn này, Đức Giê-su không đưa ra một giải thích tâm lý học nào cả. Người chỉ muốn cho thấy một con người “đổi thay”, “hoán cải”. Và đó đã là một mạc khải khiến chúng ta vững lòng. Thế giới hiện đại, các trào lưu tư tưởng thời nay, các phương tiện truyền thông xã hội, đều cố sức bắt chúng ta tin rằng mình bị “điều kiện hóa” và như thể bị nhốt kín mãi mãi trong những quy luật tất định khiến chúng ta mất hết trách nhiệm và tự do. Rất có lợi khi đổ lỗi cho xã hội, cho tính khí, tựu trung là cho… người khác các thất bại, các thiếu sót của mình! Đức Giê-su thì ngược lại, Người đưa ta trở về với trách nhiệm của ta bằng cách lặp đi lặp lại với ta rằng mọi sự chẳng bao giờ được an bài trước. Dẫu quá khứ ta thế nào, dẫu trước đó đã chối từ ra sao… luôn luôn vẫn có thể thay đổi. Đức Giê-su là Đấng chẳng bao giờ nhốt ai trong quá khứ, đặt dấu chấm hết cho một kẻ còn trên cõi dương gian. Người là Đấng ban cơ hội cho mỗi con người, dầu là kẻ tội lỗi nhất.

Như thế ta được mạc khải rằng Thiên Chúa không nhìn ta như bị “đông cứng”, “cố định” nhưng như đang “biến đổi”. Trong các nỗi khó khăn hiện thời của chúng ta, Người nhìn thấy con người mới có lẽ sắp được sinh hạ. Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì niềm hy vọng Chúa đặt trong chúng con. Xin giúp chúng con đừng làm đông cứng tha nhân… chụp mũ hay dán nhãn hiệu lên họ vĩnh viễn… nhưng cho họ những cơ hội canh tân đổi mới. Dẫu sao, chúng ta đã đoán biết Đức Giê-su có một ý tưởng khác trong đầu. Người mô tả “đứa con thứ nhất nói không rồi vâng” hiển nhiên để nêu bật đứa con thứ hai. Và trong bối cảnh luận chiến giữa Đức Giê-su với giáo quyền Giê-ru-sa-lem, chính họ, các thượng tế và kỳ mục, là đích nhắm của Người. Nhưng câu hỏi: “Trong hai đứa con đó, ai đã làm theo ý muốn cha mình?” cũng được đặt cho chúng ta hôm nay.

Hiển nhiên thính giả trả lời: đứa con thứ nhất. Chúng ta cũng không thể trả lời khác. Từ hoa mỹ và ý hướng tốt có đủ đâu, chính hành vi mới quan trọng. “Nền hỏa ngục lát bằng thiện chí”, người Pháp đã nói thế. Dưới khía cạnh này, Đức Giê-su rất hiện đại: thế giới ngày nay ca ngợi hiệu năng, người ta nghi ngờ những tay khéo nói chỉ biết làm ngây ngất thiên hạ bằng những lời tuyên bố rỗng tuếch. Các ý thức hệ lý thuyết đều giảm giá rất nhanh. Người ta đánh giá các lời hứa dựa trên kết quả thực sự của chúng. Nhưng chớ phê phán anh em mình. Đứa con thứ hai thường giống chúng ta. Chúng ta nói mình tin đạo, nhưng chẳng mấy khi sống đạo. Chúng ta “vâng” với Thiên Chúa trên môi mép, nhưng “không” trong hành vi! Chúng ta sẵn sàng hát kinh Tin kính ở nhà thờ, nhưng làm ngược lại suốt tuần lễ. Biết bao lần chúng ta thưa với Thiên Chúa: “Xin cho Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện…” mà thái độ thực sự của chúng ta có tương ứng với các tuyên bố đẹp đẽ đó chăng? Nhưng chúng ta đã được cảnh giác rồi: làm quan trọng hơn là nói. Đâu có lừa Thiên Chúa nổi: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa… là được vào Nước Trời cả, nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy Đấng ngự trên trời, mới được vào thôi” (Mt 7,21). Và thánh Gio-an sẽ diễn thành: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật” (1Ga 3,18).

2. Tin và không tin.

Để dẫn vào câu kết, Đức Giê-su dùng một công thức long trọng: “Tôi bảo thật các ông”. Khi sử dụng công thức này, bao giờ Người cũng cốt loan báo một điều gì đó quan trọng hết sức. Thế mà ở đây lập trường Người rất lạ lùng và suýt gây công phẫn. Sao? Đem các “tội nhân chuyên nghiệp”, các tội nhân do kiểu sống, các tội nhân công khai, các tên thu thuế thỏa hiệp với tiền bạc, các ả giang hồ thỏa hiệp với xác thịt làm gương mẫu cho chúng ta à? Đâu có như thế được! Thật đáng trách nếu tưởng tượng rằng Đức Giê-su đã biện hộ cho “lợi nhuận” lẫn “dục tính” lệch lạc. Câu tuyên bố ngược đời của Người, y như dụ ngôn trước, chỉ muốn nêu bật “lòng hoán cải”.

Vì tội xấu xa nhất là tự mãn, bỏ qua Thiên Chúa, bất cần đến Người! Và chúng ta biết vào thời Đức Giê-su, những kẻ tưởng mình “công chính”, thực tế đã bất cần ơn cứu rỗi Đức Giê-su cống hiến cho họ. Nhưng lắm tội nhân nam nữ đã chạy đến với Người như đến với một vị cứu tinh. Thi sĩ Charles Péguy từng miêu tả thật tuyệt khía cạnh này của tội lỗi. Vốn tự nó là một sự ác, tội lỗi đã trở nên một điểm cho ân sủng thấm vào: “Người ta đã thấy ân sủng xuyên qua một tâm hồn đồi bại, và đã thấy cái bị hư mất nay được cứu thoát. Nhưng khó mà xuyên qua cái ‘không thẩm thấu’ được… Những kẻ lương thiện, hay rốt cục những kẻ người ta gọi như thế, không có một kẽ hở nào trong áo giáp của họ… Vì họ chẳng thiếu gì, nên người ta không mang cho họ cái gì nữa”.

Như các tội nhân Đức Giê-su nói tới, phải chăng tôi đã biết biến tội lỗi bản thân thành cơ hội ao ước ân sủng cứu tôi khỏi những giới hạn của mình? Phải chăng tôi phê phán tự bên ngoài những con người sa đọa nhất, thay vì cho họ một dịp may để hoán cải? “Các tội nhân công khai sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. “Các ông” mà Đức Giê-su nói tới đây là ai? Đâu là những ai tưởng mình công chính nhưng sẽ bị loại khỏi Nước Trời? Phải chăng tôi cũng đôi khi thuộc vào số đó?

Đang khi dụ ngôn “hai người con” nhấn mạnh đến tương phản giữa “nói” và “làm”… giữa “vâng” trên môi mép và “không” trong hành động… thì câu kết luận “Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông lại không chịu tin; còn những người thu thuế, những cô gái điếm lại tin” nêu bật sự tương phản giữa “tin” và “không tin”. Một lần nữa, xuyên qua kẻ đương thời với Đức Giê-su, chính chúng ta bị chất vấn. Dẫu qua lời rao giảng của Gio-an Tẩy giả hay của Đức Giê-su, luôn luôn vẫn là Thiên Chúa đòi chúng ta thốt lên với Người tiếng “vâng” của đức tin “sống động”. Và tiếng “vâng” của đức tin ấy thường là một sự hoán cải, đổi đời. Bởi lẽ trong Tin Mừng, đức tin trước tiên không phải là sự gắn bó của trí tuệ vào các chân lý phải tin. Đúng hơn, đó là sự gắn bó của ý chí bản thân vào một ý chí thần linh mời gọi mình: “Con hãy đi làm vườn nho cho Cha hôm nay!” Và ta đáp ứng hay không đáp ứng lời kêu gọi ấy của Thiên Chúa trong những sự kiện cụ thể.

Có một từ nhỏ nhưng chủ yếu trong đức tin Ki-tô giáo, không được dịch trong bất cứ ngôn ngữ phụng vụ nào và chung cho mọi tín hữu, đó là từ “Amen”. Từ này là tiếng “vâng trong hành động” mà chúng ta phải nói với Thiên Chúa: “Amen… Vâng… đúng thế, con tin chắc, con quy phục, con chấp nhận cho cuộc sống hằng ngày của con…”. Mỗi Chúa nhật, chúng ta đọc bao nhiêu tiếng Amen trên môi miệng mình? Chúng ta đem thực hành bao nhiêu trong tuần kế đó? “Đức Ki-tô Giê-su, Con Thiên Chúa, đã không vừa là “có” vừa là “không”, nhưng nơi Người chỉ toàn là “có”… Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên “Amen” để Thiên Chúa được tôn vinh” (2Cr 1,19-20).