CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM A : Mt 20,1-16A

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”

Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất”. Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người 1 quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người 1 quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà: “Mấy người sau chót này chỉ làm có 1 giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Ông chủ trả lời cho 1 người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là 1 quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.



KHUÔN MẶT CỦA THIÊN CHÚA

Dụ ngôn “những người thợ giờ cuối cùng” rất nổi tiếng. Lắm khi người ta đã chỉ trích nó, vì chỉ phê phán nó trên bình diện kinh tế, công bằng xã hội kiểu nhân loại. Theo quan điểm đó, thái độ của gia chủ ít ra cũng đáng ngạc nhiên, bất bình thường. Một “chủ nhân” sẽ bảo bạn rằng bắt chước gia chủ tức khắc phá sản. Một “công nhân” sẽ nói: không tôn trọng một mức thang tiền lương hợp lý theo công việc được hoàn thành thì chẳng bình thường đâu, và làm một ông chủ độc đoán như thế thật bất xứng. Nhưng các chú giải ấy vì quá nông cạn nên không đúng được. Đức Giê-su có bao giờ cổ vũ bất công xã hội đâu! Phải đọc trang thời danh này một cách khác để nó thật là một “tin mừng”!

Xin nhớ rằng “dụ ngôn” là một thể văn chính xác, đâu muốn đọc thế nào cũng được. Khác với “ẩn dụ”, trong một dụ ngôn, mọi chi tiết cụ thể đều không mang những bài học: phải tìm “chủ điểm” của câu chuyện, ý nghĩa trung tâm của thuật trình. Các chi tiết còn lại có đó là chỉ để câu chuyện được liên tục, đôi lúc gia tăng hài hước, bó buộc chú ý, khiến phải quan tâm.

1. Mọi người đều được kêu gọi.

“Nước Trời Giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm vườn nho của mình”. Lúc này đây, tất cả bắt đầu như một câu chuyện có thực. Chúng ta đang ở tại Pa-lét-ti-na, khi trời còn rất sớm. Các “thợ công nhật” đứng đó, trên quảng trường làng, chờ được thuê mướn, kiếm ăn qua ngày. Đây là tình trạng bi thương của những con người không có nghề nghiệp đảm bảo, một tình trạng vẫn còn là của phần lớn các chủ gia đình trong Thế giới Thứ ba.

Tuy nhiên, dẫu cho mô tả ban đầu này rất hiện thực, chúng ta cũng được cảnh giác ngay: đây sẽ không phải là một bài học xã hội, nhưng là một mạc khải về “Nước Trời”. Ông chủ đi thuê người từ tảng sáng. Đến giờ thứ sáu (mười hai giờ trưa), giờ thứ chín (ba giờ chiều), thậm chí đến giờ thứ mười một (năm giờ chiều), ông vẫn còn tuyển thợ. Ta đoán ra ngay đây không phải là một ông chủ bình thường: người ta đâu có thuê thợ một giờ trước khi chấm dứt ngày công! Đây là một “ông chủ” ưu tư sâu xa về thảm cảnh của những người thất nghiệp: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Nếu chỉ dừng lại ở phần đầu dụ ngôn, không chồng chéo nhau trong đó các thiên kiến ý thức hệ, ta thấy Đức Giê-su đã vẽ ra một nhân vật hết sức tốt lành: không mệt mỏi, năm lần trong cùng một ngày, ông đã quan tâm cung cấp công việc, tiền lương, phẩm giá… cho những con người nghèo khổ bất hạnh.

Ngoài ra, cũng nên lưu ý điệp khúc: “Hãy đi vào vườn nho!” Trong toàn bộ Cựu Ước, và thành thử đối với thính giả đầu tiên của Đức Giê-su, “vườn nho” là biểu tượng của “dân Thiên Chúa” (x. Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78,9-16). Theo nghĩa đó, “vườn nho” chính là nơi hạnh phúc, nơi Thiên Chúa giao ước với dân Người, “Nước Trời” chính là nơi có lòng lành của Thiên Chúa, nơi Người không ngớt mời gọi hết thảy chúng ta gia nhập: “Hãy vào vườn nho đi… Để mà hưởng niềm vui của gia chủ…” (x. Mt 25,21-23).

2. Mọi sự đều là hồng ân.

Đến chiều, lúc xảy ra việc trả lương, mới thật sự bắt đầu cái khó tin, xét theo phương diện con người. Đây là dấu chúng ta đến gần “chủ điểm” của câu chuyện. Hiển nhiên “gia chủ” lạ lùng này muốn cho những kẻ được vào vườn nho ông trước tiên mục kích việc ông sắp thực hiện cho những kẻ cuối cùng: chứng kiến việc trả lương người khác! Sao thế? Trả cho họ trước để họ ra đi thì quá đơn giản… và hết chuyện! Và họ đã chứng kiến thực sự, vừa kinh ngạc vừa bực mình. Bản văn Hy-lạp dùng một từ có nghĩa chính xác là “kêu ca”… Đây là một từ KT nhắc nhớ tiếng “kêu ca” của dân Ít-ra-en trong hoang địa (x. Xh 16,9; Tv 106,25) cũng như diễn tả thái độ rất thông thường của ta khi không hiểu các thử thách đổ xuống đầu mình… khi “phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” nên kết án Thiên Chúa.

Trong dụ ngôn, thời Đức Giê-su, “những kẻ kêu ca” này rõ ràng là các kinh sư và Pha-ri-sêu; họ thật sự không ngớt cằn nhằn Đức Giê-su khi Người tiếp đón hạng “thu thuế, đĩ điếm và tội lỗi”. Vào thời Mt, những “kẻ cuối hết” được ngang hàng với những “kẻ đầu tiên” chính là người ngoại giáo được đưa vào trong Giáo hội cách bình đẳng với người Do-thái chính gốc. Hôm nay cũng thế, chúng ta nghe Đức Giê-su mạnh mẽ nói lại với chúng ta rằng đối với Thiên Chúa, không có hạng ưu đãi. Những “người thợ giờ sau hết” cũng được đối xử ngang bằng với những ai được đi vào Vườn nho Thiên Chúa trước tiên! Trong Tin Mừng, Đức Giê-su thường xuyên nêu bật các người nghèo khó, bị loại, “rốt cùng”, tội lỗi! Ai khó chịu phản đối điều này thì sẽ được nghe Người mạnh dạn tuyên bố đó chính là thái độ của Thiên Chúa… “giàu lòng thương xót”, “dives in misericordia”, theo nhan đề rất đẹp của một thông điệp từ Đức Gio-an-Phao-lô II cũng như theo nền tu đức đang được cổ vũ mạnh mẽ bởi Đức Phanxicô, vị Giáo hoàng mà ngày 11-4-2015, qua Tông sắc “Misericordiae Vultus” (Dung nhan lòng thương xót), đã ấn định Năm thánh Ngoại thường về lòng thương xót của Chúa (từ 8-12-2015 đến 20-11-2016, lễ Chúa Kitô Vua).

Quả thế, gia chủ đã trả lời những kẻ kêu ca cách chắc nịch: “Tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” Chúng ta không còn ở trong một hoàn cảnh bình thường để có thể từ đó rút ra các nguyên tắc công bình xã hội, nhưng đang nghe một “mạc khải” thần học về các thái độ của Thiên Chúa. Sau đây là chân dung tuyệt diệu Đức Giê-su vẽ ra cho ta về Cha của Người:

* Một Thiên Chúa yêu thương nhân loài hết thảy, đặc biệt những ai bị bỏ rơi hơn hết; Người muốn đưa họ vào hưởng “Vườn nho của Người”, hưởng hạnh phúc của Người…

* Một Thiên Chúa gieo rắc ân huệ mình cách thừa thãi; Người “mời” và “gọi” mọi lúc, mọi tuổi, mọi hoàn cảnh…

* Một Thiên Chúa mà lòng “nhân lành” không bị các công lao của ta giới hạn; Người ban nhiều hơn ta “có được nhờ nỗ lực riêng của riêng ta”.

* Một Thiên Chúa gạt bỏ bất cứ ai cho rằng mình có những đặc quyền đặc lợi và tìm cách ngăn kẻ khác cũng được hưởng…

Như thế, Tin Mừng hôm nay công bố một trong những chân lý chủ yếu của đức tin chúng ta, mà thư Rô-ma và Ga-la-ta sẽ triển khai dài dòng: “Hết thảy những ai tin đều giống nhau cả: hết thảy đều đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không… Vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng có gì để hãnh diện!... Thật thế, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì luật dạy” (Rm 3,22-24.27-28). Dụ ngôn này thành ra đem lại một niềm hy vọng lớn lao cho biết bao chủ chăn hay cha mẹ ngày nay thấy tín hữu hay con cái rời bỏ đức tin. Không gì mất mãi đối với Thiên Chúa. Người tuyển dụng cho đến giây phút cuối cùng. Chẳng bao giờ là quá trễ! Ngoài ra, Đức Giê-su đâu có “kể” chuyện này không thôi… Người đã sống chuyện đó bằng cách ban Thiên đàng đúng giây phút cuối cùng cho tên cướp cùng bị đóng đinh trên núi Sọ. Như thế, thay vì đứng lại nơi cảnh bất công bề ngoài này, chúng ta được mời vui hưởng lòng “nhân hậu” tuyệt vời của Cha chúng ta: “Hãy biết xót thương như Cha chúng con là Đấng hằng thương xót”.

Từ vài thập niên nay, thế giới đã tiến rất xa trong đòi hỏi “công bình”. Dĩ nhiên không có vấn đề lùi lại. Nhưng thế giới cũng chẳng cần phải tiến bộ về mặt tình yêu, mặt “trái tim” sao? Sau đây là lời phát biểu theo chiều hướng đó của Đức Gio-an-Phao-lô II trong thông điệp “Giàu lòng thương xót” của người: “Trong thế giới ngày nay, trên một quy mô rộng lớn, ý thức về công bình đã chỗi dậy…Và Giáo hội chia sẻ với con người thời đại khát vọng nồng nhiệt lẫn sâu xa đó, khát vọng về một cuộc sống công bình hơn trên mọi phương diện…Tuy nhiên, thật khó mà không nhận thấy rằng thường khi các chương trình dựa trên ý niệm công bằng chịu nhiều biến dạng trong thực tế… do oán ghét, hận thù và bạo ngược… Kinh nghiệm của quá khứ và của thời ta cho thấy công bình tự nó không đủ, nếu ta không để cho sức mạnh sâu xa hơn là tình yêu biến đổi nhào nặn cuộc sống con người… Và lòng thương xót (phát xuất từ Thiên Chúa) là một sức mạnh đặc biệt của tình yêu ấy, nó dũng mãnh hơn tội lỗi và sự bất trung của con người… Theo một nghĩa nào đó, lòng thương xót nằm ở cực đối diện với đức công bình thần linh, và trong lắm trường hợp đã tỏ ra mạnh mẽ cũng như triệt để hơn công bình” (Gio-an-Phao-lô II).