Ngày 15-05-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 16/05: Cầu nguyện cho người khác - Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
02:02 15/05/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan,

Đức Giê-su nói: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.

Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:45 15/05/2024

9. Phàm là người đi trên đường suy niệm thì sẽ không dừng lại, mặc dù có lúc đến chậm chút xíu, nhưng cuối cùng cũng sẽ đạt tới điểm cuối cùng.

(Thánh Teresa of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:49 15/05/2024
56. MUA KÍNH PHONG BA

Thương nhân đi buôn bán, bà vợ muốn ông ta nhân tiện mua cho cái lược bằng ngà voi.

Chồng hỏi:

- “Nó hình dáng như thế nào?”

Vợ chỉ mặt trăng non trên bầu trời, nói:

- “Đó, giống mặt trăng ấy.”

Qua hơn mười ngày sau, khi chồng trở về thì đột nhiên nhớ lại chuyện cái lược ngà voi, ngước mắt nhìn trời, ngày hôm nay đã qua được nửa tháng, mặt trăng rất tròn, thế là, ông ta theo hình mặt trăng mua về cái kính soi tròn tròn.

Người ở quê từ trước đến nay chưa thấy qua cái kính soi, vợ cầm lên vừa coi thì thấy bên trong có hình một cô gái trẻ thì rất kinh hãi, bèn chửi:

- “Cái lược ngà không mua lại lấy một con vợ đem về !”

Nói xong thì giận dữ tru tréo với chồng, bà mẹ nghe tiếng thì đến khuyên giải, thấy trong kính có một bà già, vội vàng hỏi con trai:

- “Sao con đem về bà già thế hử?”

Quan huyện địa phương nghe được bèn sai nha dịch đến truyền cho thương nhân đưa cái kính soi, nha dịch cầm mặt kính thấy bên trong có một tên nha dịch thì sửng sốt nói:

- “Sao vậy, lại đến thêm tên nha dịch nữa sao?”

Lúc quan huyện điều tra nghi vấn thì đem cái kính bỏ trên bàn án, cúi đầu nhìn, bên trong kính lại có thêm một quan huyện, ông ta đùng đùng nổi giận, lấy tay chỉ thương nhân, vợ và mẹ của ông ta mà nói:

- “Có ta đây xét xử là được rồi, tại sao các ngươi lại đem đến thêm một ông quan nữa?!”

(Tiếu lâm)

Suy tư 56:

Chỉ một tấm kính soi mặt mà náo động...cả một huyện, bởi vì những người này đều là nhà quê chưa thấy tấm kính soi mặt bao giờ.

Người Ki-tô hữu dù là ở nhà quê hay là ở thành thị thì cũng đều biết Lời Chúa không những là ánh sáng soi đường đi, mà còn là soi thấu tâm hồn của mọi người, do đó mà mỗi ngày họ đều nghe và suy niệm Lời Chúa, sống theo Lời Chúa và thực hành Lời Chúa dạy...

Tấm kính soi mặt sẽ không đổi mới được khuôn mặt của chúng ta xấu thành đẹp, đen thành trắng, nhưng nó có thể chỉ cho chúng ta thấy trên mặt chúng ta có những vết tích gì để mà tẩy xóa đi. Trái lại, Lời Chúa có thể chỉ cho chúng ta thấy cuộc sống của mình như thế nào, tốt hay xấu để mà sửa đổi cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su...

Ai cũng có một lần soi gương trong ngày nhưng cuộc sống của họ vẫn không thay đổi, nhưng người Ki-tô hữu thì mỗi ngày đều soi gương bằng Lời Chúa, nên cuộc sống của họ ngày càng có ý nghĩa hơn: họ biết ngày càng yêu mến tha nhân, biết phục vụ nhiều hơn và biết giúp đỡ người khác nhiều hơn.

Biết dùng Lời Chúa như tấm gương để nhìn thấy mình là người khôn ngoan vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Kỳ vọng
Lm. Minh Anh
03:43 15/05/2024
KỲ VỌNG

“Như Cha đã sai Con đến thế gian, Con cũng sai họ đến thế gian”.

Ngày kia, Thomas Edison đem về cho mẹ một tờ giấy; mở ra, đôi mắt bà thất thần, đẫm lệ. Bà đọc lớn tiếng, “Con của bà là một thiên tài; trường này quá nhỏ, không đủ để đào tạo cháu. Bà hãy tự dạy cháu!”. Về sau, Edison - đã là một nhà phát minh lớn - ngày kia, lục lại đồ cũ, bỗng tìm thấy mảnh giấy năm xưa. Tờ giấy ghi, “Con bà đần, chúng tôi không nhận nó”. Edison khóc hàng giờ và viết xuống những dòng này, “Edison, một thằng đần, sinh ra bởi một bà mẹ anh hùng. Nó đã trở thành một thiên tài của thế kỷ!”. Ông nhớ lại, “Mẹ tôi vẫn luôn kỳ vọng vào tôi; bà là một ai đó để tôi không làm cho thất vọng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu bà mẹ của Edison kỳ vọng tuyệt đối vào con, thì Chúa Giêsu còn kỳ vọng vào các môn đệ của Ngài biết bao! Họ không chỉ là những ‘thiên tài’ tạo nên sự khác biệt cho thế giới, nhưng còn là những ‘thiên tài’ cứu độ thế giới! Tin Mừng hôm nay tiết lộ ‘kỳ vọng’ của Ngài, “Như Cha đã sai Con đến thế gian, Con cũng sai họ đến thế gian!”.

Tại sao Chúa Giêsu kỳ vọng vào họ đến thế? Như Chúa Cha hằng ở với Chúa Con khi sai Ngài xuống thế gian, các môn đệ và chúng ta cũng luôn được Chúa Giêsu ở cùng khi Ngài tiếp tục sai chúng ta đi vào thế gian. Bạn và tôi ở trong tình yêu cùng sự nâng đỡ của Thánh Thần Ngài. Và giờ đây, ngự bên hữu Cha, Ngài vẫn luôn đồng hành với sứ vụ của chúng ta. Bên cạnh đó, bạn và tôi được bao quanh bởi một triều thần thánh tốt lành, những người luôn ủng hộ, cầu bầu, khơi nguồn cảm hứng. Hơn nữa, chúng ta còn có các linh hồn thánh thiện, những người thân yêu còn sống hay đã qua đời. Họ là những món quà vô giá Chúa ban để hỗ trợ chúng ta trong việc xây dựng Vương Quốc.

Vậy mà không ít lần, chúng ta cảm thấy thoái chí để rồi tìm cách chạy trốn khỏi các cuộc chiến. Chúa Giêsu không kéo chúng ta khỏi các cuộc chiến; nhưng ban sức mạnh Thánh Thần, Đấng ở bên, ở trong, ở cùng… để chúng ta chiến đấu cho sứ vụ, hầu muôn dân nhận biết Chúa. Thánh Vịnh đáp ca thật ý vị, “Hỡi vương quốc trần gian, nào hát khen Thượng Đế!”. Phaolô đã rất ý thức trách nhiệm này; ngài nhận thức sâu sắc thực tế, “Tôi biết, khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên” - bài đọc một. Phaolô phó dâng mọi sự cho Chúa, cho Lời ân sủng.

Anh Chị em,

“Con cũng sai họ đến thế gian”. Trong tình yêu và sức mạnh của Thánh Thần, Chúa Giêsu sai bạn và tôi đi vào thế giới như những ‘thiên tài’ ôm lấy thế giới và cứu độ thế giới! Hãy sống như những con trai, con gái của Chúa! Đừng ngạc nhiên khi nhiều người sẽ chỉ trích chúng ta. Điều quan trọng, phải sống làm sao để những lời chỉ trích của họ sẽ không ai tin! Chúa Giêsu ‘kỳ vọng’ chúng ta; vì lẽ, chúng ta canh cánh bên lòng Ngài, Đấng luôn cầu bầu cho chúng ta. Vì thế, dẫu có là gì đi nữa, bạn và tôi có thể ngã gục, sa sẩy, nhưng ơn Chúa luôn đủ để chúng ta trỗi dậy và tiếp tục đi tới! Bạn không được phép bi quan; và Chúa Giêsu, phải là Đấng để bạn và tôi không thể làm cho thất vọng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chùn bước trước bất cứ nghịch cảnh nào; nếu con lỡ bước, giúp con trỗi dậy và xô con đi tới. Con biết, Chúa vẫn luôn ‘kỳ vọng’ vào con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chúa Thánh Thần, Nguyên lý sáng tạo và Hiệp nhất
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
05:20 15/05/2024
CHÚA THÁNH THẦN, NGUYÊN LÝ SÁNG TẠO VÀ HIỆP NHẤT
SUY NIỆM THÁNH LỄ VỌNG
(Ga 7,37-39)

Thánh lễ vọng chiều nay đưa chúng về với Chúa Giêsu và chiêm ngắm Người vào ngày cuối cùng và trọng đại của dịp lễ, nghe Chúa giảng: “Ai khát hãy đến cùng Ta và uống; ai tin nơi Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như dòng sông” (Ga 7, 37-38). Người muốn nói điều ấy về Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hiệp nhất

Nếu như tại Babel, sự ngạo mạn kiêu căng của con người nổi lên chống lại Thiên Chúa tự sức riêng của mình muốn “xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời” (x. St 11,4). Hậu quả của hành động đó là Thiên Chúa làm cho họ phân tán, bất đồng ngôn ngữ với nhau, khiến họ không thể hiểu nhau làm gì nữa. Thì Lễ Hiện Xuống, điều ngược lại đã xảy ra: nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ nói được ngôn ngữ mà tất cả mọi người thuộc các nền văn hóa nghe đều hiểu như tiếng thổ âm của mình (x. Cv 2,6). Mọi chia rẽ bất đồng được vượt thắng, không còn kiêu căng chống lại Thiên Chúa nữa, cũng không còn có sự khép kín đối với nhau, họ mở rộng lòng mình ra cho Thiên Chúa và tha nhân, giao thiệp với nhau bằng một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của tình yêu thương mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng họ nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,5). Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ làm điều thiện, an ủi họ trong cảnh sầu khổ, hoán cải nội tâm và trao ban sức mạnh và khả năng mới, dẫn đưa họ tới chân lý vẹn toàn, yêu thương và hiệp nhất.

Chúa Thánh Thần là Đấng sáng tạo

Câu đầu tiên trong Thánh Thi Kinh Chiều của ngày lễ Ngũ Tuần có viết: “Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo…” làm cho chúng ta nhớ lại công cuộc tạo dựng vũ trụ thủa ban đầu, Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước trong cảnh hỗn mang (x. St 1,2).

Phải khẳng định rằng, thế giới chúng ta đang sống là công cuộc của Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo. Nên Lễ Ngũ Tuần không chỉ là nguồn gốc của Giáo hội, là lễ của Giáo hội. Nhưng Lễ Ngũ Tuần còn là lễ của tạo vật. Thế giới không tự mình hiện hữu; nhưng đến từ Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa, đến từ Lời có sức sáng tạo của Thiên Chúa. Và vì vậy, thế giới phản chiếu sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự việc tay Ngài làm” (Tv 19,2). Đức nguyên Giáo hoàng Benedicto nói: “Sự khôn ngoan này hé mở cho chúng ta thấy được điều gì đó về Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn tạo vật như là hồng ân được trao ban cho chúng ta, không phải để bị hủy diệt, nhưng để trở thành ngôi vườn của Thiên Chúa” (Trích bài giáo lý về Chúa Thánh Thần).

Ðứng trước những hình thức khác nhau của việc lạm dụng trái đất, “mọi tạo vật đang rên siết trong cơn đau đớn như lúc sinh nở. Nhưng không phải chỉ tạo vật mà thôi đâu, mà cả chúng ta nữa, tức là những kẻ đã được hưởng của đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi mong Thánh Thần nhận làm nghĩa tử, và cứu chuộc thân xác chúng ta”. (Rm 8,22-24)

Chúng ta tự hỏi: Chúa Thánh Thần là ai hay là gì? Làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài? Bằng cách nào, chúng ta đến với Ngài và Ngài đến với chúng ta? Ngài tác động điều chi? Câu trả lời cho câu hỏi Chúa Thánh Thần là gì, Ngài làm điều chi và làm sao chúng ta có thể nhận biết Ngài. Chúa Thánh Thần là Ðấng Sáng Tạo, đến trợ giúp chúng ta. Ngài đã bước vào trong lịch sử, và như thế, Ngài nói với chúng ta trong cách thức mới. Ngài đến gặp chúng ta qua tạo vật. Ngài là Tình Yêu, là sự hiệp nhất. Ngài mang đến cho chúng ta sự sống và sự tự do. Tất cả mọi tạo vật đều khao khát Chúa Thánh Thần.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần

Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cuộc thần hiện trong đó gió và lửa nhắc nhở chúng ta về tính siêu việt của Thiên Chúa. Ngài là suối bảy nguồn đa dạng về các ơn: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như: tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới lạ… làm cho mỗi người chúng ta trở nên phong phú và đa dạng.

Sự duy nhất là dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn tín hữu. Trong lời nguyện mở đầu của Thánh lễ vọng chiều nay, chúng ta cầu xin Chúa tuôn đổ Thánh Thần để “các dân tộc chia tuy ngôn ngữ bất đồng, được hiệp nhất cùng nhau mà tuyên xưng danh Chúa.” (Lời nguyện nhập lễ)

Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần, nguyên lý của sáng tạo và hiệp nhất đến soi sáng tâm trí của những người nam nữ dấn thân trong các nghiên cứu khoa học, giúp họ tìm ra những giải pháp hiệu quả để khống chế được virus này.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ những nhà lãnh đạo các quốc gia, ngõ hầu với sự khôn ngoan, quan tâm và quảng đại, họ có thể giúp đỡ những người đang thiếu những điều cần thiết căn bản cho cuộc sống, và đề ra được các giải pháp xã hội và kinh tế với tầm nhìn xa và với tình liên đới.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần lay động lương tâm những nhà hảo tâm thay vì chi trả cho việc phát triển và thu tích các vũ khí, được dùng để thúc đẩy các nghiên cứu hiệu quả, nhằm ngăn chặn những thảm họa tương tự trong tương lai.

Đặc biệt, chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần, nguyên lý của sáng tạo và hiệp nhất, Đấng an ủi con người trong cảnh lầm than, liên kết mọi người trên thế giới thành một đại gia đình duy nhất, giúp họ ý thức được mối liên hệ hiệp nhất tất cả mọi người, để trong tình huynh đệ và liên đới, giúp giảm bớt cảnh nghèo đói và lầm than của đồng loại. Kiên vững trong đức tin, bền chí trong phục vụ và liên lỉ trong cầu nguyện. Nhất là xin Đấng An Ủi tuyệt vời đến với những người đau khổ, giải thoát thế giới sớm thoát khỏi đại dịch khủng khiếp này. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tại buổi tiếp kiến ĐTC nhấn mạnh: Bác ái là công việc của Chúa Thánh Thần trong chúng ta.
Thanh Quảng sdb
03:41 15/05/2024
Tại buổi tiếp kiến (15/5/2024) ĐTC nhấn mạnh: Bác ái là công việc của Chúa Thánh Thần trong chúng ta.

Đức Thánh Cha chia sẻ về “lòng bác ái” trong Buổi Tiếp Kiến Chung tuần này, ngài nói nhân đức đối thần “đến từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa, nó giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa… và yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu thương họ”.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Thứ Tư hôm nay (15/5/2024), Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về nhân đức đối thần, bác ái khi ngài tiếp tục loạt bài giáo lý về các thói xấu và nhân đức.

ĐTC bắt đầu suy tư của mình bằng trích đoạn thơ Thánh Phaolô: “Vì thế, đức tin, đức cậy và đức mến tồn tại cả ba; nhưng điều vĩ đại nhất trong số đó là tình yêu.” Đức Thánh Cha lưu ý rằng những lời này được viết cho các Kitô hữu ở Côrintô, những người đang đối diện với sự chia rẽ và xung đột – ngay trong việc cử hành Thánh Thể.

Nhân đức bác ái đến từ Thiên Chúa

“Ai biết được, nhưng có lẽ trong cộng đồng Corintô, không ai nghĩ rằng họ có lỗi,” Đức Thánh Cha nói. Nếu đúng như vậy, có lẽ họ thấy việc Phaolô lên án sự xung khắc của họ là “quá đang, không thể hiểu nổi”.

Mặc dù họ nghĩ họ là những người tốt và yêu thương, nhưng thánh Phaolô đã làm thức tỉnh họ về lòng bác ái đích thực đến từ Thiên Chúa. “Nỗi lo của thánh Phaolô cho cộng đoàn Côrintô – cũng như cho chúng ta ngày nay – có sự nhầm lẫn hoặc không có dấu vết của nhân đức đối thần, nhân đức chỉ đến với chúng ta từ Thiên Chúa,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

‘Một tình yêu rộng lớn hơn’

Giống như mọi người, Đức Thánh Cha giải thích, các Kitô hữu có khả năng có “tất cả các hình thức tình yêu thương trên thế giới”: tình yêu lãng mạn, tình yêu bạn bè, tình yêu đất nước và tha nhân.

“Nhưng có một tình yêu lớn lao hơn,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói tới là “tình yêu đến từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa, và làm cho chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa… và yêu thương người lân cận như Thiên Chúa yêu thương.”

Đây chính là đức bác ái, giúp chúng ta không chỉ yêu thương bạn bè và gia đình mình mà còn yêu thương cả những người khó thương. “Đây là ‘nhân đức đối thần’” Đức Thánh Cha nói, bởi vì “nó đến từ Thiên Chúa, nó là công việc của Chúa Thánh Thần trong chúng ta”.

Một đức tính khó thực thi

Nhắc lại Bài giảng trên núi, Đức Thánh Cha chỉ cho thấy rằng Chúa Giêsu mạc khải tình yêu “như một nhân đức mang danh bác ái”. Đó là một nhân đức khó thực hành, thậm chí là nhân đức không thể thực hiện được “nếu người ta không sống trong Thiên Chúa”.

Nhưng ngoài những tình yêu và tình cảm thông thường của trái tim con người, ngài nói, “Tình yêu Kitô giáo bao trùm những gì không dễ thương, nó mang lại sự tha thứ, chúc lành cho những ai nguyền rủa. Đó là một tình yêu mãnh liệt đến mức dường như không thể có được, nhưng lại là điều duy nhất tiềm ẩn trong con người chúng ta.”

Và ĐTC kết thúc với lời cảnh báo rằng, trong những giây phút cuối cùng của chúng ta, “chúng ta sẽ không bị xét xử dựa trên tình yêu chung chung, nhưng chính là dựa trên lòng bác ái,” và ĐTC trích dẫn những lời của Chúa Giêsu: “Quả thật, Ta nói với các con, những gì các con làm cho tha nhân” trong số những người anh em của Thầy là các con làm cho Thầy...
 
Thiếu niên xách súng trường tấn công Thánh lễ Rước lễ lần đầu
Đặng Tự Do
05:24 15/05/2024


Hành động nhanh chóng của giáo dân cảnh giác và cảnh sát địa phương đã ngăn chặn được thảm kịch tại Nhà thờ Công Giáo St. Mary Magdalen ở Abbeville, Louisiana, hôm Thứ Bẩy, 11 Tháng Năm.

Tên khủng bố tấn công trong thánh lễ cho 60 trẻ em của St. Mary Magdalen ở Abbeville, Louisiana rước lễ lần đầu

Khi 60 trẻ em đang chuẩn bị rước lễ lần đầu, giáo xứ nằm ở phía nam Lafayette, Louisiana, đã báo cáo rằng một “kẻ khả nghi có vũ trang đã mở cửa sau lẻn vào nhà thờ”.

Giáo xứ cho biết trong một tuyên bố: “Người này ngay lập tức bị giáo dân đối mặt, áp giải ra ngoài và cảnh sát đã được gọi đến”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Acadiana Advocate, Cảnh sát trưởng Abbeville Mike Hardy ghi nhận công lao của giáo dân vì đã tước vũ khí của nghi phạm và ghim anh ta xuống đất khi cảnh sát đến.

Đoạn video phát trực tiếp Thánh lễ ghi lại những giây phút căng thẳng khi linh mục chủ tế Nicholas DuPre được cảnh báo về tình hình.

Mặc dù nghi phạm nhanh chóng bị vô hiệu hóa nhưng sự hoảng loạn vẫn bùng phát khi nghi phạm báo cảnh sát rằng kẻ xả súng thứ hai đang ở gần tòa nhà. Đó là lúc cơ quan thực thi pháp luật vào nhà thờ để bảo đảm không có thêm mối nguy hiểm nào. Không có nghi phạm nào khác được tìm thấy.

Nghi phạm 16 tuổi bị buộc tội khủng bố và hai tội sở hữu súng. Anh ta đang bị giam giữ tại Đơn vị Hành vi của Bệnh viện Đa khoa Abbeville để đánh giá y tế.

Đức Cha John Douglas Deshote, Giám mục Lafayette, Louisiana ghi nhận ca ngợi sự cảnh giác và phản ứng nhanh chóng của giáo dân, và Sở cảnh sát Abbeville trong việc ngăn chặn kẻ đột nhập có vũ trang. Ngài nói: “Chúng tôi tạ ơn Chúa vì đã tránh được một thảm kịch”.

Ngài nói thêm: “Chúng ta hãy cầu nguyện để chấm dứt mọi mối đe dọa bạo lực đối với sự sống của con người vô tội”.

Giáo xứ đã thông báo rằng “hết sức thận trọng, chúng tôi sẽ có lực lượng thực thi pháp luật thống nhất trong tất cả các Thánh lễ sắp tới”.


Source:Catholic News Agency
 
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thói hư và nhân đức. 19. Đức ái
Vũ Văn An
13:40 15/05/2024

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phê-rô, Thứ tư, 15 tháng 5 năm 2024, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý mới về các thói hư và nhân đức. Hôm nay, ngài trình bầy phần nói về đức ái.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay chúng ta sẽ nói về nhân đức đối thần thứ ba, đức ái. Hai nhân đức kia, chúng ta hãy nhớ, là đức tin và đức cậy: hôm nay chúng ta sẽ nói về nhân đức thứ ba, đức ái. Đó là đỉnh cao của toàn bộ hành trình mà chúng ta đã thực hiện với các bài giáo lý về nhân đức. Nghĩ đến đức ái sẽ ngay lập tức mở rộng trái tim và mở rộng tâm trí, nó gợi lên những lời được linh hứng của Thánh Phaolô trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô. Kết thúc bài thánh ca tuyệt vời đó, Thánh Phaolô trích dẫn bộ ba nhân đức đối thần và thốt lên: “Vậy nên đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại; nhưng cao cả nhất là tình yêu” (1 Cr 13:13).

Thánh Phaolô ngỏ những lời này với một cộng đoàn không hề hoàn hảo trong tình yêu huynh đệ: các Kitô hữu ở Côrintô khá hay kiện tụng, có sự chia rẽ nội bộ, và có những người luôn cho mình là đúng và không lắng nghe người khác, coi họ như những kẻ thấp kém. Thánh Phaolô nhắc nhở họ rằng hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo, còn lòng bác ái thì xây dựng. (x. 1 Cr 8:1). Sau đó, Thánh Tông Đồ ghi lại một vụ tai tiếng chạm đến cả thời điểm hiệp nhất tối đa của một cộng đoàn Kitô hữu, “Bữa Tiệc Ly”, việc cử hành Thánh Thể: ngay cả ở đó cũng có sự chia rẽ, và có những người lợi dụng điều này để ăn uống, loại trừ những người không có gì (x. 1 Cr 11:18-22). Trước vấn đề này, Thánh Phaolô đưa ra một nhận định rõ ràng: “Khi anh em nhóm họp nhau, anh em không ăn bữa tối của Chúa” (c. 20), anh em có một nghi lễ khác, đó là nghi lễ ngoại giáo, đó không phải là bữa tối của Chúa.

Biết đâu, có lẽ trong cộng đoàn Côrintô, không ai nghĩ họ đã phạm tội, và những lời gay gắt đó của Thánh Tông Đồ nghe có vẻ hơi khó hiểu đối với họ. Có lẽ họ đều tin rằng mình là người tốt, và nếu được hỏi về tình yêu, họ sẽ trả lời rằng tình yêu chắc chắn có giá trị rất quan trọng đối với họ, giống như tình bạn hay gia đình. Ngày nay cũng vậy, tình yêu ở trên môi của nhiều “người gây ảnh hưởng” và trong điệp khúc của nhiều bài hát. Chúng ta nói rất nhiều về tình yêu, nhưng tình yêu là gì?

“Còn tình yêu kia thì sao?”, dường như Thánh Phaolô hỏi các Kitô hữu ở Côrintô. Không phải tình yêu dâng trào mà là tình yêu đi xuống; không phải người nhận mà là người cho; không phải cái xuất hiện mà là cái ẩn giấu. Thánh Phaolô lo ngại rằng ở Côrintô - cũng như giữa chúng ta ngày nay - có sự nhầm lẫn và thực sự không có dấu vết nào của nhân đức đối thần tình yêu cả, một nhân đức chỉ đến với chúng ta từ Thiên Chúa. Và nếu ngay cả bằng lời nói mọi người đều khẳng định rằng họ là người tốt, yêu thương gia đình và bạn bè, thì thực tế họ biết rất ít về tình yêu của Thiên Chúa.

Các Ki-tô hữu cổ thời có sẵn một số hạn từ tiếng Hy Lạp để định nghĩa tình yêu. Cuối cùng, từ “agape” xuất hiện mà chúng ta thường dịch là “bác ái”. Bởi vì thực sự, các Kitô hữu có khả năng yêu thương mọi hình thức tình yêu trên thế giới: họ cũng yêu, ít nhiều như điều đó xảy ra với mọi người. Họ cũng trải nghiệm lòng nhân từ được cảm nhận trong tình bạn. Họ cũng cảm nhận được tình yêu đất nước và tình yêu phổ quát dành cho toàn thể nhân loại. Nhưng có một tình yêu lớn lao hơn, một tình yêu đến từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa, làm cho chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa, trở thành bạn hữu của Người và làm cho chúng ta có thể yêu thương người lân cận như Thiên Chúa yêu họ, với ước muốn chia sẻ tình bạn với Thiên Chúa. Tình yêu này, nhờ Chúa Kitô, đưa chúng ta đến những nơi mà chúng ta không thể đến: đó là tình yêu dành cho người nghèo, những người không đáng yêu, những người không quan tâm đến chúng ta và không biết ơn chúng ta. Đó là tình yêu dành cho những gì không ai yêu, kể cả kẻ thù của mình. Kể cả đối với kẻ thù. Đấy là “đối thần”: nó phát xuất từ Thiên Chúa, nó là công việc của Chúa Thánh Thần trong chúng ta.

Chúa Giêsu giảng trong Bài giảng trên núi: “Nếu các con yêu những người yêu mình thì nào có công lênh gì? Vì ngay cả những người tội lỗi cũng yêu mến những người yêu thương họ” (Lc 6:32-33). Và Người kết luận: “Nhưng hãy yêu kẻ thù của mình” – chúng ta quen nói xấu kẻ thù của mình – “hãy yêu kẻ thù và làm điều tốt, và cho vay mà không mong được trả lại; và phần thưởng của anh em sẽ rất lớn, và anh em sẽ là con trai của Đấng Tối Cao; vì Người nhân từ với kẻ vô ơn và ích kỷ” (c. 35). Chúng ta hãy nhớ điều này: “Hãy yêu kẻ thù và làm điều tốt, và cho vay mà không mong được trả lại”. Chúng ta đừng quên điều này!

Bằng những lời này, tình yêu tự bộc lộ như một nhân đức đối thần và mang danh nghĩa bác ái. Tình yêu là lòng bác ái. Chúng ta nhận ra ngay rằng đó là một tình yêu khó thực hiện, thậm chí không thể thực hiện được nếu người ta không sống trong Thiên Chúa. Bản chất con người khiến chúng ta yêu thích một cách tự phát những gì tốt đẹp. Nhân danh một lý tưởng hay một tình cảm lớn lao, chúng ta thậm chí có thể hào phóng và thực hiện những hành động anh hùng. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa vượt xa những tiêu chuẩn này. Tình yêu Kitô giáo bao trùm những gì không đáng yêu, nó mang lại sự tha thứ – tha thứ thật khó biết bao! Cần bao nhiêu tình yêu để tha thứ! – Tình yêu Kitô giáo chúc phúc cho những ai chửi rủa, trong khi đó, khi phải đối diện với một lời xúc phạm hay một lời nguyền rủa, chúng ta có thói quen đáp trả bằng một lời xúc phạm khác, bằng một lời nguyền rủa khác. Đó là một tình yêu mãnh liệt đến mức dường như không thể có được, nhưng đó là điều duy nhất còn lại của chúng ta. Tình yêu là “cửa hẹp” mà chúng ta phải vượt qua để vào Nước Thiên Chúa. Bởi vào lúc chạng vạng của cuộc đời, chúng ta sẽ không bị phán xét về tình yêu chung chung; chúng ta sẽ được phán xét chính xác dựa trên lòng bác ái, dựa trên tình yêu đích thực mà chúng ta đã có. Và Chúa Giêsu nói với chúng ta điều này, một điều thật tuyệt vời: “Quả thật, tôi nói với anh em, như anh em đã làm điều đó với một trong những người anh em hèn mọn nhất của tôi đây, là anh em đã làm điều đó với chính tôi” (Mt 25:40). Đây là điều đẹp đẽ, điều tuyệt vời nhất của tình yêu. Anh chị em hãy tiến lên đi và hướng lên trên đi!
 
Người Việt Nam muốn nhà truyền giáo người Pháp được phong thánh
Vũ Văn An
14:13 15/05/2024



Camille Dalmas, trên Aleteia ngày 14/05/24 tường trình rằng Cha Benoît Thuận (1880-1933), một linh mục truyền giáo người Pháp và là người sáng lập cộng đoàn Xitô ở Việt Nam, có thể sẽ sớm được Giáo Hội Công Giáo công nhận là bậc đáng kính.

“Cộng đoàn thành kính thắp hương dâng lên đấng sáng lập/ Hãy nếm hương thơm tưởng nhớ người cha kính yêu”: Những lời này, được hát bằng tiếng Việt trong căn phòng nhỏ tại Tòa Đại Diện Rôma vào một ngày Thứ Sáu ấm áp của tháng Năm, đánh dấu sự kiện bắt đầu lễ kết thúc cuộc điều tra của giáo phận đối với Cha Benoît Thuận.

Một con dấu công chứng bằng sáp đỏ, các hồ sơ dày sẽ được chuyển cho cáo thỉnh viên, người giờ đây sẽ phải bảo vệ án phong thánh tại Vatican để được công nhận “nhân đức anh hùng” của vị linh mục, bước đầu tiên trên con đường phong thánh.

Trong hội trường chức năng cao cấp của Cung điện Lateran, một số lượng lớn các tu sĩ mặc áo dài trắng và áo choàng đen được buộc với nhau bằng một chiếc thắt lưng da đơn giản. Phụ nữ cũng có thói quen tương tự, với việc đội thêm một chiếc khăn màu đen trên đầu. Họ là những tu sĩ Xitô, và nhiều người trong số họ là người Việt Nam.

Giám Mục Phụ Tá và phó giáo phận Rôma, Đức Giám Mục Baldassare Reina (giữa), được bao quanh bởi các tu sĩ dòng Xitô khi kết thúc giai đoạn giáo phận trong nghi lễ của Cha Benoît Thuận. Camille Dalmas


“Hôm nay, gần một nửa số tu sĩ Xitô đến từ Việt Nam,” Cha Tổng Viện Trưởng của Dòng, Mauro-Giuseppe Lepori, tiết lộ. Sự kiện này mắc nợ rất nhiều nơi người anh hùng thời đó, Cha Benoît Thuân (1880-1933), người gốc Pas-de-Calais.

Một ơn gọi tiệm tiến

Sinh năm 1880 tại Boulogne-sur-Mer, Pháp, người đàn ông lúc đó có tên là Henri Denis gia nhập tiểu chủng viện ở thành phố cảng lúc 12 tuổi, sau đó chuyển sang đại chủng viện Arras vào năm 1900. Nhưng người con này của Opal Coast mơ ước được đi biển để trở thành một nhà truyền giáo, và rời quê hương vào năm 1901 để đến chủng viện Truyền giáo Nước ngoài ở Paris.

Sau một thời gian đào tạo ngắn ngủi, ngài được thụ phong linh mục năm 1903 và được phái đi truyền giáo. Đối với ngài, đó là Huế, nơi lúc ấy được gọi là Đông Dương: Việt Nam. Ở đó, vị tông tòa đại diện, để giúp ngài hòa nhập với giáo xứ của mình, đã đặt cho ngài một cái tên mới: Benoît Thuận — trong tiếng Việt có nghĩa là “vâng lời”.

Cha Thuận rất tận tâm với công việc mục vụ của mình và nói được cả tiếng Việt lẫn tiếng Trung. Ngài phát triển mạnh mẽ ở vùng đất mới này, nhưng cảm thấy nhu cầu cần phải có sự hiện diện chiêm niệm, nên ngài quyết định thành lập một cộng đồng tu sĩ, cộng đồng nam giới đầu tiên trong cả nước. Rôma đồng ý, và năm 1917 ngài thành lập đan viện Đức Mẹ An Nam ở Phước Sơn chỉ với một anh em.

Ngay từ đầu, ngài muốn đan viện của ngài thuộc về gia đình Xitô và đã khởi xướng các thủ tục để trở thành thành viên. Những năm tháng đó thật khó khăn, được đánh dấu bằng nạn đói và sự thù địch của một số người dân địa phương, nhưng dần dần ngài đã chiếm được cảm tình của họ và nhận được sự đồng cảm, kính trọng của người dân.

Dưới sự bảo vệ của Thánh Têrêxa

Ngài đã nhận được sự hỗ trợ bất ngờ cho sứ mệnh của mình khi, vào năm 1924, ngài viết thư cho chị gái của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, ngay sau khi vị thánh bé nhỏ ở Lisieux được phong chân phước vào năm 1923 (bà được phong thánh năm 1925).

Trong câu trả lời của mình, Mẹ Agnes Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng người chị lúc đó là chân phước của Mẹ, người gần như đã được gửi đến Việt Nam, sẽ là “người bảo vệ cộng đồng”.

Viện phụ Jean XXIII với một người bạn Đa Minh Việt Nam. Camille Dalmas


“Cha Thuận rất nổi tiếng vào thời của ngài,” Viện phụ Jean XXIII Nguyễn Văn Sơn, hiện là viện phụ của đan viện do Cha Thuận thành lập, cho biết. Cha Thuận qua đời năm 1933, ngay cả trước khi tu viện của ngài chính thức gia nhập Dòng Xitô vào năm 1935, nhưng vẫn được công nhận là người sáng lập dòng tu địa phương.

Ngày nay người Công Giáo Việt Nam biết rất ít về Cha Thuận, do họ phải chịu đựng sự im lặng và đàn áp khủng khiếp sau khi Chủ nghĩa Cộng sản xuất hiện. Nhưng con đường phong thánh có thể thay đổi mọi thứ: “Đối với các tín hữu Công Giáo Việt Nam, đó là một niềm vui lớn lao”, Viện phụ Jean XXIII nói.

Hoa trái của đan sĩ truyền giáo

“Cha Thuận đã kết trái,” vị viện phụ nói tiếp, đồng thời nhắc lại những lời chứng từ các tu sĩ cũ trong cộng đồng của mình, những người đã biết rõ về Cha. Dòng Thánh Gia, chi nhánh Việt Nam của Dòng do Cha Thuận thành lập, hiện có 12 đan viện ở Việt Nam, trong đó có 3 cộng đoàn nữ và hơn 1,300 thành viên.

“Cha Thuận rất phù hợp ngày nay và đã truyền cảm hứng cho cá nhân tôi,” Tổng viện phụ Mauro-Giuseppe Lepori giải thích. “Đời sống đan tu thường thiếu một chút chiều kích truyền giáo, và đời sống truyền giáo đôi khi thiếu chiều kích chiêm niệm của đời sống đan tu”, vị tu sĩ Thụy Sĩ giải thích, cho rằng loại nhân vật thánh thiện này mang lại một “sự cân bằng” và có thể đại diện cho một mô hình cho tương lai của dòng tu ngài.
 
Ngôi mộ tương lai của Đức Phanxicô, dưới chân Đức Trinh Nữ Maria
Vũ Văn An
14:46 15/05/2024

Emma Gatti, trên Aleteia ngày 15/05/24, cho hay: Tháng 12 năm ngoái, Đức Giao hoàng đã tiết lộ nơi ngài sẽ được chôn cất – không phải ở Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, mà ở Nhà thờ Đức Bà Cả, nơi có biểu tượng “Maria Salus populi romani” (Maria Cứu giúp Dân Rôma).



Ở một góc kín đáo của Vương cung thánh đường Thánh Maria Cả, giữa những lời thì thầm cầu nguyện của Nhà nguyện Pauline và sự im lặng huyền bí, gần như không có thật của Nhà nguyện Sforza: Đây là nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn để an táng, như ngài đã tiết lộ vào tháng 12 năm ngoái.

Chúng tôi tường trình từ vương cung thánh đường này ở trung tâm lịch sử của Rome, nơi an nghỉ của bảy vị giáo hoàng và là nơi mà vị giáo hoàng người Argentina đặc biệt yêu thích.

Đó là lúc kết thúc một ngày xuân có mưa ở Rome. Tại Vương cung thánh đường Thánh Maria Cả, gần ga Termini, hàng chục du khách ngước nhìn lên để chiêm ngưỡng trần nhà sang trọng được dát vàng lá. Những bước chân lướt trên sàn đá cẩm thạch. Tiếng hát của những người hành hương Pháp thoát ra từ một nhà nguyện bên cạnh: “Hãy vui mừng, vì Ngài đã đến…”

Bức ảnh được yêu mến

Bên trái dàn hợp xướng là nhà nguyện Pauline nổi tiếng. Đây là nơi có bức ảnh Đức Trinh Nữ Maria Salus populi romani (cứu giúp dân Rôma) - theo truyền thống, được vẽ bởi Thánh Luca. Nhà nguyện không bao giờ trống rỗng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ Salus Populi Romani vào tháng 9 năm 2023. Truyền thông Vatican


Dưới tấm lưới bảo vệ chứng thực công việc đang được thực hiện trong mái vòm, điện thoại di động chụp lại những bức tranh danh giá tô điểm cho nhiều nhà nguyện của vương cung thánh đường và dừng lại một lúc trước bức ảnh rất được người Rôma yêu quý, nhìn ra bàn thờ.

Kể từ khi được bầu vào năm 2013, Jorge Mario Bergoglio đã đến cầu nguyện dưới chân linh ảnh 115 lần, đặc biệt là trước và sau mỗi chuyến tông du của ngài. Vào ngày 8 tháng 12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngài đã tôn vinh vị Trinh Nữ này bằng Bông Hồng Vàng. “Tôi luôn có lòng sùng kính lớn lao đối với Thánh Maria Cả, ngay cả trước khi tôi trở thành giáo hoàng,” ngài nói trong cuốn sách gần đây El Sucesor (“Người kế vị”), viết cùng với nhà Vatican học Javier Martìnez-Brocal.

Ngài tiếp tục giải thích lý do tại sao ngài chọn chôn cất ở đó: “Ngay bên ngoài tác phẩm điêu khắc Nữ hoàng Hòa bình, có một cái hốc nhỏ, một cánh cửa dẫn đến một căn phòng nơi cất giữ những cây nến. Tôi nhìn thấy nó và nghĩ: ‘Chính là nơi này.’ Và đó là nơi chôn cất đã được chuẩn bị. Tôi được biết là nó đã sẵn sàng.”

Được chôn cất như một Kitô hữu đơn giản

Cách đó vài bước, tủ đựng nến trước đây được giấu sau một cánh cửa gỗ gần như vô danh, khách du lịch đi qua mà không để ý. Ngôi mộ tương lai của vị giáo hoàng thứ 266 sẽ được đặt đối diện với nhà nguyện Salus populi romani, và được che chắn trong đường cong của những cây cột bảo vệ của nhà nguyện Sforza, nơi duy nhất dành cho việc cầu nguyện thầm lặng. Ở đây, việc chụp ảnh có đèn flash bị cấm. Chúng ta thậm chí không dám thì thầm, bị kìm hãm bởi sự im lặng sâu sắc ngự trị trong hòn đá xám xịt trang nghiêm, thấm đẫm những chuỗi Mân Côi được các tín hữu chiêm niệm cầu nguyện.

Cánh cửa ẩn giấu ngôi mộ tương lai của Đức Phanxicô cũng giống như ngài. Đức Giáo Hoàng đã giải thích rằng ngài mong muốn “đơn giản hóa” nghi thức an táng của giáo hoàng. Như Javier Martìnez-Brocal đã giải thích cho chúng ta:

“Ngài muốn dỡ bỏ mọi thứ liên quan đến luận lý học của chế độ quân chủ, của Triều đình… Ngài không muốn hài cốt của mình được trưng bày, ngài muốn được chôn cất như một Ki-tô hữu đơn giản. Ngài muốn quay trở lại với sự đơn giản nhất định và đảm bảo rằng hình ảnh của giáo hoàng được công nhận về tính chất tinh thần, không quá lố”.

Giữa hai tòa giải tội

Một chi tiết khác có ý nghĩa đặc biệt: cánh cửa dẫn vào ngôi mộ tương lai của Đức Phanxicô được bao bọc bởi hai tòa giải tội, nơi các linh mục lớn tuổi mặc áo alba thì thầm trong nhân cách Chúa Kitô, giải thoát những xiềng xích tội lỗi. Khi một hối nhân quỳ gối giữa đám đông du khách, người ta dễ dàng nghĩ rằng đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Vị Giáo hoàng người Argentina đã giảng rất nhiều về lòng thương xót. “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ” là một trong những khẩu hiệu lớn trong huấn quyền của ngài, và cử chỉ khiêm tốn đi xưng tội trong các buổi cử hành sám hối vẫn là một trong những hình ảnh tuyệt vời trong triều giáo hoàng của ngài.

Trong khi sự lựa chọn được chôn cất tại Vương cung thánh đường Thánh Maria Cả thay vì ở Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô – gần ngôi mộ của Tông đồ Phêrô – trái ngược với những người tiền nhiệm gần đây của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ không phải là vị giáo hoàng duy nhất được an nghỉ ở đây. Bảy giáo hoàng được chôn cất ở đây: Honoriô III (1216-1227), Nichola IV (1288 đến 1292), Piô V (1566-1572), Sixtô V (1585-1590), Clementê VIII (1592 đến 1605), Phaolô V (1605 -1621) và Clementê IX (1667-1669).

Dù thế nào đi nữa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích rằng ngài đã hứa điều này với Đức Trinh Nữ Maria, người mà ngài có “một mối liên kết rất sâu sắc”. Do đó, thi hài của ngài sẽ được ở gần Mẹ, trong vương cung thánh đường lớn duy nhất dành riêng cho Mẹ.
 
VietCatholic TV
Tình báo: Nga sẽ đánh Sumy. Tấn công đoàn tàu tiếp tế quân Nga. Thực hư thoả thuận Trump-Cameron
VietCatholic Media
03:05 15/05/2024


1. Tướng Budanov dự đoán Nga sẽ tiến hành cuộc tấn công mới vào Sumy

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Budanov expects Russia to launch new attack on Sumy Oblast”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Giám đốc tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov kỳ vọng sau khi lực lượng Ukraine ổn định mặt trận ở tỉnh Kharkiv, Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công mới ở tỉnh Sumy, tờ New York Times đưa tin ngày 14 Tháng Năm.

Quân đội Nga phát động làn sóng tấn công mới vào ngày 10 Tháng Năm, chủ yếu tập trung vào các khu định cư biên giới ở tỉnh Kharkiv.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine ngày 13 Tháng Năm cho biết Nga đã “thành công về mặt chiến thuật” trong cuộc chiến giành Vovchansk, thị trấn chỉ cách biên giới Nga-Ukraine vài km về phía nam. Thống đốc Oleh Syniehubov cho biết giao tranh đô thị đang diễn ra ở vùng ngoại ô phía bắc thị trấn.

“Tình hình đang trên bờ vực. Mỗi giờ tình hình này lại chuyển sang nguy kịch”, Budanov nói với Tờ New York Times vào ngày 13 tháng 5 trong một cuộc gọi video từ một hầm trú ẩn ở Kharkiv.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự tin rằng cuộc tấn công của Nga ở tỉnh Kharkiv sẽ tiếp tục trong ba hoặc bốn ngày nữa và quân đội Ukraine sẽ có thể củng cố các vị trí của mình và ổn định mặt trận trong khu vực.

Tờ New York Times viết, trích dẫn Budanov: “Sau đó, lực lượng Nga dự kiến sẽ tấn công mạnh về hướng Sumy, một thành phố cách Kharkiv khoảng 90 dặm về phía tây bắc”.

Cuộc tấn công Kharkiv mới của Nga đẩy Vovchansk đến bờ vực hủy diệt.

Lời nói của Tướng Budanov lặp lại tuyên bố của Vadym Skibitsky, phó giám đốc tình báo quân sự, người cho rằng một cuộc tấn công của Nga xung quanh các tỉnh phía đông bắc Sumy và Kharkiv có thể bắt đầu vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Các cuộc tấn công của Nga nhằm vào tỉnh Sumy ngày càng có sức tàn phá khủng khiếp trong những tháng gần đây. Giữa các cuộc tấn công gia tăng, chính quyền Ukraine đã ra lệnh di tản thêm khỏi khu vực.

Pavlo Velychko, một sĩ quan Ukraine phục vụ gần biên giới Nga ở Sumy, nói với Tờ New York Times rằng anh ta không biết liệu điều này có ý nghĩa gì đối với một cuộc tấn công tiềm tàng của Mạc Tư Khoa hay không.

Ông nói: “Trong mọi trường hợp, chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu”.

Tướng Budanov trước đó cho biết Ukraine có thể phải đối mặt với một cuộc tấn công mới của Nga vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè, với cuộc tấn công tăng cường xung quanh khu vực phía đông Donbas.

2. Tàu chở hàng trật bánh ở tỉnh Volgograd của Nga do bị 'phá hoại'

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Freight train derailed in Russia's Volgograd Oblast due to alleged 'interference'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin hôm 14 Tháng Năm, trích dẫn một tuyên bố từ cơ quan hỏa xa Nga, cho biết một số toa của một đoàn tàu chở hàng ở tỉnh Volgograd của Nga đã bị trật bánh do “sự can thiệp của những người không có thẩm quyền”.

Vụ việc được cho là xảy ra tại nhà ga Kotluban, nằm cách trung tâm khu vực Volgograd khoảng 40 km về phía bắc và cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 330 km về phía đông.

Tuyên bố không cung cấp thêm thông tin chi tiết về nguyên nhân vụ việc.

Kênh Baza Telegram cho rằng đoàn tàu bị trật bánh do một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, sau đó hai toa chở nhiên liệu bốc cháy và một toa phát nổ. Kênh này cho biết tổng cộng có 9 toa tàu đã bị trật bánh.

RIA Novosti dẫn nguồn Bộ Tình trạng khẩn cấp nước này cho biết một xe chở nhiên liệu diesel và một xe chở gỗ đã bốc cháy nhưng đã được dập tắt vào lúc 6h40 sáng giờ địa phương.

Một số sự việc hỏa xa trước đó có liên quan đến cơ quan tình báo Ukraine. Truyền thông Ukraine đưa tin vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2023 rằng Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã thực hiện hai vụ phá hoại trên tuyến hỏa xa Baikal-Amur ở Cộng hòa Buryatia của Nga.

Các quan chức Nga tuyên bố rằng cuộc tấn công qua đêm ngày 12 tháng 5 đã gây ra vụ hỏa hoạn ngắn tại một nhà máy lọc dầu ở tỉnh Volgograd.

3. Nga đạt được 'lợi ích chiến thuật' ở Kharkiv bất chấp tổn thất đáng kinh ngạc

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Making 'Tactical Gains' in Kharkiv Despite Staggering Losses”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo quân đội Kyiv, các lực lượng Nga đã giành được “thành công chiến thuật” ở khu vực Kharkiv phía đông bắc Ukraine sau khi mở một mặt trận mới vào cuối tuần trước, mặc dù những thành quả đạt được đã phải trả giá đắt.

“Hiện tại, đối phương đã đạt được thành công về mặt chiến thuật” gần thành phố biên giới Vovchansk, thuộc khu vực Kharkiv, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội. Quân đội Kyiv cho biết thêm, tình hình trên thực địa rất phức tạp và liên tục thay đổi, Nga đã “triển khai lực lượng đáng kể để tấn công thành phố với hơn 5 trung đoàn”.

Các quan chức Ukraine cho biết lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công vào Kharkiv vào sáng sớm thứ Sáu, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội Kyiv đang tăng cường bổ sung nguồn lực tới biên giới phía đông bắc.

Thủ phủ của khu vực, Thành phố Kharkiv—nơi đã bị Nga ném bom dai dẳng trong nhiều tuần—là thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Giành được nó sẽ là một chiến thắng đáng kể cho Nga, mặc dù không rõ liệu Mạc Tư Khoa có tiến hành một cuộc tấn công rộng hơn vào thành phố Kharkiv hay không.

Nga đã tuyên bố chủ quyền các vùng đất phía đông bắc Ukraine trong nỗ lực xâm lược ban đầu từ tháng 2 năm 2022, nhưng Kyiv đã chiếm lại các khu vực rộng lớn trong cuộc phản công vào cuối năm đó. Các quan chức Ukraine đã cảnh báo về một cuộc tấn công có thể xảy ra vào Kharkiv trong nhiều tuần khi giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở phía đông đất nước.

“Đối phương đang tích cực tấn công các đơn vị của chúng tôi theo nhiều hướng với mục đích tiến sâu vào lãnh thổ bang chúng tôi”, Đại tướng Oleksandr Syrskyi, tư lệnh quân đội Ukraine, cho biết trong một tuyên bố hôm Chúa Nhật. “Tình hình rất khó khăn, nhưng Lực lượng Phòng vệ Ukraine đang làm mọi cách để giữ vững các tuyến và vị trí phòng thủ, gây thiệt hại cho đối phương.”

Các quan chức địa phương cho biết gần 6.000 cư dân đã được di tản khỏi khu vực, trong đó pháo kích chủ yếu tập trung vào Vovchansk. Các lực lượng Nga “dường như đang cố gắng bao vây Vovchansk”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết hôm Chúa Nhật.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Bảy cho biết họ đã chiếm được 5 khu định cư ở Kharkiv và hôm Chúa Nhật cho biết thêm lực lượng của họ hiện đã kiểm soát thêm 4 thị trấn trong khu vực. Quân đội Ukraine cho biết Nga đã thực hiện 22 cuộc tấn công vào khu vực Kharkiv vào Chúa Nhật.

Hôm thứ Hai, số liệu do quân đội Ukraine công bố cho thấy tỷ lệ thương vong hàng ngày lớn nhất của Nga kể từ khi bắt đầu chiến tranh, ghi nhận hơn 1.740 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến trong 24 giờ trước đó. Theo thống kê của Kyiv, Nga cũng mất 31 xe tăng và 42 xe thiết giáp trong ngày qua.

4. Vương quốc Anh bảo đảm sự hỗ trợ dành cho Ukraine sau khi truyền thông đưa tin về cuộc thảo luận về kế hoạch hòa bình Trump-Cameron

Chính phủ Anh ngày 13 Tháng Năm cho biết lập trường của nước này đối với việc hỗ trợ Ukraine không thay đổi sau khi truyền thông đưa tin Ngoại trưởng Anh David Cameron bị cáo buộc đưa ra với cựu Tổng thống Trump một kế hoạch hòa bình.

Ngoại trưởng Cameron đã gặp cựu Tổng thống Trump tại dinh thự ở Florida vào đầu tháng 4, tìm cách thuyết phục ứng cử viên Đảng Cộng hòa về sự cần thiết phải tiếp tục ủng hộ Kyiv.

Tờ Sunday Times ngày 12 Tháng Năm đưa tin, theo một nguồn tin cao cấp giấu tên, Ngoại trưởng Cameron nói rằng viện trợ thêm sẽ giúp Ukraine giữ vững tiền tuyến và mang lại cho cựu Tổng thống Trump “những điều kiện tốt nhất có thể” để làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình.

Theo nguồn tin của hãng tin này, Cameron đã chuyển thông điệp này tới cựu Tổng thống Trump: “Những điều kiện tốt nhất để ông với tư cách là tổng thống có thể đạt được một thỏa thuận vào Tháng Giêng là gì?” trước khi nói rằng cần phải giữ tình trạng như hiện nay, theo nghĩa là Ukraine không bị bại trận.

Mặc dù các phương tiện truyền thông vào thời điểm đó đưa tin rằng sứ mệnh vận động hành lang của Cameron ở Mỹ đã không thành công, nhưng cuối cùng cựu Tổng thống Trump vẫn ủng hộ dự luật tài trợ trị giá 61 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine, được thông qua với sự ủng hộ của lưỡng đảng vào cuối tháng 4.

Đề xuất của Cameron, như được mô tả trong bài báo của The Times, khác với quan điểm công khai của Luân Đôn về các cuộc đàm phán hòa bình có thể xảy ra giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa. Luân Đôn không chấp nhận đàm phán nhường lại lãnh thổ cho Nga mà luôn luôn khẳng định rằng Nga phải rút quân khỏi Ukraine và bồi thường thiệt hại chiến tranh.

Chính Ngoại trưởng Cameron đã nói rằng “hòa bình đến nhờ sức mạnh chứ không phải nhờ sự xoa dịu và yếu đuối”.

Khi được hỏi về những tuyên bố đó, Ngoại trưởng Cameron nói “Tôi không công nhận những báo cáo đó… quan điểm của chúng tôi không thay đổi. Putin phải thất bại.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine trong thời gian cần thiết để đẩy lùi sự xâm lược của Nga”.

Vương quốc Anh là đồng minh trung thành của Ukraine kể từ khi cuộc chiến toàn diện bùng nổ. Cameron đã đến thăm Ukraine vào đầu tháng 5 và Luân Đôn gần đây đã công bố gói viện trợ quốc phòng lớn nhất cho Ukraine trị giá 500 triệu bảng Anh hay 628 triệu Mỹ Kim.

5. Phải chăng một chiếc máy bay chở khách của Thổ Nhĩ Kỳ đã vô tình bay qua Bakhmut?

Tờ Kyiv Post đưa ra câu hỏi trên trong bài tường trình nhan đề “Did a Turkish Passenger Airliner Fly Over Bakhmut by Accident?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các báo cáo bắt đầu lan truyền trên internet hôm thứ Sáu, ngày 10 tháng 5, cho biết một chiếc máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ – bay từ Mạc Tư Khoa đến Antalya ở Thổ Nhĩ Kỳ – đã đi vào không phận Kharkiv ở Ukraine trước khi bay qua Bakhmut, thành phố chứng kiến một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trong cuộc xâm lược của Putin ở Ukraine.

Ngoài ra còn có một ảnh chụp màn hình kèm theo các báo cáo, trong đó chiếc máy bay có thể được nhìn thấy trên Flight Radar 24, một công cụ theo dõi chuyến bay trực tuyến, với số hiệu và thời gian chuyến bay được hiển thị rõ ràng.

Tuy nhiên, chiếc máy bay có thể đã ở cách nơi nó được hiển thị hàng trăm km về phía đông, trong không phận Nga, với vị trí hiển thị sai do sự can thiệp của tác chiến điện tử phổ biến dọc biên giới.

Theo FlightRadar 24, STW002 là tên kiểm soát không lưu và biển hiệu vô tuyến (“Chuyến bay Southwind zero-zero-two”) được đặt cho phi hành đoàn trên chiếc Boeing 777-312 do Southwind Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ khai thác với các chuyến bay hàng ngày từ Mạc Tư Khoa đến Antalya. Kyiv Post cũng đã tìm được hồ sơ về chuyến bay của STW002 vào ngày 10 tháng 5, nơi trang này cho biết một phần của chuyến bay nằm ngoài phạm vi phủ sóng của nó – bao gồm cả đoạn được cho là đã bay qua Bakhmut.

Tuy nhiên, một chuyên gia hàng không được tường trình đã nói với hãng tin TSN của Ukraine rằng đó có thể đơn giản là “sự thất bại” của FlightRadar 24 trong việc xác định vị trí chính xác của các chuyến bay vì “hiện có rất nhiều thiết bị điện tử và thiết bị khác đang hoạt động”.

Ông nói: “Không một phi công tỉnh táo nào của tàu dân sự sẽ bay tới đó.”

Đây cũng có thể là một hiện tượng phổ biến - trong một trường hợp khác, Kyiv Post đã phát hiện ra chuyến bay Aeroflot AFL2130 của Nga bay từ Mạc Tư Khoa đến Istanbul trên không phận Ukraine ở khu vực Luhansk.

Tuy nhiên, sau đó đường bay xuất hiện trên khu vực Volgograd của Nga, cách nơi nó được nhìn thấy trong ảnh chụp màn hình hàng trăm dặm về phía đông.

Với những bằng chứng có sẵn, Kyiv Post tin rằng báo cáo về một chiếc máy bay Nga bay qua Ukraine là cực kỳ khó xảy ra và báo cáo này có thể được cho là do lỗi trong chương trình theo dõi chuyến bay phát sinh từ sự can thiệp của tác chiến điện tử.

6. Wall Street Journal ghi nhận tỷ lệ đánh chặn trên không của Ukraine đã giảm trong bối cảnh các cuộc tấn công của Nga tăng cao

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “WSJ: Ukrainian air interception rates decline amidst heightened Russian attacks”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Theo báo cáo của tờ Wall Street Journal ngày 13 Tháng Năm, khả năng Ukraine đánh chặn các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga đã suy giảm.

Khoảng 46% hỏa tiễn đã bị đánh chặn trong sáu tháng qua, so với 73% bị đánh chặn trong khoảng thời gian sáu tháng trước đó. Tháng trước, 30% hỏa tiễn đã bị đánh chặn.

Sự giảm khả năng đánh chặn này diễn ra khi Nga tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn, sử dụng các loại vũ khí tinh vi hơn như hỏa tiễn đạn đạo. Ngoài ra, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Shahed của Nga đã tăng gần gấp đôi trong sáu tháng qua.

Trong khi máy bay không người lái Shahed dễ bị bắn hạ hơn với tỷ lệ đánh chặn trên 80% thì chỉ có 10% hỏa tiễn đạn đạo bị bắn hạ trong nửa năm qua. Hệ thống Patriot là hệ thống phòng thủ đáng tin cậy duy nhất chống lại hỏa tiễn đạn đạo và S-300 nhờ tốc độ nhanh của chúng.

Do viện trợ quốc phòng của Mỹ bị hoãn lại ở Quốc hội cho đến cách đây vài tuần nên hệ thống Patriot chỉ được sử dụng hạn chế. Theo Tổng thống Zelenskiy, Ukraine sẽ cần ít nhất 7 chiếc Patriot nhưng lý tưởng nhất là 25 chiếc để bao phủ toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Trong khi những nỗ lực thúc đẩy viện trợ của phương Tây đang được tiến hành, vài tháng tới sẽ rất quan trọng đối với Ukraine để chống chọi với các cuộc tấn công trên không của Nga cho đến khi nguồn cung cấp phòng không mới đến.

7. Andrei Belousov là ai? Nhà kinh tế trung thành với Putin sẽ phụ trách quân sự

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Who Is Andrei Belousov? Putin Loyalist Economist To Take Charge Of Military”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Andrei Belousov—một nhà kinh tế nổi tiếng và cựu phó thủ tướng—giờ đây sẽ lãnh đạo Bộ quốc phòng và chiến dịch kéo dài của họ ở Ukraine, với việc Tổng thống Vladimir Putin đã chọn ông để thay thế người đương nhiệm và người trung thành lâu năm Sergei Shoigu.

Sáng Thứ Hai, Andrei Belousov đã có bài phát biểu trước Hội Đồng Liên Bang Nga hay Thượng Viện. Cơ quan này sau đó đã phê chuẩn việc bổ nhiệm của Putin.

Shoigu sẽ chuyển sang đứng đầu hội đồng an ninh đầy quyền lực của Nga, thay thế Giám đốc FSB Nikolai Patrushev, người từ lâu được coi là một trong những quan chức quyền lực và diều hâu nhất của Putin. Hiện vẫn chưa rõ Patrushev sẽ được chuyển sang chức vụ nào, mặc dù con trai ông - Dmitry Patrushev, người được cho là có thể kế nhiệm Putin - đã được thăng chức làm phó thủ tướng.

“Ngày nay trên chiến trường, người chiến thắng là người cởi mở hơn với sự đổi mới”, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói về cuộc cải tổ, được hãng thông tấn nhà nước Tass dẫn lời.

“Vì vậy, điều tự nhiên là ở giai đoạn hiện tại, tổng thống đã quyết định rằng Bộ Quốc phòng Nga nên do một chính trị gia dân sự lãnh đạo.” Ông nói thêm: “Điều rất quan trọng là phải đặt nền kinh tế an ninh phù hợp với nền kinh tế của đất nước để nó đáp ứng được sự năng động của thời điểm hiện tại”.

Belousov, 65 tuổi, tốt nghiệp loại xuất sắc Khoa Kinh tế của Đại học quốc gia Mạc Tư Khoa năm 1981, Reuters đưa tin. Sinh ra ở Mạc Tư Khoa, Belousov được cho là đã tập samba và karate khi còn trẻ và chưa hề phục vụ trong lực lượng vũ trang. Ông từ lâu đã được coi là thân cận với Putin.

Đến năm 2000, Belousov được bổ nhiệm làm cố vấn không chính thức cho thủ tướng Nga. Năm 2006, ông gia nhập Bộ Kinh tế với tư cách Thứ trưởng.

Từ năm 2008 đến năm 2012, khi Putin đang giữ chức thủ tướng một nhiệm kỳ để tuân thủ giới hạn nhiệm kỳ theo hiến pháp, Belousov giữ chức vụ giám đốc trong bộ kinh tế và tài chính của chính phủ.

Belousov được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phát triển kinh tế vào năm 2012, trước khi chuyển sang làm cố vấn kinh tế cho Putin vào năm 2013. Ông giữ vai trò đó cho đến năm 2020, khi trở thành phó thủ tướng thứ nhất. Belousov đảm nhận quyền thủ tướng khi đương nhiệm Mikhail Mishustin mắc bệnh COVID-19 vào năm 2020.

“Ông ấy rất chuyên nghiệp, là một chính trị gia rất thẳng thắn, không ngại xung đột,” Oleg Ignatov – nhà phân tích cao cấp về Nga của tổ chức phi chính phủ Crisis Group – nói với Newsweek. “Ông ta không thích che giấu sự thật. Ông ta có thể giải quyết vấn đề.” Ông nói thêm: “Theo quan điểm của Putin, đây là một bổ nhiệm rất tốt”. Nhiều người Nga khác không chia sẻ quan điểm của Ignatov, khi bày tỏ quan ngại rằng tân Bộ trưởng Quốc phòng không có chút kinh nghiệm nào về quân sự, và việc ông thay đổi liên tục các chức vụ cho thấy ông ta không làm việc lâu được với ai. Belousov được mô tả là một người kiêu căng, khó làm việc chung với đồng nghiệp, và thực tế là ông chưa có thành tích nào đáng kể ngoài việc rất được Putin ái mộ.

“Ông ấy có tầm nhìn riêng của mình,” Ignatov nói, đồng thời mô tả Belousov là “rất chống phương Tây” và tin tưởng mạnh mẽ “rằng nhà nước nên đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga”. Ignatov cho biết, được coi là “rất diều hâu” và không tham nhũng, tân bộ trưởng có thể sẽ phát động một chiến dịch chống tham nhũng lớn.

“Tất nhiên, một số người sẽ khó chịu về điều này, bởi vì quân đội đã rất tham nhũng vào thời Shoigu,” Ignatov nói. Nhiều đồng minh của Shoigu có thể sẽ theo ông rời khỏi Bộ, có khả năng sẽ được thay thế bởi các chính trị gia giống Belousov hơn.

Không giống như Shoigu và những nhân vật hàng đầu khác, Belousov không có cơ sở quyền lực hay “gia tộc” đồng minh và người phụ thuộc của riêng mình. “Belousov chỉ có một mình,” Ignatov nói. “Ông ấy độc lập và trung thành hoàn toàn với Putin.”

Và khi Shoigu tìm cách tác động đến việc lập kế hoạch chiến trường, Beluosov được cho là sẽ hạn chế hơn. Ignatov nói: “Ông ấy sẽ tin tưởng quân đội và quân đội sẽ làm công việc của họ. “Belousov sẽ quan tâm đến Bộ Quốc phòng như một doanh nghiệp lớn và ông ấy sẽ quản lý nó như vậy.”

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, viết rằng việc bổ nhiệm Belousov “là một bước phát triển đáng kể trong nỗ lực của Putin nhằm đặt ra các điều kiện kinh tế đầy đủ cho một cuộc chiến kéo dài”, lưu ý rằng nhà kinh tế học này được biết đến như một người ủng hộ sự tham gia nhiều hơn của chính phủ vào nền kinh tế.

Việc loại bỏ Shoigu diễn ra sau hai năm khó khăn đối với Shoigu, người được cho là có cơ hội tiếp cận gần gũi với tổng thống và chứng kiến uy tín chính trị của ông tăng lên đáng kể sau khi Mạc Tư Khoa chiếm Crimea vào năm 2014.

Nhưng cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine nhanh chóng bộc lộ rằng Shoigu đã thất bại trong việc dập tắt tình trạng kém năng lực và tham nhũng mang tính hệ thống trong quân đội. Thương vong quân sự của Nga đã tăng vọt trong hơn hai năm chiến tranh, với thành công trên chiến trường bị hạn chế. Phía sau mặt trận, cuộc nổi dậy của Nhóm Wagner là một minh chứng nhục nhã cho thấy sự bất ổn đang hình thành trong giới tinh hoa quân sự Nga.

Vụ bắt giữ cấp phó Timur Ivanov của Shoigu vì tội tham nhũng vào tháng trước dường như là một nỗ lực nhằm làm suy yếu vị bộ trưởng quốc phòng sắp mãn nhiệm và đặt nền móng cho một cuộc cải tổ.

Nhà phân tích Nga và giáo sư kinh tế tại Đại học Chicago, Konstantin Sonin, đã viết rằng cuộc cải tổ cho thấy cuộc chiến “không diễn ra theo kế hoạch của Putin, nhưng ông ấy sẽ không ngừng luân chuyển cùng một nhóm nhỏ những người trung thành.”

Michael Kofman, một chuyên gia quân sự Nga và là thành viên cao cấp tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói với tờ Financial Times rằng sự thay đổi này cho thấy “rõ ràng rằng giới tinh hoa kinh tế Nga đã hoạt động tốt hơn nhiều so với giới tinh hoa quân sự trong cuộc chiến này”.

8. Đại sứ cho biết Đức sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không IRIS-T khác vào tháng 5

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ambassador: Germany to supply Ukraine with another IRIS-T air defense system in May”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Berlin sẽ cung cấp cho Kyiv một hệ thống phòng không IRIS-T khác ngay trong tháng 5, Đại sứ Đức tại Ukraine Martin Jager cho biết hôm Thứ Hai, 13 Tháng Năm.

Ukraine đã yêu cầu các đối tác quốc tế cung cấp thêm hệ thống phòng không trong bối cảnh thiếu hụt và sự gia tăng các cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng kể từ tháng 3.

Các hệ thống phòng không như Patriot và IRIS-T có hiệu quả cao trong việc đánh chặn hỏa tiễn đạn đạo và hành trình của Nga. Jager cho biết Ukraine đã có sẵn một số hệ thống IRIS-T trong kho vũ khí của mình.

Theo đại sứ, Kyiv cũng sẽ được cung cấp thêm hệ thống phòng không IRIS-T vào cuối năm nay, cũng như vào năm 2025 và 2026.

Đại Sứ Jager cũng lưu ý rằng Berlin sẽ gửi hệ thống phòng không Patriot tới Ukraine. Sự xuất hiện của nó dự kiến không sớm hơn cuối tháng Sáu.

Ban đầu bị chỉ trích vì cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine chậm chạp sau khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, Đức đã trở thành nhà cung cấp thiết bị quân sự lớn thứ hai sau Mỹ.

Berlin trước đây đã cung cấp các hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine, bao gồm ba hệ thống IRIS-T SLM, với tầm bắn lên tới 40 km và một hệ thống IRIS-T SLS, với tầm bắn lên tới 12 km.

Đức cũng đưa ra sáng kiến tăng cường phòng không cho Ukraine vào tháng 4. Canada và Bỉ đã công khai cam kết với sáng kiến do Đức dẫn đầu.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ngày 6 Tháng Tư cho biết Ukraine cần 25 hệ thống phòng không Patriot để bảo vệ bầu trời nước này trước các cuộc tấn công của Nga.

9. Cảnh báo đáng lo ngại của Nga đối với đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Á Châu

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Ominous Warning to America's Closest Ally in Asia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nhà ngoại giao Nga trong tháng này đã cảnh báo về các biện pháp trả đũa cụ thể chống lại Hoa Kỳ và Nhật Bản nếu các hoạt động của liên minh đe dọa vùng Viễn Đông của nước này.

Đại Sứ Nga tại Nhật Bản, Nikolay Nozdrev, nói với hãng tin Sputnik của Nga rằng “Chúng tôi thường xuyên cảnh báo Tokyo rằng, nếu hoạt động như vậy tiếp tục, chúng tôi sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp đối phó để ngăn chặn các mối đe dọa quân sự đối với Nga”.

Hai nước láng giềng đang tranh chấp về một quần đảo do Nga kiểm soát ở Bắc Thái Bình Dương - trước đây gọi là Quần đảo Kuril và sau này gọi là Lãnh thổ phía Bắc - và đã không thể đàm phán một hiệp ước hòa bình trong nhiều thập niên.

Mọi hy vọng về một sự hòa giải chính thức càng bị cản trở bởi cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2 năm 2022, khi sự phản đối mạnh mẽ của Nhật Bản khiến nước này cùng với Hoa Kỳ và các nước khác áp đặt một số vòng trừng phạt kinh tế đối với nền kinh tế Nga.

Ngày nay, các lực lượng của Nga và Nhật Bản thường xuyên chạm trán nhau ở vùng biển Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Nhật Bản, nơi Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đặt trụ sở tại Vịnh Peter Đại Đế.

Sự liên kết chiến lược của Mạc Tư Khoa với Bắc Kinh đã chứng kiến Tokyo tăng cường gấp đôi các cam kết nhằm tăng cường vai trò của mình trong liên minh Mỹ-Nhật kéo dài hàng thập niên, vốn được các nhà lãnh đạo quân sự ở Washington mô tả từ lâu là nền tảng của cấu trúc liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Á Châu.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Newsweek, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bày tỏ lo ngại về sự can dự của Nga với Bắc Hàn, một nước láng giềng khác. Mỹ và các đồng minh cho biết họ đã trao đổi vũ khí để đổi lấy hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình vệ tinh do thám của Bình Nhưỡng.

Nozdrev cho biết: “Chúng tôi đang nói về sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu quân sự, nâng cao tiềm năng tấn công, dỡ bỏ lệnh tự hạn chế xuất khẩu vũ khí, cũng như sự hợp tác quân sự sâu sắc hơn đáng kể với Washington”. nước láng giềng Nhật Bản.”

Nhận xét của Nozdrev, một phần trong loạt cuộc phỏng vấn của truyền thông nhà nước nhân Ngày Chiến thắng 9 tháng 5, dường như báo hiệu sự cảnh giác của Điện Cẩm Linh về sự mất cân bằng quân sự tiềm tàng ở vùng Viễn Đông của đất nước, ngay cả khi các lực lượng Nga thúc đẩy những bước đột phá mới trên chiến trường Ukraine.

“Các quan chức Điện Cẩm Linh đã sử dụng những câu chuyện của Điện Cẩm Linh về chủ nghĩa xét lại lịch sử và những hành động khiêu khích ở biên giới Nga với Nhật Bản, có thể là một phần trong nỗ lực tô vẽ Nga như một cường quốc Thái Bình Dương và hỗ trợ Trung Quốc chống lại hệ thống liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, DC, cho biết trong một đánh giá gần đây.

Nozdrev tiếp tục mô tả yêu sách đang diễn ra của Nhật Bản đối với quần đảo Kuril – được nhắc lại vào tháng trước trong Sách xanh ngoại giao hàng năm của Bộ Ngoại giao Nhật Bản – là một “nỗi ám ảnh bệnh hoạn”, theo hãng tin Nga RIA Novosti.

Grant Newsham, một đại tá Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, người từng huấn luyện Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cho biết Nozdrev đại diện cho Putin, người mà những lời đe dọa chống lại Nhật Bản cần được xem xét nghiêm chỉnh.

“Các nhà lãnh đạo và quan chức Nhật Bản đã nói rất rõ ràng rằng họ tin rằng chiến thắng của Nga ở Ukraine sẽ khuyến khích sự xâm lược của Trung Quốc đối với Đài Loan và các nơi khác ở Đông Á – bao gồm cả lãnh thổ Nhật Bản,” Newsham, tác giả cuốn sách “When China Attacks: A Warning to America” nghĩa là “Khi người Tàu tấn công: Một lời cảnh báo cho Hoa Kỳ”, nói với Newsweek.

“Putin không thích bất kỳ điều gì trong số những yêu sách của Nhật Bản,” ông nói thêm. “Tôi nghi ngờ người Nga sẽ sử dụng các biện pháp quân sự - mặc dù tôi sẽ không hoàn toàn ngạc nhiên nếu họ khuyến khích Bắc Hàn 'hành động' và khiến người Nhật lo lắng.”

Nozdrev đến Tokyo vào tháng 3 để thay thế cựu Đại Sứ Mikhail Galuzin, người đã rời Nhật Bản 16 tháng trước đó và sau đó trở thành Thứ trưởng Ngoại giao Nga.

Nozdrev bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng việc cảnh báo giới lãnh đạo Nhật Bản về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu bất kỳ hệ thống phòng không Patriot nào được sản xuất tại Nhật Bản theo giấy phép của Mỹ được gửi tới Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nga đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận bằng văn bản khi được yêu cầu giải thích chi tiết về mối đe dọa mới nhất của Nozdrev.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản không trả lời yêu cầu bình luận. Yoko Kamikawa, Bộ trưởng Ngoại giao nước này, tuần trước cho biết quan hệ song phương với Nga “đang ở trong tình trạng rất khó khăn”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận ngoài giờ.
 
Nghẹt thở: Khủng bố tấn công thánh lễ, hình ảnh các linh mục phải núp dưới bàn thờ tránh đạn
VietCatholic Media
05:22 15/05/2024


1. Thiếu niên xách súng trường tấn công Thánh lễ Rước lễ lần đầu

Hành động nhanh chóng của giáo dân cảnh giác và cảnh sát địa phương đã ngăn chặn được thảm kịch tại Nhà thờ Công Giáo St. Mary Magdalen ở Abbeville, Louisiana, hôm Thứ Bẩy, 11 Tháng Năm.

Tên khủng bố tấn công trong thánh lễ cho 60 trẻ em của St. Mary Magdalen ở Abbeville, Louisiana rước lễ lần đầu

Khi 60 trẻ em đang chuẩn bị rước lễ lần đầu, giáo xứ nằm ở phía nam Lafayette, Louisiana, đã báo cáo rằng một “kẻ khả nghi có vũ trang đã mở cửa sau lẻn vào nhà thờ”.

Giáo xứ cho biết trong một tuyên bố: “Người này ngay lập tức bị giáo dân đối mặt, áp giải ra ngoài và cảnh sát đã được gọi đến”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Acadiana Advocate, Cảnh sát trưởng Abbeville Mike Hardy ghi nhận công lao của giáo dân vì đã tước vũ khí của nghi phạm và ghim anh ta xuống đất khi cảnh sát đến.

Đoạn video phát trực tiếp Thánh lễ ghi lại những giây phút căng thẳng khi linh mục chủ tế Nicholas DuPre được cảnh báo về tình hình.

Mặc dù nghi phạm nhanh chóng bị vô hiệu hóa nhưng sự hoảng loạn vẫn bùng phát khi nghi phạm báo cảnh sát rằng kẻ xả súng thứ hai đang ở gần tòa nhà. Đó là lúc cơ quan thực thi pháp luật vào nhà thờ để bảo đảm không có thêm mối nguy hiểm nào. Không có nghi phạm nào khác được tìm thấy.

Nghi phạm 16 tuổi bị buộc tội khủng bố và hai tội sở hữu súng. Anh ta đang bị giam giữ tại Đơn vị Hành vi của Bệnh viện Đa khoa Abbeville để đánh giá y tế.

Đức Cha John Douglas Deshote, Giám mục Lafayette, Louisiana ghi nhận ca ngợi sự cảnh giác và phản ứng nhanh chóng của giáo dân, và Sở cảnh sát Abbeville trong việc ngăn chặn kẻ đột nhập có vũ trang. Ngài nói: “Chúng tôi tạ ơn Chúa vì đã tránh được một thảm kịch”.

Ngài nói thêm: “Chúng ta hãy cầu nguyện để chấm dứt mọi mối đe dọa bạo lực đối với sự sống của con người vô tội”.

Giáo xứ đã thông báo rằng “hết sức thận trọng, chúng tôi sẽ có lực lượng thực thi pháp luật thống nhất trong tất cả các Thánh lễ sắp tới”.


Source:Catholic News Agency

2. Giáo Hội kỷ niệm Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 58

Chúa Nhật 12 tháng 5, Giáo Hội kỷ niệm Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 58. Như thường lệ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới vào ngày 24 tháng Giêng, lễ thánh Phanxicô Đệ Salê, bổn mạng các nhà báo. Chủ đề của sứ điệp năm nay là:

“Trí khôn nhân tạo và sự khôn ngoan của trái tim: Hướng tới một truyền thông hoàn toàn mang tính Nhật Bản”

Trong sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi chú ý đến sự phát triển của các hệ thống trí khôn nhân tạo, mà ngài đã cống hiến những suy tư trong Thông điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới gần đây.

Các hệ thống trí khôn nhân tạo đang ảnh hưởng một cách triệt để đến thế giới thông tin và truyền thông, và qua đó, một số nền tảng nhất định của cuộc sống trong xã hội. Những thay đổi này ảnh hưởng đến tất cả mọi người chứ không chỉ riêng những chuyên gia trong lĩnh vực đó. Sự lan rộng nhanh chóng của những đổi mới đáng kinh ngạc, mà khả năng hoạt động và tiềm năng của chúng vượt quá khả năng hiểu và đánh giá của hầu hết chúng ta, đã tỏ ra vừa gây phấn khởi vừa khiến chúng ta mất phương hướng. Điều này chắc chắn dẫn đến những câu hỏi sâu sắc hơn về bản chất của con người, sự khác biệt của chúng ta và tương lai của chủng loại homo sapiens, nghĩa là con người hiểu biết, trong thời đại trí khôn nhân tạo. Làm thế nào chúng ta có thể vẫn là con người trọn vẹn và hướng dẫn sự biến đổi văn hóa này để phục vụ một mục đích tốt đẹp?

Trong số các ngày kỷ niệm trên bình diện thế giới trong một năm, Ngày Truyền Thông Thế giới là lễ kỷ niệm duy nhất đã được chính Công đồng Vatican II đề xướng trong Sắc Lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Inter Mirifica) được Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố ngày 4 tháng 12, 1963.

Trong Sắc Lệnh này, các Nghị Phụ của Công đồng Vatican II đã tuyên bố rằng:

“Vì được Chúa Kitô thiết lập để mang lại phần rỗi cho hết mọi người, Giáo Hội Công Giáo có nhiệm vụ phải rao giảng Phúc Âm. Giáo Hội nhận thấy mình có bổn phận dùng cả các phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu rỗi và dạy con người biết sử dụng chúng cho đúng đắn.

Như thế, Giáo Hội đương nhiên có quyền xử dụng và làm chủ bất cứ một loại truyền thông xã hội nào, tùy theo sự cần thiết hay lợi ích cho việc giáo dục Kitô hữu và cho việc mưu cầu phần rỗi các linh hồn; các vị Chủ Chăn đáng kính có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn các tín hữu thế nào để họ biết dùng cả những phương tiện này mà theo đuổi phần rỗi và sự toàn thiện của mình cũng như của toàn thể gia đình nhân loại.

Ngoài ra, giáo dân đặc biệt có bổn phận làm cho các phương tiện này thấm nhiễm tinh thần nhân đạo và Kitô giáo, để chúng đáp ứng đầy đủ niềm mong đợi lớn lao của xã hội nhân loại và đúng với ý định của Thiên Chúa.”

Ngày Truyền Thông Thế giới được tổ chức hàng năm vào Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống, năm nay rơi vào ngày 12 tháng 5. Tuy nhiên, sứ điệp của Đức Thánh Cha thường được công bố trước, vào ngày 24 tháng Giêng, lễ thánh Phanxicô Đệ Salê, bổn mạng các nhà báo, để các hội đồng giám mục, các ủy ban có liên quan ở các giáo phận và các cơ quan truyền thông có đủ thời gian để chuẩn bị các tài liệu in ấn, nghe nhìn và các tài liệu khác cho lễ kỷ niệm này ở các quốc gia và các địa phương.

Ngày Truyền Thông Thế giới lần đầu tiên được cử hành trong toàn Giáo Hội Công Giáo vào ngày 7 tháng 5 năm 1967, dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, là vị Giáo Hoàng đã muốn thu hút sự chú ý của toàn thể Giáo Hội đến truyền thông và sức mạnh to lớn mà nó có thể đem lại cho những thay đổi sâu xa về xã hội, văn hoá và tôn giáo. Ngày Truyền Thông Thế giới năm nay là lần thứ 58.

3. Sứ điệp ngày Truyền Thông Xã Hội 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Chúa Nhật 12 tháng 5, Giáo Hội kỷ niệm Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 58. Trong sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi chú ý đến sự phát triển của các hệ thống trí khôn nhân tạo, mà ngài đã cống hiến những suy tư trong Thông điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới gần đây.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Trí khôn nhân tạo và sự khôn ngoan của trái tim: Hướng tới một truyền thông hoàn toàn mang tính nhân bản

Anh chị em thân mến!

Sự phát triển của các hệ thống trí khôn nhân tạo, mà tôi đã cống hiến Thông điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới gần đây, đang ảnh hưởng một cách triệt để đến thế giới thông tin và truyền thông, và qua đó, một số nền tảng nhất định của cuộc sống trong xã hội. Những thay đổi này ảnh hưởng đến tất cả mọi người chứ không chỉ riêng những chuyên gia trong lĩnh vực đó. Sự lan rộng nhanh chóng của những đổi mới đáng kinh ngạc, mà khả năng hoạt động và tiềm năng của chúng vượt quá khả năng hiểu và đánh giá của hầu hết chúng ta, đã tỏ ra vừa gây phấn khởi vừa khiến chúng ta mất phương hướng. Điều này chắc chắn dẫn đến những câu hỏi sâu sắc hơn về bản chất của con người, sự khác biệt của chúng ta và tương lai của chủng loại homo sapiens trong thời đại trí khôn nhân tạo. Làm thế nào chúng ta có thể vẫn là con người trọn vẹn và hướng dẫn sự biến đổi văn hóa này để phục vụ một mục đích tốt đẹp?

Bắt đầu từ trái tim

Trước hết, chúng ta cần gạt bỏ những dự đoán thảm khốc và những ảnh hưởng tê liệt của chúng. Một thế kỷ trước, Romano Guardini đã suy gẫm về kỹ thuật và nhân tính. Guardini kêu gọi chúng ta đừng từ chối “cái mới” trong nỗ lực “bảo tồn một thế giới tươi đẹp bị kết án sẽ biến mất”. Đồng thời, ngài cảnh cáo một cách tiên tri rằng “chúng ta không ngừng trong quá trình trở thành. Chúng ta phải tham gia vào quá trình này, mỗi người theo cách riêng của mình, với sự cởi mở nhưng cũng nhạy cảm với mọi điều mang tính hủy diệt và vô nhân đạo trong đó”. Và ngài kết luận: “Đây là những vấn đề kỹ thuật, khoa học và chính trị, nhưng chúng không thể giải quyết được nếu không bắt đầu từ nhân tính của chúng ta. Một loại con người mới phải được hình thành, được phú cho một nền linh đạo sâu sắc hơn, sự tự do và nội tâm tính mới”.

Vào thời điểm lịch sử này, có nguy cơ trở nên giàu có về kỹ thuật và nghèo nàn về nhân tính, những suy tư của chúng ta phải bắt đầu từ trái tim con người. Chỉ bằng cách áp dụng một cách nhìn thiêng liêng về thực tại, chỉ bằng cách khôi phục lại sự khôn ngoan của trái tim, chúng ta mới có thể đương đầu và giải thích được sự mới mẻ của thời đại chúng ta và khám phá lại con đường dẫn đến một truyền thông nhân bản trọn vẹn. Trong Kinh thánh, trái tim được coi là nơi tự do và đưa ra quyết định. Nó tượng trưng cho sự toàn vẹ và thống nhất, nhưng nó cũng gắn kết những cảm xúc, mong muốn, ước mơ của chúng ta; trên hết nó là nơi nội tâm để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Vì vậy, sự khôn ngoan của trái tim là nhân đức giúp chúng ta hòa nhập tổng thể và các bộ phận của nó, các quyết định và hậu quả của chúng, sự cao quý và sự dễ bị tổn thương của chúng ta, quá khứ và tương lai, cá tính và tư cách thành viên của chúng ta trong một cộng đồng lớn hơn.

Sự khôn ngoan của trái tim này tự để nó được những người tìm kiếm nó tìm thấy và được những ai yêu mến nó nhìn thấy; nó dự ứng những ai mong muốn nó và nó đi tìm những người xứng đáng với nó (x. Kn 6:12-16). Nó đồng hành với những người sẵn sàng nghe theo lời khuyên (x. Cn 13:10), những người có trái tim ngoan ngoãn và biết lắng nghe (x. 1V 3:9). Là một món quà của Chúa Thánh Thần, nó cho phép chúng ta nhìn mọi sự bằng đôi mắt của Thiên Chúa, nhìn thấy những mối liên hệ, tình huống, sự kiện và khám phá ý nghĩa thực sự của chúng. Không có loại khôn ngoan này, cuộc sống sẽ trở nên nhạt nhẽo, vì chính sự khôn ngoan - có gốc Latinh là sapere liên quan đến danh từ sapor – điều mang lại “hương vị” cho cuộc sống.

Cơ hội và nguy hiểm

Sự khôn ngoan như vậy không thể được tìm thấy từ máy móc. Mặc dù thuật ngữ “trí khôn nhân tạo” hiện đã thay thế thuật ngữ chính xác hơn là “học ở máy” được sử dụng trong tài liệu khoa học, nhưng việc sử dụng thuật ngữ “trí thông minh” có thể gây hiểu lầm. Không còn nghi ngờ gì nữa, máy móc có khả năng lưu trữ và liên kết các dữ kiện lớn hơn rất nhiều so với con người, nhưng chỉ có con người mới có khả năng hiểu được dữ kiện đó. Đây không chỉ đơn giản là vấn đề làm cho máy móc trở nên giống con người hơn mà còn là việc đánh thức nhân loại khỏi giấc ngủ do ảo tưởng về sự toàn năng gây ra, dựa trên niềm tin rằng chúng ta là những chủ thể hoàn toàn tự chủ và tự quy chiếu, tách rời khỏi mọi ràng buộc xã hội và quên đi địa vị của chúng ta như những tạo vật.

Con người luôn nhận ra rằng họ không thể tự cung tự cấp và đã tìm cách khắc phục tính dễ bị tổn thương của mình bằng cách sử dụng mọi phương tiện có thể. Từ những đồ tạo tác thời tiền sử sớm nhất, được sử dụng như phần mở rộng của cánh tay, và sau đó là phương tiện truyền thông, được sử dụng như phần mở rộng của lời nói, giờ đây chúng ta đã có khả năng tạo ra những cỗ máy cực kỳ tinh vi hoạt động như một công cụ hỗ trợ cho tư duy. Tuy nhiên, mỗi công cụ này có thể bị lạm dụng bởi cơn cám dỗ nguyên thủy muốn trở nên giống như Thiên Chúa mà không có Thiên Chúa (x. St 3), nghĩa là muốn bằng nỗ lực riêng của mình nắm bắt được những gì đáng lẽ phải được đón nhận một cách đặc biệt như một món quà từ Thiên Chúa, để được vui hưởng cùng với những người khác.

Tùy thuộc vào khuynh hướng của trái tim, mọi điều trong tầm tay của chúng ta đều trở thành cơ hội hoặc mối đe dọa. Chính thân xác của chúng ta, được tạo dựng để truyền thông và hiệp thông, có thể trở thành một phương tiện gây hấn. Tương tự như vậy, mọi sự mở rộng kỹ thuật của nhân loại chúng ta đều có thể là một phương tiện phục vụ yêu thương hoặc thống trị thù địch. Hệ thống trí khôn nhân tạo có thể giúp khắc phục sự thiếu hiểu biết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa các dân tộc và các thế hệ khác nhau. Ví dụ, chúng có thể làm cho một kho tàng kiến thức thành văn khổng lồ từ xa xưa trở nên dễ tiếp cận và dễ hiểu hoặc cho phép truyền thông giữa những cá nhân không có chung ngôn ngữ. Tuy nhiên, đồng thời, chúng có thể là nguồn gây “ô nhiễm nhận thức”, bóp méo thực tại bởi những câu chuyện sai sự thật một phần hoặc hoàn toàn, được tin tưởng và phát sóng như thể chúng là sự thật. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến vấn đề tồn tại từ lâu về thông tin sai lệch dưới dạng tin giả, mà ngày nay có thể sử dụng “deepfakes”, cụ thể là việc tạo ra và phổ biến những hình ảnh có vẻ hoàn toàn hợp lý nhưng sai sự thật (tôi cũng từng là một đối tượng về điều này), hoặc tin nhắn có âm thanh sử dụng giọng nói của một người để nói những điều mà người đó chưa bao giờ nói. Kỹ thuật mô phỏng đằng sau các chương trình này có thể hữu ích trong một số lĩnh vực chuyên biệt, nhưng nó trở nên sai trái khi làm biến dạng mối quan hệ của chúng ta với người khác và với thực tại.

Bắt đầu với làn sóng trí khôn nhân tạo đầu tiên, làn sóng truyền thông xã hội, chúng ta đã trải qua sự mâu thuẫn của nó: những khả thể nhưng cũng có những rủi ro và các bệnh lý liên quan. Bình diện thứ hai của trí khôn nhân tạo sáng tạo chắc chắn thể hiện một bước nhảy vọt về phẩm chất. Do đó, điều quan trọng là phải hiểu, đánh giá và điều chỉnh các công cụ nếu rơi vào tay kẻ xấu có thể dẫn đến những tình huống đáng lo ngại. Giống như mọi sản phẩm khác của trí khôn và kỹ năng của con người, các thuật toán không hề trung tính. Vì lý do này, cần phải hành động phòng ngừa, bằng cách đề xuất các mô hình quy định đạo đức, để ngăn chặn những tác động có hại, phân biệt đối xử và bất công về mặt xã hội của việc sử dụng các hệ thống trí khôn nhân tạo và chống lại việc lạm dụng chúng nhằm mục đích giảm đa nguyên, phân cực quan điểm công chúng hoặc tạo ra các hình thức suy nghĩ nhóm. Một lần nữa tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế “cùng hợp tác để thông qua một hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc nhằm quản lý việc phát triển và sử dụng trí khôn nhân tạo dưới nhiều hình thức”. Đồng thời, giống như trong mọi bối cảnh của con người, tự nó, quy định là chưa đủ.

Lớn lên trong nhân tính

Tất cả chúng ta được mời gọi cùng nhau phát triển, trong nhân tính và trong tư cách nhân tính. Chúng ta được thách thức thực hiện bước nhảy vọt về phẩm tính để trở thành một xã hội phức tạp, đa sắc tộc, đa nguyên, đa tôn giáo và đa văn hóa. Chúng ta được mời gọi suy gẫm kỹ lưỡng về sự phát triển lý thuyết và việc sử dụng thực tế các công cụ truyền thông và kiến thức mới này. Những khả năng tốt đẹp to lớn của chúng đi kèm với nguy cơ biến mọi thứ thành những phép tính trừu tượng thu gọn các cá nhân thành dữ kiện, suy nghĩ theo một quy trình máy móc, kinh nghiệm thành những trường hợp cá biệt, lòng tốt để thu lợi nhuận và trên hết là phủ nhận tính độc đáo của mỗi cá nhân, và câu chuyện của anh ta hoặc cô ấy. Tính cụ thể của thực tại tan biến trong một loạt dữ kiện thống kê.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số có thể mang lại cho chúng ta nhiều tự do hơn, nhưng không, nếu nó giam cầm chúng ta trong những mô hình mà ngày nay được gọi là “phòng cách âm”. Trong những trường hợp như vậy, thay vì tăng cường tính đa nguyên của thông tin, chúng ta có nguy cơ thấy mình trôi dạt trong vũng lầy hỗn loạn, làm mồi cho lợi ích của thị trường hoặc của các cường quốc. Không thể chấp nhận được rằng việc sử dụng trí khôn nhân tạo sẽ dẫn đến tư duy tập thể, thu thập dữ kiện chưa được xác minh, dẫn đến việc lơ là nhiệm vụ theo lối chủ biên tập thể. Việc trình bầy thực tại trong “nhữg dữ kiện lớn”, dù hữu ích cho hoạt động của máy móc, nhưng cuối cùng sẽ dẫn đến sự mất mát đáng kể về sự thật của sự vật, cản trở việc truyền thông liên bản vị và đe dọa đến chính nhân tính của chúng ta. Thông tin không thể tách rời khỏi các mối quan hệ sống động. Những điều này liên quan đến cơ thể và sự hòa nhập vào thế giới thực; chúng liên quan đến mối tương quan không chỉ giữa dữ kiện mà còn cả trải nghiệm của con người; chúng đòi hỏi sự nhạy cảm với khuôn mặt và nét mặt, lòng cảm thương và sự chia sẻ.

Ở đây tôi nghĩ đến việc đưa tin về các cuộc chiến tranh và “cuộc chiến tranh song song” đang được tiến hành thông qua các chiến dịch đưa tin sai lệch. Tôi cũng nghĩ đến tất cả những phóng viên đã bị thương hoặc thiệt mạng khi làm nhiệm vụ để giúp chúng ta thấy được những gì chính họ đã chứng kiến. Bởi vì chỉ bằng cách tiếp xúc trực tiếp với nỗi đau khổ của trẻ em, phụ nữ và nam giới, chúng ta mới có thể đánh giá sự vô lý của chiến tranh.

Việc sử dụng trí khôn nhân tạo có thể đóng góp tích cực cho lĩnh vực truyền thông, miễn là nó không loại bỏ vai trò của báo chí trên thực địa mà còn cố gắng hỗ trợ nó. Với điều kiện là nó đánh giá tính chuyên nghiệp của truyền thông, làm cho mọi người truyền thông ý thức hơn về trách nhiệm của mình và giúp mọi người trở thành những người tham gia sáng suốt vào công việc truyền thông như họ nên làm.

Các câu hỏi cho hôm nay và tương lai

Về vấn đề này, một số câu hỏi được đặt ra một cách tự nhiên. Làm thế nào để chúng ta bảo vệ tính chuyên nghiệp và phẩm giá của người lao động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, cùng với phẩm giá của người dùng trên toàn thế giới? Làm thế nào để chúng ta bảo đảm khả thể tương tác của các hệ điều hành (platforms)? Làm cách nào để chúng ta cho phép các doanh nghiệp phát triển hệ điều hành kỹ thuật số chấp nhận trách nhiệm của họ đối với nội dung và quảng cáo giống như cách các biên tập viên của phương tiện truyền thông truyền thống? Làm cách nào để chúng ta làm minh bạch hơn các tiêu chuẩn hướng dẫn hoạt động của các thuật toán để đánh chỉ số và hủy đánh chỉ số cũng như cho các công cụ tìm kiếm có khả năng tôn vinh hoặc hủy bỏ các cá nhân và ý kiến, lịch sử và văn hóa? Làm thế nào để chúng ta bảo đảm tính minh bạch của việc giải quyết thông tin? Làm thế nào để chúng ta xác định được nguồn tác giả của các bài viết và khả năng truy tìm nguồn gốc của các nguồn được che giấu đằng sau lá chắn vô danh? Làm cách nào để chúng ta làm rõ liệu một hình ảnh hoặc video đang mô tả hay mô phỏng một sự kiện? Làm cách nào để ngăn chặn việc giảm bớt các nguồn thành một nguồn duy nhất, từ đó thúc đẩy một đường lối duy nhất, được phát triển trên cơ sở một thuật toán? Thay vào đó, chúng ta thúc đẩy một môi trường phù hợp để bảo tồn chủ nghĩa đa nguyên và làm thế nào phác họa tính phức tạp của thực tại? Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra một kỹ thuật bền vững mạnh mẽ, tốn kém và tiêu tốn năng lượng như vậy? Và làm thế nào chúng ta có thể làm cho các nước đang phát triển có thể tiếp cận được với nó?

Câu trả lời mà chúng ta đưa ra cho những câu hỏi này và những câu hỏi khác sẽ quyết định liệu trí khôn nhân tạo có tạo ra các đẳng cấp mới dựa trên khả năng tiếp cận thông tin và do đó làm phát sinh các hình thức bóc lột và bất bình đẳng mới hay không. Hoặc, liệu nó có dẫn đến sự bình đẳng hơn bằng cách thúc đẩy thông tin chính xác và nhận thức rõ hơn về sự thay đổi mang tính thời đại mà chúng ta đang trải qua bằng cách giúp chúng ta có thể thừa nhận nhiều nhu cầu của các cá nhân và các dân tộc trong một mạng lưới thông tin đa nguyên và có cấu trúc tốt hay không. Liệu, một mặt, chúng ta có thể thoáng thấy bóng ma của một hình thức nô lệ mới, mặt khác, chúng ta cũng có thể hình dung ra một phương tiện mang lại tự do lớn hơn; liệu khả thể một số ít người được chọn có thể điều khiển suy nghĩ của người khác hoặc tất cả mọi người có thể tham gia vào việc phát triển tư duy hay không.

Câu trả lời mà chúng ta đưa ra cho những câu hỏi này không được xác định trước; nó phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta có quyền quyết định liệu chúng ta sẽ trở thành thức ăn cho các thuật toán hay sẽ nuôi dưỡng trái tim của chúng ta bằng sự tự do mà nếu không có nó thì chúng ta không thể lớn lên trong sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan như vậy trưởng thành bằng cách sử dụng thời gian một cách khôn ngoan và chấp nhận những điểm yếu của chúng ta. Nó phát triển trong giao ước giữa các thế hệ, giữa những người nhớ về quá khứ và những người nhìn về tương lai. Chỉ cùng nhau, chúng ta mới có thể nâng cao khả năng phân định, cảnh giác và khả năng nhìn mọi thứ dưới ánh sáng của sự thành tựu của chúng. Kẻo nhân tính của chúng ta mất phương hướng, chúng ta hãy tìm kiếm sự khôn ngoan vốn có trước mọi sự (x. Hc 1:4): nó cũng sẽ giúp chúng ta đưa các hệ thống trí khôn nhân tạo vào phục vụ việc truyền thông trọn vẹn của con người.

Rôma, tại Nhà thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 24 Tháng Giêng năm 2024
 
Sân bay Belbet bị tấn công, Nga đóng cầu Kerch. Kyiv: Để giữ Kharkiv, Mỹ phải cho bắn ATACMS vào Nga
VietCatholic Media
16:00 15/05/2024


1. Ukraine phóng hỏa tiễn tấn công Sevastopol, căn cứ không quân Belbet bị tấn công. Nga phải đóng cầu Kerch.

Tờ Kyiv Independent có bài tường trình nhan đề “Russian proxy: Missile attack causes fires, explosions in occupied Sevastopol” nghĩa là “Chính quyền bù nhìn của Nga: Cuộc tấn công hỏa tiễn gây cháy, nổ ở Sevastopol bị tạm chiếm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo chính quyền bù nhìn và các cơ quan truyền thông Nga, một cuộc tấn công hỏa tiễn vào vùng Crimea bị tạm chiếm vào đêm 15 Tháng Năm đã gây ra vụ nổ và hỏa hoạn ở thành phố Sevastopol.

Các đơn vị phòng không Nga đã “đẩy lùi một cuộc tấn công lớn” nhằm vào Sevastopol trong đêm 15 tháng 5, nhà lãnh đạo Sevastopol do Nga bổ nhiệm, Mikhail Razvozhayev, tuyên bố qua Telegram.

Razvozhayev cho biết mảnh vỡ của một hỏa tiễn bị đánh chặn đã tấn công các doanh nghiệp tư nhân. Không có thương vong nào được báo cáo.

Người dân địa phương nói với kênh tin tức Telegram Astra của Nga rằng người ta đã nghe thấy rất nhiều tiếng nổ gây ra chấn động mạnh trong thành phố và đám cháy vẫn đang bùng cháy gần phi trường quân sự Belbek.

Các nhà chức trách được cho là đã đóng cửa giao thông trên Cầu Crimea trong bối cảnh cuộc tấn công hỏa tiễn.

Lực lượng Ukraine trước đó đã tấn công phi trường Belbek bằng hỏa tiễn hành trình tầm xa Scalp/Storm Shadow vào ngày 31 Tháng Giêng, làm hư hại ít nhất 3 máy bay quân sự của Nga.

Trong những tháng gần đây, Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công vào Crimea bị tạm chiếm, nhắm vào các tài sản quân sự của Nga trong và xung quanh Hắc Hải.

2. Putin ký sắc lệnh chính thức bổ nhiệm Belousov làm tân bộ trưởng quốc phòng Nga

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin signs decree officially appointing Belousov as new Russian defense minister”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Putin đã chính thức bổ nhiệm Andrei Belousov làm tân bộ trưởng quốc phòng, theo sắc lệnh được ký đăng trên trang web của Điện Cẩm Linh ngày 14 Tháng Năm. Diễn biến này xảy ra đồng thời với việc các thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nga lần lượt nộp đơn xin từ chức.

Trong ngày 14 Tháng Năm, hai thứ trưởng Sergei Tsalikov, 67 tuổi; và thứ trưởng Alexey Kryvoruchko, 48 tuổi đã nộp đơn từ chức.

Sáng thứ Tư 15 Tháng Năm, nữ thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nga, Tatiana Shevtsova, người phụ trách dòng tài chính trong Bộ Quốc phòng, cũng từ chức. Bà được coi là thân thiết với Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Sergei Shoigu.

Putin đề xuất hôm 12 Tháng Năm rằng Belousov, cựu trợ lý và bộ trưởng kinh tế Nga giai đoạn 2012-2013, nên thay thế Sergei Shoigu làm bộ trưởng quốc phòng trong một cuộc cải tổ bất ngờ bộ máy an ninh và quốc phòng Nga.

Shoigu đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì thành tích kém cỏi của quân đội Nga ở Ukraine. Thay vì bị loại bỏ hoàn toàn khỏi các chức vụ cao cấp trong chính phủ Nga, Shoigu nhận được sự thay đổi vị trí có phần cao hơn khi được bổ nhiệm làm thư ký mới của hội đồng an ninh Nga.

Cựu thư ký Nikolai Patrushev đã được bổ nhiệm lại làm trợ lý cho Putin.

Theo truyền thông Nga, Belousov là một người trung thành với Putin và là thành viên trong nhóm thân cận của ông. Giống như Shoigu, Belousov không có kinh nghiệm quân sự trước khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, Belousov nói rằng người tiền nhiệm của ông đã hiện đại hóa Lực lượng vũ trang Nga và Putin hiện đã “đặt ra nhiệm vụ bảo đảm sự tích hợp nền kinh tế của Lực lượng vũ trang vào nền kinh tế đất nước”.

Theo RIA Novosti, điều này “ngụ ý việc tăng hiệu quả chi tiêu quân sự”.

Về các ưu tiên của ông trên cương vị bộ trưởng, “tất cả các vấn đề cấp bách nhất hiện nay đều liên quan đến hoạt động quân sự đặc biệt” Belousov nói.

Nga sử dụng thuật ngữ “hoạt động quân sự đặc biệt” để đề cập đến cuộc xâm lược bất hợp pháp vào Ukraine đã bị quốc tế lên án,

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga Belousov được mô tả là một kẻ hiếu chiến, theo ý thức hệ thế giới Nga, cuồng nhiệt chống đối kinh tế thị trường và ca ngợi việc quốc doanh hoá nền kinh tế. Belousov cũng được mô tả là một người kiêu căng, thích gây tranh cãi, và cô đơn.

3. Bộ trưởng Quốc phòng Anh khẳng định chúng tôi sẽ không bán đứng Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “We won’t sell Ukraine down the river, insists UK defense chief”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps tuyên bố hôm thứ Ba rằng Anh sẽ không quay lưng lại với việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Phát biểu khi Vương quốc Anh công bố kế hoạch đóng sáu tàu hải quân mới, Shapps khẳng định chính phủ của ông sẽ không bao giờ buộc Ukraine phải ký một thỏa thuận hòa bình.

Diễn biến này xảy ra sau một báo cáo cuối tuần của tờ Sunday Times rằng đồng nghiệp trong Nội các của Shapps, David Cameron, đã đề cập đến ý tưởng về một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine trong cuộc gặp với Donald Trump hồi đầu năm nay.

“Thật là vô lý khi cho rằng Anh cố gắng thuyết phục, bằng vũ lực hay bằng cách khác, rằng Ukraine phải chấp nhận từ bỏ một số lãnh thổ của họ. Đó là một quyết định hoàn toàn dành cho Ukraine,” Bộ trưởng Quốc phòng Shapps nói với Times Radio hôm thứ Ba khi được hỏi về bản báo cáo.

“Tôi không nghĩ việc Putin giành chiến thắng trong cuộc chiến này là điều hợp lý. Và điều quan trọng là ông ta phải bị đánh bại.”

Những bình luận của ông đánh dấu nỗ lực mới nhất nhằm giảm bớt những đồn đoán về cuộc gặp vào tháng 4 giữa Cameron với cựu Tổng thống Trump, nhằm mục đích thuyết phục đảng Cộng hòa Hoa Kỳ ủng hộ thêm viện trợ quân sự cho Ukraine trong bối cảnh có sự phản đối tại Hạ Viện Hoa Kỳ.

Trích dẫn một “nguồn cao cấp”, tờ Sunday Times đưa tin rằng Cameron đã nói với cựu Tổng thống Trump: “Những điều kiện tốt nhất để ông với tư cách là tổng thống có thể đạt được một thỏa thuận vào Tháng Giêng là gì? Đó là cả hai bên đều giữ vững giới tuyến của mình và phải trả giá cho điều đó.” Nói cách khác, cần phải giữ tình trạng như hiện nay, theo nghĩa là Ukraine không bị bại trận.

Đề xuất của Cameron, như được mô tả trong bài báo của The Times, khác với quan điểm công khai của Luân Đôn về các cuộc đàm phán hòa bình có thể xảy ra giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa. Luân Đôn không chấp nhận đàm phán nhường lại lãnh thổ cho Nga mà luôn luôn khẳng định rằng Nga phải rút quân khỏi Ukraine và bồi thường thiệt hại chiến tranh.

Chính Ngoại trưởng Cameron đã nói rằng “hòa bình đến nhờ sức mạnh chứ không phải nhờ sự xoa dịu và yếu đuối”.

Khi được hỏi về những tuyên bố đó, Ngoại trưởng Cameron nói “Tôi không công nhận những báo cáo đó… quan điểm của chúng tôi không thay đổi. Putin phải thất bại.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine trong thời gian cần thiết để đẩy lùi sự xâm lược của Nga”.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tránh xa báo cáo khi được hỏi hôm thứ Hai. “Tôi chưa xem bài báo này của Sunday Times, vì vậy hãy tha thứ cho tôi vì điều đó,” ông nói. “Nhưng điều tôi có thể nói với bạn là chúng ta đã dẫn đầu khi nói đến viện trợ dành cho Ukraine.”

Điều đó đã được lặp lại bởi Shapps hôm thứ ba. Bộ trưởng Quốc phòng nói với BBC: “Đúng là chúng ta cung cấp cả hỗ trợ quân sự và sự rõ ràng về mặt đạo đức rằng việc một kẻ chuyên quyền bước vào một quốc gia dân chủ láng giềng luôn là điều không thể chấp nhận được”. “Chúng ta nên ủng hộ Ukraine hoàn toàn để đuổi Nga ra khỏi toàn bộ lãnh thổ của họ.”

Đảng Lao động đối lập của Anh cũng nhấn mạnh họ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine, với việc Bộ trưởng Ngoại giao đối lập David Lammy và Bộ trưởng Quốc phòng đối lập John Healey đến thăm thủ đô Kyiv của đất nước để bày tỏ điều mà họ gọi là “cam kết sắt đá” của Vương Quốc Anh.

4. Blinken hát và chơi guitar cùng ban nhạc địa phương ở Kyiv

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Blinken sings, plays guitar with local band in Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tham gia cùng một ban nhạc địa phương ở Kyiv hôm Thứ Ba, 14 tháng 5 để biểu diễn ca khúc “Rockin' in the Free World” của Neil Young.

Blinken đến Kyiv trong một chuyến thăm bất ngờ vào buổi sáng cùng ngày trong một chuyến đi được cho là nhằm “gửi một tín hiệu trấn an mạnh mẽ tới người Ukraine, những người rõ ràng đang ở trong thời điểm rất khó khăn”.

Trong video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, Ngoại trưởng Blinken hát và chơi guitar cùng với các nhạc sĩ khác trên sân khấu tại quán bar Barman Diktat.

Kyiv Independent đã liên hệ với quán bar và xác nhận rằng Blinken đã chơi ở đó nhưng không thể cung cấp thêm thông tin do lo ngại về an ninh.

Blinken thẳng thắn bày tỏ tình yêu dành cho âm nhạc, điều mà ông cho rằng đó là “niềm đam mê phi chính trị lớn nhất” của mình.

Bộ trưởng đã gây ngạc nhiên cho đám đông tại một sự kiện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2023 khi trình diễn bản cover “Hoochie Coochie Man” của Muddy Waters cùng với một ban nhạc.

5. Chiến tranh Ukraine mới nhất: Quan chức Ukraine cho biết 30.000 quân Nga tham gia cuộc tấn công ở Kharkiv

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine war latest: 30,000 Russian troops involved in Kharkiv Oblast offensive, Ukrainian official says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hơn 30.000 binh sĩ Nga đang tiến hành một cuộc tấn công mới ở Kharkiv, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Oleksandr Lytvynenko cho biết trong một cuộc phỏng vấn với AFP công bố ngày 13 Tháng Năm.

Quân đội Nga phát động làn sóng tấn công mới vào ngày 10 Tháng Năm, chủ yếu tập trung vào các khu định cư biên giới ở tỉnh Kharkiv.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine ngày 13 Tháng Năm cho biết Nga đã “thành công về mặt chiến thuật” trong cuộc chiến giành lại Vovchansk, một thị trấn ở phía bắc tỉnh Kharkiv. Thống đốc Oleh Syniehubov cho biết giao tranh đô thị đang diễn ra ở vùng ngoại ô phía bắc thị trấn.

“Theo báo cáo của họ, quân đội đã sẵn sàng đẩy lùi cuộc tấn công, đang chiến đấu hết mình. Nhưng có khá nhiều người Nga”, Lytvynenko nói.

Ông nói, tổng cộng, Nga đã triển khai khoảng 50.000 binh sĩ ở biên giới với tỉnh Kharkiv trước cuộc tấn công.

Lytvynenko nói thêm rằng hiện tại không có mối đe dọa về một cuộc tấn công vào thành phố Kharkiv, lặp lại những tuyên bố trước đó của chính quyền địa phương.

Lực lượng Nga đã thất bại trong việc chiếm Kharkiv trong những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện mặc dù thực tế là thành phố này nằm cách biên giới Nga chưa đầy 30 km.

Oleksandr Pivnenko, chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, cho biết Nga “sẽ cần nhiều năm” để chiếm Kharkiv trong bối cảnh có mối đe dọa về một cuộc tấn công mới.

Bộ Tổng tham mưu cho biết quyết định này được đưa ra do hỏa lực dữ dội của Nga và việc bắn phá các vị trí của Ukraine, đồng thời nói thêm rằng “cuộc giao tranh vẫn đang tiếp diễn”.

Nga đã phát động một cuộc tấn công mới ở Kharkiv vào ngày 10 tháng 5. Lukiantsi nằm cách biên giới bang Ukraine-Nga gần 5 km về phía nam.

Vovchansk, một thị trấn biên giới cách Lukiantsi khoảng 30 km về phía đông, đã trở thành mục tiêu chính của quân đội Nga trong những ngày gần đây.

Quân đội báo cáo rằng Nga đã “thành công một phần” gần Lukantsi vào ngày 13 tháng 5. Theo dịch vụ giám sát DeepState có nguồn gốc từ cộng đồng chuyên theo dõi những thay đổi trên chiến tuyến, lực lượng Nga đã xâm lược thị trấn.

Theo Bộ Tổng tham mưu, các đơn vị Ukraine đang đẩy lùi một cuộc tấn công của Nga theo hướng Shebekino-Vovchansk. Tại Vovchansk, quân đội đang kiểm tra một khu đô thị sau khi có báo cáo về giao tranh ở ngoại ô phía bắc vào ngày 13 Tháng Năm.

Bộ Tổng tham mưu cho biết: “Tình hình đã được kiểm soát”.

Thống đốc Oleh Syniehubov đưa tin, hơn 7.500 thường dân ở phía bắc tỉnh Kharkiv đã được di tản khỏi nhà trong bối cảnh giao tranh ác liệt trong khu vực.

6. Reuters cho biết Pháp và Hà Lan muốn Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt các tổ chức tài chính giúp đỡ quân đội Nga

Pháp và Hà Lan đang ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên minh Âu Châu đối với bất kỳ tổ chức tài chính nào hỗ trợ quân đội Nga, Reuters đưa tin hôm 14 Tháng Năm.

Liên Hiệp Âu Châu đã thông qua 13 gói trừng phạt nhằm đáp trả việc Nga xâm lược toàn diện Ukraine, nhằm mục đích làm suy yếu sản lượng kinh tế và khả năng duy trì chiến tranh của Mạc Tư Khoa.

Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu dự kiến sẽ đưa ra đợt trừng phạt thứ 14 vào tháng 6.

Theo đề xuất được Reuters đọc, một hình phạt mới do Pháp và Hà Lan đưa ra sẽ cấm bất kỳ ai ở Liên Hiệp Âu Châu hợp tác kinh doanh với bất kỳ tổ chức tài chính nào giúp quân đội Nga mua hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng.

Hạn chế sẽ áp dụng cho bất kỳ tổ chức tài chính nào trên toàn thế giới, không chỉ ở Âu Châu.

“Hà Lan và Pháp đề xuất đưa ra cơ sở pháp lý… quy định lệnh cấm giao dịch với các tổ chức tài chính ở Nga hoặc các nước thứ ba khác khi Hội đồng xác định các thực thể này có liên quan đến các giao dịch hỗ trợ đáng kể cho quân đội Nga bằng cách tạo điều kiện xuất khẩu sang Nga. hàng hóa thiết yếu cho nỗ lực chiến tranh, chẳng hạn như hàng hóa và công nghệ có công dụng kép”, đề xuất viết.

Nếu Liên Hiệp Âu Châu thông qua đề xuất này, lệnh cấm có thể là một công cụ hiệu quả chống lại việc trốn tránh các lệnh trừng phạt. Nó có thể ngăn cản các tổ chức tài chính ở Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các thỏa thuận cung cấp cho Nga các mặt hàng có công dụng kép đã bị trừng phạt, vì họ sẽ có nguy cơ mất quyền tiếp cận thị trường Âu Châu.

Lệnh cấm thậm chí có thể gây áp lực buộc Trung Quốc phải thu hẹp lại các thỏa thuận về hàng hóa có công dụng kép với Nga.

Các mặt hàng được phân loại là “công dụng kép” được coi là có cả ứng dụng dân sự và quân sự, đồng thời được sử dụng để lách các biện pháp trừng phạt đối với việc bán vũ khí cho Nga. Hàng hóa lưỡng dụng được bán cho Mạc Tư Khoa bao gồm chất bán dẫn, rất quan trọng để sản xuất hệ thống thông tin liên lạc và thiết bị tác chiến điện tử.

Chế độ trừng phạt hiện tại của Liên Hiệp Âu Châu đã cấm bán một số công nghệ lưỡng dụng nhất định cho Nga.

Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu dự kiến sẽ thảo luận về đề xuất Pháp-Hà Lan vào ngày 15 Tháng Năm.

7. Ukraine ép Tổng thống Biden dỡ bỏ lệnh cấm dùng vũ khí Mỹ tấn công trên đất Nga

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine presses Biden to lift ban on using US weapons to strike Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các quan chức Ukraine đang thực hiện một nỗ lực mới để yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công bên trong Nga, nói rằng chính sách này khiến họ không thể tấn công các vị trí của Nga, nơi quân xâm lược chuẩn bị cho cuộc hành quân lớn tới Kharkiv.

Một nhóm thành viên Quốc Hội Ukraine sẽ có mặt tại Washington trong tuần này để tranh thủ sự ủng hộ của quốc hội về vấn đề này, là điều mà họ coi là đang cản trở nỗ lực chiến tranh của Ukraine khi Kyiv tìm cách tấn công các kho tiếp tế quân sự của Nga ở biên giới.

Chỉ trong tuần này, hàng chục ngàn binh sĩ Nga đã tràn qua biên giới phía đông bắc Ukraine trong một cuộc tấn công mà các quan chức tình báo Ukraine đã dự đoán từ nhiều tháng. Người Nga đang tấn công vào các đơn vị Ukraine quá căng thẳng và thiếu trang bị đang phải rút lui khi tập hợp lại.

Các quan chức Ukraine đã theo dõi trong nhiều tuần khi người Nga tập trung gần biên giới Ukraine, nhưng, do chính sách của Washington, họ lại không thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu. Chính quyền Tổng thống Biden, với điều kiện để gửi vũ khí tầm xa tới Ukraine, cho biết chúng không thể được sử dụng để tấn công bên trong lãnh thổ Nga.

“Vấn đề chính hiện nay là chính sách của Tòa Bạch Ốc đang hạn chế khả năng của chúng tôi tấn công các mục tiêu quân sự bên trong Nga”, David Arakhamia, chủ tịch đảng Nô bộc của Nhân dân chiếm đa số tại quốc hội Ukraine, cho biết trong chuyến thăm Washington hôm thứ Ba.

Nga nhận thức rõ về hạn chế này và đã có thể tập trung ít nhất 30.000 binh sĩ và thiết bị ở biên giới mà không sợ bị tấn công bởi Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội do Mỹ cung cấp mà Ukraine đã sử dụng để gây ra tác động tàn phá đối với quân đội Nga bên trong Ukraine.

Oleksandra Ustinova, nhà lãnh đạo ủy ban quốc hội đặc biệt của Ukraine về vũ khí và đạn dược, cho biết trong một cuộc phỏng vấn riêng: “Chúng tôi thấy quân đội của họ nằm cách biên giới bên trong Nga 1 hoặc 2 km và chúng tôi không thể làm gì về điều đó”.

Kể từ đó, Nga đã giành lại vùng lãnh thổ mà Ukraine đã chiếm được vào năm ngoái trong cuộc phản công, đẩy lực lượng Nga vượt qua biên giới.

Các thành viên Quốc Hội này là thành viên của một nhóm lớn hơn gồm các nhà lập pháp Ukraine họp với khoảng chục văn phòng quốc hội trong tuần này để cố gắng tranh thủ họ trong nỗ lực buộc Tòa Bạch Ốc phải thay đổi đường lối.

Hai quan chức Mỹ khi được yêu cầu bình luận đều khẳng định chính sách của chính quyền Tổng thống Biden không thay đổi. Một quan chức giấu tên cho biết: “Sự hỗ trợ này nhằm mục đích phòng thủ chứ không phải cho các hoạt động tấn công trên lãnh thổ Nga”.

Cuộc tấn công của Nga đang lợi dụng vấn đề nhân lực của Ukraine và việc thiếu hệ thống phòng thủ được chuẩn bị phù hợp gần Kharkiv, khiến thành phố 1 triệu dân gặp nguy hiểm và có khả năng mang lại cho Nga một chỗ đứng mới quan trọng ở nước này.

Hồi tháng 3, Vladimir Putin cho biết ông ta đang xem xét thiết lập vùng đệm gần Kharkiv để gây khó khăn hơn cho Ukraine trong việc phóng máy bay không người lái nhỏ nhắm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga, một chiến thuật mà Kyiv đã sử dụng trong nhiều tháng để tấn công nền kinh tế Mạc Tư Khoa.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh đánh giá hôm thứ Hai rằng lực lượng Nga đã chiếm được một số thị trấn gần biên giới và đang phá hủy các cây cầu để gây khó khăn hơn cho Ukraine trong việc phản công, những động thái này “cho thấy lực lượng Nga đang ưu tiên tạo ra một 'vùng đệm' ' hơn là sự xâm nhập sâu hơn.

Việc chính quyền Tổng thống Biden hạn chế sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất bên trong lãnh thổ Nga đã được áp dụng kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào tháng 2 năm 2022, và từ lâu đã khiến các quan chức Ukraine thất vọng.

Người Nga “bây giờ rất thông minh”, Ustinova nói, “bởi vì họ biết có một hạn chế đối với người Ukraine khi bắn vào lãnh thổ Nga. Và chúng tôi thấy tất cả các thiết bị quân sự của họ nằm cách biên giới gần Kharkiv một hoặc hai km và chúng tôi không thể làm gì được.”

Chính phủ Anh trong tháng này đã dỡ bỏ lệnh hạn chế tương tự đối với việc sử dụng vũ khí của Anh ở Nga, một thông báo được Ngoại trưởng Anh David Cameron đưa ra trong chuyến thăm Kyiv. Ông nói: “Giống như việc Nga đang tấn công bên trong Ukraine, bạn có thể hiểu khá rõ tại sao Ukraine cảm thấy cần phải bảo đảm rằng họ có thể tự vệ”.

Các quan chức Mỹ ngày càng tin rằng kế hoạch huy động các đơn vị quân sự mới của Putin, cùng với nguồn đạn dược bổ sung từ Bắc Kinh và sự giảm bớt sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kyiv, có thể giúp ông ta giành chiến thắng ở Ukraine - và sớm hơn dự kiến.

Đó có thể không phải là chiến thắng mà Putin mong muốn ban đầu, là việc tiếp quản hoàn toàn Ukraine. Nhưng đến cuối năm nay, ông ta có thể sử dụng lợi ích của mình để đàm phán các điều kiện có lợi cho Mạc Tư Khoa, ba quan chức quen thuộc với tình báo phương Tây cho biết.

Phân tích này nghiêm khắc hơn đáng kể so với phân tích được các quan chức Mỹ đưa ra sáu tháng trước và cho thấy việc thiếu đạn dược trong hàng ngũ Ukraine và vị thế tăng cường của Nga trên chiến trường đã thay đổi cục diện cuộc chiến.

Các quan chức cho biết, nhà lãnh đạo Nga đã chỉ huy một đội ngũ chiến binh bán quân sự mới, điều này sẽ cho phép ông tài trợ và cung cấp nguồn lực cho đợt huy động mới vào mùa hè này.

Những chiến binh trước đây được Wagner tuyển dụng - lực lượng bán quân sự do Yevgeny Prigozhin chỉ huy - đã tập hợp thành các đơn vị mới sẽ được sử dụng để củng cố các vị trí của Nga ở Ukraine.

Những đội quân mới này sẽ giúp Nga có khả năng tiến về Kharkiv, nơi đang ngày càng bị tấn công bởi các cuộc không kích và hỏa tiễn của Nga để chuẩn bị cho cuộc tấn công trên bộ. Các lực lượng mới cũng sẽ cho phép quân đội ít kinh nghiệm hơn giữ vững vùng đất đã chiếm được, tạo ra một thực tế mới ảm đạm cho Kyiv khi nước này gặp khó khăn trong việc tuyển mộ quân mới.

Ukraine trong nhiều tháng đã tiến hành các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga bằng cách sử dụng máy bay không người lái nhỏ của mình để tấn công các cơ sở dầu mỏ. Tuy nhiên, các quan chức ở Kyiv khẳng định họ cần hỏa tiễn mạnh hơn của Mỹ để xuyên thủng hệ thống phòng không của Nga dọc biên giới.

“Mọi người đều biết người Nga gần Kharkiv đang đưa nhân lực đến, mọi người đều biết họ mang theo rất nhiều hệ thống pháo, vì vậy điều họ nhắm làm bây giờ là biến Kharkiv thành Mariupol thứ hai, hay Aleppo,” Ustinova nói.

Bà nói: “Chúng tôi tiếp tục quay lại vấn đề tương tự. Bạn đưa cho chúng tôi một cây gậy nhưng lại không cho chúng tôi sử dụng nó.”

8. Nga không kích Kharkiv, 21 người bị thương, trong đó có 3 trẻ em

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Tư, 15 Tháng Năm, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết lực lượng Nga đã thực hiện nhiều cuộc không kích nhằm vào thành phố Kharkiv vào ngày 14 Tháng Năm, làm ít nhất 21 người bị thương, trong đó có 3 trẻ em.

Khi lực lượng Nga tiến hành các hoạt động tấn công mới ở phía bắc tỉnh Kharkiv vào ngày 10 tháng 5, cả Kharkiv và một số khu định cư ở biên giới đều bị tấn công nặng nề.

Những vụ nổ đầu tiên được nghe thấy vào khoảng 4 giờ chiều giờ địa phương ngày Thứ Ba, 14 Tháng Năm,.

Cô báo cáo rằng quân đội Nga đã tấn công khu vực trung tâm thành phố, làm hư hại một tòa nhà chung cư 12 tầng và ít nhất 10 gara gần đó.

Ít nhất sáu người phải vào bệnh viện do vụ tấn công vào khoảng 6 giờ chiều giờ địa phương.

Một giờ sau, 18 người được xác nhận bị thương, trong đó có hai bé gái 12 và 8 tuổi cũng như một bé trai 12 tuổi. Một người đàn ông 87 tuổi là nạn nhân lớn tuổi nhất của vụ tấn công.

Văn phòng Công tố địa phương đưa tin, số người thương vong đã tăng lên 21 người vào lúc 9 giờ tối. Các công tố viên cho biết có 7 người đàn ông, 11 phụ nữ và 3 trẻ em trong số những người bị thương.

Theo Văn phòng Công tố, lực lượng Nga đã tấn công Kharkiv bằng loại bom UMPB D-30.

Văn phòng Công tố cho biết tổng cộng có gần 20 tòa nhà chung cư, một cơ sở giáo dục và 13 phương tiện bị hư hỏng, trong khi 4 xe hơi và 15 gara bị phá hủy hoàn toàn.

Rạng sáng ngày 14 Tháng Năm, quân đội Nga còn tấn công Kharkiv bằng bom UMPB D-30, gây thiệt hại trong thành phố và thương vong cho dân thường.