Phóng sự: Về sinh hoạt ca đoàn Mông Triệu ở San Jose, California

SAN JOSE - "Maria, Maria, Mẹ ơi, Mẹ ơi!..." Đó là tiếng hát ngọt ngào, diệu vợi của ca đoàn được cất lên trong phần nhập lễ, gợi lên tình cảm yêu thương bao la của Mẹ Maria. Tiếng hát thổn thức đã làm cho cả ngàn con tim rạo rực, xúc động Đó là tiếng hát của ca đoàn Mông Triệu, thuộc cộng đoàn giáo xứ thánh Maria Goretti ở San Jose, California.

Trên cung thánh Đức Ông Đỗ Văn Đĩnh, Cha Nguyễn Mạnh Tân, cử hành thánh lễ mừng Đức Mẹ Lên Trời. Lòng nhà thờ chật ních giáo dân. Hàng nghìn con mắt hướng về phía ca đoàn, vừa ngạc nhiên, vừa đầy vẻ thán phục. Ðó là giây phút mở đầu cho thánh lễ ca đoàn Mông Triệu mừng lễ bổn mạng “Đức Mẹ Lên Trời”. Ngày mừng lễ của ca đoàn gồm hai phần. Ban sáng là thánh lễ mừng Đức Mẹ Lên Trời và chiều tối là tiệc mừng và trình diễn văn nghệ kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 19 của ca đoàn.

Nhân dịp này, tôi đến sinh hoạt với ca đoàn, nghe họ nói xem họ làm để biết tinh thần ca viên thế nào? Làm sao họ duy trì được tinh thần đoàn kết? Hoạt động của họ có ảnh hưởng gì đến công việc truyền giáo v.v..?

Tinh Thần Ca Viên

Ca đoàn Mông Triệu gồm một nhóm khoảng 50 anh chị, tuổi đời lẫn lộn trong khoảng từ 16 đến 40, được đặt dưới tay nhịp của hai ca trưởng: anh Nguyễn Duy Anh Dũng và chị Nguyễn Hoàng Linh. Các nữ ca viên là những thiếu nữ duyên dáng yêu kiều, đầy tinh thần lạc quan. Các nam ca viên là những thanh niên với khuôn mặt rạng rỡ, biệu lộ một tinh thần dấn thân sống đạo.

Ca trưởng Anh Dũng
Tôi không biết nhiều về ca trưởng Nguyễn Duy Anh Dũng, nhưng chị Phạm Kim Thanh, Đoàn Phó đặc trách ngoại vụ của ca đoàn nói với tôi:

- Cậu Dũng, cả đạo lẫn đời, cái gì cũng được cả, không chê vào đâu được, đúng là mười phân vẹn mười.

Rồi thành thực hơn, chị nói thêm:

- Học hành thành tài, sự nghiệp đầy đủ. Vậy mà cuối tháng 8 này, cậu Dũng giã từ bạn bè, giã từ ca đoàn để đi tu làm linh mục. Ca đoàn biết lý tưởng của Dũng nên ai cũng khuyến khích và hứa cầu nguyện cho Dũng.

Câu chuyện Dũng đi tu không làm tôi ngạc nhiên lắm vì tại San Jose này, đã có mấy trường hợp, trưởng ca đoàn, trưởng thiếu nhi Thánh Thể đã theo tiếng Chúa gọi làm linh mục. Chuyện Dũng đi tu chỉ làm tôi thêm xác tín một điều mà nhiều vị Giám Mục Hoa Kỳ thường nói:“Giáo dân Việt Nam là hồng ân của Chúa ban cho Giáo Hội Mỹ và là nguồn cung cấp ơn kêu gọi cho Giáo Hội Hoa Kỳ”. Và cũng nhờ câu chuyện Dũng đi tu, tôi mới hiểu tại sao nữ ca trưởng Hoàng Linh đang cố gắng trau luyện để ca đoàn Mông Triệu giữ mãi được tiếng thơm là ca đoàn hát hay trong gần 2 thập niên, do công gầy dựng của những ca trưởng dầy dạn kinh nghiệm như luật sư Trần Đình Bá, nữ ca trưởng Túy Vân, một thời lừng danh với vai trò xướng ngôn viên ăn khách nhất của chương trình Phát Thanh Công Giáo:Tiếng Vọng Tình Thương.Lần đầu tiên tôi gặp Hoàng Linh trong ngày ca đoàn mừng lễ bổn mạng lần thứ 19. Hoàng Linh còn rất trẻ, các ca viên khoe với tôi:

“Hoàng Linh sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn”


Cái nét “mặn mà” của Hoàng Linh thế nào thì tôi không biết, xấu đẹp tùy người đối diện, và hình như thiên hạ vẫn bảo “Gầy: đẹp; Béo: dễ thương, Lùn: qúy phái”. Tuy nhiên, nếu nhìn cái cung cách Hoàng Linh điều khiển và sinh hoạt với ca đoàn, thì mới thầm cảm phục người con gái ấy đã biết đem tài năng phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội. Tài năng ấy đã không phí phạm vào những trò vui điên cuồng của thời đại.
Ca trưởng Hoàng Linh


Nhìn sang mấy anh chơi đàn cho ca đoàn, tôi thấy Trần Bình Minh dễ thương lạ lùng, với dáng dấp hào hoa, năng nổ, anh chơi Keyboard quá nhuần nhuyễn. Rồi Nguyễn Thành Sơn. Sơn có tâm tư trầm lặng, dáng dấp hiền từ, anh chơi guitare solo và sinh hoạt đều đặn với ca đoàn từ lâu lắm mà chính anh cũng chẳng còn nhớ ngày mình vào ca đoàn. Theo anh, công việc đệm đàn hàng tuần cho ca đoàn giúp anh nhiều cơ hội thăng tiến. Rồi Trịnh Long, dáng vẻ trí thức, cởi mở. Mỗi khi Long chơi guitare bass là hình như Long gởi hết tâm tư mình vào dòng nhạc.

Nhưng ai cũng phải ghi nhận một điều là trong số những con chim đầu đàn, có một kiện tướng sống chết với ca đoàn là anh Dương Minh Thưởng. Dù “tay xách nách mang, vợ con đùm đề”, nhưng tiếng piano của anh vẫn át tiếng con khóc, vẫn đạt trình độ nghệ thuật cao, giúp ca đoàn trình bày được những bản thánh ca tuyệt vời, đưa tâm hồn người dự lễ chìm đắm vào tâm tình thánh thiêng, dâng hiến, gợi lên những cảm nghiệm chứng tá đức tin của người Công Giáo Việt Nam.

Trong buổi văn nghệ mừng lễ bổn mạng, tôi say mê nhìn ngón tay Thưởng đang thoăn thoắt trên phím đàn Piano, thì Mai người nữ ca viên có giọng solo số một của ca đoàn, chỉ người đang hát trên sân khấu nói:

- Bác ơi, bác biết anh Đức Lâm của ca đoàn chúng con đang trình diễn trên sân khấu kia không? Anh ấy sinh hoạt trong ca đoàn với chúng con mấy năm nay rồi. Ấy vậy! mà điều đặc biệt là... là...

Mai đang nói bỗng ấp úng gượng gạo, tôi điền vào chỗ trống::

- Ý cháu muốn nói anh ấy “mười phân vẹn mười chứ gì.”

- Bác hiểu sai ý cháu rồi, cả ca đoàn cảm phục anh ấy lắm vì anh ấy không phải là người Công Giáo như cháu với bác đâu. Vất vả trăm chiều, mà anh ấy cố gắng đi tập hát vào mỗi chiều thứ Sáu và đi hát lễ với ca đoàn vào sáng Chúa Nhật. Chẳng đặng đừng anh mới phải vắng mặt. Mà nếu có những sinh hoat lớn của ca đoàn thì anh ấy đều có mặt hết.

Ca đoàn Mông Triệu
Được Mai cho biết câu chuyện của Đức Lâm tôi vội luồn ra phía hậu trường chờ Đức.

Chào cậu Đức, cậu hát được quá, thiên hạ vỗ tay râm ran kià.

-Cám ơn Bác.

- Giọng cậu ấm, chả thua gì Vũ Khanh, Sĩ Phú đâu, tôi vẫn thích giọng ấm như vậy, nghe nó thấm lắm.

Đức không nói gì thêm về lời phê bình của tôi mà bắt sang chuyện ca đoàn. Đức tâm sự:

- Ca đoàn này nhiều cái đặc biệt lắm bác ạ. Ca viên giao tiếp với nhau y như anh em ruột trong gia đình, mọi người yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Gặp nhau là thấy vui. Kià anh Tuấn là bác sĩ đấy mà có ai biết Tuấn là bác sĩ đâu, chỉ thấy Tuấn ăn nói ngọt nhạt, dễ thương.

-Vậy, có phải đó là lý do Đức gia nhập ca đoàn Công Giáo không?

- Không hẳn thế bác ạ. Lý do khác nữa là khi cháu vượt biên, lúc ở trại tỵ nạn, cháu có được đọc sách, được cha tuyên úy giúp đỡ nên cháu có biết qua về Chúa.

Khi thấy Đức nói về Chúa, giọng anh hơi cảm động, ánh mắt long lanh. Vừa lúc đó Nguyễn Thị Thanh Trang, người ca viên nhiệt tình hoạt động trong ca đoàn đến góp chuyện. Tôi lảng sang chuyện khác:

- Trang à, ai là người dễ thương nhất trong ca đoàn này, Trang biết không?

- Chị Kim Thanh bác ạ, chúng cháu gọi chị ấy là “má nuôi”. Rồi Trang “loè” tôi bằng một câu ca dao nói về chị Kim Thanh:

-“Có mẹ ăn cơm với cá

Thiếu mẹ liếm lá đầu đường”.

Tôi thầm cảm phục Mai vì sự hiểu biết văn chương Việt Nam, nhưng tôi cũng nghe em Nguyễn Viết nói về con chim đầu đàn Kim Thanh:

- Chị Kim Thanh có gia đình, hết lo cho chồng, cho con, lại “bù đầu” vào cơ sở thương mại bán Furniture của gia đình chị. Thế mà, mỗi tối thứ Sáu, sau khi đóng cửa tiệm, “má nuôi” cố chạy về Đền Thánh Tử Đạo Việt Nam để tập hát với ca đoàn. Rồi sáng Chúa Nhật sau khi hát lễ xong, lại “ba chân bốn cẳng” chạy ra cửa tiệm bán buôn. Má có “của ăn, của để” nên chúng cháu cũng được hưởng lộc lây, có đồng quà tấm bánh, có nồi chè nối cháo thấm giọng khi tập hát.

Nghe cô bé Nguyễn Viết kể vậy, tôi buột miệng đọc câu ca dao để “hù” lại Thanh Trang, đồng thời nhờ Thanh Trang nhắn lại “Mẹ nuôi”:

Ở hiền thì lại gặp lành,

Những người nhân đức trời dành phú cho.


“Những điều trông thấy mà vui cõi lòng”

Người viết bài này chưa một lần được gặp gỡ các ca viên vì vẫn thích thái độ trùm chăn, giữ vững triết lý “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”. Đây là lần
Ca đoàn trong đêm văn nghệ
đầu tiên tôi đến sinh hoạt với các anh chị trong ca đoàn. Gặp họ, tôi thấy ngay một cái gì tiềm ẩn, biểu lộ một sức sống, một lý tưởng mà tôi chỉ có thể giải thích bằng chiều sâu đạo đức nơi tâm hồn họ.

Ca trưởng Nguyễn Duy Anh Dũng và chị Phạm Kim Thanh đặc trách ngoại vụ, kể cho nghe về chuyện chị Huyền.

- Chị Huyền là một chuyên viên điạ ốc và tài chánh, cũng như Đức Lâm, chị không phải là người Công Giáo nhưng gia nhập ca đoàn đã mấy năm nay. Tôi chưa được gặp chị Huyền để tìm hiểu lý do, nhưng tự nghĩ con người học hành như chị, việc gia nhập ca đoàn chắc hẳn đã được chị suy nghĩ chín chắn lắm.

Rồi một trường hợp khác, Chị Kim Thanh kể:

- Anh Bạch Vinny Dũng cũng đi hát với ca đoàn và nay anh đã chính thức trở thành con cái Chúa cách đây 2 năm.

Trước những sự kiện này tôi hỏi hai người lãnh đạo ca đoàn:

- Nhờ yếu tố nào, ca đoàn có được sư đoàn kết và mời được các bạn bè không phải là Công Giáo vào sinh hoạt ?

Ca trưởng Anh Dũng nhận xét:

- Ca đoàn có được tinh thần đoàn kết là vì các em được huấn luyện sống hòa thuận, tuyệt đối không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, học ít, học nhiều. Quả thực, có những xích mích giữa một vài ca viên. Điều đó đúng, nhưng là những xích mích nhỏ, và cả ca đoàn đều hợp lực giải quyết nên các ca viên thông cảm lẫn nhau, giữ được tinh thần đoàn kết. Ca đoàn luôn luôn nhắc nhở nhau rằng hát là để ca ngợi và vinh danh Chúa, phục vụ Giáo Hội, phục vụ cộng đoàn. Chia rẽ sẽ không thực thi được lý tưởng đó. Chính vì điều này mà mà các ca viên lúc nào cũng tận tình hăng say. Các em biết việc các em đang làm là theo đuổi một lý tưởng cao thượng.

Chị Kim Thanh bổ túc:

- Các em chúng nó dễ thương lắm, giỏi giang và có tài, mình sinh hoạt với chúng, học được nhiều cái hay, nhất là thấy chúng có lý tưởng nên dù có vất vả mấy đi chăng nữa cũng không sao bỏ các em ấy được.

Bữa tiệc và buổi văn nghệ mừng lễ bổn mạng chấm dứt lúc 9 tối. Nhớ lại tinh thần của ca đoàn, nhớ lại những lời phát biểu của các phu huynh các ca viên, nhìn thấy những hy sinh cao vợi của các anh chị trong ca đoàn, tôi chợt nhớ đến lời các vị Giám Mục Hoa Kỳ phát biểu với Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, khi đó Ngài thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ taị Hoa Kỳ vào năm 1999: “Giáo dân Việt Nam là một hồng ân của Chúa ban cho Giáo Hội Hoa Kỳ”.

Ý tưởng đó cứ miên man gây thắc mắc trong đầu óc tôi trên đường lái xe về nhà. Tôi tự nghĩ: Cứ quan sát tinh thần của các ca đoàn Việt Nam trong các nhà thờ ở Mỹ cũng như tại quê hương Việt Nam thì lời phát biểu trên đây của các Đức Giám Mục Mỹ, có lẽ, quả có đúng thế thật.