48. TĂNG NHÂN BIỆN HỘ

Tú tài hỏi vặn hòa thượng:

- “Trong kinh điển của các ông hai chữ “nam vô 南無” chỉ nên đọc âm của nó, tại sao lại đọc “na mô 那摩”?

Hòa thượng biện bác:

- “Tướng công, hai chữ “ư hí 於戲” trong sách “tứ thư” tại sao đọc là “ô hô嗚呼”? Nếu hôm nay tướng công đọc “ư hí” thì tiểu tăng đọc “nam vô”; nếu tướng công đọc “ô hô” thì tiểu tăng tự nhiên phải là “na mô”…

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 48:

Câu trả lời của hòa thượng thật thông minh làm cho tú tài câm miệng, câu nói thông minh này không phải tự nhiên mà thốt ra, nhưng trong quá trình tụng kinh và học hỏi, hòa thượng đã “ngộ” ra.

Có nhiều người được bề trên đưa đi học trường này lớp nọ ở nước ngoài để về giúp ích cho Giáo Hội địa phương, nhưng khi về thì tự hào cho rằng trường mình học là số một và chê những người học trường khác, khi trong nhà (địa phương) có chuyện thì khoe khoang mình học trường này trường nọ mà không ra tay giúp đỡ, lại còn chỉ trích gay gắt nặng lời, có khi chỉ trích cả một số bề trên tại sao viết vậy, tại sao nói vậy, tại sao và tại sao???

Người ta sẽ thôi không chỉ trích Giáo Hội nữa, khi những người con của Giáo Hội biết khiêm tốn nhận ra những ân huệ mà Chúa đã ban cho mình trong cuộc sống; người ta sẽ thôi không xúc phạm đến Đức Chúa Giê-su nữa, nếu những môn đệ của Ngài có lòng bao dung cho nhau.

Tú tài ỷ lại mình học cao biết rộng nên bắt bí hòa thượng, cũng như có những giáo dân tham dự khóa học linh thao này, khóa học thánh kinh kia, khóa học phụng vụ nọ, rồi về giáo xứ chê bai chỉ trích cha sở của mình…

Biết nhận ra những giới hạn của mình và những ưu điểm của tha nhân để cộng tác là khiêm tốn rồi vậy…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info