Ngày 04-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 05/07: Quỷ ám ngày nay – Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:04 04/07/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!” Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”

Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

Đó là lời Chúa
 
Tình yêu, cốt lõi của Kitô giáo
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
14:30 04/07/2022

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN
TÌNH YÊU, CỐT LÕI CỦA KITÔ GIÁO
Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37

Trong tác phẩm Quo Vadis của nhà văn Henry Sienkiewicz kể lại rằng: Một này nọ, một người ngoại giáo đến hỏi Thánh Phêrô khi ngài vừa tới Rôma: “Người Hy Lạp đem đến cho chúng tôi sự khôn ngoan, người La Mã chúng tôi có lề luật và quyền lực, còn tôn giáo của ông đem lại điều gì? Thánh Phêrô không ngần ngại trả lời: Tình yêu! Kitô giáo mang đến cho thế giới tình yêu.”

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XV giới thiệu với chúng ta một chủ đề đáng suy nghĩ, đó là: “Mến Chúa và yêu người.” Đây là luật mới và là cốt lõi của đời sống người Kitô hữu.

1- Mến Chúa trên hết mọi sự

Trong bài đọc I trích từ sách Đệ Nhị Luật, qua môi miệng của Môsê, Thiên Chúa mời gọi dân Chúa hãy tuân giữ các giới răn và huấn lệnh của Người. Luật này không phải ở đâu xa xôi, nhưng là ở bên cạnh các ngươi, trên môi miệng và khắc ghi trong lòng các ngươi. Luật này đạt tới sự viên mãn nhờ và trong Đức Kitô (Bài đọc II).

Cốt lõi của Lề Luật được tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn người, và hãy yêu thương anh em như chính mình” (Lc 10,27). Chúa Giêsu xác nhận đó là con đường dẫn tới sự sống đời đời.
Vậy, “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi” có nghĩa là gì? Xin thưa: có nghĩa là chúng ta phải đặt Thiên Chúa ở chỗ nhất trong bậc thang giá trị của cuộc sống. Theo đó, Thiên Chúa là ưu tiên số một, là quan trọng nhất trong mỗi suy nghĩ, phán đoán và hành động của đời ta, còn những thứ khác là thứ yếu. Và mỗi ngày ta sống theo chọn lựa đó, trong khi có những người bên cạnh có thể chọn tiền bạc, danh dự, quyền lực, hưởng lạc là chỗ nhất cho cuộc đời của họ.

2. Yêu người như chính mình

Nhưng chỉ mến Chúa thôi thì chưa đủ, mới chỉ được một nửa, chúng ta còn phải “yêu thương anh em như chính mình.” Ở đây, chúng ta để ý chữ “như chính mình” trở thành chuẩn mực: Đơn giản là chúng ta hãy xem mình đối xử với chính mình như thế nào thì cũng phải đối xử với người khác như vậy. Đức Khổng Tử dạy: “Đừng làm cho người khác những gì mà bạn không muốn làm cho mình.” Đức Giêsu còn đi xa hơn: “Hãy làm cho người khác những gì mà bạn muốn làm cho mình,” nhất là đối với những người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Vì thế, theo tinh thần của Tin Mừng, chúng ta không được phép tìm mọi cách để đạp đổ và hạ bệ những người khác khi họ thành công, cũng không được phép vui mừng khi thấy họ gặp thất bại. Trái lại, chúng ta phải vui với người vui, khóc với người khóc!

Cũng cần chú giải thêm dụ ngôn: Vị tư tế và Lêvi đã không giúp đỡ người gặp nạn trên đường. Tại sao? Xét theo luật của Cựu Ước, thì họ không sai, họ đang giữ luật. Vì theo luật Do Thái, khi lên Đền Thờ thì mọi người, nhất là tư tế, luật sỹ phải giữ mình khỏi ô uế và phải sạch. Nên họ không được đụng đến máu, xác chết, không được vào nhà gặp gỡ người ngoại. Vì vậy khi làm như thế, hai vị này đang trung thành tuân giữ lề luật của Do Thái Giáo. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta một sự mới mẻ. Đó là luật bác ái vượt trên mọi lề luật khác. Ai yêu thương là chu toàn lề luật. Và mến Chúa và yêu người là cốt lõi của Kitô giáo.

3- Hãy đi và làm như vậy

Như thế, chúng ta tìm thấy câu trả lời cho Kark Marx, ông tổ của học thuyết cộng sản vô thần, khi ông nói rằng tôn giáo của chúng ta chỉ lo cho sự sống mai hậu nhưng lại sao nhãng bổn phận xây dựng cuộc sống trần thế. Có thể Marx đã có lý trên bình diện thực tiễn, khi ông không thấy có những Kitô hữu thực sự sống Tin Mừng vào thời ông, hay nói như triết gia Jacques Maritain rằng “nỗi đau của thế kỷ XIX là không phải có Marx, mà là không có những Kitô hữu giống như Marx.” Bởi lẽ, cốt lõi của Kitô giáo dạy chúng ta là yêu mến Thiên Chúa và từ đó hướng tới tha nhân, không phân biệt ai, hướng tới xây dựng xã hội bình đẳng, công bình và bác ái. Việc đến nhà thờ là để giúp chúng ta sống tốt hơn trong gia đình, nơi công sở, trong công việc chúng ta. Việc đọc kinh xem lễ không phải là để ẩn náu, thoát đời một cách ích kỷ, nhưng là để tìm kiếm sự bình an cho tâm hồn mình, từ đó chúng ta mang bình an về trong gia đình và lan tỏa bình an đó ngoài xã hội.

“Hãy đi và làm như vậy!” Lời đó Chúa nói với người thông luật và hôm nay Người cũng nói với mỗi người chúng ta. Như người Samaritanô nhân hậu đã ưu tiên chọn bác ái là trên hết, tất cả chúng ta cũng được mời gọi thực hành luật bác ái bằng việc làm cụ thể cho tha nhân. Bằng cách đó, chúng ta đang yêu mến Chúa, đang giữ luật và đang xây dựng thế giới này theo nền văn minh tình thương do Chúa Giêsu gợi hứng cho chúng ta hôm nay. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:49 04/07/2022

20. Kỳ vọng càng lớn thì càng giảm bớt đau khổ, cung cấp năng lực cũng càng lớn hơn.

(Thánh Laurence Giustiniani)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 3)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:51 04/07/2022
1. CON RƠI XUỐNG NƯỚC.

Đứa con trai của người nọ rơi xuống nước, ông ta không nhảy xuống ngay để cứu lên, nhưng lại chạy đến nước Việt ngàn dặm xa xôi.

Có người hỏi anh ta tại sao như vậy, anh nói:

- “Nghe nói người nước Việt bơi lội rất giỏi, nên chạy đi mời người nước Việt đến cứu, không tốt hơn là tôi cứu hay sao?”

(Kim Lầu tự)

Suy tư 1:

Có những tín hữu nói: “Đợi đến mùa Phục Sinh, Giáng Sinh có cha khách đến giảng tỉnh tâm trong họ đạo rồi xưng tội luôn thể...” Đợi cha khách đến để xưng tội, thì cũng giống như ông bố thấy con rơi xuống sông mà chạy qua nước Việt kiếm người bơi lội giỏi lại cứu vậy, khi người nước Việt biết bơi lội đến nơi, thì đứa con còn sống không nhỉ?

Cũng vậy, chúng ta không biết ngày nào giờ nào Thiên Chúa đến gọi chúng ta, cái cần phải làm ngay chính là lo chuẩn bị linh hồn cho sạch tội để đợi chờ Chúa đến. Đi xưng tội với linh mục này hay linh mục nọ thì cũng như nhau bởi vì bí tích hòa giải vẫn thành sự. Đợi cha khách đến giải tội khi trong lòng mình đầy những tội trọng, thì nguy hiểm hơn cả ông bố chạy đi cầu cứu người khác khi em bé rơi xuống nước, bởi sự sống của linh hồn thì quý hơn mạng sống của thân xác rất nhiều, cho nên phải tự cứu mình trước khi cha khách đến giải tội, bằng cách tuyên xưng đức tin của mình nơi bí tích Hòa Giải, tức là tin và chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa nơi bất cứ linh mục công giáo (hợp lệ) nào để tha tội cho chúng ta.

Cha sở cũng giống như vị bác sĩ riêng của mỗi tín hữu trong họ đạo, ngài biết rõ bệnh trạng thường xuyên, chứng nan y trong tâm hồn của các tin hữu mình, cho nên “toa thuốc” của ngài rất có ích cho hối nhân. Cứ đơn sơ mà đi xưng tội với ngài.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
7 vị thánh liều mất mạng chứ không đành phá thai
Thanh Quảng sdb
03:10 04/07/2022
7 vị thánh liều mất mạng chứ không đành phá thai.

(Aleteia - Cerith Gardiner)

Mong ước an toàn cho con trong thời kỳ thai nghén, những người mẹ thánh thiện can cường sẵn sàng hy sinh chính mạng sống mình.

Kể từ khi Tòa án tối cao Hoa Kỳ quyết định lật lại vụ án Roe kiện Wade, chủ đề phá thai đã được bàn cãi rất nhiều. Luật pháp về phá thai hiện đã được trao cho các cử tri và dân biểu địa phương quyết định nên chủ đề phá thai vẫn là một vấn đề gây tranh cãi mà mọi người sẽ còn tranh cãi dài dài...

Trong dòng lịch sử, có những người đã sẵn sành hy sinh mạng sống để bảo vệ an toàn cho thai nhi. Sau đây là những câu chuyện của những người nữ thánh thiện, dán hy sinh đời sống trong khi đang mang thai, đã trổ thành những mẫu gương và cảm hứng cho thời đại chúng ta ngày nay.

Tôi tớ của Chúa Chiara Corbella Petrillo

Câu chuyện của người mẹ Công Giáo trẻ ở thế kỷ 21 này là một câu chuyện bi thương, nhưng rất dũng cảm... Vừa hưởng tuần trăng mật, Chiara phát hiện mình có thai. Tuy nhiên, các bác sĩ cho cô hay cái thai này không thể sống được và khuyên cô nên phá thai. Cô ấy đã từ chối.

Khi chào đời, bé Maria Grazia Letizia chỉ sống được chưa đầy một giờ; Nhưng thời gian đủ để bé được rửa tội. Trên tấm thẻ tưởng niệm của bé ghi “Chúng ta sinh ra để sống trường sinh”, như nhắc nhở mọi người về sự cao đẹp của sự sống.

Đáng buồn thay, lần mang thai thứ hai của Chaira cũng bị phức tạp. Lần này con của cô không có chân hay gan và người mẹ được thông báo rằng con cô sẽ chết. Một lần nữa, Chiara và chồng bất chấp lời khuyên của bác sĩ và cô tiếp tục nuôi dưỡng thai nhi. Con trai của họ, Davide Giovanni, ra chào đời chỉ sống được 38 phút và bé cũng đã được rửa tội.

Cuối cùng Chiara mang thai đứa con thứ ba. Lần này thai kỳ diễn ra tốt đẹp và em bé sinh ra khỏe mạnh; nhưng Chiara thì không. Các bác sĩ phát hiện ra cô bị ung thư lưỡi. Trong khi cô được điều trị, thì thai nhi có thể bị nhiều rủ ro nguy hiểm, chính vì vậy Chiara đã khước từ mọi phương pháp trị liệu, kể cả thuốc giảm đau, để chắc chắn đứa con của cô được sinh ra an toàn.

Thật may mắn, bé Francesco được sinh ra khỏe mạnh, nhưng căn bệnh ung thư của Chiara đã di căn và cô đã qua đời vào năm 2012, sau 4 năm cưới. Vào ngày cô mất, cô đã mặc chiếc áo cưới, với khuôn mặt chan chứa niềm vui.

Tôi tớ của Chúa Emilia Wojtyla

Chúng ta quen thuộc với danh họ này, vì cô thuộc dòng họ mẹ của Thánh Giáo hoàng John Paul II. Tuy vậy chúng ta không biết rằng nếu cô ấy nghe lời các bác sĩ, thì chúng ta đã không bao giờ biết đến vị giáo hoàng yêu quý này.

Khi Emilia mang thai đứa con thứ ba, bác sĩ tin rằng tính mạng của cô đang gặp nguy hiểm và khuyên cô nên phá thai. Vợ chồng cô quyết định tìm một bác sĩ khác giúp cô tiếp tục mang thai.

Vào ngày cô sinh con, chồng và con trai của cô đã đến nhà thờ để cầu nguyện. Emilia xin bà đỡ đẻ mở cửa sổ để âm thanh đầu tiên mà con cô nghe sẽ là Kinh đền thánh Loreto được hát lên vào mỗi buổi tối ở bên kia đường vọng vào... Những âm thanh tuyệt vời này có thể đặt nền cho bé Karol thơ ấu trên con đường nên thánh ngay từ ngày cậu bé vào đời.

Tôi tớ Chúa Annie Zelikova

Bà mẹ trẻ sốt sắng này đến từ Moravia, cô đã đi lễ mỗi ngày để có thể rước Chúa; điều đó rất quan trọng đối với đức tin sâu sắc của cô. Khi cô 13 tuổi, cô tình cờ nghe được một cuộc trò chuyện mà mẹ cô la rầy một người họ hàng vì đã phá thai: "Đó là một trọng tội với Thiên Chúa và với đứa trẻ - vì chúng ta không được giết nó!"

Vì còn nhỏ, nên cô không hiểu hết được ý nghĩa những gì mẹ cô la rầy. Tuy nhiên, cô cảm thấy Chúa đang nài xin cô phải đền bù vì những gì đã xảy ra. Cô quyết định thực thi bằng hiến dâng cho Chúa chính mạng sống của mình. Sau đó, cô nhận ra ý Chúa qua vị linh hướng cô cần hy sinh cầu nguyện cho những cuộc phá thai đang được thực hiện trên khắp thế giới.

Thiên Chúa đã nhận ước nguyện của cô hiến thân đền tội cho người khác. Cô bị đau và chỉ sống được ba tháng... Mặc dù cô phải nằm trên giường bệnh trong 4 năm, hy sinh mạng sống mình để an ủi Chúa về những cái chết của thai nhi, và cuối cùng cô đã chết ở tuổi 17 vì bệnh lao.

Chân phước Marianna Biernacka

Người mẹ Ba Lan này đã hy sinh thân mình cho đứa con trong bụng. Trên thực tế, Bà là người nông dân Ba Lan sống trong Thế chiến thứ hai. Khi Phát xít Đức xâm lăng và có một tên lính Đức bị giết, chúng đã chọn một số người để hành quyết nhằm trả thù cho người lính Đức đã bị giết. Con trai của Biernacka, cha và bà mẹ trẻ Anna, nằm trong số những người bị chọn...

Vì Anna là mẹ đang mang thai, mong mỏi có được một người con, vì vậy bà Biernacka đã đề nghị chết thay cho người con dâu của mình. Những tên lính Đức đồng ý và bà bị hành quyết hai tuần sau đó với tràng chuỗi trong tay. Con dâu của bà được cứu sống và sống thọ 98 tuổi.

Chân phước Maria Corsini Quattrocchi

Câu chuyện về vị thánh cuối cùng này ít thảm khốc hơn những câu chuyện trên. Khi mang thai đứa con thứ tư, bà mẹ dũng cảm này bắt đầu bị băng huyết ở tiền đạo tuyến - tình trạng nhau của thai bị che kín cổ tử cung, gây nguy hiểm đến tính mạng cho người mẹ. Điều này xảy ra vào đầu thế kỷ 20, Maria đã từ chối phá thai, và Maria đã lãnh nhận một án tử cho chính mình.

Tuy nhiên, Maria và chồng - người không sùng đạo lắm - đã khước từ lời đề nghị của bác sĩ và cầu nguyện phó thác trong niềm hy vọng. Lời cầu nguyện của họ đã được nhận lời. Thời gian mang thai đủ chín mùi để em bé có thể được sinh ra sớm và sống sót.

Gia đình mừng vui, nên ba trong số các anh chị xin vào đạo. Enrichetta, người trẻ nhất, đã sống một cuộc sống dũng cảm, đến nỗi Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên dương cô lên hàng đáng kính vào năm ngoái (2021).

Thánh Gianna Beretta Molla

Bạn có thể nghe đến vị bác sĩ nhi đồng này của thế kỷ 20 và là người mẹ của 4 người con, bà cũng là thiên thần hộ mệnh của những em trẻ chưa chào đời. Khi mang thai đứa con thứ 4, Gianna bỗng thấy đau đớn vô cùng. Các bác sĩ phát hiện ra bà không chỉ mang thai một đứa trẻ trong tử cung mà còn bị một khối u. Cách duy nhất để cứu bà sống sót là phải phá cái thai hoặc cắt bỏ hoàn toàn tử cung. Trong cả hai trường hợp, đứa trẻ sẽ chết, nhưng khối u có thể được điều trị.

Đây là một lựa chọn vô cùng khó khăn cho Gianna, một con người sốt sắng đạo đức, vì vậy bà đã quyết định lựa chọn thứ ba, chỉ cần cắt bỏ khối u. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, nhưng ung thư đã lan ra vì thai kỳ của bà. Khi nói đến việc sinh con, Gianna nhấn mạnh cuộc sống của đứa bé phải được ưu tiên hơn cuộc sống của bà. Cuối cùng, con gái Gianna Emanuela của bà đã được sinh ra bằng phương pháp mổ, nhưng bà đã qua đời bảy ngày sau đó vì nhiễm trùng.

Trong khi những người phụ nữ đáng khâm phục này đã thể hiện sức mạnh xuất chúng trong những tình huống nguy hiểm, chúng ta cũng không quên câu chuyện về một thánh nữ khác đã chết để bảo vệ thai nhi của mình...

Đầy tớ Chúa Dorothy Day

Vào những ngày đầu của năm 20 tuổi, là một ký giả nổi danh và một nhà báo phi chính phủ nổi tiếng có mang. Bạn trai của cô đã áp lực cô phá thai, không thành công anh đã bỏ cô. Ngày đó khiến cho Day vô cùng đau xót, cô đã chia sẻ nỗi đau trước tình trạng phá thai, đang nhan nhản xảy ra hàng ngày trong suốt đời của cô...

Tuy nhiên, là một người vào đạo Công Giáo sau này, cô Day đã quyết định cố gắng ngăn chặn các phụ nữ khác đừng rơi vào cảm nghiệm tương tự như câu chuyện xảy ra cho chính cô. Điều này đặc biệt đã và đang xảy ra trong thời đại chúng ta.

Cô Day đã dành cả cuộc đời để loan truyền niềm xác tín này cho người khác bằng đức tin sâu sa và làm chứng cho Tin Mừng, và cho câu chuyện của cô được những người phụ nữ khác biết và quyết tâm tránh và nói “không” với việc phá thai khi bị dồn vào thảm cảnh đó.
 
Thông cáo Báo chí của Văn Phòng Quản Trị Tài Sản Tông Tòa
Đặng Tự Do
17:25 04/07/2022


Trong những ngày gần đây, Văn Phòng Quản Trị Tài Sản Tông Tòa, gọi tắt là APSA, đã hoàn tất việc bán cho Bain Capital tòa nhà tại số 60 Đại lộ Sloane ở Luân Đôn, với tổng số tiền thu được là 186 triệu bảng Anh. Bộ Kinh tế Tòa Thánh đã tuân thủ toàn bộ quy trình trong các giai đoạn khác nhau.

Những tổn thất phát sinh liên quan đến số tiền chi cho việc mua tòa nhà đã được chuyển đến qũy dự trữ của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, mà không ảnh hưởng đến qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô, do các tín hữu đóng góp.

Để bảo đảm tính minh bạch và độc lập của quá trình định giá, Tòa thánh đã tìm kiếm sự hỗ trợ của nhà môi giới bất động sản Savills, được lựa chọn vào cuối thủ tục đấu thầu vào tháng Giêng năm 2021 dưới sự giám sát của các cố vấn bất động sản.

Vào tháng 9 năm 2021, APSA đã nhận được một vòng đầu tiên gồm mười sáu đề nghị, tùy thuộc vào sự thẩm định trong các tháng tiếp theo, tiếp theo là vòng thứ hai gồm ba đề nghị, cũng phải được thẩm định. Giao dịch đã được hoàn tất trong những tháng gần đây với sự lựa chọn của người mua và cuối cùng là chứng thư bán.
Source:Holy See Press Office
 
Vatican thua lỗ lớn trong việc bán tòa nhà ở London, tâm điểm của phiên tòa
Đặng Tự Do
17:26 04/07/2022


Hôm thứ Sáu, Tòa Thánh cho biết đã hoàn tất việc bán tòa nhà sang trọng ở London, trung tâm của một vụ xét xử tham nhũng đang diễn ra, với ước tính thiệt hại khoảng 140 triệu euro.

Tòa nhà đã được bán với giá 186 triệu bảng Anh hay 223,6 triệu USD, cho Bain Capital, một công ty đầu tư tư nhân có trụ sở tại Boston.

Tuyên bố hôm thứ Sáu không đưa ra con số chính xác về khoản lỗ nhưng một người quen thuộc với các giao dịch khác nhau trong nhiều năm cho biết con số này lên tới hơn 140 triệu euro một chút.

Các khoản lỗ được bù đắp bởi quỹ dự trữ của Vatican. Tuyên bố nhấn mạnh rằng các khoản quyên góp từ các tín hữu trong quỹ của giáo hoàng được gọi là qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô đã không được sử dụng.

Việc bán tòa nhà trên Đại lộ Sloane ở Chelsea đánh dấu một bước ngoặt trong một chương buồn trong chiến lược đầu tư của Vatican.

Một phiên tòa gồm 10 người, bao gồm cả một Hồng Y đã kéo dài gần một năm. Đến cuối tháng này là đúng một năm và có vẻ sẽ kéo dài ít nhất một năm nữa. Tất cả các bị cáo đều phủ nhận có hành vi sai trái.

Liên doanh bất động sản tại trung tâm của nó bắt đầu vào năm 2014, khi phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đầu tư 350 triệu euro hau 390 triệu USD với nhà môi giới người Ý Raffaele Mincione.

Theo tài liệu cáo trạng, vào năm 2018, Vatican cảm thấy bị Mincione bỏ rơi và chuyển sang một nhà môi giới người Ý khác, Gianluigi Torzi, để thoát khỏi thương vụ đầu tiên.

Nhưng các công tố viên của Vatican cáo buộc Torzi lừa đảo Vatican và cố gắng chiếm quyền kiểm soát tòa nhà bằng cách tự giao cho mình cổ phần biểu quyết. Tòa thánh Vatican sau đó đã đưa cho Torzi 15 triệu euro để thoát khỏi thỏa thuận với anh ta.

Kết quả của những thỏa thuận thất bại và đáng xấu hổ, là Đức Thánh Cha Phanxicô tước bỏ quyền kiểm soát của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đối với các quỹ đầu tư của chính mình.

Ngài cũng thành lập một ủy ban để giám sát các khoản đầu tư.

Ủy ban, có hiệu lực với tông hiến mới của Vatican vào đầu tháng này, do một Hồng Y người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan đứng đầu nhưng bao gồm bốn chuyên gia tài chính giáo dân bên ngoài từ Anh, Đức, Na Uy và Hoa Kỳ.

Đầu tháng này, trong một nỗ lực rõ ràng để tăng cường niềm tin của các tín hữu về cách sử dụng các khoản đóng góp bác ái của họ cho Đức Giáo Hoàng, Tòa Thánh đã ban hành các chi tiết đầu tiên về Qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô
Source:Reuters
 
Say máu phá thai: Ông Joe Biden kêu gọi Quốc hội luật hóa phán quyết Roe kiện Wade
Đặng Tự Do
17:27 04/07/2022


Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích Tòa án tối cao Hoa Kỳ vì đã lật ngược phán quyết Roe kiện Wade và kêu gọi Quốc hội bẻ cong các quy tắc của mình để luật hóa phán quyết năm 1973, và phát minh ra cái gọi là quyền phá thai hiến định.

Phát biểu khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, ông Joe Biden gọi phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ là “hành vi thái quá”. Ông nói rằng nếu đảng Dân Chủ của ông không thể thông qua việc khôi phục sự bảo vệ của Roe đối với việc phá thai trên toàn quốc với đa số tuyệt đối, thì ông sẽ yêu cầu thông qua một số ngoại lệ với đa số đơn giản.

Quy tắc filibuster – trong đó yêu cầu đảng đa số phải thu thập được 60 phiếu bầu để vượt qua nỗ lực của phe thiểu số đang ngăn chặn việc thông qua dự luật - cho đến nay đã ngăn cản các thượng nghị sĩ của đảng Dân Chủ tìm cách luật hóa phán quyết Roe. Thượng viện hiện có 50 đảng viên Cộng hòa và 48 đảng viên Dân chủ, với hai đảng viên Độc lập thường về phe với đảng Dân chủ.

“Tôi tin rằng chúng ta phải luật hóa Roe kiện Wade thành luật,” Biden nói với các phóng viên hôm thứ Năm. “Và cách để làm điều đó là yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu.

Ông nói tiếp: “Nếu điều này cản trở, nó giống như quyền biểu quyết, chúng tôi cung cấp một ngoại lệ cho điều này. “Chúng tôi yêu cầu một ngoại lệ đối với hành động này.”

Biden gọi quyết định ngày 24 tháng 6 trong vụ Dobbs kiện Jackson là một sai lầm. Ông nói Hoa Kỳ “có vị trí tốt hơn để dẫn đầu thế giới so với chúng ta từng có”, ông cho rằng “Một điều gây bất ổn là hành vi thái quá của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ không chỉ là việc lạm quyền trong vụ Roe chống Wade, nhưng về cơ bản là thách thức quyền riêng tư.”

“Tôi thực sự nghĩ rằng đó là một vấn đề nghiêm trọng, rất nghiêm trọng mà tòa án đã đặt ra cho Hoa Kỳ, không chỉ về quyền lựa chọn, mà còn là một loạt các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư,” ông Joe Biden nói. “Theo quan điểm của tôi, việc Tòa án Tối cao làm những gì đã làm là một sai lầm. Tôi cảm thấy vô cùng mạnh mẽ rằng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình, điều mà tôi có thể làm một cách hợp pháp theo thẩm quyề n hành pháp, cũng như thúc đẩy Quốc hội và công chúng. “

Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell, của Đảng Cộng Hòa đơn vị Kentucky, đã chỉ trích nhận xét của Biden.

Ông nói trong một thông cáo báo chí: “Việc tấn công một thể chế cốt lõi của Mỹ như Tòa án Tối cao trong một diễn đàn có phạm vi thế giới là điều thấp kém so với nhân phẩm của Tổng thống. Các cuộc tấn công của Biden vào Tòa Án Tối Cao là không xứng đáng và nguy hiểm. Ông ta bực mình vì Tối Cao Pháp Viện nói rằng người dân, thông qua các đại diện được bầu của họ, sẽ có tiếng nói về chính sách phá thai.”
Source:Aleteia
 
Reuters phỏng vấn Đức Phanxicô về chứng đau đầu gối, từ chức, thăm Nga và Ukraine, phán quyết Dobbs...
Vũ Văn An
19:18 04/07/2022

Ngày 2 tháng 7 vừa qua, Đức Phanxicô đã dành cho Hãng tin Reuters một cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn với Philip Pullella, phóng viên kỳ cựu về Vatican của Reuters, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài không có ý định từ chức, và viễn ảnh này "chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí tôi" khi ngài lên lịch thăm thành phố L'Aquila, và lăng mộ của Đức Giáo Hoàng Celestine V, người đã từ chức vào năm 1294. Ngài cho rằng ngài có thể từ chức trong tương lai, nếu thấy mình không thể hoàn thành vai trò của mình, nhưng nhấn mạnh rằng điều đó không có xác suất diễn ra sớm. “Chúa sẽ cho biết,” ngài kết luận.



Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cười nhạo tin đồn rằng bác sĩ phẫu thuật đã phát hiện ra ung thư trong cuộc phẫu thuật bụng của ngài vào năm ngoái, nói rằng các bác sĩ “không nói với tôi bất cứ điều gì về việc đó”.

Được hỏi về quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong phán quyết Dobbs, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài không quen thuộc với các lập luận pháp lý, nhưng nhắc lại việc ngài lên án phá thai, nói rằng nó tương đương với việc “thuê một kẻ chuyên giết người”. Tuy nhiên, ngài từ chối ủng hộ các giáo phẩm Mỹ, những vị đã nói rằng các chính trị gia ủng hộ việc phá thai nên bị cấm Rước lễ. Ngài nói rằng "khi một giám mục đánh mất bản chất mục vụ của mình, điều đó gây ra một vấn đề chính trị."

Trong bình luận có lẽ là đáng ngạc nhiên nhất của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài vẫn hy vọng đến thăm Ukraine, nhưng sẽ đến thăm Nga trước tiên, nhằm thúc đẩy chính nghĩa hòa bình. Ngài gợi ý rằng ngài có thể thực hiện chuyến đi sau chuyến thăm dự kiến đến Canada vào cuối tháng này.

Sau cùng, Đức Giáo Hoàng tiết lộ rằng gần đây ngài đã bị "gãy xương nhỏ" ở đầu gối, làm phức tạp thêm các vấn đề do dây chằng bị viêm. Ngài cho biết tình trạng đau đớn đang dần được cải thiện.

Sau đây là nguyên văn tường trình của phóng viên Philip Pullella

VATICAN CITY, ngày 4 tháng 7 (Reuters) - Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bác bỏ các tường trình cho rằng ngài có kế hoạch từ chức trong tương lai gần, nói rằng ngài sắp sửa lên đường đi thăm Canada trong tháng này và hy vọng có thể đến Mạc Tư Khoa và Kyiv càng sớm càng tốt sau đó.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền tại nơi ngài cư ngụ ở Vatican, Đức Phanxicô cũng phủ nhận tin đồn rằng ngài bị ung thư; ngài nói đùa rằng các bác sĩ của ngài "không nói với tôi bất cứ điều gì về việc đó", và lần đầu tiên đưa ra chi tiết về tình trạng đầu gối đã ngăn cản ngài thực hiện một số nhiệm vụ.

Trong một cuộc trò chuyện kéo dài 90 phút vào chiều thứ Bảy, được thực hiện bằng tiếng Ý, không có phụ tá nào có mặt, vị giáo hoàng 85 tuổi cũng lặp lại việc ngài lên án phá thai sau phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vào tháng trước.

Các tin đồn đã loan truyền trên các phương tiện truyền thông rằng sự kết hợp của các sự kiện vào cuối tháng 8, bao gồm các cuộc họp với các Hồng Y trên thế giới để thảo luận về hiến pháp mới của Vatican, lễ tấn phong các Hồng Y mới và chuyến thăm thành phố L'Aquila của Ý, có thể báo trước một thông báo từ chức.

L'Aquila được liên kết với Đức Giáo Hoàng Celestine V, người từ chức giáo hoàng năm 1294. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đến thăm thành phố bốn năm trước khi ngài từ chức vào năm 2013, vị giáo hoàng đầu tiên làm như vậy trong khoảng 600 năm.

Nhưng Đức Phanxicô, tỉnh táo và thoải mái trong suốt cuộc phỏng vấn khi thảo luận về một loạt các vấn đề quốc tế và Giáo hội, đã gạt bỏ ý tưởng này.

Ngài nói: “Tất cả những sự trùng hợp này khiến một số người nghĩ rằng ‘phụng vụ’ tương tự sẽ xảy ra. Nhưng nó chưa bao giờ đi vào tâm trí tôi. Hiện tại thì không, lúc này, không. Thật đấy!"

Tuy nhiên, Đức Phanxicô đã lặp lại quan điểm thường được tuyên bố của mình rằng ngài có thể từ chức vào một ngày nào đó nếu sức khỏe suy giảm khiến ngài không thể điều hành Giáo hội - điều gần như không thể tưởng tượng được trước Đức Bênêđíctô XVI.

Khi được hỏi khi nào ngài nghĩ điều đó có thể xảy ra, ngài nói: "Chúng ta không biết. Chúa sẽ cho biết."

Đau đầu gối

Cuộc phỏng vấn diễn ra vào ngày đáng lẽ ngài phải lên đường đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, một chuyến đi mà ngài phải hủy bỏ vì các bác sĩ cho biết ngài cũng có thể phải bỏ lỡ chuyến đi đến Canada từ ngày 24 đến 30 tháng 7 trừ khi ngài đồng ý dành thêm 20 ngày điều trị và nghỉ ngơi cho đầu gối phải của ngài.

Ngài cho biết quyết định hủy bỏ chuyến đi châu Phi đã khiến ngài "đau khổ nhiều", đặc biệt vì ngài muốn cổ vũ hòa bình ở cả hai nước.

Đức Phanxicô đã chống gậy khi bước vào phòng tiếp tân ở tầng trệt của nhà khách Santa Marta, nơi ngài đã sống kể từ khi đắc cử năm 2013, tránh căn hộ của Giáo hoàng trong Tông điện mà các vị tiền nhiệm của ngài thường sử dụng.

Căn phòng có một bản sao của một trong những bức tranh yêu thích của Đức Phanxicô: "Mary, Untier of Knots" [Đức Maria, Đấng Cởi Nút] được Joachim Schmidtner người Đức vẽ vào khoảng năm 1700.

Khi được hỏi tình trạng của ngài như thế nào, Đức Giáo Hoàng nói đùa: "Tôi vẫn còn sống!"

Ngài đã cho biết chi tiết về căn bệnh của mình lần đầu tiên trước công chúng, nói rằng ngài bị "gãy xương nhỏ" ở đầu gối khi lỡ bước lúc dây chằng bị viêm.

"Tôi khỏe, tôi đang dần khỏe lại", ngài nói và cho biết thêm rằng vết gãy đã được khâu bằng phương pháp điều trị laser và nam châm.

Đức Phanxicô cũng bác bỏ các tin đồn cho rằng một năm trước, ngài mắc bệnh ung thư khi trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài sáu giờ để cắt bỏ một phần ruột già vì chứng viêm túi thừa (diverticulitis), một tình trạng phổ biến ở người cao niên.

“ Ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp,” ngài nói thế và cười thêm rằng “họ không nói với tôi bất cứ điều gì” về căn bệnh được cho là ung thư, điều mà ngài bác bỏ là “tin đồn ở tòa án”.

Nhưng ngài nói rằng ngài không muốn phẫu thuật đầu gối vì thuốc gây mê tổng quát trong cuộc phẫu thuật năm ngoái đã có tác dụng phụ tiêu cực.

Tông du tới Mạc Tư Khoa?

Nói về tình hình ở Ukraine, Đức Phanxicô lưu ý rằng đã có các cuộc tiếp xúc giữa Ngoại trưởng Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov về một chuyến đi có thể tới Mạc Tư Khoa.

Những dấu hiệu ban đầu không tốt. Chưa có giáo hoàng nào đến thăm Mạc Tư Khoa, và Đức Phanxicô đã nhiều lần lên án việc Nga xâm lược Ukraine; Thứ Năm tuần trước, ngài đã mặc nhiên cáo buộc nó tiến hành một "cuộc chiến tranh xâm lược tàn nhẫn và vô nghĩa".

Đức Phanxicô nói rằng khi lần đầu tiên Vatican hỏi về chuyến đi cách đây vài tháng, Moscow đã trả lời rằng đó không phải là thời điểm thích hợp.

Nhưng ngài ám chỉ rằng một điều gì đó bây giờ có thể đã thay đổi.

"Tôi muốn đi (đến Ukraine), nhưng tôi muốn đến Mạc Tư Khoa trước. Chúng tôi đã trao đổi thông điệp về điều này vì tôi nghĩ rằng nếu Tổng thống Nga cho tôi một cửa sổ nhỏ để phục vụ sự nghiệp hòa bình...

Ngài nói, "Và bây giờ điều đó có thể, sau khi tôi trở về từ Canada, tôi có thể xoay sở để đến Ukraine, điều đầu tiên là đến Nga để cố gắng giúp đỡ bằng cách nào đó, nhưng tôi muốn đến cả hai thủ đô."

Phán quyết phá thai

Khi được hỏi về phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đảo ngược phán quyết mang tính bước ngoặt Roe v. Wade từng thiết lập quyền phá thai của phụ nữ, Đức Phanxicô cho biết ngài tôn trọng phán quyết này nhưng không có đủ thông tin để nói về nó theo quan điểm pháp lý.

Nhưng ngài cực lực lên án việc phá thai, so sánh nó với việc “thuê kẻ chuyên giết người”. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng sự sống bắt đầu từ thời điểm thụ thai.

"Tôi hỏi: Có phải là chính đáng, là đúng, khi loại bỏ một mạng người để giải quyết một vấn đề không?"

Đức Phanxicô từng được hỏi về cuộc tranh luận ở Hoa Kỳ về việc liệu một chính trị gia Công Giáo bản thân phản đối việc phá thai nhưng ủng hộ quyền lựa chọn của người khác có được phép lãnh nhận bí tích rước lễ hay không.

Thí dụ, chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã bị tổng giám mục bảo thủ của giáo phận quê hương San Francisco cấm nhận thánh thể ở đó, nhưng thường xuyên được rước lễ tại một giáo xứ ở Washington, D.C. Tuần trước, bà ấy đã nhận bí tích tại một thánh lễ của Đức Giáo Hoàng ở Vatican.

Đức Giáo Hoàng trả lời, "Khi Giáo hội đánh mất bản chất mục vụ của mình, khi một giám mục đánh mất bản chất mục vụ của mình, điều đó gây ra một vấn đề chính trị. Tôi chỉ có thể nói thế."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Niềm vui và tự hào của giáo dân tại Đại Hội Thánh Mẫu Giáo Phận Orange
Đằng-Giao/Người Việt
08:39 04/07/2022
Niềm vui và tự hào của giáo dân tại Đại Hội Thánh Mẫu Giáo Phận Orange

GARDEN GROVE, California (NV) – Trong hai ngày Thứ Sáu, 1 và Thứ Bảy, 2 Tháng Bảy, Đại Hội Thánh Mẫu Giáo Phận Orange thu hút hàng ngàn người từ già đến trẻ tham dự khi lần đầu tiên tổ chức tại khuôn viên nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, thành phố Garden Grove.

Xem Hình

Niềm vui lần “đầu tiên”

Với chủ đề “Cùng Mẹ, tạ ơn Chúa,” Đại Hội Thánh Mẫu Giáo Phận Orange khai trương mùa lễ hội Tháng Bảy hàng năm để tín đồ Kitô giáo cùng nhau tề tựu, củng cố đức tin, nhắc nhở và thăm hỏi nhau trong tinh thần thờ phụng Chúa.

Ai có mặt cũng hân hoan tỏ bày niềm hãnh diện được tham dự kỳ đại hội này.

Cô Nancy Lưu, ở Denver, Colorado, reo lên bằng tiếng Anh: “Thật là tuyệt! Đại Hội Thánh Mẫu bắt dầu và kết thúc trước ‘July 4th,’ vừa kịp cho mọi người chuẩn bị coi pháo bông.”

Cô Nancy cùng nhóm bạn 14 người, phần đông là da trắng và người gốc Nhật, từ Denver, Colorado bay sang Orange County, California với mục đích chính yếu là tham dự hai ngày lễ hội Đức Mẹ.

Cô tíu tít nói tiếp: “Chúng cháu coi trọng những cái ‘đầu tiên.’ Và cháu biết chắc rằng đây là bắt đầu của một truyền thống ngày một lớn mạnh.”

Cô vui vẻ tự giới thiệu: “Cháu mới học năm thứ hai đại học, còn độc thân và chưa có con. Nhưng cháu biết sẽ có ngày cháu kể cho các con của cháu nghe về dịp lễ đặc biệt này.”

Cô Sofia Réne Miller, bạn cô Nancy, tiếp lời: “Cháu mới đáp máy bay sáng nay và cháu rất ngạc nhiên trước sự bao la của nhà thờ này và càng ngạc nhiên hơn trước sự đông đảo của cộng đồng Công Giáo người Việt ở đây (Orange County).”

Cô thêm: “Cháu tin nhà thờ này sẽ được người ta gọi là một ‘mecca,’ một trung tâm tôn giáo của Orange County.”

“Và cháu cũng rất hứng thú được có mặt tại kỳ (Đại Hội Thánh Mẫu Giáo Phận Orange) đầu tiên này. Xin cám ơn Thiên Chúa,” cô Sofia nhấn mạnh.

Sự cảm nhận về nét đặc biệt của kỳ đại hội đầu tiên này được ông Lê Hoàng Minh, từ Neenah, Wisconsin đến, diễn tả một cách đầy hoài niệm: “Cái cảm giác đầu tiên luôn luôn đáng được trân trọng. Tôi năm nay 76 tuổi rồi nhưng không bao giờ tôi quên lần đầu tiên được mặc quần áo mới thơm tho theo cha mẹ vô nhà thờ rước lễ, tiếp nhận Bí Tích Thánh Thể năm 14 tuổi.”

Khách hành hương có thể dạo quanh khuôn viên nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Chờ cho cảm xúc lắng xuống, ông tiếp: “Hôm nay, ngay giây phút này, tôi như đang quan sát khung cảnh ngày lễ hội Đức Mẹ La Vang lần đầu tiên tại đây, tôi như chỉ mới 14 tuổi, còn xoe mắt ngây thơ và còn cha, còn mẹ.”

Mỗi người tham dự đại hội với nỗi hân hoan, phấn chấn khác nhau.

Các cô Trần Trung Hậu, Lê Hương Giang, Nguyễn Thế Hiền và Nguyễn Minh Giao, cư dân Salt Lake City, Utah, thân thiện khoe: “Chúng tôi từng đi hành hương các đại hội Thánh Mẫu ở nhiều nơi xa gần. Xa thì ở tận Úc, gần thì có Carthage (Missouri), Houston (Texas) rồi Las Vegas (Nevada). Lần nào chúng tôi cũng cung kính và cảm tạ ơn trên nhưng chưa lần nào được có hân hạnh tận hưởng cái cảm xúc thú vị ‘lần đầu tiên’ như ở đây, tại thủ đô tỵ nạn Little Saigon này.”

Một cô trong nhóm chen lời: “Từ trước đến giờ, mấy chị em tụi tôi thích nhất là Đại Hội Thánh Mẫu ở Misouri nhưng đại hội đó ‘già’ quá rồi, gần 50 năm rồi trong lúc đại hội này ‘trẻ’ quá, mới ‘mở mắt chào đời’ thôi. Đó là điểm đặc biệt của đại hội này.”

Ta tắm ao ta

Và dĩ nhiên tín đồ Công Giáo địa phương có nỗi phấn khích của riêng họ.

Ông Lê Song Phương, ở Huntington Beach, cho biết ông “vô cùng mừng rỡ” được có đại hội Thánh Mẫu ngay tại Orange County.

Ông nói: “Xưa nay, tôi luôn đón bạn bè từ xa đến Little Saigon du lịch và ăn uống. Từ nay trở đi, bạn bè tôi có thêm một lý do nghiêm chỉnh và bổ ích hơn để đến đây.”

Lau cặp kính cận xong, ông thân thiện nói: “Là con dân của Chúa, có đại hội Thánh Mẫu ngay tại ‘sân nhà’ là một vinh dự vô cùng lớn lao và tôi vô cùng mừng rỡ trước tin vui này.”

Ông thêm: ”Tôi tham dự đại hội Thánh Mẫu ở Midtown (New York) và ở Las Vegas (Nevada) rồi và dù biết rằng ở đâu cũng có những dòng nước ân sủng của Thiên Chúa cho kẻ tội đồ như tôi gột rửa phần nào tội lỗi, nhưng được về ‘ao nhà’ tắm rửa là một hạnh phúc lớn lao.”

Đại hội có không ít các cụ già phải ngồi xe lăn, rõ ràng là không thể từ xa đến.



Bà Trần Thị Sử, cư dân Westminster, cho biết bà cũng từng đi hành hương đại hội Đức Mẹ ở nhiều nơi khác rồi nhưng lần này bà vui nhất vì được đưa mẹ mình, năm nay 95 tuổi, đi cùng.

Bà nói: “Mẹ tôi lớn tuổi rồi, không biết còn được bao nhiêu lâu nữa nên làm mẹ tôi vui được ngày nào là tôi vui ngày đó. Được tham dự lễ hội, bà vui lắm làm tôi vui lây.”

Gần một năm sau lễ cung hiến

Đại Hội Thánh Mẫu Giáo Phận Orange 2022 đặt trọng tâm vào Linh Đài Mẹ La Vang, được cung hiến với sự hiện diện của hơn 8,500 người vào Tháng Bảy, 2021 tại nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô.

Công trình nghệ thuật của linh đài trị giá gần $13 triệu này là bức tượng Đức Mẹ La Vang cao 12 foot, mô tả hình ảnh Đức Mẹ hiện ra vào năm 1798, trong một khu rừng nhiệt đới ở Việt Nam, với một nhóm người Công Giáo Việt Nam bị bách hại.

Giới trẻ sau giờ tham dự hội thảo. (Hình: Đăng-Giao/Người Việt)

Kỷ niệm tham dự lễ hội Thánh Mẫu Giáo Phận Orange lần đầu tiên sẽ là lời kêu gọi của những năm sau đó.

Cô Nancy cười thật tươi: “Cháu không biết nhóm bạn cháu thế nào, nhưng phần cháu, sang năm cháu sẽ quay lại đây để thấy sự khác biệt so với kỳ đầu tiên này.”



Cô thêm: “Chắc chắn là sẽ có đông người hơn, có nhiều hội thảo tiếng Anh hơn và, như Sofia nói, có nhiều người nhận thấy nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô có Linh Đài Đức Mẹ La Vang là ‘mecca’ của Orange County.” [kn]

—-

Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com.
 
Đại Hội Hành Hương Tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Happy Valley Oregon.
Lê Quang Uyên
16:28 04/07/2022
Hằng năm nhân ngày lễ July, 4. lễ Độc Lập Hoa Kỳ. Cộng Đoàn Công Giáo Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Happy Valley Oregon đều tổ chức Đại Hội Hành Hương về bên Mẹ Maria trong tâm tình tạ ơn, qua Mẹ mà Chúa đã ban cho con cái Mẹ một cuộc sống an bình hạnh phúc nơi xứ sở luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo và nhân phẩm con người đúng đầu thế giới.

Xem Hình Đại Hội

Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên được tổ chức tại cơ sở mới của giáo xứ với tên gọi cũng mới là Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Happy Valley Oregon chỉ cách đây hơn 1 năm, thay vì trước đây là Giáo Xứ Đứ Mẹ La Vang Portland Oregon và cũng là nơi 43 năm qua đã tổ chức đều đặn tại đồi núi Grotto hay còn gọi là Núi Đức Mẹ Sầu Bi thuộc Dòng Friar Servants of Mary “Dòng Tôi Tớ Mẹ Maria” nữa.

Năm nay là năm thứ 44 của Đại Hội với chủ đề mà Ban Tổ Chức đã chọn:

“ Gia Đình Trước Thách Đố Của Một Xã Hội Vắng Bóng Thiên Chúa”.

Bắt đầu từ thứ Sáu ngày 01 tháng 7 đến Chúa Nhật ngày 3 tháng 7 năm 2022, cũng như mọi năm ngoài giáo dân của giáo xứ Đại Hội còn quy tụ các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam vùng phụ cận của các Tiểu Ban lân cận và Vancouver BC Canada, và các cộng đoàn Công Giáo các nước bạn như: Balan, Lao H-Mong, Philippines, Đại Hàn v.v…

Chương trình tổ chức khá phong phú gồm có các buổi hội thảo cho người lớn do Cha Giuse Nguyễn Minh Quang, DCCT hải ngoại hướng dẫn, cùng các đề tài khác nhau trong 2 ngày thứ Sáu và thứ Bảy, cũng như giới trẻ do Cha Antôn Việt Nguyễn, CSsR hướng dẫn, giáo dân và khách hành hương đã hăng hái tham dự đông đủ và sốt sắng.

Chương Trình Hành Hương được sắp xếp như sau:

Thứ Sáu ngày 1-7-2022: Đúng 5:30 chiều là hoại cánh các Thánh Tử Đạo Việt Nam do các em Thiếu Nhi Thánh Thể giáo xứ diễn xuất tại trước Cung Thánh trong Thánh Đường.

Để bắt đầu bước vào chương trình 3 ngày Đại Hội Hành Hương năm nay ông Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ Phanxico Xavie Đỗ Văn Hải có lời chào quý Đức Cha, quý Cha, quý Thầy Phó Tế Vĩnh Viễn quý Tu Sĩ Nam Nữ và cộng đoàn giáo dân của giáo xứ và quý khách hành hương khắp mọi nơi đã đến cùng giáo xứ tham dự 3 ngày Hành Hương khá đông đủ, kế đến ông chủ tịch cũng đã giới thiệu chương trình của Đại Hội và tiếp đến cùng 3 hồi chiêng trống theo phong tục cổ truyền dân tộc để chính thức buổi khai mạc Đại Hội Hành Hương thứ 44 và cũng là Kỷ Niệm 47 năm Ly Hương..

Thánh Lễ Khai Mạc cũng là Thánh Lễ Mừng Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại trong Thánh Đường, khởi đầu là Cha Chánh Xứ Đaminh Phạm Tĩnh, SDD Cung nghinh xương Thánh đến trang trọng đặt trên bàn thờ các Thánh ngay bên dười Cung Thánh để giáo dân chiêm ngắm. Sau đó bắt đầu Thánh Lễ do Đức Cha Phụ Tá Tổng Giáo Phận Portland Oregon Peter Smith chủ tế, đồng tế có Cha Chánh Xứ 2 Cha Phó Xứ và quý Cha Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa, quý Cha khách và 2 Thầy Phó Tế Vĩnh Viễn, quý Sơ của hai Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt/ Miền Portland OR và Thủ Thiêm / Aloha, cùng quý giáo dân giáo xứ và khách hành hương tham dự.

Sau Thánh Lễ có cuộc cung nghinh kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa quanh khuôn viên giáo xứ do Đức Giám Mục Phụ Tá chủ sự và tiếp theo sau là có giờ chầu Thánh Thể chung, kết thúc trong ngày là phần giảng thuyết và hội thảo tại Nhà Thờ lớn cho người lớn và song song theo đó là phần hội thảo cho giới trẻ tại Hội Trường sinh hoạt của giáo xứ.

Thứ Bảy ngày 2-7-2022: chương trình bắt đầu lúc 8:00 sáng có Thánh Lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân và nối tiếp theo chương trình có các buổi Hội Thảo và giải tội cho đến 5:30 chiều có tiết mục Dâng Hoa Kính Đức Mẹ La Vang do Cộng Đoàn Thánh Anrê Dũng Lạc là một cộng đoàn thuộc họ giáo của giáo xứ Đức Mẹ La Vang Happy Valley phụ trách.

Đúng 6 giờ chiều Thánh Lễ Trọng Thể Kính Đức Mẹ La Vang do Đức Cựu Tổng Giám Mục Giáo Phận Portland John G. Valazny chủ tế và đồng tế có quý Cha giáo xứ và quý Cha khách tại Thánh Đường.

Sau Thánh Lễ có tiết mục Văn Nghệ tại Hội Trường của giáo xứ do các ca sĩ của giáo xứ và 2 ca sĩ đến từ Calìfornia.

Chúa Nhật ngày 3-7-2022: Đúng 8 giờ sáng chương trình Bế Mạc 3 Ngày Đại Hội Hành Hương được tổ chức tại Khán Đài ngoài trời. Bắt đầu bằng nghi thức chào Quốc Kỳ Việt-Mỹ và Tưởng Niệm quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh vì bảo vệ tự do và chính nghĩa quốc gia, cùng đồng bào vượt biên vượt biển đã bỏ mình vì lý tưởng tự do, nghi thực được sự hướng dẫn của ông Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ Đỗ Văn Hải Trưởng Ban Tổ Chức, trong giây phút linh thiêng nầy có Cha Chánh Xứ Đaminh Phạm Tĩnh cùng ông Tạ Đức Tháo Chủ Tịch Cộng Đồng Oregon và ông Đỗ Văn Hải Chủ Tịch Giáo Xứ tiến lên dâng hương trước Bàn Thờ Tổ Quốc cùng 3 hồi chiêng trống theo nghi thức cổ truyền dân tộc.

Đúng 8:30 sáng cuộc rước kiệu Cung Nghinh Đức Mẹ La Vang quanh khuôn viên giáo xứ và tiếp theo sau là phần dâng hoa trước Linh Đài Đức Mẹ La Vang do các em học sinh Giáo Lý Việt Ngữ La Vang của giáo xứ được quý Sơ Hội Dòng Mến Thánh Gía hướng dẫn thật đẹp mắt và thánh thiện, dâng lên Mẹ những đóa hoa tươi thắm, xin Mẹ luôn đồng hành và ban muôn ơn lành đến cho giáo xứ….

Tiếp theo sau tiết mục dâng hoa là phần làm phép Tượng Đài Đức Mẹ La Vang mà giáo xứ vừa thực hiện hoàn tất cách 1 tuần qua do Đức Tổng Giám Mục Alexander King Sample chủ sự.

Phần quan trọng của 3 ngày Đại Hội là Thánh Lễ Đại Trào Bế Mạc do Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận chủ tế cùng đồng tế có Đức Cha Phụ Tá, Cha Chánh Xứ Đaminh Phạm Tĩnh, SDD, quý Cha Phó Xứ, Quý Cha Tu Đoàn Giáo Sĩ Nhà Chúa và quý Cha Khách mọi nơi quy tụ về cùng 3 Thầy Phó Tế Vĩnh Viễn. Tham dự Thánh Lễ còn có quý Sơ của 2 Hội Dòng Mén Thánh Giá Đà Lạt/ Miền Portland và Thủ Thiêm/ Aloha Oregon, cùng đông đảo giáo dân của giáo xứ và khách hành hương khoảng trên 5000 người tham dự.

Trong phần chia sẻ Đức Tổng đã nhấn mạnh và xoay quanh đến sự gian khổ để đạt được mục đích và cái giá trị mà quý anh chị em phải trả để có được 2 chữ tự do, tự do là một thứ đã đưa con người chúng ta đến với nhau trong tình yêu của các dân tộc yêu chuộng tự do, đó là một nước Hiệp Chủng Quốc mà quý anh chị em đã chọn, anh chị em đã đến mãnh đất tự do nầy và phải xây dựng lại từ đầu để đến hôm nay anh chị em có được một cơ ngơi khang trang để thờ phượng, đó cũng chính là sự thành qủa của tự do, có tự do mới có được bình đẵng và yêu thương…

Trước khi Đức Tổng ban phép lành kết lễ, cha Chánh Xứ đã thay mặt Giáo Xứ, thay mặt Ban Tổ Chức ngỏ lời cám ơn và tri ân Đức Tổng, Đức Cha Phụ Tá, quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ cùng công đoàn giáo dân của giáo xứ và khách hành hương khắp mọi nơi quy tụ về dự 3 ngày đại hội nầy thật sốt sắng và thánh thiện, có lời chúc ra về bình an trong Chúa và Mẹ La Vang cùng hẹn gặp lại nhau trong kỳ thứ 45 mùa đại hội năm đến 2023./.

GXĐM La Vang Happy Valley Oregon

Phêrô Lê Quang Uyên
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha tái kêu gọi hòa bình cho Ukraine trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 3/7
VietCatholic Media
02:17 04/07/2022

Chúa Nhật 3 tháng 7, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 14 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông:

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.

Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công.

Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.’

Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.’ Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.” Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.”

Đức Giêsu bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Quân Nga, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Trong Tin Mừng Phụng vụ Chúa nhật tuần này, chúng ta đọc thấy “Chúa đã sai bảy mươi hai môn đệ cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, những nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10:1). Các môn đệ được cử đi hai người, chứ không phải riêng lẻ. Thực hiện sứ vụ chung hai người như thế, từ quan điểm thực tế, dường như có nhiều bất lợi hơn là thuận lợi. Có một nguy cơ là cả hai không hòa hợp với nhau, họ có một nhịp độ khác nhau, một người mệt mỏi hoặc bị ốm trên đường đi, buộc người kia cũng phải dừng lại. Mặt khác, khi anh chị em đi một mình, dường như cuộc hành trình trở nên nhanh chóng và suôn sẻ hơn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không nghĩ như vậy: Người không sai họ đi lẻ loi, nhưng cứ từng hai người một. Chúng ta hãy tự hỏi: lý do cho sự lựa chọn này của Chúa là gì?

Nhiệm vụ của các môn đệ là tiến vào các làng và chuẩn bị cho dân chúng đón Chúa Giêsu; và những chỉ dẫn mà Ngài ban cho họ không tập trung quá nhiều về những gì họ phải nói cũng như về cách họ phải làm như thế nào: nghĩa là, không phải về “tập sách” mà họ phải theo, không; nhưng là chứng tá của cuộc sống, chứng tá mang lại nhiều thành quả hơn lời nói. Trên thực tế, Chúa Giêsu xem các môn đệ là những người lao động: nghĩa là họ được kêu gọi để làm việc, để truyền giáo thông qua hành vi của họ. Và hành động cụ thể đầu tiên mà các môn đệ thực hiện sứ mệnh của mình chính là hành động đi từng cặp với nhau. Các môn đệ không phải là “những người muốn làm gì thì làm”, không phải là những người rao giảng nhưng không biết giao tiếp với người khác. Trước hết, chính đời sống của các môn đệ khi loan báo Tin Mừng là điều quan trọng: họ biết ở bên nhau, tôn trọng lẫn nhau, không muốn chứng tỏ mình có khả năng hơn người khác, đồng tâm quy chiếu về một Thầy.

Những kế hoạch mục vụ hoàn hảo có thể được soạn thảo một cách tỉ mỉ, những dự án được thực hiện tốt, được sắp xếp đến từng chi tiết nhỏ nhất; anh chị em có thể triệu tập đám đông và có nhiều phương tiện; nhưng nếu không có sự sẵn sàng cho tình huynh đệ, thì sứ vụ truyền giáo không tiến triển được. Một lần, một nhà truyền giáo kể về việc đã đến Phi Châu với một người bạn. Tuy nhiên, sau một thời gian, anh tách khỏi người bạn, dừng lại ở một ngôi làng nơi anh thực hiện thành công một loạt các hoạt động xây dựng vì lợi ích cộng đồng. Mọi thứ hoạt động tốt. Nhưng một ngày nọ, anh ta giật mình khi nhận ra rằng cuộc sống của mình là của một doanh nhân giỏi, luôn ở giữa công trường xây dựng và giấy tờ kế toán! Nhưng... một dấu “nhưng” to đùng. Sau đó, anh để lại quyền quản lý cho người khác, cho giáo dân, và tham gia cùng người anh em của mình. Vì vậy, anh hiểu tại sao Chúa đã sai các môn đệ đi “từng hai người một”: sứ vụ rao giảng Tin Mừng không dựa trên hoạt động cá nhân, nghĩa là những công việc “làm” nhưng dựa trên chứng tá của tình yêu thương huynh đệ, và qua những khó khăn mà cuộc sống chung gặp phải.

Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: Làm thế nào để chúng ta chia sẻ tin mừng của Phúc Âm với những người khác? Chúng ta làm điều đó với tinh thần và phong cách huynh đệ, hay theo cách của thế giới, với khả năng lãnh đạo, khả năng cạnh tranh và hiệu quả? Chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng chúng ta có khả năng cộng tác không, chúng ta có biết cách đưa ra quyết định cùng nhau, chân thành tôn trọng những người xung quanh và tính đến quan điểm của họ không, chúng ta có làm mọi việc trong cộng đồng không, hay chỉ làm một mình. Trên thực tế, trên tất cả, bằng cách này, cuộc sống của người môn đệ tiết lộ ý định của Thầy, và thực sự công bố Chúa Giêsu cho người khác.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, dạy chúng con biết dọn đường cho Chúa với chứng tá của tình huynh đệ.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua tại San Ramón de la Nueva Orán, Á Căn Đình, Pedro Ortiz de Zárate, linh mục triều, và Giovanni Antonio Solinas, Bề trên Giám Tỉnh Dòng Tên đã được phong chân phước. Hai nhà truyền giáo này, những người đã cống hiến cuộc đời mình để truyền bá đức tin và bảo vệ người dân bản địa, đã bị giết vào năm 1683 vì các ngài mang thông điệp hòa bình của Phúc âm. Xin cho gương của các vị tử đạo này giúp chúng ta làm chứng cho Tin Mừng mà không nhượng bộ, quảng đại hiến mình để phục vụ những người yếu đuối nhất. Xin anh chị em một tràng pháo tay chúc mừng các tân Chân Phước!

Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và trên toàn thế giới. Tôi kêu gọi người đứng đầu các quốc gia và các tổ chức quốc tế phản ứng với xu hướng làm nổi bật xung đột và chống đối. Thế giới cần hòa bình. Không phải là một nền hòa bình dựa trên sự cân bằng của vũ khí, trên sự sợ hãi lẫn nhau. Không, điều này không đúng. Điều này có nghĩa là làm cho lịch sử quay ngược lại bảy mươi năm. Cuộc khủng hoảng Ukraine lẽ ra không nên xảy ra, và nó vẫn đang là một thách thức đối với các chính khách khôn ngoan, có khả năng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn trong đối thoại cho các thế hệ mới. Với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, điều này luôn có thể thực hiện được! Nhưng cần phải chuyển từ các chiến lược sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự sang một dự án hòa bình toàn cầu: đừng xây dựng một thế giới bị chia rẽ giữa các cường quốc xung đột; nhưng hãy nói vâng đối với một thế giới thống nhất giữa các dân tộc và các nền văn minh tôn trọng lẫn nhau.

Tôi chào tất cả các bạn, những người Rôma thân mến và những người hành hương! Đặc biệt, tôi chào các thành viên đọc sách thánh và những người giúp lễ của Dobra, Ba Lan; các sinh viên của Slavonski Brod, Croatia; các tín hữu Albania với các linh mục quản xứ của họ và đội lưu động của Con đường Tân Dự Tòng ở Albania. Tôi chào các tín hữu của Napoli, Ascoli Piceno, Perugia và Catania, và các thanh thiếu niên vừa chịu Bí tích Thêm sức ở Tremignon và Vaccarino, giáo phận Vicenza.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Ham nổ: Tầu khổng lồ chở ngũ cốc ăn cắp từ Ukraine bị bắt. Nga và Belarus cáo buộc Ukraine tấn công
VietCatholic Media
03:04 04/07/2022


1. Tiên báo nguy hiểm: Nga và Belarus đồng loạt cáo buộc Ukraine tấn công vào lãnh thổ của họ

Hôm Chúa Nhật 3 tháng 7, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng quân đội Ukraine đã tiến hành “một cuộc tấn công có chủ ý” vào các khu dân cư ở các thành phố Belgorod và Kursk của Nga.

Phát ngôn nhân của Bộ, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết trong một tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã tấn công vào các thành phố bằng hỏa tiễn đạn đạo Tochka-U với đạn chùm và máy bay không người lái.

Ông cho biết ba hỏa tiễn đạn đạo phóng vào Belgorod đã bị phá hủy bởi hệ thống phòng không của Nga trên không, đồng thời cho biết thêm rằng mảnh vỡ của một trong những hỏa tiễn rơi xuống một tòa nhà dân cư trong thành phố.

Konashenkov cũng tuyên bố các hệ thống phòng không của Nga đã phá hủy hai máy bay không người lái của quân đội Ukraine khi chúng tiếp cận thành phố Kursk, cách Belgorod khoảng 130 km về phía bắc.

CNN đã không thể xác nhận một cách độc lập những tuyên bố đó và quân đội Ukraine chưa bình luận về các cuộc không kích.

Thống đốc vùng Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết trong một tuyên bố đăng trên kênh Telegram của mình rằng ít nhất ba người đã thiệt mạng và hàng chục tòa nhà dân cư bị hư hại do các vụ nổ vào sáng sớm Chúa Nhật.

Ngoài ra, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm thứ Bảy đã cáo buộc Ukraine thực hiện một cuộc tấn công hỏa tiễn nhằm vào các cơ sở quân sự của đất nước ông hai ngày trước đó.

Trong phát biểu được đăng trên trang web của tổng thống hôm thứ Bảy, ông Lukashenko cho biết các lực lượng Belarus đã đánh chặn hỏa tiễn. Tuy nhiên, ông không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào về cuộc tấn công được cho là của Ukraine.

Lukashenko, đồng minh quan trọng của Putin trong khu vực, cho biết đất nước của ông đang bị lôi kéo vào cuộc chiến với Ukraine và tuyên bố rằng “không có một binh sĩ Belarus nào đang chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine”.

Quân đội Nga đã tiến hành cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2 vào Ukraine từ Belarus sau nhiều tháng tích lũy nhân lực và vật lực dọc biên giới Ukraine.

Theo thông tin tình báo được thu thập bởi các máy bay giám sát của NATO và báo cáo của CNN, sự hỗ trợ của Belarus cho cuộc xâm lược của Nga bao gồm các hoạt động trên không, bên cạnh sự hỗ trợ trên mặt đất.

2. Putin thề sẽ phản ứng “nghiêm khắc nhất”

Putin thề sẽ phản ứng “nghiêm khắc nhất” sau khi Nga và Belarus cáo buộc Ukraine thực hiện một cuộc tấn công hỏa tiễn khiến 5 người thiệt mạng.

Vụ tấn công được cho là diễn ra ở thị trấn Belgorod của Nga.Thống đốc Vyacheslav Gladkov, tuyên bố một số vụ nổ đã xảy ra tại thành phố gần 400.000 người, nằm cách biên giới với Ukraine 40 km về phía bắc.

Phản ứng của Putin là nhằm đáp lại yêu cầu của một nhà lập pháp Nga, là ông Andrei Klishas. Ông này cáo buộc Ukraine pháo kích vào Belgorod và kêu gọi phản ứng nghiêm khắc.

Klishas nói: “Cái chết của dân thường và những hủy diệt cơ sở hạ tầng dân sự ở Belgorod là một hành động xâm lược trực tiếp đối với một phần của Ukraine và đòi hỏi phải có biện pháp đáp trả nghiêm khắc nhất - bao gồm cả các biện pháp quân sự”.

Ukraine không nhận trách nhiệm về vụ này.

3. Cán bộ và truyền thông Nga ham nổ khiến Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ tàu chở ngũ cốc mang cờ Nga

Trong cuộc họp báo sáng thứ Hai 4 tháng 7, Đại Sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ, Vasyl Bodnar nói “Chúng tôi có toàn bộ hoạt động hợp tác. Hiện tàu đang đứng ở cửa ra vào cảng, nó đã bị hải quan Thổ Nhĩ Kỳ tạm giữ”.

Chúng tôi đã theo dõi con tàu mang cờ Nga, có tên là Zhibek Zholy, trên tuyến đường từ cảng Berdyansk của Ukraine đến Karasu trên bờ Hắc Hải của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga đã bị cáo buộc ăn cắp ngũ cốc từ các khu vực của Ukraine mà họ kiểm soát. Đó là cáo buộc mà cho đến nay Nga vẫn bác bỏ.

Berdyansk thuộc vùng Zaporizhzhia, miền nam Ukraine, trên Biển Azov. Tin tức về việc con tàu rời Berdyansk được Yevhen Balytskyi, người vừa được Nga bổ nhiệm làm thống đốc khu vực Zaporizhzhia công bố trên ứng dụng truyền thông xã hội Telegram.

Balytskyi cho biết 7.000 tấn ngũ cốc sẽ được gửi đến các nước “thân thiện” từ vùng Berdyansk hiện dưới quyền quản lý của ông ta.

Balytskyi kháo thêm rằng các tàu từ Hạm đội Hắc Hải của Nga sẽ “bảo đảm an ninh” cho hành trình và cảng đã được rà phá bom mìn trên biển.

Balytskyi ham nổ đã đề cập đến hàng hóa, điểm xuất phát và điểm đến của con tàu, tạo điều kiện cho Bộ Ngoại Giao Ukraine có các chứng lý yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ con tàu.

Một bản tin video về sự ra đi của con tàu cũng đã được chia sẻ trên một số kênh Telegram ủng hộ Điện Cẩm Linh cho thấy nó đi cùng với một tàu hải quân Nga tại một bến cảng, được phóng viên xác định là Berdyansk.

BBC cho biết: So sánh đoạn phim với hình ảnh vệ tinh của cảng, chúng tôi có thể xác nhận rằng nó được quay ở Berdyansk.

Điều kiện thời tiết trong video và góc độ của bóng tối dọc theo bến cảng cho thấy nó được quay vào sáng ngày 28 tháng 6.

Một số đặc điểm dọc theo thân tàu, chẳng hạn như tên của nó, đã bị làm mờ trong video. Nhưng chúng tôi đã xác nhận rằng con tàu đã rời Berdyansk chính là con tàu hiện đang nằm ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, dựa trên hình ảnh từ các bài đăng trên Telegram cũng như các chứng cớ được cung cấp bởi một chuyên gia vận tải biển Ukraine.

Chúng tôi cũng có thể theo dõi các chuyển động trước đó của tàu Zhibek Zholy khi nó tiến về phía Ukraine để lấy hàng.

Vào ngày 22 tháng 6, nó đi từ Thổ Nhĩ Kỳ, thả hàng tại cảng Novorossiysk của Nga. Khi nó đến gần bờ biển Ukraine, tín hiệu theo dõi của nó bị mất - cho thấy nó đã bị tắt.

Tín hiệu chỉ xuất hiện trở lại vào ngày 29 tháng 6 khi nó quay trở lại phía nam cách xa bờ biển Ukraine. Máy theo dõi này cũng báo cáo độ ngập sâu của con tàu trong nước - và nó chỉ ra rằng con tàu đã chở hàng.

Michelle Bockmann, biên tập viên thị trường tại Lloyd's List Intelligence, tin rằng đây là hành vi “đáng ngờ”.

Cô cho biết nhiều tàu chở hàng đã tắt thiết bị theo dõi của họ trong một phần hành trình của họ ở Biển Azov, nhưng hầu hết tiếp tục truyền khi họ đến cảng dự định của họ.

Không rõ liệu con tàu có ý định dỡ hàng tại cảng Karasu của Thổ Nhĩ Kỳ hay tiếp tục hành trình về phía nam qua eo biển Bosphorus đến một điểm đến chưa xác định.

Chủ sở hữu đã đăng ký của Zhibek Zholy, là một công ty có trụ sở tại Kazakhstan có tên là KTZ Express, đã nói với hãng tin Reuters rằng con tàu đã được thuê bởi một công ty Nga. Công ty này nói thêm rằng họ đang tham khảo ý kiến của các bên liên quan và sẽ tuân theo tất cả các biện pháp trừng phạt và hạn chế.

4. Tổng thống Zelenskiy cáo buộc Nga 'cố ý khủng bố' sau cuộc tấn công hỏa tiễn giết chết 21 người

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã cáo buộc Nga tham gia vào “vụ khủng bố có chủ đích, có chủ đích” trong một loạt những gì Kyiv nói là các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga nhằm vào dân thường.

Trong bài phát biểu hàng đêm trước quốc dân đồng bào, Ông Zelenskiy tố cáo các cuộc tấn công vào một tòa nhà chung cư và một trung tâm giải trí ở một thị trấn nhỏ ven biển gần Odesa, miền nam Ukraine khiến ít nhất 21 người thiệt mạng.

Trong số những người chết vì cuộc tấn công mới nhất có một cậu bé 12 tuổi, Zelenskiy cho biết trong diễnn từ của mình, và nói thêm rằng khoảng 40 người đã bị thương và số người chết có thể tăng lên.

Ông nói: “Tôi nhấn mạnh: đây là hành động khủng bố có chủ đích, có chủ đích của Nga - và không phải là một sai lầm nào đó hay một cuộc tấn công hỏa tiễn tình cờ.”

Ông nhấn mạnh rằng ba hỏa tiễn đã bắn trúng một tòa nhà chung cư chín tầng thông thường, nơi “không ai giấu vũ khí, bất kỳ thiết bị quân sự nào”.

Những người dân thường, thường dân, sống ở đó.

Video cho thấy những tàn tích cháy đen của các tòa nhà ở thị trấn Serhiyivka. Văn phòng tổng thống Ukraine cho biết ba hỏa tiễn X-22 do máy bay chiến đấu của Nga phóng đi đã tấn công một chung cư và một khu cắm trại ngay trước 1 giờ sáng theo giờ địa phương.

Dịch vụ an ninh của Ukraine cho biết thêm 38 người, bao gồm 6 trẻ em và một phụ nữ mang thai, đã được đưa đến bệnh viện với những vết thương. Hầu hết những người thiệt mạng và bị thương đều đang ngủ khi hỏa tiễn tấn công.

5. Không quân Ukraine tiêu diệt tới 10 xe tăng Nga, 20 xe thiết giáp

Trong bản báo cáo chiều Chúa Nhật, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Không quân Ukraine đã hoàn thành khoảng 15 nhiệm vụ bay theo nhóm, tiêu diệt tới 10 xe tăng và 20 xe chiến đấu bọc thép của đối phương.

“Vào ngày 2 tháng 7 năm 2022, lực lượng không quân Ukraine đã thực sự hoạt động trên tất cả các hướng trên khắp các mặt trận, Vùng Mykolaiv, Vùng Zaporizhzhia, Vùng Kharkiv, Vùng Donetsk và Vùng Luhansk, đã hoàn thành khoảng 15 nhiệm vụ bay theo nhóm.”

Máy bay ném bom và máy bay tấn công của Ukraine đã phá hủy hai trung tâm chỉ huy của Nga, 20 xe thiết giáp và 10 xe tăng.

Ngoài ra, hai kho đạn dã chiến và pháo tự hành của địch cũng bị phá hủy.

Tiếng nổ đã được nghe thấy ở Melitopol đêm qua. Thành phố đã bị Nga chiếm đóng từ cuối tháng Hai.

6. Tổng thống Zelenskiy thề sẽ giành lại Lysychansk

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, tuyên bố sẽ giành lại thành phố Lysychansk ở phía đông Ukraine sau khi quân đội Ukraine buộc phải rút lui. Trong một video được phát ngay trước nửa đêm, theo giờ địa phương, ông nói:

“Nếu chỉ huy quân đội của chúng ta rút quân khỏi các điểm nhất định của mặt trận, nơi quân Nga có ưu thế hỏa lực lớn nhất, đặc biệt là trong trường hợp Lysychansk, nó chỉ có nghĩa là: chúng ta sẽ trở lại nhờ chiến thuật của chúng ta, nhờ sự gia tăng việc cung cấp vũ khí hiện đại.”

“Ukraine không từ bỏ bất cứ điều gì. Và khi ai đó ở đó ở Mạc Tư Khoa báo cáo điều gì đó về vùng Luhansk - hãy để họ nhớ lại những báo cáo và lời hứa của họ trước ngày 24 tháng 2, trong những ngày đầu tiên của cuộc xâm lược này, vào mùa xuân và bây giờ. Hãy để họ thực sự đánh giá những gì họ nhận được trong thời gian này và số tiền họ đã trả cho nó. Bởi vì các báo cáo hiện tại của họ sẽ biến thành cát bụi giống như những báo cáo trước đó.”

“Chúng ta đang từng bước tiến về phía trước - ở vùng Kharkiv, vùng Kherson và trên biển: Zmiinyi là một ví dụ điển hình về điều này. Sẽ có một ngày chúng ta nói như vậy về Donbas”

7. New York Times cho rằng lý thuyết về chủ nghĩa Quốc xã ở Ukraine chỉ mới được Nga khai thác từ ngày 24 tháng Hai

Một cuộc điều tra mới của New York Times đã tiết lộ rằng trong số tám triệu bài báo về Ukraine được thu thập từ hơn 8.000 trang web của Nga kể từ năm 2014, các tài liệu tham chiếu đến chủ nghĩa Quốc xã đã tăng vọt lên một mức cao kỷ lục vào ngày Nga xâm lược Ukraine.

Theo tờ báo này, kể từ năm 2014, các tham chiếu đến chủ nghĩa Quốc xã “tương đối ổn định trong 8 năm và sau đó tăng vọt lên mức chưa từng có vào ngày 24 tháng 2” của năm nay.

New York Times nhấn mạnh rằng: “Các bài báo đã tuyên bố sai sự thật rằng Quốc xã Ukraine đang sử dụng thường dân làm lá chắn cho con người, giết hại dân thường Ukraine và lên kế hoạch diệt chủng người Nga”

Theo Larissa Doroshenko, một nhà nghiên cứu thông tin sai lệch của Đại học Northeastern, người đã nói chuyện với New York Times, chiến lược này rất có thể nhằm biện minh cho mục tiêu của Điện Cẩm Linh là nhanh chóng lật đổ chính phủ Ukraine.

“Các lập luận này sẽ giúp giải thích lý do tại sao họ thành lập đất nước mới này theo một cách nào đó... Bởi vì chính phủ trước đây là Quốc xã, do đó họ phải được thay thế,” cô nói.

8. Bản tin tình báo của Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau:

Các quan chức được Nga hậu thuẫn cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc vùng Kherson gia nhập Liên bang Nga vào mùa thu năm 2022. Nga có khả năng dành ưu tiên cho một cuộc bỏ phiếu giả hiến pháp trong nỗ lực hợp pháp hóa quyền kiểm soát của mình đối với khu vực.

Vào ngày 28 tháng 6 năm 2022, Ihor Kolykhaiev, thị trưởng được bầu của thành phố Kherson, đã bị bắt, rất có thể là trong một nỗ lực trấn áp sự phản đối việc chiếm đóng. Tuy nhiên, các cuộc phản kháng vũ trang và hòa bình rộng rãi vẫn tiếp tục trên khắp các khu vực bị xâm lược.

Một vấn đề được đặt ra là liệu Putin có thực sự tin rằng việc Ukraine gia nhập NATO là một mối đe dọa sống còn đối với Nga khi ông ta nói điều đó là một mối đe dọa như thế nào. Cần nhấn mạnh một lần nữa rằng NATO trước hết là quan hệ đối tác phòng thủ để chống lại sự xâm lược. Chúng ta cần buộc ông ta nói ra để vạch trần ông ta.
 
Ngày thứ 128 của cuộc chiến tại Ukraine dưới cái nhìn của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk
VietCatholic Media
05:20 04/07/2022


1. Đức Thánh Cha lại đau đầu gối

Sau ba ngày chống gậy và tự bước đi được, sáng thứ Năm, 30 tháng Sáu vừa qua, cơn đau gối lại bộc phát khiến Đức Thánh Cha Phanxicô không thể tiếp kiến phái đoàn Do thái vào phút chót.

Phái đoàn Ủy ban Do thái quốc tế tham vấn liên tôn, qui tụ mười một tổ chức lớn của Do thái, đối thoại với Tòa Thánh, Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople và Hội đồng các Giáo hội Kitô. Rabbi David Sandmel hiện nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ủy ban quốc tế này.

Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: “Sáng hôm nay, 30 tháng Sáu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không thể tiếp phái đoàn Do thái vì cơn đau đầu gối trở nặng”.

Trong những ngày trước đó, kể cả trong thánh lễ sáng ngày 29 tháng Sáu, lễ kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, với nghi thức làm phép dây Pallium, Đức Thánh Cha không cần ngồi xe lăn, và có thể chống một gậy để bước đi, chứng tỏ có sự cải tiến trong sức khỏe của ngài.

Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Ủy ban liên lạc tôn giáo với người Do thái, đã đại diện Đức Thánh Cha và chuyển cho phái đoàn bài diễn văn Đức Thánh Cha đã soạn cho buổi gặp gỡ này. Trong diễn văn này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “oán ghét và bạo lực là điều không thể dung hợp với niềm tin của chúng ta nơi Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, đầy tín trung”.

“Trong thời buổi chao đảo của chúng ta hiện nay, thật là điều quan trọng khi người Do thái và Kitô gặp gỡ nhau thường xuyên hơn và cộng tác với nhau, trong cố gắng chống lại một số trào lưu tiêu cực trong các xã hội tây phương của chúng ta, như sự tôn thờ thần tượng cái tôi và tiền bạc, thái độ cá nhân chủ nghĩa cùng cực và thứ văn hóa dửng dưng, phung phí”.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha cũng viết rằng: “Chúng ta được kêu gọi cùng nhau làm chứng cho Thiên Chúa thương xót và công bằng, Đấng yêu thương và săn sóc mọi người. Chúng ta có thể thực hiện điều đó bằng cách kín múc từ gia sản tinh thần chung của chúng ta, một gia sản mà chúng ta có trách nhiệm bảo tồn và ngày càng đào sâu hơn sự hiểu biết”.

Đức Thánh Cha tái khẳng định quyết tâm của Giáo Hội Công Giáo chống lại mọi hình thức bài Do thái và hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa tệ nạn này bằng giáo dục trong gia đình, giáo xứ và trường học”. Ngài viết thêm rằng: “Nhờ củng cố đối thoại, chúng ta có thể chống lại trào lưu cực đoan, là một thứ bệnh hoạn, rất tiếc nó cũng xuất hiện trong các tôn giáo. Chúng ta hãy cầu xin Chúa tiếp tục hướng dẫn chúng ta trên con đường đối thoại và huynh đệ”.

2. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nói về ngày thứ 128 của cuộc chiến

Hôm nay là thứ Sáu ngày 1 tháng 7 năm 2022 và Ukraine đã ngăn chặn một cuộc xâm lược quân sự toàn diện của Nga và quân đội Nga trên lãnh thổ quê hương của chúng ta trong ngày thứ 128.

Và sáng nay, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa và các Lực lượng Vũ trang Ukraine vì sự thật rằng chúng ta còn sống, vì sự thật là chúng ta đã sống sót trong đêm qua và hôm nay chúng ta có thể nhìn thấy buổi sáng Kyiv đầy nắng như thế này.

Suốt ngày qua và đêm qua, Ukraine lại bùng cháy. Những con sông máu chảy qua Ukraine, và Ukraine ngập trong biển nước mắt của con người. Những trận chiến nảy lửa nhất là ở vùng Luhansk và vùng Donetsk. Nhưng toàn bộ tiền tuyến, mà ngày nay có gần 3.000 km, là một chiến tuyến chịu đựng nhiều đau khổ của con người, không ngừng bị pháo kích và ném bom từ trên không. Thảm kịch xảy ra ở thị trấn Serhiyivka thuộc vùng Odesa khiến Ukraine rúng động nhất đêm qua. Đêm qua, quân Nga đã phá hủy một tòa nhà 9 tầng và một trung tâm giải trí trên bờ Hắc Hải bằng các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn. Khoảng 18 người chết, theo chúng tôi được biết, 3 người trong số họ là trẻ em, gần 40 người bị thương.

Và khi chúng ta nhìn vào đôi mắt đẫm lệ của những người cha, người mẹ, khi chúng ta nhìn vào khuôn mặt biến dạng của những người được đưa ra khỏi đống đổ nát, một tiếng cầu nguyện với Chúa là Thiên Chúa vang lên trong lòng chúng ta: “Chúa ơi, tại sao? Lạy Chúa, xin hãy chấm dứt bạo lực này, sự điên rồ này” Nhưng tất cả những điều xấu xa, đang xảy ra ở Ukraine ngày nay, là dấu chỉ sự hiện diện hữu hình của cái ác dường như thành hiện thực ở Ukraine, đều bắt đầu từ những ý nghĩ xấu xa.

Và để hiểu được chiều kích thiêng liêng của cuộc đấu tranh vô hình của con người với cái ác, hôm qua, chúng ta bắt đầu suy ngẫm về những lời của Thánh Gioan Thành Đa Mát, là người nói về sự tấn công của sự dữ đối với con người bắt đầu như thế nào, và chúng ta, những Kitô hữu, cần phải làm như thế nào, phản kháng và chống lại cái ác ra sao. Nếu chúng ta chấp nhận những ý nghĩ xấu xa mà kẻ thù của loài người gợi ra cho chúng ta, thì chúng ta bắt đầu phạm tội. Và khởi đầu của mọi tội lỗi là việc chấp nhận suy nghĩ xấu xa đó, mong muốn đưa nó vào thực tế. Và những tội ác chống lại loài người này không gì khác hơn là sự hiện thực hóa những suy nghĩ và ý đồ tội ác đó của kẻ xâm lược Nga. Và làm thế nào người ta có thể chống lại điều này? Các vị thầy tâm linh và nghị phụ của Giáo hội nói rằng một cuộc tấn công, một sự cám dỗ đối với một người bắt đầu bằng một gợi ý, khi một ý tưởng xấu xa cố gắng bày ra điều ác với chúng ta dưới hình thức tốt lành nào đó. Một gợi ý như vậy có thể có nhiều dạng khác nhau, như tưởng tượng, ký ức, một số thứ vật chất hoặc hoàn cảnh. Nó muốn thu hút sự chú ý của chúng ta, ý chí của chúng ta. Đôi khi có thể xảy ra là cái ác có thể có nhiều khả năng xâm nhập. Đôi khi những suy nghĩ như vậy có thể đi cùng chúng ta trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng sau đó chúng ta phải làm gì, để sự cám dỗ này có thể được vượt qua, sự cám dỗ này, vốn chỉ là một cuộc tấn công, có thể không trở thành lỗi của chính mình. Các vị thầy tâm linh của Giáo Hội hướng dẫn chúng ta rằng chúng ta cần phải nhìn vào con người của Chúa Giêsu Kitô, Đấng trong sa mạc chiến thắng sự cám dỗ của ma quỷ. Nếu chúng ta không từ chối lời đề nghị này, nếu chúng ta cho phép nó đi vào trái tim mình, nếu chúng ta cho phép những ý nghĩ xấu xa đó trở thành ý nghĩ cá nhân của mình, thì điều ác sẽ bắt đầu đi vào trái tim của chúng ta.

Hôm nay, tôi muốn nói với tất cả những ai nghe thấy chúng tôi, hãy chú ý về cách tuyên truyền của người Nga đôi khi quyến rũ tâm trí và trái tim của mọi người trên khắp thế giới. Chúng ta thấy xã hội Nga bị cám dỗ như thế nào, những người đàn ông trẻ tuổi được tuyển dụng để đến giết người ở Ukraine như thế nào. Người ta đưa ra những lý do chính đáng cho cuộc xâm lược không phải những lý do địa chính trị mà thôi, mà còn có cả những lý do tôn giáo, được thể hiện như một cơ hội tốt để kiếm một thứ gì đó, thậm chí để ăn cắp một thứ gì đó và mang về nhà.

Hãy để những ý nghĩ xấu xa này ngay lập tức nhận được sự phản bác kiên quyết từ chúng ta. Hãy để những ý nghĩ, ý định, kế hoạch xấu xa không bao giờ chi phối trái tim chúng ta. Hãy đáh bật chúng khỏi lòng chúng ta, khỏi ý muốn của chúng ta, bằng sức mạnh của lời cầu nguyện và bởi Lời Chúa. Chúng ta hãy trở thành kẻ chinh phục tội lỗi ngay lập tức, bởi vì ngay khi chúng ta cho phép nó xâm nhập vào trái tim mình, thì sức mạnh của chúng ta sẽ bắt đầu suy yếu.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con bằng Lời Chúa và quyền năng của Ngài để đánh bại ma quỷ và những cám dỗ của hắn. Xin giúp chúng con vượt qua những lời đề nghị của kẻ thù, những kẻ muốn đe dọa và làm tê liệt ý chí của tất cả những người bảo vệ phẩm giá con người, quyền được sống và tồn tại của mình. Lạy Chúa, xin phù hộ cho những người bảo vệ Ukraine, những đứa con của Ukraine, và tất cả những ai chống lại cái ác.

Cầu mong phước lành của Chúa ở trên anh chị em qua ân sủng và tình yêu của Ngài đối với nhân loại, luôn luôn, bây giờ và mãi mãi, và cho mọi thời đại. Amen.

Vinh quang cho Chúa Giêsu Kitô!


Source:UGCC
 
Quá đẹp: Trước tình thế nguy ngập, Slovakia trao hết MiG-29 cho Ukraine, nhờ Tiệp bảo vệ không phận
VietCatholic Media
16:31 04/07/2022


1. Slovakia gửi máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine

Slovakia và Tiệp đang thách thức Putin trong một kế hoạch táo bạo nhằm hỗ trợ cho Không Quân Ukraine.

Hôm Chúa Nhật 3 tháng 7, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger và Thủ tướng Cộng hòa Tiệp, Petr Fiala, cho biết điều này trực tiếp trên kênh CT24 của Cộng hòa Tiệp. Theo thỏa thuận giữa hai quốc gia, Slovakia sẽ gửi hết số máy bay chiến đấu MiG-29 mà nước này sở hữu cùng với toàn bộ số xe tăng từ thời Liên Xô cho Ukraine. Đổi lại, Cộng hòa Tiệp sẽ phụ trách việc tuần tra lãnh thổ của Slovakia cho đến khi Slovakia nhận được các máy bay F-16 do Mỹ sản xuất để thay thế cho số máy bay được chuyển giao cho Ukraine.

Heger nói rằng Bratislava sẽ chuyển giao các máy bay MiG-29 của họ cho Ukraine cũng như các xe tăng tới Ukraine. Khi được hỏi liệu các phi công Slovakia sẽ lái các máy bay Mig-29 sang Ukraine hay các phi công Ukraine sẽ sang Slovakia lái những chiếc máy bay này về nước, Thủ tướng Heger nói:

“Tôi không muốn đi vào chi tiết, vì Ukraine cũng yêu cầu chúng tôi không tiết lộ thông tin chi tiết về điều này”

Ông kể lại rằng hồi tháng 6, Bratislava đã yêu cầu Praha bảo vệ không phận của đất nước cho đến khi nhận được máy bay chiến đấu F-16. Heger lưu ý rằng nước ông sẽ cần hỗ trợ quân sự từ các đối tácTiệp trong suốt cả năm.

Đến lượt mình, Fiala nhấn mạnh rằng đất nước của ông sẽ hỗ trợ như vậy cho các nước láng giềng Slovakia, và các máy bay của Tiệp sẽ tuần tra không phận Slovakia từ tháng 9.

“Chúng tôi sẽ giúp Slovakia cho đến khi họ có máy bay mới. Và chúng tôi mong rằng ai đó cũng sẽ giúp chúng tôi nếu chúng tôi gặp khó khăn,” Fiala nói.

Ông nhấn mạnh rằng phương Tây nên cung cấp vũ khí cho Ukraine để nước này có thể chiến đấu vì độc lập của mình và an ninh Âu Châu.

“Họ cũng đang chiến đấu vì chúng tôi,” Fiala nói.

Ông nói thêm, nếu cần thiết, Cộng hòa Tiệp sẵn sàng tham gia vào quá trình huấn luyện binh sĩ Ukraine.

Tiệp và Slovakia là chung một nước, gọi là Tiệp Khắc trước khi tách một cách hòa bình thành hai quốc gia như hiện nay.

Trong các quốc gia Âu Châu, Tiệp và Slovakia đang trở thành các quốc gia dẫn đầu trong việc hỗ trợ quân sự táo bạo cho Ukraine. Trong khi đã có một sự dè dặt của NATO trong việc gởi cho Ukraine các khí tài chiến tranh hạng nặng như máy bay, xe tăng và các loại hỏa tiễn phòng không, vì lo ngại có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga; Tiệp và Slovakia đã không ngần ngại cung cấp cho Ukraine xe tăng T-72 và các hệ thống phòng không S-300.

Các cuộc thăm dò cho thấy người dân Tiệp và Slovakia đang muốn nhân dịp này trả thù cho biến cố Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc vào năm 1968. Các chính trị gia ở hai quốc gia này hiểu rất rõ ràng rằng nếu Nga chiến thắng tại Ukraine, họ sẽ phải đối diện với sự phẫn nộ rất lớn của quần chúng Tiệp và Slovakia.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Mùa xuân Praha là một thời kỳ tự do hóa chính trị và phản đối quần chúng ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc. Nó bắt đầu vào ngày 5 tháng Giêng năm 1968, khi nhà cải cách Alexander Dubček được bầu làm Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Thời kỳ này kéo dài cho đến ngày 21 tháng 8 năm 1968, khi Liên Xô và các thành viên Hiệp ước Warsaw khác xâm lược đất nước để đàn áp các cải cách.

Cải cách Mùa xuân Praha là một nỗ lực mạnh mẽ của Dubček nhằm trao thêm quyền cho công dân Tiệp Khắc trong một hành động phân cấp một phần nền kinh tế và dân chủ hóa. Các quyền tự do được cấp bao gồm việc nới lỏng các hạn chế đối với phương tiện truyền thông, cho tự do ngôn luận và đi lại. Sau khi đi xa đến mức chia đất nước thành một liên bang của ba nước cộng hòa, Bohemia, Moravia-Silesia và Slovakia, Dubček quyết định tách thành Tiệp Khắc thành hai nước: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Slovakia.

Các cải cách dân chủ, đặc biệt là phân cấp quyền hành chính, không được Liên Xô đón nhận, và đã gửi nửa triệu quân và xe tăng của Khối Hiệp ước Warsaw đến chiếm đóng đất nước. New York Times trích dẫn các báo cáo có đến 650,000 quân trang bị vũ khí hiện đại và tinh vi nhất của Liên Xô lúc bấy giờ đã nhào vào Tiệp Khắc. Một làn sóng di cư khổng lồ đã diễn ra. Các cuộc kháng chiến đã bùng lên khắp cả nước, đập tan các trụ sở của đảng cộng sản, săn lùng và giết chết các đảng viên cộng sản, bất chấp lệnh giới nghiêm. Quân đội Liên Xô dự đoán rằng chỉ cần mất bốn ngày để khuất phục đất nước này, nhưng cuộc kháng chiến đã diễn ra trong tám tháng. Nó đã trở thành một ví dụ điển hình về quốc phòng dựa vào toàn dân. Có cả một số cuộc biểu tình phản đối bằng cách tự thiêu, nổi tiếng nhất là của Jan Palach.

Sau cuộc xâm lược, Tiệp Khắc bước vào thời kỳ được gọi là bình thường hóa, trong đó các nhà lãnh đạo mới cố gắng khôi phục các giá trị chính trị và kinh tế đã chiếm ưu thế trước khi Dubček lên nắm quyền. Gustáv Husák, người thay thế Dubček làm Bí thư thứ nhất và cũng trở thành Tổng thống, đã đảo ngược gần như tất cả các cải cách.

Dù thất bại, Mùa xuân Praha đã truyền cảm hứng cho âm nhạc và văn học bao gồm tác phẩm của Václav Havel, Karel Husa, Karel Kryl và cuốn tiểu thuyết lừng danh “Ánh sáng không thể chịu đựng được” của Milan Kundera.

Tiệp Khắc vẫn do Liên Xô kiểm soát cho đến năm 1989, khi Cách mạng Nhung kết thúc một cách hòa bình chế độ cộng sản; những người lính Liên Xô cuối cùng đã rời khỏi đất nước vào năm 1991.

2. Bộ Tổng tham mưu cho biết Lực lượng Ukraine phải di tản chiến thuật khỏi Lysychansk

Trong bản báo cáo hôm thứ Hai 4 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết sau những trận đánh nặng nề giành thành phố Lysychansk, Các lực lượng vũ trang Ukraine buộc phải rút lui khỏi các vị trí của họ để bảo toàn lực lượng.

“Trong điều kiện quân xâm lược Nga có ưu thế vượt trội về pháo binh, không quân, hệ thống hỏa tiễn hàng loạt, đạn dược và nhân lực, việc tiếp tục bảo vệ thành phố sẽ dẫn đến hậu quả cbi thảm.”

Theo Bộ Tổng tham mưu, quân trú phòng Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu, nhưng “ý chí thép và lòng yêu nước là không đủ để thành công: cần có nguồn lực vật chất và kỹ thuật”.

“Những người bảo vệ Vùng Luhansk và các vùng khác của Ukraine đã anh dũng thực hiện các nhiệm vụ dân sự và quân sự của họ. Chúng tôi sẽ trở lại và nhất định sẽ giành chiến thắng”, Bộ Tổng tham mưu nhấn mạnh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tuyên bố trước đó rằng tình hình thách thức nhất là ở Vùng Luhansk. Các lực lượng Ukraine dù phải di tản chiến lược khỏi vùng này nhưng đã có những thành công ở vùng khác.

3. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhận định nền kinh tế Nga phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 50 năm qua

Các từ “sụp đổ”, “thâm hụt” và “nghèo đói” sẽ mô tả cuộc sống ở Nga trong khi nước này muốn trở thành một quốc gia khủng bố. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra lập trường trên trong một diễn văn gởi quốc dân đồng bào tối Chúa Nhật 3 tháng 7.

Ông Zelenskiy nói: “Nền kinh tế Nga rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 50 năm qua. Thế giới cắt đứt quan hệ với Nga. Các từ “sụp đổ”, “thâm hụt” và “nghèo đói” sẽ là những mô tả về cuộc sống của người Nga chừng nào nhà nước này còn muốn trở thành một nhà nước khủng bố.”

Ông nói thêm rằng Nga đã mất hơn 35.000 binh sĩ, “và đây là một ước tính thận trọng.”

“Tất cả những thứ này để làm gì? Chẳng qua chỉ vì lợi ích của các nhà tuyên truyền điên rồ muốn hiển thị một lá cờ Nga hoặc Liên Xô trên đống đổ nát ở đâu đó trong các chương trình phát sóng của họ... Đơn giản là không có câu trả lời nào khác,” ông nói.

Zelenskiy lưu ý rằng “tất cả mọi người trên thế giới đều hiểu rõ - và tôi chắc chắn với tất cả những người lành mạnh ở chính nước Nga - rằng Ukraine sẽ giành chiến thắng”.

“Đó chỉ là vấn đề thời gian. Thật không may, đó là một vấn đề trong số những mất mát mà chúng ta phải gánh chịu, chủ yếu là mất mát con người. Đó là vấn đề về vũ khí hiện đại, mà chúng ta phải có được và chắc chắn sẽ có được,” ông nói.

4. Quân đội Ukraine đánh giá cao các xe thiết giáp Bushmasters người Úc

Úc Đại Lợi là một trong những quốc gia hàng đầu cung cấp hỗ trợ cho Ukraine để chống lại sự xâm lược của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết điều này tại cuộc họp chung với Thủ tướng Úc Đại Lợi Anthony Albanese tại Kyiv hôm Chúa Nhật 3/7.

“Úc Đại Lợi ủng hộ nhà nước của chúng ta và trật tự luật pháp quốc tế. Úc cung cấp hỗ trợ đáng kể cho Ukraine, bao gồm cả hỗ trợ quốc phòng. Úc là một trong những quốc gia đứng đầu về khối lượng viện trợ. Quân phòng vệ của chúng ta đánh giá cao các thiết giáp Bushmaster của Úc và các hỗ trợ cụ thể khác từ Úc,” Ông Zelenskiy nói.

“Tôi vui mừng chào đón Thủ tướng Úc Đại Lợi Anthony Albanese đến Kyiv. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Úc Đại Lợi tới thủ đô của chúng ta trong lịch sử quan hệ bang giao giữa hai nước. Chúng tôi đánh giá cao và biết ơn sự hiện diện của các bạn ở đây với chúng tôi vào thời điểm này khi cuộc chiến của Nga chống lại nhân dân Ukraine đang rất ác liệt.”

Thủ tướng Úc Anthony Albanese đang có chuyến thăm và làm việc với Ukraine vào ngày 3 tháng 7 năm 2022. Ông đã đến thăm các khu vực giải phóng của Vùng Kyiv, đó là Bucha, Irpin và Hostomel.

Ông Zelenskiy đã thông báo tóm tắt cho thủ tướng Úc Đại Lợi về tình hình ở mặt trận và khả năng của Ukraine trong việc chống lại quân xâm lược Nga.

Zelenskiy cũng kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để “phá vỡ tiềm năng hung hăng của Liên bang Nga” và tăng cường áp lực trừng phạt đối với kẻ xâm lược.

Người đứng đầu nhà nước nói rằng với hành động gây hấn với Ukraine, Nga đã tạo ra những mối đe dọa mà ngày nay có thể cảm nhận được ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Theo Zelenskiy, ông và Thủ tướng Albanese đã thảo luận, trong số những thứ khác, về cuộc khủng hoảng lương thực do người Nga gây ra và cách giải quyết nó.

Ngoài ra, Zelenskiy đề nghị Úc Đại Lợi tham gia vào quá trình tái thiết Ukraine sau chiến tranh, và Thủ tướng Úc tuyên bố “sẵn sàng tham gia thực hiện các dự án”.

5. Úc cam kết hỗ trợ thêm 100 triệu đô la Mỹ về quân sự và kỹ thuật cho Ukraine

Úc Đại Lợi cũng sẽ cung cấp cho Ukraine 100 triệu đô la hỗ trợ quân sự và kỹ thuật, cũng như 14 thiết giáp và 20 xe bọc thép Bushmaster.

Thủ tướng Úc Đại Lợi Anthony Albanese đã cho biết như trên trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở Kyiv

Đến nay, Úc Đại Lợi đã viện trợ 390 triệu USD cho Ukraine. Tổng số xe Bushmaster bàn giao cho Ukraine sẽ lên tới 60 chiếc.

Theo Thủ tướng Albanese, Ukraine cũng sẽ nhận thêm thiết bị quân sự và máy bay không người lái từ Canberra theo yêu cầu.

Ngoài ra, phía Úc Đại Lợi sẽ tiếp tục hỗ trợ lực lượng bảo vệ biên giới của Ukraine, cụ thể là cung cấp cho họ trang thiết bị tốt hơn, nâng cao mức độ an ninh mạng và kiểm soát biên giới.

6. Tổng thống Belarus công khai ủng hộ Putin trong cuộc xâm lược Ukraine

Tổng thống Belarus, một đồng minh thân cận nhất của Vladimir Putin nói rằng nhà nước Xô Viết cũ của ông hoàn toàn đứng sau Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine như một phần trong cam kết lâu dài về một “nhà nước liên minh” với Mạc Tư Khoa.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm cuộc giải phóng Minsk của quân đội Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Alexander Lukashenko cho biết ông hết lòng ủng hộ chiến dịch của Putin chống lại Ukraine “ngay từ ngày đầu tiên” vào cuối tháng Hai.

“Ngày nay, chúng ta đang bị chỉ trích vì là quốc gia duy nhất trên thế giới ủng hộ Nga trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Quốc xã. Chúng tôi ủng hộ và sẽ tiếp tục hỗ trợ Nga”, Lukashenko nói như trên trong một đoạn video được hãng thông tấn BelTA của nhà nước công bố.

“Và những người chỉ trích chúng tôi, họ không biết rằng chúng tôi có một liên minh chặt chẽ như vậy với Liên bang Nga sao?… Thực tế chúng tôi đã có một quân đội thống nhất. Chúng tôi sẽ ở lại bên nhau, bên nước Nga huynh đệ”.

Lukashenko đã cho phép quân đội Nga sử dụng lãnh thổ của đất nước mình để xâm lược Ukraine. Một số quan chức Ukraine cho rằng Belarus có thể sớm tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết tuyên bố của nhà lãnh đạo Belarus giống như một “tín hiệu”, với các hành động của ông cần được theo dõi cẩn thận.

Zelenskiy, được truyền thông Ukraine trích dẫn, nói với các phóng viên ở Kyiv rằng bình luận của Lukashenko là một diễn biến “nguy hiểm”.

Tuyên bố của ông Lukashenko về một quân đội thống nhất với Nga trên hết là nguy hiểm cho người dân Belarus.

Ông ta không được kéo Belarus vào cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine. Tôi tin rằng đây là một tín hiệu nguy hiểm. Và tôi tin rằng tất cả chúng ta sẽ thấy kết quả của tín hiệu này.”
 
Cách Joe Biden tấn công TCPV, sau khi phán quyết Roe bị lật đổ, không xứng đáng với một tổng thống
VietCatholic Media
17:24 04/07/2022


1. Thông cáo Báo chí của Văn Phòng Quản Trị Tài Sản Tông Tòa

Trong những ngày gần đây, Văn Phòng Quản Trị Tài Sản Tông Tòa, gọi tắt là APSA, đã hoàn tất việc bán cho Bain Capital tòa nhà tại số 60 Đại lộ Sloane ở Luân Đôn, với tổng số tiền thu được là 186 triệu bảng Anh. Bộ Kinh tế Tòa Thánh đã tuân thủ toàn bộ quy trình trong các giai đoạn khác nhau.

Những tổn thất phát sinh liên quan đến số tiền chi cho việc mua tòa nhà đã được chuyển đến qũy dự trữ của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, mà không ảnh hưởng đến qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô, do các tín hữu đóng góp.

Để bảo đảm tính minh bạch và độc lập của quá trình định giá, Tòa thánh đã tìm kiếm sự hỗ trợ của nhà môi giới bất động sản Savills, được lựa chọn vào cuối thủ tục đấu thầu vào tháng Giêng năm 2021 dưới sự giám sát của các cố vấn bất động sản.

Vào tháng 9 năm 2021, APSA đã nhận được một vòng đầu tiên gồm mười sáu đề nghị, tùy thuộc vào sự thẩm định trong các tháng tiếp theo, tiếp theo là vòng thứ hai gồm ba đề nghị, cũng phải được thẩm định. Giao dịch đã được hoàn tất trong những tháng gần đây với sự lựa chọn của người mua và cuối cùng là chứng thư bán.
Source:Holy See Press Office

2. Vatican thua lỗ lớn trong việc bán tòa nhà ở London, tâm điểm của phiên tòa

Hôm thứ Sáu, Tòa Thánh cho biết đã hoàn tất việc bán tòa nhà sang trọng ở London, trung tâm của một vụ xét xử tham nhũng đang diễn ra, với ước tính thiệt hại khoảng 140 triệu euro.

Tòa nhà đã được bán với giá 186 triệu bảng Anh hay 223,6 triệu USD, cho Bain Capital, một công ty đầu tư tư nhân có trụ sở tại Boston.

Tuyên bố hôm thứ Sáu không đưa ra con số chính xác về khoản lỗ nhưng một người quen thuộc với các giao dịch khác nhau trong nhiều năm cho biết con số này lên tới hơn 140 triệu euro một chút.

Các khoản lỗ được bù đắp bởi quỹ dự trữ của Vatican. Tuyên bố nhấn mạnh rằng các khoản quyên góp từ các tín hữu trong quỹ của giáo hoàng được gọi là qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô đã không được sử dụng.

Việc bán tòa nhà trên Đại lộ Sloane ở Chelsea đánh dấu một bước ngoặt trong một chương buồn trong chiến lược đầu tư của Vatican.

Một phiên tòa gồm 10 người, bao gồm cả một Hồng Y đã kéo dài gần một năm. Đến cuối tháng này là đúng một năm và có vẻ sẽ kéo dài ít nhất một năm nữa. Tất cả các bị cáo đều phủ nhận có hành vi sai trái.

Liên doanh bất động sản tại trung tâm của nó bắt đầu vào năm 2014, khi phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đầu tư 350 triệu euro hau 390 triệu USD với nhà môi giới người Ý Raffaele Mincione.

Theo tài liệu cáo trạng, vào năm 2018, Vatican cảm thấy bị Mincione bỏ rơi và chuyển sang một nhà môi giới người Ý khác, Gianluigi Torzi, để thoát khỏi thương vụ đầu tiên.

Nhưng các công tố viên của Vatican cáo buộc Torzi lừa đảo Vatican và cố gắng chiếm quyền kiểm soát tòa nhà bằng cách tự giao cho mình cổ phần biểu quyết. Tòa thánh Vatican sau đó đã đưa cho Torzi 15 triệu euro để thoát khỏi thỏa thuận với anh ta.

Kết quả của những thỏa thuận thất bại và đáng xấu hổ, là Đức Thánh Cha Phanxicô tước bỏ quyền kiểm soát của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đối với các quỹ đầu tư của chính mình.

Ngài cũng thành lập một ủy ban để giám sát các khoản đầu tư.

Ủy ban, có hiệu lực với tông hiến mới của Vatican vào đầu tháng này, do một Hồng Y người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan đứng đầu nhưng bao gồm bốn chuyên gia tài chính giáo dân bên ngoài từ Anh, Đức, Na Uy và Hoa Kỳ.

Đầu tháng này, trong một nỗ lực rõ ràng để tăng cường niềm tin của các tín hữu về cách sử dụng các khoản đóng góp bác ái của họ cho Đức Giáo Hoàng, Tòa Thánh đã ban hành các chi tiết đầu tiên về Qũy Đồng Tiền Thánh Phêrô
Source:Reuters

3. Ông Joe Biden kêu gọi Quốc hội luật hóa phán quyết Roe kiện Wade.

Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích Tòa án tối cao Hoa Kỳ vì đã lật ngược phán quyết Roe kiện Wade và kêu gọi Quốc hội bẻ cong các quy tắc của mình để luật hóa phán quyết năm 1973, và phát minh ra cái gọi là quyền phá thai hiến định.

Phát biểu khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, ông Joe Biden gọi phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ là “hành vi thái quá”. Ông nói rằng nếu đảng Dân Chủ của ông không thể thông qua việc khôi phục sự bảo vệ của Roe đối với việc phá thai trên toàn quốc với đa số tuyệt đối, thì ông sẽ yêu cầu thông qua một số ngoại lệ với đa số đơn giản.

Quy tắc filibuster – trong đó yêu cầu đảng đa số phải thu thập được 60 phiếu bầu để vượt qua nỗ lực của phe thiểu số đang ngăn chặn việc thông qua dự luật - cho đến nay đã ngăn cản các thượng nghị sĩ của đảng Dân Chủ tìm cách luật hóa phán quyết Roe. Thượng viện hiện có 50 đảng viên Cộng hòa và 48 đảng viên Dân chủ, với hai đảng viên Độc lập thường về phe với đảng Dân chủ.

“Tôi tin rằng chúng ta phải luật hóa Roe kiện Wade thành luật,” Biden nói với các phóng viên hôm thứ Năm. “Và cách để làm điều đó là yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu.

Ông nói tiếp: “Nếu điều này cản trở, nó giống như quyền biểu quyết, chúng tôi cung cấp một ngoại lệ cho điều này. “Chúng tôi yêu cầu một ngoại lệ đối với hành động này.”

Biden gọi quyết định ngày 24 tháng 6 trong vụ Dobbs kiện Jackson là một sai lầm. Ông nói Hoa Kỳ “có vị trí tốt hơn để dẫn đầu thế giới so với chúng ta từng có”, ông cho rằng “Một điều gây bất ổn là hành vi thái quá của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ không chỉ là việc lạm quyền trong vụ Roe chống Wade, nhưng về cơ bản là thách thức quyền riêng tư.”

“Tôi thực sự nghĩ rằng đó là một vấn đề nghiêm trọng, rất nghiêm trọng mà tòa án đã đặt ra cho Hoa Kỳ, không chỉ về quyền lựa chọn, mà còn là một loạt các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư,” ông Joe Biden nói. “Theo quan điểm của tôi, việc Tòa án Tối cao làm những gì đã làm là một sai lầm. Tôi cảm thấy vô cùng mạnh mẽ rằng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình, điều mà tôi có thể làm một cách hợp pháp theo thẩm quyề n hành pháp, cũng như thúc đẩy Quốc hội và công chúng. “

Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell, của Đảng Cộng Hòa đơn vị Kentucky, đã chỉ trích nhận xét của Biden.

Ông nói trong một thông cáo báo chí: “Việc tấn công một thể chế cốt lõi của Mỹ như Tòa án Tối cao trong một diễn đàn có phạm vi thế giới là điều thấp kém so với nhân phẩm của Tổng thống. Các cuộc tấn công của Biden vào Tòa Án Tối Cao là không xứng đáng và nguy hiểm. Ông ta bực mình vì Tối Cao Pháp Viện nói rằng người dân, thông qua các đại diện được bầu của họ, sẽ có tiếng nói về chính sách phá thai.”
Source:Aleteia