20. SỬA THƠ ĐỖ MỤC

Mùa xuân hạ giữa năm Ất Dậu thời Thuận Trị, vì nạn chiến tranh nên bá tánh trong thành nhao nhao chạy loạn, trốn vào các thôn làng trong khe núi, các gia sư đều thất nghiệp.

Có người chơi đùa dùng bút pháp sửa đổi thơ thất tuyệt của Đỗ Mục như sau:

- “Thời tiết thanh minh rối bời bời, trong thành thầy giáo hồn muốn đoạn, xin hỏi chủ nhân đi đâu cả, thằng nhỏ xua tay chỉ thôn làng”.

(Kiên Hồ tập)

Suy tư 20:

Thời nay, có những người thích đùa lấy bài hát của người khác được mọi người ưa thích đổi lời lại cách nham nhỡ, rồi hát lên, rồi làm trò hề cách rẽ tiền để chọc cười thiên hạ, rất phản giáo dục.

Lấy văn của người khác làm của mình gọi là đạo (1) văn; lấy thơ của người khác đổi lại làm của mình thì gọi là đạo thơ; đạo văn hay đạo thơ thì cũng đều mắc hai tội: tội ăn cắp và lỗi đức công bằng.

Ăn cắp và lỗi đức công bằng là bản chất của ma quỷ do kiêu ngạo và tham lam mà ra.

Người Ki-tô hữu có một thứ bắt chước rất dễ thương, đó là bắt chước cách sống tốt lành của các thánh nam nữ; có một thứ “đạo” rất đẹp, đó là “đạo” lại những bài giảng của linh mục để sống cho đẹp lòng Chúa, “đạo” lại những câu Lời Chúa mà cảm thấy rất phù hợp với hoàn cảnh của mình để thực hành trong cuộc sống; “đạo” lại những gương hy sinh phục vụ của người khác...

Đó là những cái “đạo” không phải là tội, cũng không phải lỗi đức công bằng, nhưng là những cái “đạo” đã được thánh hóa bằng ân sủng của Đức Chúa Giê-su.

(1) 盜: đạo, nghĩa là ăn trộm, ăn cắp.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info