2. HIỂU LẦM NGÔN NGỮ

Có người ở miền nam đến miền bắc, vì ngôn ngữ không thông nên rất là khổ sở.

Có một quan hiếu liêm người miền nam ngồi xe, vì không cẩn thận nên làm rơi chiếc giày, bèn kêu người phu xe là người miền bắc lấy dùm:

- “Chiếc giày, chiếc giày鞋子”.

Vì ông ta nói âm “xíe zi: 鞋子” (1) thành âm “hái zi: 孩子” (2), phu xe phát cáu nói:

- “Tôi tuổi lớn rồi, sao lại kêu là em bé孩子?”

Ông quan hiếu liêm bây giờ mới biết là ông ta hiểu lầm, bèn học cách nói của người miền bắc, nhưng khi nói chữ “xíe xíe鞋 鞋” thì lại phát âm là “gia gia爺 爺” (3) .

Người phu xe luôn miệng nói:

- “Không dám, không dám !”

(Nhất Tiếu)

Suy tư 2:

Có người chửi nhau vì không hiểu tiếng của nhau, có người chửi nhau vì muốn học tiếng địa phương mà phát âm không chuẩn, lại có người nổi quạu lên vì mình cũng là người Việt mà nghe tiếng Việt lại không hiểu là gì, bởi vì người ta nói giọng...Hà Tĩnh !

Có một vài người Ki-tô hữu bực bội không hiểu cha sở hôm nay giảng gì, vì ngài dùng những danh từ chuyên môn thần học bằng tiếng nước ngoài; có những người Ki-tô hữu đi lễ mà lo ra, vì hôm nay cha giảng toàn chuyện xin lễ phải đúng giá quy định, mà không đúng như ý nghĩa của bài Phúc Âm.

Con người ta có thể hiểu lầm nhau vì giọng nói địa phương, nhưng người Ki-tô hữu thì không thể nào nói mình hiểu lầm hoặc giảng lầm Lời Chúa được, chỉ có những người kiêu ngạo và cố chấp mới nói hiểu lầm lời Đức Chúa Giê-su mà thôi. Tại sao vậy?

Thưa, bởi vì trong tâm hồn họ không có chỗ cho Chúa chen chân vào...

(1) 鞋子là đôi giày.

(2) 孩子 là em bé.

(3) 爺爺 phát âm là “yé yé”, nghĩa là ông nội.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info