CŨNG LÀ MỘT THÔNG ĐIỆP
“Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói, “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!””.

Đức Ông James Vlaun nói, “Các linh mục nổi tiếng về việc mượn những câu chuyện của nhau để giảng lễ! Một lần kia, tôi có mặt tại một đám tang với tư cách một người đồng tế; hôm đó, vị linh mục giảng lễ đã kể một câu chuyện thật sâu sắc về thời thơ ấu của ngài. Thực ra, đó là câu chuyện về thời thơ ấu của tôi, và ngài không bao giờ đề cập điều đó; cũng có thể ngài không biết!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Tin Mừng hôm nay cũng tiết lộ một chuyện tương tự ngay từ ngày đầu tiên khi Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ công khai. Chúa Giêsu cũng đã ‘mượn tạm’ thông điệp của Gioan để ‘giảng lễ mở tay’ của Ngài một cách ngon ơ! Như vậy, điều đã xảy ra với James Vlaun cũng đã xảy ra với Gioan; bởi lẽ, ‘cũng là một thông điệp’, nhưng Gioan đã rao giảng trước, khi ông vừa từ hoang địa bước ra, “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!”.

‘Cũng là một thông điệp’; tuy nhiên, từ môi miệng Chúa Giêsu, những lời này mang một ý nghĩa phong phú hơn nhiều. Gioan loan báo một Nước Trời sắp đến, một Nước Trời mà có lẽ, bản thân Gioan cũng rất mù mờ; đang khi Chúa Giêsu, Ngài là Đấng phải đến của chính Nước đó, Vương Quốc đó; và còn hơn thế nữa! Tuyệt vời thay, chính Chúa Giêsu là Nước Trời, là Vương Quốc! Rồi đây, Ngài sẽ xác nhận điều đó, “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông!”. Bên cạnh đó, với Ngài, “sám hối” cũng mang một ý nghĩa khác! Sám hối thường được hiểu là hối hận, đau buồn vì những điều sai trái mình đã làm; ở đây, “sám hối”, “metanoia” trong tiếng Hy Lạp, là kêu gọi một sự thay đổi hoàn toàn và triệt để bên trong về cách thức chúng ta nhìn cuộc sống. Nó không quan tâm đến quá khứ, nhưng là tương lai!

Tuy nhiên, với Chúa Giêsu, “Nước Trời” ở đây không đề cập đến cuộc sống tương lai; nó không bảo tất cả chúng ta sắp rời trái đất để về thiên đàng; “Trời” là một cách nói trại để chỉ danh Thiên Chúa, mà Matthêu, viết cho Kitô hữu Do Thái, không muốn sử dụng. Với người Do Thái, tên của Thiên Chúa thánh đến nỗi con người không được phép thốt ra. “Nước Trời” đó đã đến vì nó được hiện thân trong con người Chúa Giêsu. Chính Ngài sẽ thể hiện sự hiện diện hiệu quả của quyền năng Thiên Chúa; và điều đó được Matthêu cho thấy trong phần thứ hai của Tin Mừng hôm nay, “Người ta đã đem đến cho Ngài đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Ngài đã chữa lành họ”, đó là sức mạnh của tình yêu và sự hàn gắn. “Chữa lành” có nghĩa là khôi phục sự toàn vẹn cho mọi người, mọi sự; vì mục tiêu của Nước Trời là khôi phục sự toàn vẹn của toàn thế giới. Đó là lý do của Giáng Sinh, cũng là lý do tại sao Hài Nhi trong máng cỏ được sinh ra, đi liền với sứ mệnh mà Ngài phải chu toàn cho đến chết.

Anh Chị em,

“Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!”. Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang nói những lời đó với mỗi người chúng ta. Ngài muốn nói, hãy thay đổi cách nhìn, cách sống, vì chính Ngài là Nước Trời đang ở giữa chúng ta. Ngài đang phập phồng hồi hộp với chúng ta trong mọi tân toan của thiếu thốn, thất nghiệp và dịch bệnh; Ngài đang muốn chữa lành, khôi phục sự toàn vẹn của mọi sự; và điều Ngài muốn nhất, là chữa lành, khôi phục chính mỗi người chúng ta. Đúng thế, mỗi ngày, mỗi biến cố xảy ra, Thiên Chúa đang gửi đến những thông điệp cho từng người, từng linh hồn qua Ngôi Lời của Ngài; thông điệp có thể khác nhau, nhưng tựu trung, chúng vẫn chuyên chở một sự thật, “Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đang thương xót chúng ta; Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta”. Hãy nhận ra dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong Giêsu và an tâm tín thác vào Ngài. Đó ‘cũng là một thông điệp’ mà từng ngày chúng ta nhận được, vốn sẽ dẫn tới một thông điệp quan trọng gấp bội, “Hãy trở nên con người mới mà Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta trở thành!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con tạo nên một sự khác biệt, trước hết, nơi bản thân con, bằng một đời sống sám hối; nhờ đó, con có thể tạo nên một sự khác biệt cho Giáo Hội, cho thế giới!”, Amen.

(Tgp. Huế)