CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN. NĂM B
YÊU

Tình yêu! Một từ ngữ rất quen thuộc. Không ai là không nghe, không ai là không biết đến. Quen thuộc đến nỗi người ta có thể dễ dàng tìm thấy dù là trong văn học hay đời thường, trên lý thuyết hay trong thực hành, khi suy tư hay lúc nghỉ ngơi... Người ta có thể nghe hai tiếng tình yêu trên môi mọi người, dù trí thức hay ít học, người già hay trẻ con, người sang hay kẻ hèn…

Chính vì quá quen thuộc và phổ biến, người ta dễ dàng đánh mất ý nghĩa cao đẹp của tình yêu. Thậm chí, biết bao nhiêu người, thay vì phải thấy tình yêu là quà tặng cao quý của cuộc đời và của sự sống, thì vì quan niệm tình yêu cách tầm thường, rẻ rúng, họ biến nó thành như sự âu yếm, mơn trớn. Hoặc biết bao nhiêu người đồng hóa tình yêu với tình dục...

Đối với họ, tình yêu chỉ như một thứ cảm tình lệch lạc, phiến diện, thậm chí như một thứ chiếm đoạt. Nếu xem nhẹ tình yêu như thế thì vô cùng nguy hiểm. Vì đó không phải là tình yêu, mà chỉ là thú vui, là cảm giác, là nhục dục… Mà thú vui hay cảm giác, hay nhục dục chỉ là những phương tiện của tội lỗi, biến người ta thành nô lệ, chứ không hề nâng cao tâm hồn.

Tình yêu mà Kitô giáo đề nghị, dựa trên chính giáo huấn của Chúa Kitô, là một đường lối cao đẹp. Nó là thứ tình yêu đúng nghĩa, sang trọng, hoàn hảo, tinh tuyền, cao thượng, vừa phổ quát nhưng cũng vừa phong phú.

Đó là sự hiến thân và hiến dâng trọn vẹn đến quên mình, đến hy sinh chết cho người mình yêu như Chúa Kitô. Đó là một tình yêu đòi phải thực hành bằng nỗ lực sống bác ái, không tính toán, không đo lường. Tình yêu mà Kitô giáo đề nghị lớn lao đến nỗi nói như thánh Augustinô: “Giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn”.

Tình yêu mà Kitô giáo đề nghị phải vừa mang tính đối thần vừa mang tính đối nhân. Nghĩa là con người phải yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người. Yêu mến Thiên Chúa để yêu thương con người.

Vì tình yêu đối với Thiên Chúa là động lực thúc đẩy con người yêu thương nhau. Và yêu thương con người là thái độ cần thiết để cụ thể hóa tình yêu Thiên Chúa.

Yêu mến Thiên Chúa nhất thiết phải yêu thương con người. Vì yêu thương con người là biểu lộ của lòng yếu mến Thiên Chúa. Lòng yêu mến Thiên Chúa càng dồi dào, người ta càng yêu thương con người mạnh mẽ.

Nói cho cùng, yêu Chúa và yêu người là hai tác động của một tình yêu. Tác động này sẽ thúc đẩy tác động kia, bỗ túc cho nhau, lôi kéo nhau, xây dựng và tôn tạo nhau. Không thể có tác động này mà lại thiếu tác động kia. Bởi người ta không thể nói mình yêu Chúa, mà lại cùng lúc không yêu nhau, hay ghét bỏ nhau, hận thù nhau, khinh khi nhau.

Chính vì thế, không bao giờ trong giáo huấn của Chúa Giêsu mà không cùng lúc không có cả hai tác động: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người. Đồng thời với việc yêu mến Thiên Chúa, Chúa Giêsu luôn luôn dạy chúng ta hãy yêu thương con người.

Bởi sau khi dạy rằng: “Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”, Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”.

Cuối cùng, như kết luận cho cả hai tác động, Chúa khẳng định: “Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Nghĩa là không có bất cứ giới răn nào trọng hơn việc yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người.

Vậy chúng ta phải thực hành lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và thực hành lòng yêu thương đối với tha nhân thế nào? Thánh Phaolô gọi việc thực hành tình yêu mà Chúa dạy là đức mến.

Thánh nhân nói: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được… Hiện nay đức tin, cậy, mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,1-13).

Thánh Phaolô còn nhắc ta về trách nhiệm yêu thương một cách mạnh mẽ hơn, khi gọi tình yêu như món nợ giữa người với người: "Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái, vì ai yêu người thì đã chu toàn lề luật. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy" (Rm 13,8-10).

Vâng lời Chúa Giêsu, chúng ta hãy trung thành thực hành tình yêu của mình trong hết mọi ngày của đời sống chúng ta, để chứng tỏ tình yêu đối với Thiên chúa và đối với tha nhân.

Hãy yêu, bởi tình yêu còn là sức mạnh biến đổi lòng người như câu chuyện mà mẹ Têrêsa Calcutta kể:

“Hôm ấy, một người lạ mặt đến nhà dòng, ông thấy một Sơ vừa đem về một người hấp hối, nằm bên ống cống, mình mẩy giòi bọ rất hôi thối. Thế mà, Sơ rất nương nhẹ nhặt từng con bọ với vẻ mặt vui tươi, thanh thản đầy thương mến... Rồi người lạ đến gặp tôi nói: “Thưa mẹ, khi con đến đây với lòng đầy căm hờn của một người vô tín ngưỡng. Nhưng bây giờ con ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới. Con bắt đầu tin Chúa, bởi vì con đã chứng kiến tình yêu của Chúa được diễn tả một cách cụ thể qua hành động và qua cách Sơ ấy đối xử với người hấp hối bẩn thỉu kia. Bây giờ con tin thật Chúa là tình yêu. Không có tình yêu Chúa trong tâm hồn, không khi nào có đủ nghị lực để yêu tha nhân được”.

Tình yêu dễ làm nên những điều kỳ diệu. Nó có sức làm mềm lòng người. Nó làm cho chia rẽ nên hiệp nhất. Nó khiến kẻ thù của nhau lại có thể quay nhìn vào nhau. Nó lôi kéo lương tâm con người hướng thiện. Nó giúp con người sống bình an. Nó tạo nên an bình giữa mọi môi trường sống. Nó khiến con người xiết chặt tay nhau. Nó nối kết xa xôi nên gần gũi. Nó đổi sự trả thù thành nụ hôn thắm thiết. Nó gọi về hy vọng giữa mọi thất vọng. Nó đem an ủi đến giữa những bi thương. Nó sinh ra lẽ phải, công lý và chân lý. Nó đẩy lùi sự giả trá, xu nịnh, ghen tương, ganh ghét… Nó tôn vinh vẻ đẹp của tha thứ, của đùm bọc, của tương trợ… Nó đưa con người đến sự ham thích đón nhận, chở che, thông cảm, san sớt… Tóm lại, tình yêu là một vẻ đẹp. Ai sống cho nó, ai chết vì nó, sẽ mãi mãi nên hình tượng khắc sâu nét đẹp đến muôn đời.

Chính vì vẻ đẹp rực rỡ của tình yêu, mà trong toàn bộ giáo huấn của Chúa Kitô, như muốn tóm lại trong hai tiếng “TÌNH YÊU”: “Nghe đây, hỡi Israel: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.