Buenos Aires (Agenzia Fides) Thứ ba, ngày 20 tháng bảy năm 2021 - Hội đồng Giám mục Argentina (CEA) đã công bố Ngày cầu nguyện toàn quốc cho những người đã chết vì Covid-19, mời tất cả cộng đồng của đất nước cùng tham gia cầu nguyện vào thứ Sáu, ngày 23 tháng 7, " để nguyện cầu Chúa cho các nạn nhân được yên nghỉ muôn đời và nâng đỡ an ủi, cùng thêm sức cho gia đình và bạn bè của họ ".

Khi trình bày sáng kiến trên, các Giám mục mời gọi cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho những người đã khuất trong tất cả các thánh đường, giáo xứ, nhà nguyện và nghĩa trang vào ngày này, cũng như tổ chức "những giờ phút cầu nguyện khác để tưởng nhớ những người đã khuất của mỗi cộng đoàn, mời gọi các thành viên trong gia đình. tham gia hiện diện hoặc hiệp thông, theo khả năng và sáng kiến của địa phương, cùng tuân thủ các quy định về y tế ".

Tuyên bố của ủy ban điều hành Hội đồng Giám mục Argentina (CEA), được gửi đến Fides, kết luận trong hy vọng rằng "đức tin vào Đấng Kitô đã chết và đã sống lại khơi dậy niềm hy vọng của chúng ta và củng cố chúng ta trong hoàn cảnh khó khăn này, hiệp nhất chúng ta trong nỗi đau vì những mất mát và tin cậy vào lòng thương xót của Chúa. ".

Ban Thư ký toàn quốc về Phụng vụ cũng đã chuẩn bị một số "hướng dẫn và đề xuất" cho việc cử hành ngày cầu nguyện này. Tài liệu này trình bày các hướng dẫn về thánh lễ cho người qua đời (các kinh nguyện, các bài đọc Kinh thánh, các ý cầu nguyện...) và chương trình cử hành được tổ chức trong cộng đồng hoặc thậm chí trong gia đình.

Với dân số 44,94 triệu người, Argentina hiện có 4.769.142 người nhiễm Covid-19 và 101.955 người chết. Trong tài liệu cuối cùng gần đây của Tuần xã hội 2021 (xem Fides, 17/7/2021), có ghi nhận thêm rằng "đại dịch Covid-19 không dừng lại, các chủng mới xuất hiện, các biến thể mới, và sẽ còn mất nhiều thời gian cho tiêm chủng trên quy mô toàn cầu… khiến chúng ta cần phải cân nhắc khi nghĩ đến việc trở lại bình thường. Đại dịch này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, xã hội, kinh tế, giáo dục, gia đình và đặc biệt là nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất. Bất bình đẳng thậm chí còn thể hiện ở việc phân phối thuốc chủng ". (SL) (Agenzia Fides, 20/7/2021)


Source:Fides