Ở NƠI DANH CHÚA
“Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa!”.

Lần đầu tiên, Van Gogh bắt đầu thử nghiệm trường phái ấn tượng của mình trong thời kỳ ông ở Paris, khoảng 1886-1888. Năm 1887, danh hoạ người Hà Lan đã viết cho chị gái, “Tôi hầu như không vẽ gì ngoài hoa, để làm quen với các màu khác hơn màu xám, cụ thể là màu hồng mềm mại, hoặc xanh lá cây sống động, xanh lam nhạt, tím, vàng, cam, và sắc đỏ rực rỡ”. Danh ông được biết đến với kiệt tác tĩnh vật, “Vase With Flowers”, “Bình Hoa”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay không nói đến ‘danh của một con người’ như Van Gogh, nhưng nói đến ‘Danh Thiên Chúa’; cùng lúc Lời Chúa cho thấy, chỉ ‘ở nơi danh Chúa’ và một mình Ngài, con người mới có thể tìm được bình an đích thực. Bởi lẽ, một sự bình an giả tạo, thậm chí, sẽ là một bình an gây hại; vì thế, Thiên Chúa sẽ dùng “gươm giáo” của Ngài để tái lập một trật tự đúng đắn, ban cho con cái Ngài sự bình an đích thực, miễn là họ biết đặt Ngài trên hết, trước hết mọi sự, như Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa!”.

Bài đọc Xuất Hành cho thấy, khi con cái Israel tưởng như đang sống trong bình an, khi họ ngày càng phồn thịnh, đông đúc trên đất Ai Cập, thì điều không may xảy ra; một Pharaô mới mẻ lên ngôi, ông không biết Giuse là ai. Thế là tai hoạ ập xuống, vua nói, “Nào, chúng ta hãy khôn khéo đàn áp chúng, kẻo chúng gia tăng lên nhiều!”. Bấy giờ, lệnh truyền lao động, khổ dịch dành cho Israel được phát đi khắp xứ; hơn thế nữa, “Bất cứ con trai Do Thái nào mới sinh, thì hãy ném xuống sông, chỉ để lại những trẻ gái!”. Pharaô tân vương được ví như “gươm giáo” của Thiên Chúa, nhắc cho Israel biết rằng, chỉ ‘ở nơi danh Chúa’, họ mới có an sinh và bình an đích thực.

Cũng thế, với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về một sự tự mãn, một sự bình an giả tạo có thể có. Tự mãn được định nghĩa như là “Sự tự thoả mãn đi kèm với việc không nhận thức những hiểm nguy hoặc sự thiếu hụt trong thực tế”. Đây là sự bình an gây hại, một sự bình an tự mãn ru ngủ, có thể khiến chúng ta mất đi những gì thực sự có giá trị nhất trong cuộc sống, đó là Thiên Chúa, đức tin và gia đình. Như đã xua đuổi chiên cừu ra khỏi đền thờ, Chúa Giêsu cũng sẽ sử dụng tất cả những gì có thể để làm “gươm giáo” hầu loại khỏi cuộc sống chúng ta bất cứ điều gì trái ngược với sự tốt lành của Thiên Chúa và phẩm giá của mỗi người.

‘Không có gì trước Thiên Chúa, trên Thiên Chúa’. Chúa Giêsu đưa ra tiêu chuẩn đặt Thiên Chúa lên hàng đầu, tiêu chuẩn này không loại trừ tình yêu đối với cha mẹ và anh chị em của bất cứ ai. Với cụm từ này, chúng ta hiểu rõ loại “gươm giáo” Chúa Giêsu sử dụng; Ngài cho chúng ta một tiêu chí bắt đầu từ trời xuống, bởi Ngài đang nâng chúng ta từ đất lên. Một khi yêu mến Thiên Chúa như Ngài xứng đáng, chúng ta sẽ học cách yêu người khác như những gì họ thực sự xứng đáng. Có quan hệ tự nhiên nào gần gũi hơn mối quan hệ giữa mẹ cha và con cái? Tuy nhiên, ngay cả sự ràng buộc này cũng phải phụ thuộc vào tình yêu mà chúng ta dành cho Thiên Chúa. Tại sao? Bởi lẽ, không tạo vật nào, kể cả cha mẹ, có thể đưa chúng ta đến cuộc sống viên mãn và hạnh phúc vốn chỉ ‘ở nơi danh Chúa’. Thiên Chúa muốn chúng ta yêu Ngài, không phải vì Ngài cần tình yêu của chúng ta, nhưng vì chúng ta cần Ngài. Chúa Giêsu mời chúng ta điều chỉnh các tiêu chuẩn, từ những gì hoàn toàn tự nhiên sang những gì hoàn toàn siêu nhiên và vĩnh cửu.

Anh Chị em,

Tình yêu ưu tiên dành cho Thiên Chúa mang tính ‘bao gồm’, chứ không ‘loại trừ’. Việc trao một ly nước lã cho một trong những anh em hèn mọn nhất sẽ không trở nên vô nghĩa, và do đó, không phải là không đáng chú ý. Bằng cách này, Chúa Giêsu cho thấy, Ngài không kêu gọi chúng ta, trước hết, dành tình yêu cho Thiên Chúa, để rồi, loại trừ người khác. Không! Một kẻ rốt hèn còn được trân trọng đến thế, phương chi là cha mẹ hoặc anh chị em của chúng ta. Như thế, chỉ ‘ở nơi danh Chúa’, chúng ta mới có thể thiết lập một trật tự đúng đắn trong các mối quan hệ. Chúa Giêsu là mẫu mực cho chúng ta về trật tự yêu thương này, tình yêu Ngài dành cho Chúa Cha đã chi phối, đồng thời, đã thiêu đốt tình yêu Ngài dành cho tất cả những ai đến với Ngài, người lành thánh, kẻ tội nhân; không ai không gặp được lòng thương xót, sự bình an và tình yêu Thiên Chúa nơi Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy chiếm chỗ nhất trong trái tim con; nhờ đó, con được bình an và biết cách yêu thương như Chúa yêu thương. Vì chỉ ‘ở nơi danh Chúa’ và tình yêu của Ngài, tình yêu của con mới được định hướng một cách đúng đắn”, Amen.

(Tgp. Huế)