Ngày 01-05-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật thứ 5 Mùa Phục sinh dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:05 01/05/2021

BÀI ĐỌC I: Cv 9, 26-31

“Ngài thuật lại cho các ông biết trên đường đã thấy Chúa thế nào”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi tới Giêrusalem, Saolô tìm cách tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ. Barnaba dẫn ngài đến gặp các Tông đồ, và ngài thuật lại cho các ông biết trên đường ngài đã thấy Chúa thế nào, đã được Chúa phán dạy, và tại Đamas ngài dạn dĩ xưng danh Đức Giêsu thế nào. Và từ đó, ngài ra vào Giêrusalem với các ông, và dạn dĩ xưng danh Chúa. Ngài cũng giảng dạy cho dân ngoại, và tranh luận với những người Hy-lạp, nên họ tìm cách giết ngài. Các anh em biết việc đó, nên đem ngài xuống Xêsarêa, rồi tiễn đưa ngài về Tarsê. Hội Thánh được bình an trong miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây dựng và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 21, 26b-27. 28 và 30. 31-32

Đáp: Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội (c. 26a).

1) Bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội. Con sẽ làm trọn những lời khấn hứa của con, trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được no nê, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: “Tâm hồn các bạn hãy vui sống tới muôn đời”.

2) Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất sẽ tôn thờ duy một Chúa; bao kẻ nằm xuống bụi tro sẽ sấp mình trước thiên nhan. Và linh hồn con sẽ sống cho chính Chúa.

3) Miêu duệ con sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng: “Điều đó Chúa đã làm”.

BÀI ĐỌC II: 1 Ga 3, 18-24

“Đây là giới răn của Người: là chúng ta phải yêu thương nhau”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật. Do đó, chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng chúng ta và Người thông biết mọi sự. Các con thân mến, nếu lòng chúng ta không khiển trách, thì chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, và bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng được Người ban cho, vì chúng ta giữ giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người. Và đây là giới răn của Người: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 15, 4 và 5b

All. All. – Chúa phán: “Các con hãy ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con; ai ở trong Thầy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”. – All.

PHÚC ÂM: Ga 15, 1-8

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy. “Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.

Đó là lời Chúa.
 
Tuyệt vời cánh hoa tháng Năm và Phép lạ chở che của Mẹ.
Giáo Hội Năm Châu
05:42 01/05/2021
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:03 01/05/2021

17. Linh hồn ơi, khi còn sống ở đời này ngươi phải nhiệt thành yêu mến và hy vọng ở thiên đàng, phải đau lòng khi chưa được hưởng thiên đàng, phải lo lắng khi ngươi có thể mất đi thiên đàng, phải khử trừ tất cả những gì làm ngươi không thể lên thiên đàng, đối với tất cả những sự vật khác thì ngươi không nên cảm thấy vui vẻ hứng thú.

(Thánh Anselm)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:08 01/05/2021
33. BẢNG HIỆU VẼ DAO

Chủ quán rượu mời họa sĩ vẻ bảng hiệu cho quán, người ấy vẽ xong thì lại vẽ phía trên một con dao.

Chủ quán kinh ngạc hỏi:

- “Vẽ con dao này là có ý nghĩa gì vậy?”

Trả lời:

- “Tôi phải dùng con dao này để giết thủy khí trong rượu !”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 33:

“Thủy khí” là chất men trong rượu, là chất làm cho con người ta khi uống vào thì mất cả lý trí, mất cả nhân cách, và có khi đưa con người ta đi đến chổ phạm pháp.

Thời nay, các hãng bia rượu quảng cáo rượu bia trên truyền hình với những “pha” rất hấp dẫn, để dụ dỗ thanh niên nam nữ và những người thích uống rượu đi vào con đường nghiện ngập, trở thành những người phá hoại hạnh phúc của chính mình và gia đình, trở thành nổi ám ảnh cho xã hội…

Người họa sĩ vẽ con dao trên bảng hiệu của quán rượu là để cảnh cáo những người uống rượu.

Người Ki-tô hữu nên khắc chữ Hạnh Phúc Thiên Đàng trong tim trong óc và trong cuộc sống của mình, để nhắc nhở mình khi ngồi trước ly bia ly rượu…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vẻ vang Dân Việt: Vatican – Linh mục Nguyễn Đình Anh Nhuệ, Tân Tổng thư ký của Hội Giáo hoàng Truyền giáo của Tòa Thánh
Thanh Quảng sdb
20:40 01/05/2021
Vẻ vang Dân Việt: Vatican – Linh mục Nguyễn Đình Anh Nhuệ, Tân Tổng thư ký của Hội Giáo hoàng Truyền giáo của Tòa Thánh



Vatican –Theo Thông tấn xã Fides (1/5/2021) thì Linh mục Nguyễn Anh Đình Nhuệ, OFMConv, được chọn giữ chức Tổng thư ký của Hội Truyền giáo Giáo hoàng (PMU), đồng thời là Giám đốc Trung tâm Cổ súy Truyền giáo Quốc tế (CIAM) và Giám đốc của Thông tấn xã Fides. Ngài là một Tu sĩ Việt Nam Dòng Phanxicô, ngài được Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giáo Muôn Dân bổ nhiệm vào các chức vụ trên ngày 1 tháng 5 năm 2021, nhiệm kỳ 5 năm.

Linh mục Nguyễn Anh Đình Nhuệ, OFMConv thừa kế cha Fabrizio Meroni, PIME, người hoàn tất nhiệm vụ vào ngày 30 tháng 11 năm 2020, sau đó được gia hạn cho đến ngày 31 tháng 3 năm 2021.

Trong lời chào mừng tới các vị tân Giám đốc thuộc các Quốc gia của PMS, cha Meroni, cám ơn về những hỗ trợ ngài đã nhận được trong thời gian 5 năm qua và ngài hy vọng rằng dưới sự hướng dẫn của một người từ Châu Á, với những góp mặt của những thành viên từ Châu Phi và Châu Đại Dương sẽ lãnh đạo tổ chức PMU vươn lên như một dấu hiệu cho thấy tính phổ quát của sứ mệnh Truyền giáo của Giáo hội.

Linh mục Nguyễn Anh Đình Nhuệ, OFMConv nói với TTX Fides: "Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đức Thánh Cha, người hướng dẫn và truyền cảm hứng cho sứ mệnh của Giáo hội trong giai đoạn khó khăn này. Tôi xin chân thành cảm ơn Đức Hồng Y Luis Antonio Gokim Tagle, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền giáo cho muôn Dân, và Đức Tổng Giám Mục Giampiero Dal Toso, Phụ tá Thư ký của Thánh bộ và Chủ tịch Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng (PMS), đã tin tưởng và bổ nhiệm ngài.

Tôi cảm ơn vị tiền nhiệm của tôi là Cha Fabrizio Meroni, PIME, vì công việc ngài đã thực hiện với tất cả tài trí và lòng nhiệt thành. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới các vị Tổng thư ký của Hội Truyền giáo Giáo hoàng, Cha Tadeusz Nowak OMI, Sơ Roberta Tremarelli AMSS, Cha Guy Bognon PSS, cũng như các Giám đốc khác nhau từ các quốc gia khác nhau của PMS đã tiếp nhận và chào đón tôi trong tình huynh đệ. Tôi sẽ cố gắng hết sức hoàn thành những công việc chung là hoạt động truyền giáo tại các Giáo hội địa phương và hoàn vũ, với một một nhiệt tình, sáng tạo trong tinh thần hiệp thông và hợp tác...

Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria Vô Nhiễm, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ của các môn đệ Chúa, Thánh Cả Giuse và các đấng sáng lập ra Hội Truyền giáo, phù giúp chúng ta và xin tinh thần của các ngài giúp chúng ta hoàn tất được sứ vụ được trao phó cho chúng ta”.

Linh mục Nguyễn Anh Đình Nhuệ, OFMConv, sinh năm 1970 tại Qui Nhơn (Việt Nam), là linh mục Dòng Phanxicô, cha thuộc tỉnh dòng Warszawa (Ba Lan). Ngài là Giáo sư môn Chú giải và Thần học Kinh thánh tại Khoa Thần học Giáo hoàng Thánh Bonaventure ở Urbe (Seraphicum) và là giáo sư của Đại học Giáo hoàng Urbano và Đại học Giáo hoàng Gregoriano. Ngài là cũng là Cộng sự viên Nghiên cứu Danh dự của Đại học Divinity, Trường Thần học Công Giáo (Melbourne, Úc), nơi ngài đã giảng dạy từ năm 2006 đến năm 2011.

Ngài có bằng Thạc sĩ Khoa học Kỹ thuật tại Đại học Kỹ thuật Tula (1994, Nga). Sau khi gia nhập Dòng Phanxicô, ngài đã hoàn tất bằng cử nhân Thần học tại Khoa Thần học Giáo hoàng Thánh Bonaventure 2001, cũng là năm, ngài khấn trọn đời, và theo học Kinh thánh tại Đại học Giáo hoàng Gregoriano năm 2003, năm mà ngài được thụ phong linh mục ở Rôma. Năm 2006, ngài hoàn tất học vị Tiến sĩ Thần học Kinh thánh tại Đại học Giáo hoàng Gregoriano.

Ngài lần lượt giữ các chức vụ là Trưởng khoa Thần học Giáo hoàng của Đại học Giáo hoàng thánh Bonaventure Seraphicum, từ năm 2016 đến năm 2021. Ngài là thành viên của Ủy ban Khoa học của AVEPRO (Cơ quan Định giá và Cổ súy của các Đại học và phân Khoa thuộc Giáo hội), do Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm 2018-2023.

Ngài là Giám đốc sáng lập tổ chức FIATS - "Viện nghiên cứu Thần học Châu Á của Dòng Phanxicô", được thành lập vào năm 2015 tại Khoa Thần học Giáo hoàng Thánh Bonaventure.

Ngài là tác giả của nhiều sách xuất bản cùng với các bài nghiên cứu khoa học. Ngài nói thông thạo bảy thứ tiếng. (PA) (Agenzia Fides, 1/5/2021)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đôi lời với cha Gioan Trần Công Nghị
Trần Phong Vũ
00:18 01/05/2021
Trưa Chúa Nhật, 18-4, một ngày nóng đổ lửa, tôi được bào muội cha Gioan hướng dẫn vào thăm ngài bên giường bệnh tại tư gia.

Cha nằm nghiêng, gương mặt hao gầy với nhiều thay đổi, mắt nhắm như đang ngủ. Lùa qua tấm chăn mỏng, tôi nắm bàn tay mềm, ấm áp của cha. Trong khi ấy, cô em ghé sát tai nói tên tôi, nhắc ngài ra một dấu chỉ nhận biết người đến thăm. Tôi vô cùng xúc động khi bàn tay phải cha bóp nhẹ, hai mắt thoáng hé mở rồi nhắm lại.

Cúi gần khuôn diện quá đổi khác của cha, tôi kể tên những anh em Nhóm Gioan Tiền Hô, NS/DĐGD nhắn lời vấn an và cầu nguyện cho ngài. Thoáng nhìn đám đông bên ngoài đang chờ đợi đến lượt vào thăm, xiết chặt tay cha, tôi cầu nguyện cùng ngài trong một phút rồi từ giã ra về, lòng mang theo nhiều cảm xúc.

Bốn ngày sau, hay tin cha Gioan được Chúa gọi ra khỏi thế gían. Dù đã dự cảm sự ra đi của cha sẽ chỉ còn đếm được từng giờ, nhưng tôi không khỏi xót xa, luyến tiếc.

Viết bài tưởng niệm này tôi cũng muốn tỏ lời cám ơn cặp vợ chồng người bạn trẻ cuối tuần rồi đã báo tin cha Trần Công Nghị, người sáng lập hệ thống truyền thông Công Giáo Việt nam “VietCatholic News” đã rời bệnh viện về nhà với bệnh tình không mấy khả quan, để tôi có dịp ghé thăm ngài lần cuối.

Vì ỷ y con đường quá quen thuộc, là nơi thánh đường St Columban tọa lạc, tôi yên tâm lái xe không chuẩn bị trước, và cũng lơ đễnh không mang theo I-Phôn. Thật không ngờ đường bị ngắt nhiều đoạn, nên chuyến đi buổi sáng tôi bị lạc. Không còn thì giờ tìm kiếm thêm, tôi đành quay về vì mẹ các cháu không khoẻ, chờ đến trưa trở lại.

Mối liện hệ giữa tôi và cha Nghị trong hơn 40 năm qua không phải lúc nào cũng êm đềm.

Từ ngày rời Kansas về định cư ở miền nắng ấm California, tôi có cơ hội gặp gỡ cha Trần Công Nghị nhiều lần riêng hoặc chung với các cha Trần Cao Tường, Phạm Văn Tuệ hoặc với ĐÔ Mai Thanh Lương thuở ngài chưa về làm GM Phụ tá Giáo phận Orange.

Trong dịp ghé thăm tòa soạn nguyệt san dân Chúa lần đầu, cha Nghị đã ân cần giới thiệu tôi với cha Chủ nhiệm Việt Châu. Mặc nhiên, từ đấy tôi trở thành cộng tác viên tờ báo. Liên tiếp trong hai năm, hồi gia đình còn ở Kansas, tôi giữ mục “Tuổi Trẻ Việt nam hải ngoại” trên tạp chí này. Sau khi dời cư qua California cuối năm 79, tôi ngưng viết cho dân Chúa để cùng một số anh em chuẩn bị xuất bản nguyệt san Đường Sống đầu năm 80.

Không lâu cha Nghị cũng được bài sai về TGP Los Angeles. Khi gặp tôi, cha chuyển cho những số báo dân Chúa đóng thành tập có loạt bài tôi viết trước đó.

Trong một ngày cuối tuần cha mời anh em Đường Sống và một số thành viên Nhóm Gioan Tiền Hô tham dự bữa ăn thân mật tại nhà riêng thúc phụ cha ở Garden Grove để bàn về dự án thiết lập hệ thống truyền thông CGVN hải ngoại. Dù cha đã cố gắng hết sức, nhưng có thể vì dự án quá lớn, trong khi lực bất tòng tâm, nên đáng tiếc, không thực hiện được. Ngài bắt đầu viết cho ĐS. Nhưng vì có sự bất đồng, viết được mấy số, cha chấm dứt.

Cũng từ đấy, bẵng đi một thời gian, tôi không có cơ hội trực tiếp hội diện cha, ngoại trừ những lần tham dự ĐH-LĐCG hoặc các dịp đám cưới, đám tang người thân.

Vào khoảng năm 1995/1996, bất bình vì thấy bài của tác giả Nguyễn Đình Đầu viết về Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám Mục Giáo phận Sàigòn dịp ngài được Chúa gọi ra khỏi thế gian, xuất hiện trên tạp chí Thời Điểm Công Giáo do cha Trần Công Nghị chủ trương ở miền nam tiểu bang California. Ngày sau đó, tôi viết một bài phản biện dài, gửi vị phụ trách tòa soạn, dù nghi ngại bài sẽ bị vứt bỏ. Sự nghi ngại này có căn cớ, vì ông Đầu là một nhân sĩ Công Giáo lão thành, cho dù là một người thiên tả. Ông sinh cuối năm 1920, tính tới nay đã qua tuổi 100 với hơn 4 tháng lẻ.

Nói tới nhân vật Nguyễn Đình Đầu, hầu hết những ai thuộc lứa tuổi chúng tôi (sinh cuối thập niên 20 hoặc đầu thập niên 30 ở miền bắc vào nam tị nạn cộng sản năm 54) ít nhiều đều biết tiếng ông. Cá nhân tôi may mắn được quen biết thời gian ông mở nhà in và làm Giám học ở Trung học Nguyễn Bá Tòng một tư thục Công Giáo lớn ở Sàigòn (nay là trường Phổ thông Trung học Bùi Thị Xuân), trong khi tôi dạy quốc văn. Hơn nữa, em rể ông là GS Trần Hữu Quảng vốn là bạn tôi. Người bạn đời anh Quảng, tức bào muội ông Đầu từng hướng dẫn Giáo lý CG và đỡ đầu cho nhà tôi khi nhận bí tích Thanh Tẩy để cùng tôi lập gia đình đầu năm 1964.

Ông Đầu vốn là bạn thân ông Nguyễn Mạnh Hà trong thời gian hai ông sinh hoạt trong tổ chức Hướng Đạo Việt Nam và Phong trào Thanh Lao Công (tức "Phong trào Thanh niên Lao động Công Giáo", Jeunnesse Ouvrière Chrétienne - JOC). Có một thời ông Hà làm Hội trưởng toàn quốc và ông Đầu làm Hội trưởng chi nhánh thủ đô Hànội.

Nhờ mối liên hệ thân tình ấy, sau ngày 19-8-45, nhanh tay cướp được chính quyền, ông Hồ dưới cái mũ Việt Minh thành lập chính phủ lâm thời. Từ Pháp quốc, ông Nguyễn Mạnh Hà được mời về làm Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế, đã đề cử ông Nguyễn Đình Đầu vào chức vụ Bí thư với vai trò phụ tá. Trên cương vị này, ông đích thân được họ Hồ giao nhiệm vụ đi mua gạo, tiếp tế cho đạo quân Trung Hoa Dân quốc đang có mặt ở miền Bắc dưới danh nghĩa đại diện Đồng Minh giải giáp quân đội Nhật. Do những yêu sách nặng nề bất khả thi của các tướng Lư Hán - Tiêu Văn, đã có lần ông bị bắt giam và có khả năng bị giết hại nếu không có sự can thiệp kịp thời của ông Hồ.

Năm sau, chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Nguyễn Tường Long, tức nhà văn Hoàng Đạo được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế. Ông Nguyễn Mạnh Hà được đề cử vào chức vụ Thứ trưởng và một lần nữa, ông Đầu tiếp tục làm phụ tá cho ông Hà. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, ông Đầu ở lại Hànội còn ông Hà qua Pháp vì ông vốn là công chức trong chính quyền Pháp trước đó. Một thời gian sau, ông Đầu được ông Hà bảo lãnh qua Pháp du học. (Theo tài liệu trên Google).

Thời gian này ông Đầu có nhiều dịp sinh hoạt với các nhóm sinh viên thiên tả cả Việt lẫn Pháp. Năm 1954, khi hòa hội Genève mở ra, trong dịp phái đoàn chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Phạm Văn Đồng cầm đầu ghé thủ đô Pháp, ông đã cùng đại diện các nhóm sinh viên thân Hà nội tới chào mừng.

Sau khi đất nước chia đôi, năm 1956, thay vì về Hà nội, ông Đầu về Sàigòn. Trong khi nghe ngóng tình hình, ông soạn sách giáo khoa sử địa bậc trung học, làm Giám học tại tư thục Nguyễn Bá Tòng và hùn hạp mở nhà in để kiếm sống. Khoảng đầu thập niên 60, em rể ông, GS Trần Hữu Quảng xuất bản tuần báo Sống Đạo, với nội dung phê phán những vấn đề nhạy cảm trong Giáo hội và là căn nguyên gây nhiều tranh cãi trong giới Công Giáo ở Sàigòn hồi ấy.

Sau Hiệp định Paris năm 1973, tình hình chiến cuộc miền nam ngày càng thêm sôi động. Những cuộc biểu tình tại Sàigòn liên tiếp diễn ra từng ngày, cùng với thiểu số LM cấp tiến, ông Đầu công khai xếp hàng với thành phần thứ ba do nhóm ông Dương Văn Minh, Lý Quý Chung, Hồ Ngọc Nhuận dẫn đầu. Vào những ngày náo loạn cuối tháng tư, sau khi TT Thiệu từ chức nhường lại cho Phó TT Trần Văn Hương, và ngay sau đó do áp lực khắp phía, cụ Hương từ chức, tướng Dương Văn Minh lên thay. Ngày 29-4. ông Minh đặc cử ông Đầu làm thành viên phái đoàn đại diện Việt Nam Cộng hòa đến Trại Davis để đưa đề nghị ngưng chiến.

Sau ngày 30-4, ông Đầu có mặt trong hầu hết những sinh hoạt của nhóm trí thức CG cấp tiến đòi trục xuất Đức Khâm sừ Tòa Thánh, biểu tình chống việc Đức GM Hùynh Văn Nghi trong vai trò Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo phận Sàigòn và ĐC Thuận làm Phó cho Đức TGM Bình với quyền kế vị. Kết quả, ĐC Nghi phải trở về Giáo phận cũ Phan Thiết, coi như bị giam lỏng, ĐC Thuận bị cộng sản còng tay mang ra Bắc giam cầm trong suốt 13 năm trường.

Dù hết lòng với chế độ mới như thế, nhưng cũng giống các khuôn mặt trí thức thiên tả khác, trong suốt mấy chục năm sống trong nước, ông Nguyễn Đình Đầu không được chia chác bất cứ chức vụ nào trong chính quyền cs, ngoài mấy tấm huy chương vô dụng và mấy chức vụ lặt vặt như Ủy viên Ban chấp hành Hội Sử học Việt Nam chẳng hạn.

Để chứng tỏ sự hiện diện của mình, ông cặm cụi sưu tầm tài liệu và thực hiện được khá nhiều tác phẩm về lịch sử, địa lý. Trong thời gian Bắc Kinh tỏ lộ ý đồ lấn chiếm biển đảo Việt nam, ông bắt đầu chuyên tâm tìm kiếm các bản đồ cổ để chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt nam và việc làm này đã đem lại cho ông một vài thành quả nhất định.

Trong số những sử liệu được coi là giá trị của ông đã được xuất bản có tác phẩm “Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức” do nhà xuất bản Trẻ ấn hành đầu năm 2013.

Năm 2017 ông hoàn tất cuốn “Pétrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ”, một tác phẩm lớn với nhiều phát giác mới được Cục Xuất bản cấp giấy phép với đầy đủ các thủ tục giấy tờ và được dự trù ra mắt tại Đường Sách Sài Gòn vào sáng Chủ nhật 08 tháng Giêng năm 2017. Nhưng thật bất ngờ, buổi ra mắt sách này đã bị hủy theo "một chỉ thị miệng" và báo chí được tin cảnh báo không đề cập những gì liên quan tới cuốn sách.

Cuối Thu năm 2018, trong dịp qua Montréal, Canada thăm một anh bạn thân đang bị bệnh –BS Phạm Hữu Trác. Vào một buổi tối, nhân đề cập cuốn sách của ông Đầu, anh Trác kêu điện thoại về VN cho tác giả và trao cho tôi nói chuyện, vì có lần tôi từng tỏ ý tiếc và nói với anh là phải chi ông Đầu đồng ý gửi cho tủ sách Tiếng Quê Hương, chúng tôi sẵn sàng xuất bản.

Từ đầu giây bên kia, dù tuổi lớn nhưng đương sự vẫn dễ dàng nhận ra tôi khi tôi hỏi thăm cuộc sống của mẹ con chị Trần Hữu Quảng sau ngày anh Quảng mất vì ung thư.

Tiếp theo mấy lời thăm hỏi, tôi đi thẳng ngay vào chuyện xuất bản cuốn “Pétrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” và chuyển lời nhà văn Uyên Thao đề nghị ông gửi cho TQH để tủ sách lo phương tiện phổ biến, đồng thời xin ông cho biết điều kiện. Ông tỏ ra rất vui vẻ ghi lại số điện thoại và email của tôi để liên lạc sau. Nhưng rồi bặt tin từ đấy.

Trở lại với bài phản biện của tôi gửi Thời Điểm Công Giáo số kế tiếp sau bài viết của tác giả Nguyễn Đình Đầu viết về Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình để biện minh cho chính bản thân ông hơn là người quá cố, điều nghi ngại của tôi đã không xảy ra. Nhận được tạp chí, mở đọc, tôi thấy bài đã được đăng đầy đủ. Vì quá bận rộn, khi ấy tôi cũng không có dịp tìm hiểu.

Nhưng vào năm 2009, nhân được mời tham dự đám cưới con BS Vũ Thế Truyền ở New Orleon tiểu bang Louisianna, người phụ trách trang Y Tế cho NS/DĐGD, tôi email nhờ hai cha Trần Cao Tường và Phạm Văn Tuệ giúp tổ chức giới thiệu tác phẩm “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Đại”. Dịp này nhắc lại chuyện cũ, điều bất ngờ đối với tôi là theo lời cha Tuệ, chính cha Trần Công Nghị đã đồng ý cho đi bài viết, dù có người phản đối.

Cho đến dịp ghé thăm cha tuần vừa qua, 4 ngày trước khi ngài được Chúa gọi về, bào muội của cha nhận ra tôi, cho dẫu chỉ qua những lần tôi xuất hiện trong các chương trình hội luận trên các hệ thống truyền hình do tôi đảm trách, cho hay: nhiều lần chính cha Nghị khi thấy tôi trên truyền hình, ngài luôn có lời tốt lành khi nói về tôi. Tiết lộ của cha Tuệ và cô em cha, trước sau đã cho tôi có một cái nhìn tích cực về ngài.

Thứ nhất, cha luôn là một mục tử có lòng đối với Giáo hội và Quê hương, không chấp nhận chủ nghĩa vô thần cộng sản. Trong 46 năm ở Mỹ, ngoại trừ một lần về nước vì chuyện gia đình nhưng bị công an cầm chân ở phi trường, rồi tống xuất trở lại Mỹ. Từ đấy dứt khoát cha không trở lại Việt nam lần nào nữa. Sự kiện cha chấp nhận đăng trên chuyên san Thời Điểm Công Giáo do cha chủ trương bài viết của tôi phản biện quan điểm của ông Nguyễn Đình Đầu viết về Đức Tổng Bình cuối thế kỷ trước cũng cho thấy thái độ dứt khoát của cha đối với những thành phần lừng chừng, đánh đu với giặc,

Thứ hai là tinh thần bao dung, khoan nhượng, dễ quên và hay tha thứ của cha trong khi giao tiếp với tha nhân, trong số có những người úy kỵ cha vì ngộ nhận hay vì một căn nguyên sâu xa nào khác. Trong trường hợp này, không ai xa, chính tôi là một trong những người được hưởng nhờ tinh thần cao quí ấy của cha Nghị. Tạ ơn Chúa và cám ơn cha Gioan.

Trong hơn một năm vì đại dịch Virus Vũ Hán bùng phát, thêm nữa lại bận săn sóc bệnh tình nhà tôi, bị cầm chân trong nhà, tôi có dịp mở TV VietCatholic thường xuyên. Trước hết, để dự Thánh lễ trực tuyến từ VN, hay Vatican. Thứ đến, theo dõi thời sự Giáo hội quê nhà và tình hình Công Giáo quốc tế. Chính nhờ thế, tôi nhận ra nhiệt tâm, sự năng nổ, nhạy bén và những đóng góp, cống hiến quí giá, vĩ đại của cha Gioan trong nỗ lực đặt nền móng cho hệ thống truyền thông tân tiến, hiện đại này.

Nhìn lại di sản cha để lại, tôi hoàn toàn chia sẻ những suy tư trong bài viết của cha Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT về công lao khai phá cùng những đóng góp to lớn của cha trong cuộc hành trình ¼ thế kỷ dấn thân phục vụ truyền thông Công Giáo trong kỷ nguyên Tin Học với những bước tiến chóng mặt. Từ một tay mơ, nhưng với nhiệt tâm đem Tin Mừng Chúa nối kết trong ngoài đất nước, chỉ trong vòng 25 năm, cha đã kiên trì vượt qua mọi gian khó để có được kênh VietCatholic News rộng lớn với một giàn trang cụ tân tiến và các ban quản trị, kỹ thuật, biên tập, thông tín viên, xướng ngôn viên đầy kiến thức chuyên môn như hôm nay.

Dưới đây là trích đoạn bài viết của cha Khải được công bố trong một video của ViệtCatholic vài ngày qua:

“Từ 25 năm nay, không có website Việt ngữ Công Giáo nào ổn định và phát triển liên tục như Vietcatholic. Từ 25 năm nay không kênh truyền thông Việt ngữ Công Giáo nào có nhiều độc giả trong ngoài nước hơn Vietcatholic. Từ 25 năm nay không kênh truyền thông Việt ngữ Công Giáo nào cho độc giả cái nhìn toàn diện hơn và chân thực hơn về đời sống của Giáo Hội như Vietcatholic.

Và cũng từ 25 năm nay không một kênh truyền thông Việt ngữ Công Giáo nào có thể cho thế giới biết về hiện tình Giáo Hội Việt Nam nhiều hơn Vietcatholic. Nhiều cơ quan thông tấn Công Giáo ngoại quốc lấy tin từ Vietcatholic. Nhiều Kitô hữu ngoại quốc biết đến Giáo Hội Việt Nam nhờ Vietcatholic.

Vì ngài có cả một hệ thống cộng tác viên dịch thuật từ tiếng Việt ra tiếng Anh, thậm chí tiếng Pháp và tiếng Ý, tiếng Đức, mỗi khi có sự kiện gì quan trọng liên quan đến Giáo Hội Việt Nam. Nhờ Vietcatholic mà các tín hữu CG Việt được hiểu biết và gắn bó với nhau và với Giáo Hội nhiều hơn. Ngài là người tiên phong của truyền thông Công Giáo Việt Nam thời internet.”

Với riêng người viết bài này, ngoài di sản vĩ đại kể trên, cha Gioan còn là một Mục tử có trái tim bao dung cao cả mà chính tôi là nhân chứng và cũng là người trong cuộc, để làm hành trang cho cha trong giây phút giã từ cõi tạm để về cùng Đấng mà từ thuở đời đời đã quảng đại đón nhận cha vào hàng ngũ “Kitô Đệ Thứ” của Ngài.

Hẹn tái ngộ cha Gioan trên cõi hằng sống.

Trần Phong Vũ

Irvine, Thứ Năm ngày 29-4-2021
 
Thánh lễ cầu nguyện và tưởng niệm Ngày 30/4 Tại Nhà thờ I Nhã Melbourne.
Trần Văn Minh
03:37 01/05/2021
Melbourne, vào lúc 7 giờ 30 tối Thứ Sáu Ngày 30 Tháng Tư Năm 2021. Tại Nhà thờ I Nhã vùng Richmond, Melbourne. Một Thánh lễ tưởng niệm và cầu nguyện cho Tổ quốc Việt Nam, cùng cầu nguyện cho các anh hùng, chiến sỹ QLVNCH đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam tự do, và đồng bào đã bỏ mình trên đường vượt biển tìm tự do trong biến cố 30/4. Cùng cầu nguyện cho quê hương Việt Nam được sống trong tự do, hạnh phúc đích thực. Được tổ chức rất trọng thể, với rất đông quý cựu quân nhân đại diện cho các Quân, Binh chủng thuộc QLVNCH và đồng bào về tham dự.

Xem hình



Hiện diện tại buổi lễ có quý cha Phạm Minh Ước chủ tế cùng cha Nguyễn Hoàng Trung đồng tế, Cộng đoàn Công Giáo Giáo Xứ I Nhã, Ca đoàn Nhà thờ Giáo xứ I Nhã và đông đảo đồng bào trong khắp tiểu bang về tham dự. Cờ Úc và cờ Việt Nam Cộng Hòa được treo đối xứng hai bên hàng cột của ngôi thánh đường uy nghi và rộng lớn, đã làm tăng thêm phần trang trọng cho buổi lễ, ngoài ra phần đông mọi người đều có khăn quàng cổ mầu cờ vàng có ba sọc đỏ, hay những tà áo dài mầu cờ quốc gia.

Mở đầu là phần rước Quốc Quân kỳ Úc Việt và Quân kỳ QLVNCH lên khu trang trọng, do anh em cựu Quân nhân mặc quân phục QLVNCH đảm trách rất trang nghiêm, cùng đặt vòng hoa tưởng niệm để nhớ đến các anh linh quân dân cán chính và đồng bào đã bỏ mình bảo vệ tự do, hay chết trên đường đi tìm tự do. Tiếp đến là phần thắp nến, nến được rước từ cuối nhà thờ lên xếp trên mặt bàn trước tòa giảng.

Một đoàn rước nến thật dài từ dưới cuối nhà thờ sau khi Linh mục chủ tế và đồng tế lấy lửa từ nến Phục Sinh thắp lên, và đặt trên bàn tưởng niệm, và truyền lửa đến mọi người, để mọi người sát cánh bên nhau thắp ngọn nến thay lời nguyện cầu, nguyện cho công lý và hoà bình sớm về trên quê hương. Mọi người tay cầm nến tiến lên đặt nến trên bàn tưởng niệm, từ các em bé cho đến các cụ già, với tấm lòng yêu quê hương, đất nước mà cầu nguyện cho các anh hùng tử sỹ đã vì bảo vệ tự do gìn giữ mảnh đất thân yêu mà bỏ mình, và tất cả các linh hồn đi tìm tự do mà chết trên đường vượt biên, vượt biển!

Chia sẻ trong Thánh lễ, Linh mục Phạm Minh Ước chủ tế chia sẻ, xin tóm tắt: mỗi dịp 30/4 về, dù đã qua đi đến 46 năm, nhưng chúng ta không thể nào quên một biến cố đau thương của dân tộc Việt Nam. Có nhiều cách gọi cho ngày này. Người Cộng Sản thì gọi là ngày giải phóng, ngày thống nhất đất nước. Người nước ngoài thì gọi là ngày Sài Gòn sụp đổ. Còn chúng ta, những người dân Miền Nam của Việt Nam Cộng Hòa thì gọi là Tháng Tư đen, ngày quốc hận! Và linh mục đã so sánh về những thành quả và nền hành chánh, kinh tế của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, so với nhà cầm quyền Cộng sản ngày nay. Một bên thì nhân bản, xây dựng đất nước, đặt tổ quốc lên trên hết. Một bên lại cuồng tín vào Chủ nghĩa Cộng sản, độc tài, phá hoại và hiếu sát!

Đến nay, nhiều người đã mong được sống lại thời Việt Nam Cộng Hòa để được hưởng sống trong an bình, hạnh phúc, tự do và nhân quyền. Sau Thánh lễ, Ông Nguyễn Văn Long thay mặt ban tổ chức lên cảm ơn quý cha, quý vị lãnh đạo cộng đồng và các chiến hữu cựu Quân nhân QLVNCH, nhất là đồng bào đã về dâng lễ tưởng niệm.

Sau đó là hát cộng đồng do Ca sỹ Linh Hà khởi xướng và được đồng bào hưởng ứng trong lúc mọi người chụp hình lưu niệm. Được biết, đây là lễ tưởng niệm đầu tiên sau nạn dịch Tầu Wu Han từ Tháng 3 Năm 2020, mọi sinh hoạt trên toàn nước Úc đều bị gián đoạn trong đó cộng đồng chúng ta cũng không ngoại trừ!
 
Lễ Tưởng Niệm 30 tháng 4 lần thứ 46 tại giáo xứ CTTĐVN Seattle
Nguyễn An Quý.
08:26 01/05/2021
Lễ Tưởng Niệm 30 tháng 4 lần thứ 46 tại giáo xứ CTTĐVN Seattle

Tukwila. Hôm nay ngày 30 tháng 4 năm 2021, ngày gợi nhớ niềm đau vô cùng tận của toàn dân miền Nam Việt Nam cách đây 46 năm khi Sài Gòn lọt vào tay cộng sản. Hiệp thông với Cộng Đồng người Việt Quốc Gia trên khắp thế giới, giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle long trọng cử hành lễ Tưởng Niệm 30 tháng Tư vào đúng ngày 30 tháng Tư lúc 7 giờ chiều.

Đúng 7 giờ, vị đại diện Ban Tổ Chức thông báo chương trình lễ tưởng niệm: Kính thưa Cộng đoàn dân Chúa hiện diện, lễ tưỏng niệm 30 tháng Tư gồm nghi thức Tưởng Niệm và Thánh Lễ cầu nguyện cho quê hương Việt Nam và cầu nguyện cho các Quân, Dân, Cán, Chính VNCH, cùng các đồng bào đã chết trên vạn nẻo đường khi đi tìm tự do. Mở đầu chương trình là bài diễn từ tưởng niệm 30 tháng 4 do anh Phùng Tuấn đọc với giọng đọc khá truyền cảm. Bài diễn từ ngắn gọn nói lên ý nghĩa của buổi lễ Tưởng Niệm với tất cả tâm tình cầu nguyện:

Xem Hình

Kính thưa quý vị:

Hằng năm cứ tháng 4 về, mọi người Việt Quốc Gia trên thế giới đều nhớ đến biến cố đầy đau thương của miền Nam Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Hiệp thông với nổi đau thương này, giáo xứ các Thánh Tử Đạo Việt Nam cùng với quý vị hiện diện nơi đây, hôm nay đúng ngày 30 tháng 4 vừa tròn 46 năm, chúng ta cùng nhau hướng về quê hương Việt Nam thân yêu, để tưởng niệm biến cố đầy đau thương khi miền Nam Việt Nam lọt vào tay cộng sản, ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Biến cố 30 tháng 4 đã mang lại cho toàn dân miền Nam một cảnh bi thương nhất trong lịch sử dân tộc Việt. Không sách vở nào kể cho hết nổi tang thương, khổ đau vô cùng tận của hàng hàng lớp lớp Quân,Dân, Cán Chính VNCH bị đẩy vào các trại tù cải tạo, một số lớn đã chết trong các trại tù lao động khổ sai này. Không sách vở nào tả hết nổi đau thương của những gia đình mà chồng bị đi tù, vợ con ở nhà bị đưa vào vùng kinh tế mới, sống đời đói rách cơ cực. Sách vở nào kể hết những đói khát khổ đau mà nhân dân miền Nam đã bị phân biệt đối xử và nổi đau thương của hàng triệu người đã phải bỏ nước ra khi đi tìm tự do, nhiều người đã chết nơi rừng sâu, biển cả, làm sao kể hết nổi thương tâm đầy kinh hoàng này.

Nhìn lại 46 năm qua, 46 năm mà toàn dân miền Nam Việt Nam đã phải ngậm ngùi đón nhận đời sống cơ cực nhất khi nhớ lại chuyện cay đắng của cái gọi là ngày: "giải phóng "mà Bắc bộ phủ đã mang lại cho Sài Gòn kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Bốn mươi sáu năm trôi qua, 46 năm đảng cộng sản nắm toàn quyền thống trị đất nước với chế độ toàn trị. Cộng sản Việt Nam đã đưa dân tộc Việt đi dần vào vòng nô lệ Tàu Cộng, và đảng cộng sản Việt Nam đã và đang thi hành kế sách của Tàu cộng là dần dần biến Việt Nam thành chư hầu của Tàu cộng theo thời gian bị chuyển hoá dần mà không cần súng đạn.

Bốn mươi sáu năm qua, đảng cộng sản VN đã tàn phá quê hương Việt Nam từ vật chất đến tinh thần, mọi tôn giáo đều bị khống chế bởi các nghị định với luật lệ xin cho, quyền con người bị tước đoạt, luân lý, đạo đức bị suy đồi, mồ mả tổ tiên bị đào bới, giang sơn gấm vóc bị bạo quyền Cộng sản cắt dần dâng cho Tàu Cọng, dân tộc bị nghèo đói, lạc hậu, trăm mối thê lương chồng chất, đưa cả dân tộc đi vào vực thẳm và tạo nên một xã hội đầy tệ trạng.

Tưởng niệm 30 tháng 4 cũng là dịp để các thế hệ con cháu của chúng ta đang sống nơi hải ngoại biết suy niệm về niềm đau của dân tộc Việt do đảng cộng sản Việt Nam gây ra kể từ khi đảng cộng sản nắm toàn quyền thống trị đất nước.

Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta cùng nhau hướng về những anh linh vị quốc vong thân, những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ lý tưởng tự do. Hiệp dâng thánh lễ hôm nay chúng ta cùng cầu nguyện cho Quân, Dân, Cán, Chính VNCH và Đồng Minh đã chết trong suốt cuộc chiến bảo vệ miền Nam tự do, nhất là các chiến sĩ và đồng bào đã ra đi trong những ngày kinh hoàng của biến cố 30 tháng 4, cùng những đồng bào ruột thịt đã chết nơi rừng sâu biển cả trên vạn nẻo đưởng tìm tự do, cùng những chiến sĩ đã chết trong các trại tù tù cải tạo kể cả các chiến sĩ tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho quê hương Việt Nam sớm thoát khỏi nạn cộng sản vô thần để mọi người dân được sống trong an bình hạnh phúc.

Trân trọng kính chào. (Xin Ba hồi chiêng trống ).

Bài diễn từ vừa dứt Ba hồi chiêng trống ngân vang làm tăng thêm sự trang trọng của buổi lễ tưởng niệm. Ba hồi chiêng trống vừa dứt, ca đoàn hát bài ca nhập lễ, các linh mục cùng với nghi đoàn cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn thánh theo tiếng hát của ca đoàn. Dâng thánh lễ hôm nay gồm cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế, cha Nguyễn Sơn Miên và cha Trần Hữu Lân đồng tế.

Bài ca nhập lễ vừa dứt, vị MC nói: Trân trọng kính mời quý cha tiến về vị trí dâng hương. Nghi thức niệm hương khá trang trọng gồm quý cha và từng cặp đại diện 3 miền Nam Trung Bắc dâng hương.

-Quý Cha dâng hương với lời dẫn: Hương trầm trên tay Quý cha là niềm tri ân dạt dào, là lời cảm tạ bao hồng ân mà Chúa đã ban cho chúng ta được sống trong một đất nước tự do. Trong giây phút thiêng liêng này, chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho quê hương Việt Nam sớm chấm dứt nạn cộng sản vô thần để mọi người dân được sống trong an bình hạnh phúc. Xin cho toàn dân Việt được ơn can đảm và đoàn kết để cùng nhau bảo vệ đất nước trước nạn xâm lăng của Tàu cộng.

Sau mỗi lời dẫn niệm hương của từng thành phần dâng hương vừa dứt Ca Đoàn hát: Hương Trầm tỏa bay lên tỏa bay lên trước tôn nhan- Ba tiếng chiêng trống điểm theo tiếng hát.

Kế đến là từng cặp đại diện cho 3 miền Nam Trung Bắc dâng hương với lời dẫn:

-Đại diện miền Nam: Nén hương trong tay những đại diện cho miền Nam dâng lên Chúa với lời khẩn nguyện thiết tha. Xin cho những chiến sĩ đã chết cho nền công lý và hoà bình được đơm hoa kết trái trên mảnh đất đầy tình người đơn sơ và chân thật, xin cho mọi người dân Việt được tự do phát triển để cùng nhau xây dựng mảnh đất trù phú mà Chúa đã thương ban.

- Đại diện miền Trung: Miền Trung nơi vun trồng tinh thần bảo vệ tự do tôn giáo mà cố Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền là biểu tượng của chứng nhân sự thật. Chúng con dâng lên Chúa nén hương với lời cầu xin cho những chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Xin cho tinh thần kính Chúa yêu người của cố Hồng Y Phanxicô Saviê Nguyễn Văn Thuận được lan tỏa khắp mọi miền đất nước.

-Đại diện miền Bắc: Tưởng niệm biến cố 30 tháng tư đầy đau thương này, nén hương chúng con dâng lên để niệm nhớ đến các anh hùng vị quốc vong thân, niệm nhớ các chiến sĩ VNCH và đồng minh đã hy sinh để bảo vệ miền nam Việt Nam, niệm nhớ đến các chiến sĩ đã chết trong các trại tù cộng sản, và tất cả đồng bào ruột thịt đã chết trên vạn nẻo đường khi đi tìm tự, xin cho tất cả được an nghỉ nơi nước Chúa.

Phần niệm hương kết thúc và thánh lễ bắt đầu. Mở đầu thánh lễ Cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế ngõ lời: Hôm nay giáo xứ CTTĐVN cử hành lễ tưởng niệm 30 tháng tư để cầu nguyện cho quê hương Việt Nam sớm được hưởng một nền công lý đích thực và cầu nguyện cho các Quân Dân Cán Chính VNCH đã hy sinh để bảo vệ lý tưởng tự do, giáo xứ hân hoan chào đón toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện, cùng dâng thánh lễ hôm nay có cha Nguyễn Sơn Miên, cha Trần Hữu Lân, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau.( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu)

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo phụng vụ ngày thứ Sáu trong tuần IV Phục Sinh. Tin Mừng hôm nay Thánh Gioan giới thiệu câu chuyện Chúa Giê-su nói với các môn đệ của Ngài: ” Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.” Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”

Cha chánh xứ phụ trách giảng lễ, trong bài giảng ngài nhấn mạnh: Ngày 30 tháng tư năm 1975 là ngày mà Sài Gòn thất thủ, ngày mà cộng sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, ngày đánh dấu về một nổi tang thương bao trùm cả miền Nam, ngày bắt đầu của một sự mát mát, hàng trăm ngàn quân dân cán chính VNCH đi vào tù, ngày bắt đầu hàng trăm, hàng vạn gia đình bị cưỡng bách đi vùng kinh tế mới để chúng chiếm nhà cửa của họ ở các thị trấn, các thành thị, ngày bắt đầu toàn dân miền Nam bị đày đọa qua cuộc sống khốn cùng vì cái gì cũng thiếu, ngày bắt đầu người dân lao vào một cuộc di tản ra khỏi nước để đi tìm tự do, kể sao hết nổi đau này. Hôm nay đúng là ngày đại tang, ngày miền Nam đã mất đi nền tảng chân -thiện -mỹ đã bao năm xây dựng tại miền Nam. Chúng ta cử hành lễ tưởng niệm 30 tháng tư là để nhớ đến những người đã chết để bảo vệ miền Nam cho chúng ta được sống, họ đã chết cho chúng ta được hưởng nhờ một nền tự do. Ngài nói tiếp: "Nhân ngày tưởng niệm này chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được sống trong một đất nước tự do. Nơi đây, chúng ta cùng nhau góp phần vào việc xây dựng một xã hội với nền tảng chân thiện mỹ, và cùng nhau tạ ơn Chúa đã qui tụ chúng ta xây dựng cộng đoàn đức tin theo nền tảng hồn Việt đó là giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đến nay khá vững mạnh, chúng ta tạ ơn Chúa. “

Trước khi kết thúc thánh lễ, cha chánh xứ đã trân trọng cám ơn quý cha và tòan thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện, cám ơn Ban tổ chức và những ai cộng tác vào việc tổ chức lễ tưởng niệm hôm nay được tốt đẹp.

Thánh lễ kết thúc lúc 8 giờ 20 sau phép lành cuối lễ của quý cha, mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Bài giảng của Cha Michael Mai Khải Hoàn trong thánh lễ Cầu Nguyện Và Tưởng Niệm Cha Giám Đốc VietCatholic
Lm. Michael Mai Khải Hoàn
20:39 01/05/2021
THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN và TƯỞNG NIỆM

LINH MỤC GIOAN TRẦN CÔNG NGHỊ

Thứ năm, ngày 29 tháng 4 năm 2021

Tại Thánh Đường Saint Columban, Garden Grove, California

- Kính thưa Đức Cha Tôma Thái Thành, quý cha, quý phó tế, quý tu sĩ nam nữ,

- Kính thưa tang quyến, thân nhân, bạn hữu của cha Gioan Trần Công Nghị,

- Kính thưa đại gia đình Vietcatholic và cộng đoàn dân Chúa

Chiều hôm nay, chúng ta tụ họp nhau đây để cùng dâng Thánh Lễ tưởng nhớ và cầu nguyện cho cha Gioan Trần Công Nghị.

Trong Thánh Lễ An Táng cha Thomas Merton, tu sĩ dòng Trappist, nhà thần học, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội, và là một trong những nhà hướng dẫn linh đạo lớn của thế kỷ 20; linh mục dòng Tên, cha Mark Van Doren, đã chia sẻ về sự ra đi của cha Thomas Merton như sau:

Một chai rượu thật quý đã đổ, và rượu quý đã trào ra hết. Người ta đã cố gắng đỡ lấy chai rượu…nhưng không kịp. Bây giờ không còn gì hết, chỉ còn lại hương thơm thơm bay lên…hương thơm bay lên…

Chai rượu quý Gioan Trần Công Nghị đã rót đến giọt cuối, chẳng còn gì ngoài hương thơm cùng với lời cảm tạ, chúc tụng, ngợi khen bay lên như trầm hương lên trước tôn nhan Chúa.

Thiên Chúa ban cho mỗi người trong chúng ta những nén bạc để cùng góp phần xây dựng thế giới này và loan truyền tình yêu của Ngài. Cha Gioan Trần Công Nghị đã nhận được nhiều nén bạc trong 76 năm tại thế, và cha đã sinh lợi những nén bạc này suốt 50 năm trong Thiên Chức Linh Mục.

Chúa quan phòng cho cha Gioan sinh ra từ Phát Diệm, quê hương của cụ sáu Trần Lục, nơi có giám mục tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam, đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng. Cha Gioan tu học tại Tiểu Chủng Viện Phát Diệm, và Đại Chủng Viện Sàigòn. Được theo học tại Giáo Hoàng Học Viện Urbano và Gregorian tại Roma, rồi Đại Học Fordham của các cha Dòng Tên ở New York. Từ lúc còn là chủng sinh cho đến khi thụ phong linh mục, cha Gioan luôn xuất sắc trổi vượt, nhận được bằng cấp học vị cao nhất, cũng như đảm nhiệm nhiều trọng trách. Từng là Giám thị, Giáo sư tại các chủng viện, Tuyên úy trong trại tỵ nạn, Giám đốc các trung tâm mục vụ, Linh hướng phong trào Cursillo, Tuyên úy phong trào Hướng Đạo Việt Nam, Chủ tịch và Phó chủ tịch các Liên đoàn Công Giáo miền, chủ bút tập san Thời Điểm Công Giáo, và phục vụ tại các giáo xứ thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles trong vai trò linh mục.

Nhìn lại hành trình 50 năm thiên chức linh mục, cha Gioan đã đóng góp cho Giáo Hội rất nhiều qua những mục vụ về tu đức, giáo dục, văn hóa…nhưng nổi bật hơn cả là cha đã tiên phong, có sáng kiến rao truyền Tin Mừng bằng Internet khi thiết lập mạng lưới Vietcatholic. Chắc hẳn nhờ diệu cảm Tin Mừng, cảm hứng từ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người tiên phong trong việc dùng kỹ thuật truyền thông, đã giúp cha Gioan nhìn thấy tầm quan trọng và ích lợi của việc rao truyền Lời Chúa bằng những phương tiện thông tin kỹ thuật của thời đại mới.

Trong thời kỳ còn khó khăn về thông tin tại Việt Nam, Vietcatholic đã là cầu nối giúp cho người Công Giáo Việt Nam với thế giới bên ngoài. Và không chỉ đơn thuần đưa thông tin, Vietcatholic còn đem đến cho độc giả trên khắp thế giới những kiến thức thần học, phụng vụ, tu đức cũng như khơi mở kiến thức và sử dụng internet. Hơn thế nữa, Vietcatholic còn mở rộng mạng lưới thông tin kết hợp với những sưu khảo và tài liệu về văn hóa, thánh nhạc, nghệ thuật, trang ảnh chiêm niệm thiền Công Giáo, huấn luyện kỹ thuật truyền hình, video, cũng như thực hiện các cuộc phỏng vấn, đưa thông tin về việc đấu tranh cho công lý, nhân phẩm con người.

Qua những thành quả mà cha Gioan Trần Công Nghị để lại, chúng ta thấy thêm được nén bạc quý mà Chúa đã ban cho: cha Gioan là con người nối kết. Cha đã nối kết được nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, tín hữu khắp nơi để cộng tác làm việc chung trong mục vụ truyền thông. Vietcatholic có sự cộng tác của rất nhiều người đem Tin Mừng khắp nơi, từ Hoa Kỳ đến Việt Nam, từ Úc Châu, qua Âu Châu, Á Châu và đến cả Nam Mỹ. Những năm về sau này, Vietcatholic lớn mạnh hơn với mạng lưới Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam.

Nén bạc nối kết Chúa ban cho, cha Gioan không chỉ nối kết những cộng sự viên trong Giáo Hội Công Giáo để rao giảng Tin Mừng, mà cha còn nối kết được với những tôn giáo bạn. Tạp chí Thời Điểm Công Giáo do cha làm chủ bút có các bài viết của các hòa thượng Phật Giáo, của Giáo hữu Cao Đài và Hòa Hảo đóng góp. Không ngừng tại đó, vào năm 1994, cha Gioan đã cùng với một số thành viên thuộc các tôn giáo bạn sáng lập Hội Đồng Hợp Tác Các Tôn Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Cha được mời giữ chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành. Đến năm 2001, được đổi thành Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, và cha Gioan là thành viên, đến nay cha vẫn là thành viên Danh Dự của Hội Đồng này.

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh từ Việt Nam đã chia sẻ về sự ra đi của cha Gioan thật ý nghĩa: “Cha Nghị đã đã tạo ra Vietcatholic để loan báo Tin Mừng, cha đã hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng. Chúc mừng cho Vietcatholic được tiếp tục sứ mạng của cha Nghị đã ôm ấp. Cầu cho Vietcatholic có nhiều người tham dự và cộng tác để loan báo Tin Mừng.”

Nhìn lại di sản tốt đẹp mà Chúa đã thương ban do cha Gioan khởi xướng, kiên trì vượt qua nhiều gian khó, vất vả vun trồng trong 25 năm qua với những đóng góp to lớn trong hành trình dấn thân phục vụ Tin Mừng qua truyền thông với lòng trân trọng, biết ơn và nguyện cầu cho di sản này được tiếp tục và đem lại nhiều hoa trái trong tương lai.

Cha Gioan đã hoàn thành cuộc lữ hành trần gian và từ giã chúng ta. Là con người, ai trong chúng ta cũng có những lầm lỡ, thiếu sót, lỗi phạm làm buồn lòng Chúa và tha nhân. Cha Gioan cũng không ra ngoài thân phận đó. Khi chúng ta cảm tạ tình thương Chúa ban cho cha Gioan những nén bạc quý để dựng xây Giáo Hội, chúng ta cũng nài xin lòng thương xót Chúa thứ tha những yếu đuối vì thân phận con người khi cha còn tại thế. Tin tưởng vào Lời Chúa trong bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.” Chúng ta tin rằng, cha Gioan đã nghe và tin lời Đấng đã sai cha đi làm vườn nho của Ngài, thì nhờ vào lòng thương xót vô biên của Chúa, cha Gioan đã theo Chúa Kitô vào cõi chết thì sẽ được vào cõi sống vĩnh cửu cùng với Đức Kitô Phục Sinh.

Chai rượu quý Gioan Trần Công Nghị đã không còn, rượu quý đã hết, nhưng hương thơm vẫn còn…

Hương thơm của các thành quả Chúa đã thực hiện qua cha Gioan trong các công việc mục vụ, đặc biệt là qua Vietcatholic vẫn còn đó. Dù sự hiện hữu trong thân xác và những tiếp xúc thân tình không còn, nhưng chúng ta vẫn hiệp thông sâu xa với cha trong Bí Tích Thánh Thể mà cha Gioan đã cử hành suốt 50 năm trong thiên chức linh mục. Tinh thần nối kết của cha Gioan vẫn hiện diện, không chỉ nối kết chúng ta trong ngôi thánh đường này, mà còn nối kết với biết bao người đang theo dõi trực tuyến trên mạng lưới toàn cầu để nguyện cầu cho cha, cho Giáo Hội trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa.

Cùng với việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho cha Gioan, cầu xin Chúa ban cho chúng ta sống trọn vẹn, an vui trong ơn gọi và hoàn cảnh của mình, để như cha Gioan, những hy sinh, đóng góp trong âm thầm hay gian khổ khi hoạt động tông đồ cho công cuộc truyền rao Tin Mừng của chúng ta luôn là lời chúc tụng, tạ ơn và ngợi khen như trầm hương thơm bay lên trước tôn nhan Chúa. Amen!

Linh mục Michael Mai Khải Hoàn - Giáo Phận Orange, California
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh „ salus infimorum- Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:35 01/05/2021
Hình ảnh „ salus infimorum- Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn.“

Trước tình hình nạn đại dịch do vi trùng Corona lây lan truyền nhiễm đe dọa tàn phá sức khoẻ cùng sinh hoạt đời sống nhân lọai từ hơn một nay, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi trong Tháng Năm năm nay 2021, tháng kính Đức Mẹ, cùng “Marathon cầu nguyện” đọc kinh Mân Côi với chủ đề: “Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết” (Cv 12,5).

Xin Đức Mẹ Maria phù hộ bầu cử cùng Chúa cứu chữa cho cơn khủng hoảng đại dịch sớm chấn dứt, để đời sống xã hội được phục hổi trở lại, con người có công ăn việc làm xây dựng phát triển đời sống, trẻ em bạn trẻ đi học hành trở lại gây dựng đời sống tương lai, đời sống tinh thần văn hóa, nhất là đạo giáo, không chìm xuống bị đẩy vào lơ là quên lãng…

Xưa nay khi cầu nguyện, người tín hữu Chúa Kitô hướng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, nguồn mọi chúc phúc lành ân đức. Họ than thở trình bày những tâm tư ước muốn, những khó khăn trong đời sống đang vướng mắc gặp phải. Họ đọc kinh Mân côi chung nhau thành tiếng, hoặc một mình âm thầm. Và còn đọc kinh cầu Đức Bà, đặc biệt trong tháng kính Đức Mẹ Maria.

Trong kinh cầu có câu ca tụng cầu xin: „ Salus infimorum- Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn“.

Tại sao lại xưng tụng Đức Mẹ Maria như thế?

Ở trung tâm đền thánh Đức Mẹ Maria bên Lourdes và bên Banneux hằng ngày có giờ thánh chầu Thánh Thể, và nghi thức chúc lành cho các người bệnh tật.

Bên trung tâm đền thánh Đức Mẹ Fatima chúc lành cho các bệnh nhân vào chiều ngày 12. khai mạc hành hương, và vào sáng ngày 13. sau Thánh Lễ hành hương hàng tháng.

Chúc lành cho các bệnh nhân hiện diện đến tham dự hành hương ở những nơi đó, vị chủ tế cầm rước Mặt nhật hào quang có Tấm bánh Thánh Thể Mình Thánh Chúa đến ban phép lành cho từng người bệnh nằm trên giường, hay ngồi trên ghế.

Cung cách chúc lành này nhắc nhớ đến xưa kia Chúa Giêsu Kitô khi còn sống trên trần gian đã đi xuyên qua các làng mạc tỉnh thành vùng miền nước Do Thái, nhất là vùng miền Galileo rao giảng tình yêu nước Thiên Chúa, đồng thời chúc lành chữa cho lành mạnh trở lại những người bị bệnh đến với Ngài, như trong phúc âm viết thuật lại.
Theo gương sống đó, ở các trung tâm đền thánh hành hương Giáo Hội thi hành nghi thức phụng vụ chúc lành của Chúa cho các bệnh nhân. Và qua chúc lành cầu nguyện nhiều phép lạ chữa lành đã diễn xảy ra ở các nơi đó, nhất là bên Lourdes, mà khoa học ngành y khoa không cắt nghĩa được tại sao.

Những người được „ơn phép lạ“ chữa cho lành bệnh không chỉ nơi phần thân thể, mà quan trọng hơn nơi vết thương trong tâm hồn. Vì lâu nay sống trong lo âu chán nản hoài nghi trầm cảm. Đời sống họ được phục hồi trở lại nơi phần thân xác và trong tâm hồn.

Và thể theo ý muốn của Chúa, những phép lạ chữa cho lành bệnh tật nguyền con người lại thường diễn ra ở những nơi hành hương kính Đức Mẹ Maria, như Lourdes, Banneux…

Vì thế có thể nói được, Thiên Chúa luôn kêu mời con người đến hành hương kính viếng Đức Mẹ Maria. Và qua nhờ lời bầu cử phù hộ của Đức Mẹ, Chúa chữa lành những vết thương bệnh nạn cho con người.

Đặc biệt hơn nữa dòng suối nước Đức Mẹ Lourdes, Đức Mẹ Banneux là những dòng suối nước linh thiêng nhiệm mầu, nơi tuôn chảy nguồn ơn mang lại sự chữa lành cho thân xác cùng tâm hồn tinh thần.

Bên Lourdes, Đức Mẹ Maria đã hiện ra với chị Bernadette trong hang động, nơi có dòng suối nước chẩy ra. Vì thế, từ ngày đó 1858 mọi người đến đây đều đi vào hang đá có suối nước chẩy ra, họ dùng bàn tay múc kín nước xin ơn chữa lành, sự trong sạch cho tâm hồn.

Và ờ bên Banneux, khi hiện ra với cô bé Beco, Đức Mẹ dẫn cô tới dòng suối nước bên vệ đường và nói: „ Dòng nước này cho mọi dân tộc“ Mariette Beco nhắc lại“ Cho tất cả mọi dân tộc, mang lại sự yên ủi cho người đau bệnh, cho những người bị bệnh tật.“.

Vì thế từ ngày đó 1933, khi đến hành hương nơi đây, ai cũng đến dòng suối nước này nhúng tay vào dòng suối nước cầu nguyện xin ơn chữa lành, sự tươi mát trong lành cho tâm hồn.

Dân Thiên Chúa đang trên đường lữ hành trần gian qua cung cách sống đạo với tâm tình niềm tin tế nhị nhạy bén đó đã làm chứng nói lên, khi được Đức Mẹ phù hộ bầu cử cùng Chúa ban cho ơn chữa lành khỏi đau bệnh, hay lúc gặp thử thách khốn khó. Và từ đó nảy sinh lòng sùng kính Đức Mẹ Maria, người phù hộ „ salus infimorum- Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn“.
Vẫn biết các bệnh tật đều mang đến hậu qủa làm cho đời sống bị yếu kém đi, và sau cùng đưa đến sự chết chấm dứt đời sống trên trần gian.

Sự chết là kết qủa của tội tổ tông do Ông Bà Adong Evà, những con người đầu tiên, đã vi phạm chống lại giới luật của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng sinh thành ra vũ trụ, sự sống mọi loài cùng con người.

Và bệnh tật là hậu qủa kéo theo của tội tổ tông gây ra.ảnh hưởng tới mọi thế hệ con người. ( Sách Sáng Thế 3, 16-20)

Chúa Giêsu Kitô qua sự sống từ cõi chết lại đã xuay chiều chế ngự thống trị bẻ gãy sự chết. Ngài ban tặng sự sống đời đời cho nhân lọai.

Sự chữa lành mà Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện khi xưa trên trần gian, cũng như bây giờ ban sự chữa lành diễn xảy ra cho những người nào đó, là những hình ảnh tiên báo về thế giới tương lai, nơi không có sự đau khổ bệnh tật và sự chết nữa.

Ơn chữa lành bệnh nạn của Chúa ban cho nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ Maria nói lên cách thế con đường của Thiên Chúa thực hiện. Vì qua „lời ưng thuận xin vâng“ của Đức Mẹ Maria ngày xưa đã khai mở cho Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống trần gian làm người, trở thành hiện thực mang lại chan chứa ân phúc chúc lành của Thiên Chúa cho trần gian.

Thiên Chúa không quên „lời ưng thuận xin vâng“ của Đức Mẹ Maria ngày xưa. Nên con người được phép nói lên rằng lời bầu cử của Đức Mẹ có gía trị cao qúi nơi Thiên Chúa, nhất là lời bầu cử đó xin mang đến sự bình an chữa lành cho con người trong hoàn cảnh đau khổ bệnh tật.

Thiên Chúa đã sai Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian để phá hủy hậu qủa của tội tổ tông mang lại sự bình an chữa lành cho con người. Đó là phần vụ sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng là con Thiên Chúa, và cũng là con của Đức Mẹ Maria khi xưa trên trần gian, cùng cho cả ngày hôm nay.

„ Salus infimorum- Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn.“ - Cầu cho chúng con.

Tháng Năm kính Đức Mẹ Maria.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Thông Báo
Hân Hoan Chúc Mừng Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ, Tân Giám Đốc Thông Tấn Xã Fides Vatican.
VietCatholic
20:18 01/05/2021
Ban Giám Đốc và Vietcatholic xin chúc mừng Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ, vừa được nhận sứ mạng Giám Đốc Thông Tín Xã Fides vào ngày 1/5/2021 và ngài giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Tòa Thánh Vatican. Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ là Thông Tín Viên của Vietcatholic tại Vatican, ngài đã từng giúp rất nhiều cho Vietcatholic, nhất là đã cộng tác tích cực trong dịp phong thánh ĐGH Gioan Phaolô Đệ Nhị, giúp cho Thông Tín Viên Vietcatholic vào tận phía trong của các phóng viên Roma tham dự trực tiếp Đại Lễ Phong Thánh này. Ban Giám Đốc Vietcatholic và Vietcatholic toàn cầu hân hoan chúc mừng Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ, một người con của Giáo Hội Việt Nam và là một Thông Tín Viên tuyệt vời của Vietcatholic. Ngài chào thăm và hứa sẽ cộng tác nhiều hơn với Vietcatholic trong sứ vụ mới. Vietcatholic nguyện chúc Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ nhiều sức khỏe và hồng ân trong sứ vụ mới quan trọng này.

Hân Hoan Chúc Mừng.

Ban Giám Đốc Vietcatholic.
 
Văn Hóa
Tháng 5: Thánh Giuse Thợ
Đinh Văn Tiến Hùng
09:58 01/05/2021

“Giuse thuộc tầng lớp thợ thuyền; ngài có kinh nghiệm về sự vất vả và khó nghèo, đối với ngài cũng như với Thánh Gia, trong đó ngài là người đứng đầu biết tỉnh thức và yêu mến… Nhờ sống tuyệt đối trung thành trong khi chu toàn bổn phận hằng ngày, ngài đã để lại một gương mẫu cho tất cả những ai phải mưu sinh nhờ công việc chân tay và xứng đáng được gọi là công chính, mẫu gương sống động của sự công chính Kitô giáo đang ngự trị trong đời sống xã hội” (Đức Piô XI, cuối thông điệp “Đấng Cứu Chuộc”).

I.= Phần Dẫn Ý

(1)- Chọn nghề thợ mộc.

Khi những người trong làng Nagiarét gặp người con trai tên là Jeshouad ở các đường phố, họ nói: “Đấy là con của bác thợ mộc” (Mt 13, 55).
Say này, khi cha của Người qua đi, người ta nói đơn giản là: “Đấy là bác thợ mộc” (Mc 6,3). Dĩ nhiên, Chúa Giêsu là người duy nhất ở Nagiarét, vì người ta xác định bác thợ mộc với mạo từ “le” (tiếng Pháp: le charpentier). Ai cũng biết, nên thường chạy đến với Ngài để xin làm đồ mới hoặc sửa đồ cũ.
“Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà” (Ga 13, 16). Chúa Giêsu đã phải nghe trước khi nói, học việc trước khi hành và đến lượt làm ông chủ. Thật vậy, sách Talmud tuyên bố: “Cha mẹ phải nuôi con cái, dạy cho nó một nghề chân tay”; “Bất cứ ai trốn tránh việc này, người đó đang dạy con mình trở thành kẻ trộm” (Tosefta Kid 1,11).
Khi còn bé, Chúa Giêsu phải lẩn vào xưởng, ngồi trên đống mạt cưa, chăm chú quan sát cha mình và đặt ra cho Ngài cả đống câu hỏi:
Abbi (cách gọi của trẻ em Do Thái), dụng cụ này gọi là gì?
Đấy là cái búa, kia là cái cưa, cái đục, cái thước đo góc, cái dây chì, cái rìu, cái dao cắt… đưa tay đây để cha dạy cho cách dùng những thứ này ra sao.

(2)- Giuse “con” (Giêsu) hành nghề

“Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 17).
Đã đến lúc học nghề thực sự bắt đầu[1]:
“Chú ý quan sát cha làm như thế nào”.
Thế là Giuse cầm tay của người con niên thiếu. Phải thực hành nhiều lần, vì công việc phức tạp lắm, có thể gây thương tích đấy. Phải làm cách mềm mại và cố gắng kiên nhẫn. Maria vừa mỉm cười vừa bước đến, tay mang theo bình nước và một giỏ trái cây:
“Cha con chắc khát nước lắm rồi? Trời nóng quá! Hãy ăn nào và xem Chúa tốt lành đã cho chúng ta nước mát làm sao!
Vâng, đúng đấy mẹ ạ, chính Chúa là Nguồn nước đã làm dịu cơn khát Thiên Chúa hằng sống của chúng ta, một cơn khát triền miên. Khi nào con sẽ nhìn Ngài mặt đối mặt đây?
Giuse vừa nói vừa lau mồ hôi: “Cám ơn Maria, em xem Giêsu một mình làm cái ghế đẹp không, lần đầu tiên đấy!”

(3)- Giá trị của lao động

Như vậy, từ đó suy ra rằng: công việc tay chân vô cùng giá trị như là cộng tác với công trình của Thiên Chúa để thế giới chưa hoàn thiện có thể được con người, là con Thiên Chúa hoàn tất. Chúa Giêsu tuyên bố: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc” (Ga 5, 19, 20).
Tất cả thần tính của Chúa Giêsu được tóm lại ở đây. Phải chăng Người đã học được chính bài học cộng tác với Giuse trong xưởng mộc?
(Daniel Foucher, Notre Père, Joseph Le Charpentier –Giuse, Thợ mộc, Cha chúng ta, Tr. 255 – 260)

II= Phần Gợi Ý Suy Niệm

“Giuse thuộc tầng lớp thợ thuyền, Ngài có kinh nghiệm về sự vất vả và khó nghèo, đối với Ngài cũng như Thánh Gia, trong đó Ngài là người đứng đầu biết tỉnh thức và yêu mến” (Piô XI).
Lao động là điều kiện phải có cho cuộc sống vật chất. Tỉnh thức và yêu mến là điều kiện phát triển tâm linh. Đời sống tâm linh của bạn phát triển thế nào? Có Chúa ở với mình thật sự không?
“Thế là Giuse cầm tay người con niên thiếu. Phải thực hành nhiều lần, vì công việc phức tạp lắm…” Chúa Giêsu học nghề với Giuse. Rồi chính Ngài cũng bắt đầu “hành nghề”. Những điều ta học hỏi về tu đức, chúng ta đã đưa vào cuộc sống bằng những hành động cụ thể; hay mới chỉ có trong trí óc mà chưa thể hiện “nơi bàn tay” (sống)?
“Công việc tay chân vô cùng giá trị, được coi như sự cộng tác với công trình của Thiên Chúa”. Ý nghĩa hơn: “Đừng bao giờ nghĩ rằng tôi sung sướng nhờ sự làm việc. Không, điều làm cho tôi sung sướng chính là được ở cạnh Thiên Chúa đề làm những gì Người muốn” (J. Ploussard). Nghĩa tu đức là vậy. Còn thực tế, đa số người lao động chỉ tìm miếng cơm manh áo. Hãy dành cho giới công nhân một lời nguyện và nhớ đến bao người vất vả vì chúng ta.

*( Trích dẫn trong ‘Năm Thánh Giuse’ của Lm Trần đình Thụy )

+ Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ nói rằng : “Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Không phải là con bác thợ mộc ư? “ ( Mt.19 : 54- 58 )

*Cần lao & Cầu nguyện

Giu-se Cha Thánh nêu gương,
Suốt đời vất vả yêu thương gia đình,
Cần lao quên cả thân mình,
Tỵ nạn Ai Cập mưu sinh đất người.
Trở về quê nhà một đời,
Làm nghề thợ mộc để nuôi gia đình,
Đời Ngài là chuỗi lời kinh :
Cần lao-Công chính-Hy sinh-Nguyện cầu.

*Bạch Huệ Hàn Gia

Ba Đấng yêu thương họp một nhà,
Giu-se gương mẫu phận làm cha,
Dưỡng nuôi Con Chúa tình cao quí,
Săn sóc Bạn Đời nghĩa thắm hòa.
Khấn nguyện chu toàn cùng Thánh Ý,
Kiên trung vui sống với Hàn Gia,
Một đời sáng chói quên lao nhọc,
Lưu mãi muôn đời bản diệu ca :
ORA ET LABORA !

*Ghi nhớ : Giáo Hội Công Giáo chọn ngày 1/5 Kính Thánh Giuse Thợ- Quan Thày Công nhân-
Cũng là ngày Quốc Tế Lao Động.

Đinh văn Tiến Hùng
 
Chết Là Hết?
Vũ Văn An
19:42 01/05/2021

Năm 1982, Đài BBC cho tiến hành một cuộc phỏng vấn các tín hữu của 6 tôn giáo lớn có mặt tại Anh Quốc. Các cuộc phỏng vấn này đã được thu vào 300 giờ băng nhựa, và được John Bowker, chủ biên, in thành cuốn Worlds of Faith, Religious Belief and Practice in Britain Today (Các Thế Giới Niềm Tin, Tín Ngưỡng và Tập Tục Tôn Giáo tại Anh Quốc Ngày Nay). Đề cập đến sự chết, nét nổi bật của Ấn độ giáo, đạo Sikh và đạo Phật là tin rằng người ta còn trở lại trần thế này sau khi đã chết. Trái lại đối với Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, ta chỉ sống trên đời này có một lần duy nhất mà thôi. Nhưng câu hỏi là: các tôn giáo nghĩ gì về chính sự chết, chết là chi, điều gì xẩy ra ngay khi chết?



Bà Chatterji, một tín hữu Ấn độ giáo, sinh sống ở Coventry, cho hay: “Khi chết chúng tôi tin rằng linh hồn sẽ ra đi, và chúng tôi không nên làm khinh động đến linh hồn bằng cách khóc nhiều quá. Cho nên chúng tôi mới có nghi lễ gọi là shraddh, trong đó chúng tôi cho mời mọi người đến và chiêu đãi họ, và xin họ cầu nguyện cho linh hồn ấy...”

Ông Ladd, cũng theo Ấn độ giáo, thì cho hay: “Điều chúng tôi tin là cái linh hồn ở bên trong, tức tiểu ngã (atman) không bao giờ chết cả. Cũng như quần áo tôi có thể trở nên cũ, nên tôi phải lấy quần áo mới mặc vào. Đối với tiểu ngã atman cũng thế; nó chỉ thay đổi thân xác, đi từ thân xác này qua thân xác nọ...”

Liệu nó có thể đi vào thân xác một thú vật không? Ông Ladd cho hay: “có chứ, tùy lúc cuối đời người ta nghĩ đến điều gì. Đó là lý do tại sao khi một người sắp ra đi, chúng tôi đều ghé sát tai họ và nói ‘Ram, Ram’ để họ chú mục vào chữ đó mà thôi”.

Giáo sĩ Ấn độ giáo tên là Chimanlal Pandy, sống tại Leeds, cho hay: “Chết ư? Chết có tính chung cục. Do đó, điều tôi học được từ cái chết là phải sống thế này: khi sinh ra đời, ta phải khóc... nhưng phải sống sao để khi chết, ta có thể mỉm cười mà nói to với thần chết rằng: ‘đã đến lúc ngài đến để lãnh tôi đi, này đây, tôi đã sẵn sàng’”

Người Sikh, trái lại, có một thời gian khóc than khá dài (có khi đến cả 13 ngày). Ông Jagat Singh Nagra giải thích: “Chết là điều rất đau buồn cho gia đình, và trong nhiều ngày, thân bằng quyến thuộc kéo đến chia buồn cùng gia đình và cầu nguyện để gia đình có thể chịu đựng được sự mất mát người quá vãng”.

Nhưng sau đó là hết, không còn tưởng nhớ chi cả vì sự kiện luân hồi: người chết thực ra vẫn còn đang sống. Điều này được Ông Gurbachan Singh Sidhu cho hay: “chúng tôi không tưởng niệm người chết, mà tập trung tất cả yêu thương vào người đang sống. Người chết đã chết và ra đi rồi, chúng tôi chả còn làm gì được cho họ nữa”. Tuy nhiên, theo lời ông này, nhiều người Sikh, vì không thành thục đạo giáo, nên vẫn vay mượn tục lệ của Ấn độ giáo để tưởng niệm người quá vãng bằng những bữa ăn tại nhà.

Sự pha trộn giữa tín lý và phong hóa cũng tìm thấy nơi Phật Giáo. Vì khóc thương thực ra là sai lầm, nói lên ý nghĩa thường hằng vốn trái ngược với đạo lý Nhà Phật. Tiến sĩ Fernando cho hay: “Tất nhiên chúng tôi có các sư sãi đến để an ủi theo nghĩa làm cho chúng tôi hy vọng, nhắc chúng tôi nhớ đến tính vô thường...Và nếu phân tích cẩn thận, bạn sẽ thấy nước mắt là biểu hiệu của hối hận. Những người khóc tới khóc lui, khóc lui khóc tới, là những người thường đã thiếu sót chưa làm điều gì đó cho người chết, lúc họ còn sống... Chứ thực ra, không nên khóc, khi mình đã làm điều phải làm”.

Tưởng nhớ, trái lại, rất quan trọng đối với Do Thái giáo. Bởi vì ‘được tưởng nhớ’ sau khi chết có lẽ là sự sống duy nhất bên kia cái chết. Nó cho thấy sự liên tục giữa các thế hệ. Bởi thế, chỉ có hình thức chôn cất mà thôi. Ông Levy cho hay: “hỏa táng không phải là điều hợp lệ, vì tín lý dạy nếu bạn là một đống tro, thì khi Đấng Mêxia tới, rất khó cho bạn sống lại được”.

Đối với người Hồi Giáo, chết là trao trả một người nào đó cho Allah. “Chúng tôi coi sự chết như chiếc cửa, một lối vào. Khi bước qua cửa đó, là hết còn thoái lui. Bạn bước qua một giai đoạn khác”. Và cũng như Phật Giáo, Đạo Hồi không khuyến khích khóc than: “Khi một tín hữu Hồi Giáo chết, chúng tôi không nên khóc. Người ta chịu thế không được, cứ khóc, vì đó là điều bạn khó kiểm soát được. Nhưng đúng ra là không nên khóc, vì đối với ta, người đó chết, chứ đối với Allah, họ có chết đâu. Cho nên chúng tôi ráng chôn họ càng nhanh càng tốt, vì càng để lâu thì càng làm khổ họ: họ cứ phải nghe người ta khóc thương họ”.

Đối với Kitô hữu, niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu từ cõi chết đã đặt sự chết vào một viễn ảnh hoàn toàn khác. Bây giờ, vì tôi đã nhận Chúa Giêsu Kitô, nên tôi coi sự chết như giấc ngủ - Tôi muốn nói một bước tiến từ cõi chết bước vào sự sống: và sự chết chỉ là việc nghỉ ngơi chốc lát, cho tới khi Chúa Giêsu Kitô trở lại để tiếp nhận dân Người... Đối với tôi, đối với mọi Kitô hữu, chết là được đem đi, để ở với Chúa, để sống với Người, chết là như vậy – khuyết diện với cuộc đời nhưng hiện diện với Thiên Chúa.
 
VietCatholic TV
Tin vui: Giữa đại dịch kinh hoàng, hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem đã diễn ra
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:36 01/05/2021


Trưa ngày thứ Bẩy 1 tháng Năm, tức là ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh của Chính Thống Giáo và của cả các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, thế giới Chính Thống Giáo đã dán mắt vào các màn hình TV và computer để hồi hộp theo dõi hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem.

Trong khung cảnh rất khác so với năm ngoái, Nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem đã mở cửa cho công chúng vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh Chính Thống Giáo cho phép các tín hữu tham dự nghi thức đón lửa thánh vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh tại địa điểm Chúa Giêsu đã bị đóng đinh và đã phục sinh.

Với hơn một nửa dân số Israel đã được tiêm hai liều vắc-xin, các hạn chế về coronavirus đã được nới lỏng để cho phép các nhóm nhỏ tụ tập với các biện pháp giãn cách xã hội.

Bầu không khí ăn mừng tràn ngập khu vực này khi hàng loạt tín hữu đi qua cánh cửa gỗ khổng lồ của nhà thờ.

Năm ngoái là một lễ Phục sinh khủng khiếp, không có bao nhiêu người được tham dự trong bối cảnh cửa đóng then cài. Năm nay tốt hơn nhiều, cánh cửa rộng mở khiến các tín hữu cảm thấy hy vọng rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn

Nhà thờ Thánh Mộ - Holy Church of the Holy Sepulchre là danh từ của Công Giáo, người Chính Thống Giáo và Giáo Hội Armenia Tông Truyền gọi là nhà thờ Phục sinh – Holy Church of Resurrection - nằm phía bên trong bức tường than khóc trong khu vực cổ thành Giêrusalem, kế cận với đồi Golgotha. Theo truyền thống, nhà thờ đã được xây dựng trên khu mộ Chúa Giêsu đã được táng xác.

Trong những thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, đây được xem là nơi thánh thiêng bậc nhất của Kitô Giáo. Thế nhưng đến thế kỷ thứ hai, hoàng đế Hadrianus đã cố ý cho đổ đất lấp hết những dấu tích của Kitô giáo, rồi xây đền thờ nữ thần Aphrodite, là một thứ nữ thần sắc đẹp như kiểu thần Vệ Nữ.

Sau khi đón nhận đức tin Công Giáo, năm 325, Đại Đế Constantine đã truyền phá hủy đền thờ nữ thần Aphrodite và cho đào bới khu vực này để tìm lại các dấu tích thánh thiêng của Kitô Giáo. Mẹ nhà vua là nữ hoàng Helena đã hiện diện từ năm 326 tại địa điểm này để đích thân giám sát các cuộc khai quật và xây dựng nhà thờ mới.

Theo thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853, Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều có quyền ngang nhau trong việc coi sóc và cử hành các lễ nghi Phụng Vụ tại đây.

Truyền thống Chính Thống Giáo tin rằng hiện tượng Lửa Thánh là một phép lạ xảy ra hàng năm vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh theo lịch Chính Thống Giáo. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem được tin tưởng là nhận được lửa từ trời xuống bên trong ngôi mộ Chúa.

Lúc 10 giờ sáng ngày thứ Bẩy 1 tháng Năm, theo truyền thống, cảnh sát Do Thái đã vào trong Edicule, là ngôi đền nhỏ bên trong đền thờ Thánh Mộ, bao bọc khu hầm mộ Chúa, lục soát để bảo đảm rằng bên trong không hề có vật dụng gì có thể tạo ra lửa.

Đúng 11 giờ, thanh tra cảnh sát Do Thái niêm phong Edicule.

Nghi thức bắt đầu lúc 12 giờ trưa với kinh cầu Các Thánh. Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp và các Giám Mục của Giáo Hội Chính Thống Giáo Hy Lạp đến trước Edicule. Ngài cởi bỏ phẩm phục bên ngoài và chịu sự khám xét của cảnh sát Do Thái để chứng minh rằng ngài không hề mang theo bất cứ vật dụng nào có thể tạo ra lửa. Sau đó, chỉ một mình ngài được vào trong Edicule, hai tay cầm hai bó nến.

Đức Thượng Phụ qùy cầu nguyện trước tấm đá cẩm thạch bao bọc chiếc giường bằng đá nơi thi thể Chúa được an táng. Các tín hữu Chính Thống Giáo hiệp thông qua các phương tiện truyền thông hồi hộp theo dõi, lo sợ hiện tượng này không xảy ra trong năm nay.

Sử sách ghi lại năm 1101, là năm hiện tượng này không xảy ra, và đó là năm đại dịch kinh hoàng.

Một lúc sau, ánh lửa bắt đầu phát ra từ bên trong ngôi mộ của Chúa Kitô. Các tín hữu Chính Thống Giáo trên toàn thế giới thở phào nhẹ nhõm, chứa chan hy vọng đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay sẽ sớm chấm dứt.

Đức Thượng Phụ tiến ra với hai bó nến được thắp sáng. Hai người phải kè hai bên ngài để dìu ngài đi. Có lẽ sức nặng tâm lý đã khiến ngài bước đi không nổi.

Đền thờ Thánh Mộ đã được thắp sáng với những ánh nến huy hoàng.

Những người hành hương và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo cho biết trong 33 phút đầu tiên lửa này không hề làm phỏng họ nếu họ giơ tay trên ngọn lửa.

Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy người nữ xuớng ngôn viên của một đài truyền hình Nga thở hổn hển xúc động tường trình với khán giả của cô là hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem đã diễn ra, và niềm hy vọng của cô là đại dịch quỷ quái này sẽ sắp kết thúc.

Theo truyền thống Lửa Thánh sau đó được rước đến Bethlehem, nơi Chúa xuống thế làm người. Chính quyền Do Thái đã dàn xếp các chuyến máy bay đặc biệt để đưa lửa thánh đến các quốc gia Chính Thống Giáo như Nga, Ukraine, Hy Lạp, Rumani. Các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo và cả các nhà lãnh đạo dân sự ra tận sân bay đón nhận.
 
Đan Mạch hoang mang: Mục sư Tin lành Luther bị cáo buộc tội giết vợ trong vụ án đầy uẩn khúc
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:10 01/05/2021


1. Âu Châu sẽ sớm mở cửa cho những người Mỹ đã được tiêm chủng

Liên minh Âu Châu có kế hoạch mở cửa cho những người Mỹ đã được chủng ngừa vào mùa hè này. Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết như trên vào hôm Chúa Nhật. Cô nói với New York Times, trích dẫn, “27 thành viên của Liên minh sẽ chấp nhận vô điều kiện tất cả những người được tiêm các loại vắc-xin đã được Cơ quan Dược phẩm Âu Châu chấp thuận”.

Von der Leyen không cho biết chính xác thời điểm có thể tái tục du lịch nhưng cho biết cơ quan này đã phê duyệt cả ba loại vắc xin được sử dụng ở Mỹ. Đã hơn một năm kể từ khi Âu Châu đóng cửa hầu hết các hoạt động du lịch không thiết yếu. Đầu tháng này, Âu Châu đã đồng ý triển khai thẻ đi lại tiêm chủng để giúp việc đi lại dễ dàng hơn cho những người đã được tiêm phòng, khỏi bệnh hoặc xét nghiệm âm tính. Cũng trong ngày Chúa Nhật, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm vắc xin của Âu Châu cho biết họ tự tin sẽ có thể sản xuất đủ vắc xin để đạt được mục tiêu miễn dịch cho dân số trưởng thành vào giữa tháng Bảy.


Source:Reuters

2. Người Công Giáo tại Somalia phải sống thầm lặng để tránh bị giết

Không kể các tín hữu Kitô thuộc các tổ chức quốc tế hoặc thuộc các đoàn quân quốc tế giữ gìn hòa tại nước này, hiện nay, tại nước Somalia bên Phi châu, không còn các cộng đoàn công khai mà chỉ còn một số tín hữu Kitô bí mật, âm thầm sống đức tin, không có một cộng đoàn chính thức.

Trên đây là lời tuyên bố của Đức Cha Giorgio Bertin, 75 tuổi, người Ý, dòng Phanxicô, Giám mục giáo phận Gibuti, kiêm đại diện Tông tòa giáo phận Mogadiscio, thủ đô Somalia.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Tạp chí Phi Châu (Rivista Africa), Đức Cha Bertin mô tả tình hình tại Somalia như một “mớ bòng bong”, với những thách đố rất lớn, những vấn đề chưa được giải quyết, nhưng có những ước mong trỗi dậy. Somalia có chính quyền trung ương suy yếu và có nhiều tiểu bang tìm cách trổi lên. Somalia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các nước thứ ba và cả các tác nhân quốc tế. Tuy quốc tế hiện diện tại đây nhưng không có một chương trình chung, mỗi nước chỉ theo đuổi mục tiêu riêng. Ðiều mâu thuẫn là những vùng do tổ chức khủng bố al-Shabaab, thân Al-Qaeda kiểm soát thì có an ninh và có các dịch vụ cần thiết. Phần còn lại của Somalia được chia thành những bộ tộc và phe đảng khác nhau.

Trong bối cảnh trên đây, Đức Cha Bertin, người Ý, cho biết có nhiều tín hữu Kitô trong các đoàn quân nước ngoài như Ý, Burundi, Kenya. Tại vùng Somaliland, một nước tự tuyên bố độc lập, nhưng không được quốc tế nhìn nhận, sự hiện diện của các tín hữu Kitô tương đối ổn định hơn, nhưng họ buộc lòng phải tuyên xưng đức tin tại gia hoặc những nơi kín đáo.

Đức Cha Bertin cũng nói rằng: “Người Somalia không bao giờ bài Kitô hữu. Trong quá khứ, họ nhìn các Kitô hữu một cách thiện cảm. Sau khi chế độ của tổng thống Siad Barre bị sụp đổ, cách đây 30 năm, trào lưu Hồi giáo cực đoan lan mạnh, tìm cách kiến tạo xã hội dựa trên luật Sharia của Hồi giáo, vì thế, các tín hữu Kitô dần dần bị gạt ra ngoài lề xã hội. Giờ đây các chính trị gia Somalia tuy không đố kỵ đối với Giáo Hội Công Giáo, nhưng họ có xu hướng không bảo đảm không gian cho các Kitô hữu vì họ sợ là bị tố cáo bênh vực những người “thuộc đạo binh Thánh Giá”. Ðó là những khẩu hiệu, những công thức, nhưng rất tiếc là chúng có ảnh hưởng.

Somalia rộng gấp đôi Việt Nam, và hiện có khoảng 15 triệu dân cư, trong đó 85% thuộc sắc tộc Somali, 15% còn lại thuộc nhiều bộ tộc khác.
Source:Vatican News

3. Đan Mạch buộc tội giết vợ cho một mục sư Tin lành Luther

Trong một diễn biến gây hoang mang trong dư luận Đan Mạch, hôm thứ Hai 26 tháng Tư, một mục sư Tin lành Luther đã bị buộc tội giết vợ mình, mặc dù thi thể của cô ấy chưa bao giờ được tìm thấy.

Theo truyền thông Đan Mạch, Công tố viên Anne-Mette Seerup cho biết các cáo buộc chống lại Thomas Gotthard, 44 tuổi, sau khi được đánh giá cẩn thận cho thấy các bằng chứng là “đủ sức nặng để có thể truy tố” vị mục sư.

Công tố viên cho rằng mặc dù các nhà điều tra chưa tìm được xác chết và do đó “chưa thể tìm ra phương pháp giết người, chúng tôi đã tìm thấy các bằng chứng đủ cho chúng tôi kết tội”.

Theo mục sư Gotthard, vợ ông là Maria From Jakobsen, một nhà tâm lý học, đã rời khỏi nhà của hai vợ chồng ở Frederikssund, phía tây bắc Copenhagen, vào ngày 26 tháng 10, trong tình trạng tinh thần chán nản.

Tuy nhiên, khi nhà tâm lý học 43 tuổi không có mặt trong bữa tiệc sinh nhật của một trong hai đứa con của cặp vợ chồng này vào 3 ngày sau đó, chị gái của cô đã thông báo với cảnh sát là cô mất tích. Cảnh sát cho biết From Jakobsen đã để điện thoại, máy tính và thẻ tín dụng tại nhà.

Việc Gotthard bị bắt ba tuần sau khi cô mất tích đã làm dấy lên tin tức ở đất nước gần 6 triệu dân nơi đa số là các tín hữu Tin lành Lutheran, mặc dù có rất ít người đi lễ.

Ông bị giam sau khi các nhà điều tra tìm thấy axit hydrochloric và xút trong nhà của cặp vợ chồng và phát hiện ra rằng các tìm kiếm Internet với những từ khóa liên quan đến việc giết người và thủ tiêu thi thể đã được thực hiện trên máy vi tính của cặp vợ chồng.

Trong một video an ninh ngày 6 tháng 11 từ một trạm tái chế, Gotthard đã được nhìn thấy đang di chuyển một thùng lớn. Đó là 11 ngày sau khi vợ anh ta mất tích và 10 ngày trước khi anh ta bị bắt.

Vị mục sư vẫn quyết liệt phủ nhận mọi hành vi sai trái, đang bị tạm giữ trước khi xét xử và phải đối mặt với phiên tòa bắt đầu từ ngày 25 tháng 10.


Source:Crux
 
ĐTC và Giáo triều Rôma khai mạc tháng khẩn thiết cầu nguyện cùng Đức Mẹ trước tình hình nghiêm trọng.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:12 01/05/2021


Tử vong tại Ấn Độ, tính cho đến sáng 30 Tháng Tư đã lên đến 208,313 người, trong số 18,754,984 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ trước đó có 386,888 trường hợp nhiễm coronavirus, và 3,501 người chết.

Để so sánh, có lẽ nên nhắc lại rằng, trong đợt đầu tiên của đại dịch coronavirus, ngày bi thảm nhất tại Ý là ngày 27 tháng Ba, 2020 với 921 người chết. Như thế, tình hình tại Ấn Độ ngày nay vượt xa mức độ kinh hoàng tại Ý.

Ngoài ra, còn có khả năng lây lan qua các quốc gia chung quanh.

Vì thế, trong một diễn biến chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã huy động 30 đền thánh Đức Mẹ lớn nhất trên thế giới tham gia vào một chiến dịch cầu nguyện khẩn thiết cho tình hình nguy ngập tại Ấn Độ và trên thế giới.

Đích thân Đức Thánh Cha đã khai mạc tháng cầu nguyện đặc biệt vào ngày thứ Bẩy 1 tháng Năm, trước ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, một bức bích họa được tôn kính từ đầu thế kỷ VII, được đặt ở phía trên bàn thờ Thánh Leone, tại nhà nguyện Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô, bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.