Hai Thượng Hội Đồng về gia đình năm 2014 và 2015 bị lèo lái một cách cố ý hơn hết trong lịch sử, đến nỗi, ở đầu phiên họp thứ hai, 13 vị Hồng Y đã viết một lá thư lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ để tố cáo các người thao túng muốn tạo ra “những kết quả định trước cho một số vấn đề quan trọng được tranh luận”.



Đó là nhận định của nhà báo Sandro Magister, một người quan sát Vatican lâu năm. Trọng điểm, theo ông, là kết quả của hai Thượng Hội Đồng đã được quyết định trước khi khai mạc. Và đỉnh cao là tông huấn hậu Thượng Hội Đồng “Amoris Laetitia”; với tông huấn này, Đức Phanxicô đã đồng ý cho phép một số người Công Giáo ly dị và tái hôn theo dân luật được rước lễ, bất chấp việc có đến hơn 1 phần 3 các nghị phụ Thượng Hội Đồng lên tiếng chống lại việc cho phép này.

Nhưng theo Magister, lần này có khác. Thượng Hội Đồng về người trẻ, một Thượng Hội Đồng sẽ bế mạc Chúa Nhật ngày 28 tháng Mười này xem ra là Thượng Hội Đồng hòa bình hơn cả, như chưa từng bao giờ có.

Hòa bình đến nỗi ngay lập luận có tính nổ bùng nhất của những người muốn mang ra thảo luận, liên quan đến việc phán đoán về đồng tính luyến ái, trên thực tế, đã bị “tháo ngòi”.

Các cuộc thảo luận tại phòng họp được giữ bí mật. Nhưng căn cứ vào các cuộc họp báo công khai, không hề có tuyên bố nào ủng hộ việc thay đổi giáo huấn của Giáo Hội về đồng tính luyến ái.

Trong khi Tài Liệu Làm Việc dường như muốn gây tranh luận lớn khi nói ở đoạn 197: “Một số người trẻ LGBT (đồng tính và đổi tính), qua nhiều đóng góp khác nhau mà Văn Phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng đã nhận được, mong muốn ‘được hưởng ích từ việc xích lại gần hơn’ và cảm nhận được sự chăm sóc nhiều hơn của Giáo hội, trong khi một số Hội Đồng Giám Mục tự hỏi nên đề nghị điều gì với ‘những người trẻ quyết định tạo lập một cặp đồng tính luyến ái thay vì dị tính luyến ái và, trên hết, muốn được gần gũi với Giáo Hội’».

Thế nhưng, đã không có gì diễn ra. Và khi đến lúc thảo luận đoạn này ở tuần lễ thứ ba của Thượng Hội Đồng, ngay các nghị phụ có tiếng là cải cách cũng không lên tiếng công khai gì.

Trái lại, khi đọc một ít hàng dành cho chủ đề này bởi các nhóm nhỏ, nhóm có khuynh hướng cải cách hơn cả là Nhóm B nói tiếng Anh, do Đức Hồng Y Blase J. Cupich cầm đầu, người ta hết sức ngạc nhiên thấy nhóm minh nhiên trích dẫn giáo lý truyền thống về đồng tính luyến ái trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo.

Thực vậy, trong phúc trình đệ trình ngày 20 tháng Mười của nhóm này, khi nói đến những người trẻ “đang trải nghiệm sự lôi cuốn bởi người đồng tính”, ta thấy viết: “chúng tôi đề nghị phải có một tiết riêng dành cho vấn đề này và mục tiêu chính của tiết này là việc đồng hành về mục vụ cho những người này theo đường hướng của tiết liên hệ trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo”.

Thành thử, nếu không thay đổi một dấu chấm của Sách Giáo Lý nói về người đồng tính, thì các đoạn 2357-2359 nói rằng “họ phải được chấp nhận với lòng tôn trọng, cảm thương và nhậy cảm” nhưng họ cũng “được kêu gọi sống khiết tịnh” vì “xu hướng” của họ “là vô trật tự một cách khách quan”.

Các nhóm nhỏ khác cũng có thảo luận đoạn này, nhưng luôn nhấn mạnh đến sự tốt lành trong viễn kiến truyền thống của Giáo Hội và đến việc các người đồng tính phải “hồi tâm” trở lại đời sống khiết tịnh.

Do đó, với những tiền đề trên, xem ra có phần chắc là tài liệu sau cùng của Thượng Hội Đồng, hiện đang được thảo luận từ ngày 23 tháng Mười và sẽ được đem ra biểu quyết vào thứ Bẩy, ngày 27 tháng Mười, sẽ không đánh dấu một bước ngoặt nào về vấn đề đồng tính luyến ái.

Magister nhận định rằng chính vì những người đạp thắng bao gồm các nghị phụ Thượng Hội Đồng thân cận nhất với Đức Giáo Hoàng, nên người ta có lý khi cho rằng sự thất bại biểu kiến này không hẳn là vì các hoài bão của ngài không thành mà trái lại, quyết định của ngài đã sinh hoa trái.

Quyết định đó có lẽ đã được đưa ra trong lúc Thượng Hội Đồng đang nhóm họp, xét vì Giáo Hội và triều giáo hoàng đang trải qua giờ phút cảm kích nhất trên diễn đàn thế giới, giữa những biến động lớn lao mà đỉnh cao là chính các sinh hoạt đồng tính bừa bãi của một số thừa tác viên có chức thánh.

Theo qui định, vị giáo hoàng không bao giờ can thiệp vào việc soạn thảo tài liệu sau cùng, một tài liệu, thay vào đó, phải được đệ trình lên ngài vào lúc kết thúc Thượng Hội Đồng.

Nhưng lần này, Đức Phanxicô đã thay đổi qui định để có thể theo dõi việc soạn thảo tài liệu này càng sâu sát bao nhiêu càng tốt. Điều này được tiết lộ bởi tờ “L’Osservatore Romano” trong ấn bản chiều thứ Ba, 23 tháng Mười, trong đó, họ viết rằng trong việc soạn thảo tài liệu này “vào chiều thứ Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã đích thân dự phần”.

Trong cuộc họp báo ngày 23 tháng Mười, trả lời câu hỏi liệu tài liệu sau cùng có bắt chước Tài Liệu Làm Việc trong việc lồng đoạn nói về “người trẻ LGBT” hay không, thì Đức Hồng Y Tagle, người Phi Luật Tân, một nhân vật hàng đầu thuộc giới thân cận nhất của Đức Phanxicô, đã trả lời rằng “vấn đề sẽ hiện diện trong tài liệu, nhưng dưới hình thức nào và bằng cách tiếp cận nào thì tôi không biết”, hàm ý cho thấysẽ không có việc lặp lại kiểu viết tắt LGBT, một kiểu nói vốn làm nhiều người cau mày trước khi Thượng Hội Đồng khai mạc.

Đức Hồng Y Tagle cung cấp một câu trả lời khác rất phù hợp với truyền thống đối với vấn đề phải làm gì với sự hiện diện khá phổ biến của các ứng viên đồng tính tại các chủng viện. Ngài cho hay dù “với lòng tôn trọng không ngừng đối với nhân phẩm, vẫn có một số nhu cầu và đòi hỏi mà ta phải xem xét”, để họ không thể “mâu thuẫn với việc thi hành thừa tác vụ”.

Tại cuộc họp báo ngày hôm sau, Đức Hồng Y người Đức, Reinhard Marx, một nhà lãnh đạo cấp tiến khác và là thành viên nặng ký của Hội Đồng Hồng Y (C9), đã đóng chiếc đinh cuối cùng cho cỗ quan tài LGBT. Ngài nói “Vấn đề đồng tính luyến ái không bao giờ nằm trong số các chủ đề chính của Thượng Hội Đồng”. Và ngài loại hẳn khả thể kiểu viết tắt LGBT được sử dụng trong tài liệu sau cùng. Ngài nói: “chúng ta không nên để mình bị ảnh hưởng bởi áp lực ý thức hệ hoặc sử dụng các công thức có thể bị khai thác”.