LÀM SAO DẠY TIẾNG VIỆT CHO CÓ TỔ CHỨC VÀ CÓ PHƯƠNG PHÁP (1)

2.DẠY TIẾNG VIỆT CÓ PHƯƠNG PHÁP

Ai đã từng đi dạy học thì đều biết rằng việc dạy học kết quả hay không phần lớn tùy thuộc vào phương pháp dạy, và nhất là phương pháp thích hợp thích hợp với môn dạy, với người dạy, với người học, với hoàn cảnh dạy. Vì có nhiều yếu tố như vậy, mà phương pháp sư phạm rất là nhiều. Sau đây, trong khuôn khổ những gì đã, đang và sẽ được thực hiện tại Giáo xứ, tôi xin trình bày kết quả của cuộc thăm dò mà tôi đã thực hiện nơi 15 thày cô dạy tiếng việt tại Giáo xứ. Qua những phát biểu của họ, tôi thấy có 6 điều quan trọng làm họ lưu tâm trong phương pháp dạy tiếng việt.

Điều thứ 1 chiếm một chỗ rất quan trọng là việc soạn bài. Các thày cô, ai cũng xác nhận là việc soạn bài chiếm rất nhiều thời giờ, phải mất đến 2 hoặc 3 giờ soạn. Có khi nhiều hơn nữa. Sở dĩ mất nhiều thời giờ như vậy, vì các thày cô rất lý tưởng và khá tham vọng. Đại cương thì 8 câu hỏi sau đây đã được xét đến trong lúc soạn bài : 1/ đề tài của bài học là gì ? 2/ nó liên hệ thế nào với khóa trình của lớp ? 3/ Bài học phải đặt mục tiêu gì ? Một hiểu biết, một tác phong, một hành động ? 4/ yes”> Bài học được liệu diễn tiến thế nào ? Chi tiết về nội dung, chi tiết về hình thức, chi tiết về thời giờ, chi tiết về phương pháp, chi tiết về học liệu và học cụ ? 5/ Khung cảnh nào và bầu khí nào phải tạo để bài học được dễ thâu nhận hơn ? 6/ Phải dùng những phương tiện diễn tả nào : nói, trò chơi, hát múa, kịch, thủ công, sách, tranh...? 7/ Phải dùng những vật liệu và dụng cụ nào ? 8/ Cách nào để ước lượng mức hưởng ứng, thích thú, thâu nhận của học trò ?

Điều thứ nhì không ít quan trọng trong phương pháp dạy học mà các thày cô đã chú ý là tài liệu. Trong tình trạng hiện giờ các thày cô phải tự xoay sở và dùng các phương tiện cá nhân. Người thì đi tìm lục trong các thư viện Việt nam tại Paris, người thì đi mượn bạn bè, bà con, người thì tự mua sắm. Tình trạng tháo vát cá nhân này không thể kéo dài hơn nếu muốn cho việc dạy tiếng việt được có tổ chức và có phương pháp và nhất là với sĩ số 150 học sinh và ở 10 lớp khác nhau. ý thức được rằng tài năng của các thày cô và sự phong phú của các tài liệu là hai yếu tố quyết định trong việc dạy học, Ban Giám Đốc và ban Việt Ngữ đang làm hai việc song song : việc thứ 1 nhằm giúp các thày cô đào tạo và học hỏi không ngừng qua các cuộc học hỏi về văn hóa và tôn giáo tổ chức ở mức cộng đoàn hoặc qua các cuộc gặp gỡ và tìm hiểu về sư phạm, tâm lý. Việc thứ 2 nhằm cung cấp cho các thày cô một số tài liệu tối thiểu trong dự án thiết lập một tủ sách sư phạm tiếng việt. Đây là dịp để mỗi thành phần của cộng đoàn có thể đóng góp vào công việc văn hóa quan trọng của cộng đoàn bằng cách chỉ dẫn hoặc cung cấp một tài liệu, một tờ báo, một cuốn sách.

Sang đến việc thứ 3 là việc thực hiện bài dạy, thì dĩ nhiên đó là việc quan trọng hơn cả. Vì chiếm tất cả chú ý của các thày cô và vận dụng rất nhiều hiểu biết và tưởng tượng của họ. Hai phương pháp căn bản đã được họ áp dụng một cách triệt để là phương pháp tiệm tiến và phương pháp năng động. Phương pháp tiệm tiến căn cứ vào 3 tiêu chuẩn : căn cứ vào cái đã biết để học cái chưa biết, học từ từ, phải học thêm cái mới, nhưng thường ôn lại cái cũ. Tham dự bất cứ bài học nào của bất cứ cô nào hoặc thày nào, chúng ta cũng thấy rõ sự ứng dụng này. Một bài học của cô Trang cho lớp sĩ chẳng hạn, đã được trình bày qua hai phần. Qua một đoạn văn trích trong “trống mái” của Khái Hưng, cô bắt đầu bằng việc ôn lại khả năng đã thâu nhận ở lớp thiếu bằng cách cho viết chính tả và học ngữ vựng của đoạn văn hoặc tập đọc đoạn văn và giải thích các từ ngữ. Qua phần thứ hai, là học thêm cái mới, cô quảng diễn về tác giả và về Tự Lực Văn Đoàn cô tiếp tục bằng việc phân tích tác phẩm qua các khía cạnh văn học, lịch sử, địa dư, văn hóa. Một bài học của thày Anh hoặc của cô Mai Chi, Marcelle Lan ở cấp ấu cũng được trình bày theo một phương pháp tương tự. Qua một trang vần về chữ U với khoảng 10 hình vẽ có những áp dụng của các dấu như u già, cái dù, con cú mèo, cây cổ thụ, cái mũ, trái đu đủ. Thày cho các em coi hình, hỏi xem nó là cái gì, có em biết, có em không, có em biết bằng tiếng pháp, có em biết bằng tiếng việt thày cắt nghĩa cho các em các hình vẽ bằng tiếng việt, sự thực dụng của các hình vẽ ấy, rồi tiến sang bước học mới, thày chỉ cho các em chữ U, cho các em tập viết chữ U, ghép chữ U với các chữ khác, tập đọc chữ U trong các chữ của hình vẽ...

Trong khi trình bày bài học, một trong những ưu tư lớn của các thày cô là làm sao hấp dẫn các em. Đây là một trong những nét nổi về phương pháp của các thày cô : thích ứng với nhu cầu, sở thích và năng khiếu của học trò. Phương pháp này đã được áp dụng một cách triệt để qua sư phạm năng động mà nguyên lý căn bản là làm sao để học trò tham gia tích cực vào việc học, có thích thú trong việc học. Qua phương pháp làm luận, thày Phi đã tạo những điều kiện thuận lợi để chính các em lớp sĩ viết lấy các đoạn văn tả, các câu chuyện nhỏ, các bài luận ngắn. Qua một trang vần hoặc, một đoạn văn, Sr Phú, thày Lộc, thày Văn Châu và cô Anh Thư đã vận dụng đến khả năng phát biểu, kiến thức sẳn có của các em thiếu, để chính các em đánh vần lấy, giảng nghĩa ra, hoặc quảng diễn thêm bằng những câu chuyện mà các em đã biết. Các em thích nghe chuyện cổ tích, các thày cô đã dùng cổ tích để diễn tả các phong tục Việt nam. Các em thích hát, các thày cô đã dùng những bài hát thiếu nhi để giúp các em đọc cho đúng các thanh bằng trắc của tiếng việt. Các em thích trò chơi, các thày cô đã dùng trò chơi để tập luyện tác phong. Các em thích đóng kịch, các thày cô đã dùng kịch tuồng để diễn tả các khung cảnh xã hội. Các em thích ganh đua, các thày cô đã dùng bằng danh dự để khuyến khích và thăng thưởng.

Nhưng sư phạm năng động không chỉ có thế. Nó còn căn cứ vào hoàn cảnh hiện tại nữa. Đó là điểm mà không thày cô nào quên và không ngần ngại hoặc mặc cảm gì về thích ứng việc dạy tiếng việt trong khung cảnh hiện tại của cộng đoàn ở Pháp. Đó là lý do khiến các thày cô đôi khi phải dùng đến tiếng pháp để chuyển từ cái đã biết sang cái chưa biết, hoặc phải coi lại chương trình của các lớp các em đang học tại Pháp. Đó cũng là lý do khiến các thày cô đôi khi phải dùng đến những tài liệu Pháp văn, đặc biệt cho những lớp ấu và thiếu, vì những tài liệu này có những hình ảnh hấp dẫn và tương đối được soạn thảo một cách công phu và có phương pháp. Đó cũng là lý do khiến các thày cô có tham vọng cao, nhưng vẫn biết kiên nhẫn chấp nhận những sơ sót, và khiến các thày cô đặc biệt lưu tâm đến việc làm sao để các em thích đọc tiếng việt, mà không sao nhãng việc làm sao để các em tiến bộ trong việc học tiếng việt, và trong việc học của các em tại trường tây.

Đó cũng chính là lý do khiến các thày cô luôn thao thức đến cách thẩm lượng kết quả việc dạy của mình cũng như đo lường kết quả thâu nhận nơi học trò. Cách hiện đang được áp dụng là cách cổ điển trong tất cả các lớp học : khảo bài. Về điểm này có lẽ những bậc phụ huynh cần phải đóng một vai trò tích cực và xây dựng hơn bằng cách đối thoại, thông cảm và cộng tác với các thày cô : nói cho họ biết về những nhận xét của mình nơi con cái của mình trong việc học tiếng việt. Các thày cô không mong gì hơn thế và rất sẵn sàng ghi nhận mọi nhận xét xây dựng.

Qua những dòng trên đây về tổ chức và dạy tiếng việt tại Giáo xứ, bất cứ ai có quan sát và có cái nhìn khách quan cũng phải kết luận rằng công việc này đã được tổ chức và đang được tiến hành có phương pháp. Giáo xứ đã thực hiện sứ mệnh văn hóa một cách đáng khen ngợi. Ban tiếng việt hoạt động dầu là tình nguyện và không công, mà về lượng, phẩm không thua gì một trường học. Nhưng để lượng và phẩm của việc dạy tiếng việt được phát triển & hoàn hảo hơn sự tiếp tay của cộng đoàn là việc hầu như không thể thiếu trong mức độ hiện tại. Tôi có ý nói đến dự án thiết lập một thư viện sư phạm tiếng việt.(GiaoxuvnParis.org)

(còn tiếp)