Người Do Thái dùng nhiều từ ngữ khác nhau để chỉ Thiên Chúa.

El = thần tính (deity). Danh từ này khá chung tại miền Cận Đông, chở theo ý niệm cao cả uy linh, nhiều khi cũng được dùng để chỉ quyền năng (power) như St. 31:29 hoặc Đnl. 28:32, hay những nét hùng vĩ thiên nhiên như cây trắc bá Libăng (Tv 80:10), núi non (Tv 36:6). Ta cũng thấy chữ này trong nhiều tên người như Ismael, Emmanuel (Chúa ở cùng chúng tôi). Thời Môsê, El đồng nghĩa với Đấng Thiên Chúa đã giải thoát Israel khỏi cảnh tôi mọi Ai Cập và làm họ chiến thắng nơi trận tiền (Ds 24:8). Truyền thống coi El như đấng Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong uy quyền và thiết lập liên hệ giao ước với Dân Người rất rõ trong cả thi ca (Tv 7:11; 85:8) lẫn văn chương tiên tri (Is 43:12; 46:9).



Elah = thần minh (god), gốc tiếng Aram, tương đương với hạn từ eloah của Hipri và đồng âm với hạn từ allah của Ả-rập. Đây là hạn từ chung chỉ Thiên Chúa trong các bản văn Aram của Bộ Cựu ước, nhất là sách Étra (46 lần, giữa các đoạn 4:23 và 7:26). Trong Étra, khi nhắc đến tên này, dù người nói là là Do Thái hay không, cũng đều ám chỉ về Thiên Chúa của Israel (Er 5:8, 15). Sách Giêrêmia (cũng viết bằng tiếng Aram) có một câu (câu 10:11) nhắc đến Elah ở số nhiều để chỉ các thần giả của ngoại giáo, những thần này sau cùng đã suy vong vì bản chất không vĩnh hằng. Sách Daniel nhắc đến Elah để chỉ cả các thần ngoại giáo lẫn Thiên Chúa chân thật mà Daniel tôn thờ. Chữ tương đương của Elah trong tiếng Hipri là Eloah thì ít được dùng hơn, ngoại trừ trong sách Gióp. Nhiều học giả coi chữ này là số ít (singular) của một từ khác quen thuộc hơn đó là Elohim.

Elohim, một danh từ số nhiều, nhưng lại có động từ hay thuộc từ đi kèm ở số ít, với nghĩa chỉ một vị thần hay vị thần duy nhất. Trong Cựu Ước, chữ này được sử dụng rất nhiều (2,000 lần) để chỉ Thần đích thực và duy nhất, hay là Chúa Trời. Một trong những giòng văn chương Thánh Kinh được gọi là giòng văn chương Eloist (E) cũng là vì vậy vì dòng văn chương này dùng hạn từ Elohim để chỉ Thiên Chúa, khác với dòng văn chương Yavist (Y) dùng hạn từ Yahweh.

Adon (Adonai) dùng diễn tả Thiên Chúa như đấng Tối Cao hoặc Chúa Tể, nhấn mạnh đến uy quyền thần linh và vai trò thống trị của Người.

Yahweh: Ngoài những danh từ chung trên đây mà gốc gác còn tìm thấy nơi các nền văn hóa Cận đông khác, Thiên Chúa đã mặc khải chính tên riêng của mình là Yahweh. Tuy nhiên vì tôn kính, trong các buổi đọc sách công cộng, người ta thường tránh nêu tên riêng, mà chỉ gọi Người là Chúa (Lord), hoặc Chúa Thiên Chúa (Lord God). Tính thân mật vì thế mà mất đi nhiều. Khi cho dân biết tên mình, Thiên Chúa muốn tỏ cho họ thấy bản tính thâm sâu nhất của Người. Xét theo nghĩa chữ, Yahweh liên hệ tới động từ ‘to be’ trong tiếng Do Thái. Động từ này không những chỉ có nghĩa hiện hữu hay hiện diện, mà đúng hơn nghĩa của nó là hiện diện một cách linh hoạt. Theo sách Xuất Hành (3:13-16), Yahweh hiện diện một cách linh hoạt giữa Dân Người, nhưng Người chọn thời điểm lúc họ cần được cứu vớt khỏi cảnh nô lệ nhất để tỏ cho họ biết điều đó.

El Shadday: Đây là chữ các tổ phụ cũng dùng để chỉ Thiên Chúa. El Shadday = Thiên Chúa cao cả. Shaddy có thể có nghĩa là ‘núi’ dùng một cách biểu tượng để chỉ sự bất biến và sức mạnh trường cửu, ngược với sự bất lực của con người. Xem St. 17:1; 28:3; 35:11; 43:14; 49:25. Giao ước với Abraham được đánh dấu bằng sự thân mật giữa El Shadday và con người. El Shadday tỏ mình ra như vị thần minh uy quyền có thể thực hiện bất cứ điều gì Người phán ra. Nhưng Người cũng là người biết săn sóc và yêu thương gia đình mà Người tuyển chọn, bảo bọc và làm cho thịnh vượng. Người dẫn dắt gia đình này khắp nơi, luôn hiện diện bên họ. Người không bận tâm đến những nghi thức phụng tự hoặc các cử hành cuồng loạn say sưa. Trái lại, Người đòi hỏi nơi Abraham và con cháu ông sự vâng lời nếu muốn bước đi với Người, và phải sống một đời sống luân lý và thiêng liêng không tì vết (St17:1). Bởi thế, việc phụng sự đấng El Shadday không có tính phụng tự hay lễ nghi mà là luân lý đạo đức.

El Elyon = Thiên Chúa Tối Cao (St 14:18).

El Roi = Thiên Chúa Thông Biết (St 16:13);

El Olam= Thiên Chúa trường cửu (St 21:33).

El Bethel = Chúa Bethel (Ta là Thiên Chúa Bethel, nơi ngươi đã xức dầu thạch trụ, và đã khấn lời khấn với ta, St 31:13). Bethel cách Bắc Giêrusalem chừng 19 cây số, nơi Giacóp mơ thấy chiếc thang từ trời xuống đất. Chúa hứa bảo vệ Giacóp và hưá ban đất ấy cho con cháu ông. Giacóp bèn đặt tên chỗ ấy là Bethel (nhà Chúa ở). Nhiều thế kỷ sau, khi dân Israel tiến vào Canaan, họ đã chiếm Bethel và định cư ở đấy.

El Elohe Yisrael = Chúa, Thiên Chúa của Israel (St 33:20).

Như thế, khi Yahweh được xưng tụng là ‘Thiên Chúa của cha ông các ngươi’ (Xh 3: 6, 13, 15, 16), thì tất cả những ý nghĩa trên đều đuợc đüa vào làm giầu ý niệm về Thiên Chúa Giavê.



Chúa nào như chúa?

Một vài phẩm tính dùng để nói lên bản tính của Chúa:

1. Chúa trong chính Ngài:

Đấng Thánh Duy Nhất: Đây là tước hiệu có tính cách quan trọng, trung tâm của tất cả các tước hiệu khác (Gs 24:19; Is 5:16; 10:17; Kbc 1:12).

Đấng Thánh Duy Nhất của Israel: Đây là kiểu nói dựa theo kiểu nói trên do Isaia sử dụng (Is 1:4)

Thiên Chúa ‘mà tên Người là Ghen Tuông’: chứng tỏ tình yêu nồng nàn của Người đối với Dân Riêng (Xh 34:14)

Chúa Các Đạo Binh: Một tước hiệu thường được lặp đi lặp lại cho thấy Người là đấng quyền năng vô cùng, mạnh mẽ vô song và đầy tiềm lực (Grm 32: 18b-23).

Ngoài ra, Chúa Yahweh còn được xưng tụng dưới nhiều tước hiệu khác nữa như Đấng chân thật, Đấng hằng sống (Grm 10:10), Đấng cao cả (Mk 6:6), Đấng thưởng phạt (Grm 51:56).

2. Đối với Thế giới:

Đấng Thiên Chúa trên không phải là Chúa của một vài người, mà là:

Đấng Hoá Công: Isaia 40:28;

Đấng Phán Xét: Sáng Thế 18:25;

Vua: Giêrêmia 10:7;

Chúa mọi xác phàm: Dân số 16:22; Giêrêmia 32:27.

3. Đối với Israel:

Ngài là Thiên Chúa đã đặc biệt tỏ mình ra cho một dân riêng:

Thiên Thần Chúa: Dù không mất đi thần tính mình, Chúa đã mặc hình dạng khác để nói với con người (St 16:7; Tp 13:16);

Thiên Chúa Dân Hipri: Xuất hành 5:3;

Chúa Israel: Gs 24:2.

Để nhấn mạnh đến ân phúc và lượng hải hà, Người cũng là Chúa Giacóp (Tv 81:4), đầy thánh thiện (Is 1:4), và quyền lực (Tv 132:2).

4. Thiên Chúa của từng mỗi cá nhân:

Trong hàng ngũ Dân Riêng, Người là Thiên Chúa của từng cá nhân: ‘Đấng tôi yêu mến’ (Is 5:1), ‘Chúa sự cứu độ tôi’ (Tv 18:46).

Sự phong phú trong ý thức về Chúa của Cựu Ước chỉ có thể nhìn ra trong những hình ảnh diễn tả về Chúa trong sinh hoạt hằng ngày. Ngài được biểu tượng như:

Núi Đá: Một tước hiệu phát xuất từ Xuất Hành 17: 1-7 (Xem Đệ Nhị Luật 32);

Mục tử: Tv 23:1;

Thuẫn, thành lũy: Tv 18:2;

Ánh sáng: Tv 27:1;

Sức Mạnh: Tv 28:7;

Nơi trú ẩn: Tv 37: 39;

Mặt Trời: Tv 84:11;

Cha: Tv 89:26; Is 63:16;

Chim Mẹ: Tv 91:4; so sánh với Is 31:5;

Sự Trợ giúp: Tv 115:9;

Bóng rợp: Tv 121:5;

Phần Gia Nghiệp: Tv 142:5;

Bài Ca: Is 12:2;

Đấng cứu chuộc: Is 41:14;

Chiến sĩ: Is 42:13;

Thợ gốm: Is 45:9;

Phu quân: Is 54:5;

Mạch Nước: Grm 2:13;

Sương Mai: Hs 14:5;

Sư Tử, Báo, Gấu: Hs 13: 7-8.

(Viết theo Nguyễn Thế Thuấn, Kinh Thánh; W.E. Vine, Merril F. Unger, William White Jr. Vine’s Complete Expository Dictionary of Old and New Testament Words; và David & Pat Alexander, Bible Handbook & A-Z Bible Encyclopedia)

Kỳ tới: Huệ Đồng Nội, Bùn Thành Phố