Nina Shea là giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson, và là một luật sư quốc tế về nhân quyền.

Trong bài “China’s Threat to the Bible”, nghĩa là “Mối đe dọa của Trung Quốc đối với Kinh Thánh”, cô cho chúng ta thấy lòng ao ước truyền giảng Tin Mừng của Liên Hiệp Các Hiệp Hội Kinh Thánh Quốc Tế đã bị cộng sản lợi dụng như thế nào, và đâu là những mối đe dọa khi mà ngày nay hầu hết các nhà xuất bản Kinh Thánh, vì muốn giảm giá thành, đã lệ thuộc vào một công ty của Trung Quốc trong việc in sách Kinh Thánh.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

China’s Threat to the Bible

By Nina Shea

Mối đe dọa của Trung Quốc đối với Kinh Thánh


Kinh Thánh là cuốn sách bán chạy nhất tại Hoa Kỳ. Trong 20 cuốn sách bán chạy nhất trong năm tại Mỹ, số sách Kinh Thánh được bán ra nhiều hơn 19 cuốn sách kia cộng lại. Tuy nhiên, một công ty của Trung Quốc gần như độc quyền về việc in Kinh Thánh, có nghĩa là nếu xảy ra bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng - chẳng hạn vì các chính sách của chính phủ Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc - thì sự thiếu hụt Kinh Thánh ở Mỹ sẽ lập tức xảy ra. Điều này gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với cả quyền tự do tôn giáo cơ bản của các Kitô hữu tại Hoa Kỳ cũng như an ninh quốc gia của Mỹ.

Hàng năm, hơn 20 triệu cuốn Kinh Thánh Tin lành và Công Giáo được đưa ra thị trường bởi các công ty xuất bản Kinh Thánh lớn nhất Hoa Kỳ. Nhưng ít ai biết rằng hầu hết những cuốn Kinh Thánh này đều được in tại Trung Quốc, bởi công ty in ấn Hữu Hảo (Amity, 友好) (Các nhà xuất bản Kinh Thánh không in ở Trung Quốc bao gồm InterVarsity Press [IVP], St. Ignatius Press, St. Benedict Press, Cambridge University Press, RL Allan & Son, và Schuyler Bibles.) Do các quyết định của các nhà xuất bản của Mỹ, các Kitô hữu Mỹ rơi vào một tình trạng oái oăm là phải lệ thuộc, về mặt cung ứng Kinh Thánh, vào quốc gia đàn áp Kitô hữu khét tiếng nhất thế giới. Khi Trung Quốc tăng cường đàn áp tôn giáo tại quê nhà và được tình báo Hoa Kỳ coi là “mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ hiện nay”, chuỗi cung ứng Kinh Thánh này ngày càng bấp bênh. Tuy nhiên, các nhà xuất bản Kinh Thánh không hề có kế hoạch sử dụng một nhà máy in nào khác để thay thế.

Tình trạng của chuỗi cung ứng này đã được thử nghiệm vào năm 2019, khi chính quyền của Tổng thống Trump đề xuất mức thuế thương mại rộng rãi để cân bằng tốt hơn quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Kế hoạch này, cố nhiên, bao gồm thuế quan đối với Kinh Thánh. Các nhà xuất bản Kinh Thánh của Mỹ đã cùng với Bắc Kinh vận động hành lang rầm rộ để chống lại biện pháp này. HarperCollins Christian Publishing, gọi tắt là HCCP, hiện là nhà xuất bản Kinh Thánh lớn nhất thế giới (sau khi mua lại Zondervan và ThomasNelson), sử dụng công ty in ấn Hữu Hảo để in hầu hết các cuốn Kinh Thánh của mình, cũng như Tyndale House, nhà xuất bản Kitô Giáo thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất của Mỹ. Vào năm ngoái, trước Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ, Giám đốc điều hành HCCP là ông Mark Schoenwald đã tố cáo mức thuế đề xuất. Ông ta gọi đó là “thuế Kinh Thánh” và lập luận rằng nó sẽ buộc công ty của ông phải giảm doanh thu và ngừng xuất bản một số ấn bản Kinh Thánh. Phản ứng lại, chính quyền Tổng thống Trump đã nhanh chóng miễn thuế cho Kinh Thánh khỏi mức thuế quan đánh vào Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo có liên quan đến việc xuất bản cũng vận động hành lang, cho rằng thuế quan sẽ hạn chế quyền của Tu chính án thứ nhất. Stan Jantz, chủ tịch của Hiệp hội các nhà xuất bản Tin lành, tuyên bố rằng thuế quan sẽ gây “thiệt hại đáng kể cho khả năng tiếp cận với Kinh Thánh”. Ông tuyên bố trước Ủy ban Thương mại rằng “nhiều người tin rằng thuế quan như vậy sẽ đặt ra một giới hạn thực tế đối với tự do tôn giáo”. Russell Moore, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo & Đạo đức của Công ước Baptist Miền Nam, khẳng định rằng “các mức thuế đề xuất sẽ ảnh hưởng đến khả năng của tất cả các Kitô hữu trong việc thực hiện quyền tự do tôn giáo của họ ở Hoa Kỳ”. Mục sư Ben Mandrell, Giám đốc điều hành của LifeWay Christian Resources, tuyên bố: “ Tôi rất lo lắng rằng Lời Chúa sẽ bị bắt làm con tin trong một cuộc tranh chấp thương mại quốc tế. Những tháng vừa qua đã củng cố quyết tâm của chúng tôi trong việc đưa Kinh Thánh đến những người cần. Nhiệm vụ của chúng tôi được xây dựng dựa trên sự vâng lời Chúa Kitô, bất kể đề xuất chính sách nào từ Washington DC”

Không khó để tưởng tượng rằng nếu chính phủ Trung Quốc gây một chút áp lực lên chuỗi cung ứng, các nhà xuất bản Kinh Thánh của Mỹ sẽ khởi động ngay các cuộc vận động hành lang chống lại các chính sách có các cứng rắn tương tự đối với Trung Quốc. Và như thế họ tự biến mình thành một thứ quyền lực mềm trong bàn tay thao túng của Bắc Kinh. Mối đe dọa thuế quan đã kết thúc, nhưng Kinh Thánh vẫn tiếp tục gặp rủi ro - hầu hết là từ các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chứ không phải từ Washington. Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe lưu ý rằng nhiều công ty nổi tiếng của Trung Quốc chỉ là một chiêu bài “ngụy trang cho các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Công ty in ấn Hữu Hảo không phải là ngoại lệ. Nó được liên kết với Hội đồng Kitô Giáo Trung Quốc, gọi tắt là CCC, và chịu sự giám sát và hướng dẫn trực tiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2018.

Vào những năm 1980, Giám mục Đinh Quan Huấn (Ding Guangxun, 丁光訓), của Anh giáo Trung Quốc, khi đó là chủ tịch CCC, đã đề xuất thành lập công ty in ấn Hữu Hảo như một liên doanh giữa Quỹ Hữu Hảo mới của ông và Liên Hiệp Các Hiệp Hội Kinh Thánh Quốc Tế, gọi tắt là UBS, để cung cấp Kinh Thánh cho các nhà thờ Trung Quốc. Lòng yêu mến truyền bá Tin Mừng của UBS đã bị lợi dụng. UBS đã đồng ý và chi ra toàn bộ vốn khởi nghiệp, máy in, và giấy in Kinh Thánh, là những thứ mà UBS tiếp tục cung cấp cho Kinh Thánh tiếng Trung. Những cuốn Kinh Thánh được in ra ở đây được xuất khẩu ra nước ngoài đem lại một số tiền khổng lồ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ở Trung Quốc không mấy ai được phép giữ Kinh Thánh, đó là một thứ hàng quốc cấm ở một số địa phương. Năm 1988, chủ tịch CCC đã đặt nền móng cho công ty in ấn Hữu Hảo ở Nam Kinh. Ngày nay, nhà máy của công ty in ấn Hữu Hảo ở Nam Kinh rộng 85,000m2, hoạt động liên tục 24 giờ 7 ngày trong tuần và là nhà máy in Kinh Thánh lớn nhất thế giới. Nó tự hào đã in hơn 200 triệu cuốn Kinh Thánh (với 25 triệu cuốn Kinh Thánh bìa cứng hàng năm) bằng hơn 130 ngôn ngữ, cho 147 quốc gia.

Hữu Hảo vừa rẻ vừa hiệu quả với công nghệ in hiện đại và các máy in được mua lại với giá rẻ mạt từ các công ty nước ngoài. Nhưng danh tiếng của Hữu Hảo có thể sẽ sớm bị ảnh hưởng lớn, vì các chỉ thị gần đây của bọn cầm quyền Trung Quốc. Tại quê hương Nam Kinh của Hữu Hảo, vào năm 2018, Bắc Kinh tuyên bố khởi động kế hoạch dịch lại hoặc diễn giải lại Kinh Thánh của Hiệp Hội Kinh Thánh Trung Quốc đáng kính cho phù hợp với các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là một phần trong một kế hoạch 5 năm, mới được phát động nhằm “Trung Quốc hóa” Kitô Giáo. Các chuyên gia Kitô Giáo Trung Quốc có lý do để lo sợ rằng phiên bản sắp ra mắt sẽ loại bỏ sách Khải huyền và bóp méo các bài học đạo đức thông qua các bài bình luận Kinh Thánh mới. Một thí dụ điển hình là câu chuyện Chúa Giêsu tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình trong chương 8 Phúc Âm theo Thánh Gioan. Câu chuyện này đã được sửa đổi trong sách giáo khoa Trung Quốc năm 2020 (được sử dụng trong các trường trung học dạy nghề do bọn cầm quyền điều hành) để xuyên tạc rằng Chúa Giêsu đã ném đá người phụ nữ.

Hữu Hảo đã phản ứng như thế nào trước những chỉ thị đáng báo động này? Nó đã tài trợ cho một sự kiện kỷ niệm, được dành riêng cho “chủ đề Kinh Thánh Trung Quốc và nhu cầu Trung Quốc hóa Kitô Giáo”. Tại đó, các quan chức trong Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, CCC, cùng với UBS, đã chụp ảnh chung đang tham gia trong một điệu nhảy vòng tròn, nâng ly chúc mừng công ty và được chiêu đãi như VIP. Hữu Hảo có kế hoạch in những cuốn Kinh Thánh mới, bị bóp méo. Chúng sẽ là phiên bản Kinh Thánh duy nhất được đảng cộng sản chấp thuận, phủ nhận quyền tự do tôn giáo đối với hàng chục triệu tín đồ Kitô Giáo Trung Quốc. Điều này được đưa ra sau các quy định cách đây hai năm nhằm kiểm duyệt Kinh Thánh trên Internet Trung Quốc, cấm thanh niên tham gia các buổi lễ tại các nhà thờ và các trại học hỏi Kinh Thánh, đồng thời cho phép đốt các quyển Kinh Thánh mà không cần có sự cho phép của nhà nước.

Cho đến nay, không có sự phản đối gay gắt nào từ các nhà xuất bản Mỹ. Họ đã không sử dụng đòn bẩy của mình để ngăn chặn cuộc đàn áp đang diễn ra đối với các nhà thờ tại gia. Họ cũng không dùng nó để đòi trả tự do cho Mục sư Vương Nghị của Giáo hội Giao ước Mưa Sớm (Early Rain Covenant Church - 早雨圣约教堂), và hiện đang thụ án 9 năm tù; người bán sách Kitô Giáo Trần Úc (Chen Yu, 陈郁) bị kết án đến bảy năm tù vào tháng 10 vừa qua; và nhà đấu tranh cho dân chủ Công Giáo Jimmy Lai (Lê Trí Anh, 黎智英), là người có thể phải đối mặt với án tù chung thân ở Hương Cảng.

Mặc dù họ bắt đầu với mục đích tốt, nhưng các nhà xuất bản hiện đang bị ràng buộc. Việc bảo vệ chuỗi cung ứng này sẽ trở nên không thể thực hiện được khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục thắt chặt kiểm soát. Các nhà xuất bản Kinh Thánh Hoa Kỳ có thể bảo vệ tốt nhất quyền của Tu chính án thứ nhất của người Mỹ — và danh tiếng của chính họ — bằng cách chuyển ngay việc in ấn của họ ra khỏi Trung Quốc.


Source:First Things