Tình huynh đệ và tình bạn xã hội là những cách mà Đức Thánh Cha chỉ ra để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn và hòa bình hơn, với sự đóng góp của mọi người: con người và các định chế. Với việc cương quyết nói ‘không’ với chiến tranh và sự thờ ơ hoàn cầu hóa.

Bài viết của Isabella Piro – Vatican News



Đâu là các lý tưởng vĩ đại nhưng cũng là những cách hữu hình để thăng tiến đối với những người mong muốn xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn trong các mối liên hệ bình thường của họ, trong đời sống xã hội, chính trị và các định chế? Đó chủ yếu là câu hỏi mà Fratelli tutti muốn trả lời: Đức Giáo Hoàng mô tả nó như một “Thông điệp xã hội” (6) mượn tựa đề “Các Khuyên Răn” của Thánh Phanxicô Assisi, người đã dùng những hạn từ này để “nói với anh em của ngài và đề nghị với họ một lối sống thấm đượm hương vị Tin Mừng ”(1). Đức Giáo Hoàng viết rằng Vị Thánh Nghèo (Poverello) “không gây chiến bằng các ngôn từ nhằm áp đặt các học thuyết; ngài chỉ đơn giản truyền bá tình yêu của Thiên Chúa ”, và “ngài đã trở thành một người cha cho mọi người và truyền cảm hứng cho một viễn kiến về một xã hội huynh đệ”(2-4). Thông điệp này nhằm cổ vũ một khát vọng phổ quát hướng tới tình huynh đệ và tình bạn xã hội. Bắt đầu với tư cách thành viên chung của chúng ta trong gia đình nhân loại, từ sự thừa nhận rằng chúng ta là anh chị em vì chúng ta là con cái của một Đấng Tạo Hóa, tất cả cùng chung một con thuyền, và do đó chúng ta cần ý thức rằng trong một thế giới hoàn cầu hóa và liên kết hỗ tương, chỉ cùng với nhau chúng ta mới có thể được cứu vớt. Văn kiện Tình huynh đệ nhân loại do Đức Phanxicô và Đại Imam của Al-Azhar ký vào tháng 2 năm 2019 là một ảnh hưởng đầy cảm hứng đã được trích dẫn nhiều lần.

Tình huynh đệ không chỉ được khuyến khích bằng lời nói, mà còn bằng việc làm. Các việc làm trở nên hữu hình trong một “loại chính trị tốt hơn”, không phụ thuộc vào lợi ích tài chính, mà phục vụ lợi ích chung, có khả năng đặt phẩm giá của mỗi con người vào trung tâm và bảo đảm việc làm cho mọi người, để mỗi người có thể phát triển các khả năng của riêng họ. Một loại chính trị, nhờ tự tách mình khỏi chủ nghĩa dân túy, có khả năng tìm được các giải pháp chống lại những gì đang tấn công các quyền lợi căn bản của con người và nhằm xóa bỏ dứt khoát nạn đói và nạn buôn người. Đồng thời, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng một thế giới công bằng hơn chỉ có thể đạt được bằng cách cổ vũ hòa bình, là thứ không chỉ đơn thuần không có chiến tranh; nó đòi hỏi "tài thủ công", một công việc liên quan đến mọi người. Liên kết với sự thật, hòa bình và hòa giải, người ta phải “chủ động”; họ phải làm việc hướng tới công lý qua đối thoại, nhân danh sự phát triển chung. Điều này dẫn đến việc Đức Giáo Hoàng lên án chiến tranh, vốn "phủ nhận mọi quyền lợi" và không còn có thể quan niệm được dù dưới dạng giả thuyết "được biện minh", vì vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học đã có những hậu quả to lớn đối với dân thường vô tội. Cũng có một sự bác bỏ mạnh mẽ hình phạt tử hình, được xác định là "không thể chấp nhận được", và một suy tư trung tâm về sự tha thứ, liên quan đến các khái niệm tưởng nhớ và công lý: Đức Thánh Cha viết rằng tha thứ không có nghĩa là quên đi, cũng không phải là từ bỏ việc bênh vực các quyền lợi của mình để bảo vệ phẩm giá của mình, vốn là một hồng phúc của Thiên Chúa. Đức Phanxicô tiết lộ rằng ở bối cảnh của Thông điệp là đại dịch Covid-19, một đại dịch “bùng phát một cách bất ngờ” khi ngài “viết thông điệp này”. Nhưng tình trạng khẩn trương về sức khỏe hoàn cầu này đã giúp chứng minh điều này: “không ai có thể đối đầu với cuộc sống trong cô lập cả” và do đó, đã đến lúc thực sự “mơ ước như một gia đình nhân loại duy nhất”, trong đó chúng ta hết thẩy là “anh chị em” (7- 8).

Được mở đầu bằng một lời dẫn nhập ngắn gọn và được chia thành tám chương, Thông điệp - như chính Đức Giáo Hoàng giải thích - tập hợp nhiều tuyên bố của ngài về tình huynh đệ và tình bạn xã hội, tuy nhiên, được sắp xếp, “trong một bối cảnh suy tư rộng lớn hơn” và được bổ sung bằng “một số thư từ, tài liệu” được gửi đến Đức Phanxicô bởi“ nhiều cá nhân và nhóm trên khắp thế giới ”(5). Trong chương đầu tiên, “Những đám mây đen trên một thế giới khép kín”, văn kiện suy nghĩ về nhiều bóp méo đương đại: sự thao túng và biến dạng của các khái niệm như dân chủ, tự do, công lý; sự mất đi ý nghĩa của cộng đồng xã hội và lịch sử; tính ích kỷ và sự thờ ơ đối với lợi ích chung; sự trổi vượt của luận lý học thị trường dựa trên lợi nhuận và văn hóa vứt bỏ; nạn thất nghiệp, phân biệt chủng tộc, nghèo đói; sự chênh lệch về quyền lợi và những sai lệch của nó như nô lệ, buôn người, khuất phục phụ nữ rồi ép phải phá thai, buôn bán nội tạng (10-24). Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, nó bàn đến các vấn đề hoàn cầu đòi phải có các hành động hoàn cầu, cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh chống lại một “nền văn hóa xây tường” chuyên tạo điều kiện cho việc gia tăng tội phạm có tổ chức, được khuyến khích bởi nỗi sợ hãi và cô đơn (27-28). Hơn nữa, ngày nay chúng ta thấy sự xuống cấp đạo đức (29), một cách nào đó có sự góp phần của các phương tiện truyền thông đại chúng, vốn làm tiêu tan lòng tôn trọng người khác và loại bỏ mọi suy xét chín chắn, tạo ra những nhóm người ảo cô lập và tự quy chiếu vào chính mình, trong đó tự do là một ảo tưởng, và đối thoại không mang tính xây dựng (42-50).

Tình yêu bắc cầu: Người Samaritanô nhân hậu

Tuy nhiên, đối với nhiều bóng tối, Thông điệp đáp lại bằng một điển hình sáng lạn, một sứ giả của hy vọng: Người Samaritanô nhân hậu. Chương thứ hai, "Một người lạ trên đường", được dành riêng cho nhân vật này. Trong đó, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng, trong một xã hội không lành mạnh, chuyên quay lưng lại với đau khổ, và “mù chữ” trong việc chăm sóc những người yếu đuối và dễ bị tổn thương (64-65), tất cả chúng ta được kêu gọi - giống như Người Samaritanô nhân hậu - trở nên hàng xóm với người khác (81), vượt qua các định kiến, lợi ích cá nhân, rào cản lịch sử và văn hóa. Thực vậy, tất cả chúng ta đều có chung trách nhiệm trong việc tạo ra một xã hội có thể bao gồm, hòa nhập và nâng dậy những người đã vấp ngã hoặc đang đau khổ (77). Đức Giáo Hoàng nói thêm: Tình yêu bắc những nhịp cầu và “chúng ta được tạo ra để yêu thương” (88); ngài đặc biệt khuyên các Kitô hữu nhận ra Chúa Kitô nơi khuôn mặt của mọi người bị loại trừ (85). Nguyên tắc về khả năng yêu thương theo “một chiều kích phổ quát” (83) cũng được tiếp tục trong chương thứ ba, “Hình dung và hình thành một thế giới cởi mở”. Trong chương này, Đức Phanxicô khuyên chúng ta đi “ ‘ra ngoài cái tôi’ ”để tìm “một hiện hữu trọn vẹn hơn nơi một người khác”(88), mở lòng mình ra với người khác theo năng động tính của đức ái khiến chúng ta hướng tới “sự thành toàn phổ quát ”(95). Thông điệp nhắc nhở rằng, ở hậu trường, tầm vóc tinh thần của đời người được đo bằng tình yêu thương, một tình yêu luôn “chiếm vị trí hàng đầu” và dẫn chúng ta đi tìm điều tốt hơn cho cuộc sống của người khác, tránh xa mọi thứ ích kỷ (92-93).

Do đó, một xã hội huynh đệ sẽ là một xã hội biết cổ vũ việc giáo dục đối thoại nhằm đánh bại con “vi-rút” của “chủ nghĩa cá nhân triệt để” (105) và giúp mọi người biết cống hiến những gì tốt nhất của chính mình. Bắt đầu bằng sự bảo vệ gia đình và tôn trọng “sứ mệnh giáo dục hàng đầu và quan yếu của gia đình” (114). Đặc biệt có hai 'công cụ' để đạt được kiểu xã hội này: lòng nhân từ, hoặc thực sự mong muốn điều tốt cho người khác (112), và tình liên đới biết quan tâm đến sự mong manh và được phát biểu trong việc phục vụ người ta chứ không phục vụ các ý thức hệ, tranh đấu chống nghèo đói và bất bình đẳng (115). Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng khẳng định, quyền sống đúng phẩm giá không thể bị bác bỏ, và vì các quyền lợi không có biên giới, nên không ai có thể bị loại trừ, bất kể họ sinh ra ở đâu (121). Theo quan điểm này, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi chúng ta xem xét “nền đạo đức tương quan quốc tế” (126), vì mọi quốc gia cũng thuộc về người nước ngoài và các hàng hóa của lãnh thổ không thể bị từ khước đối với những người đang có nhu cầu và phát xuất từ một nơi khác. Vì vậy, quyền tự nhiên đối với tư hữu sẽ là thứ yếu so với cùng đích chính và phổ quát của hàng hóa đã tạo ra (120). Thông điệp cũng nhấn mạnh một cách chuyên biệt đến vấn đề nợ nước ngoài: tùy thuộc vào khoản nợ gốc mà nó phải trả, tuy nhiên người ta hy vọng rằng điều này không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và sống còn của các nước nghèo nhất (126).

Di dân: quản trị hoàn cầu để lập kế hoạch dài hạn

Trong khi đó, một phần của chương thứ hai và toàn bộ chương thứ tư được dành cho chủ đề di dân, chương sau, tựa đề là “Một trái tim mở lòng ra với toàn thế giới”. Với cuộc sống của họ “đang lâm nguy” (37), chạy trốn chiến tranh, bách hại, thảm họa thiên nhiên, nạn buôn người vô lương tâm, bị tách khỏi cộng đồng gốc của họ, những người di cư phải được chào đón, bảo vệ, hỗ trợ và hòa nhập. Đức Thánh Cha khẳng định cần phải tránh việc di dân không cần thiết bằng cách tạo ra các cơ hội cụ thể để sống đúng phẩm giá tại các quốc gia nguyên gốc. Nhưng đồng thời, chúng ta cần tôn trọng quyền được tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở những nơi khác. Ở các nước tiếp nhận, sự cân bằng hợp lý sẽ là giữa việc bảo vệ các quyền của công dân và bảo đảm việc chào đón và hỗ trợ các di dân (38-40). Một cách chuyên biệt, Đức Giáo Hoàng chỉ rõ một số “biện pháp không thể thiếu, đặc biệt để đáp ứng những người đang chạy trốn các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng”: tăng cường và đơn giản hóa việc cấp thị thực; mở các hành lang nhân đạo; bảo đảm chỗ ở, an ninh và các dịch vụ thiết yếu; cung cấp cơ hội việc làm và huấn luyện; tạo điều kiện cho việc đoàn tụ gia đình; bảo vệ trẻ vị thành niên; bảo đảm tự do tôn giáo và cổ vũ việc hòa nhập xã hội. Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi thiết lập trong xã hội khái niệm “quyền công dân trọn vẹn”, và bác bỏ việc sử dụng có tính kỳ thị thuật ngữ “các nhóm thiểu số” (129-131). Văn kiện viết: Điều cần thiết trên hết là việc quản trị hoàn cầu, một sự hợp tác quốc tế về di dân nhằm thực hiện việc lên kế hoạch dài hạn, vượt quá những trường hợp khẩn cấp đơn lẻ (132), nhân danh việc phát triển hỗ trợ mọi dân tộc dựa trên nguyên tắc cho không (gratuitousness). Theo cách này, các quốc gia sẽ có thể nghĩ mình như “gia đình nhân loại” (139-141). Đức Phanxicô viết rằng, những người khác với chúng ta là một quà phúc và làm giầu cho mọi người, vì các sự khác biệt tượng trưng cho một cơ hội để phát triển (133-135). Một nền văn hóa lành mạnh là một nền văn hóa biết chào đón, có khả năng mở lòng ra với người khác, mà không từ bỏ bản thân, cung cấp cho họ một điều gì đó chân thực. Như trong một khối đa diện - một hình ảnh rất thân thương đối với Đức Giáo Hoàng – toàn bộ không phải chỉ là những bộ phận đơn lẻ của nó, nhưng giá trị của mỗi bộ phận đều được tôn trọng (145-146).

Chủ đề của chương thứ năm là “Một loại chính trị tốt hơn”, một loại đại diện cho một trong những hình thức bác ái có giá trị nhất vì nó được đặt để phục vụ lợi ích chung (180) và thừa nhận tầm quan trọng của con người, được hiểu như một phạm trù mở, sẵn sàng để thảo luận và đối thoại (160). Theo một nghĩa nào đó, đây là một loại chủ nghĩa dân túy do Đức Phanxicô đề xuất, ngược với thứ “chủ nghĩa dân túy” chuyên làm ngơ tính hợp pháp của khái niệm “nhân dân”, bằng cách thu hút sự đồng thuận nhằm bóc lột họ để phục vụ cho chính mình và nuôi dưỡng tính ích kỷ nhằm gia tăng sự nổi tiếng của riêng mình (159). Nhưng một nền chính trị tốt hơn cũng là một nền chính trị biết bảo vệ việc làm, một “chiều kích thiết yếu của đời sống xã hội”, và tìm cách bảo đảm để mọi người có cơ hội phát triển các khả năng của mình (162). Đức Thánh Cha giải thích, sự giúp đỡ tốt nhất cho một người nghèo không chỉ là tiền, vốn là một phương thuốc tạm thời, mà là để giúp họ có một cuộc sống xứng đáng nhờ việc làm. Chiến lược chống nghèo đói thực sự không chỉ nhằm mục đích kiềm chế hoặc làm cho người nghèo không mếch lòng, mà còn cổ vũ nơi họ viễn tượng liên đới và phụ đới (187). Hơn nữa, nhiệm vụ của chính trị là tìm ra giải pháp cho tất cả những gì đang tấn công các nhân quyền căn bản, chẳng hạn như loại trừ xã hội; buôn bán nội tạng, các tế bào, các loại vũ khí và ma túy; bóc lột tình dục; lao động nô lệ; khủng bố và tội ác có tổ chức. Đức Giáo Hoàng đưa ra lời kêu gọi thống thiết phải dứt khoát loại bỏ nạn buôn người, một “nguồn xấu hổ cho nhân loại”, và nạn đói, vốn là “tội ác” vì lương thực là “một quyền bất khả chuyển nhượng” (188-189).

Thị trường, tự nó, không thể giải quyết mọi vấn đề. Nó đòi một cuộc cải tổ Liên Hiệp Quốc

Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh nền chính trị mà chúng ta cần là nền chính trị biết nói “không” với tham nhũng, với sự thiếu hiệu năng, với việc sử dụng quyền lực một cách ác ý, với việc thiếu tôn trọng pháp luật (177). Đó là một nền chính trị tập trung vào phẩm giá con người và không chịu lệ thuộc tài chính vì “thị trường, tự nó, không thể giải quyết mọi vấn đề”: “sự tàn phá” của đầu cơ tài chính đã chứng minh điều này (168). Do đó, các phong trào bình dân đã nhận được một tính liên quan đặc biệt: như những “nhà thơ xã hội” tuôn chẩy “luồng năng lượng đạo đức” ấy, phải để họ dấn thân vào các hoạt động xã hội, chính trị và kinh tế, tuy nhiên, dưới sự phối hợp lớn lao hơn. Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng, bằng cách này, người ta sẽ có khả năng vượt quá chính sách “với” và “của” người nghèo (169). Một niềm hy vọng khác trình bầy trong Thông điệp liên quan đến việc cải tổ Liên Hiệp Quốc: trước ưu thế của chiều kích kinh tế đang vô hiệu hóa quyền lực của các quốc gia cá thể, trên thực tế, nhiệm vụ của Liên hợp quốc sẽ là cung cấp thực chất cho khái niệm “gia đình các quốc gia” hoạt động vì lợi ích chung, xóa bỏ nghèo đói và bảo vệ nhân quyền. Văn kiện của Đức Giáo Hoàng quả quyết, không mệt mỏi sử dụng “đàm phán, hòa giải và trọng tài”, Liên Hiệp Quốc phải cổ vũ sức mạnh của luật pháp hơn là luật của sức mạnh, bằng cách tạo điều kiện cho các hiệp định đa phương có khả năng bảo vệ tốt hơn ngay cả những quốc gia yếu nhất (173-175).

Từ chương thứ sáu, “Đối thoại và tình bạn trong xã hội”, còn xuất hiện khái niệm sống như “nghệ thuật gặp gỡ” với mọi người, ngay cả với các vùng ngoại vi của thế giới và với các dân tộc nguyên thủy, vì “mỗi người chúng ta đều có thể học được một điều gì đó từ những người khác. Không ai là vô dụng và không ai có thể bị hy sinh” (215). Thật vậy, đối thoại chân chính là điều giúp người ta tôn trọng quan điểm của người khác, lợi ích hợp pháp của họ và trên hết, là sự thật về phẩm giá con người. Chúng ta thấy Thông điệp viết rằng, thuyết duy tương đối không phải là một giải pháp, vì nếu không có các nguyên tắc phổ quát và các chuẩn mực đạo đức nhằm ngăn cấm điều ác nội tại, luật lệ trở thành chỉ còn là những áp đặt độc đoán (206). Từ viễn ảnh này, một vai trò đặc thù được dành cho các phương tiện truyền thông, những phương tiện trong khi không khai thác những điểm yếu của con người hay lợi dụng những điều tồi tệ nhất trong chúng ta, phải hướng đến cuộc gặp gỡ rộng lượng và sự gần gũi với những người nhỏ bé nhất, cổ vũ sự gần gũi và cảm thức gia đình nhân loại (205). Sau đó, một cách đặc biệt, Đức Giáo Hoàng nhắc đến phép lạ của “sự tốt bụng” (kindness), một thái độ cần được phục hồi vì nó là một ngôi sao “tỏa sáng giữa bóng tối” và “giải phóng chúng ta khỏi sự ác độc... sự lo lắng... sự hoạt động điên loạn” đang thịnh hành trong thời đương đại. Đức Phanxicô viết, một người tốt bụng tạo ra một cuộc sống chung lành mạnh và mở ra các nẻo đường ở những nơi mà việc gây bực tức đang đốt cháy các cây cầu (222-224).

Nghệ thuật hòa bình và tầm quan trọng của sự tha thứ

Giá trị và việc cổ vũ hòa bình được phản ảnh trong chương thứ bảy, “Những nẻo đường của cuộc gặp gỡ đổi mới”, trong đó Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng hòa bình được nối kết với sự thật, công lý và lòng thương xót. Khác xa mong muốn báo thù, nó “chủ động” và nhằm tạo ra một xã hội dựa trên việc phục vụ người khác và theo đuổi sự hòa giải và phát triển lẫn nhau (227-229). Đức Giáo Hoàng viết rằng trong một xã hội, mọi người phải cảm thấy “như ở nhà”. Vì vậy, hòa bình là một “nghệ thuật bao gồm và liên quan đến mọi người và trong đó mỗi người phải thực hiện phần việc của mình". Đức Giáo Hoàng viết tiếp: Xây dựng hòa bình là “một nỗ lực luôn có đó, một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc”, và do đó điều quan trọng là phải đặt con người, phẩm giá của họ và lợi ích chung ở trung tâm của mọi hoạt động (230-232). Tha thứ gắn liền với hòa bình: Thông điệp viết, chúng ta phải yêu thương mọi người, không trừ ai, nhưng yêu một kẻ áp bức có nghĩa là giúp họ thay đổi và không để họ tiếp tục áp bức người lân cận. Ngược lại: người chịu bất công phải mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của mình để duy trì phẩm giá của mình, vốn là một hồng phúc của Thiên Chúa (241-242). Tha thứ không có nghĩa là miễn trừng phạt, mà đúng hơn là công lý và tưởng nhớ, vì tha thứ không có nghĩa là quên đi, mà là từ bỏ sức mạnh hủy diệt của cái ác và khát vọng trả thù. Đức Giáo Hoàng khuyên: Đừng bao giờ quên những “nỗi kinh hoàng” như vụ Shoah (diệt chủng Do Thái), vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, các cuộc đàn áp và thảm sát sắc tộc. Chúng phải luôn được tưởng niệm, một lần nữa, để ta không bị gây mê và giữ cho ngọn lửa của lương tâm tập thể luôn sống động. Điều cũng quan trọng là phải nhớ đến những người tốt, và những người đã chọn sự tha thứ và tình huynh đệ (246-252).

Do đó, một phần của chương thứ bảy tập trung vào chiến tranh: Đức Phanxicô nhấn mạnh, nó không phải là “bóng ma từ quá khứ mà là một mối đe dọa thường xuyên”, và nó đại diện cho “việc phủ nhận mọi thứ quyền”, “một sự thất bại của chính trị và của nhân loại ”, và “thất bại nhức nhối trước các thế lực của cái ác” vốn nằm trong “vực thẳm ”của chúng. Hơn nữa, vì vũ khí hóa học và sinh học hạt nhân đã tấn công nhiều thường dân vô tội, ngày nay chúng ta không thể nghĩ đến khả thể diễn ra “cuộc chiến tranh chính nghĩa” như trước nữa, mà phải kịch liệt khẳng định lại: “Không bao giờ có chiến tranh nữa!” Và xét rằng chúng ta đang trải qua một "cuộc chiến tranh thế giới từng phần", vì tất cả các cuộc xung đột đều có liên hệ qua lại với nhau, việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là "một mệnh lệnh đạo đức và nhân đạo". Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng đề nghị thành lập một quỹ hoàn cầu để xóa đói bằng số tiền đầu tư vào vũ khí (255-262).

Hình phạt tử hình không thể chấp nhận được, phải được bãi bỏ

Đức Phanxicô bày tỏ quan điểm rõ ràng đối với án tử hình: nó không thể chấp nhận được và phải được bãi bỏ trên toàn thế giới, vì Đức Thánh Cha viết, “ngay một kẻ giết người cũng không đánh mất phẩm giá bản vị của họ và chính Thiên Chúa cam kết bảo đảm điều này”. Do đó, có hai lời khuyên bảo sau đây: Đừng nên coi hình phạt như có tính báo thù, mà đúng hơn như một phần của quá trình hàn gắn và tái hòa nhập xã hội, và cải thiện các điều kiện của nhà tù, tôn trọng nhân phẩm của tù nhân, và xem xét điều này “án chung thân là một hình phạt tử hình bí mật”(263-269). Người ta nhấn mạnh đến việc cần thiết phải tôn trọng “tính thánh thiêng của sự sống” (283) trong khi hiện nay “một số thành phần trong gia đình nhân loại của chúng ta, dường như, sẵn sàng có thể chịu hy sinh”, chẳng hạn như trẻ chưa sinh, người nghèo, người tàn tật và người già (18).

Bảo đảm tự do tôn giáo

Trong chương thứ tám và cuối cùng, Đức Giáo Hoàng tập trung vào “Các tôn giáo phục vụ tình huynh đệ trong thế giới của chúng ta” và một lần nữa nhấn mạnh rằng bạo lực không có cơ sở trong các xác tín tôn giáo, mà đúng hơn, trong các hình thức méo mó của chúng. Do đó, các hành vi “đáng trách”, chẳng hạn như hành động khủng bố, không phải do tôn giáo mà là do cách giải thích sai lầm các bản văn tôn giáo, cũng như “các chính sách liên quan đến đói, nghèo, bất công, áp bức”. Không được ủng hộ chủ nghĩa khủng bố bằng tiền bạc hoặc vũ khí, càng ít hơn bằng việc đưa tin của các phương tiện truyền thông, vì đó là một tội ác quốc tế chống lại an ninh và hòa bình thế giới, và như vậy phải bị lên án (282-283). Đồng thời, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng một hành trình hòa bình giữa các tôn giáo là điều có thể thực hiện được và do đó cần phải bảo đảm quyền tự do tôn giáo, một nhân quyền căn bản cho mọi tín hữu (279). Đặc biệt, Thông điệp suy tư vai trò của Giáo hội: nó tuyên bố rằng Giáo hội không “giới hạn sứ mệnh của mình vào phạm vi riêng tư”. Giáo Hội không đứng lại ở bên lề xã hội và, tuy không tham gia chính trị, nhưng Giáo Hội không từ bỏ chiều kích chính trị của chính sự sống. Thực thế, việc quan tâm đến lợi ích chung và quan tâm đến việc phát triển toàn diện con người là điều liên hệ đến toàn thể nhân loại, mà những gì là nhân bản đều có liên quan đến Giáo hội, theo các nguyên tắc Tin Mừng (276-278). Cuối cùng, trong khi nhắc nhở các nhà lãnh đạo tôn giáo về vai trò của họ như “những người trung gian chân chính”, những người xả thân để xây dựng hòa bình, Đức Phanxicô trích dẫn “Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Chung sống”, mà ngài đã ký vào ngày 4 tháng 2 năm 2019 tại Abu Dhabi, cùng với Đại Imam của Al-Azhar, Ahmad Al-Tayyib: từ cột mốc đối thoại liên tôn đó, Đức Giáo Hoàng quay trở lại với lời kêu gọi rằng, nhân danh tình huynh đệ nhân bản, đối thoại phải được tiếp nhận như một con đường, hợp tác chung như cách ứng xử và hiểu biết lẫn nhau như phương pháp và tiêu chuẩn (285).



Chân phước Charles de Foucauld, “người anh em phổ quát”

Thông điệp kết thúc bằng việc tưởng nhớ Martin Luther King, Desmond Tutu, Mahatma Gandhi và trên hết là Chân phước Charles de Foucauld, một hình mẫu cho mọi người về ý nghĩa của việc đồng nhất hóa với những người nhỏ bé nhất để trở thành “người anh em phổ quát” (286-287). Những dòng cuối cùng của Văn kiện được dành cho hai lời cầu nguyện: một lời “dâng lên Đấng Tạo Hóa” và lời kia là “Lời cầu nguyện đại kết Kitô giáo ”, để trái tim nhân loại nuôi dưỡng“ tinh thần huynh đệ”.