1. Đức Thánh Cha gây ngạc nhiên cho một linh mục cầm cờ Li Băng khi gọi ngài đến micrô

“Chúng tôi cần một phép màu để thay đổi trái tim chai đá của những người cai trị Li Băng, ” Cha Georges Breidi, một linh mục Công Giáo nghi lễ Maronite, nói với tờ I MEDIA hôm 2 tháng 9. Ngài là vị linh mục ôm một lá cờ Li Băng lớn mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi đến bên cạnh ngài trong buổi tiếp kiến chung khi ngài tuyên bố rằng Thứ Sáu, ngày 4 tháng 9, sẽ là ngày thế giới cầu nguyện và ăn chay cho Li Băng.

Cha Breidi là thành viên của Giáo đoàn Truyền giáo của Công Giáo nghi lễ Maronite Li Băng. Cùng với khoảng 500 khách hành hương khác, ngài đã có thể tham dự buổi tiếp kiến chung đầu tiên được tổ chức trước công chúng kể từ khi Ý bắt đầu tình trạng cô lập từ ngày 8 tháng Ba.

Cha Breidi là sinh viên đang du học ở Rome trong bốn năm; ngài không thể ngờ được cảnh tượng đó sẽ xảy ra. Biết rằng vị Giáo Hoàng người Á Căn Đình quan tâm đặc biệt đến tình hình ở đất nước mình, ngài đã đến với cuộc triều yết này cùng với một lá cờ. “Tôi gần như chắc chắn rằng Đức Thánh Cha sẽ chúc phúc cho nó, ” Cha Breidi nói. Đức Thánh Cha thực sự đã hôn lá cờ khi ngài đến, nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó. Vào cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã bất ngờ kêu vị linh mục trẻ đến bên cạnh, trong khi ngài đưa ra một lời thỉnh cầu dài liên quan đến Li Băng.

“Tôi hy vọng rằng thông điệp của Đức Thánh Cha có thể thay đổi điều gì đó; nhưng thật sự chúng tôi cần một phép màu để thay đổi trái tim chai đá của những người điều hành đất nước, những chính trị gia của chúng tôi, những người đã đưa đất nước ra đến nông nỗi này vì tham nhũng, ” Cha Breidi nói với tờ I MEDIA sau buổi tiếp kiến.

“Trong hơn 100 năm, Li Băng là quốc gia giàu có ở Trung Đông, là Thụy Sĩ của khu vực, nhưng ngày nay chúng tôi đang phải đối mặt với một thảm họa lớn. Tôi hy vọng rằng thông điệp của Đức Thánh Cha có thể thay đổi trái tim của nhiều người để hòa bình lại đến với chúng tôi.”

Cha Breidi bày tỏ hy vọng về chuyến viếng thăm Li Băng sắp tới của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, vào ngày 4 tháng 9, trong Ngày Ăn chay và Cầu nguyện. Chuyến viếng thăm này cũng được Đức Thánh Cha công bố trong buổi tiếp kiến chung.

“Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thăm đất nước chúng tôi một ngày sau khi vụ nổ kinh hoàng xảy ra. Thủ tướng Ý sẽ thăm Li Băng vào tuần tới. Tôi hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y thay mặt cho Vatican có thể giúp tăng cường những hỗ trợ dành cho Li Băng.”

Trong lời cầu xin dành riêng cho Lebanon, trong khi một tay cầm lá cờ của linh mục Maronite, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của đất nước “cam kết chân thành và cởi mở với công việc tái thiết, gạt bỏ mọi lợi ích đảng phái và hướng tới lợi ích chung và tương lai của dân tộc.”

Sau những lời này, Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn cầu nguyện trong im lặng. Sau đó, ngài ra hiệu cho vị linh mục Li Băng nói vài lời.

Cha Breidi nói:

“Cảm ơn, Đức Thánh Cha. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của các bạn và sự hỗ trợ của Giáo hội hoàn vũ. Chúng tôi đang chờ các bạn chúc phúc cho vùng đất thân yêu của chúng tôi.”

Ngài giải thích cho cộng đoàn rằng khoảng 300, 000 Kitô hữu đã nộp đơn xin di cư vì cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị mà đất nước này đang trải qua. Khi dứt lời, ngài quay sang Đức Giáo Hoàng cám ơn, Đức Thánh Cha đã ôm ngài một lúc giữa tràng pháo tay của cộng đoàn trong Sân San Damaso.


Source:Aleteia

2. Đại dịch coronavirus đã đẩy nhanh quá trình tục hóa đến 10 năm, một vị Hồng Y cảnh báo

Trái với tiên đoán lạc quan của nhiều người cho rằng đại dịch coronavirus kinh hoàng đã mở mắt cho nhiều người thấy những giới hạn nhân sinh mong manh, và thúc đẩy ơn hoán cải; và do đó thế giới sẽ tốt hơn, đạo thánh Chúa sẽ khởi sắc hơn. Chẳng may, các tiên đoán lạc quan ấy đã không xảy ra. Ngay khi đại dịch kinh hoàng này vẫn còn đang tiếp diễn ở nhiều quốc gia, chúng ta phải chứng kiến một tình trạng bạo lực đi kèm với một thái độ bài Kitô Giáo quyết liệt chưa từng có.

Một vị Hồng Y nhận định rằng đại dịch coronavirus có thể đã đẩy nhanh quá trình tục hóa tại Âu châu nhanh hơn 10 năm; và chúng ta phải đối diện với thực tế này với lòng khiêm nhường, trong khi điều chỉnh một cách sáng suốt các chương trình mục vụ và tân Phúc Âm Hóa.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Quan Sát Viên Rôma ngày 2 tháng 9, Hồng Y Jean-Claude Hollerich cho biết ngài tin rằng số lượng người Công Giáo đến nhà thờ sẽ giảm sau COVID-19.

Khi được hỏi liệu Giáo hội ở Âu châu sẽ mạnh lên hay yếu đi sau đại dịch, ngài nói: “Tôi nghĩ về đất nước của mình: chúng tôi sẽ bị giảm bớt số lượng. Bởi vì có những người không đến tham dự Thánh lễ nữa, đặc biệt những người chỉ đến nhà thờ vì lý do văn hóa, những người mà người ta gọi là ‘người Công Giáo văn hóa’, hữu khuynh hay tả khuynh, không còn đến nhà thờ nữa. Họ đã thấy rằng cuộc sống rất thoải mái. Họ có thể sống rất tốt mà không cần phải đến nhà thờ. Ngay cả những buổi Rước Lễ Lần Đầu, giáo lý cho trẻ em, tất cả những điều này sẽ giảm về số lượng. Tôi gần như dám chắc chắn về những điều ấy.”

“Nhưng đó không phải là một lời phàn nàn về phần tôi. Chúng ta đã có quá trình này ngay cả khi không có đại dịch. Có lẽ đại dịch này đã lấy mất thêm của chúng ta 10 năm nữa. Nó đẩy nhanh tiến trình này.”

Stephen Bullivant, giáo sư thần học và xã hội học tôn giáo tại Đại học St. Mary, Twickenham, ở Anh, lưu ý rằng ông đã đưa ra quan điểm tương tự với Đức Hồng Y Hollerich trong cuốn sách điện tử gần đây của mình “Đạo Công Giáo trong Thời đại Coronavirus”

“Ít nhất là về số người tham dự nhà thờ, chúng ta gần như chắc chắn sẽ thấy một ‘bước nhảy vọt về phía trước’ theo xu hướng giảm đã có từ lâu, ” anh nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA. “Nhiều giáo phận đã đưa ra dự báo trong những năm trước như ‘nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, chúng ta sẽ có X số linh mục hoạt động tích cực cho Y số lượng người tham dự thánh lễ vào năm 2040’, hoặc tương tự như thế. Họ sẽ phải sửa những con số thống kê bi đát đó sớm hơn như thế.”

“10 năm hay không, tôi không biết - nhưng con số 10 năm không phải vô lý đâu.”

Đức Hồng Y Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg và là chủ tịch của Ủy ban Liên Hội đồng Giám mục Âu Châu, gọi tắt là COMECE, nói rằng Giáo hội ở Âu Châu cần phải đối phó với tình trạng suy yếu của mình bằng sự khiêm tốn.

Ngài nói: “Tại thời điểm này, Giáo hội phải được truyền cảm hứng từ một sự khiêm nhường cho phép chúng ta tổ chức lại bản thân tốt hơn, trở thành Kitô hữu hơn, bởi vì nếu không thì nền văn hóa Kitô giáo này, nền văn hóa Công Giáo độc đáo này, không thể tồn tại theo thời gian, nó không có sức sống đằng sau nó.”

Ngài nhấn mạnh rằng: “Tôi nghĩ đó là một cơ hội tuyệt vời cho Giáo hội. Chúng ta phải hiểu những gì đang bị đe dọa, chúng ta phải phản ứng và đưa ra những cơ cấu truyền giáo mới. Và khi tôi nói những người truyền giáo, tôi muốn nói đến cả hành động và lời nói. Tôi cũng nghĩ rằng trong thế giới sau đại dịch, phương Tây, Hoa Kỳ và Âu Châu, sẽ yếu hơn trước, bởi vì sự gia tốc do virus mang lại sẽ làm cho các nền kinh tế khác, các quốc gia khác, phát triển.”

“Nhưng chúng ta phải nhìn nhận điều này với chủ nghĩa hiện thực, chúng ta phải từ bỏ chủ nghĩa Âu Châu hiện hữu trong suy nghĩ của mình và với sự khiêm tốn tuyệt vời, chúng ta phải làm việc với các quốc gia khác vì tương lai của nhân loại, để có được một thế giới công bằng hơn.”

Các thánh lễ công cộng đã bị đình chỉ trên khắp Âu châu trong vài tháng để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Trong khi các buổi lễ công cộng đã tiếp tục trở lại, đã có những bằng chứng cho thấy việc tham dự đã giảm hẳn so với trước khi xảy ra khủng hoảng.

Ở một số quốc gia, đã có những giới hạn nghiêm ngặt về số lượng người Công Giáo được phép tham dự Thánh lễ do lo ngại về việc lây truyền virus.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Âu Châu, đã có 2, 304,846 trường hợp nhiễm COVID-19 được báo cáo tại Liên minh Âu Châu và Vương quốc Anh tính đến ngày 4 tháng 9, với 182, 358 trường hợp tử vong.

Đức Hồng Y Hollerich, một tu sĩ Dòng Tên, được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Luxembourg vào năm 2011. Ngài nhận chiếc mũ đỏ vào ngày 5 tháng 10 năm 2019, và trở thành Hồng Y đầu tiên của Luxembourg, hay còn gọi là Lục Xâm Bảo, quốc gia chỉ có 626, 000 người.


Source:Catholic News Agency

3. Các Giám Mục New York phản đối thống đốc Cuomo cắt giảm trợ cấp cho người nghèo

Thống đốc Andrew Cuomo là người thường xuyên chỉ trích tổng thống Trump. Ông ta họp báo gần như hàng ngày, đôi khi ngày Chúa Nhật cũng mở các cuộc họp báo để chỉ trích Tổng thống Trump và bào chữa cho tình trạng đối phó thê thảm của tiểu bang đối với đại dịch coronavirus.

Nhóm người thứ hai Andrew Cuomo thường xuyên xung đột là các Giám Mục trong tiểu bang New York, đặc biệt là Đức Hồng Y Timothy Dolan. Andrew Cuomo là một người Công Giáo nhưng theo đường hướng của đảng Dân Chủ là phò phá thai. Đó là lý do chính dẫn đến các xung đột với hàng giáo phẩm Công Giáo.

Trong những ngày gần đây lại nổi lên một lý do xung đột thứ hai là việc cắt giảm ngân sách cho người nghèo. Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm 3 tháng 9, các giám mục của New York đã lên tiếng kích liệt phản đối đề xuất cắt giảm ngân sách của tiểu bang New York, kêu gọi Thống đốc Andrew Cuomo đừng tạo thêm gánh nặng cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương đã quá khốn đốn vì đại dịch coronavirus.

“Khi thống đốc xem xét các bước cần thiết để khôi phục tình trạng ổn định tài chính của tiểu bang chúng ta, các giám mục của New York đưa ra những lời cầu nguyện xin ơn khôn ngoan cho ông, đồng thời lời nhắc nhở rằng tiểu bang không bao giờ có thể cân bằng ngân sách trên lưng người nghèo và dễ bị tổn thương, ” tuyên bố từ Hội Đồng Giám Mục Công Giáo New York được công bố vào Thứ Năm, 3 Tháng Chín, viết.

Các báo cáo trên các phương tiện truyền thông cho thấy tiểu bang đang xem xét việc cắt giảm 20% ngân sách cho mọi bộ phận trong bang để bù đắp cho khoản thiếu hụt ngân sách của mình.

Mặc dù những cắt giảm này là “có thể hiểu được”, và có vẻ như là một đối xử bình đẳng đối với tất cả các bộ phận, các giám mục tuyên bố, “chúng ta phải ghi nhớ rằng đối với hàng trăm nghìn người New York dễ bị tổn thương, những người phụ thuộc vào các tổ chức cung cấp dịch vụ nhân sinh phi lợi nhuận được nhà nước tài trợ, công bằng xã hội đã loại trừ họ và bao đời nay vẫn loại trừ họ.”

“Chúng ta không được quay lưng lại với phụ nữ chạy trốn bạo lực gia đình, những người nhập cư tìm kiếm các trợ cấp hợp pháp, những người khuyết tật về thể chất hoặc chậm phát triển, những người già yếu, những bà mẹ đơn thân đang gặp khó khăn và con nhỏ của họ, những gia đình vô gia cư, những người mất việc làm và không có đủ thức ăn để đặt trên bàn, những người bị nghiện hay bệnh tâm thần, những nạn nhân bị lạm dụng tình dục, những người phạm tội đang tái hòa nhập với xã hội, hoặc nhiều người dân New York khác, những người cần nhất sự ủng hộ của chúng ta, ” tuyên bố nói.

Trong khi các tổ chức bác ái Công Giáo vẫn có thể tiếp tục quan tâm đến một số người khó khăn trong tiểu bang, các giám mục nói rằng những thách thức là “lớn hơn bao giờ hết” với nhu cầu tăng lên và khả năng quyên góp giảm mạnh do nền kinh tế suy sụp và các đóng góp từ các giáo xứ hầu như không còn vì bị đóng cửa do coronavirus.

Các giám mục của tiểu bang cũng lưu ý rằng Hiến pháp New York chỉ rõ rằng “viện trợ, chăm sóc và hỗ trợ người nghèo là mối quan tâm của cộng đồng và sẽ được cung cấp bởi tiểu bang” và chỉ ra rằng, theo lời thúc giục của Thống đốc Andrew Cuomo, tiểu bang đã thêm cụm từ “E pluribus unum” – nghĩa là “Tuy nhiều, nhưng là một” trên lá cờ tiểu bang trong năm qua.

Các Giám Mục cũng chỉ ra rằng Cuomo đang phải đối mặt với một “thực tế không thể tránh khỏi” khi đề cập đến việc giữ an ninh cho người dân New York và đối phó với tình trạng thiếu hụt ngân sách, nhưng nên “nhớ tình đoàn kết phải bao gồm những anh chị em dễ bị tổn thương nhất của chúng ta” khi quyết định cắt giảm ngân sách.

New York là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới trong đại dịch COVID-19. Vào thời điểm cao điểm của đại dịch, hơn một nghìn người mỗi ngày phải chống chọi với căn bệnh này chỉ riêng ở thành phố New York.

Do thiếu các bệnh viện, Cuomo đã có lúc ra lệnh cho các viện dưỡng lão phải tiếp nhận các bệnh nhân coronavirus. Chính sách này gây thương vong kinh hoàng. Các số liệu thương vong của nhà nước đã bị tranh cãi, với một số ý kiến cho rằng con số tử vong thực sự trong các viện dưỡng lão có thể đã bị che dấu.


Source:Catholic News Agency

4. Hãy bảo vệ gia đình bạn bằng lời cầu nguyện này với các vị Tổng lãnh thiên thần

Hồi tháng Ba và tháng Tư khi đại dịch coronavirus đang diễn ra một cách kinh hoàng, nhiều người bày tỏ hy vọng rằng đại dịch này sẽ mở mắt ra cho nhiều người. Chẳng may, ngay trong khi tình trạng dịch bệnh vẫn còn hết sức đáng lo ngại, bạo động nổ ra tại nhiều nơi trên thế giới, đi kèm với các hình thức bất khoan dung và bách hại tôn giáo. Các vụ đập phá ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ, và các thánh diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này ít nhất đã có 2, 000 Kitô hữu bị thảm sát tại Nigeria từ đầu năm đến nay.

Trong bối cảnh đó, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường đưa ra lời kêu gọi chúng ta hãy cầu nguyện cùng các Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael bao quanh gia đình chúng ta với sự bảo vệ từ trời cao của các ngài.

Chúa tạo ra các thiên thần để bảo vệ và hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống này. Dù chúng ta không nhìn thấy các ngài bằng mắt thường, các ngài vẫn bao quanh chúng ta và bảo vệ chúng ta khỏi nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Đây là lời cầu nguyện đến các vị Tổng lãnh thiên thần trong Sách Cầu nguyện, để cầu xin các ngài bảo vệ gia đình chúng ta khỏi mọi tổn hại, dù là vật chất hay tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc Chí Thánh của chúng con, chúng con xin Chúa ban phước cho ngôi nhà, và cho gia đình chúng con. Xin bảo vệ chúng con khỏi mọi điều ác.

Lạy Thánh Thiên Thần Michael, hãy bảo vệ chúng con chống lại tất cả những kẻ xấu xa của địa ngục.

Lạy Thánh Thiên Thần Gabriel, xin hãy ban cho chúng con ơn khôn ngoan để chúng con có thể hiểu được thánh ý của Đức Chúa Trời.

Lạy Thánh Thiên Thần Raphael, xin bảo vệ chúng con khỏi mọi bệnh tật và mọi nguy hiểm đến tính mạng.

Lạy các Thánh thiên thần hộ mệnh, xin gìn giữ chúng con ngày và đêm trên con đường cứu rỗi. Amen.


Source:Aleteia