Cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ đang ở thời kỳ quyết liệt với cái mốc chỉ còn 60 ngày nữa, hiện tượng ‘bình thường mới’ là các cơ quan truyền thông trong vòng 2 tháng tới sẽ ồn ào với các cảnh vận động lôi kéo cử tri, với những luận điệu tuyên truyền ‘quá đáng’, hoặc với những lời sỉ vả ‘quá lời’...

Trong cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ, chúng ta cũng thấy một sự ráo riết vận động cho ứng cử viên Trump, tuy rằng ông này không có ơn nghĩa đặc biệt nào với riêng cộng đồng người Việt, nhưng ông đã không gây ra một ‘oán hận’ như trường hợp ông Biden, là dẫn đầu việc chống đối quyết liệt không ủng hộ người Việt Nam vào tị nạn trong những năm 1975.

Căn bản bầu cử ở Hoa Kỳ là bảo vệ quyền lợi cho mình, xa hơn là cho cộng đồng và dân tộc cuả mình, cho nên việc các cơ quan ngôn luận người Việt ồn ào tranh đấu cho ứng cử viên Trump thì cũng không đi ra ngoài cái lý ‘dĩ nhiên’ thông thường đó.

Trong bài này chúng tôi xin đưa ra vài lý do mà ông Trump có thể tái đắc cử, mà lại đắc cử một cách dễ dàng hơn năm 2016.

COVID-19 và kinh tế

Chúng ta đều biết rằng kể từ đầu năm 2020 cho đến nay thì sự ủng hộ cuả dân chúng dành cho ông Trump đã sút giảm đi nhiều. Sự lúng túng đương đầu với đại dịch COVID-19 và tiếp theo là hậu quả suy thoái kinh tế, dù cho cả hai việc đều không phải do lỗi cuả ông, nhưng vì ông là người đứng mũi chịu sào, cho nên địch thủ là ông Biden, dù chẳng làm gì trong suốt thời gian trên nhưng vẫn đương nhiên thêm được hơn 10 điểm.

Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy biểu đồ cuả một biến cố thì sau lúc nóng bỏng ban đầu, đường biểu diễn được san bằng trở lại, và sự cân bình sẽ được tái lập theo thời gian. Biến cố COVID-19 đã kéo dài quá lâu và đang có dấu hiệu được giải quyết, nền kinh tế cũng phục hồi và giá cổ phiếu đã trở nên ‘nóng bỏng’ còn hơn trước nữa, mỗi khi có một tin tức ‘tốt’ cho ông Trump. Điều đó chứng tỏ dân chúng tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế với ông Trump hơn là với ông Biden.

So sánh kết quả cuả việc đương đầu với COVID-19 giữa các quốc gia dân chủ tiền tiến trên thế giới thì Hoa Kỳ nằm ở hạng trên mức trung bình, nghiã là sự lãnh đạo cuả ông Trump trước biến cố này không phải là tệ. So sánh kết quả cuả COVID-19 ở trong nước Mỹ giữa các tiểu bang ‘Cộng Hoà’ và “Dân Chủ’, thì các tiểu bang dưới sự lãnh đạo cuả đảng Dân Chủ có nhiều thương vong, nhiều hơn các tiểu bang Cộng Hoà một cách đáng kể, chứng tỏ chính sách cuả Công Hoà thì hữu hiệu hơn.

BLM và các vụ đốt phá.

Một biến cố có tính cách chủng tộc xảy ra ngày 25 tháng 5 đã là một cơ hội bằng vàng cho đảng Dân Chủ. Vào ngày ấy một người Mỹ Da Đen là ông George Floyd đã bị một cảnh sát viên Da Trắng dùng đầu gối chẹn họng trong một cuộc bắt giữ và ông ta đã chết sau đó. Những cuộc biểu tình đã lan ra khắp nơi kể cả ở ngoài Hoa Kỳ, và đồng thời các tổ chức quá khích thiên tả cũng lợi dụng gây hỗn loạn, đốt phá, cản đường xá, chiếm khu phố.

Đảng Dân Chủ và nhóm truyền thông cánh tả đã khuyến khích sự hỗn loạn ấy để chứng tỏ rằng chính quyền cuả ông Trump bất lực, nhưng đó là một ‘con dao hai lưỡi’ đang quay lại làm tổn thương họ, vì giống như biến cố COVID-19, thời gian kéo dài quá lâu làm mất đi cái nhuệ khí ban đầu và đang phơi bày ra những yếu kém bất cập.

Một hậu quả hiển nhiên mà mọi người thấy được là ở đâu mà vị thị trưởng là Dân Chủ thì ở đó hỗn loạn cướp bóc và đốt phá kéo dài mãi. Chúng ta biết rằng ngoại trừ vị thị trưởng đó hay vị thống đốc cuả Tiểu Bang lên tiếng xin Liên Bang hổ trợ thì việc ‘nội trị’ là trách nhiệm cuả địa phương, ông Trump không thể can thiệp nếu không có sự yêu cầu hoặc lý do ‘có biến loạn’ được quốc hội cho phép.

Người ta, kể cả các tổ chức tôn giáo, đã bắt đầu kêu gọi phải có tinh thần ‘thượng tôn luật pháp’ và cần ‘tái lập trật tự’, là điều mà ông Trump chủ trương, trong khi đó thì đảng Dân Chủ đang lúng túng vì không giám kết án sự hỗn loạn mà họ đã lỡ ủng hộ, và họ đang thất bại, nói đúng ra là không nêu ra được một chương trình nào để đối phó với tình hình hiện tại.

Ngoại trừ có một biến cố mới ngoạn mục, xảy ra trong khoảng giữa tháng 10, làm cho cuộc bầu cử tháng 11 trở thành ‘điên rồ’, thì các vụ hỗn loạn kéo dài này sẽ là một vết thương rỉ máu cuả đảng Dân Chủ.

Số tiểu bang ‘xôi đậu’ quá lớn

Khác với cuộc bầu cử 2016, cuộc bầu cử năm nay có một số tiểu bang thường được gọi là vùng giới tuyến (battlegrounds) quá lớn. Nói cách khác ông Biden phải vận động trên 21 tiểu bang để giữ được lợi thế như bây giờ, trong khi đó ông Trump cần vận động trên 18 tiểu bang để lật ngược thế cờ. So với năm 2016 vào thời diểm này chỉ có 13 tiểu bang gọi là battlegrounds mà thôi.

Sở dĩ chúng ta lưu tâm đến các tiểu bang battlegrounds là vì hiện nay, nếu chỉ nhờ vào các tiểu bang ‘ăn chắc’ mà thôi, thì cả hai ứng viên không ai có đủ phiếu ‘cử tri đoàn’ (CTĐ) để trúng cử cả.

Lúc này ông Biden đang dẫn đầu với 212 phiếu CTĐ so với ông Trump là 115 phiếu CTĐ. Cần có 270 phiếu CTĐ để thắng cử.

Năm 2016 vào khoảng thời gian này, bà Clinton đã có gần 270 phiếu và ông Trump chỉ mới có 191 phiếu mà thôi, ấy thế mà trong vòng hơn 1 tháng trời, cuộc diện đã thay đổi hoàn toàn, lý do là bà Clinton đã phạm phải một lỗi lầm là không đi tranh cử ở một vài tiểu bang battlegrounds ở miền bắc.

So với vị thế cuả bà Clinton 4 năm trước, vị thế cuả ông Biden thua kém hơn và một số tiểu bang battlegrounds lại đang gặp khó khăn vì những vụ bạo động (thí dụ Wisconsin.)

Việc con số battlegrounds lớn nghiã là việc tiên đoán sẽ khó khăn hơn, nhưng quan trọng hơn, nó có nghiã là sự chi tiêu cho cuộc tranh cử phải cao hơn, điều này có nghiã là ứng viên nào vận động được nhiều tiền thì có lợi thế, mà nói đến tiền thì chúng ta đều biết rằng ông Trump là một tay ‘sành sõi’ về thứ ấy.

Nguyên tắc cử tri đoàn và sách lược tranh cử.

Chúng tôi vừa đề cập đến khái niệm Cử Tri Đoàn (CTĐ), chúng tôi xin đề cập thêm về khái niệm ấy như sau;

Ở các quốc gia khác thì việc đắc cử chức vụ tổng thống thường là do đa số cử tri bầu cho. Nhưng tại Mỹ, mỗi tiểu bang sẽ cử ra một số đại biểu goị là 'cử tri đoàn' (electoral college) để thay mặt dân mà bầu tổng thống. Mỗi tiểu bang sẽ cử ra một số đại biểu tương đương với số ghế mà họ có trong hạ viện cộng với 2 ghế thượng nghị sĩ, nói cách khác các tiểu bang sẽ cử ra một số tương đương với số dân biểu và nghị sĩ mà họ có.

Như vậy thì cử tri đoàn là đại diện cho dân số, theo thống kê năm 2010, trung bình 711 ngàn người là một đơn vị dân cử, thí dụ Tiểu Bang Wyoming có 600 ngàn dân nên có 1 dân biểu, và vì là tiểu bang nên có 2 ghế nghị sĩ, như vậy họ sẽ được cử ra 3 đại biểu CTĐ. Cũng vậy California có khoảng 40 triệu dân, họ sẽ cử ra 55 đại biểu CTĐ.

Thường thì hễ ai thắng phiếu nhiều hơn ở một tiểu bang, dù chỉ là 1 phiếu, thì lấy trọn cử tri đoàn cuả tiểu bang ấy, điều mà người ta gọi là qui luật ‘người thắng lấy cả’ (winner take all.) Riêng hai tiểu bang Nebraska (NE, 5 CTĐ) và Massachusetts (ME, 4 CTĐ) thì họ chia theo tỷ lệ.

Nhưng vì có qui tắc ‘người thắng lấy cả’ như vậy nên sẽ có trường hợp một người tuy thắng phiếu dân bầu (popular vote) nhưng vẫn bị thất cử vì thua phiếu cử tri đoàn (electoral vote.) Lấy giả thử California là một tiểu bang Dân Chủ và đang có 15 triệu cử tri (dân số tuy là 40 triệu nhưng chỉ có 15 triệu có đủ điều kiện trên 18 tuổi và có ghi danh đi bầu) và Texas theo Cộng Hoà có 11 triệu cử tri (trong số 27 triệu dân), bây giờ ông Biden thắng ở Cali với 8 triệu cử tri so với ông Trump 7 triệu, và ông Trump thắng ở Texas với 11 triệu phiếu so với ông Biden không có phiếu nào (thí dụ thôi nhé), vậy thì ông Biden sẽ thắng vì ông ấy có 55 CTĐ so với ông Trump chỉ có 38 CTĐ. Nhưng như vậy nếu tính về số phiếu bầu thì ông Trump được nhiều hơn vì 11 triệu ở Texas cộng với 7 triệu ở Cali là 18 triệu, hơn hẳn số 8 triệu cuả ông Biden rất nhiều.

Cho nên trọng tâm của cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vẫn là ở cấp tiểu bang chứ không phải là việc tìm phiếu trên toàn quốc. Vì vậy chúng ta sẽ không nên ngạc nhiên khi thấy nhiệt độ cuả cuộc tranh cử có thể nóng lên ở một nơi nhưng lại nguội tanh ở bên cạnh. Thí dụ nhiệt độ sẽ lên rất cao ở Tiểu Bang Nevada (8 Ctd) hay Oregon (7 Ctd) nhưng sẽ bình lặng 'như tờ’ ở California (55 Ctd), ngoại trừ khi nào có vận động quyên tiền mà thôi.

Sở dĩ như vậy là vì California từng là một tiểu bang 'ăn chắc' cuả đảng Dân Chủ, đã nhiều đời không hề bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống cuả Cộng Hoà, cho nên phe Cộng Hoà không muốn phí tiền tranh cử ở đây, và phe Dân Chủ cũng chẳng cần tranh cử làm gì.

Viết đến đây chúng tôi chạnh nghĩ rằng, việc chúng ta đang chứng kiến những tranh cãi sôi nổi giữa những người Việt ở bên Cali, ngoại trừ trường hợp vì ‘phát huy lý tưởng’ hay quyền lợi cấp địa phương, còn nếu chỉ là để dồn phiếu cho ông Trump mà thôi, thì việc ‘đấm đá lẫn nhau’ sẽ không mang lại lợi ích nào cả. Hãy đưa các nỗ lực ấy qua Texas, Florida, Georgia, Virginia, Pennsylvania (là những nơi có số cử tri người Việt đáng kể) thì hơn.

Vấn đề theo dõi tranh cử

Trong các cuộc bầu cử trước chúng tôi đều có đưa lên những bàn đồ CTĐ để cho quí độc giả theo dõi cuộc tranh cử, năm nay cũng vậy, chúng tôi chọn bản đồ cuả tổ chức RealClearPolitics để làm minh hoạ.

Lý do là bản đồ cuả họ đơn sơ dễ hiểu. Họ không tổ chức thăm dò ý kiến mà chỉ tóm lược kết quả cuả mọi cơ quan khác. Đó cũng là điều mà chúng tôi muốn có.

Năm nay biểu đồ cuả họ chia các tiểu bang ra thành 7 hạng như sau:
1- Thứ nhất là những tiểu bang ‘xôi đậu’ (Tossups) có nghiã là chưa thể định rõ họ bỏ phiếu cho phe nào. Có 15 TB như vậy được sơn màu xám là NV, AZ, NE, TX, MN, IA, MO, MI, WI, OH, GA, FL, PA, NC, NH.
2- Đảng Dân Chủ có 3 hạng đều sơn màu xanh, càng đậm thì có nghiã là càng ăn chắc. Thứ hạng như sau: Democrats (chắc ăn, ) Democrat Likely (nhiều hy vọng, ) và Democrat Lean (ít hy vọng), Ít hy vọng là những tiểu bang OR, CO, NM, VA, ME, CT.
3- Đảng Công Hoà có 3 hạng đều sơn màu đỏ, càng đậm thì có nghiã là càng ăn chắc. Thứ hạng như sau: Repubican (chắc ăn, ) Repubican Likely (nhiều hy vọng, ) và Repubican Lean (ít hy vọng), Ít hy vọng là những tiểu bang MT, IN, SC.

Con số Battlegrounds được nói ở phần trên là số tổng cộng cuả các tiểu bang Tossups (xôi đậu) và Lean (ít hy vọng.)

Tuy nhiên chúng ta đều biết là từ năm 2016 thì các việc thăm dò ý kiến đã không còn đáng tin cậy nữa, sự kiện ông Trump thắng cử ngược với tất cả các kết quả thăm dò chứng tỏ rằng mọi thăm dò đã thất bại lớn lao. Từ đó cho đến nay ngưởi ta vẫn dùng các tiêu chuẩn cũ, có nghiã là vẫn sai. Và vì thế mà tuy dùng biểu đồ cuả một tổ chức phi đảng phái, chúng tôi vẫn nghĩ rằng không thể sử dụng biểu đồ ấy mà suy đoán tương lai một cách chắc chắn.

Tiêu chuẩn suy đoán mới

Mới đây nhất, ngày hôm qua, ông Michael More, một nhà đạo diễn không mặn mà gì với ông Trump cho lắm, mới đưa ra một nhận định mà chúng tôi thấy có ý nghĩa, đó là việc các cuộc thăm dò đã bỏ qua một chi tiết rất quan trọng, đó là cái đà cuả xã hội. Nói một cách nôm na thì khi một xã hội đã xoay chiều đi theo một hướng khác thì nó sẽ đi tiếp xa hơn. Nhận định về cái đà cuả ông Trump, Michael More tiên đoán ông ta sẽ thắng cử. Được biết ông More là người duy nhất trong năm 2016 đã tiên đoán đúng sự thắng lợi cuả ông Trump.

Chúng tôi thấy có ý nghiã vì, một xã hội lớn ví như một chiếc tầu lớn, cần một vòng tròn lớn để đổi hướng chứ không thể quay ngoặt như một chiếc thuyền nan được. Vậy thì khi cái đà xã hội đã bắt đầu xoay chuyển, nó sẽ tiếp tục như thế một chặng đường dài.

Nhìn vào hai đường biểu thị về thế lợi cuả ông Biden và cuả bà Clinton đối với ông Trump, chúng ta thấy rằng thế lợi ấy đang xuống dốc, tuy vẫn còn ở trên độ “0” nhưng xuống và không có dấu hiệu nào sẽ ngưng lại trước ngày bầu cử. Vào thời điểm ngày 30 tháng 8 năm 2016, thế lợi cuả bà Clinton là +4.3, xuống từ mức cao +7.6 ngày 9/8. Còn thế lợi bây giờ (30/8/2020) cuả ông Biden là +6.9, xuống từ mức cao +10.2 ngày 24/6.

Đây chỉ là một chặng cuả một cuộc chạy đua đang hồi gay cấn và nhiều bất ngờ, và vì thế mà chúng tôi sẽ phải trở lại mỗi khi có thêm những thông tin hữu ích. Vậy xin hẹn được gặp lại quí độc giả lần sau.