Ngày nay, khi nói đến từ “gia trưởng”, người ta thường nghĩ ngay đến một người đàn ông độc đoán, cứng nhắc, kiêu ngạo, áp đặt ý chí của mình lên người khác! Thật ra bản thân “gia trưởng” chỉ có nghĩa là người chủ gia đình.
Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có yên ấm hạnh phúc thì xã hội mới ổn định, đất nước mới hưng thịnh. Ngược lại, gia đình lục đục khiến xã hội rối ren, đất nước chậm phát triển.
Con người không thể sống cô độc, nhưng cần thiết phải biết nương tựa vào nhau. Khi chung sống quây quần bên nhau, cần có người đứng đầu, lãnh đạo. Gia đình cũng thế, trong lịch sử có những bộ tộc, dân tộc theo chế độ mẫu hệ dành vị trí này cho người phụ nữ. Nhưng thông thường – cũng như trong gia đình truyền thống Việt Nam - vị trí quan trọng này được dành cho người đàn ông, người cha trong gia đình.
Tùy theo nhận thức, trình độ học vấn, quan hệ xã hội … mà người gia trưởng khi điều hành gia đình được (hoặc bị) đánh giá tốt hoặc xấu. Quan niệm “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đều bắt nguồn từ việc “tu thân”, nghĩa là việc tu dưỡng đạo đức. Nhiều gia trưởng quá say mê trong việc hành xử quyền gia trưởng, quên việc tu thân nên đã vô tình tạo tiếng xấu cho từ “gia trưởng”.
Nhưng tu thân như thế nào thi tùy theo quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng cũng như nhiều lãnh vực khác nhau. Đối với các gia trưởng Công Giáo, mẫu gương tu thân tuyệt vời của Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Maria, đáng để chúng ta suy gẫm và thực hành. Ngài đã sống một cuộc đời bình thường của một gia trưởng, cầu nguyện và lao động để bảo vệ, nuôi dưỡng gia đình Nazaret.
Thánh nhân đã cầu nguyện liên lỉ suốt cuộc đời. Ngài luôn kết hiệp mật thiết với Chúa, đặc biệt là những khi gia đình thánh gặp phải sóng gió. Nhờ đó ngài luôn nhận ra thánh ý Chúa và mau mắn thi hành. Khi lo âu buồn phiền, khi mừng vui hoan hỉ, Giuse đều chạy đến cầu nguyện với Chúa để đón nhận thánh ý của Người.
Trong công việc thợ mộc, thánh Giuse tiếp xúc với nhiều người, làm những việc khác nhau tại xưởng nhà cũng như tại bất cứ nơi đâu người ta gọi tới. Dù có phải lao động đầu tắt mặt tối, đổ mồ hôi sôi nước mắt, …. Ngài vẫn không ngừng luyện tập để sống có trách nhiệm và đạo đức, luôn chọn những điều có ích cho người khác để làm gương cho “cậu bé” Giêsu.
Trong xã hội hiện đại, vai trò gia trưởng được thể hiện đa dạng và có nhiều thử thách khắc nghiệt hơn. Thật khó để chu toàn nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành gia đình mà không bị mang tiếng là có “thói gia trưởng”. Có người nói rằng một người chồng tốt có thể là người cha tốt, nhưng một người cha tốt chưa chắc đã phải là một người chồng tốt và cả hai trường hợp chưa chắc đã là một gia trưởng tốt!
Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi yết kiến chung ngày 28/1/2015 đã than phiền: “Thật buồn là trong xã hội hiện nay, chúng ta đang trải nghiệm một cuộc khủng hoảng nơi cương vị làm cha. Trong quá khứ, thông lệ phổ biến là nhận thức về hình ảnh người cha như là một người độc tài và đôi khi hà khắc; còn ngày nay, chúng ta có cảm tưởng về một sự không chắc chắn và lẫn lộn nơi vai trò của người cha”. Ngài kêu gọi những người làm cha phải có trách nhiệm, và cho rằng những bậc làm cha cần thiết phải nên như mẫu gương và là người hướng dẫn cho con cái trong sự khôn ngoan và đạo đức.
Xin Thánh Giuse - bạn trăm năm Đức Maria - phù hộ cho bậc gia trưởng. Để họ có thể xây dựng gia đình mình thành cộng đoàn thờ phượng, ngôi nhà hiệp thông, mái ấm nuôi dưỡng và phát triển tình yêu khi thi hành những trách nhiệm là chồng, làm cha và làm chủ gia đình. Amen.