Chỗ “Yên Dân” Nhìn Từ “Biến Cố Hồng Kông”

Hình như thế giới lại đang có một “Mùa Hè đỏ lửa” !

Nếu khu vực Tây Bán Cầu, “ngọn lửa” hừng hực cuồng nộ của đám đông dân Venezuela đói khát, thất vọng, chia rẽ chưa biết đến bao giờ hạ nhiệt, thì trong những ngày này, nơi khu vực Đông Bắc Á, hàng triệu người cư dân Hong Kong đang liên tục tràn ngập các nẻo đường biểu tình đòi huỷ bỏ “Luật Dẫn Độ về Đại Lục” và “truất phế nhà lãnh đạo thân Cọng sản Trung Quốc - Carrie Lam…

Thật ra, không chỉ có “mùa hè đỏ lửa” của năm 2019, thế kỷ 21 nầy, nhân loại mới chứng kiến những cuộc “vùng lên” của nhân dân, mà lịch sử loài người, khắp nơi, mọi thời, đều ghi nhận, như cái nhìn khôn ngoan của chính người Trung Hoa xưa: Dân là nước nâng thuyền là kẻ cai trị. Khi nước không yên thì nước lật thuyền:

“Hoàng đế Đường Thái Tông ví mối quan hệ giữa quân vương và dân chúng giống như mối quan hệ giữa thuyền và nước. Ông nói: “Chu sở dĩ bỉ nhân quân, thủy sở dĩ bỉ lê thứ. Thủy năng tái chu, diệc năng phúc chu”, tức là quân chủ giống như thuyền, còn dân giống như nước. Nước có thể nâng thuyền lên nhưng cũng có thể làm lật thuyền.

Vào thời kỳ Chiến Quốc 2000 năm trước, bậc thánh hiền, quân thần và tướng lĩnh cũng nhắc đến đạo lý này. Trong “Tuân Tử – Vương chế” viết: “Quân giả, chu dã, thứ nhân giả, thủy dã; thủy tắc tái chu, thủy tắc phúc chu”, ý tứ chính là quân vương là thuyền, dân chúng là nước, nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền.”[1]

Ý thức được điều hệ trọng đó, nên các nhà “kĩ trị” xưa nay, thuộc bất cứ hệ thống chính trị nào, cũng đều nhắm tới mục tiêu “yên dân” là quốc sách. Chúng ta có thể đọc lại chính nội dung ý nghĩa nầy trong bài viết mới đây của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương của đảng Cọng sản Việt Nam, mà các tờ báo mạng đang bình luận mổ xẻ:

“Ổn định chính trị, xã hội dựa vào những nhân tố bên trong và bên ngoài. Trong đó, nhân tố cốt lõi là “yên dân”, là đoàn kết và đồng thuận, là niềm tin xã hội. Trong quá trình dựng nước, giữ nước, các bậc minh quân luôn coi “yên dân” là “kế sâu rễ bền gốc”, “gốc có vững thì cây mới yên”, thế nước mới vững bền. Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng cho thấy, “dân là gốc” là tư tưởng dẫn dắt, chi phối đường lối, chủ trương, chính sách, hoạt động của Đảng và Nhà nước; là một trong những bài học kinh nghiệm lớn trong lãnh đạo của Đảng. Không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân, vun đắp cho mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng là nền tảng cho sự ổn định chính trị, xã hội của nước ta trong thời gian qua. Tuy vậy, việc “yên dân” hay lòng dân, niềm tin, đồng thuận xã hội lại luôn bị thử thách, biến động không ngừng trong dòng chảy của thế sự, thời cuộc và các va đập của lịch sử. Năm nay thế này, năm sau có thể thế khác với rất nhiều yếu tố, tầng nấc đan xen tác động. Trong đó, báo chí, truyền thông nói chung, truyền thông xã hội nói riêng có vai trò rất quan trọng.”[2]

Về vấn đề “trị quốc”, chắc chắn bất cứ chế độ chính trị nào cũng đều nhắm đến mục đích “YÊN DÂN”. Tuy nhiên, nền tảng “yên dân” cũng như cách thể hiện, hoàn toàn không giống nhau. Cách riêng, đối với những người Cọng Sản Việt Nam, những gì họ nói về chính sách yên dân đại loại như “dân là gốc” là tư tưởng dẫn dắt, chi phối đường lối, chủ trương, chính sách, hoạt động của Đảng và Nhà nước”…và cách thực hiện “yên dân” của họ hoàn toàn chỉ là “phương tiện để biện minh cho mục đích”. Mục đích đó là “chuyên chính”, là độc tài đảng trị !

Đối với các chế độ dân chủ pháp trị, thì “yên dân” đó là thành quả của sự nỗ lực đồng lòng phát xuất từ nguyện vọng và yêu cầu chính đáng - căn bản của nhân dân cùng với sự điều phối và đáp ứng hợp lý của những người lãnh đạo do chính nhân dân tự do lựa chọn. Chính trong môi trường “yên dân” đó, xã hội mới phát triển tốt đẹp, lành mạnh, quân bình và có nền tảng.

Còn đối với các chế độ độc tài đảng trị, “yên dân” cũng là “kế sách tối hậu”, nhưng đó lại là “công cụ để duy trì quyền lực”, để hệ thống chính trị, không hề là đại diện chính thức của dân thông qua bầu cử tự do, “chuyên quyền” áp đặt mọi đường lối chính sách hầu hết để phục vụ cho giai cấp hoặc ý thức hệ thống trị.

Đối với hệ thống chính trị độc tài nầy, “yên dân” luôn đồng nghĩa với sự “cúi đầu khuất phục”, chấp hành tuyệt đối mọi đường lối, chính sách, chủ trương được hàng ngủ lãnh đạo thuyết phục rằng đó chính là “chân lý”, là “lựa chọn đúng đắn nhất”…; mọi biểu hiện khác biệt, đối lập đồng nghĩa với “phản động”, “âm mưu lật đổ chính quyền”, “diễn biến hoà bình”…

“Với nhiều thủ đoạn tinh vi được hỗ trợ bởi công nghệ, chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân. Chúng cường điệu những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý để khoét sâu vào xung đột lợi ích, làm chia rẽ xã hội, suy giảm lòng tin, thực hiện “diễn biến hòa bình”, đòi lật đổ chế độ. Từ đó, lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình trái phép, chống đối, bạo loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội như trong các vụ lợi dụng vấn đề môi trường tại Formosa Hà Tĩnh, phản đối Dự Luật về Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng…”[3]

Thời sự “Hong Kong” trong những ngày nầy chính là sự thuyết minh rõ nét về trải nghiệm “yên dân” của mọi dân tộc trên thế giới.

Chúng ta thấy gì về sự “bất yên dân” của bán đảo Hong Kong qua hai sự kiện biểu tình lớn trong vòng 5 năm qua:

- Cuộc biểu tình với biệt danh “Dù vàng” năm 2014, dân Hong Kong đòi quyền lựa chọn người lãnh đạo cho riêng họ.

- Cuộc biểu tình đang diễn ra: đòi “huỷ bỏ luật dẫn độ về đại lục” và đòi nhân vật lãnh đạo thân Bắc Kinh, Carrie Lam, phải từ chức.

Quả thật, người dân Hong Kong đã hưởng được một nền chính trị “yên dân” từ năm 1842 khi bán đảo nầy được đế chế Thanh Triều Trung Hoa chuyển nhượng cho đế quốc Anh. Nhờ được thừa hưởng nền dân chủ pháp trị theo định chế Âu Châu, Hong Kong đã trở thành một trong những địa chỉ hàng đầu của châu Á phát triển rực rỡ mọi mặt, để họ luôn từ hào “là dân Hong Kong chứ không bao giờ là dân Trung quốc”[4] !

Thế nhưng, mọi sự đã gần như không còn được như thế, kể từ biến cố lịch sử 1997, khi Hong Kong trở về với Trung Hoa lục địa theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Điều này có nghĩa là trong khi trở thành một phần với Trung Quốc, Hong Kong sẽ được hưởng "quyền tự chủ cao độ, ngoại trừ các vấn đề đối ngoại và quốc phòng" trong 50 năm.[5]

Vâng, kể từ khi “bị đưa về với đất mẹ cọng sản”, dân Hong Kong luôn cảm thấy bất an khi chính quyền cọng sản Bắc Kinh đang từng bước thò tay nắm trọn quyền sinh sát bán đảo có truyền thống tự do dân chủ nầy thông qua các nhà lãnh đạo dưới ô dù Đảng cọng sản Trung Quốc; họ sợ cái “bàn tay sắt cọng sản”, vốn đã từng giết hại bao nhiêu triệu người trong cuộc “vạn lý trường chinh Quốc-Cọng”, sau đó là những cuộc tàn sát, thanh trừng, khủng bố chính đồng bào ruột thịt mang dòng máu Trung Hoa qua các chiến dịch “Đại nhảy vọt”, “Cách mạng văn hoá”, hay mới nhất là “thảm sát Thiên An Môn”…Đó là chưa kể đến những hành xử mang tính diệt chủng đối các sắc dân ngoại biên như Tân Cương, Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng…

Một khi nhà nước Hong Kong đương nhiệm đặt dân trong cái thế “bất yên” đó, dân phải vùng lên, xuống đường, để tìm lại cho mình quyền tự quyết để “yên dân” mà vốn bao nhiêu thế hệ cha ông con cháu họ đã có suốt chiều dài lịch sử 150 năm.

Từ sự kiện Hong Kong, chúng ta thử nhìn về bối cảnh đất nước Việt Nam chúng ta hôm nay, để xem thử người dân Việt Nam đang ở chỗ “yên” hay “bất yên”.

Khi bàn đến chuyện “yên” hay “bất yên”, chúng ta không quên một câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa của những nhà trị quốc Việt nam trong quá khứ.

Chuyện kể rằng: vào cuối thế kỷ 11, dưới triều Vua Lý Thần Tông (1128–1138) năm Thiên Thuận thứ 3 (1130) có nhà sư Viên Thông (1080–1151) cũng là một quốc sư học vấn uyên bác, thông thạo về sách lược trị quốc, được vua mời vào điện Sùng Khai để hỏi kế hưng vong trị loạn.

Quốc sư đáp: “Thiên hạ cũng như đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì nó tất yên, đặt vào chỗ nguy thì nó tất nguy. Xin hoàng thượng hành xử đức hiếu sinh cho hợp với lòng dân thì dân sẽ kính yêu hoàng thượng như cha mẹ, ngưỡng mộ hoàng thượng như mặt trăng, mặt trời. Ấy là đặt thiên hạ vào chỗ được yên vậy”.

Những lời góp ý vừa sâu sắc, hùng biện vừa chan chứa tấm lòng thiết tha yêu nước trên của Quốc sư Viên Thông quả thật rất đáng để cho những ai đang nắm quyền trị nước phải gẫm suy, học hỏi và đem ra thực hành.

Tiếc thay, Đất Nước ta kể từ khi những người Cọng Sản cướp chính quyền để độc quyền lãnh đạo, thì triền miên “dân ta bị đặt vào chỗ nguy”.

- “Chỗ nguy”: khi dân ta bị đầu độc bởi một ý thức hệ hoang tưởng, ngu đần, gây ra bao nỗi đau thương, chia rẽ mà cho đến mãi hôm nay vẫn chưa thể hàn gắn.

- “Chỗ nguy”: khi dân ta bị đưa vào lò sát sinh của 2 cuộc chiến tranh ngu xuẩn. Thay vì giành độc lập và thống nhất Tổ Quốc bằng trí nảo và con tim, bằng hòa giải hòa hợp, Đảng Cọng Sản đã chọn con đường đầu rơi máu đổ, hận thù chém giết khiến hàng triệu người con ưu tú hy sinh oan uổng, bao nhiêu giá trị vật chất cũng như tinh thần đỗ vỡ, tiêu tán mà hôm nay vẫn còn hắn vết thương đau.

- “Chỗ nguy”: khi dân ta bị đẩy vào những cuộc đấu tố đẩm máu của thời cải cách ruộng đất, những cuộc thanh trừng giới văn học nghệ thuật trong chiến dịch “Trăm hoa đua nỡ” mà vụ án ‘Nhân văn giai phẩm” vẫn còn như một chứng từ đau thương nhức nhối.

- “Chỗ nguy”: khi dân ta bị bóc lột tận cùng về vật chất cũng như tinh thần bằng các chủ trương tàn bạo, ngu dốt sai lầm: cải tạo chính trị dành cho quân cán chính chế độ Sài Gòn, cải tạo công thương nghiệp với nền kinh tế tự do của miền Nam, hợp tác hóa nông nghiệp trên khắp miền nông thôn, chương trình kinh tế mới nóng vội…

- “Chỗ nguy”: khi nền giáo dục mất gốc, hệ thống chính trị cồng kềnh, biến chất, sản sinh toàn một giới cán bộ hoạt đầu, tham nhũng, cơ hội, tham lam, hống hách, cửa quyền.

- “Chỗ nguy”: khi dân ta bị ru ngủ để yên tâm cúi mình an phận trong cái tự do nhỏ nhoi với chút không gian đi lại, buôn bán gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, một chút không gian lễ lạc, xây cất chùa chiền, thánh thất, nhà thờ gọi là “tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng”, một chút góp ý, phê bình xây dựng Đảng gọi là “tự do ngôn luận, báo chí”…mà không thiết tha gì đến tương lai và vận mệnh dân tộc, an phận trong một tình trạng “ngu dân chính trị” để mặc cho giai cấp Cọng Sản thống trị thao túng.

- “Chỗ nguy”: khi những trái tim cháy bỏng ái quốc của giới trẻ, sinh viên, trí thức, đồng bào biểu tình bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ lại bị thẳng tay đàn áp, quy chụp phản động, phá rối an ninh trật tự.

- “Chỗ nguy”: khi những nhà trí thức, những nhà văn, những vị thức giả, các chức sắc tôn giáo… đầy lòng ái quốc và ước mong tận tâm tận lực xây dựng và đổi mới quê hương thì…bị đối xử tàn tệ, kết án, tội tù.

- “Chỗ nguy”: khi cúi đầu trước thế lực Cọng Sản Bắc Kinh để mặc những vùng biển đảo, biên giới, núi rừng cho ngoại bang khống chế cùng với cuộc đi đêm mờ ám để các thế lực kinh tế Trung Quốc từng bước “xâm lăng” đất nước thông qua các dự án như “Bô-xít Tây Nguyên”, “Formosa Hà Tỉnh”, “Điện, thép Ninh Thuận”, “Cao tốc Bắc Nam”, các “Đặc khu kinh tế”….

Khi một chính quyền đã triền miên “đặt dân vào chỗ nguy” như thế, thì hỏi làm sao dân có thể “kính yêu Đảng như cha mẹ, ngưỡng mộ Đảng như mặt trăng, mặt trời”. Và dĩ nhiên, trong những tình trạng như vậy, thì không thể “dân yên” được, không thể nào dập tắt hết những cuộc tập họp đòi đất, những cuộc biểu tình đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa, những cuộc “đi bão của giới trẻ” để chống lại những “đạo luật bán nước”, những cuộc đình công của công nhân để đòi sự công bằng và quyền sống, những cuộc xuống đường của sinh viên, của dân oan để “bảo vệ mảnh đất của cha ông”…

Lo lắng trước ảnh hưởng nhất định của nền công nghệ truyền thông trong những cuộc “vùng lên” của dân chúng, qua bài báo mới nhất của Võ Văn Thưởng, đảng Cọng sản Việt Nam vẫn luôn áp dụng chiêu bài “yên dân” qua chính sách “bịt miệng”:

“Tăng cường ứng dụng công nghệ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật, xấu, độc có ảnh hưởng đến ổn định chính trị, xã hội. Nâng cao năng lực phân tích, điều tra, nghiên cứu công chúng, đo lường thái độ của người sử dụng Internet, tham gia truyền thông xã hội đối với những vấn đề được dư luận quan tâm.(…) Việc người dùng nâng cao sức “đề kháng”, trang bị hiểu biết về pháp luật, bộ lọc văn hóa tốt, ứng xử văn minh, lịch lãm trong tranh luận, phản biện, có năng lực về tin tức, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên truyền thông xã hội là rất quan trọng. (…).Cho nên, cần chú trọng tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm khi tham gia các nền tảng truyền thông xã hội của mọi công dân. Giáo dục định hướng giá trị để người trẻ biết tránh khỏi các biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi; trang bị cho học sinh, sinh viên kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin.”[6]

Tuy nhiên, “bài học Hong Kong” đang diễn ra sờ sờ bên cạnh. Có ai dám nói rằng: dân Việt Nam tầm thường, yếu đuối hơn dân Hong Kong ?

Vì thế, để “YÊN DÂN”, chỉ còn một con đường duy nhất, theo như lời hiến kế của Quốc Sư Viên Thông: “hành xử đức hiếu sinh cho hợp với lòng dân”, đó là:

- Trả lại cho dân quyền chọn lựa chính thể và chế độ chính trị

- Trả lại cho dân các quyền tự do cơ bản của con người.

- Trả lại cho dân tài sản, đất đai và những gì dân sở hữu hợp pháp.

“Ấy là đặt thiên hạ vào chỗ được yên vậy”.

Trần Đoan Hùng

[1] Trích từ bài viết của tác giả An Hoà: Nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền. Nguồn: trang mạng trithucvn: https://trithucvn.net/van-hoa/dao-xu-the-giua-quan-va-dan-thoi-xua-nuoc-co-the-nang-thuyen-cung-co-the-lat-thuyen.html

[2] Võ Văn Thưởng: “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”. Nguồn: trang mạng vietnamnet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/truyen-thong-xa-hoi-doi-voi-on-dinh-chinh-tri-xa-hoi-o-viet-nam-541998.html

[3] Ibid.

[4] Helier Cheung & Roland Hughes: 4 điều cần biết về cuộc biểu tình ở Hong Kong. Nguồn: Trang BBC tiếng Việt: https://www.bbc.com/vietnamese/world-48619566

[5] Ibid.

[6] SĐD: (Võ Văn Thưởng: “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”. Nguồn: trang mạng vietnamnet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/truyen-thong-xa-hoi-doi-voi-on-dinh-chinh-tri-xa-hoi-o-viet-nam-541998.html)