Theo tin AsiaNews, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế của Tòa Thánh vừa công bố một tài liệu làm nổi bật việc vi phạm tự do tôn giáo ngay tại các quốc gia tự cho mình là tự do dân chủ vì việc họ chủ trương một điều gọi là “trung lập ý thức hệ” hướng đến “một nền toàn trị mềm” (a soft totalitarianism).
Thường thường, vi phạm tự do tôn giáo chỉ bạo lực nhằm diệt trừ đức tin của người khác, nhất là bạo lực giết người từng gây ra cho các Kitô hữu, người Do Thái Giáo và Hồi Giáo gần đây.
Thế nhưng ngày nay còn có 1 hình thức tử đạo mới dành cho các Kitô hữu từng được Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Pietro Parolin, nhấn mạnh. Đó là hình thức vi phạm tự do tôn giáo tại các quốc gia vẫn tự hào coi mình là tự do dân chủ.
Đó là kết luận của một tài liệu mới được Ủy Ban Thần Học Quốc Tế soạn thảo, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp thuận, và được công bố ngày 26 tháng Tư vừa qua, tựa là “Tự Do Tôn Giáo Vì Thiện Ích Mọi Người” (mới có ấn bản tiếng Ý).
Thực thế, Ủy ban tuyên bố rằng trong bối cảnh văn hóa xã hội của nhiều thập niên gần đây, nhà nước dân chủ đang tiến tới một "nền toàn trị mềm", một nền toàn trị - nhân danh điều gọi là "tính trung lập ý thức hệ" – có khuynh hướng nhằm loại bỏ "mọi biện minh đạo đức và mọi cảm hứng tôn giáo”, do đó, ủng hộ “một ý thức hệ trung lập mà trong thực tế, nhằm áp đặt việc loại bỏ các phát biểu tôn giáo khỏi lãnh vực công cộng”. Và điều này "làm chúng đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự truyền bá chủ nghĩa hư vô đạo đức trong lãnh vực công cộng".
Chúng ta đang phải đối diện với "việc thế tục mô phỏng quan niệm thần quyền của tôn giáo, một thứ quyền quyết định tính chính thống và tính lạc giáo về tự do nhân danh một tầm nhìn cứu chuộc-chính trị của xã hội lý tưởng: tiên thiên (a priori) quyết định căn tính hoàn toàn duy lý, hoàn toàn dân sự, hoàn toàn nhân bản của nó. Ở đây, tính tuyệt đối và tính tương đối của nền luân lý tự do này mâu thuẫn với những hiệu quả của việc loại trừ không tự do trong phạm vi công cộng, bên trong điều gọi là tính trung lập tự do của nhà nước ".
Nhưng "một nền văn hóa dân sự, tức nền văn hóa tự xác định lấy chủ nghĩa nhân bản của riêng mình qua việc loại bỏ thành tố tôn giáo khỏi con người, sẽ buộc phải loại bỏ những phần quyết định trong lịch sử của chính nó: kiến thức của nó, truyền thống của nó, sự gắn bó xã hội của nó. Hậu quả sẽ là việc loại bỏ những phần chủ yếu hơn của nhân tính và quyền công dân mà nhờ đó, xã hội đã được hình thành".
"Phản ứng đối với sự yếu kém về mặt duy nhân bản sẽ dọn đường cho một chủ nghĩa cuồng tín vô thần hoặc thậm chí thần quyền tuyệt vọng mà nhiều người vẫn coi là chính đáng (đặc biệt là những người trẻ tuổi). Sự lôi cuốn không thể nào hiểu được do các hình thức bạo lực và toàn trị của ý thức hệ chính trị hay đấu tranh tôn giáo, tạo ra, mà người ta vốn gán cho sự phán xét của lý trí và lịch sử, phải khiến chúng ta đặt câu hỏi một cách mới và phân tích sâu xa hơn".
Tài liệu nhắc lại rằng ngay tuyên bố Dignitatis humanae (Nhân phẩm) của Công Đồng cũng đã nói rằng theo Kitô giáo "chúng ta không được ép buộc mình vào tôn giáo, bởi vì sự ép buộc này không xứng đáng với bản chất con người do Thiên Chúa tạo dựng". "Thiên Chúa kêu gọi mọi người đến với Người, nhưng không ép buộc bất cứ ai. Do đó, quyền tự do này trở thành một quyền căn bản mà con người có thể đòi hỏi một cách ý thức và có trách nhiệm đối với Nhà nước". Do đó, lời quả quyết của Đức Gioan Phaolô II rằng tự do tôn giáo là nền tảng của mọi quyền tự do khác, là một đòi hỏi bất khả nhượng của phẩm giá mọi người và tạo thành "sự bảo đảm mọi quyền tự do vốn bảo đảm lợi ích chung của mọi người và mọi dân tộc".
Tuy nhiên, ngày nay, trong sự phổ biến các quyền chủ quan của nhà nước dân chủ hiện thời, tự do tôn giáo mất đi vị trí quyền căn bản của mình và bị giảm xuống thành một quyền chủ quan như những quyền khác. Hơn nữa, "điều tự cho là tính trung lập ý thức hệ của nhà nước tự do, một ý thức hệ loại trừ có chọn lọc quyền tự do được làm chứng một cách minh bạch của cộng đồng tôn giáo nơi công cộng, đã mở ra một khoảng cách cho tính siêu việt giả tạo của một ý thức hệ quyền lực đen tối. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảnh cáo chúng ta chống lại việc đánh giá thấp sự thờ ơ tôn giáo này: "Khi, nhân danh một ý thức hệ, chúng ta muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi xã hội, kết cục chúng ta sẽ tôn thờ các ngẫu thần, và chẳng bao lâu con người sẽ đánh mất chính mình, phẩm giá của họ sẽ bị chà đạp, các quyền của họ sẽ bị vi phạm".