Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đúng 10 giờ sáng thứ Tư 13 tháng Ba, 2019, giờ địa phương Melboune, chánh án Peter Kidd đã bắt đầu phiên toà lên án Đức Hồng Y Pell với một bài thuyết trình trước khi lên án kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ nhằm biện hộ cho một bản án bất công và phi lý.
Đức Hồng Y bị kêu án “sáu năm tù vì lạm dụng 2 bé trai trong thập niên 1990”. Trong đó, hết 3 năm 8 tháng không được nạp đơn xin ân xá.
Và dù biết có thể ngài không sống đủ thời gian ngồi tù, Kidd vẫn kêu bản án trên. Thực vậy, ông ta bảo: “Tôi ý thức rõ thời gian ngồi tù mà tôi sắp sửa áp đặt lên ông mang theo nó một khả thể có thật, khác hẳn lý thuyết, đó là ông có thể không sống để được thả ra khỏi nhà tù”.
Cuộc trực tiếp truyền hình của Đài Số 7 chủ yếu chiếu chánh án Kidd đọc bài thuyết trình của ông ta, thỉnh thoảng lại chiếu bên cạnh một số hình ảnh “thời sự” liên quan đến Đức Hồng Y Pell, các người biểu tình ở bên ngoài, phần lớn là chống lại Đức Hồng Y. Chỉ có hai người đứng cầu nguyện nghiêm chỉnh, một người cầm tràng hạt. Không thấy chiếu quang cảnh bên trong tòa án, kể cả hình ảnh Đức Hồng Y Pell tại tòa. Rất đông các linh mục hiện diện trong phiên tòa này.
Đức Hồng Y Pell được tường thuật đứng với hai tay để sau lưng khi chánh án đọc to bản án và không phản ứng gì. Một trong những người ủng hộ ngài lấy tay ôm mặt khóc khi bản án được đọc to, trong khi một người đàn bà khác an ủi bà này. Phòng tòa án im lặng suốt buổi lên án, kể cả lúc chánh án Kidd đọc án tù, và hầu như mọi người trong phòng đều quay đầu nhìn Đức Hồng Y trước vành móng ngựa. Ngài dùng gậy rời khỏi phiên tòa dưới sự hộ tống của 4 nhân viên gác nhà tù. Không ai nói gì và ngài cũng không chào hỏi ai.
Chánh án Kidd bào chữa việc cho trực tiếp truyền hình phiên kêu án Đức Hồng Y Pell. Y bác bỏ lập luận của luật sư bênh vực rằng quyết định cho trực tiếp truyền hình các nhận định lúc kêu án tạo thành một hình phạt phụ trội nhằm lăng mạ công khai Đức Hồng Y Pell.
Chúng tôi xin lập lại ở đây nhận định của Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Ngài nói với tờ National Catholic Register rằng việc khởi tố Đức Hồng Y Pell và giam giữ ngài là “một sự chà đạp công lý nghiêm trọng”, xuất phát từ lòng thù hận đức tin, dựa trên những cáo buộc “vô bằng, vô cớ” và “hoàn toàn không thể nào tin được”. Đây là một bản án bất công, vô lý và cần được gọi đích danh là một sự bách hại tôn giáo.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và hiện là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo, có bài nhận định về biến cố này đăng trên tờ First Things với nhan đề: Our Dreyfus Case
Mở đầu bài viết, Tiến sĩ George Weigel thuật lại rằng:
Tháng 12 năm 1894, Đại úy Alfred Dreyfus của Quân đội Pháp bị kết tội phản quốc với lý do ông đã trao bí mật quân sự cho kẻ thù truyền kiếp của nước Pháp là nước Đức. Cáo buộc này là sai; Dreyfus, một người Do Thái, đã bị gài bẫy. Phiên tòa của ông bị bao vây bởi sự cuồng loạn của đám đông, và những người không nắm bắt được sự thật nhảy mừng hả hê khi Dreyfus bị kết án tù chung thân trên hòn đảo Quỷ Sứ ở Guiana thuộc Pháp, mà nỗi kinh hoàng khi phải sống tại đây được ghi lại một cách sống động trong bộ phim Papillon.
Vụ Dreyfus đã làm sôi động chính trị Pháp hàng thế hệ, chia rẽ quốc gia này thành “Dreyfusards” - những người ủng hộ Dreyfus và những người chống Dreyfus. Mùi hôi thối của chủ nghĩa bài Do Thái vần vũ trên tất cả chuyện này. Một người Công Giáo đã không chịu khuất phục trước tâm lý bài Do Thái ngàn đời tại Âu Châu là Đức Giáo Hoàng Lêô XIII. Ngài đã nói với chủ bút của báo Figaro ở Paris rằng những đau khổ của Dreyfus nhắc nhở ngài về Đồi Canvê. Năm 1906, những người Dreyfusards thấy người đàn ông được họ ủng hộ được minh oan, nhưng những vết thương trong xã hội Pháp do vụ Dreyfus gây ra vẫn mở và còn mưng mủ rất lâu sau khi Dreyfus trở lại quân đội và được vinh danh trong Thế chiến thứ Nhất.
Phán quyết kết án Đức Hồng Y George Pell vào tháng 12 năm 2018 về “các cáo buộc lạm dụng tình dục trong lịch sử” là một câu chuyện Dreyfus thời nay.
Kể từ khi những cáo buộc đó được đặt ra cách đây một năm rưỡi, một bầu không khí cuồng loạn trong công luận, được thúc đẩy bởi chủ nghĩa bài Công Giáo siêu thế tục, đã vây quanh vụ án. Sự thù hằn đó đã được tăng cường bởi cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trên toàn cầu, bất chấp thực tế rằng Đức Hồng Y Pell là giám mục hàng đầu của Úc chống lại lạm dụng tình dục. Không thể tin được rằng bầu không khí cuồng loạn của đám đông giống như trong trường hợp Dreyfus lại không có chút ảnh hưởng méo mó nào đối với hai phiên tòa của Đức Hồng Y Pell. Mặc dù các phiên tòa được tổ chức dưới lệnh cấm tường trình trên các phương tiện truyền thông của Úc, sự bất hợp lý và nọc độc, gây nên bởi sự thiên vị của giới truyền thông, đã hoàn thành công việc của chúng trước đó rồi.
Phiên tòa xét xử đầu tiên vào mùa thu năm ngoái đã kết thúc với một bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu 10-2, trong đó 10 người quyết định rằng Đức Hồng Y vô tội và chỉ có 2 người quyết liệt cho rằng Đức Hồng Y là có tội (đại diện bồi thẩm đoàn đã khóc khi báo cáo về sự bế tắc không làm sao thuyết phục được sự đồng thuận của 2 người kia). Phiên tòa thứ hai, thật đáng kinh ngạc, đã kết thúc với bản án 12-0 để kết tội ngài: mặc dù cáo buộc của nguyên cáo chẳng được bất kỳ ai ủng hộ trước tòa [có đến 20 người tuyên thệ trước tòa rằng cáo buộc chống lại Đức Hồng Y là không thể nào xảy ra và chính bà mẹ của người được cho là nạn nhân thứ hai tuyên thệ rằng con bà đã nói với bà trước khi chết rằng anh ta chưa bao giờ bị bất cứ ai lạm dụng tính dục]; và bất chấp thực tế là cảnh sát đã không có bất cứ chứng minh nào thu được từ hiện trường được cho là nơi tội phạm đã xảy ra; và các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y đã chỉ ra mười điểm vô lý trong cáo buộc của nguyên cáo, là những điều không thể nào xảy ra trong một không gian được kiểm soát cẩn thận của nhà thờ chính tòa St. Patrick của Melbourne.
Có những điểm khác biệt rõ ràng giữa vụ Đại Úy Dreyfus và vụ án Đức Hồng Y Pell: Dreyfus bị tấn công bởi những kẻ bảo hoàng và bài Do Thái, trong khi các cuộc tấn công vào Đức Hồng Y George Pell trong một phần tư thế kỷ qua, chủ yếu, là từ những người theo chủ nghĩa thế tục hiếu chiến. Tuy nhiên, lòng hận thù vô biên của những người theo chủ nghĩa bảo hoàng Pháp và những người bài Do Thái đối với tín hữu Do Thái Giáo Alfred Dreyfus, lại rất giống với lòng thù ghét cay nghiệt của những người cấp tiến thế tục đối với Đức Hồng Y George Pell. Dreyfus là hiện thân của nỗi sợ hãi và lòng thù hận của những người Pháp bảo hoàng vẫn đang chiến đấu chống lại Cách mạng Pháp; còn Đức Hồng Y Pell là hiện thân của những gì văn hóa và chính trị ở Úc lo sợ và thù ghét: đó là đạo lý và luân lý Kitô chính thống, bao gồm việc bảo vệ mạnh mẽ quyền sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên và dấn thân để hôn nhân có thể được hiểu một cách đúng đắn. Hơn thế nữa, Đức Hồng Y Pell đã chồng chất thêm lòng thù hận trong mắt các kẻ thù của mình khi không ngại tham gia vào các cuộc tranh luận công khai bất tận, trong đó ngài thách thức các xu hướng chính trị về mọi thứ, từ biến đổi khí hậu đến Chủ nghĩa Vô thần mới.
Đối với những người chống Dreyfus, Đại úy Alfred Dreyfus không có chỗ đứng trong Quân đội Pháp và không thể tham gia vào một xã hội Pháp đã được sắp đặt theo đúng trật tự; vì vậy anh ta phải bị tiêu diệt. Đối với những kẻ đã tạo ra một bầu không khí thù hận trong công luận ở Úc để lật được quyết định tha bổng 10-2 thành một bản án nhất trí kết tội đối với các tội danh vô bằng vô chứng, Đức Hồng Y George Pell phải bị hủy diệt, để cuộc cách mạng về tự do trong lối sống của Úc và chủ nghĩa cấp tiến chính trị có thể được tiến hành mà không bị cản trở.
Đức Hồng Y Pell đang phải ngồi tù và ngài sẽ kháng cáo bản án không chính đáng và bất công này. Bất cứ ai quan tâm đến công lý, dù là tín hữu của một tôn giáo hay là người không có niềm tin tôn giáo, đều phải hy vọng rằng hội đồng xét xử phúc thẩm kết luận rằng bản án của Đức Hồng Y Pell là một điều mà luật pháp Úc gọi là phán quyết không an toàn, vì bồi thẩm đoàn không thể đưa ra kết luận hợp lý dựa trên các bằng chứng đáng tin cậy.
Tuy nhiên, ngay cả khi công lý được thực thi và Đức Hồng Y Pell được trả tự do, Úc và phần còn lại của phương Tây, sẽ phải suy nghĩ rất lâu về việc tại sao có thể xảy ra một chuyện bi thảm như thế này, như trong trường hợp của nước Pháp sau khi xảy ra vụ Dreyfus.