Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 12:10, tại lâu đài Dublin, Đức Thánh Cha đã có một diễn từ trước các nhà lãnh đạo chính trị, dân sự và ngoại giao đoàn.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Thưa Thủ tướng,

Các thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,

Thưa toàn thể quý vị,


Vào đầu chuyến thăm của tôi đến Ái Nhĩ Lan, tôi rất biết ơn lời mời nói chuyện tại cuộc họp bao gồm các vị đại diện cho đời sống dân sự, văn hóa và tôn giáo của đất nước, cùng với Ngoại giao và các vị quý khách. Tôi biết ơn sự tiếp đón thân thiện mà tôi nhận được từ Tổng thống Ái Nhĩ Lan, phản ánh truyền thống hiếu khách thân mật của người Ái Nhĩ Lan nổi tiếng trên khắp thế giới. Tôi cũng hoan nghênh sự hiện diện của một phái đoàn từ Bắc Ái Nhĩ Lan. Tôi cảm ơn Thủ tướng vì lời chào mừng của ngài.

Như các bạn đã biết, lý do chuyến viếng thăm của tôi là để tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình, tổ chức năm nay tại Dublin. Giáo Hội quả thực là một gia đình của các gia đình, và cảm thấy cần phải hỗ trợ các gia đình trong những nỗ lực của họ để đáp ứng một cách trung tín và hân hoan với ơn gọi được Chúa trao cho họ trong xã hội. Đối với gia đình, cuộc gặp gỡ này là một cơ hội không chỉ để tái khẳng định cam kết của họ đối với sự trung tín trong tình yêu, sự giúp đỡ lẫn nhau và sự tôn trọng thiêng liêng đối với món quà thánh thiêng là cuộc sống dưới mọi hình thức của nó, mà còn là để làm chứng cho vai trò độc đáo của gia đình trong việc giáo dục các thành viên và trong việc phát triển một cơ cấu xã hội lành mạnh và sinh hoa trái.

Tôi muốn thấy cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình như là một chứng tá tiên tri về di sản phong phú các giá trị đạo đức và tinh thần, là nhiệm vụ mà mọi thế hệ đều phải chăm sóc và bảo vệ. Không cần phải là một vị tiên tri cũng có thể nhận ra những khó khăn mà các gia đình đang gặp phải trong xã hội đang thay đổi nhanh chóng; cũng thấy được những âu lo về những ảnh hưởng mà sự thất bại của hôn nhân và cuộc sống gia đình chắc chắn sẽ gây ra trên mọi lãnh vực tương lai của cộng đồng chúng ta. Gia đình là chất keo kết nối của xã hội; không phải đương nhiên mà có, nhưng phải được cổ vũ và bảo vệ bởi tất cả các phương tiện thích hợp.

Chính là trong gia đình mà mỗi người chúng ta đã trải qua những bước đầu đời. Ở đó, chúng ta học cách sống hòa hợp, kiểm soát bản năng ích kỷ của mình, hòa giải các dị biệt và trên hết là phân định và tìm kiếm những giá trị mang lại ý nghĩa đích thực và sự viên mãn cho cuộc sống. Chúng ta đề cập đến toàn thế giới như một gia đình, là vì chúng ta nhìn nhận một cách đúng đắn những mối dây liên kết nhân loại, và chúng ta cảm nhận được lời mời gọi hiệp nhất và liên đới, đặc biệt là đối với các anh chị em yếu hơn. Tuy nhiên, quá thường xuyên, chúng ta cảm thấy bất lực khi đối mặt với những tệ nạn dai dẳng của hận thù chủng tộc và sắc tộc, trong xung đột và bạo lực đan quyện nhau, trong sự khinh thường nhân phẩm con người và những nhân quyền cơ bản; cũng như trong khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo. Chúng ta cần phải phục hồi biết là ngần nào, trong mọi lĩnh vực chính trị và đời sống xã hội, ý thức trở thành một gia đình thực sự của các dân tộc! Và không bao giờ mất hy vọng và lòng can đảm để có thể kiên trì trong sứ mệnh đạo đức là trở nên những điều hợp viên của hòa bình, hòa giải và chăm sóc lẫn nhau.

Ở Ái Nhĩ Lan này, thách đố này có một sự cộng hưởng đặc biệt, khi chúng ta nghĩ đến những xung đột lâu dài giữa anh chị em trong một gia đình. Hai mươi năm trước, cộng đồng quốc tế đã theo sát chặt chẽ các sự kiện ở Bắc Ái Nhĩ Lan, dẫn đến việc ký kết Thỏa thuận Thứ sáu Tuần Thánh. Chính phủ Ái Nhĩ Lan, kết hợp với các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và dân sự của Bắc Ireland và Chính phủ Anh và với sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo thế giới khác, đã tạo ra được một bối cảnh năng động nhằm giải quyết một cuộc xung đột đã gây ra những thiệt hại to lớn cho cả hai phía. Chúng ta có thể tạ ơn về hai thập kỷ hòa bình theo sau Thỏa thuận lịch sử này, trong khi chúng ta bày tỏ hy vọng vững chắc rằng quá trình hòa bình sẽ vượt qua mọi trở ngại còn lại và tạo điều kiện cho sự ra đời của một tương lai hòa hợp, hòa giải và tin tưởng lẫn nhau.

Tin Mừng nhắc nhở chúng ta rằng hòa bình đích thực tối hậu là một ân sủng từ Thiên Chúa; tuôn chảy từ những trái tim được chữa lành và hòa giải và mở rộng ra để ôm ấp cả thế giới. Nhưng hòa bình cũng đòi hỏi, về phần chúng ta, một sự hoán cải liên tục, là nguồn mạch của những nguồn lực tinh thần cần thiết để có thể xây dựng một xã hội thực sự vững chắc, và phục vụ thiện ích chung. Nếu không có nền tảng tinh thần này, lý tưởng của một gia đình toàn cầu có nguy cơ trở thành chẳng có gì khác hơn là hư vô. Liệu chúng ta có dám nói rằng mục tiêu tạo ra sự thịnh vượng kinh tế hay tài chính sẽ dẫn đến một trật tự xã hội công bằng hơn và bình đẳng hơn hay không? Hay chẳng qua nó chỉ dẫn đến sự tăng trưởng của nền “văn hóa loại bỏ” đã khiến chúng ta ngày càng thờ ơ với người nghèo và những thành viên vô phương tự vệ nhất của gia đình nhân loại, kể cả những đứa trẻ chưa chào đời đã bị tước đoạt quyền sống? Có lẽ thách thức gây lấn cấn lương tâm chúng ta nhất trong những ngày này là cuộc khủng hoảng di cư khổng lồ, không tự nhiên biến mất nhưng các giải pháp để giải quyết nó đòi hỏi sự khôn ngoan, tầm nhìn và mối quan tâm nhân đạo vượt lên rất xa.

Tôi biết rõ tình trạng của những anh chị em dễ bị tổn thương nhất của chúng ta - tôi đang nghĩ đến đặc biệt các phụ nữ và trẻ em, những người đã trải qua những tình huống đặc biệt khó khăn trong quá khứ; và những trẻ mồ côi. Khi xem xét thực tại của những người dễ bị tổn thương nhất này, tôi còn biết nói gì hơn là nhìn nhận tai tiếng nghiêm trọng gây ra ở Ái Nhĩ Lan bởi sự lạm dụng trẻ em của các thành viên Giáo hội được giao phó cho họ chăm sóc và giáo dục. Những lời nói tại sân bay của Bộ trưởng Trẻ em vẫn vang vọng trong trái tim tôi. Cảm ơn bạn. Cảm ơn vì những lời đó. Sự thất bại của các nhà chức trách giáo hội - các giám mục, bề trên các dòng tu, linh mục và những người khác –không đối phó thích đáng với những tội ác kinh tởm này đã làm dấy lên sự phẫn nộ chính đáng và tiếp tục là nguyên nhân đau khổ và xấu hổ cho cộng đồng Công Giáo. Tôi chia sẻ những cảm xúc này. Người tiền nhiệm của tôi, là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, đã không tiếc lời nhìn nhận tính chất nghiêm trọng của tình hình và yêu cầu các biện pháp “thực sự phù hợp với Tin Mừng, chính đáng và hiệu quả” phải được thực hiện để đáp lại lại sự phản bội lòng tin này (Thư mục vụ cho người Công Giáo Ái Nhĩ Lan, 10 ). Sự can thiệp thẳng thắn và quyết liệt của ngài tiếp tục là một khích lệ cho những nỗ lực của các nhà lãnh đạo giáo hội trong việc khắc phục những sai lầm trong quá khứ và áp dụng các quy tắc nghiêm ngặt để bảo đảm rằng những chuyện như thế không xảy ra nữa. Gần đây hơn, trong một bức thư gửi cho toàn thể dân Chúa, tôi tái khẳng định cam kết này, quả thực, đó là một cam kết lớn hơn, để loại bỏ tai ương này khỏi Giáo Hội; bằng mọi giá. Mỗi đứa trẻ thực sự là một món quà quý giá của Thiên Chúa cần phải được bảo vệ, khuyến khích phát triển những năng khiếu của mình và được dẫn dắt hướng đến sự trưởng thành tâm linh và nhân bản.

Trong quá khứ và hiện tại, Giáo hội ở Ái Nhĩ Lan đã đóng một vai trò thúc đẩy thiện ích cho trẻ em không thể bị xóa mờ. Tôi hy vọng rằng mức độ nghiêm trọng của những vụ tai tiếng lạm dụng đã phơi bày ra ánh sáng những thiếu sót của nhiều người, sẽ giúp nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương bởi toàn xã hội. Theo nghĩa này, tất cả chúng ta đều nhận thức được nhu cầu cấp thiết để mang đến cho giới trẻ một sự tháp tùng khôn ngoan và những giá trị lành mạnh cho hành trình phát triển của họ.

Các bạn thân mến, gần chín mươi năm trước, Tòa Thánh là một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên công nhận quốc gia tự do Ái Nhĩ Lan. Bước tiến đó đánh dấu sự khởi đầu của nhiều năm hòa hợp và cộng tác năng động, chỉ có một đám mây đi qua trên đường chân trời. Gần đây, những nỗ lực nhiệt thành và thiện chí ở cả hai bên đã góp phần đáng kể vào việc tái lập đầy hứa hẹn những mối quan hệ thân thiện mang lại thiện ích chung cho tất cả mọi người. Những sợi chỉ dệt nên câu chuyện đó kéo dài đến tận hơn một ngàn năm trăm năm trước, khi thông điệp Kitô giáo, được giảng dạy bởi Thánh Patrick, là người đã xem Ái Nhĩ Lan là quê hương mình và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống và văn hóa Ái Nhĩ Lan. Nhiều “vị thánh và các học giả” cảm thấy được truyền cảm hứng để rời bỏ những bờ biển này và mang đức tin mới đến những vùng đất khác. Thậm chí ngày nay, tên của Columba, Colombano, Brigida, Gallo, Killian, Brendan và nhiều người khác được vinh danh ở châu Âu và xa hơn nữa. Trên hòn đảo này, đời sống tu viện, một nguồn mạch của văn minh và sáng tạo nghệ thuật đã viết một trang lộng lẫy trong lịch sử Ái Nhĩ Lan và thế giới.

Ngày nay, cũng như trong quá khứ, những người nam nữ sống ở đất nước này đang cố gắng làm phong phú thêm cuộc sống của dân tộc với sự khôn ngoan nảy sinh từ đức tin. Ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất của Ái Nhĩ Lan, họ tìm thấy trong đức tin nguồn mạch cho lòng can đảm và sự dấn thân là những điều cần thiết để tạo nên tương lai của tự do và nhân phẩm, công lý và liên đới. Sứ điệp Kitô giáo là một phần không thể thiếu trong kinh nghiệm này và đã hình thành nên ngôn ngữ, tư tưởng và văn hóa của người dân trên hòn đảo này. Tôi cầu nguyện rằng Ái Nhĩ Lan, trong khi lắng nghe những âm sắc đa dạng trong các cuộc thảo luận chính trị-xã hội đương đại, sẽ không quên những giai điệu sôi động trong sứ điệp Kitô giáo, đã nuôi dưỡng nó trong quá khứ và có thể tiếp tục làm như thế trong tương lai. Với những suy nghĩ này, tôi thân ái cầu khẩn phước lành sự khôn ngoan, niềm vui và hòa bình trên các bạn và trên tất cả người dân Ái Nhĩ Lan yêu quý. Cảm ơn các bạn.