Trong khi các nước Nam Mỹ đang thưởng thức mùa Đông sau những tháng ngày oi bức vì họ rất thích cái lạnh để những côn trùng gây hại như ruồi muỗi có thể chết được, thì các nước Âu châu, Bắc Mỹ và Á châu lại đang là những ngày hè oi bức.

Người dân Hòa Lan nói mùa Hè năm nay nóng hơn những năm khác vì có ngày nhiệt độ lên đến 30 độ C và người ta thường đổ xô đến các bãi biển vào những ngày cuối tuần nếu không đi nghỉ hè xa để tắm biển, để vui chơi giải trí, và người Việt Nam ở đây thường kéo nhau ra các bãi biển để bắt hào, bắt sò hay nướng barbecue và ca hát với bạn bè sau những ngày làm việc mệt nhọc trong tuần.

Cuối tháng 6 vừa qua có mấy anh em linh mục cùng Dòng từ Việt Nam đến Hòa Lan và sau đó thăm một vài quốc gia Âu châu nơi có anh em Ngôi Lời Việt Nam làm việc. Lâu lắm rồi anh em mới có dịp gặp lại nhau dù thỉnh thoảng cũng có email qua lại để hỏi thăm sức khỏe. Gặp nhau tay bắt mặt mừng và hồi tưởng lại những kỷ niệm xa xưa khi còn sống những thời khắc khó khăn cùng nhau chia ngọt sẻ bùi nhưng thật đậm tình anh em, và rồi do đời sống sứ vụ và lời khấn vâng lời nên mỗi người mỗi nơi lâu lâu mới gặp lại. Có người từng là bề trên nhưng nay phải làm ‘bề ngang’ và ‘bề dưới’, còn những người ngày xưa từng là học trò, là ‘bề dưới’ thì nay phải đảm trách chức vụ bề trên. Đời sống tu sĩ là thế vì không ai có thể một một ghế suốt đời nên khi ai đó được chỉ định và bầu chọn làm bề trên thì luôn cố gắng sống hết mình trong tâm tình phục vụ, để ngày mình rời chiếc ghế ấy lại được anh em đón nhận như thở ban đầu.

Chúa Nhật đầu tháng 7, chúng tôi có đồng tế thánh lễ với hai linh mục trưởng lão Việt Nam, một sống ở Hòa Lan, một sống ở Bỉ dịp kỷ niệm 49 năm linh mục và cũng là dịp lễ quan thầy Phêrô và Phaolô của các ngài. Các ngài đã nghỉ hưu vài năm nay và hiện giờ vẫn đi làm mục vụ trong phạm vi cho phép để đồng hành với anh chị em đồng hương Việt Nam sống rãi rác khắp nơi ở Hòa Lan và Bỉ quốc. Không hiểu vì lý do gì mà các ngài lại nhờ chúng tôi, một linh mục đáng tuổi con cháu các ngài giảng lễ nói về đời sống linh mục cũng như về hai thánh Tông Đồ Cả Phêrô và Phaolô. Những người tham dự thánh lễ là những người trước đây từng làm việc với các ngài ngay những ngày họ đặt chân tỵ nạn đến Âu châu. Những người trong ca đoàn ngày trước giờ đây đã là ông bà nội, ngoại nhưng còn hát rất hay những bài hát rất phụng vụ. Hòa Lan là quốc gia duy nhất ở Âu châu có một giáo xứ mang tên Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam dù người Việt ở Âu châu rất đông, và các linh mục Việt Nam ở Âu châu cũng nhiều nhưng các linh mục Việt Nam ở Âu châu chỉ làm việc chính cho người bản xứ hay chỉ được bổ nhiệm làm tuyên úy cho cộng đồng người Việt nên thường được
gọi là Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại hải ngoại vì phải lệ thuộc vào một giáo xứ ở địa phương. Tuy nhiên ở Hòa Lan thì được gọi chính thức là giáo xứ Việt Nam với đầy đủ tư cách pháp nhân và qui chế của một giáo xứ, và công lao ấy phải kể đến vị linh mục trưởng lão và những người Việt Nam tỵ nạn cách đây 40 năm đã tranh đấu cho người đồng hương Việt Nam sống ở đây. Tuy nhiên, rất ít người nhận ra điều đó mà chỉ khi nào có chuyện thì mới cần linh mục mà thôi. Người ta ví linh mục như những chiếc máy bay Boeing hay Airbus. Hàng ngày có biết bao chuyến máy bay chuyên chở hành khách rất an toàn từ nơi này đến nơi khác, từ nước này qua nước kia nhưng ít thấy báo chí nói đến những chuyến bay an toàn. Tuy nhiên, khi một chiếc máy bay có sự cố hay tai nạn thì cả thế giới đều biết. Các linh mục cũng vậy. Biết bao linh mục làm bao điều tốt lành nhưng ít khi được nhắc đến. Tuy nhiên, khi một linh mục nào đó có sự cố thì người ta đem ra bàn cãi, tranh luận đủ điều. Chúng tôi không dám múa rìu qua mắt thợ khi nói về đời sống linh mục với những linh mục lâu năm, dày dạn kinh nghiệm như các ngài. Chúng tôi rất khâm phục các ngài về sự hiền từ, đơn sơ, hòa đồng và tuổi đời đã gần 80 nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Ước mong các ngài luôn là tâm gương sáng cho lớp đàn con, đàn cháu noi theo.

Những ngày này chúng tôi cũng dâng lễ cho một người bạn Việt Nam ở miền phía bắc Hòa Lan vừa mới qua đời vì căn bệnh ung thu khi tuổi đời chưa bước qua 60. Năm ngoái khi đến xức dầu tại bệnh viện theo yêu cầu của người vợ thì anh ta không muốn vì sợ xức dầu là chết ngay vì bác sĩ đã cho biết ngày giờ và bệnh ung thư của anh đã di căn qua nhiều chứng bệnh khác. Tuy nhiên, sau khi thuyết phục thì anh đã đón nhận cách vui vẻ và trở về sống thêm được 8 tháng nữa. Anh ra đi vào một buổi sáng thứ bảy sau khi đã nhận đầy đủ các phép và được tham dự một thánh lễ lúc anh còn sống theo yêu câu của gia đình mà khi dâng thánh lễ bên giường của anh chúng tôi cứ phập phòng hồi hộp vì sợ anh xúc động quá rồi ra đi lúc thánh lễ chưa xong. Căn bệnh ung thư hành hạ anh những ngày cuối cùng và anh đề nghị để được ra đi sớm qua sự can thiệp của y khoa, nhưng chúng tôi nói với gia đình hãy để anh ra đi tự nhiên và cầu nguyện để được ra đi vào ngày thứ bảy là ngày Đức Mẹ viếng thăm các bệnh nhân và anh đã được toại nguyện. Anh không phải là người nổi tiếng, cũng không giàu có và cũng không địa vị nhưng Chúa đã thưởng cho anh và gia đình nhỏ bé của anh một món quà lớn là từ ngày anh ngã bệnh đến lúc hỏa táng thì ngày nào cũng có thánh lễ và cầu nguyện sốt sắng dù anh sống ở một tỉnh lẻ xa xôi ở Hòa Lan. Như thế để biết rằng cuộc sống con người không hơn nhau bởi địa vị, danh vọng, nhưng phải sống làm sao để ngày mình ra đi được mọi người khóc thương, luyến tiếc vì cái tình, cái nghĩa. Cảm ơn anh đã giúp chúng tôi nhận ra điều đó.

Trong ngày họp mặt toàn Tỉnh Dòng Ngôi Lời tại Hòa Lan và Bỉ quốc tại Teteringen- Hòa Lan, chúng tôi nhận được tin từ Nemi- Italy, nơi các Đại Biểu của Dòng Ngôi Lời đến từ 72 quốc gia và lãnh thổ mà Dòng Truyền giáo Ngoi Lời đang làm việc đã bầu ra ban lãnh đạo Tổng quyền mới, trong đó lần đầu tiên một anh em linh mục người Indonesia đắc cử Bề Trên Tổng Quyền nhiệm kỳ 6 năm. Indonesia là một quốc gia Hồi giáo gồm nhiều đảo quốc nhưng có thể nói hiện nay ơn gọi trở thành linh mục và tu sĩ đang gia tăng và Dòng Truyền giáo Ngôi Lời có đến 4 tỉnh Dòng tại quốc gia Hồi giáo này. Hàng năm, Dòng Ngôi Lời tại Indonesia đã gởi các nhà truyền giáo mới ra lò đi khắp nơi trên thế giới để làm việc như là một lời đền ơn của những nhà truyền giáo Âu châu ngày xưa. Cha Tổng quyền sắp mãn nhiệm người Đức lẽ ra ngài sẽ tiếp tục nhiệm kỳ II, nhưng ngài đã khiêm tốn từ chức để nhường lại cho lớp trẻ và đặc biệt ngài nói thế kỷ XXI là thế kỷ của người Á châu. Người Âu châu có cái hay mà chúng ta cần phải học đó là văn hóa từ chức. Từ chức khi mình cảm thấy sức khỏe mình không đảm bảo, từ chức vì cảm thấy người khác có thể làm tốt hơn mình. Chúng tôi thật khâm phục sự hi sinh và khiêm nhường của những nhà truyền giáo Âu châu khi từng chứng kiến những công việc họ làm.

Những ngày hè oi bức ở Hòa Lan nhiều lúc cũng làm cho chúng tôi có cảm giác mỏi mệt dù thời tiết ở đây không nóng bằng Paraguay. Nhiều lúc cũng muốn đi ra biển một mình để tâm sự cùng biển và ngâm mình dưới nước để tan đi những oi bức của mùa hè nhưng công việc và học hành không cho phép. Cũng may là sắp xếp được thời gian từ 4 tháng trước khi mua được vé rẻ để nghỉ ngơi vài ngày ở một quốc gia láng giềng.

Đã 4 lần quá cảnh phi trường Charles de Gaulle trong những lần nghỉ phép trước đây nhưng chưa một lần đặt chân đến Paris để viếng thăm thủ đô hoa lệ này. Đó là lý do chúng tôi cố gắng giành những ngày hè đầu tiên năm nay để tìm hiểu và khám phá Paris nhằm thỏa mãn tính tò mò từ thuở bé của mình.

Tàu tốc hành từ Rotterdam- Hòa Lan đến Paris- Pháp chỉ mất gần 3 tiếng đồng hồ, và chúng tôi đã đặt chân đến Paris vào buổi sáng trời thật đẹp. Cũng có quen biết vài anh em linh mục đang tu học tại Paris nhưng dịp này ai nấy đều đi nghỉ hè nên chúng tôi quyết chí đi ‘du lịch bụi’. Cũng may là có hai linh mục trẻ Việt Nam thuộc Dòng Đa Minh mới quen biết khi họ ghé thăm Hòa Lan lần trước đang ở ở Cộng đoàn tại Quận 13 hướng dẫn lần này nên chúng tôi ít bỡ ngỡ và đã đi thăm những điểm mà mình cần đến.

Dòng sông Seine thơ mộng ở Paris với biết bao công trình nghệ thuật và những cây cầu nổi tiếng đã làm cho Paris và nước Pháp trở nên nổi tiếng khắp thế giới và cũng là đề tài sáng tác của biết bao văn sĩ, thi sĩ. Ngay buổi chiều khi đến Paris, chúng tôi đã mua vé tàu đi dọc dòng sông Seine để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên do Thượng Đế tạo ra và những tác phẩm nghệ thuật do con người tôn tạo. Khách du lịch ai cũng trầm trồ khi con tàu băng qua những chiếc cầu và nhìn hai bên bờ sông là những công viên, những tòa nhà cố kính thật đẹp.

Chúng tôi cũng ghé thăm Nhà Thờ Đức Bà Paris mà ngày trước chúng tôi có đọc tác phẩm ‘Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà’ của Victor Hugo. Chúng tôi cũng viếng thăm Vương Cung Thánh Đường Sacré-Cœur nằm trên đỉnh đồi Montmartre- được xem là một trong những Vương Cung Thánh Đường nổi tiếng ở Paris chỉ sau Nhà Thờ Đức Bà. Khi lên đến đó, chúng ta có thể nhìn thấy bao quát cả Paris. Chúng tôi cũng ghé thăm Hội Thừa Sai Paris (MEP)- nơi đã từng đào tạo và gởi đi biết bao nhà truyền giáo xuất chúng đến các nước Á châu, trong đó có Việt Nam mà từ thuở nhỏ chúng tôi đã từng ao ước được diện kiến nơi này, và một địa đểm khác gần nhà MEP là Nguyện Đường Ảnh Phép Lạ (Chapelle Notre-Dame de la médaille miraculeuse) của Các Chị Nữ Tử Bác Ái do Cha Thánh Vinh Sơn sáng lập.

Và dĩ nhiên, chúng tôi cũng đã ghé qua những điểm du lịch mà du khách nào cũng muốn ghé thăm và chụp ảnh kỷ niệm như: Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe), Place de la Concorde, Elysee Palace¸ Jardin des Plantes, Place de Panthéon, và dĩ nhiên là Tháp Eiffel. Những ngày chúng tôi ở Paris thì Pháp có hai sự kiện đáng nhớ là kỷ niệm ngày Độc Lập 14/7 và trận chung kết Bóng Đá Thế Giới 15/7 tại Nga-xô với Croatia. Vì là dịp hè và lại đúng vào những ngày hội lớn mang tính quốc gia nên người Pháp và khách du lịch từ khắp các nơi kéo đến Paris. Phương tiện giao thông dễ đi nhất là Metro và hệ thống Metro ở đây rất chi chít như lưới mạng nhện nếu không biết đi thì không thể nào đến nơi mình cần đến. Nạn móc túi trên các chuyến Metro cũng làm chính quyền Pháp phải đau đầu vì những kẻ ăn cắp chuyên nghiệp đến từ Rumani, Maroc hay Nigeria. Điều này cũng khiến cho người Pháp luôn cảnh giác với người nước ngoài, nên đến Paris chúng ta hỏi đường hay nhờ sự giúp đỡ thì ít được toại nguyện vì người dân ở đây luôn cảnh giác. Hai anh em trẻ Dòng Đa Minh đã đồng hành với chúng tôi và giải thích cho chúng tôi biết thêm nhiều về cuộc sống và sinh hoạt của người dân Paris nói riêng và nước Pháp nói chung trong những ngày ‘du lịch bụi’ này.

Sau khi xem trận chung kết rượt đuổi tỉ số giữa Pháp và Croatia và cuối cùng Pháp đã nâng chiếc Cúp vô địch sau 20 năm trượt mất, chúng tôi lại phải trở về Hòa Lan ngay đêm ấy để chuẩn bị cho một tuần làm việc mới. Đôi chân sưng húp vì những ngày đi bộ khám phá Paris nhưng bù lại được biết thêm những điều hay lẽ đẹp của một đất nước được mệnh danh là ‘Trưởng Nữ của Giáo Hội’.

Mùa Hè đang đến và mọi người ở đây đều có chương trình nghỉ ngơi cho riêng mình và gia đình mình. Cầu chúc mọi người có một kỳ hè vui vẻ, bình an để lấy lại tinh thần và sức lực sau một năm làm việc mệt nhọc rồi sau đó chúng ta cùng nhau tiếp tục chiến đấu bao lâu chúng ta còn ở đời tạm này. Xin Chúa và Mẹ Maria luôn ban ơn và đồng hành với mọi người.

Hòa Lan, 17 tháng 07 năm 2018,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.