Rebecca là một phụ nữ Nigeria 28 tuổi. Nhóm khủng bố Hồi Giáo Boko Haram bắc cóc cô năm 2014, rồi đem cô vào một khu rừng, ở đấy, đứa con trai 3 tuổi của cô bị dìm xuống sông vì cô từ khước trở lại Hồi Giáo. Cô buộc phải “kết hôn” với 1 trong những kẻ bắt cóc cô, mang thai, và cuối cùng bị bán làm nô lệ.



Nữ Tu Meena, là một dì dòng 40 tuổi, người Ấn Độ. Năm 2008, dì bị hiếp và buộc phải cuốc bộ trần truồng hơn 30 dặm trong khi các người Ấn Giáo cực đoan tiếp tục đánh đập dì trong một cuộc chém giết người Kitô hữu tại Kandhamal khiến ít nhất 100 người thiệt mạng và hàng chục ngàn người bị giam hãm trong một khu rừng gần đó, ở đấy nhiều người hơn nữa đã chết vì khát, đói và rắn cắn.

Dalal là một phụ nữ Yazidi 21 tuổi. Khi cô 17 tuổi, ISIS bắt cóc cô và bán cô làm nô lệ tình dục cho 9 người đàn ông trong 9 tháng. Nhóm cướp phá Syria và Iraq vẫn còn đang cầm tù mẹ cô và em cô.

Cả ba phụ nữ trên có 1 điểm chung: họ là nạn nhân của bách hại dựa trên tôn giáo, và các nhà tranh đấu cho tự do tôn giáo nói rằng họ muốn, và cần thế giới nghe câu truyện của họ, để hàng triệu người có nguy cơ bị giết mỗi ngày vì đức tin của họ có thể có cơ may sống trong hòa bình.

Chính vì thế, Qũi Giáo Hoàng Giúp Đỡ Giáo Hội Có Nhu Cầu (Aid to the Church in Need) đã cho công bố một thư ngỏ trên tờ Vanity Fair Italy vào hôm thứ Tư ngỏ với các nữ tài tử Asia Argento, Meryl Streep, Sharon Stone, Uma Thurman “và mọi người trong qúi chị đã và đang khiến thế giới lưu ý tới tai tiếng bạo lực mà các phụ nữ Tây Phương đang phải chịu đựng”.

Nói tới bạo lực do tôn giáo gợi hứng, lá thư này viết “tình liên đới của các nữ tài tử danh tiếng như qúy chị sẽ phá tan sự dửng dưng”.

Là thư viết thêm: Sự yểm trợ của các nữ tài tử trên dành cho sáng kiến #MeToo đã khiến thế giới lưu ý tới thực hành “cực kỳ thiên kiến đối với phụ nữ” và phẩm giá của họ.

Phong trào hỗ trợ “tất cả những ai bị hiếp dâm, sách nhiễu và hành xác” và #MeToo đi xa hơn các phương tiện truyền thông xã hội bằng cách đem vấn đề ra để hàng triệu người thấy trong các bài xã luận trên các cơ quan phát hành tin tức, trong các cuộc biểu tình với hàng trăm ngàn người tham dự trên đường phố, và cả các tài tử Hollywood mặc phẩm phục đen tới dự Giải Thưởng Golden Globe để hỗ trợ phong trào “Time’s Up” (Đã Đến Lúc), nhằm không những thức tỉnh ý thức mà còn chấm dứt việc sách nhiễu tình dục phụ nữ.

Ấy thế nhưng các phụ nữ như Rebecca, Dalal và Meena hiện vẫn còn “vô hình”, lá thư đăng trên Vanity Fair viết thế. Lá thư này được minh họa với hình chụp 3 người, mỗi người mang tấm biển với “hashtags” mà họ hy vọng sẽ được phổ biến rộng rãi: #MeToo, #NotJustYou #StopIndifference.

Qũy Aid to the Church in Need cho rằng 3 phụ nữ trên đại diện cho “hàng chục ngàn người trên thế giới. Bị bách hại và lăng nhục mà không nhận được tình liên đới và sự hiển thị nào trên các phương tiện truyền thông xã hội và các phương tiện truyền thông nói chung”.

Lá thư ngỏ với Argento, Streep, Stone và Thurman rằng “họ cần tới các chị! [Họ cần tới] sự hợp tác của các chị để phản công sự giả hình không tài nào chịu thấu của những người chỉ tức giận đối với những gì diễn ra tại sân nhà họ nhưng không hề có một ý nghĩ nào, lời nói nào và sự giúp đỡ nào cho những người cũng đau khổ ở nơi rất xa chỉ vì sự im lặng của nhiều người đàn ông và đàn bà”.

Aid to the Church in Need là một qũi giáo hoàng, trong 70 năm qua, từng hỗ trợ “các Kitô hữu bị bách hại khắp nơi trên thế giới và tố cáo các vi phạm chống lại đức tin”.

Đầu năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tặng chiếc Lamborghini mà người ta tặng ngài làm quà cho một nhóm. Được chế tạo theo ý người dùng, chiếc xe này được Sotheby bán đấu giá ở London với giá $950,000 do một người mua không tiết lộ danh tính. Phần lớn số tiền bán được này đã được chuyển cho Aid to the Church in Need để giúp việc trùng tu các ngôi làng ở Bình Nguyên Nineveh, bên Iraq.

Marta Petrosilo, một nữ phát ngôn viên của Aid to the Church in Need Ý nói rằng việc họ quyết định mua một quảng cáo trong một ấn phẩm hàng tuần của các phụ nữ quan trọng có thể coi như một “khiêu khích” nhưng thực ra, “đây là lời kêu cứu để ‘MeToo’ trở thành phong trào cho mọi phụ nữ, kể cả các phụ nữ bị hiếp, tra tấn, sách nhiễu và hành hạ” vì đức tin của họ.

Ước lượng cao nhất con số tân tử đạo Kitô Giáo hàng năm vào khoảng 100,000 người, trong khi ước lượng thấp nhất thì vào khoảng 8,000 người một năm. Người ta ước chừng mỗi phút có 1 Kitô hữu bị giết vì đức tin.

Đức Phanxicô không ngừng nói đến vấn đề này; theo ngài, ngày nay, có nhiều tử đạo Kitô Giáo hơn trước. Tháng 12 năm 2016, ngài nói: “Cả ngày nay nữa, để làm chứng cho ánh sáng và sự thật, Giáo Hội, ở nhiều nơi, bị vây khốn bởi các cuộc bách hại nặng nề, đến phải chịu thử thách cao nhất là tử vì đạo. Biết bao anh chị em của chúng ta trong đức tin đang chịu lạm dụng và bạo lực và bị ghét bỏ vì Chúa Giêsu!”

Ngài nói thêm: “tôi nói với anh chị em một điều. Con số tử đạo ngày nay lớn hơn các thế kỷ đầu tiên [của Giáo Hội]. Khi đọc lịch sử của các thế kỷ đầu tiên, ở đây, ở Rôma này, ta đọc thấy rất nhiều tàn ác đối với các Kitô hữu. Ngày nay, việc ấy cũng đang diễn ra, với con số còn đông hơn thế”.

“Open Doors International” (Hãy Mở Các Cánh Cửa Quốc Tế), một nhóm bảo vệ của Thệ Phản chuyên theo dõi việc bách hại các Kitô hữu, ước lượng rằng trên khắp thế giới, khoảng 200 triệu Kitô hữu hàng ngày có nguy cơ bị sách nhiễu, bách hại, bắt giam, tra tấn và sát hại.

Nguồn: Inés San Martín, Papal foundation pushes #MeToo movement on religious violence (Crux Now, 6 tháng 6, 2018)