Đa số Kitô hữu tại Âu Châu không còn thực hành đạo, nhưng họ khác với những người không có bất cứ thống thuộc tôn giáo nào trong quan điểm về Thiên Chúa, các thái độ đối với người Hồi Giáo, di dân, và các ý kiến về vai trò của tôn giáo trong xã hội.





Theo một cuộc thăm dò mới của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew về các niềm tin và thực hành tôn giáo ở Tây Âu, tại đây, nơi Kitô Giáo Thệ Phản phát sinh và Đạo Công Giáo đặt căn cứ gần trọn suốt lịch sử của nó, đã và đang trở thành một trong những vùng có đầu óc thế tục nhất thế giới. Dù đại đa số người trưởng thành nói họ đã chịu phép rửa, ngày nay, nhiều người không tự mô tả mình là Kitô hữu. Một số nói rằng họ từ từ trôi giạt ra xa tôn giáo, ngưng tin vào các giáo huấn tôn giáo, hoặc ra xa lạ trước các tai tiếng hoặc chủ trương của Giáo Hội về các vấn đề xã hội.

Ấy thế nhưng phần lớn người trưởng thành được thăm dò vẫn tự coi mình là Kitô hữu, mặc dù ít khi họ tới nhà thờ. Thực vậy, cuộc thăm dò cho thấy: các Kitô hữu không thực hành đạo (vì mục đích của tường trình này, những người này được định nghĩa là người nhận mình là Kitô hữu nhưng chỉ tham dự các nghi lễ ở nhà thờ mỗi năm chừng vài lần) hiện đang tạo nên thành phần lớn nhất trong dân số vùng này. Tại mọi quốc gia, trừ Ý, họ đông hơn các Kitô hữu đi nhà thờ (tức những người tham dự nghi lễ nhà thờ ít nhất mỗi tháng 1 lần). Tại Vương Quốc Thống Nhất (Anh), chẳng hạn, theo định nghĩa này, các Kitô hữu không thực hành đạo (55%) chiếm gần như 3 lần nhiều hơn các Kitô hữu thực hành đạo (18%).





Con số các Kitô hữu không thực hành đạo cũng vượt xa con số những người không thống thuộc tôn giáo nào (tức những người nhận mình là vô thần, bất khả tri hay “không là gì đặc biệt cả” gọi tắt là “nones”) trong hầu hết các nước được thăm dò (1). Và, cả sau việc gia tăng di dân gần đây từ Trung Đông và Bắc Phi, số Kitô hữu không thực hành đạo ở Tây Âu vẫn đông hơn mọi tôn giáo khác gộp lại (Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo v.v...)

Những con số trên nêu lên một số câu hỏi hiển nhiên: Ý nghĩa căn tính Kitô giáo ở Tây Âu ngày nay là gì? Và các Kitô hữu không thực hành đạo khác ra sao so với những người châu Âu không thống thuộc tôn giáo nào – mà nhiều người cũng xuất thân từ nguồn gốc Kitô giáo?

Cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew - liên quan đến hơn 24,000 cuộc phỏng vấn qua điện thoại với những người trưởng thành được lựa chọn ngẫu nhiên, bao gồm gần 12,000 Kitô hữu không thực hành đạo - thấy rằng căn tính Kitô giáo vẫn là một dấu chỉ có ý nghĩa ở Tây Âu, ngay cả nơi những người ít khi đến nhà thờ. Đây không chỉ là một căn tính "chiểu danh" (nominal) mà thôi, không có tầm quan trọng thực tế. Ngược lại, các quan điểm về tôn giáo, chính trị và văn hóa của các Kitô hữu không thực hành đạo thường khác với các quan điểm của những Kitô hữu đi nhà thờ và những người trưởng thành không thống thuộc tôn giáo. Ví dụ:

* Mặc dù nhiều Kitô hữu không thực hành đạo nói rằng họ không tin vào Thượng Đế “như được mô tả trong Thánh Kinh,” họ có khuynh hướng tin vào một quyền năng cao hơn hoặc một sức mạnh thiêng liêng khác nào đó. Ngược lại, hầu hết các Kitô hữu đi nhà thờ đều nói rằng họ tin vào sự mô tả của Thánh Kinh về Thiên Chúa. Và phần lớn những người lớn không thống thuộc tôn giáo không tin vào bất cứ loại quyền năng hay sức mạnh thiêng liêng cao hơn nào trong vũ trụ.

* Các Kitô hữu không thực hành đạo có khuynh hướng bày tỏ các quan điểm tích cực hơn tiêu cực đối với các giáo hội và các tổ chức tôn giáo, nói rằng chúng phục vụ xã hội bằng cách giúp đỡ người nghèo và đem các cộng đồng lại với nhau. Thái độ của họ đối với các định chế tôn giáo không hoàn toàn thuận lợi như các Kitô hữu đi nhà thờ, nhưng hơn những người châu Âu không thống thuộc tôn giáo, họ có phần sẵn sàng nói rằng các giáo hội và các tổ chức tôn giáo khác đóng góp một cách tích cực cho xã hội.

* Căn tính Kitô giáo ở Tây Âu được liên kết với mức cảm quan tiêu cực hơn đối với người nhập cư và người thiểu số tôn giáo. Nói chung, những người tự nhận là Kitô hữu - dù đi nhà thờ hay không - có phần chắc hơn những người không thống thuộc tôn giáo trong việc phát biểu các quan điểm tiêu cực về người nhập cư, cũng như của người Hồi giáo và người Do Thái giáo.

* Các Kitô hữu không thực hành đạo ít có xác xuất hơn các Kitô hữu thực hành đạo trong việc bày tỏ các quan điểm duy quốc gia. Tuy nhiên, họ có nhiều xác xuất hơn những người "nones" trong việc nói rằng nền văn hóa của họ trổi vượt hơn các nền văn hóa khác và cần có tổ tiên của đất nước mới chia sẻ được căn tính quốc gia (ví dụ, người ta phải có bối cảnh gia đình Tây Ban Nha mới thực sự là người Tây Ban Nha).

* Giống đại đa số những người không thống thuộc tôn giáo ở Tây Âu, đại đa số các Kitô hữu không thực hành đạo ủng hộ việc phá thai hợp pháp và hôn nhân đồng tính. Các Kitô hữu đi nhà thờ bảo thủ hơn về những vấn đề này, dù vậy, ngay trong số các Kitô hữu đi nhà thờ, cũng có sự hỗ trợ đáng kể - và ở một số nước, đa số ủng hộ - cho việc phá thai hợp pháp và hôn nhân đồng tính.

* Gần như tất cả các Kitô hữu đi nhà thờ mà là cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ vị thành niên (những người dưới 18 tuổi) đều nói rằng họ dưỡng dục con em họ trong đức tin Kitô giáo. Các Kitô hữu không thực hành đạo, có phần ít hơn - dù vẫn là đa số áp đảo - nói rằng họ nuôi dạy con cái họ thành các Kitô hữu. Ngược lại, các cha mẹ không thống thuộc tôn giáo, nói chung, nuôi dạy con cái họ một cách phi thống thuộc tôn giáo.



Căn tính và thực hành tôn giáo không phải là các nhân tố duy nhất đứng đàng sau các niềm tin và ý kiến của người châu Âu về các vấn đề này. Ví dụ, những người Châu Âu có học vấn cao, nói chung, chấp nhận người nhập cư và người thiểu số tôn giáo nhiều hơn, còn những người trưởng thành không thống thuộc tôn giáo có xu hướng dành nhiều năm đi học hơn các Kitô hữu không thực hành đạo. Nhưng cả sau khi các kỹ thuật thống kê được sử dụng để hiểu sự khác biệt về giáo dục, tuổi tác, giới tính và ý thức hệ chính trị, cuộc thăm dò vẫn cho thấy các Kitô hữu đi nhà thờ, các Kitô hữu không thực hành đạo và những người châu Âu không thống thuộc tôn giáo thể hiện các thái độ khác nhau về tôn giáo, văn hóa và xã hội. (Xem bên dưới trong cái nhìn tổng quát này và Chương 1.)

Đó là một số phát hiện chủ yếu của cuộc thăm dò mới của Trung tâm nghiên cứu Pew về 24,599 người lớn được lựa chọn ngẫu nhiên tại 15 quốc gia ở Tây Âu. Các cuộc phỏng vấn được tiến hành bằng điện thoại di động và điện thoại cố định từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2017, bằng 12 thứ tiếng. Cuộc thăm dò này không chỉ khảo sát các tín ngưỡng và tác phong tôn giáo truyền thống của Kitô hữu, ý kiến về vai trò của các định chế tôn giáo trong xã hội và quan điểm về căn tính quốc gia, người nhập cư và người thiểu số tôn giáo, mà cả các thái độ của người châu Âu đối với các ý tưởng và thực hành tâm linh của phương Đông và Tân Đại (New Age). Và nửa phần hai của bài tổng quan này sẽ khảo sát kỹ hơn các tín ngưỡng và các đặc điểm khác của dân số không thống thuộc tôn giáo trong khu vực.
Trong khi đại đa số người Tây Âu nhận diện mình là Kitô hữu hoặc không thống thuộc tôn giáo, cuộc thăm dò cũng bao gồm các cuộc phỏng vấn với những người thuộc các tôn giáo khác (không phải là Kitô giáo) cũng như với một số người từ chối trả lời các câu hỏi về căn tính tôn giáo của họ. Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia, các mẫu thăm dò không giúp phân tích chi tiết các thái độ của những người trong nhóm này. Hơn nữa, thể loại này bao gồm phần lớn người trả lời Hồi giáo, và các cuộc thăm dò dân số nói chung có thể ít đại diện cho người Hồi giáo và các nhóm tôn giáo nhỏ khác ở châu Âu vì các nhóm thiểu số này thường phân bố khác nhau ở khắp nước hơn là dân số nói chung; ngoài ra, một số thành viên của các nhóm này (đặc biệt là những người nhập cư gần đây) không nói được ngôn ngữ quốc gia đủ để tham gia vào cuộc thăm dò. Kết quả là, bản tường trìn này không cố gắng nói rõ đặc tính các quan điểm của những người thiểu số tôn giáo như người Hồi giáo, Do thái giáo, Phật giáo hay Ấn giáo ở Tây Âu.

Kỳ sau: Đâu là số trung bình?